CHỦNG VIỆN GIÁO PHẬN HUẾ

WGPH (15.7.2021) – Công cuộc đào tạo Linh mục luôn là một bận tâm lớn của các vị hữu trách trong Giáo hội và đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của Giáo hội địa phương trong quá khứ lẫn hiện tại, nhất là từ sau sắc lệnh của Công đồng Trento (Tridentinô 1543-1563) về việc thiết lập Chủng viện. Điều này đã thấy rõ tự khi Tin Mừng được các Thừa sai Tây phương truyền bá sang Việt Nam, đặc biệt từ lúc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris được thành lập (giữa thế kỷ 17), trùng với thời kỳ nước Việt chia thành Đàng Trong và Đàng Ngoài.

GIAI ĐOẠN KHỞI THỦY

Có thể nói công việc đào tạo Linh mục tại Đàng Trong đã bắt đầu với việc 10 Thầy giảng tuyên thệ sống theo ba lời khuyên Tin Mừng vào ngày 31-7-1643 tại Quảng Nam[1]. Đây là những nam giáo dân (đa phần trẻ tuổi) từng được Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) tuyển chọn, huấn luyện và lập thành đoàn thể, mang tên Hội Thầy giảng.

Sau khi hai Vùng Đại diện/Giáo phận Tông toà Đàng Ngoài và Đàng Trong được thiết lập năm 1658, thì vào năm 1664, Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha François Pallu đã nhóm họp Công đồng địa phương tại Juthia (Yuthia, Ajuthia), Thái Lan, quyết định thiết lập Chủng viện tại chính nơi tổ chức Công đồng nhằm đào tạo hàng Linh mục bản địa cho vùng Đông Nam Á. Chủng viện này -do Hội Thừa sai Hải ngoại Paris điều khiển- được gọi là Chủng viện miền (Collège Général, Tổng Học viện), ban đầu đặt tại Juthia, Thái Lan (1665-1765), phiêu dạt sang Hòn Đất, Hà Tiên, Việt Nam (1765-1769), tạm cư ở Pondicherry, Ấn Độ (1770-1783), tạm thời đóng cửa (1783-1808) và cuối cùng định cư tại Penang/Pinang, Malaysia (1808-1970). Đây chủ yếu là Đại Chủng viện, nhưng cũng có lúc nhận tiểu chủng sinh[2].


Hoa trái cụ thể đầu mùa của các công việc trên đây là vào năm 1668, Cha Antoine Hainques (1637-1670), một trong hai thành viên tiên khởi của Hội Thừa sai Paris tại Đàng Trong, đã gửi hai Thầy giảng sang Juthia, gặp Đức Cha Lambert de la Motte để chịu chức Linh mục. Thày Giuse Trang chịu chức ngày 31-3-1668. Thày Luca Bền chịu chức sau đó vài tháng. Năm 1672, Đức Cha Lambert truyền chức Linh mục cho thày Manuen Bổn cũng tại Thái Lan. Lễ truyền chức cho thày Louis Đoan vào khoảng năm 1676 là lễ truyền chức đầu tiên tại Đàng Trong.


Hoa trái Việt Nam từ Chủng viện Penang: các Linh mục Tử đạo (hàng đứng) Philipphê Phan Văn Minh, Phêrô Đoàn Công Quý. (hàng ngồi) Gioan Đoạn Trinh Hoan, Phaolô Lê Văn Lộc, Phêrô Nguyễn Văn Lựu (tượng dựng tại vườn hoa Chủng viện Penang hiện nay)

Những năm sau đó, vì nhiều lý do, việc truyền chức cho người địa phương trở nên rất hiếm hoi. Đức Cha Francisco Pérez (1643-1687-1728) chỉ truyền chức cho 2 thầy Mátthêu và Phanxicô, Đức Cha Alessandro di Alexandris (1691-1725-1738) chỉ truyền chức cho 2 thầy Nicôla và Lôrensô[3]. Do vậy, đến khoảng năm 1740, Giáo phận Đàng Trong không còn một Linh mục địa phương nào.

TIỂU CHỦNG VIỆN

1- Chủng viện Thợ Đúc, Thừa Thiên (1740-1750)

Trong chuyến kinh lý vào năm 1739-1741, nhận thấy nhu cầu mục vụ quá lớn, vượt xa khả năng của các Thừa sai ngoại quốc, Đức Cha François-Elzéar des Achards de la Baume, Khâm sai Toà thánh cho rằng phải lập tức bắt tay vào việc đào tạo hàng Linh mục bản địa. Ngài đã cho xây Chủng viện thánh Carôlô (thời này cũng gọi collège) tại Giáo xứ Thợ Đúc, nay là Phường Đúc (30-09-1740), ở chân Thành Lồi (di tích Chàm) và đặt Cha Jean-Antoine de la Court (MEP, 1706-1746) làm Giám đốc tiên khởi. Khóa đầu khai mạc với 24 chủng sinh. Công việc mới khởi sự thì Đức Cha François-Elzéar đã qua đời vào ngày lễ Phục sinh 03-04-1741. Do khó khăn về nhiều mặt, dường như không có Linh mục bản địa nào xuất thân từ Chủng viện này cả. Chủng viện bị giải tán trong cuộc bách hại của Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát vào năm 1750 dưới thời Đức Cha Armand Lefèbvre (1709-1743-1760[4]), vốn cũng là Giám đốc Chủng viện từ 1746. Bản thân Đức Cha thì bị trục xuất về Macao cùng với mọi Thừa sai khác (1750).

2- Chủng viện Di Loan, Quảng Trị (kỳ I: 1784-1798)

Thời kỳ tiếp theo, dù tình hình ở Huế khó khăn (1773-1786, thuộc chính quyền họ Trịnh; 1786-1801, thuộc chính quyền Tây Sơn), Đức Cha Jean Labartette An (1744-1784-1823) vẫn quyết định tái thành lập Chủng viện và lần này ở hai làng Hòa Ninh-Di Loan, tỉnh Quảng Trị (1784-1798). Nhưng từ năm 1787-1798, hoàn cảnh bó buộc Đức Cha và 2 Cha Giám đốc Benjamin Longer (1784-1790) rồi Pierre Gire (1791-1798) phải tổ chức Chủng viện di động, vì quân Tây Sơn bắt tất cả nam nhân từ 15 đến 60 tuổi nhập ngũ để hình thành lực lượng “Bắc tiến”. Từ năm 1798 cho tới tháng 2-1800, Đức Cha Labartette đã truyền chức Linh mục cho ba thầy người địa phương vốn đã học xong chương trình tại Đại Chủng viện miền Penang trở về. Cho tới tháng 11-1800, số Linh mục ở Đàng Trong là 20, gồm 8 Thừa sai ngoại quốc và 12 người Việt.

 3- Chủng viện An Ninh, Quảng Trị (kỳ I: 1802-1928)

Từ năm 1802, lúc chúa Nguyễn Ánh khôi phục nhà Nguyễn và thống nhất sơn hà, Chủng viện được mở lại tại làng An Ninh, vùng Đất Đỏ, Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị. Mảnh đất Chủng viện là món quà vua Gia Long tặng cho Đức Cha Labartette, từng là phó của Đức Cha Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc), ân nhân của nhà vua và triều Nguyễn.

Trong hai năm đầu (1802-04), Thừa sai Jean André Doussain được Đức GM cử làm Giám đốc Chủng viện. Cơ sở nằm trong một khu vườn, có 4-5 căn nhà tranh, vách đất, làm Nguyện đường, phòng ngủ, lớp học, nhà cơm, nhà bếp và kho lương thực. Những năm đầu có khoảng 20 đến 50 tiểu chủng sinh với 2 lớp Latinh và Thần học. Chi phí gồm 1.200 quan Pháp mỗi năm và lúa gạo, mà một phần do các Linh mục Giáo phận đóng góp. Sau cha Doussain là các Giám đốc: François Girard (1804-1812), Jean Audemar (1814-1821), Balthasar Jarot (1821-1822), François Isidore Gagelin (1822-1824), Jean-Louis Taberd (1824-1827)[5]. Lúc này có thầy Gioan Đoạn Trinh Hoan từ Penang, Malaysia, về giúp (được ĐC Étienne Cuénot Thể truyền chức Lm năm 1836).

. Lúc này có thầy Gioan Đoạn Trinh Hoan từ Penang, Malaysia, về giúp (được ĐC Étienne Cuénot Thể truyền chức Lm năm 1836).

Từ 1825, vua Minh Mạng (1820-40) bắt đầu khắt khe với Công giáo. Tuy vậy, vào 1826, có thêm Cha François Jaccard (Phan) trốn từ miền Bắc vào giúp Chủng viện. Ngài tổ chức phòng đọc sách, dùng bảng đá (thạch bản) để in các sách đạo và các giáo trình. Tháng 7-1826 vì có tin lùng soát, nên chủng sinh phải giải tán và Cha Jaccard Phan chạy vào Nhu Lý. Sau đó tình hình khả quan hơn, Chủng viện mở cửa hoạt động lại. Nhưng đầu năm 1827, Cha Giám đốc Taberd Từ bị vua Minh Mạng triệu vào Huế và Cha Jaccard Phan cũng vào Phủ Cam 3 tháng giúp ngài, rồi lại trở ra lo Chủng viện. Tháng 9-1827, Cha Taberd Từ làm GM thay Đức Cha Labartette. Tháng 8-1828, vua Minh Mạng lại đòi Cha Jaccard Phan vào Huế để gọi là dịch sách nhưng cho ngài ở Dương Sơn, nên tháng 10-1828, Chủng viện An Ninh phải đóng cửa, kết thúc giai đoạn I với khoảng 30 thầy được Đức Cha Labartette phong chức Linh mục (sau khi đã học xong chương trình Đại Chủng viện tại Penang trở về).

4- Chủng viện Dương Sơn, Thừa Thiên (1829-1833)

Năm 1829, Đức Cha Jean-Louis Taberd (từ Tòa Giám mục ở Lái Thiêu) ra lệnh mở Chủng viện tại làng Dương Sơn, tỉnh Thừa Thiên, và đặt Cha François Jaccard làm Giám đốc kiêm Cha Chính (tức Tổng Đại diện) Giáo phận. Cha Jaccard cho thuyền ra An Ninh chở sườn nhà Chủng viện vào Dương Sơn, đồng thời đưa một số nữ tu Mến Thánh Giá Di Loan vào, lập thành Phước viện Mến Thánh Giá Dương Sơn (còn tồn tại đến nay) để lo việc phục vụ cho Chủng viện. Phụ giúp ngài giảng dạy vẫn là thầy Gioan Đoạn Trinh Hoan.

