WHĐ (09/01/2025) - Mục vụ cho thiếu nhi luôn là ưu tư hàng đầu của quý Bề trên của Tổng Giáo phận Hà Nội (TGP HN) vì các em là hiện tại và tương lai của Giáo hội và xã hội. Điều này mời gọi Ủy ban mục vụ Thiếu Nhi (UBTN) cần có một kế hoạch lâu dài và khả thi để có thể giúp các em thiếu nhi thăng tiến theo cách thức hợp thời mà vẫn giữ được những giá trị tuyệt vời của Đạo Chúa. Trong phần này, Ủy ban mục vụ Thiếu Nhi Tổng Giáo phận Hà Nội xin được giới thiệu đôi nét về đối tượng mục vụ, yêu cầu trong việc mục vụ các đối tượng này cũng như các phương thức mục vụ tổng quát; kế đến là những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng tới việc mục vụ; cuối cùng là kế hoạch mục vụ thiếu nhi trong giai đoạn sắp tới cũng như những chương trình mục vụ đã và đang thực hiện.
I. ĐỐI TƯỢNG – YÊU CẦU
Đối tượng ưu tiên hàng đầu của Ủy ban mục vụ Thiếu Nhi chính là các em thiếu nhi. Tuy nhiên, việc đào tạo các em thiếu nhi cần sự chủ động trong gia đình, ngoài xã hội cũng như của Giáo hội (giáo xứ). Vì thế, cùng với việc mục vụ cho thiếu nhi, Ủy ban mục vụ Thiếu Nhi cũng nhận thấy sự cần thiết của việc quan tâm và đào tạo những người đồng hành với các em.
1) Các em thiếu nhi
Thiếu nhi có nét đặc biệt là phát triển theo từng độ tuổi và cần phải được giáo dục cách toàn diện (nhân bản, thiêng liêng. làm tông đồ). Vì mỗi độ tuổi khác nhau lại có sự phát triển khác nhau nên tuy đối tượng là các em thiếu nhi nhưng lại chia ra nhiều nhóm tuổi. Điều này đòi hỏi việc đào tạo phải kiên trì, tiệm tiến, thích ứng và có chuyên môn theo từng nhóm tuổi.
Giáo dục toàn diện là giúp các em trưởng thành về đời sống nhân bản và đời sống thiêng liêng với lòng nhiệt tâm sống đạo và có thể giới thiệu Chúa cho những người khác. Điều này đòi hỏi việc đào tạo cần sâu rộng, lâu dài và có sự kết hợp với nhiều thành phần khác nhau trong Giáo hội.
2) Những người đồng hành với các em
Các thành phần đó là: phụ huynh; người dạy dỗ các em về đức tin và nhân bản tại giáo xứ: quý cha, quý thầy, quý dì, các giáo dân được tín nhiệm để dạy dỗ các em về đức tin, giáo lý, ...; những người cộng tác để hỗ trợ trong việc giáo dục thiếu nhi...
Các thành phần này cần được khơi gợi tấm lòng yêu mến trẻ, cần có nền tảng về Kinh Thánh, sống gắn bó với Thánh Thể, hiểu biết về giáo lý, khả năng sự phạm, biết kỹ năng sống... được huấn luyện để hiểu biết hơn về phương thức đào tạo và cập nhật thường xuyên về những điều đổi mới trong cách dạy và học.
II. PHƯƠNG THỨC MỤC VỤ
Dựa vào đối tượng và yêu cầu ở trên, Ủy ban mục vụ Thiếu Nhi Tổng Giáo phận Hà Nội nhận thấy: ở thời điểm hiện tại, Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam (PTTNTTVN) là một đoàn thể tông đồ giáo dân phù hợp trong việc thăng tiến thiếu nhi. Phong trào này có lịch sử hình thành hơn 100 năm (1917) và luôn canh tân để thích ứng với thời đại.
– Phong trào có tôn chỉ là sống Lời Chúa kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong sự cầu nguyện, rước lễ, hy sinh, làm tông đồ (Nội Quy TNTT năm 2019, điều 4).
