Chúng ta học được gì từ Cải Cách

24/01/2021


CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ CẢI CÁCH

Tác giả: Tiến sĩ Mục sư Olav Fykse Tveit,
Tổng Thư kí Hội đồng Thế giới các Giáo hội Cải cách
Chuyển ngữ: Tú Ân
Từ: oikoumene.org

WHĐ (24.1.2021) – Năm 2017 là năm kỷ niệm 500 năm Phong trào Cải Cách Luther được đánh dấu bằng việc Martin Luther phát hành 95 luận đề vào ngày 31 tháng Mười năm 1517, để tố cáo những lạm dụng trong Giáo hội. Sự kiện này đã khai mào các biến cố khác dẫn tới Phong trào Cải Cách gây chia cắt Kitô giáo Tây phương thành Công giáo Rôma và các Giáo hội Cải Cách. Trong bài nói chuyện tại Peterskirche, the University Church of Heidelberg, vào ngày 27 tháng Mười năm 2016, Tổng Thư kí Hội đồng Thế giới các Giáo hội (World Council of Churches - WCC) Tiến sĩ Mục sư Olav Fykse Tveit đã nói rằng lễ kỉ niệm phong trào Cải cách chỉ có thể diễn ra một cách ý nghĩa nếu như việc kỷ niệm này được thực hiện bằng tinh thần trách nhiệm chung với nhau.


Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Tổng Thư kí Hội đồng Thế giới các Giáo hội Cải Cách Tiến sĩ Olav Fykse Tveit, tại Vatican, ngày 2.3.2018

1. Tinh thần trách nhiệm chung với nhau – Một lộ trình chung của Phong trào Cải Cách và Đại kết hôm nay?

Tinh thần trách nhiệm chung với nhau phải là thái độ trọng tâm của việc kỉ niệm Phong trào Cải Cách. Việc mừng kỉ niệm một thiết chế hay một ý thức hệ theo hướng tự thoả mãn và tự khẳng định một chiều không thể mang lại cho thế giới những gì vượt xa hơn lòng kiêu hãnh về thành công và quyền lực của những người đồng hoá với thiết chế đó. Tuy nhiên, mừng kỉ niệm như vậy có thể hữu dụng thực sự khi chúng phản ánh một thái độ có trách nhiệm với nhau. Điều này đòi hỏi tự phê bình một cách thẳng thắn cởi mở:

- Chúng ta đã học được những gì?

- Điều gì là ý nghĩa và quan trọng trong thời kì lịch sử cụ thể này?

- Cải cách đã đi trệch hướng và thậm chí bị lạm dụng như thế nào?

- Chúng ta phải làm gì để mang những điều tốt nhất của Cải cách đi vào cuộc sống tương lai của tất cả chúng ta?

Phương pháp hữu hiệu và phù hợp nhất đó là các Kitô hữu và giáo hội phải nhìn về quá khứ cũng như hiện tại để chịu trách nhiệm với Thiên Chúa về tất cả những gì đã xảy ra. Chúng ta phải đứng trước Thiên Chúa và đồng thời cũng là đứng trước toàn thể công trình tạo dựng của Thiên Chúa, đặc biệt là những người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa: con người và toàn thể nhân loại. Cách tốt nhất để mừng một lễ kỉ niệm đó là chúng ta phải thực sự học được những bài học, khi làm như vậy trong tinh thần có trách nhiệm với những người khác trong thế giới của Thiên Chúa, từ những người đó chúng ta vừa học được những khẳng định về những hồng ân mà chúng ta đã lãnh nhận và đồng thời cùng chia sẻ với nhau thông qua việc phê bình xây dựng.

Tinh thần trách nhiệm chung với nhau là thái độ trọng tâm đưa phong trào đại kết đi vào đời sống như là một sự giao hảo giữa các giáo hội. Tôi đã giải thích điều  này trong cuốn sách của tôi có tựa đề The truth we owe each other. Mutual accountability in the ecumenical movement.[1] Tinh thần trách nhiệm chung với nhau được thực hiện khi chúng ta đặt vấn đề và trả lời cho nhau một cách rõ ràng, cởi mở, khiêm nhường và xây dựng về những gì chúng ta đã làm với di sản chung của chúng ta trong tư cách là các giáo hội, di sản chung đó là Tin Mừng và Một Truyền Thống của Hội Thánh. Tinh thần trách nhiệm còn bao gồm đối thoại về cách chúng ta đề cập đến những khác biệt và những chia cắt đã phát sinh và chúng ta đã quản lý di sản này như thế nào. Cũng vậy, chúng ta cần đặt vấn đề chúng ta có trách nhiệm như thế nào về các giá trị và kiến thức mà chúng ta khẳng định và chia sẻ với nhau và do đó, chúng ta dấn thân như thế nào trong việc tìm kiếm con đường đi đến với nhau. Chúng ta cũng cần phải cho thấy rằng chúng ta là những người có trách nhiệm, đáng tin cậy, và thành thật. Với tất cả điều này, chúng ta chịu trách nhiệm với nhau về việc Tin Mừng được chia sẻ như thế nào để nhờ đó những đối tượng mà Tin Mừng nhắm tới có thể nhận thấy đó là lời giải thoát, biến đổi, và hy vọng. Đó cũng chính là những gì Thánh Kinh mang đến cho giáo hội và cho thế giới trong mọi thế hệ và mọi hoàn cảnh.

