LAETATUS SUM IN HIS QUAE DICTA SUNT MIHI
IN DOMUM DOMINI IBIMUS


CHA PHANXICÔ ISIDORE GAGELIN KÍNH
Bulletin trimestriel, Oeuvre des partants,
8 Mars 1886, Deuxième compte-rendu, tr. 728
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Thánh Tử đạo Phanxicô Isidore Gagelin Kính là thừa sai MEP đầu tiên đã đổ máu mình ra vì Đức Giêsu Kitô trong vương quốc Annam vào thế kỷ XIX. Sinh tại Montperreux,[1] địa phận Besançon, ngày 10 tháng Năm 1799, và khi còn rất nhỏ ngài đã nói rằng: “Tôi muốn làm linh mục”; hoặc thậm chí khi người ta khuyên ngài nên thận trọng thì ngài nói: “Tôi muốn rèn luyện trở nên mạnh mẽ để rao giảng cho những tộc người còn bán khai ở nước ngoài”.

Là học sinh của trường Pontarlier, ngài đạt được những thành quả xuất sắc. Ông quận trưởng nói với ngài vào ngày phát thưởng: “Năm sau cứ ở nhà vào ngày phát thưởng nhé, phần thưởng của con không dành cho ai đâu”.


Làng Montperreux, sinh quán của Thánh Gagelin Kính

Sau đó ngài vào chủng viện Nozeroy nơi ngài còn lưu giữ mãi những kỷ niệm đẹp. Ngày 5 tháng 11 năm 1817, ngài vào Đại chủng viện Besançon nơi chúng ta thấy ơn gọi tông đồ của ngài được khẳng định như lời tuyên bố lúc ngài còn nhỏ. Ngài nói về nó với các bạn bè, và với lòng nhiệt thành luôn đi đôi với tinh thần chiêu mộ cải đạo (prosélytisme) như lửa luôn đi với sức nóng, ngài đề nghị với các bạn hướng nhìn về các miền truyền giáo xa xăm.

Sự sẵn sàng nơi tâm hồn ngài được bày tỏ ra bên ngoài. Theo ý kiến của cha linh hướng, ngài quyết định vào Chủng viện Truyền giáo Hải ngoại. Khi thông báo quyết định này mẹ ngài rơi nước mắt và phản đối. Với sự bình thản vốn có, anh chủng sinh trẻ trả lời mẹ mình bằng những lời lẽ mà lòng hiếu thảo giành dựt với nhiệt tình tông đồ: “Mẹ ơi, chắc chắn là mẹ rất đỗi yêu quý đối với con, nhưng con cảm thấy Thiên Chúa gọi con đi truyền giáo; mẹ sẽ không dám chống lại ý Ngài đâu”.

Bà mẹ tội nghiệp đành nhượng bộ: bà cho phép dầu tâm hồn đau khổ, được cầu xin như thế thì không thể nào chối từ.

Ngôi nhà của Thánh tử đạo Gagelin Kính tại làng Montperreux

Sau một năm ở Chủng viện Truyền giáo, ngài rời nước Pháp vào năm 1820, lúc còn là thầy trợ phó tế, nhưng tinh thần chín chắn và nhân đức vững vàng đã khiến ngài được đánh giá là xứng đáng để được gởi đi Đàng Trong ngay lập tức.

Đến Annam, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện Phường Rượu (An Ninh) ở thượng Đàng Trong. Năm sau, ngài được Đức cha Labartette phong chức linh mục.

Tuy nhiên, vua Minh Mạng quyết định tống khứ các thừa sai, nhưng ông muốn làm điều đó cách nhẹ nhàng, dựa vào sự xảo trá hơn là sức mạnh. Ông bắt đầu gọi tất cả thợ tông đồ về gần mình. Những người này vâng lời để tránh cho giáo dân những cuộc bách hại tàn khốc.

Cha Gagelin đến Huế, nơi mà theo lệnh nhà vua, ngài giải thích một số lượng lớn các tranh in, các bản khắc và bản đồ địa lý.

Giữa những công việc này, ngài không lơ là việc cứu rỗi các linh hồn, nhất là linh hồn mình. Ngài lợi dụng những lúc được tự do tương đối để dựng một bàn thờ dâng thánh lễ trong nhà mình, và thăm viếng cũng như dạy dỗ giáo dân ở kinh đô cũng như vùng lân cận.

Tình trạng quản thúc này kéo dài hơn một năm và kết thúc nhờ sự can thiệp của vị phó vương ở Sài Gòn, người vì lòng biết ơn đối với những gì mà Giám mục Pigneau de Behaine đã làm cho xứ Đàng Trong, đã xin cho các thừa sai được tự do và ông đã được chấp nhận.