– Phong trào có các phương pháp giúp phát triển toàn diện con người(5 phương pháp tự nhiên để giúp về mặt nhân bản, 5 phương pháp siêu nhiên để giúp các em gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể cũng như thêm hiểu biết và sống Lời Chúa)
– Phong trào cũng có sự quan tâm đến các lứa tuổi của thiếu nhi; cũng như có sự hướng dẫn các thành phần giúp đỡ các em và phương cách huấn luyện các thành phần đó
a. Với các em thiếu nhi nói chung (Đoàn sinh):
- có chương trình huấn luyện chung theo từng độ tuổi, phù hợp với tâm lý của các em, tiệm tiến gọi là Chương Trình Thăng Tiến gồm 4 phần căn bản: Giáo lý (theo chương trình của giáo phận); Nhân bản; Hiểu biết về phong trào; Kỹ năng chuyên môn
- có cách thức học mà vui, vui mà học để giúp các em mau thuộc bài, nhớ bài, tạo thoải mái trong việc dạy và học
- ngoài ra các em trong cùng một nhóm tuổi được liên kết với nhau (ngành) áp dụng Khung cảnh Thánh Kinh là chính cuộc đời của Chúa Giêsu
- với các em có sự trổi vượt về nhân cách, khả năng lãnh đạo, mức độ hăng hái... được chọn làm đội trưởng, đội phó: có khóa huấn luyện, được tuyên hứa và trao trách nhiệm giúp các bạn.
- về hình thức, mặc đồng phục mà vẫn có nét riêng của từng ngành được nhận biết qua màu khăn, màu cờ, cấp hiệu, khẩu hiệu....
b. Với các thành phần khác
Quý cha đặc trách (Tuyên úy), quý thầy, quý sơ (Trợ úy), Những người dạy các em (huynh trưởng gồm cấp tập sự (dự trưởng), cấp I, cấp II, cấp III, huấn luyện viên), những người cộng tác để hỗ trợ như Ban Hội đồng Mục vụ, Phụ huynh (trợ tá): cũng có các khóa huấn luyện và tài liệu hỗ trợ từng thành phần.
Ủy ban mục vụ Thiếu Nhi nhận định: việc áp dụng Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể theo đúng đường hướng của phong trào kết hợp với những nét đặc trưng của Tổng Giáo phận để đào luyện các em và những người dạy dỗ các em sẽ đem lại hiệu quả tốt đẹp, có sự hiệp nhất với toàn quốc và tạo ra được nét đặc sắc riêng.
III. TÌNH HÌNH THỰC TẾ
Với việc được các Đấng Bản Quyền chuẩn nhận và khuyến khích áp dụng phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, Ủy ban mục vụ Thiếu Nhi Tổng Giáo phận Hà Nội cũng đã từng bước tái lập và phát triển phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể trên các giáo xứ, giáo hạt. Ủy ban mục vụ Thiếu Nhi cũng đã có Văn phòng riêng để thuận tiện cho việc tư vấn, lưu trữ hồ sơ thông tin, cung cấp đồng phục. Tuy nhiên, nhìn vào tình hình thực trạng thiếu nhi hiện nay của Tổng Giáo phận Hà Nội, Ủy ban mục vụ Thiếu Nhi nhận thấy nổi bật lên 3 yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến việc mục vụ thiếu nhi tại Tổng Giáo phận Hà Nội: về tác động của ngoại cảnh, về tâm thức, về nhân sự đào tạo.
1) Về tác động của ngoại cảnh
– Do các em phải học quá nhiều điều, không chỉ học kiến thức văn hóa trên lớp, còn học thêm, học các môn ngoại khóa nên thiếu thời gian đến dự lễ, viếng Chúa, học giáo lý, dự sa mạc huấn luyện...
– Môi trường xã hội thích hưởng thụ, chủ nghĩa vô thần trong thực hành, sự dửng dưng lãnh cảm... là những điều khiến cho các em thiếu nhi bị tiêm nhiễm mạnh mẽ, làm cho những người đào tạo cũng bị ảnh hưởng không nhỏ...