Tin Mừng kể câu chuyện người Pharisêu và người thu thuế (Lc 18, 9-14) để cho thấy sự khác biệt một cách rõ ràng giữa người quy ngã và kiêu ngạo với người đứng lên trong tinh thần chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Thiên Chúa về những tội lỗi của mình. Nhờ đó chúng ta có thể hoàn toàn cậy dựa vào ân sủng Thiên Chúa mà thôi. Đoạn Tin Mừng này cho thấy sự liên kết giữa hồng ân Thiên Chúa, tinh thần chịu trách nhiệm và lòng ăn năn hối cải.

Ở đây tôi muốn trình bày về ý nghĩa của tinh thần trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm chung với nhau, như là trọng tâm của vấn đề đã khiến Martin Luther khai mở các cuộc tranh luận về ý nghĩa đích thực của việc ăn năn sám hối trong các luận đề của ông được trình bày vào ngày 31 tháng 10 năm 1517. Bàn luận về phương pháp của Luther nhằm mục đích tìm kiếm một cách thức tốt hơn cho việc giáo hội cần có trách nhiệm giải thích Kinh Thánh và Tin Mừng, để nhờ đó, các tín hữu có thể được những hiểu biết đúng đắn bằng một cách thức truyền đạt thích hợp. Dĩ nhiên đây là phương tiện để phục vụ giáo hội và tín hữu. Nhân dịp kỷ niệm sự kiện này, chúng ta có thể tổ chức một thảo luận cởi mở về giá trị của việc ăn năn sám hối như là sức mạnh cho việc giải phóng và biến đổi thực sự. Chúng ta có thể tìm ra cách thức thế nào để nó không bị xuyên tạc thành một cái gì đó ngăn chặn giáo hội lẫn tín hữu có thể chịu trách nhiệm với Thiên Chúa và người khác một cách thực sự.

2. Sự cần thiết của tinh thần trách nhiệm và cải cách trong giáo hội và thế giới

Lúc này, có nhiều cuộc thảo luận đại kết liên quan đến lễ kỷ niệm 500 năm Cải Cách, đây là dịp để chúng ta nhìn lại những biến cố gây chia rẽ giáo hội vào thế kỉ XVI và những chia rẽ về mặt thần học, chính trị, văn hoá cũng như những xung đột kéo theo sau đó. Các cuộc thảo luận này thường nêu lên câu hỏi: chúng ta học được gì từ những điều chúng ta gọi là Cải Cách, và tiềm năng biến đổi hôm nay như được nhìn thấy thông qua các lăng kính của Cải Cách.[2] Cách đối thoại đại kết tốt nhất về phong trào cải cách đó là áp dụng phương pháp "chữa lành ký ức" vốn đã là một chiều kích quan trọng của việc xây dựng hoà bình của các giáo hội thành viên của WCC ở Bắc Ireland, Nam Phi và nhiều nước khác. Tôi xin chúc mừng Đức Hồng Y Reinhard Marx và Tiến sĩ Landesbischof Heinrich Bedford-Strohm về một ấn phẩm chung của Hội đồng Giám Mục Công giáo và Giáo Hội Tin Lành Đức (EKD) với tựa đề Erinnerungen heilen[3] vừa được xuất bản gần đây.

Những người khác cũng đã triển khai việc nghiên cứu liên ngành, ví dụ như dự án về "Cải Cách Cực đoan" điều này minh chứng rằng việc cải cách đã là một phần của một kỷ nguyên đầy những thay đổi và biến động sâu sắc trong lịch sử thế giới, dẫn đến thế giới hiện đại với những đe dọa nghiêm trọng đối với đời sống của chúng ta và các thế hệ tương lai. Một trong những người khởi xướng dự án này là Ulrich Duchrow (xuất thân từ Heidelberg đây).

Tôi muốn đi xa hơn một bước nữa, kết hợp sự hiểu biết về thuật ngữ "đại kết" như là "toà nhà của những viên đá sống động", đó là sự hiệp thông của các Giáo hội Kitô giáo, và cũng là "ngôi nhà sự sống của Thiên Chúa" bao hàm toàn bộ công trình sáng tạo. Hồi tưởng lại những động lực cải cách đã đem đến những biến đổi trong giáo hội và xã hội thời bấy giờ, câu hỏi mà tôi đặt ra là: với những mối đe doạ sống còn mà nhân loại ngày nay đang phải đối mặt, giáo hội và thần học cần phải canh tân như thế nào? Kinh nghiệm đại kết của tôi trả lời cho tôi rằng không có một câu trả lời duy nhất và giải pháp sẵn có trong tay. Không một người nào có đầy đủ tất cả. Thật vậy, chúng ta cần khẩn trương tìm hiểu những đòi hỏi để chúng ta có thể cùng đi trên con đường công lý và hòa bình như một cộng đồng đa dạng trong tinh thần trách nhiệm và đồng thời tìm hiểu những điều cốt lõi trong đức tin Kitô giáo của chúng ta có thể đóng góp trong việc trả lời cho những thách đố to lớn mà tất cả chúng ta, những con người đang trên đường lữ hành, đang cùng nhau phải đối mặt.

