CHUYỆN GÌ XẢY RA TRONG VƯỜN CÂY DẦU?
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
WHĐ (26.03.2021) - Từ nhà thờ
Kinh Lạy Cha, tôi dạo bước xuống Vườn Cây Dầu cách đó chừng 1 km dọc theo con
đường Lễ Lá. Tại đây người ta dễ nhận ra khu vườn tương đối nhỏ bên cạnh nhà thờ
Hấp Hối (The basilica of the Agony). Nhà thờ rộng lớn này được xây lên để tưởng
nhớ thời khắc thầy Giêsu trong vườn dầu, giọt mồ hôi tựa những giọt máu rơi xuống
đất.
Gian cung thánh nhà thờ còn một
tảng đá lớn mà theo truyền thống, người ta tin rằng chính nơi ấy thầy Giêsu đã
quỳ gối cầu nguyện. Ngày nay các cha dòng Phanxicô làm một vòng gai bằng sắt lớn
đặt quanh tảng đá tựa như mão gai quân lính đội cho thầy Giêsu.
Bên trái nhà thờ là bức ảnh lớn
“chụp” lại cảnh quân lính đến bắt Thầy và bên phải là thời khắc Giu-đa
Ít-ca-ri-ốt hôn để chỉ điểm Thầy. Đó là những nội dung liên quan đến một đêm
kinh hoàng cho các môn đệ, một đêm xao xuyến của thầy Giêsu và một đêm kỷ niệm
cho tôi khi theo nhóm của Thầy vào vườn cây dầu.
Ngoài ra, khu vực vườn cây dầu
hiện nay còn có “mộ của Đức Mẹ”[1],
nhà thờ Chính thống giáo Hy lạp và Chính Thống Nga sát cạnh nhà thờ thánh Maria
Ma-đa-lê-na.
1. Khu Vườn Thân Thuộc
Khác với sự náo nhiệt trong nội
thành hay chốn đông người, vườn cây dầu là nơi hoang vắng mỗi khi trời về đêm.
Quanh khu vườn là một quần thể mồ mả của người Do Thái. Ngày xưa Thầy trò Đức
Giêsu thường hay lưu lại chốn này để nghỉ ngơi và hàn huyên tâm sự. Bởi đó, ai
trong các môn đệ cũng tinh tường đường đi nước bước quanh khu vực này.
Điều ấn tượng đầu tiên đối với
tôi là những cây Ô-liu cổ thụ mà người ta tin rằng chúng đã chứng kiến tất cả
những gì Thầy trò Đức Giêsu đã hội họp tại đây. Nào là những giờ chỉ có thầy trò
ngồi dưới bóng mát của khu vườn, nào là những đêm trăng thanh gió mát Thầy trò
dạo bước sau bữa ăn. Nhất là đêm nay, Thầy trò đến một thửa đất gọi là Vườn Giết-sê-ma-ni
(Bồn ép dầu Ô-liu, nằm dưới chân núi Ô-liu phía Đông thành Giêrusalem).
Tại đây đêm nay, khu vườn
không còn chỉ là chốn riêng tư của Thầy trò Giêsu nữa, nhưng là nơi người ta
đem gậy gộc, khí giới đến bắt Thầy. Khu vườn trở nên ồn ào. Đây đó tôi thấy những
nhành lá Ô-liu nằm lăn lóc. Lúc quân lính đến, người ta vung gươm múa kiếm,
văng khua gậy gộc khiến cành lá Ô-liu cũng phải tổn thương. Đó là cảnh náo động
mà chính những cây Ô-liu như một dấu chứng của đêm hôm ấy: Đêm Thầy bị bắt.
Tôi đứng gần cây lớn nhất
trong vườn để ngắm nhìn những gì đang diễn ra đêm hôm ấy. Vỏ cây sần sùi và mỗi
năm người ta đều cắt tỉa không cho chúng lên cao hơn. Bởi thế thân cây cao chừng
3-4m ngày càng béo phì ra hơn. Nhìn tuổi đời của cây, tôi liên tưởng đến đêm
hôm Thầy bị bắt để thiết tha xin với Thầy cho tôi được ở lại với Thầy trong đêm
nay, để tỉnh thức với Thầy và cùng hiệp thông với Thầy trong vài giờ tại khu vườn
nổi tiếng này.