2) Về tâm thức
Đây là một yếu tố tinh thần nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến trong việc mục vụ thiếu nhi. Xin được kể ra một số ví dụ:
– Không dám hy sinh: Làm việc giúp thiếu nhi cần nhiều sự hy sinh: dành thời gian đến với Chúa và đào sâu kiến thức, mất công sức và thời gian đồng hành với các em, sẵn sàng cho các công việc chung... Tuy nhiên với tâm thức ngại hy sinh, mọi thứ bị giản lược: chỉ giữ mức độ tối thiểu trong tất cả, làm việc cách hời hợt, chọn công việc nhẹ nhàng, tìm quyền lợi cá nhân trong khi phục vụ...
– Học lấy kiến thức văn hóa là quan trọng hàng đầu, còn học giáo lý chỉ để lãnh nhận các bí tích: Với lý do con cái cần học văn hóa để lo cho tương lai, cộng thêm với một hệ thống giáo dục ngoài xã hội còn bất cập, nhiều phụ huynh coi nhẹ việc học giáo lý, xem thường hoạt động của phong trào, thậm chí sẵn sàng bỏ việc học giáo lý của con cái để đưa con đi học thêm. Hệ lụy là nhiều trường hợp khi con lãnh các bí tích xong thì không cho đi hoặc không động viên con đi học tiếp.
– Đùn đẩy trách nhiệm: việc đào tạo các em cần có sự kết hợp giữa gia đình, xã hội và giáo xứ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không làm gương sáng về đời sống đức tin và nhân bản, quên mất trách nhiệm chính trong việc hướng dẫn đời sống của con cái. Trên trường lớp, nhiều giáo viên chỉ lo truyền đạt kiến thức mà thiếu sự dạy dỗ về nhân bản; ít quan tâm đến sự phát triển toàn diện của các em… Trong một số giáo xứ, có những người đồng hành lấy nhiều lý do để không dạy giáo lý, ít quan tâm tới các em...
3) Về nhân sự đào tạo
– Các em thiếu nhi có số lượng đông, tuy nhiên người đồng hành với các em lại thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, đội ngũ huấn luyện ở giáo xứ, giáo hạt, giáo phận ít ỏi, những chuyên viên về các lãnh vực giúp cho thiếu nhi hầu như không có. Nhiều huynh trưởng, dự trưởng không còn phục vụ vì đi làm, đi học nơi khác, lập gia đình... trong khi vẫn chưa có đội ngũ thay thế.
– Rất nhiều người dạy giáo lý cho các em không muốn tham gia phong trào với lý do có tuổi, không quen cách thức, do tâm lý mặc cảm...
– Nhiều người được đặt làm lãnh đạo nhưng chưa đủ hiểu biết về phương thức đào tạo.
IV. KẾ HOẠCH MỤC VỤ
Từ những điều vừa trình bày ở trên, Ủy ban mục vụ Thiếu Nhi Tổng Giáo phận Hà Nội đã đưa ra định hướng với những hoạt động sau đây:
A. Định hướng chung
1. Hướng dẫn thiếu nhi và những người đồng hành siêng gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể.
2. Loan báo Tin Mừng Chúa Kitô cho giới thiếu nhi và những người đồng hành.
3. Lấy linh đạo của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể làm nòng cốt trong việc chăm sóc mục vụ cho thiếu nhi và những người đồng hành sao cho đem lại hiệu quả tốt đẹp, có sự hiệp nhất với toàn quốc trong tinh thần hiệp hành và tạo ra được nét đặc sắc riêng.
4. Áp dụng các phương pháp của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam trong việc giáo dục đức tin, nhân bản, kỹ năng sống cho thiếu nhi, đồng thời có sự thích ứng đối với tình hình cụ thể của Tổng Giáo phận Hà Nội.
B. Kế hoạch
1. Đào tạo thiếu nhi phát triển về 2 phương diện tự nhiên và siêu nhiên, để các em nên người và nên Kitô hữu thánh thiện, đồng thời giúp thiếu nhi có tinh thần truyền giáo, bác ái.
2. Kết hợp với các ban Mục vụ của Tổng Giáo phận để phục vụ cho thiếu nhi.
3. Hỗ trợ quý cha xứ và các giáo xứ trong việc đồng hành thiếu nhi.
4. Phát triển Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể như yếu tố nòng cốt trong việc giáo dục đức tin, nhân bản và tông đồ cho thiếu nhi.
5. Tổ chức huấn luyện huynh trưởng, dự trưởng, trợ tá – phụ huynh, trợ úy, tuyên úy, huấn luyện viên trong Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể.