Nói cách khác, một cách cụ thể, tất cả chúng ta hôm nay cần phải làm gì để có thể:

- bước theo Chúa Kitô,

- tìm kiếm dấu chỉ triều đại Thiên Chúa, và

- nhận ra sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần

và thực hiện tất cả điều này trong tinh thần trách nhiệm với nhau? Điều này có ý nghĩa gì trong bối cảnh đa văn hoá và đa tôn giáo, trong một thời đại mà việc nhấn mạnh lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và thậm chí lợi ích quốc gia gây cản trở những thay đổi cần thiết, và các cuộc xung đột và chiến tranh nhiên liệu gây nhiều thiệt hại cho cộng đồng nhân loại cũng như toàn bộ sinh vật trên hành tinh Trái đất?

Nói tóm lại: điều đó có ý nghĩa gì trên cuộc hành hương của công lý và hòa bình trong thế giới ngày nay cùng với những người thiện chí của các nền văn hóa và các cộng đồng đức tin khác nhau? Tôi đã tự hỏi mình câu hỏi này mỗi ngày với tư cách là Tổng thư ký của WCC kể từ Đại hội lần thứ mười được tổ chức vào năm 2013 tại Busan, Hàn Quốc, kêu gọi các giáo hội và tất cả mọi người thiện chí cùng tham gia vào hoạt động biến đổi trên cuộc hành hương của công lý và hòa bình.

Trước khi cố gắng giải quyết những câu hỏi này, tôi xin nhắc lại một số bài học của quá khứ gần đây. Cách gọi "Kỷ niệm Cải Cách –đại kết" nhắc nhở chúng ta rằng có những khó khăn trong việc kỷ niệm 500 năm phong trào Cải cách theo cách thức đại kết. Hồng y Kurt Koch và những người khác đã chỉ ra thực tế rằng cuộc cải cách đã dẫn tới cuộc ly khai của Giáo Hội Tây Phương và sau đó gây ra nhiều xung đột và chiến tranh ở châu Âu. Những thực tế này sẽ ở trong hành trình mừng kỷ niệm.

Lần đầu tiên tôi tham dự kỉ niệm 500 năm Cải cách là ở trong Ủy ban Đại kết tại Liên hiệp Luther Thế giới (Lutheran World Federation) hơn 10 năm trước đây. Tôi khẳng định rằng những kết quả của các cuộc đối thoại đại kết mở rộng cần phải là cơ sở cho việc mừng kỷ niệm. Sự mơ hồ của việc đánh dấu 500 năm như là một dịp mừng kỷ niệm tất cả những gì chúng ta tạ ơn, và xem xét một cách có phê bình về tất cả các hậu quả tiêu cực và đầy kịch tính của cuộc ly khai xảy ra trong và sau thời kỳ cải cách, theo tôi được giải quyết thông qua một cử hành Tin Mừng chung. Chẳng phải đây là điểm trung tâm trong những vấn đề quan trọng và các sáng kiến tốt nhất từ Luther và phong trào cải cách khác hay sao? Và trong bối cảnh thực tại của Giáo Hội thời Martin Luther, thông qua tất cả cuộc đối thoại thần học, đây không được xem là phù hợp và cần thiết hay sao?

Tôi vui mừng khi thấy rằng giai đoạn thảo luận về tài liệu và mục đích của lễ kỷ niệm 500 năm rõ ràng đi theo ý kiến của chúng tôi. Các giáo hội sẽ cùng mừng lễ với nhau với Tin Mừng của Chúa Kitô ở trung tâm - "ein Christusfest". Thật là  một điều đáng chú ý khi cả người Tin Lành và Công giáo cùng với nhau chịu trách nhiệm về những xung đột và chiến tranh tiếp theo sau cuộc cải cách. Cả hai ấn bản “Từ xung đột đến Hiệp thông”[4] của Liên hiệp Luther Thế giới và Erinnerungen heilen của các giáo hội Đức cho thấy các giáo hội đã nhận thức được và cùng nhau xây dựng dần dần các cuộc đối thoại đại kết từ Công đồng Vatican II.

Đây cũng là tinh thần chiếm ưu thế trong việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm chung của Đức Thánh Cha Phanxicô và các đại diện của Liên hiệp Luther Thế giới vào ngày 31 tháng Mười ở Lund. Tôi mong muốn ở đây thể hiện tình giao hảo của Công nghị các giáo hội Thế giới. Sự kiện này có liên quan và sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ phong trào đại kết. Như là một phần của sự kiện ở Lund, Tổ chức Caritas Quốc tế và tổ chức World Service Lutheran sẽ ký kết một bản ghi nhớ về những công việc họ sẽ cùng nhau thực hiện. Tất cả những gì đang hứa hẹn đánh dấu năng lượng mới cho sự hợp tác đại kết đồng trách nhiệm. Thực ra chúng ta đang thu hoạch một số thành quả từ các cuộc đối thoại đã được nuôi dưỡng trong quá khứ.