Năm 1829, xảy ra vụ hai làng Dương Sơn và Cổ Lão tranh chấp đất đai. Cha Giám đốc Jaccard bị nhà chức trách đổ lỗi, cho là có nhúng tay nên bị canh chừng. Tháng 6-1832, bộ Hình tuyên án và buộc ngài nhập đội quân bảo vệ Kinh đô, sau đưa vào Cung Quán để giam lỏng. Trước khi từ giã Dương Sơn, ngài bàn giao việc điều khiển Chủng viện cho Cha Gilles Delamotte, một Thừa sai từ Nhu Lý chạy vào trú ẩn. Ngày 06-01-1833, Minh Mạng lại ra sắc lệnh cấm đạo toàn diện, Chủng viện Dương Sơn đành phải giải tán.

5- Chủng viện Di Loan, Quảng Trị (kỳ II: 1837-1838)

Tháng 4-1837, Thừa sai Jean Jacob Candalh (Kim) từ miền Bắc mạo hiểm vào miền Trung và ở lại Di Loan theo chỉ thị của Giám mục Đàng Trong lúc ấy là Đức Cha Étienne Cuénot (Thể) để lập Tiểu Chủng viện. Sau đó hội ý với Cha Gioankim Lê Văn Tư, quản xứ An Ninh, Cha Candalh đã mua một thửa đất và nhà để thi hành mệnh lệnh Bản quyền Giáo phận. Cuối năm 1837, Chủng viện khai giảng với 6 chủng sinh. Mấy tháng sau, bị tố giác, Chủng viện phải đóng cửa. Cha Giám đốc, Cha Tư và các chủng sinh chạy ra Quảng Bình, ẩn tại Kim Sen, nơi một trang trại do trùm họ Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Thánh Tử đạo tương lai) lập ra để tín hữu trốn trong thời kỳ bách hại.

Lúc bấy giờ Cha François Vialle đang ở Bố Chính, Quảng Bình, không biết Chủng viện đã giải tán nên biểu học trò của mình là chú Tôma Trần Văn Thiện vào tựu trường. Đầu tháng 6-1838, chú vào Di Loan, thấy Chủng viện chỉ còn vườn không nhà trống. Tiến thoái lưỡng nan, chú xin ở lại nhà một giáo dân để xem tình thế ra sao đã. Vài hôm sau, quan quân huyện Vĩnh Linh bao vây hai làng Di Loan và An Ninh. Chú Thiện bị bắt cùng với nhiều giáo hữu. Cuối cùng chú chịu tử đạo một lần với Cha Jaccard tại Nhan Biều, Quảng Trị ngày 21-09-1838.

6- Hai Chủng viện song song một thời: Kẻ Sen (Quảng Bình, 1847-1856) và Di Loan (Quảng Trị, kỳ III: 1849-1858)

– Chủng viện Kẻ Sen: Năm 1847, theo chỉ thị của Đức Giám mục Cuénot, Cha Jean Galy đang coi vùng Bắc Giáo phận Đàng Trong, đã lập Chủng viện tại Kẻ Sen, Quảng Bình. Ban giảng huấn gồm có Cha Galy, Giám đốc và hai vị giáo sư: Thầy Gioan Nguyễn Hòa Hưởng và thầy Têphanô Phạm Văn Cẩm (cả 2 gốc Phủ Cam và về sau đều làm Linh mục).

Năm 1853, Đức Cha Phó Joseph Sohier từ Di Loan ra Kẻ Sen làm Giám đốc Chủng viện. Nhưng giữa năm 1854, Kẻ Sen có báo động, Nhà trường bị triệt hạ, rồi được cất lên lại và tiếp tục sinh hoạt. Năm 1856, Đức Cha Chính Pellerin xuất ngoại nhằm vận động cho đạo được an lành, Đức Cha Phó Sohier buộc phải đóng cửa Chủng viện để vào Di Loan.

Trong số chủng sinh Chủng viện Kẻ Sen, có 5 người về sau làm Linh mục: Cha Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên, Cha Gioan Trần Minh Châu, Cha Giuse Dương Đức Thành, Cha Đôminicô Lê Xuân Biện, Cha GB Tống Viết Cơ.

– Chủng viện Di Loan: Tháng 3-1848, Đức Cha Phó Pellerin từ Đà Nẵng ra Huế, ở lại đây một năm. Ngài chủ yếu trốn ở Giáo xứ An Vân và có mở tại đó Chủng viện tạm. Sau 5 tháng, bị phát hiện, Đức Cha phải bỏ An Vân, xuống đò ra Di Loan và tái lập Chủng viện nơi này theo chỉ thị của Đức Cha Chính Cuénot cũng đang trốn ở Gò Thị, Bình Định.

Chủng viện Di Loan kỳ III này khai giảng với chủng sinh mới và cũ gồm 30 chú. Giám đốc là Cha Chính Sohier, giáo sư là Đức Cha Phó Pellerin và Cha Đôminicô Nguyễn Văn Thân (gốc Phủ Cam). Niên khóa 1850-1851 có 50 chủng sinh chia ra hai lớp: Latinh và Thần học.

Khi Tòa thánh lập Giáo phận Bắc Đàng Trong (tức Giáo phận Huế) năm 1850, thì năm sau Cha Chính Sohier được bổ nhiệm làm Giám mục Phó, còn Đức Cha Phó Pellerin lên Giám mục Chính. Hàng ngày hai Đức Cha thay nhau dạy vì thiếu giáo sư. Đầu năm 1853, Đức Cha Sohier ra làm Giám đốc Chủng viện Kẻ Sen, Đức Cha Pellerin lên Giám đốc Chủng viện Di Loan. Từ tháng 9-1855, cơn cấm đạo càng gắt gao, ngài phải ở luôn trong Chủng viện và năm sau thì trốn vào Huế, rồi vào Đà Nẵng và xuất ngoại. Đức Cha Phó phải đóng cửa Nhà trường Kẻ Sen để vào Di Loan điều hành Chủng viện còn lại. Tình hình tôn giáo ngày càng sôi động. Cuối năm 1958, Chủng viện phải giải tán. Trong số chủng sinh Chủng viện Di Loan kỳ này, có 12 người làm Linh mục.

7- Chủng viện An Ninh, Quảng Trị (kỳ II: 1864-1953)

Sau hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862), năm 1864, vua Tự Đức ra sắc dụ tha đạo. Linh mục Louis Étienne Dangelzer (Cố Đăng) được cử mở lại Tiểu Chủng viện An Ninh và làm Giám đốc (1864-70) kiêm giáo sư, thỉnh thoảng có cả ĐC Sohier Bình (nay lên Giám mục Chính) từ Huế ra giúp[6]. Về sau thêm 2 Cha Claude Bonin (Cố Ninh) và Ernest Girard (Cố Hòa) giúp giảng dạy.

Vào năm 1870, Cha Claude Bonin được bổ nhiệm làm Giám đốc Tiểu Chủng viện đồng thời giữ chức Quản hạt Đất Đỏ. Chủng viện có lũy tre bao bọc, nhưng nhà cửa còn rất thô sơ và ít ỏi. Ngài làm thêm hai nhà ngủ, một nhà cơm, một phòng học và một nhà cho các Cha, song cũng chỉ bằng tranh, tre. Mỗi năm có 2 kỳ tựu trường: một vào tháng Giêng và một vào tháng Tám.

Từ 1877, Cha Ernest Girard lên làm Giám đốc Chủng viện An Ninh hai nhiệm kỳ (1877-1890 và 1893-1924), tổng cộng 44 năm, một kỷ lục. Giữa thời gian đó, ngài có làm Giám đốc Đại Chủng viện Phú Xuân trong 3 năm (1891-1893) và được Cha Joseph Grosjean (Cố Gioang) -từng là giáo sư ở An Ninh 2 niên rưỡi từ cuối năm 1882- thay thế ở chức vụ Giám đốc Tiểu Chủng viện. Sau khi nhậm chức Giám mục Giáo phận Huế (tấn phong ngày 24-8-1880), Đức Cha Antoine Caspar Lộc chỉ thị chỉnh trang Tiểu Chủng viện, nên từ 1883, Cha Girard khởi công xây Nhà nguyện Trái Tim Chúa Giêsu bằng gạch, lợp ngói, với ngọn tháp cao, và, ở phía trước, từ cổng chính đi vào, có một Nhà nguyện nhỏ hơn kính Đức Mẹ Lộ Đức.


Tháng 9-1885, quân Văn Thân từ Quảng Trị kéo ra Cửa Tùng, đóng quân tại Tân Trại (Tân Sài), cách An Ninh chừng 3-4 cây số phía Tây Bắc rồi tiến đánh hai làng Công giáo Di Loan và An Ninh. Di Loan lúc ấy, với hai họ nhánh Hòa Ninh và Loan Lý, có khoảng 1.500 giáo hữu trên tổng số 5.000 toàn Giáo hạt Đất Đỏ, phải cầm cự với một đội quân rất hùng mạnh (2000 tên) và hết sức tàn bạo. Thừa sai Dangelzer, Cha Chính Giáo phận kiêm Quản sở Di Loan bấy giờ, huy động mọi người đương đầu với giặc. Văn Thân đánh liên tiếp ba ngày 8, 9 và 10 tháng 9 nhưng không thành công. Trưa 10-9, chúng kéo đến vây Tiểu Chủng viện An Ninh. Cố Chính Đăng bèn dẫn giáo hữu vào đó trợ chiến và hợp chiến, bỏ làng Di Loan cho quân giặc.

Ngày 13-9, dân Công giáo trong vùng rút cả vào Tiểu Chủng viện. Ngoài ba vị Thừa sai -các Cha Dangelzer, Girard, Jean Closset (giáo sư Chủng viện, Quản xứ An Ninh)- còn có các Cha Việt như Phêrô Võ Viết Liên, Quản xứ An Do, Tôma Nguyễn Ngọc Huệ, Quản xứ An Bằng, Têphanô Đặng Văn Hiệp, phó xứ An Ninh và Đôminicô Nguyễn Văn Cửu, Phó xứ Di Loan, cùng 7 chủng sinh, 60 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Di Loan và 4.000 giáo hữu. Hai bên đánh nhau 7 trận lớn, khi thắng khi thua, cho đến ngày 2-10 thì Tiểu Chủng viện An Ninh được quân đội Pháp từ Huế ra giải cứu. Báo cáo Thường niên 1885 của Đức Cha Caspar Louis Lộc cho biết số giáo dân bị thảm sát toàn Giáo hạt Đất Đỏ trong vụ này là 1.666 người, trong số đó, theo P. Jabouille và A. Delvaux, có đến 1.200 do không kịp chạy vào Tiểu Chủng viện[7].