Ngày 1 tháng 6 năm 1828 sau một năm lưu trú cưỡng bức, hay đúng hơn là giam lỏng tại triều đình Minh Mạng, cha Gagelin lên đường đi về vùng hạ Đàng Trong. Trước khi đến nơi, ngài dừng chân tại một trong những tỉnh ở vùng sát biên là Bình Thuận, và thử truyền giáo cho người Chàm.

Người Chàm thực hành nhiều điều mê tín theo Hồi giáo và công việc truyền giáo không mấy thành công.

Cha rời bỏ họ để làm việc trong những địa sở ở các tỉnh phía Nam, từ “cap Saint-Jacques” (Vũng Tàu) đến vịnh Cambodge. Trong vòng bốn tháng, cha dùng thuyền đi khắp xứ này, theo những con rạch, con sông lớn, những con kênh mà trên bờ phân chia vô số những giáo trạm Công giáo, có khoảng 15 đến 18.000 giáo dân. Hành trình của cha có kết quả đến nỗi bề trên giáo miền chỉ định cha làm việc thêm năm thứ hai tiếp theo đó. Lần này, cha Gagelin không bằng lòng thi hành sứ vụ ở những địa sở cũ, cha muốn đem Tin Mừng đến với những dân tộc bán khai, lạc mất trong những cánh rừng của Cambodge, phía Bắc của Hà Tiên.

Ở đây ngài lại gặp phải sự cứng cỏi như ở phần đất Chămpa, và sau nhiều mỏi mệt cam đảm chịu đựng, ngài trở lại chủng viện Lái Thiêu, thuật lại những chúc lành của Thiên Chúa cho công việc của mình:

“Con quay về với niềm an ủi là đã làm hồi sinh đức tin và lòng sốt sắng trong nhiều địa sở. Con đã cố gắng khích lệ những tâm hồn trung thành, dẫn đưa về với Chúa những người bất hạnh đã rời xa đức tin, dạy dỗ những người không biết, tận diệt tận gốc rễ cuối cùng sự tôn thờ ngẫu tượng trong một vài tâm hồn quá mau mắn rơi vào những mê tín xưa cũ. Con đã gieo hạt giống và hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ cho sinh sôi và nảy nở”

Đức cha Taberd muốn tưởng thưởng công lao của người tông đồ nên bổ nhiệm ngài làm quyền đại diện cho mình; rồi gửi cha đến vùng trung Đàng Trong.

Cha Gagelin bắt đầu công việc ở tỉnh Phú Yên, rồi đến Bình Định và một thời sau là Quảng Ngãi (1830). Cha đi bộ từ địa sở này đến địa sở kia, ngay cả đến những địa sở nhỏ nhất, giảng dạy, rửa tội, thêm sức.

Công việc khiến cha không nghỉ ngơi được lúc nào hết. Cha nói: “Ở Âu châu, các cha giải tội chỉ bận rộn vào một vài thời khắc trong năm và khi gần đến những ngày lễ trọng; nhưng ở xứ sở mà tôi vừa mới đến đây thì ngày nào cũng là lễ trọng”.

Cuối cùng, sự thù ghét Công giáo của vua Minh Mạng đã bùng nổ sau nhiều năm dằn nén; ngày 6 tháng Giêng 1833, ông ra sắc lệnh cấm đạo đầu tiên, truyền cho tất cả giáo dân phải bỏ đạo và bằng một chỉ dụ bí mật truyền cho các quan bắt các linh mục châu Âu. Giáo dân hoảng kinh và một số người trong họ đã yếu đuối ngã gục. Rất đau lòng vì sự thiếu can đảm này, hy vọng rằng nếu mình tự giao nộp thì sẽ chấm dứt được cơn bách hại, cha Gagelin đã đi nộp mình cho quan huyện Bồng Sơn.

Cha nói với quan: “Tôi từ vùng hạ Đàng Trong đến đây, tôi có giấy thông hành của nhà vua cho phép tôi đi Sàigòn để phục hồi sức khỏe. Khi trở về đây, tôi nghe có sắc lệnh bắt đạo và tôi đã đến đây tìm ngài để ngài dẫn tôi về kinh đô.”

Ông quan cầm lấy giấy thông hành, đọc và tra khảo vị thừa sai về việc đến và lưu lại Đàng Trong, những chuyến đi và công việc của cha. Cha trả lời rất khôn ngoan, tránh làm nguy hại đến giáo dân. Cha bị giam 15 ngày ở huyện rồi từ đó được dẫn đến phủ.

Nhiều lương dân đến xem, vài người lăng mạ hoặc sỉ nhục, nhưng ngài trả lời rất ít và luôn với sự nhã nhặn; với những người đồng hành trong chuyến giải giao, ngài luôn tỏ lòng bác ái, ân cần.

Vua Minh Mạng truyền lệnh dẫn ngài ra Huế, ngài lên đường vào cuối tháng Bảy.