Điều này cũng đòi hỏi người ta không được nhìn cuộc cải cách dưới góc độ của Giáo Hội hoặc của thế giới. Phạm vi của việc chịu trách nhiệm chung với nhau cần phải bao gồm các chiều kích tôn giáo, nhưng nó không thể giới hạn chừng đó. Chúng ta phải có trách nhiệm đi ra ngoài giáo hội để đến với những người đồng loại trong mọi chiều kích của cuộc sống. Những kiến thức từ các nghiên cứu xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa đóng góp cho một sự hiểu biết toàn diện hơn về Cuộc cải cách trong cả hai lĩnh vực. Phong trào Cải cách là một phần của một quá trình lịch sử rộng lớn hơn đã dẫn đến chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa hiện đại. Việc hợp tác liên ngành cho thấy rõ ràng một nền thần học và lối tiếp cận chỉ lấy giáo hội làm trung tâm không bao giờ đủ để hiểu được động lực của sự thay đổi trong lịch sử.

Theo quan điểm Công giáo và Tin Lành Đức chẳng hạn, thật là hiển nhiên khi nhìn nhận ngày 31 tháng 10 năm 1517 là ngày mà Martin Luther công bố 95 luận đề của ông về vấn đề ân xá. Do đó, ngày này được công nhận là điểm bắt đầu của phong trào Cải Cách Luther. Tuy nhiên, khi nhìn vào các sự kiện ở góc độ châu Âu và trên toàn thế giới rộng lớn hơn, rõ ràng chúng ta không thể quên Zwingli, Calvin và Hus, cũng như những chất xúc tác cho sự thay đổi trước Cuộc Cải cách Luther và sau đó vẫn phát triển song song. Hơn nữa, sự hình thành của Giáo Hội Anh giáo và các giáo hội Cải Cách mới trong thế giới nói tiếng Anh cần phải được xem xét. Các nhân vật lịch sử quan trọng như Luther, Cajetan, Frederik the Wise, Hoàng đế Charles V hoặc gia đình Fugger, những người khác như vua Henry VIII hoặc Nữ hoàng Elizabeth I, hoặc các thương gia giàu có ở Amsterdam và Antwerp, Hamburg và London đã ủng hộ chiều hướng thần học mới cần phải được nhận thức đầy đủ  trong bối cảnh riêng của chúng. Bối cảnh này bao gồm các cuộc chinh phục thuộc địa đầu tiên ở châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á, với những cơ hội mới cho nền thương mại toàn cầu, nhưng cũng là sự tiến bộ của đế quốc Ottoman. Vào năm 1492, Martin Behaim người Đức đã đưa ra một quả địa cầu để chứng minh với Welsers, với các ngân hàng và các nhà kinh doanh đủ ngành nghề khác ở Nürnberg về những thực tế mới mẻ trong một thế giới đang thay đổi triệt để. Cải cách được đan xen với một quá trình lâu dài của toàn cầu hóa được tăng tốc với chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa tân thực dân.

Chúng ta thấy sự xuất hiện của thế giới hiện đại với một Kitô giáo lan rộng trên toàn thế giới nhưng bị chia rẽ và với sự cạnh tranh mang tính toàn cầu về sức mạnh kinh tế và chính trị đi đôi với tiến bộ công nghệ quan trọng. Đây là nền tảng lịch sử của sự bất bình đẳng, bất công kinh tế, khẳng định bá chủ quyền lực chính trị và quân sự ngày một gia tăng như là một môi trường cho các cuộc khủng hoảng kinh tế, sinh thái và xã hội-văn hóa đan xen vào nhau trong thời đại chúng ta. Cải cách không phải là nguồn gốc của tất cả điều này, nhưng nó đã mở ra bối cảnh cho xu hướng này.

Các cuộc cải cách đã có nhiều tác động thúc đẩy dẫn tới những phát triển hiện đại và dân chủ, và cũng đã kéo theo sự toàn cầu hóa của Kitô giáo với nhiều hình thức thông qua truyền giáo. Konrad Raiser đã khám phá các khía cạnh của cuộc cải cách trong nghiên cứu mới của ông vừa được công bố về những vấn đề này dưới cái nhìn về đời sống các giáo hội trên toàn thế giới ngày nay và mối quan hệ của chúng thông qua phong trào đại kết.[5] Hôm nay, chúng ta nhận thấy chính mình đang ở trong một hoàn cảnh đòi hỏi xúc tiến các hình thức mới của việc chia sẻ, hợp tác và lối sống sinh thái lành mạnh, nhưng trong đó –khá mâu thuẫn– khả năng và ý muốn làm điều đó bị làm suy yếu bởi các phản ứng chống lại xu hướng toàn cầu và quyền lực thường khuếch đại những nét đặc thù về văn hóa và tôn giáo. Đây là nét đặc trưng chung của các phong trào chính trị dân túy (populist), chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và sự biện minh cho bạo lực ảnh hưởng trên các nhóm trong các giáo hội. Tất cả những người này đều từ chối chịu trách nhiệm với những người không thuộc nhóm riêng của họ.