Sau giặc Văn Thân, Cha Giám đốc Girard Hòa tiếp tục kiến thiết: cải táng mồ mả các vị tiền nhiệm ra sau Nhà thờ, xây thêm nhiều cơ sở bằng gạch ngói, bên cạnh việc lo đào luyện khoảng 100 Linh mục bản xứ. Vì theo các Báo cáo Thường niên của ĐGM Caspar, tại Tiểu Chủng viện An Ninh năm 1888 có 43 chú, năm 1891 có 40 chú, năm 1894 có 114 chú. Phụ giúp ngài có Cha Marcellin Maillebuau, dạy từ 1890 đến 1902, Cha Pierre Etchebarne dạy từ 1894 đến 1905 và Cha François Lemasle dạy từ 1899 đến 1902.


Tiểu Chủng viện An Ninh năm 1902. Cha Giám đốc Girard (râu bạc), bên hữu là Cha giáo Pierre Etchebarne và bên tả là các Cha giáo François Lemasle và Marcellin Maillebuau (?). Một trong hai linh mục Việt Nam (bên trái bức hình) có thể là cha Tôma Nguyễn Khắc Phú.

Tháng 09-1902, ban giáo sư TCV có thêm Cha Tôma Nguyễn Khắc Phú. Ngài là giáo sư người Việt đầu tiên, dạy Hán tự (trước đó, các giáo sư toàn là người Âu Châu). Tiếc là ngài chỉ dạy được một năm thì mất. Tháng 09-1910, ban giáo sư TCV có thêm Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn. Cha Cẩn dạy các môn Latinh, Pháp, Toán, Việt văn với một phương pháp sư phạm tiến bộ, dễ hiểu, dễ nhớ, trình bày rõ ràng, sáng sủa, khiến cho học trò rất thích thú. Ngài sẽ dạy ở đây cho tới 1924 để rồi vào Huế, làm Bề trên tiên khởi của Dòng Thánh Tâm. Từ đầu năm 1923, chủng viện có thêm giáo sư là một tân thừa sai mới sang từ Pháp, Cha Raphael Fasseaux. Nhưng ngài chỉ ở đây hơn 1 năm.

Tháng 8-1924, An Ninh có Giám đốc mới là Cha Jean-Baptiste Roux (Cố Ngôn) từng là giáo sư tại đây 3 kỳ (1898-1905; 1908-1910; 1917-1922). Ngài sẽ coi sóc Tiểu Chủng viện cho tới tháng 5-1930. Theo Báo cáo Thường niên 1925 của Đức Cha Eugène Allys thì có 106 tiểu chủng sinh năm ấy. Con số này lẽ ra còn cao hơn, nếu trường sở và nguồn tài chánh đã không bị thiếu hụt.


Chủng viện An Ninh, đầu năm 1924. Đức Cha Allys ngồi giữa, bên phải ngài là Cha Giám đốc Girard rồi Cha R. Fasseaux. Bên trái ngài, ngoài cùng là Cha Hồ Ngọc Cẩn.

Khi Cha Roux lâm bệnh phải đi Pháp chữa trị năm 1930, Cha Jean-Baptiste Urrutia (Cố Thi) đang là giáo sư ở An Ninh từ 1925, được đặt làm Giám đốc Chủng viện cho đến năm 1937. Báo cáo Thường niên 1935 của Đức Cha Alexandre Chabanon cho biết số tiểu chủng sinh lúc này là 125.


Tiểu Chủng viện An Ninh (1932) cả thầy lẫn trò

Khi Cha Urrutia đi nghỉ bệnh ở Pháp từ tháng 06-1937 đến tháng 09-1938 thì được Cha già Antoine Stoeffler (Cố Thể, 70 tuổi) tạm thế. Trở về vào tháng 10-1938, Cha Urrutia nhận lại trách nhiệm Giám đốc Tiểu chủng viện An Ninh. Tất cả trôi qua tốt đẹp cho đến cuộc đảo chánh Nhật vào tháng 03-1945. Ít lâu sau, ngài cũng như mọi Thừa sai Pháp và Pháp kiều từ Quảng Bình đến Quy Nhơn đều bị tập trung về Huế để quản thúc.


Ban giáo sư Chủng viện An Ninh (hình chụp khoảng năm 1932). Từ trái qua: Cha Anrê Bùi Quang Tịch, Cha Đôminicô Trần Văn Phát, Cha Henri Massiot, Cha Giám đốc JB Urrutia, Cha Gioan Nguyễn Văn Chất, Cha Anrê Nguyễn Văn Từ.

Cha Anrê Bùi Quang Tịch, vốn là giáo sư An Ninh từ tháng 3-1930, được cử làm Giám đốc TCV, vị Giám đốc người Việt đầu tiên, từ 1945-1953. Cha Anrê nỗ lực lèo lái con thuyền Chủng viện qua những sự biến của thời cuộc lúc ấy. Nhưng rồi tình hình chính trị càng lúc càng sôi động. Trưa ngày 8-5-1953 Tiểu Chủng viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị, đã chính thức giải tán.

Tổng kết: Theo bộ Tiểu sử các Linh mục Huế, xuất thân từ An Ninh có 223 LM, vị đầu tiên là Cha Phêrô Lê Văn Thật (1814), vị cuối cùng là Cha Phêrô Lê Đình Khôi (1969). Trong số đó, 1 vị lên Hồng y là P.X. Nguyễn Văn Thuận (2001), 2 vị lên Tổng Giám mục là Phêrô Ngô Đình Thục (1938) và Têphanô Nguyễn Như Thể (1975), 4 vị lên Giám mục là Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn (1935), Tađêô Lê Hữu Từ (1945), Ximong Hòa Nguyễn Văn Hiền (1955), Alêxi Phạm Văn Lộc (1975) và một vị lên Đan viện phụ: Tanítlaô Trương Đình Vang, Dòng Phước Sơn (1964).

Đó là chưa kể một số Giám đốc, cựu giáo sư TCV An Ninh đã được phong GM, như các ĐC Taberd Từ, Pellerin Phan, Sohier Bình, Pontvianne Phong, Chabanon Giáo, Urrutia Thi.

8- Tiểu Chủng viện Phú Xuân, Thừa Thiên (1953-1961)

Trưa ngày 8-5-1953 Tiểu Chủng viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị, đã chính thức giải tán. Có lẽ lúc đó, do tình hình an ninh không được bảo đảm, thôn quê xa thành thị, vấn đề đi lại, thông tin liên lạc khó khăn, Cha Giám đốc Anrê Bùi Quang Tịch và ban giáo sư đã quyết định giải tán năm học trước hạn định. Sau đó Đức Cha JB. Urrutia ra lệnh đưa Tiểu Chủng viện vào Huế. Địa điểm mới là Đại Chủng viện Phú Xuân. (Các thầy dời vào Đại Chủng viện Thánh Giuse, đường Cường Để, Sài Gòn, để nhường chỗ cho Tiểu Chủng viện).

Bình thường niên khoá khai giảng vào đầu tháng 9 dương lịch, nhưng vì nhà cửa chưa ổn định, năm đó lại gặp một trận lụt lớn (từ ngày 20 đến 26-9-1953 đã làm 500 người thiệt mạng) nên Bề trên dời ngày tựu trường đến tháng 11.

Cha Ximong Hoà Nguyễn Văn Hiền (nguyên Giám đốc Đại Chủng viện Huế từ 1947-1953) ở lại làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Phú Xuân với ban giáo sư cũ của Chủng viện An Ninh, trừ Cha Giám đốc Tịch được đổi đi làm Quản xứ Trí Bưu. Từ đây, Chủng viện có một số Cha và thầy ở ngoài vào dạy, trong đó có Cha Nguyễn Văn Phương, người Vinh.

Chủng sinh tựu trường 4 lớp như thông lệ (Nhất, Nhì, Ba, Tư, danh xưng thời đó). Cuối niên khoá, lớp Nhất (tương đương lớp Première chương trình Pháp) được đi thi Tú Tài I, chương trình Pháp. Đó là lần đầu Chủng viện cho chủng sinh dự thi như các học sinh ngoài đời. Xong niên khóa 1954-1955, hai lớp lớn trong Chủng viện được gởi về trường Thiên Hựu học chương trình Pháp…

Cha Giám đốc Nguyễn Văn Hiền (sau nầy làm Giám mục Sài Gòn, rồi Đà Lạt) được đề cử làm Hiệu trưởng trường Thiên Hựu thế chỗ Cha Jean Viry (Cố Vị) về Pháp nghỉ. Cha Phaolô Lê Văn Đẩu (nguyên Giám đốc Đại Chủng viện Huế từ 1945-1947) thay Cha Hiền làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Phú Xuân từ 1955-1958. Tiếp đến, Cha Anrê Bùi Quang Tịch được tái bổ nhiệm, do kinh nghiệm và uy tín đạo đức của ngài. Cha Tịch giữ chức Giám đốc từ 1958-1961. Chủng viện lại có thêm một số giáo sư mới: các Cha Đôminicô Nguyễn Văn Nghĩa, Antôn Nguyễn Văn Thọ, Matthêô Lê Văn Thành. Trước đây cứ hai năm một lần có khoá mới, nhưng kể từ 1958 trở đi, tuyển sinh từng năm một, trong kỳ hè. Niên khoá cuối cùng Tiểu Chủng viện Phú Xuân là 1961-1962. Giám đốc lúc nầy là một Linh mục trẻ (33 tuổi) từ Rôma du học về: Cha PX. Nguyễn Văn Thuận.

Giáo phận Huế bấy giờ chuẩn bị mua đất ở đồng An Cựu để thành lập Tiểu Chủng viện mới, thay thế cho Tiểu Chủng viện Phú Xuân, cơ sở nầy sẽ trao trả lại cho Đại Chủng viện. Nhưng trước khi trả lại, thì Giáo phận xây một ngôi nhà lầu 3 tầng (phía bên trái nhìn từ cổng), đối xứng với ngôi nhà lầu cũ ở bên phải. Cả hai hơi chếch về phía sau ngôi nhà lầu chính 2 tầng nằm ở giữa.

Xuất thân từ TCV Phú Xuân có 36 Linh mục, trong đó 1 vị được nâng lên hàng Tổng Giám mục là Đức Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng.