6. Biên soạn ý nguyện hằng tháng, tài liệu học hỏi, các chiến dịch theo mùa.
7. Làm các video clip về Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, phát động các cuộc thi sáng tác.
8. Quản lý các hoạt động của Văn phòng Thiếu Nhi Thánh Thể: tư vấn và giải đáp thắc mắc liên quan đến Thiếu Nhi Thánh Thể; lưu trữ văn thư, chứng nhận, bổ nhiệm thư; ....
C. Một số chương trình cụ thể
1. Giới thiệu các trò chơi mang yếu tố Kinh Thánh như: Tìm hai hình giống nhau, Bingo Thánh Kinh, rút thẻ gỗ các nhân vật Kinh Thánh, Domino 7 Bí Tích, Hành trình theo Chúa... Các trò chơi này sẽ giúp thiếu nhi tiếp cận với Kinh Thánh theo cách học mà vui, vui mà học; giúp trưởng có thêm các phương thức để giáo dục các em và có thể giúp quý phụ huynh có thêm phương tiện để cùng vui chơi với con cái của mình.
2. Cuộc thi Vui Học Kinh Thánh: lần 1 về Tin Mừng theo Thánh Matthêu với chủ đề Môn Đệ Chúa Giêsu (2023), lần 2 về Kinh Thánh trọn bộ với chủ đề Ánh Sáng Lời Chúa (2024). Các cuộc thi này giúp các em có cơ hội tiếp cận trực tiếp với bản văn Thánh Kinh với những cách thức mới mẻ và đa dạng, từ đó phát triển khả năng của chính các em ...
3. Cuộc thi sáng tác Sinh hoạt vui với nội dung liên quan đến Kinh Thánh (đến nay đã được lần thứ 3) để thôi thúc thiếu nhi và người lớn đọc nhiều Kinh Thánh; tạo ra một hiệu ứng về việc áp dụng phương pháp Sinh hoạt vui trong việc dạy/học giáo lý; Vừa tạo một sân chơi lành mạnh cho thiếu nhi và quý trưởng vừa nối kết giữa Liên đoàn, ngoài ra còn giúp Liên đoàn có cơ hội tiếp cận với những người có tài năng và đời sống thiêng liêng phong phú.
4. Các chiến dịch thi đua được Liên đoàn phát động thường xuyên một năm 3 lần: Mùa Vọng – Giáng Sinh, Mùa Chay – Phục Sinh, Mùa Hè. Liên đoàn mời gọi các giáo xứ gửi hoa thiêng về văn phòng và sẽ gửi đến các em các phần quà khích lệ.
5. Mỗi tháng, Ủy ban mục vụ Thiếu Nhi có tối thiểu 2 videoclip: một video để giới thiệu những ý nguyện và các ngày lễ trong tháng và hiệp ý với các Hiệp đoàn hay Xứ đoàn có lễ quan thầy (đã làm được hơn 30 tháng); một video để giới thiệu 1 vị thánh tiêu biểu trong tháng (đã giới thiệu được hơn 30 vị thánh).
6. Ủy ban mục vụ Thiếu Nhi cũng đã tổ chức các khóa Sa mạc huấn luyện cho nhiều thành phần khác nhau: Huynh trưởng, Trợ tá, (kết hợp với Tổng Liên đoàn để đào tạo) Trợ Úy, Huấn luyện viên, các sa mạc Chuyên hiệu và sẽ có Sa mạc Tuyên Úy lần đầu tiên (dự kiến tháng 9 năm 2024).
Trên đây là một vài điều trong chương trình mục vụ cho thiếu nhi tại Tổng Giáo phận Hà Nội: bắt đầu với việc xác định rõ đối tượng mục vụ cùng những yêu cầu kèm theo, từ đó tìm phương thức mục vụ thích hợp; sau khi xem xét tình hình hiện nay với một số yếu tố ảnh hưởng, Ủy ban mục vụ Thiếu Nhi đề ra kế hoạch mục vụ và một số chương trình đã và đang thực hiện. Hy vọng những chia sẻ này giúp ích được phần nào cho những ai quan tâm trong việc mục vụ cho thiếu nhi trong bối cảnh hiện nay.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 142 (Tháng 7 & 8 năm 2024)