Đến Huế ngày 23 tháng Tám và bị giam ở Trấn phủ, và vào cùng ngày ấy cha Gagelin tiếp đón sự viếng thăm của cha Jaccard, một thừa sai tù nhân khác. Kể từ lúc ấy, cho đến ngày 11 tháng Mười, hằng tuần ngài có đôi ba lần gặp gỡ trò chuyện với người đồng sự của mình hoặc với cha Odorico, một tu sĩ dòng Phanxicô, cũng bị cầm tù. Trong khoảng thời gian bảy tuần này, người tuyên xưng đức tin không chịu bất kỳ cuộc tra khảo nào nữa.

Sự kiện này có vẻ bất thường nhưng dễ dàng giải thích được: vua Minh Mạng biết rõ rằng vị tông đồ này sẽ không từ bỏ đức tin của mình, cha đã cho quá nhiều bằng chứng về sự can đảm của mình trong thời gian lưu trú ở Huế từ năm 1827 đến 1828; nhưng sự im lặng này có một chủ đích khác, nhà vua truyền bắt các thừa sai, không giấu ý định giết chết các ngài.

Phát động cuộc bách hại chống lại những người mà cha mình chịu ơn ngai vàng, nhà vua không phải là không tự hỏi về ấn tượng mà nó gây ra, ông muốn hành động hơn là nói và đặt giáo dân, thậm chí những lương dân có lòng nhân từ, trước sự kiện đã rồi.

Còn hơn thế nữa, ông không muốn cho tù nhân biết số phận chờ đợi mình nên ra lệnh cho lính gác cố duy trì họ trong ảo vọng. Nhưng cha Jaccard có quá nhiều mối liên hệ với triều đình nên đã biết được thâm ý của nhà vua, và nhiều lần ngài đã lập lại với người bị cầm tù này rằng ngài sẽ bị án tử.

Không nghi ngờ gì về niềm hạnh phúc được dành sẵn cho mình, cha Gagelin trả lời bằng bức thư cảm động này:

“Cha thân mến,

Tin mà cha báo với con là con sẽ không tránh khỏi án tử, tin này đã làm con vui sướng tận thâm tâm. Không, con không ngại nói rằng chưa bao giờ tin này làm con vui đến thế; các ông quan  chưa bao giờ cảm thấy được điều tương tự như thế đâu. Laetatus sum in his quae dicta sunt mihi in domum Domini ibimus (Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi, chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa). Ân sủng mà con rất bất xứng này đã là đối tượng ao ước đến cháy bỏng của con từ lúc thiếu thời; con đã đặc biệt cầu xin điều đó mỗi lần con nâng máu thánh lên trong thánh lễ.”

Tuy nhiên, không có thông báo chính thức nào dành cho người tử tội cho đến giây phút cuối cùng. Vua Minh Mạng đã giữ kín, hoặc ông đã tin rằng mình đã giữ được bí mật của mình.

Ngày 17 tháng Mười 1833, đội lính có trách nhiệm dẫn cha Gagelin ra pháp trường đã đến cửa ngục vào lúc 7 giờ, một anh lính đi vào và báo cho tù nhân rằng sẽ được chuyển đến một nhà tù khác ở Thừa Thiên.

Vị thừa sai vừa mới đọc xong kinh nhật tụng, ngài mặc y phục và đi ra.

Bỗng nhiên thấy chung quanh mình là những lính hộ tống, với dụng cụ khác thường, ngài hiểu rằng giờ cuối cùng đã đến. Ngài hỏi:

Đem tôi đi chém sao?

Một trong những người lính trả lời: Đúng vậy

Vị tử đạo nói: Tôi không sợ nghe!

Họ lập tức rời đi, bốn anh lính đỡ các đầu gông, những người khác cầm giáo đi hai bên, hai ông quan cưỡi ngựa chốt cuối đoàn đi. Đám rước lặng lẽ hướng về phía cây cầu ngăn cách kinh đô với khu ngoại ô Bãi Dâu. Đến đầu cầu, một anh mõ mang tấm bảng ghi lệnh tử án bằng những lời sau đây: “Tây dương nhân chi Tây Hoài Hóa, địa phương truyền thọ Gia Tô tà giáo vi nhân nã hoạch phương an xử giảo quyết” (Dương nhân tên Hoài Hóa đã phạm tội truyền bá đạo Chúa Giêsu ở nhiều tỉnh thành trong vương quốc này, vì thế nên phải chịu xử giảo).

Cứ mỗi trăm bước, anh ta dừng lại, đánh vài tiếng chiêng và cao giọng đọc lời kết án này. Đám đông đi theo lấy làm xót thương cho số phận của vị thừa sai và nói: “Sao lại giết một người can đảm như thế này? Nhà vua đã thành bạo chúa rồi sao?”