9- Tiểu chủng viện Hoan Thiện (1962-1979)


Tiểu chủng viện Hoan Thiện (hình chụp khoảng năm 1965, bắt đầu xây thêm nhà mới)

Ngày 19 tháng 6 năm 1961, Đức Cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục đặt viên đá đầu tiên để xây cất Tiểu Chủng viện mới. Cha Giám đốc Thuận xoay xở tài chánh và xây dựng rất nhanh. Đầu niên khoá 1962-1963, Tiểu Chủng viện Hoan Thiện mở cửa đón nhận chủng sinh nhập học. Công trình hoàn thành gồm những khu nhà lầu 2 tầng 3 mặt hình chữ U, có thể ở được trên 200 chủng sinh trung học từ lớp 6 đến lớp 12, và một Nhà nguyện mái hình tròn, với những sân chơi thể thao xung quanh…

Chủng viện được đặt tên hai Thánh Tử đạo của Giáo phận nhà: Linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan và Chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện. Cha Giám đốc PX. Nguyễn Văn Thuận (1962-1967) cũng là một thần tượng nổi bật về tài trí và đức độ (Sau nầy làm Hồng y Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình của Giáo triều Rôma, sinh: 17-4-1928, tử: 16-9-2002).

Chương trình đào tạo chủng sinh có nhiều thay đổi, khởi sắc, phù hợp với xã hội, việc học theo sát các trường đời, chú trọng thêm sinh ngữ và cổ ngữ Latinh. Niên khoá đầu khai giảng ngày 10-9-1962, gồm 207 chủng sinh. Các lớp lớn qua học trường Thiên Hựu. Ngày 29-6-1963 lễ khánh thành chính thức Chủng viện Hoan Thiện và làm phép nhà nguyện, có 5 vị Giám mục thuộc Giáo tỉnh Huế và Sài Gòn đến dự.

Công tác kiến thiết Chủng viện Hoan Thiện được chia làm 2 giai đoạn: – Giai đoạn 1: dưới thời Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục, gồm 3 dãy lầu hình chữ U, Nhà nguyện, tháp chuông, nhà bếp, nhà các chị Mến Thánh Giá và người giúp việc v.v… – Giai đoạn 2: thời Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền: một dãy lầu khác cùng bức tường bao quanh khuôn viên rộng 24.000 m².

Cha Giám đốc Thuận còn phổ biến ơn gọi bằng hình thức “tu muộn” tức là các thanh niên đã học xong cấp 2 hoặc cấp 3 ngoài đời, cũng có thể nhập ngang vào Chủng viện, tiếp tục học xong chương trình Trung học Phổ thông, rồi bổ túc thêm sinh ngữ và Latinh một hoặc hai năm trước khi vào Đại Chủng viện. (Sau này, Cha Giám đốc Phaolô Lê Văn Đẩu đặt tên là “Lớp Trưởng nhập”).

Năm 1967, Cha Giám đốc PX. Nguyễn Văn Thuận được cất nhắc lên hàng Giám mục. Lễ tấn phong cử hành chiều ngày 24-6-1967 ngay tại Tiểu Chủng viện. Cha Phaolô Lê Văn Đẩu nhận chức Giám đốc thay thế từ 1967 đến 1972. Đây là lần thứ 2 ngài làm Giám đốc Tiểu Chủng viện.


Tiểu Chủng viện Hoan Thiện Huế. Niên khóa 1967-1968. Thời Cha Giám đốc P. Lê Văn Đẩu.

Một năm sau, tức 1968, xảy ra vụ Tết Mậu Thân, chiến tranh bùng nổ, chết chóc điêu tàn. Rất may là dịp nầy chủng sinh về nghỉ Tết với gia đình, không ai trong số 300 em sinh bị nạn! Chủng viện biến thành nơi đóng quân của binh lính miền Bắc, sau đó thành trại tạm cư cho dân tỵ nạn.

Sau biến cố Mậu Thân Chủng viện hoãn kỳ tựu trường, lo tái thiết cơ sở bị hư hại, hư hại rất nặng nề. Toàn bộ kính màu (chiếm phân nửa diện tích các bức tường) của Nhà nguyện bị bể nát. Và niên khoá 1968-1969 không nhận lớp mới.


Tiểu Chủng viện Hoan Thiện sau biến cố Tết Mậu Thân (1969)

 Đến niên khoá 1970, chương trình huấn luyện được cải tổ thêm. Từ đây không nhận lớp Đệ Thất (Lớp 6) mà chỉ nhận từ Đệ Lục (lớp 7) trở lên (đến lớp Đệ Nhất (lớp 12).

Năm 1972, Cha Đẩu được đổi về Giáo xứ Tân Mỹ. Giám đốc mới là Cha Têphanô Nguyễn Như Thể du học từ Pháp về. Ngài thi hành nhiệm vụ tới đầu năm 1975.

Sau biến cố 30-4-1975, Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền giao trách nhiệm cho Cha Gioan Nguyễn Lợi với sự cộng tác của các Cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Anrê Nguyễn Văn Phúc và Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ (trở về từ Rôma ngay trong những ngày biến động).

Ngay trong những tuần lễ đầu Huế vừa chuyển sang chế độ mới, tức khoảng giữa tháng 4-1975, Cha Lợi đã qui tụ được hơn 100 chủng sinh vào lại TCV. Chỉ qui tụ 4 lớp lớn (9-12) vào ở nội trú, còn các em lớp nhỏ thì ở ngoài với gia đình, Chúa nhật vào Chủng viện học. Các em nầy được gọi là Chủng sinh Ngoại trú.

Về tài chánh, Chủng viện lúc ấy rất vất vả. Không còn trợ cấp của Toà thánh. Nhiều chủng sinh sau đó lại theo gia đình vào Nam. Con số từ hơn 100 xuống còn 80. Những gia đình chủng sinh ở lại Huế hầu hết lâm cảnh túng nghèo. Các Giáo xứ rất tích cực đóng góp cho Chủng viện, nhưng cũng chỉ theo khả năng hạn hẹp.

Chủng sinh được huấn luyện thêm về công việc lao động cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Sau một thời gian học riêng trong nhà, chủng sinh được gởi đi học ở các trường ngoài như Quốc Học, Nguyễn Trường Tộ, v.v…

Sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, lớp lớn nhất được đưa lên Đại Chủng viện. Nhưng Chính quyền không cho phép, bị gởi trả lại TCV. Cả một năm trời đạp xe đi về sáng tối. Từ đó, TCV tổ chức dạy chương trình Triết học. Ngoài 3 Cha trong nhà, một số Linh mục ở ngoài cũng vào dạy giúp, như các Cha Hồ Văn Quý, Lê Đình Khôi, Phan Xuân Thanh, Đặng Thanh Minh, v.v…

Tháng 8-1975, Đức Tổng Giám mục đặt Cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải lên làm Giám đốc thay thế Cha Lợi đi làm Quản xứ Phanxicô.

Chủng viện vẫn sinh hoạt đều đặn dù gặp rất nhiều khó khăn. Cứ mỗi mùa Giáng sinh, Chủng viện thu hút đông đảo khách đến tham quan, xem triển lãm, nghe thánh ca, gây một bầu khí đặc sắc vui nhộn cho người dân thành phố Huế.

Và số phận của Tiểu Chủng viện Hoan Thiện cuối cùng được CQ đơn phương quyết định bằng việc trưng thu sau mấy tuần làm việc căng thẳng với Cha Giám đốc Nguyễn Hữu Giải.

Đó là ngày 20-12-1979. Toàn thể tiểu chủng sinh như đàn chim vỡ tổ, tan tác bay đi bốn phương trời. Tiểu Chủng viện biến thành một khu giáo dục có 3 khối do Nhà nước quản lý: 1- Trung học phổ thông Nguyễn Chí Diễu: khu nhà chữ U. 2- Trường huấn nghệ: khu vực lầu mới. 3- Trung tâm Văn thể mỹ: Khu nhà nguyện và sân.

Năm 2007 CQ lại đổi trường trung học phổ thông Nguyễn Chí Diễu thành trường Trung học Phổ thông Cao Thắng.

Bước ngoặt mới: chủng sinh ngoại trú

Từ đây (20-12-1979), chủng sinh về lại với gia đình. Nhiều người kiếm kế sinh nhai, lao động vất vả nhưng cũng tìm cách học riêng ở nhà, học tại các trung tâm ngoại ngữ, hoặc ghi danh đại học, kiên trì và quyết chí theo đuổi ơn gọi… chờ ngày xin vào một Đại Chủng viện nào đó, như : Nha Trang, Xuân Lộc, Sài Gòn… Canada, Mỹ, Úc… và các dòng tu…

Trong số 80 “chủng sinh nội trú” TCV Hoan Thiện sau biến cố 4-1975 (4/1975-12/1979) đến nay đã có 20 anh em trở thành Linh mục, một số ở nước ngoài, một số ở rải rác tại nhiều Giáo phận trong nước. Đó là chưa kể số anh em “chủng sinh ngoại trú” cũng lần lượt thụ phong Linh mục Triều và Dòng…

Kể từ khi Tiểu Chủng viện bị đóng cửa, sinh hoạt không còn nữa. Cho tới khi Cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải mãn hạn tù “học tập cải tạo”[8] trở về, thì dù bị quản thúc tiếp tại Nguyệt Biều (1990-1994), Cha cũng bắt đầu qui tụ một nhóm Chủng sinh tu hội Hy vọng (1990), tổ chức cho họ học hành, nhờ một số Cha tu hội này dạy triết cho họ. Trong số này có thầy Giuse Hồ Thứ, Giám đốc Đại Chủng viện Huế hiện thời. Dần dần nhóm lan rộng và lớn mạnh, biến thành Chủng sinh Ngoại trú.

Đầu năm 1995 Đức Cha Têphanô Nguyễn như Thể bổ nhiệm Cha Anrê Nguyễn Văn Phúc đặc trách chủng sinh ngoại trú kiêm đại chủng sinh Giáo phận. Sĩ số chủng sinh ngoại trú lúc bấy giờ là 133, gồm: Chủng sinh lớn tuổi (10), Cấp Đại học và luyện thi ĐH (30), Cấp 3 Trung học (93). Từ đây chủng sinh ngoại trú được chia thành hai: 1- Cấp 2-3 Trung học: sinh hoạt tại Giáo xứ dưới sự hướng dẫn của các Cha xứ. Và mỗi năm tập trung một lần vào ngày 21/9, lễ Bổn mạng chủng sinh, Thánh Tôma Thiện. 2- Cấp Đại học: Tĩnh tâm hàng tháng, dưới sự hướng dẫn của Cha đặc trách. Số chủng sinh dự ngày Tôma Thiện năm 2002 : Cấp II Trung học : 245; Cấp III Trung học : 254; Cấp Đại học: 119. Tổng cộng : 618.