3. Sự phù hợp của 95 luận đề của Luther đối với phong trào đại kết như là cuộc hành hương của công lý và hòa bình hôm nay

Khi phát biểu tại Heidelberg này, tôi ý thức được rằng nhận thức đầu tiên về những thách đố mà chúng ta hôm nay đang phải đối mặt đã được xác định bởi các nhân vật như Georg Picht, Heinz Eduard Todt, Günther Howe và Carl Friedrich von Weizsäcker. Công trình của FEST(Forschungsstätte der Evangelischen Studiengemeinschaft) đã đề cập đến những vấn đề quan trọng cho tương lai của nhân loại theo phương pháp tiếp cận liên ngành và hiện nay vẫn đang còn được tiếp tục. Bị tác động mạnh mẽ bởi kinh nghiệm về hai cuộc thế chiến, cuộc tàn sát người Do Thái và sức mạnh hủy diệt của vũ khí hạt nhân, thế hệ những người sáng lập FEST hiểu rằng thời đại chúng ta đòi hỏi các hình thức cộng tác mới mẻ  hơn mang tầm mức toàn cầu trong mọi phạm vi và mọi khía cạnh của cuộc sống. Điều này cũng đã có tác động đáng kể đến chương trình nghị sự của Hội đồng Thế giới các Giáo hội đã được hình thành gần 70 năm qua.

Hòa bình, như họ nói - và tôi muốn thêm công lý cho con người và Trái đất - là điều kiện thiết yếu cho sự sống còn của nhân loại. Chỉ có một tương lai và hy vọng chung cho tất cả hoặc là không có chút hy vọng nào cho tương lai.

Thế hệ những người sáng lập FEST nhận ra rằng không một nền văn hóa và tôn giáo hiện hữu nào đã kịp chuẩn bị đầy đủ cho những loại hình thay đổi xã hội và văn hóa, chúng đòi hỏi công lý ở tầm mức toàn cầu và hòa bình lâu dài. Trong thực tế, một vài nền văn hoá và tôn giáo xác định một cách chính xác điều này như là một vấn đề cơ bản chính yếu. Không phải thuyết tương đối hậu hiện đại cũng không phải những nỗ lực thúc đẩy các thỏa thuận dựa trên một số tối thiểu của các nguyên tắc chung là đã đầy đủ. Tuyên ngôn Nhân quyền và các hiệp ước về quyền con người sau đó đã cho thấy một con đường phía trước, nhưng con người vẫn còn bị xâm hại, áp bức một cách dễ dàng chỉ vì nguồn gốc chủng tộc hoặc tôn giáo của họ, điều này thậm chí xảy ra ở Bắc bán cầu nơi có nguồn gốc Kitô giáo sâu xa. Sự đối lập giữa "chúng ta" và "họ" đang thống trị suy nghĩ và hành động tại những lúc chúng ta nói về "chúng ta" như là một cộng đồng khác, để phân biệt và cho thấy sự khác biệt với người khác.

Trong lãnh vực thần học, thiếu khả năng tương quan với người khác hoặc người thân cận là phá vỡ sự hiệp thông với người khác và với Thiên Chúa. Sự tan vỡ các mối quan hệ cơ bản nhất như vậy được truyền thống Kinh Thánh gọi là tội lỗi. Tội lỗi là một thực tại phá vỡ và làm giảm sút các mối quan hệ của con người và phá hủy cuộc sống đã được trao ban cho chúng ta với tư cách là những hữu thể nhân linh trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Đó là một thực tại phá hoại cuộc sống của chúng ta. Để xây dựng cuộc sống của chúng ta và các mối quan hệ mới, cần có sự quy hướng đến người khác, điều này bao gồm một sự hiểu biết về căn tính của chúng ta một cách toàn diện mới mẻ hơn bao gồm các chiều kích vật chất, luân lý và thiêng liêng.

Tôi cảm thấy thoải mái khi đề cập đến các khía cạnh cơ bản của những thách đố hiện tại bằng các phạm trù Cải Cách. Theo quan điểm của việc hoán cải sâu sắc cần thiết, tôi muốn nhấn mạnh một chiều kích duy nhất, liên quan đến luận đề đầu tiên của Luther được dán trên cánh cửa nhà thờ ở Wittenberg:

“Khi Chúa và Thầy của chúng ta, Đức Giêsu Kitô, phán: ‘Hãy ăn năn...’, Ngài muốn các tín hữu phải ăn năn sám hối suốt cuộc đời” (Mt 4,17).

Tội là có thật. Chỉ có một tội thực sự huỷ hoại cuộc sống của các cá nhân và cộng đoàn. Không thể tránh tội lỗi nhờ vào tiền bạc, quyền lực, tránh né, làm việc đạo đức, các giáo thuyết, các chức vụ, hoặc thông qua bất kỳ phương tiện khác. Không thể tránh được việc cần phải ăn năn, hoán cải và canh tân đời sống.

Ăn năn sám hối là phương cách lãnh nhận ơn công chính hoá của ân sủng và được giải thoát khỏi xích xiềng của tội lỗi. Ăn năn dẫn đến một sự hoán cải có liên hệ đến mọi chiều kích nơi căn tính chúng ta. Mục tiêu mà hoán cải nhắm tới là canh tân đời sống trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô và ân huệ của Chúa Thánh Thần.