2. Giờ cầu
nguyện với nỗi sợ kinh hoàng
Khi Thầy trò đến khu vườn là
lúc gần nửa đêm. Bóng tối bao trùm mặt đất và ngọn đuốc các ông lúc nãy soi đường
cũng dần tàn. Bấy giờ Thầy căn dặn các môn đệ một điều thiết yếu cho đêm nay:
“Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.” (Lc 22,40). Xa-tan không bao giờ
ngủ, chúng lúc nào chẳng cám dỗ, thưa Thầy? Tôi nghĩ bụng như thế. Nhưng xét
cho cùng thì đêm nay chính là lúc Xa-tan hoành hành, chúng không chỉ nhắm đến mạng
sống của Thầy mà còn khiến các môn đệ phải chạy toán loạn.
Rồi người để tám môn đệ kia ở
lại (hiện nay là hang động nhà nguyện Giết-sê-ma-ni, sát “mộ của Đức Mẹ”). Ba
môn đệ còn lại được theo Thầy đến khu những cây Ô-liu cổ thụ cách chừng 50m và
cầu nguyện ở đó. Đến nơi, Thầy bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bởi Thầy biết
mình sắp đối diện với điều gì. Thầy ngồi xuống với ba môn đệ và nói: “Tâm hồn
Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” (Mt 26, 38).
Lúc này Thầy cần các ông như
nguồn an ủi trong cơn khốn khó. Thầy cần những người bạn có phúc cùng hưởng có
họa cùng chia. Những lúc các ông gặp khó khăn chính Thầy đến để an ủi trợ giúp.
Lúc này, Thầy xin các ông ở lại để canh thức với Thầy. Hóa ra trong mọi cơn
thách đố của cuộc đời, ai cũng cần tha nhân để nương tựa, cần trợ lực để vượt
qua. Tiếc là các ông không hiểu Thầy đang phải chịu những gì; do đó mắt các ông
trĩu nặng vì trời đã gần sang canh.
Lúc này Thầy đi xa hơn một
chút tới tảng đá lớn đàng kia để cầu nguyện. Nơi đó chắc hẳn là chỗ thân quen để
Thầy gặp gỡ Thiên Chúa Cha. Một tảng đá lớn tựa bàn thờ để hiến tế con chiên.
Thầy sấp mặt xuống đó và cầu nguyện cùng với Cha. Đầu tiên Thầy xin Cha cho Thầy
khỏi phải uống chén đắng này. Tuy vậy, Thầy vẫn xin Cha đừng làm theo ý Thầy,
nhưng một theo ý Cha. “Áb-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa
con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn. (Mc 14,36). Lúc
này Thầy bị đặt trong mối giằng co giữa sự sống và lòng tuân phục Chúa Cha.
Nhưng dẫu sao, là con người, tâm trạng Thầy không tránh khỏi nỗi buồn sầu đau
khổ trước giờ lâm tử. Nhìn Thầy lúc này tôi nhớ lại những lời Thánh vịnh mô tả
về người công chính đau khổ[2].
Thánh Mát-thêu kể tiếp sau lần
cầu nguyện thứ nhất, Thầy quay lại chỗ ba môn đệ. Buồn thay, vì các ông đang ngủ.
Thầy lay Phê-rô dậy, Gio-an và Gia-cô-bê cũng tỉnh giấc. Thầy nhắc ba ông: “Thế
ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và
cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể
xác lại yếu hèn.” (Mt 26, 40-41).
Vậy là nỗi buồn của Thầy gia
tăng khi các môn đệ thân tín của mình hồn nhiên no ngủ. Thật ra sau một ngày
ròng rã với Thầy, một bữa tiệc dài với nhiều thông điệp Thầy trao, lúc này họ đều
mệt mỏi. Vả lại buồn ngủ là sở trường của các môn đệ mà! Thầy thông cảm và tiếp
tục cầu nguyện với Cha.
Lần hai, Thầy cầu nguyện với
cùng một nội dung vốn xin cho mình thoát khỏi giờ này. Tôi nhìn bước chân Thầy
trĩu nặng, chiếc áo thấm đẫm mồ hôi, mặc dù trời lúc này sương rơi gió mát. Thầy
tuôn mồ hôi mà theo thánh Luca ghi nhận là như những giọt máu rơi xuống đất.
Sau
đó Thầy trở lại chỗ môn đệ và thấy các ông vẫn đang ngon giấc. Mắt các ông
không chiến thắng được cơn buồn ngủ dù các ông biết cần phải canh thức với Thầy.
Đúng là xác thịt thì yếu đuối khiến các ông khó canh thức với Thầy. Lần này Thầy
không đánh thức các ông, nhưng trở lại cầu nguyện lần thứ ba với Chúa Cha với
ơn xin như hai lần trước.