Cũng kể từ năm 1995 chủng sinh ngoại trú sinh hoạt mỗi năm “dễ thở” hơn một chút, và nhờ sự cộng tác tích cực của các Cha xứ, ơn gọi ngày càng gia tăng. Không thể quên sự giúp đỡ rất cần thiết và quí báu của các Cha và anh em cựu chủng sinh hải ngoại.

Sau khi chủng sinh tốt nghiệp đại học, cứ 2 năm một lần tuyển vào Đại Chủng viện, vốn được chính thức mở lại từ tháng 9-1994 (xem dưới).

10- Tiền Chủng viện (từ 2015…)

Năm 2015, Đức TGM Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng đã thành lập Tiền Chủng viện, một hình thức thay thế Tiểu chủng viện Hoan Thiện vốn bị nhà nước trưng thu quản lý cuối năm 1979. Tiền thân của Tiền chủng viện chính là Nhà nội trú có từ năm 2007 (đặt tại giáo xứ Phủ Cam). Tiền chủng viện -nằm trong khuôn viên Tòa Giám mục, ngay sau nhà ở của Đức TGM- được giao cho hai Linh mục phụ trách. Giám đốc đầu tiên là Cha Micae Phạm Ngọc Hải, Phụ tá là Cha Giacôbê Nguyễn Xuân Lành. Đến tháng 4-2018, Cha Hải ra La Vang làm Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu, Cha Lành lên thay thế (có thời gian ngắn được Cha PX Nguyễn Văn Thương rồi Cha Banaba Trần Đình Phục phụ tá).

Điều kiện được thu nhận là đã sinh hoạt chủng sinh ngoại trú tại đại học và đã tốt nghiệp đại học. Các chú được học nhân bản, tu đức, ngoại ngữ, giáo lý, Kinh thánh nhập môn và một số kỹ năng về mục vụ trong vòng 2 năm. Mỗi năm thu nhận chừng 10 chú. Sau chu kỳ này thì được gởi lên Đại chủng viện.


Tiền Chủng viện Huế hiện thời (sau lưng Tòa Giám mục)


ĐẠI CHỦNG VIỆN

Đại Chủng viện Huế xuất hiện từ một trăm bốn mươi năm nay (1881-2021). Trước khi nó được thành lập, các ứng viên Linh mục đều được gởi sang Chủng viện Miền hay Tổng Học viện của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (Collège Général des Missions Étrangères), được lần lượt đặt ở nhiều nơi khác nhau tại Đông Nam Á và cuối cùng là ở Penang, Malaysia (xem trên). Tại đây, họ được huấn luyện làm giáo sĩ và khi học xong thần học, thì trở lại Vùng Truyền giáo của mình để lãnh nhận các chức thánh. Sự việc đã là như thế từ thời Đức Cha Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Đàng Trong hậu bán thế kỷ XVII. Vào năm 1850, khi Vùng Truyền giáo Huế (bấy giờ gọi là Bắc Đàng Trong) được nâng lên thành Giáo phận Đại diện Tông tòa biệt lập, thì vẫn còn 30 năm không có Đại Chủng viện nào khác ngoài Đại Chủng viện Penang. Chẳng hơn gì hai thế kỷ trước, việc thành lập một Đại Chủng viện là điều bất khả hoặc bất cẩn, vì lúc đó cuộc bách hại vẫn luôn năng động hay luôn đe dọa. Vả lại, nói cho cùng, người ta đã có thể thiết lập một Đại Chủng viện, nhưng điều này tuyệt đối không cần thiết, vì vào thời đó, Tổng Học viện của Hội Thừa sai là đã đủ.

1. Đại Chủng viện Thợ Đúc (1882-1888).

Kế vị các Giám mục François Pellerin, Joseph Sohier và Martin-Jean Pontvianne, Đức Cha Antoine Caspar, cho tới lúc đó là Thừa sai tại Sài Gòn, đã ra Huế ngày 19 tháng 09 năm 1880 và nắm quyền điều khiển Vùng Truyền giáo Bắc Đàng Trong. Vào thời điểm ấy, tín hữu Công giáo miền Trung đang hưởng một nền hòa bình tương đối từ một vài năm trở lại. Vì thế vị tân Mục tử nghĩ rằng đã đến lúc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc truyền bá Tin Mừng và trang bị cho Vùng Truyền giáo của mình một Đại Chủng viện riêng biệt[9].

Lúc bấy giờ tại Tòa Giám mục Kim Long và trong nhiều cộng đoàn Kitô hữu khác nhau, có khoảng vài chục chủng sinh, phần đông là cựu học viên của Tổng Học viện Pénang, đang chu toàn nhiều nhiệm vụ đa dạng, chủ yếu là làm Thầy giảng, trong khi chờ được cất nhắc lên các Chức thánh. Đức Cha Caspar đã trao phó cho Cha Eugène Allys (Lý) (Quản xứ Dương Sơn lúc ấy, Giám mục Giáo phận sau này) việc tập hợp các chủng sinh ở Kim Long và dạy họ một số môn học, chủ yếu là Thánh Kinh, với sự cộng tác của Cha Alfred Barthélémy (Mỹ). Đây là một mầm mống Chủng viện. Điều này đã xảy ra vào những tháng cuối cùng của năm 1881. Ngày 25-03-1882, Đức Cha Caspar cử hành lễ truyền chức đầu tiên của mình và hai chủng sinh lãnh chức Linh mục.

Công trình phác thảo bấy giờ có một hình dạng rõ rệt. Ngày 01-04-1882, Cha Jean-Nicolas Renauld (Đồng) kế nhiệm Cha Allys làm Giám đốc Chủng viện và Cha Pierre Guillot (Cao) phụ tá cho ngài, thế chỗ Cha Barthélémy. Cùng lúc Đức Cha Caspar trao phó cho vị tân Giám đốc nhiệm vụ thiết lập Đại Chủng viện tại Thợ Đúc (ở làng Trường An), bên hữu ngạn sông Hương, gần đối diện Kim Long, bên tả ngạn.

Cha Renauld mua một thửa đất ven sông, phía trên Nhà thờ Giáo xứ một chút. Khi đã mua được đất, công việc thành lập khởi sự và tiếp tục cho tới những ngày đầu tháng 11. Ngày 04-11-1882, buổi tựu trường đầu tiên ở Chủng viện Thợ Đúc đã diễn ra với 42 chủng sinh; phần đông, trở về từ Penang, đã học xong chương trình; một vài người chưa bắt đầu thần học. Thửa đất mà người ta đã tậu được cho Chủng viện thì thấp và sình lầy, gồm nhiều mảnh, độ cao không đều nhau. Để xây nhà, đã phải thực hiện nhiều cuộc san lấp quan trọng và do đó phải chuyển một lượng lớn đất và bùn. Vì thế, chưa tròn hai tháng kể từ ngày mở Chủng viện mới, các chủng sinh đã mắc phải một căn bệnh truyền nhiễm gọi là tê phù (béribéri). Ngày 04-01-1883, phải cho họ giải tán. Được tái triệu vào ngày 17-02, họ lại mắc bệnh dịch, và ngày 24-03, các lớp học một lần nữa tạm ngưng để chỉ mở lại ngày 15-05.

Đó là khởi đầu không mấy khích lệ. Niên học kế tiếp (từ tháng 09-1883 đến tháng 09-1884) càng khốn khó hơn nữa. Nhiều biến cố chính trị nghiêm trọng xảy ra. Vua Tự Đức, mà 36 năm trị vì chỉ là cuộc bách hại lâu dài nhắm vào Công giáo, đã băng hà vào ngày 19-07-1883. Các năm tiếp theo là một thời kỳ hỗn loạn. Những kẻ kế vị Tự Đức: mấy vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phước đều qua đời bằng cái chết hung dữ, ông đầu tiên chỉ sau ba hôm trị vì, hai ông kia chỉ sau vài tháng. Những ông chủ thật sự là hai quan Nhiếp chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường, đối nghịch với Pháp và thù nghịch với đạo. Năm 1884, họ đặt cậu hoàng Hàm Nghi lên ngôi. Hòa bình cũng chẳng còn ngự trị bên ngoài các bức tường của Kinh đô nữa. Lợi dụng các biến loạn cung đình ấy, nhiều băng đảng vũ trang tung hoành khắp đất nước, tin chắc là không bị trừng phạt. Vả lại, chúng được thúc đẩy bởi nhiều quan lại giận dữ vì việc nước Pháp đến can thiệp để trả thù cho những lăng nhục đối với quốc kỳ của họ. Trong tháng 12-1883, các tín hữu Công giáo ở Châu Mới, Nước Ngọt, Truồi và Buồng Tằm, những cộng đoàn Kitô hữu khá xa Huế, đã bị tàn sát. Ở Chủng viện Thợ Đúc, thầy và trò liên tục sống trong cảnh giác, thấy mình bị phong tỏa nhiều lần. Vì không thể học hành, người ta cho phép chủng sinh trở về gia đình và chỉ giữ lại những ai tình nguyện.

Vào khoảng giữa tháng 01-1884, các biến loạn dịu bớt và, ngày 07-02, những lớp học bắt đầu lại. Ngày 29-03, Đức Cha Caspar đã có thể thực hiện một cuộc phong chức trong Nhà thờ Giáo xứ Thợ Đúc. Buổi lễ này cho ra một Linh mục và bốn phó tế, vốn sẽ được nâng lên hàng tư tế ngày 20-12 cùng năm. Từ tháng 2-1884 đến tháng 7-1885, Chủng viện tiến bước gần như đều đặn. Cha Renauld và cộng sự viên tận tụy của ngài là Cha Guillot, dù hết sức chăm lo đào tạo luân lý và trí thức cho chủng sinh, vẫn không hề lơ là khía cạnh vật chất. Vì việc thành lập khá vội vã, nên cần phải hoàn thành. Trước hết, khu vườn của Chủng viện được mở rộng nhờ mua những thửa đất kế cận; rồi người ta làm cho nó sạch sẽ trong lành bằng cách đào nhiều hố, lấp nhiều ao; bao quanh cơ sở bằng nhiều hàng rào tre dày đặc; xây dựng nhiều ngôi nhà mới. Hẳn nhiên đó chỉ là những ngôi nhà mái rơm rạ, sàn đất nện, vách liếp tre trát vôi, vừa vặn để trú mưa tránh nắng. Thời bấy giờ người ta thấy như thế là đủ, vì điều ao ước lúc đó không phải là tiện nghi nơi ở, mà là yên tĩnh và bình an.