Luther khẳng định quan niệm về ăn năn không phải là một lần cho tất cả mọi hành động hay lời nói. Đó là một thái độ, một cách sống tỉnh thức theo tiếng nói phê bình, một sự nhận biết về chiều kích bi kịch, và sẵn sàng nhìn nhận thực tế của những gì sai trái. Đó cũng là thái độ lắng nghe cẩn thận những lời tha thứ hoàn toàn của Thiên Chúa, không phải là chấp nhận một thoả thuận, nhưng là sẵn sàng thay đổi lối sống để tập trung vào các nhu cầu của người khác. Một cách đặc biệt, người khác ở đây là những người nghèo, những người cần an toàn, cần công lý, cần được nhìn nhận quyền lợi và nhân phẩm. Chú ý đến công lý và hòa bình là một cách sám hối, hoán cải và canh tân. Nhắm trước các mục tiêu là đã đủ điều kiện để lên đường, hành trình của chúng ta thực sự trở thành cuộc hành hương của công lý và hòa bình.

Nói cách khác, sám hối đúng đắn có nghĩa là chịu trách nhiệm về quá khứ của chúng ta, một cách cá nhân cũng như tập thể, trong các giáo hội cũng như các dân tộc (confessio). Sám hối đúng đắn có nghĩa là sẵn sàng thay đổi thực sự, chú ý lắng nghe người khác và đặc biệt là lắng nghe những người không có đặc quyền và những nạn nhân của những gì chúng ta đã gây ra trong quá khứ và hiện tại (contritio). Sám hối đúng đắn có nghĩa là những hành động hoán cải thực sự, và luôn sẵn sàng ở trong một quá trình biến đổi tập trung vào việc những người khác - những con người cũng như toàn thể tạo vật - bị ảnh hưởng một cách tiêu cực lẫn tích cực bởi thái độ và hành động của chúng ta như thế nào. Biến đổi là bản chất cuộc hành hương của công lý và hòa bình dẫn đến việc lưu tâm đến các nhu cầu của người nghèo, theo một nghĩa rộng của từ này, bao gồm những người không có đặc quyền, các nạn nhân, người bị áp bức - theo thành ngữ "ưu tiên lựa chọn người nghèo."

Theo cách này, tôi trình bày ý nghĩa của tinh thần trách nhiệm như là thái độ và là hình thức cho cuộc sống chung của chúng ta, tin tưởng vào sức mạnh của Tin Mừng để hướng tới các nhu cầu của tất cả chúng ta trong việc thoát ra khỏi quyền lực của tội lỗi và biến đổi  đời sống theo các giá trị của Nước Thiên Chúa.

4. Di cư và sự cần thiết ăn năn

Một cách thực tế, chúng ta cần phải thừa nhận rằng không bao giờ có một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời của một người, một quốc gia hay một nền văn hóa mà thái độ ăn năn bị xem là lỗi thời. Sự tồn tại liên tục của bất công, phân biệt chủng tộc, chiến tranh, giết chóc, đàn áp và tuyệt vọng khiến người ta phải rời bỏ nhà cửa, gia đình, quê hương thân yêu của họ, điều này nhắc nhở chúng ta rằng đây không chỉ là vấn đề của lịch sử nhưng vẫn đang là một thực tại của châu Âu và thế giới hiện nay.

Chúng ta nhớ lại những hiệp ước tị nạn đã được thiết lập sau Thế chiến II để đáp ứng các nhu cầu cần được bảo vệ của rất nhiều người tị nạn châu Âu, Đức, Ba Lan, Hungary, Séc - và nhiều người khác bị ảnh hưởng bởi những thảm họa và những tác động về sau đã gây ra sự phân chia châu Âu và chiến tranh lạnh. Những vấn nạn như vậy không hề dừng lại. Ngày nay có rất nhiều người từ các vùng lân cận của chúng ta ở châu Á, Trung Đông và châu Phi là những người có nhu cầu được bảo vệ và tìm kiếm một nơi khác làm quê nhà. Đối với những người đi đến đất nước của bạn, bạn cần thể hiện sự giúp đỡ thông qua các quyết định chính trị và hành động nhân đạo và đồng thời hồi tưởng lại lịch sử của riêng bạn. Là thành viên tích cực trong xã hội dân sự, trong các giáo hội và các cộng đồng khác, bạn cần thể hiện niềm xác tín rằng việc dấn thân vì người khác như vậy là sự đòi buộc của một con người và người Kitô hữu.[6]

Những câu trả lời như vậy phản ánh sự dấn thân nghiêm túc với quan niệm về ăn năn của Luther. Tất cả chúng ta, những người Đức và những người châu Âu khác, phải luôn ý thức về sự cám dỗ đồng lõa với thực tại tội lỗi trong tất cả các hình thức của nó, cũ cũng như mới. Thật vậy, là người châu Âu, chúng ta rất dễ bị cám dỗ như vậy và do đó cần phải tỉnh táo chống lại xu hướng xem thường sự cần thiết của việc tự phê bình đánh giá.