Và lập tức, sự thán phục theo sau sự phẫn nộ, đám đông lương dân nói: “Có ai đã từng thấy người nào điềm tĩnh đi đến cái chết như thế không?”

Cha Gagelin đi những bước dài mạnh mẽ, bình tĩnh, thỉnh thoảng nhìn về đám đông phía trước. Đến pháp trường, mấy ông quan truyền dừng lại, đám lính chia ra, một phần vây quanh tử tội, phần khác đóng ba cây cọc xuống đất trên cùng một đường thẳng, và trải chiếc chiếu trước cây cọc ở giữa. Vị thừa sai chứng kiến mọi sự chuẩn bị này, nhìn chung quanh, và không biết mình bị chém đầu hay thắt cổ. Không ai nói cho ngài biết.

Chiếc gông bị mấy anh lính nắm lấy khiến ngài không được tự do cử động, ngài xin được quỳ gối để chuẩn bị chết. Người ta không nghe ngài nói nữa. Họ ấn ngài ngồi xuống, đôi chân duỗi ra trên chiếu, lưng tựa vào chiếc cột giữa; hai người lính cởi áo ngài ra, hạ xuống đến thắt lưng, họ cầm lấy hai cánh tay ngài, bẻ ra phía sau lưng và trói chặt vào chiếc cột ở giữa. Người ta tròng qua cổ ngài bằng sợi dây mà hai đầu quấn quanh hai cây cọc ở bên phải và bên trái.

Cha Gagelin sẵn sàng tất cả với sự bình tĩnh. Khi mọi sự xếp đặt đã xong, các quan ra hiệu lệnh đầu tiên, khoảng mười hai anh lính nắm lấy đầu dây; hiệu lệnh thứ hai, họ kéo dây căng ra với hết sức lực, và vị thừa sai thở những hơi thở cuối cùng.

Để bảo đảm rằng ngài đã chết, họ đốt lòng bàn chân ngài, rồi để lại mấy anh lính canh xác.

Một trong những học trò của cha Odorico đi theo vị tử đạo đã xin được phép tháo xác ngài ra, và đã được chấp thuận, anh bọc xác trong tấm chiếu và ngồi ở bên.

Cảnh tượng an táng này rất khác với lễ an táng ở Tây Phương: thay cho ánh nến trong lễ an táng, mặt trời rực rỡ của xứ Annam chiếu sáng cảnh quang này; và thay cho những tấm màn rủ ảm đạm chính là những hàng cây cao với tàn lá nặng nề…

Vào khoảng 6 giờ, lính cho phép anh thanh niên đem xác đi chôn. Được sự giúp đỡ của một thầy giảng của cha Jaccard, người học trò đã đưa được xác về làng Phủ Cam; một linh mục bản xứ chôn cất ngài trong khu vườn của một ngôi nhà đặc biệt. Nhưng đó cũng chưa phải là hồi kết của tấm thảm kịch, vua Minh Mạng không lấy làm chắc lắm về cuộc hành quyết này; ông đọc trong một cuốn giáo lý rằng vị sáng lập Kitô giáo đã sống lại vào ngày thứ ba sau khi chết. Ông tưởng tượng ra rằng điều kỳ diệu như thế cũng có thể xảy ra nên truyền lệnh phải bảo đảm cái chết. Người thầy giảng đã chôn cất cha Gagelin dẫn các quan đến mộ và khai quật xác lên. Họ để xác cho mọi người xem thấy, khám xét xem sự sống có thật sự đã rời thân xác của ngài không; và lập tức báo cho vua biết. Tin này đã làm cho vua an tâm; ông suy xét theo ý tưởng của mình về cái chết rằng người Tây dương này đã bằng lòng ở yên trong huyệt mộ trong ba ngày, hết hạn kỳ rồi và có lẽ không thể làm được gì để có thể chống lại ông. Vì thế, ông truyền đặt xác lại trong mộ. Tuy nhiên ông vẫn cảm thấy bất ổn về cuộc khám xét này; ông truyền cho dân ở Phủ Cam canh chừng mộ, vì nếu vị thừa sai sống lại hoặc nếu người ta lấy xác ngài đi thì chính những người dân này sẽ phải trả giá bằng cái đầu của họ.


Bàn thờ phụ kính Thánh Gagelin Kính tại giáo xứ Montperreux hiện nay

Năm 1846, di hài của vị tử đạo được chuyển đến Chủng viện Thừa sai Hải ngoại, chính thức được công nhận, và biên bản xác nhận thi hài được soạn thảo ngày 9 tháng Chín 1847.

Trích trong: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, Nối vạch thời gian, Tủ sánh Nước Mặn, 2020, tr. 127-138
Nguồn: gpquinhon.org  



[1] Hai bức hình chụp căn nhà của cha Gagelin và ngôi làng Montperreux là do cha Paquette, cha sở Montperreux gởi.