Sự yên tĩnh này đã kéo dài được 18 tháng thì một cơn giông tố dữ dội hơn bao giờ hết ập đến trên Giáo hội miền Trung. Sáng sớm ngày 05-07-1885, Tôn Thất Thuyết bất ngờ tấn công quân Pháp trong Khu Nhượng địa tại Thành nội. Ông ta bị đánh bại; Kinh thành bị Pháp chiếm cứ; nhưng chính ông thoát được dẫn theo vị vua trẻ Hàm Nghi với một đám tùy tùng gồm vài quan lại. Đây là kế hoạch được chuẩn bị từ trước trong trường hợp không thành công, quan Nhiếp chính Nguyễn Văn Tường thì vẫn ở lại Huế để thương lượng với đại diện của nước Pháp.

Các chủng sinh, nghỉ hè vào ngày 30-07, năm hôm trước những biến cố trên, đã tựu lại vào ngày 01-09. Năm 1882 họ gồm 42 người, nay chỉ còn 23. Thật ra, 5 thầy đã được phong chức Linh mục hồi 1884, nhưng 5 thầy mới, xuất từ Tiểu Chủng viện An Ninh, đến lấp vào chỗ trống này. Thành ra hao hụt khoảng một nửa. Chắc hẳn điều đó là lớn lao, nhưng người ta sẽ không ngạc nhiên nếu lưu ý rằng trước khi tập trung thành cộng đoàn ở Thợ Đúc, đa số các bạn trẻ này đã trải qua nhiều năm dài ở đời, thường bị bỏ mặc và đối diện với nhiều hiểm nguy đủ loại vốn đi kèm các thời kỳ hỗn loạn. Cuộc sống ở chính Chủng viện, do bệnh tật và chiến tranh, quá bị gián đoạn và quá ít đều đặn đến nỗi đã không thể mang lại cho các ứng viên Linh mục bầu khí bình an để các ơn gọi chín muồi trong sự kết hiệp với Thiên Chúa. Tựu lại Thợ Đúc ngày 01-09-1885, họ đã bị giải tán hai hôm sau do một trận dịch tả. Họ chỉ phải trở lại vào những ngày đầu tiên của tháng 03-1886.

Đó là do cuộc bách hại vốn từ lâu được thực hiện chống lại Công giáo đạt đến giai đoạn kinh khủng nhất. Nhiều mệnh lệnh bí mật tổng diệt các Kitô hữu được đưa ra từ năm 1883 bởi 2 ông Thuyết và Tường lúc đó bắt đầu được thi hành. Sau khi Huế bị Pháp chiếm vào năm 1885, chúng được nhắc lại bởi một Sắc lệnh đề ngày 11-08 âm lịch. Quân Văn Thân đã thiêu hủy các cộng đoàn Kitô và tàn sát mọi Kitô hữu. Trong toàn cõi Việt Nam, máu chảy lênh láng ; tại Miền Truyền giáo Qui Nhơn, 24 ngàn nạn nhân trong một vài ngày ; ở Miền Truyền giáo Huế, chỉ riêng tỉnh Quảng Trị có 8 ngàn Kitô hữu bị sát hại, và con số này còn cao hơn nhiều nếu cuộc kháng cự đã không được tổ chức ở Tiểu Chủng viện An Ninh, nơi mà 4 ngàn Kitô hữu từ nhiều vùng lân cận đến lánh nạn : họ đã chiến thắng một cuộc vây hãm trong ba tuần lễ (xem trên). Tại Huế, nhờ sự hiện diện của một toán lính Pháp, Kitô hữu đã thoát khỏi cuộc tàn sát man rợ.

Hòa bình trở về, Chủng viện Thợ Đúc tái mở cửa vào đầu tháng 03-1886. Hai chủng sinh, đều có chức cắt tóc, đã không tiếp tục được ơn gọi : một chết vì bị dịch tả, và thầy kia, tên Lượng, đã bị quân Văn Thân sát hại ở Quảng Trị. Niên học còn buồn thêm do cái chết, vào đầu tháng Tư, của một thầy thứ ba đã có chức cắt tóc và do việc hồi tục của hai người khác. Hai niên khóa tiếp (từ tháng 09-1886 đến tháng 09-1888) trôi qua mà không có biến cố bên ngoài nào đáng kể. Nhưng cơ sở thì leo lắt. Nhiều chủng sinh hồi tục. Ngày 13-04-1887, Cha Guillot đi cai quản một Giáo xứ và Cha Renauld còn lại một mình, đứng đầu 10 thầy, bao gồm cả hai thầy vừa trở về từ Penang. Tuy nhiên, một cuộc tấn phong đã diễn ra ngày 25-02-1888 và một chủng sinh lãnh nhận chức Linh mục trong lễ này.

2- Chủng viện Phú Xuân (1888-1953).

Một biến cố quan trọng trong cuộc sống của Chủng viện đánh dấu năm 1888 này. Ngày 20-10, Cha Renauld, được bổ nhiệm làm Tuyên úy quân đội và Quản xứ Thuận An, đã thôi điều hành Chủng viện và chính cơ sở này được chuyển sang Phú Xuân, bên tả ngạn sông Hương, khoảng 600m về phía hạ lưu Thợ Đúc. Hôm nay, nó vẫn còn ở chính chỗ đó.

Vậy là Chủng viện Thợ Đúc chấm dứt 6 năm tồn tại. Các nỗ lực đóng góp và các hy sinh chấp nhận tại đó thì lớn lao, tuy nhiên kết quả lại nghèo nàn : chỉ có 6 chủng sinh đã được nâng lên hàng tư tế và chỉ còn chừng 10 người ở Chủng viện.

Tại Phú Xuân, Đức Cha Caspar đã mua nhiều đất đai trong khu phố vốn thuộc các gia đình hoàng thân và liền kề với nhau. Tại đây, ngài lập Tòa Giám mục, Sở Quản lý, Nhà Dục anh và Đại Chủng viện. Đại Chủng viện chiếm một khu vườn rộng lớn mà ngày xưa thuộc về trưởng nữ của vua Thiệu Trị (công chúa An Thạnh Nguyễn Phúc Nhàn Yên), như một bản khắc tìm thấy trên cổng vào và nay đặt gần tòa nhà chính chứng thực.


Chủng viện được đặt dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Đức Cha Caspar, vốn ở kề cận. Chính ngài đã giảng dạy ở đây, được trợ giúp và khi cần, được thay thế bởi Cha Auguste Chaiget (Soái), thư ký của ngài. Đây chỉ là việc tạm quyền trong thời gian ngắn, tuy nhiên nó kéo dài đến năm 1891. Vào thời điểm này, Cha Ernest Girard, Giám đốc Tiểu Chủng viện An Ninh, đã được đặt đứng đầu Đại Chủng viện, cùng với Cha Charles Ruel, một cựu Thừa sai ở Quảng Châu (Trung Quốc), làm cộng tác viên. Vào tháng 09-1893, Cha Girard trở lại Tiểu Chủng viện An Ninh (nơi ngài sẽ không rời nữa cho đến lúc qua đời vào tháng 2 năm 1924) và Cha Renauld lấy lại việc điều hành Đại Chủng viện.

Về lại Phú Xuân ngày 15-09-1893, ngài đã tìm thấy ở đó một đoàn chiên nhỏ, tương tự đoàn chiên ngài đã từng để lại khi rời Thợ Đúc. Chủng viện gồm 13 chủng sinh, trong đó ba thầy có «chức thánh» và tám người khác vẫn còn là giáo dân. Việc phong chức cho hai Linh mục ngày 24-04-1894 đã giảm con số còn 11; nhưng với 9 người nhập học ngày 15-9 tiếp đó, đã nâng con số lên 20. Cha Giám đốc, vốn vẫn lẻ loi trong vòng một năm, thì vào ngày 04-10-1894 nhận được một sự trợ giúp quý giá nơi bản thân Cha Léopold Cadière. Sau một năm, ngày 27-09-1895, Cha Cadière được thay thế bởi Cha André Chapuis vốn cũng chỉ ở lại chừng 18 tháng. Các nhu cầu cấp bách của Vùng Truyền giáo giải thích cho những thay đổi liên tục này, nhưng không phải là không tác hại đến việc học hỏi và sự vận hành đều đặn của Chủng viện. May thay từ nay hoàn cảnh sẽ trở nên ổn định hơn. Cha Martin Mendiboure (sau đó là Dom Bernard, Phó Đan viện phụ Phước Sơn) kế nhiệm Cha Chapuis ngày 20-10-1897 và ở Chủng viện gần 20 năm với tư cách là giáo sư Tín lý và Thánh kinh. Cha Renauld qua đời ngày 11-03-1898. Trong nhiệm kỳ Giám đốc thứ hai của mình, Cha đã có được niềm an ủi khi thấy 12 chủng sinh được nâng lên hàng tư tế.

Kế tục Cha Renauld là Cha Alphonse Izarn (Ý), được bổ nhiệm ngày 29-04-1898. Vị tân Giám đốc, vẫn còn trẻ và đầy hăng say, đã biến đổi Chủng viện về mặt vật chất và mang lại cho nó một đà tiến mạnh mẽ về mặt học tập. Vào năm 1899, ngài xây một Nguyện đường thanh lịch, và năm 1904, một ngôi nhà khiêm tốn có tầng dành cho các giáo sư ở. Hai tòa nhà này vẫn tồn tại đến hôm nay. Vì con số các chủng sinh đã gia tăng, nên các nhà lều với dáng vẻ thê thảm làm nơi ở cho họ, đã được mở rộng lẫn trùng tu, và mỗi thầy có một phòng riêng, vì cho đến lúc đó tất cả đều chung nhà ngủ. Vào năm 1899, Cha Izarn cho chuyển đến Phú Xuân môn triết học, mà cho tới tới khi ấy được dạy ở Tiểu Chủng viện. Do đó, độ dài của thời gian học tập được định thành 6 năm (2 năm triết và 4 năm thần) và con số các giáo sư, vốn chưa bao giờ vượt quá 2, nay nâng lên 3 vị.

Người đầu tiên nắm giữ ghế mới này vào tháng 09-1899 là Cha Alexandre Chabanon (Giám mục tương lai). Lúc đó việc học hành nhận được một sự thúc đẩy mới, vài quy tắc kỷ luật được hiệu chỉnh, bình ca và các nghi thức phụng vụ được biểu dương hơn. Tắt một lời, Đại Chủng viện Huế nhận được một sự tổ chức hoàn toàn giống với các Đại Chủng viện bên Pháp, trừ vài chi tiết do môi trường đòi hỏi. Đó là một luống cày sâu và bền vững mà Cha Izarn đã vạch ở Chủng viện Phú Xuân.