Nhiều người ở Hoa Kỳ bàn luận về nạn phân biệt chủng tộc hiện nay, họ xem đó như là "nguyên tội của Hoa Kỳ." Họ phải đối mặt với các chiều kích và các biểu hiện của nạn phân biệt chủng tộc đã thấm nhiễm trong xã hội của họ, và đã thể hiện ra một cách công khai cho thế giới nhất là trong những năm vừa qua. Là người châu Âu, chúng ta cần soi mình trong tấm gương đó: nguyên tội của chúng ta là gì? Thực sự chúng ta phải thừa nhận rằng những gì diễn ra ở Hoa Kỳ hiện nay chính là hệ quả của chính sách nhập cư người châu Âu bắt nguồn từ ý tưởng đề cao người Châu Âu và các đặc quyền dành cho người da trắng.

Nhiều người trong chúng ta hôm nay phải nỗ lực để hiểu được làm thế nào chúng ta có thể cho phép các quan niệm hủy diệt của "Übermensch" tồn tại trong quá khứ của chúng ta, và vẫn còn tiếp tục tồn tại ngày nay –thậm chí bây giờ khi nói chuyện với nhau, những lời nói đầy tính phân biệt chủng tộc và bài ngoại vẫn được chấp nhận và được đề cao ở những nơi công cộng không chỉ ở Bắc Mỹ nhưng ngay tại đây ở châu Âu.

Làm thế nào chúng ta có thể tháo bỏ và chống lại các phản ứng dường như bình thường của việc tự vệ và bảo tồn được thể hiện trong sự nghi ngờ đối với người lạ và những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau? Làm thế nào để chúng ta đạt tới một cuộc ăn năn thật sự và mang tính xây dựng để khai mở con đường phía trước trong tinh thần trách nhiệm với nhau?

Như vậy là làm cho các giá trị tốt nhất của Cải cách trở thành một thực tại sống động trong thế giới hôm nay. Chúng ta bảo vệ các giá trị của chúng ta một cách tốt nhất bằng cách sử dụng chúng làm cơ sở và nguồn để phục vụ đời sống của những người khác. Thực tế hiện nay của chúng ta phải được định hình và bắt nguồn từ một tầm nhìn về việc làm thế nào để chúng ta sống với nhau như Một Nhân loại ngày mai. Giá trị sẽ không đáng giá nếu chúng chỉ là những điều trong quá khứ. Đó cũng là sự thật về hiểu biết của chúng ta về tội lỗi và ăn năn. Như một người đồng nghiệp của tôi, Martin Junge, trong LWF đã nói rằng: "Những người muốn bảo vệ các giá trị Kitô giáo bằng cách đóng cửa biên giới châu Âu thực sự không hiểu biết gì về giá trị Kitô giáo."

Trong công việc và những chuyến đi của tôi, tôi phải đối mặt với những thực tại này rất nhiều lần. Kinh nghiệm này cho tôi thấy rằng thật là quan trọng và cần thiết khi phải xem xét những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày hôm nay như là Một Nhân loại trong ánh sáng những di sản của Cải Cách. Đây không phải là một sự bi quan nói chung hay lên án tất cả mọi thứ thuộc về con người, nhưng trong sự tỉnh thức với thực tại tội lỗi và nhu cầu thực tế của người khác. Nó càng mang lại hy vọng cho tôi. Luôn có một dấu hiệu hy vọng trong việc ăn năn và hoán cải.

Cuộc cải cách mang lại một ý nghĩa mới về tinh thần trách nhiệm đối với Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng không cùng ở tầm mức với con người chúng ta trong tất cả các thất bại và điểm yếu của chúng ta. Tinh thần trách nhiệm này không có nghĩa là chúng ta phải có trách nhiệm với các cơ quan có thẩm quyền trong thế giới hoặc trong Giáo Hội để yêu cầu phải có tiếng nói cuối cùng về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa Toàn Năng. Phong trào Cải cách nhấn mạnh rằng chúng ta được kêu gọi có trách nhiệm với nhau trong nhân tính của chúng ta, được kêu gọi để được tự do và có trách nhiệm phụng sự Thiên Chúa và phục vụ người đồng loại. Sự tự do này cũng là một lời mời gọi để tìm cách đồng hành với mọi người thiện chí, những người mà chúng ta có thể chia sẻ một ý thức trách nhiệm với nhau về những gì chúng ta là và những gì chúng ta có thể làm cùng với nhau. Điều này bao hàm việc vượt ra ngoài những thực tại chia rẽ chúng ta hoặc khiến chúng ta chống lại người khác, chia cắt giữa "chúng ta" và "họ". Lời kêu gọi sám hối của Cải cách không phải là một lời kêu gọi tuyệt vọng, bi quan hay quan niệm sai lầm về các khả năng và nỗ lực của đời sống con người. Nhưng trái lại, đó là một lời mời gọi tận dụng những cơ hội để phục vụ nghiêm túc hơn và điều này được gợi hứng từ lời giải thoát của Phúc Âm.