Tuy vậy, lần này thầy Giêsu
đã có câu trả lời minh thị từ Chúa Cha: Thầy phải chết để cứu độ con người. Từ
lúc đó, Thầy đón nhận tất cả và theo như mạch văn của thánh Gioan, Thầy chủ động
trong cuộc khổ nạn. Thầy đứng dậy, đến chỗ các môn đệ và nói: “Lúc này còn ngủ,
còn nghỉ sao? Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Đứng dậy,
ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới.” (Mt 26,45-45).
3. Quân lính đến bắt Thầy
Tôi ngước nhìn xuống phía dưới
thung lũng Kít-rôn liền thấy những bó đuốc đang tiến lại khu vườn. Thỉnh thoảng
nghe tiếng xì xào của người chỉ đường và tiếng la ó của quân lính hung hăng hằm
hằm sát khí. Họ là một đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Chúng thừa lệnh
của Thượng Hội Đồng đến bắt Thầy.
Bỗng nhiên khu vườn trở nên ồn
ào, các môn đệ tỉnh ngủ và bàng hoàng khi thấy nhóm lính tráng hung hăng. Phần
thầy Giêsu thừa biết chuyện gì đang xảy ra nên Thầy tiến ra hỏi họ muốn tìm ai.
Dĩ nhiên là toán lính cùng đám thuộc hạ đang tìm Giêsu Nazarét. Thầy nói:
“Chính tôi đây. Nghe thấy thế, quân lính cảm thấy vẻ uy nghi quyền năng của Thầy,
nên họ lùi lại và ngã xuống đất.” (Ga 18,5-6).
Bọn chúng đứng dậy, lấy lại
bình tĩnh để chu toàn nhiệm vụ. Chúng nhìn về phía Giu-đa để yêu cầu ông phải
chỉ đích danh ai là Giêsu. Thực ra chúng có lý vì biết đâu đêm tối chập choạng
bắt nhầm người thì công cốc và hậu quả khó lường trước Thượng Hội Đồng, do đó
chúng yêu cầu Giu-đa chỉ điểm. Với bộ dạng không mấy tự tin, Giu-đa bước tới
hôn Thầy. Một nụ hôn phản bội đã đi vào huyền thoại, bởi mỗi lần nhắc tới
Giu-đa bán Chúa, người đời không quên giây phút ông nộp Chúa bằng một nụ hôn.
Thầy lúc ấy nhìn thẳng vào mắt ông và nói: “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp
Con Người sao?” Ông im lặng rụt bước về phía lính tráng.
Ai cũng nhận ra tình hình
đang trở nên căng thẳng bởi một bên hung giữ muốn bắt Thầy, bên kia muốn bảo vệ
Thầy. Phê-rô với tính khí cương nghị và trong vai trò trưởng nhóm, ông phản
kháng chống trả bằng cách tuốt gươm chém đứt tai phải đầy tớ của vị thượng tế
tên là Man-khô. Ngay sau đó, Phê-rô bị Thầy khiển trách và giải thích cho ông
hiểu: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng
uống.” (Ga 18,11). Thế là Thầy đưa tay làm phép lạ chữa lành cho Man-khô. Tôi
thấy ông ngỡ ngàng vì một phép lạ nhãn tiền. Ông quỳ gối cảm ơn và lúng túng
không biết làm gì, nên bắt hay nên tha cho Thầy.
Tuy vậy, một mình Man-khô đâu
chống lại bằng ấy toán lính kia. Chúng nhanh chóng bao vây trói Thầy lại. Thầy
không kháng cự. Các môn đệ thấy tình hình không mấy an toàn nên bỏ chạy hết, chỉ
còn Phê-rô theo xa xa.
Thế là Thầy chính thức bắt đầu
đi vào con đường thập giá. Mưu đồ của Thượng Hồi Đồng đã dần hiện thực, vì bấy
lâu nay họ luôn muốn bắt Giêsu. Bắt đầu ngày mới, khu vườn chỉ còn tiếng sột soạt
la ó bắt Thầy đi nhanh hơn. Vì khu vườn là chỗ xa dân cư nên chẳng ai biết chuyện
gì đang diễn ra lúc này. Người nào cũng chìm trong giấc ngủ.