Sau khi Cha Chính Dangelzer mất, ngày 11-09-1904, Cha Izarn lên kế tục chức vụ. Năm 1908, ngài từ chức Cha chính và Giám đốc Chủng viện.

Tháng 8 năm 1908, Cha Alfred Barthélémy (Mỹ) đến giữ vị trí đứng đầu Chủng viện kiêm Cha Chính Giáo phận. Lúc ấy, việc học hành và lòng đạo đức cùng sánh đôi trong cơ sở này cách tốt đẹp. Nhưng vì nhắm đến sự hoàn hảo, nên ngài cố gắng in sâu vào trong các chủng sinh một tình yêu ngày càng mãnh liệt cho công việc trí thức và nhất là cho việc tiến triển đường thiêng liêng. Để đạt được kết quả đó, ngài không tiếc những bài huấn giáo, những lời khuyên răn, những sự hướng dẫn, Các cố gắng của ngài trổ hoa kết trái tuyệt vời. Dưới thời Giám đốc 10 năm của Cha (1908-1918), có 33 tân Linh mục, một kỷ lục thời ấy.

Nhưng không phải chỉ có Đại Chủng viện, Cha Barthélémy còn quan tâm đến các nữ tu Dòng Kín (có cơ sở kề bên từ năm 1910) mà ngài đã được trao nhiệm vụ hướng dẫn. Ngài không tiếc thì giờ và vất vả để giúp các chị em hoặc về phương diện tinh thần (trung thành đến giải tội theo các ngày giờ ấn định), hoặc về phương diện vật chất. Nhờ sự can thiệp của ngài, đan viện được dựng lên nhanh chóng và chẳng bao lâu thành một cơ sở đẹp đẽ, tiện lợi.

Dựa trên ý kiến của ban giáo sư Chủng viện, năm 1914, Đức Cha Allys đã quyết định việc học tại Đại Chủng viện sẽ được kéo dài thêm một năm để cho phép giảng dạy các khoa vật lý và tự nhiên. Từ nay ba năm sẽ được dành cho việc nghiên cứu triết học lẫn các khoa học, và bốn năm như trước đây, dành để nghiên cứu thần học.

Cha Barthélémy mất vào tháng 5 năm 1918 tại nhiệm sở. Cha Chabanon -từng là giáo sư triết học tại Chủng viện từ 1899 đến 1905- lên kế tục. Ngài duy trì và tiếp tục công trình của các vị tiền nhiệm. Từ nhiều năm, cơ sở này đã được tổ chức theo các phương pháp khôn ngoan của Hội Xuân Bích về việc học tập cũng như đời sống thiêng liêng và tinh thần đang có nơi đó thật tuyệt.


Đại Chủng viện Huế năm 1921. Ban Giáo sư ngồi hàng đầu. Từ trái qua: Cha JB. Roux, Cha Alexandre Chabanon (Giám đốc), Cha Mátthêu Đỗ Khắc Mỹ

Qua những bài huấn đức và hơn nữa qua gương sống của mình, Cha Chabanon thúc đẩy chủng sinh sống các nhân đức nền tảng của người Linh mục: khiêm tốn, siêu thoát, hy sinh, yêu thích cầu nguyện và học hành. Ngài dạy các môn thần học luân lý và giáo luật một cách thông thạo và rõ ràng, mà cũng không lơ là khía cạnh vật chất của trách vụ; ngài thực hiện những sửa sang quan trọng cho những khu nhà khác nhau của cơ sở và xây thêm những khu mới. Trong 13 năm làm Giám đốc (1918-1931), ngài vui mừng thấy 35 chủng sinh của mình lên chức Linh mục. 


Đại Chủng viện Huế năm 1926. Ban Giáo sư ngồi hàng đầu: Cha Ernest Boillot, Cha Giám đốc  Alexandre Chabanon, Đức Cha Eugène Allys (Bề trên), Cha Mátthêu Đỗ Khắc Mỹ.

Năm 1930, Cha Chabanon được nâng lên hàng Giám mục, làm phó cho Đức Cha Allys, nhưng vẫn giữ trách nhiệm Giám đốc Chủng viện. Năm sau, vì Đức Cha Allys từ chức và Đức Cha Chabanon nắm trong tay việc điều hành Miền Truyền giáo, nên Cha Jean-Baptiste Roux -từng là giáo sư tại Phú Xuân từ 1911 đến 1917- được gọi điều khiển nhà trường ngày 23 tháng 9 năm 1931, với các cộng tác viên là Cha Jean Viry (1926-1933), Cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục (Giám mục tương lai) (1931-1933) và Cha Philipphê Lê Thiện Bá (1933-1945).

Cha Jean-Baptiste làm Giám đốc Chủng viện cho tới cuộc đảo chánh của Nhật năm 1945. Ngoài hai kỳ thực nghiệm về đời sống Giáo xứ tại An Lộng (1905-1909) lẫn Kẻ Bàng (1910) và hai kỳ nghỉ tại Pháp để phục hồi sức khỏe, tổng cộng thời gian của ngài ở An Ninh và Phú Xuân là 40 năm trời.

Người ta có thể cho rằng ba phần tư số Linh mục Giáo phận Huế thời ấy đều đã nhận được từ cha Roux, ở Tiểu hay Đại Chủng viện, điều cốt yếu trong việc đào tạo Linh mục. Dấu ấn nầy được ghi rõ đến nỗi một trong hai vị Giám mục Việt Nam từng là học trò của Cha Roux không ngần ngại tuyên bố rằng mình đã chẳng bao giờ gặp được ngay cả tại Rôma một vị Giám đốc Chủng viện có ảnh hưởng như thế. Uy thế của Cha Roux nằm ở chỗ ngài tự buộc chính mình vào tất cả những gì ngài muốn đòi hỏi nơi các chủng sinh với một sự đúng đắn và hiền lành gây xúc động. Đàng khác, sự ngay thẳng này liên kết với những tài năng nổi bật về giáo dục được ngài thực hiện suốt 40 năm.

Vì hầu hết các Thừa sai Pháp bị Nhật quản thúc tại Sở Quản lý Giáo phận sau cuộc đảo chánh tháng 3-1945 rồi bị Việt Minh đưa đi an trí ở Vinh từ cuối năm 1946 đến giữa năm 1963, nên Cha Phaolô Lê Văn Đẩu (đang là giáo sư TCV An Ninh từ 1942) được đặt làm giám đốc ĐCV Phú Xuân từ 1945 đến 1947. Chức vụ này chuyển sang cho Cha Ximong Hòa Nguyễn Văn Hiền (Giám mục tương lai) từ 1947-1953.

Khi sắp xảy ra cuộc qua phân đất nước do Hiệp định Genève (7-1954) thì tháng 5-1953, Tiểu Chủng viện An Ninh, bên kia vĩ tuyến 17, được lệnh di chuyển vào Huế và đặt tại Đại Chủng viện Phú Xuân. Các thầy phải vào Đại Chủng viện Thánh Giuse của Tổng Giáo phận Sài Gòn để học tiếp.


Đại chủng viện Huế 1930. Ban Giáo sư từ trái qua: Cha Jean Viry, Cha Giám đốc Alexandre Chabanon, Cha Mátthêu Đỗ Khắc Mỹ.


Đại Chủng viện Huế năm 1933. Ban Giáo sư từ trái qua: Cha Raphael Fasseaux, Cha Giám đốc JB Roux, Cha Philipphê Lê Thiện Bá 

Các vị Giám đốc kể từ khi Đức Cha Antoine Caspar Lộc thiết lập cơ cấu Đại Chủng viện một cách chính thức và ổn định, từ năm 1881 cho tới năm 1953.

– Cha Eugène Allys Lý: 1881-1882

– Cha Jean-Nicolas Renauld Đồng: 1882-1888

– Đức Cha Antoine Caspar Lộc: 1888-1890

– Cha Ernest Girard Hoà: 1890-1893

– Cha Alphonse Izarn Ý: 1893-1908

– Cha Alfred Barthélémy Mỹ: 1908-1918

– Cha Alexandre Chabanon Giáo: 1918-1931

– Cha Jean-Baptiste Roux Ngôn: 1931-1945

– Cha Phaolô Lê Văn Đẩu: 1945-1947

– Cha Ximong Hoà Nguyễn Văn Hiền: 1947-1953


Có thể kể thêm vài vị Giáo sư người Việt:

– Cha Mátthêu Đỗ Khắc Mỹ, 1920-1931.

– Cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục, 1931-1933.

– Cha Philipphê Lê Thiện Bá, 1933-1945.

– Cha Philipphê Nguyễn Như Danh, 1948-1953.        

3- Chủng viện Xuân Bích Huế (1962-1975).

Từ năm 1961, Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục mời các Linh mục Hội Xuân Bích (Prêtres de Saint-Sulpice, PSS) đang ở miền Nam (Đại chủng viện Vĩnh Long) ra điều hành Đại chủng viện của Giáo phận. Từ đó đến 1975, nó mang tên Đại Chủng viện Xuân Bích-Huế. Chủng viện thâu nạp các chủng sinh thuộc Giáo tỉnh miền Trung, tức từ các Giáo phận Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Kontum, Nha Trang và Ban Mê Thuột.

Niên khóa 1961-1962, vì cơ sở chưa ổn định, chủng sinh các Giáo phận miền Trung nói trên tựu trường ở Thị Nghè, niên khóa sau mới ra Huế cùng với Cha Giám đốc Pierre Gastine (người Pháp) và ban giáo sư. Các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres cũng được mời đến phục vụ Đại chủng viện (ẩm thực, y tế, giặt ủi…) từ đây. Thời gian sau là những năm rối ren ở miền Nam. Ban Triết học được gởi vào Giáo phận Nha Trang, năm 1965 về lại Huế, với Cha Giám đốc Đôminicô Trần Thái Đỉnh (1964-1966). Từ 1966 đến 1975, Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm làm Giám đốc. Sau biến cố Mậu Thân, Chủng viện đưa Ban Thần học vào Đà Nẵng (niên khóa 1968-1969). Sau vụ Mùa hè Đỏ lửa (1972), vì số chủng sinh gia tăng nên Đại Chủng viện Hòa Bình được thiết lập tại Giáo xứ Hòa Khánh, Đà Nẵng để nhận Ban Triết học.