Các Tin Mừng chỉ trình thuật
vỏn vẹn một câu: Họ điệu Đức Giêsu đến ông Kha-nan là nhạc phụ ông Cai-pha. Tuy
nhiên nếu ai có mặt buổi điệu giải Thầy hôm đó, đều thấy chặng đường dài gồ ghề
mà quân lính bắt Thầy phải đi nhanh. Từ khu vườn, người ta dẫn Thầy trực chỉ xuống
thung lũng Kit-rôn, rồi trèo lên hướng về nhà ông Cai-Pha. Trong cảnh hoang
mang ấy, tôi chợt nhận ra Thầy đang chịu cực vì ai!
4. Đức Mẹ nhận hung tin
Các Tin Mừng không kể lại thời
khắc Đức Mẹ biết con mình bị bắt. Tuy nhiên tôi nhớ có lần xem phim Cuộc khổ nạn
của Chúa Giêsu, đạo diễn khéo léo quay lại cảnh Gioan chạy về báo tin cho Đức Mẹ.
Dầu sao đêm nay, tôi cũng được mời gọi chiêm niệm lại cảnh ấy.
Từ hồi đêm, giấc ngủ Đức Mẹ cứ
chập chờn, lòng Mẹ bất an vì một điều gì đó sắp xảy ra. Thôi thì Mẹ cố nhắm mắt
ngủ cho lại sức. Đột nhiên Mẹ nghe tiếng gọi thất thanh của thánh Gioan: “Mẹ
ơi, người ta bắt Thầy rồi...!” Mẹ không tin vào tai mình, chắc mình đang nằm
mơ. Nhưng không, Mẹ ra mở cửa thì thấy Gioan đang thở hổn hển vì chạy nhanh về
báo cho Mẹ một hung tin. Lúc này Mẹ bàng hoàng bối rối, vì không biết chuyện gì
đang xảy ra với con của Mẹ.
Thực ra kể từ khi con của Mẹ
bắt đầu sứ mạng công khai rao giảng Tin Mừng, Mẹ lúc nào cũng linh cảm một ngày
người ta sẽ gây cho con của Mẹ nhiều đau khổ. Vả lại hơn ai hết, Mẹ hiểu những
lần Thầy tiên báo về Cuộc khổ nạn, Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng. Mẹ đâu ngờ,
linh cảm ấy lại đến trong đêm nay. Mẹ nhanh chóng cùng với Gioan tìm đến nơi
Giêsu xem sự thể như thế nào. Trong đêm tối, người ta vẫn nhìn thấy giọt nước mắt
Mẹ tuôn rơi, lòng Mẹ nát tan, vì người con Mẹ hằng yêu mến đang gặp gian truân.
Tôi theo Mẹ và Gioan đến nhà
ông Caipha trên sườn núi Sion. Ở đó, chúng tôi chứng kiến nhiều câu chuyện liên
quan đến Thầy và cả ông Phêrô nữa.
Kỳ tới:
Đêm Đức Giêsu bị bắt, chuyện gì xảy ra?
Kỳ trước:
1. Tại sao người ta đến Giêrusalem?
2. Câu chuyện bức tường thành
Giêrusalem
3. Dinh Tổng Trấn Philatô, nơi xét xử
Đức Giêsu
5: Thăm
phòng tiệc ly của Đức Giêsu
(Tác giả gửi bài cộng tác đến Ban biên tập Website Hội đồng Giám mục Việt
Nam tại địa chỉ email: bbt.whd@gmail.com)
[1] Nếu đến Đất Thánh, người ta thường đến hai nơi liên quan đến
Đức Mẹ. Theo truyền thống của Chính thống giáo, sau khi mất, Đức Mẹ được an
táng trong mồ, gần vườn Giết-sê-ma-ni. Cũng giống như Con của Mẹ là Chúa Giêsu,
sau ba ngày Mẹ được đưa lên trời cả hồn và xác. Truyền thống của người Kitô
giáo cho rằng Đức Mẹ chỉ ngủ và trong giấc ngủ Đức Mẹ được đưa về trời. Bởi đó
trên núi Sion, tương truyền chính là nơi Đức Mẹ ở những năm cuối đời. Hiện nay
là nhà thờ Đức Mẹ Ngủ (the Dormition of the Virgin Mary).
[2] “Vậy mà con đã nói vì hốt hoảng: Con bị đuổi đi khuất mắt
Chúa rồi! Thế nhưng Ngài đã nghe tiếng con nài van trong ngày con kêu cứu.” Tv
31,23. “Từ cùng cõi địa cầu, con kêu lên Chúa, tâm thần con đang mòn mỏi rã rời.
Trên tảng đá kia cao vời vợi, xin Ngài dẫn con lên.” Tv 61,3