Ban Giáo sư ĐCV Xuân Bích-Huế năm 1970

Mùa xuân năm 1975, Cha Giám đốc Nguyễn Sơn Lâm được chọn làm Giám mục Đà Lạt và Cha Giuse Nguyễn Chính Duyên lên thay thế. Lúc ấy, trước việc chiến tranh lan rộng, các Giám mục miền Trung muốn di tản 2 Đại chủng viện Huế và Đà Nẵng vào bên kia Đèo Cả (Nha Trang), vì sợ đất nước sẽ lại cắt ngang giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi. Nhưng chưa thực hiện được ý định thì biến cố tháng 4-1975 xảy ra, Đại chủng viện Xuân Bích-Huế đành phải giải tán. Các Cha giáo thì tản mác khắp nơi, chủ yếu về các Giáo xứ để làm mục vụ hoặc lo cho các chủng sinh đang cố gắng quy tụ với nhau hầu bảo tồn ơn gọi. Các Cha giáo người Pháp như Emile Stutz, François Bouyer thì bị chế độ mới trục xuất khỏi Việt Nam. Cơ sở Đại Chủng viện Hòa Bình sau vài tháng phải bán lại với giá rẻ mạt cho nhà nước (6000 đồng bạc Bắc lúc ấy, chia ra mỗi Giáo phận được 1000). Nhóm chủng sinh đang ở đó cùng với Cha Nguyễn Chính Duyên phải kéo nhau lên Giáo xứ Phú Thượng, Giáo phận Đà Nẵng, nhưng rồi cũng đành giải thể vào năm 1982.


 4- Chủng viện Giáo phận (1975-1994)

Tháng 05-1975, Đại Chủng viện Huế được mở lại với 45 đại chủng sinh thuộc Giáo phận (từ Giáo hoàng Học viện Piô X Đà Lạt, từ Chủng viện Hòa Bình Đà Nẵng, từ Chủng viện Xuân Bích-Huế), với Cha Augustinô Hồ Văn Quý làm Giám đốc, có Cha Antôn Ngô Văn Vững SJ đến phụ lực, sau khi Trung tâm sinh viên Xavie của Dòng mà ngài đang phụ trách bị nhà nước quản lý. Hai ngài dạy đủ các môn học vì thiếu giáo sư.

Ngày 04-01-1976 có lễ truyền chức cho 4 thầy, cuộc truyền chức cuối cùng của Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền. Ngày 08-09-1977, Cha Giám đốc Augustinô bị nhà nước bắt giam mấy tháng vì đã phổ biến cho các chủng sinh bài phát biểu của Đức TGM Philipphê ngày 22-04-1977 trước Mặt trận Tổ quốc Bình Trị Thiên. Cha Antôn Ngô Văn Vững phải lên thay thế.


Đến tháng 10-1978, nhà nước lấy cớ áp dụng Nghị quyết Tôn giáo 297 (ban hành tháng 11-1977) để tự ý loại 18 đại chủng sinh (đa phần lớp lớn) cùng Cha giáo Phêrô Phan Xuân Thanh khỏi ĐCV. Những anh em xấu số này, một số kiên trì đeo đuổi ơn gọi tại trong nước, một số vượt biên ra hải ngoại tiếp tục đời tu, vài người hồi tục. Các đại chủng sinh còn lại tiếp tục học nhưng không ai được chịu chức Linh mục.

Ngày 08-06-1988, Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền qua đời, Cha Giám đốc Ngô Văn Vững vài năm sau cũng bị bệnh không tiếp tục công việc được. Đại Chủng viện sống leo lắt. Mãi đến ngày 01-09-1994 mới có lễ truyền chức cho 4 thầy (đã làm đại chủng sinh từ 1972 hoặc 1973).

5- Chủng viện Huế (từ 1994…)


Ngày 21-09-1994, Đại Chủng viện Huế mới được chính thức mở cửa trở lại, thu nhận các ứng viên Linh mục đến từ 3 Giáo phận Huế, Đà Nẵng và Kontum (50 thầy). Đức Giám quản Tông tòa Têphanô Nguyễn Như Thể (nguyên Tổng Giám mục phó) tiếp tục mời các Linh mục Xuân Bích điều hành Chủng viện. Kể từ năm tu học 2014-2015, Đại Chủng viện Huế nhận thêm các chủng sinh của Giáo phận Hưng Hoá, trung bình mỗi năm nhận 5 chủng sinh (tính đến năm tu học 2019-2020 đã có 32 chủng sinh Hưng Hoá). Vắng bóng từ 1975, các nữ tu Dòng Thánh Phaolô lại tiếp tục đến phục vụ Đại chủng viện, lo ẩm thực, y tế, công việc nhà.

Vì số chủng sinh ngày càng gia tăng, nên năm 1998, nhà cơm được xây mới lại, bên trên là một tầng lầu dùng làm thư viện. Năm 2005, dãy nhà hội được xây mới lại hoàn toàn gồm 3 tầng. Năm 2013, trên phần đất trước đây khu nhà bếp và khu nhà ở cho các nữ tu và nhân viên phục vụ, một tòa nhà mới ba tầng đồ sộ mọc lên.

Ngày 15-06-2013, Cha Giám đốc Anphongsô Nguyên Hữu Long được được bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa (nay là Giám mục Chính tòa Giáo phận Vinh).

Ban Giám đốc Đại Chủng viện Huế hiện nay gồm 13 thành viên, tất cả đều thuộc Hội các Linh mục Xuân Bích, tỉnh hội Pháp. Từ ngày 24-6-2013 cho đến nay, Linh mục Giuse Hồ Thứ, là Giám đốc Đại Chủng viện, phó Giám đốc là Cha Phêrô Phan Tấn Khánh. Ngoài các giáo sư nội trú thuộc Ban đào tạo (Ban Giám đốc), Đại Chủng viện Huế còn mời thêm rất nhiều giáo sư ngoại trú tham gia giảng dạy (trong đó có một nữ tu và một giáo dân nữ), nâng số lượng của Ban giảng huấn lên đến hơn 50, gồm Giám mục, Linh mục và giáo dân (kể cả vài giáo sư lương dân).

Kể từ năm 1994 đến dịp mừng Ngân khánh tái hoạt động (1994-2019), Đại Chủng viện Huế đã góp phần đào tạo được 231 Linh mục cho các Giáo phận Huế (111), Đà Nẵng (62) và Kontum (58), cùng với hơn 60 Linh mục thuộc hai dòng Thánh Tâm và Thiên An. Các chủng sinh nhập trường năm tu học 2019-2020 thuộc khoá 19, nâng sĩ số chủng sinh năm này lên đến 209 (180 chủng sinh nội trú + 29 chủng sinh thuộc Năm Thử, đang thực tập mục vụ ở các Giáo phận). Cộng đoàn Chủng viện được bốn nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres và 12 nhân viên tham gia giúp đỡ việc hậu cần, văn phòng, v.v… cũng như nhiều việc trợ giúp khác.


Ban Giáo sư ĐCV Huế năm 2010

Các vị Giám đốc thời gian Hội Xuân Bích trở lại Đại Chủng viện Huế:

– Cha Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh, PSS: 1994-2000

– Cha Antôn Trần Minh Hiển, PSS: 2000-2005

– Cha Đôminicô Trần Thái Hiệp, PSS: 2005-2007

– Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đán, PSS : 2007-2009

– Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long, PSS : 2009-2013

– Cha Giuse Hồ Thứ, PSS: 2013 đến nay…

 

Tài liệu tham khảo: 

– Trần Văn Trí, Sơ lược về quá trình lịch sử Tiểu chủng viện An Ninh.

http://ttntt.free.fr/archive/TranVanTriAnNinh.html

– Sơ lược đôi nét về Tiểu Chủng viện An Ninh và Đại Chủng viện Huế (từ 1872-1940). (Trích dịch từ nguyên bản Pháp ngữ “Các Báo cáo Thường niên của Các Giám mục Giáo phận Huế gửi Hội Thừa sai Hải ngoại Paris từ 1872-1940”)

– JB Roux, MEP, Lịch sử Đại Chủng viện Huế (đến năm 1933).

http://conggiao.info/lich-su-dai-chung-vien-hue-den-nam-1933-d-13482

– Ban Giáo sư Đại Chủng viện Huế, Lược sử Đại chủng Viện Huế, ngày 21-11-2019

– Vương Đình Chữ, Chủng viện Penang. 348 năm Chủng viện Miền

http://vnqvn.blogspot.com/2017/04/chung-vien-penang.html

 ——————————————————

[1] Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo. Bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ, Ủy ban ĐKCG. 1994. Phần II, Chương 22, tr. 120.

[2] Theo Vương Đình Chữ, Chủng viện Penang, 348 năm Chủng viện miền. http://vnqvn.blogspot.com/2017/04/chung-vien-penang.html

[3] Lê Ngọc Bích, Lê Đình Bảng, Lê Thiện Sĩ, Giám mục người nước ngoài qua chặng đường 1659-1975 với các Giáo phận Việt Nam. Nhà xb Tôn giáo, Hà Nội 2009. Trang 56 và 58

[4] Khi sau tên Giám mục có 3 niên hiệu, thì số đầu chỉ năm sinh, số giữa năm làm Giám mục và số cuối, năm qua đời.

[5] X. Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques III (1771-1823). Paris, Téqui, 1924. Trang 444.

[6] Cha Dangelzer cũng chính thức trở thành Quản xứ An Ninh kiêm Cha Chính (Tổng Đại diện) từ 1867.

[7] X. P. Jabouille và A. Delvaux, Một trang huyết lệ tỉnh Quảng Trị tháng 9 Tây năm 1885. Mục: Trường An Ninh và Họ An Ninh. Bulletin des Amis du Vieux Hué 10-11/1923.

[8] Ngày 19-3-1984, Cha Giải, đang là quản xứ Lương Văn từ 1980, bị nhà cầm quyền bắt đi giam tù ở trại Đồng Sơn (Quảng Bình) rồi trại Bình Điền (Thừa Thiên) trong gần 6 năm trời vì tội “phản động”!!!

[9] Thật ra, khi thiết lập Tòa Giám mục tại Giáo xứ Kim Long năm 1864, Đức Giám mục Joseph Sohier cũng lập một Đại Chủng viện lâm thời (1866). Số đại chủng sinh nơi đây (dưới mười thầy, đa số từ Penang, Malaysia về) thỉnh thoảng được cho lên sở Dục anh (nuôi trẻ mồ côi) kiêm khu canh tác Thanh Tân (hay còn gọi là Trường trang trại Ồ Ồ-Ba Trục) để vừa lao động khai hoang, vừa học hành tu luyện. Đức Cha rất quan tâm đến vùng này, mỗi tháng một lần hay có thể lâu hơn chút ít, ngài ghé thăm sở Dục anh và cử hành vài cuộc truyền chức nơi đây, như ngày 6-4-1867 cho 8 thầy.

Nguồn: tonggiaophanhue.org