5. Israel và Palestine - một trường hợp thử nghiệm cho thái độ thần học và luân lý của tinh thần trách nhiệm và lòng ăn năn

Đi theo những trình bày về ăn năn, chúng ta có thể theo dõi những quan niệm của Cải cách về cởi mở, tự do, trách nhiệm, và việc tìm kiếm sự hiệp nhất dựa trên mặt bằng chung của ân sủng, công lý và hòa bình. Tuy nhiên, Cải cách cũng đã gây ra sự chia rẽ và thậm chí phân biệt đối xử với người khác. Điều này không thể biện minh. Chúng ta đã nói về sự chia rẽ giữa các giáo hội và sự cần thiết phải làm cho rõ ràng hơn những gì chúng ta có chung với nhau và cùng chia sẻ trong tư cách là các Kitô hữu và các giáo hội hôm nay. Những đóng góp chân thành và đầy lòng ăn năn này cho thấy sự liên hệ của chúng trong nhiều cuộc xung đột của thế giới hôm nay.

Chúng ta cũng phải thừa nhận và hiểu được ẩn ý trong một xung đột nào đó trên thế giới cũng dẫn đưa đến giáo lý của Luther và cần được chú ý và phân tích cụ thể về ý nghĩa của sự ăn năn. Ở đây tôi tham khảo những tác phẩm của Luther về người Do Thái. Đây có phải là một vấn đề trong tinh thần trách nhiệm của chúng ta về một sự kiện quan trọng như thế này. Những công kích của Luther chống lại người Do Thái không thể được biện minh một cách rõ ràng, bởi vì những lập luận của ông về mặt thần học chống lại tính hợp lệ của phúc lành của Thiên Chúa dành con cháu của Abraham. Những tác phẩm sau này của ông đã được sử dụng như là cái cớ để chống lại người Do Thái trong nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là ở châu Âu, và sau đó là vụ giết hàng triệu người Do Thái. Cuộc tàn sát người Do Thái vẫn là một trong những chương đen tối nhất của lịch sử châu Âu và lịch sử nhân loại. Các đại hội đầu tiên của WCC đã tuyên bố rõ ràng rằng chống người Do Thái là một tội ác chống lại con người và chống lại Thiên Chúa.

Cho đến hôm nay chúng ta đã thấy những biểu hiện rõ ràng của lòng ăn năn sám hối về những gì đã xảy ra, đặc biệt là từ những người Đức mà tên tuổi của họ đã bị kết án. Những điều này thể hiện việc xưng thú, ăn năn, và đền bù một cách thực sự, và nói rằng "không bao giờ lặp lại." Thật không may, hoàn cảnh trên thế giới hôm nay vẫn đòi hỏi cần phải tiếp tục nhấn mạnh rằng bài Do Thái là một tội chống lại Thiên Chúa và chống lại nhân loại. Đó là một thực tế mà sự phân biệt, loại trừ, các cuộc tấn công và bạo lực đang tiếp tục chống lại người Do Thái và chống lại nhiều người khác bởi vì họ thuộc một dân tộc nào đó hoặc một nhóm xã hội nào đó. Tương tự như dưới chế độ Đức Quốc xã, ngày nay vẫn còn có những người trong các cộng đồng thiểu số đã bị xem như là mục tiêu của sự kì thị và đàn áp, ví dụ như người đồng tính, người nhập cư, người tàn tật, bất đồng chính kiến và những người khác nữa.

Một trong những nỗ lực và thành tựu của xã hội quốc tế sau chiến tranh là thiết lập một trật tự mới của pháp luật và các công ước nhân quyền quốc tế. Có những cam kết rằng những gì đã xảy ra với những người Do Thái và những người khác sẽ không bao giờ xảy ra nữa. WCC đã tích cực tham gia vào việc xây dựng những tiêu chuẩn về sắc tộc và giá trị làm nền tảng cho các mối quan hệ quốc tế mới và khẳng định về tinh thần trách nhiệm với nhân loại. Một biểu hiện của sự ăn năn như vậy sau Thế chiến II đó là công nhận Israel là một nhà nước được thành lập như là quê nhà cho người Do Thái. Cũng có một tuyên bố khác đó là người dân Palestine cũng cần phải có nhà nước của họ trong cùng một khu vực của Palestine. WCC đã tích cực ủng hộ những quyết định này về cả hai phía tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Như lịch sử diễn ra, cuộc xung đột giữa Israel và người Palestine ngày càng leo thang. Ngày hôm nay nó vẫn chưa ngã ngũ và thậm chí đã trở nên khó khăn hơn trong vấn đề các khu định cư và sự chiếm đóng của Israel trên lãnh thổ bên ngoài biên giới Israel mà quốc tế đã công nhận. Tình trạng này đặt ra một số câu hỏi:

- Ngày nay, ăn năn có ý nghĩa gì trong cuộc xung đột này?

- Ý nghĩa của tinh thần trách nhiệm về những gì đã xảy ra trong quá khứ, trước năm 1948 và sau năm 1948 là gì?

- Làm thế nào có thể chia sẻ hiểu biết về những đòi hỏi của công lý và hòa bình được thành lập với tinh thần trách nhiệm về các chiều kích của cuộc xung đột trong quá khứ và hiện tại?

- Làm thế nào các giáo hội có thể - và ở đây, một cách cụ thể, tôi muốn nói đến các giáo hội Đức - đóng góp cho một phương pháp mới trong việc chữa lành ký ức và hòa giải đặt nền tảng trên việc ăn năn để cả hai bên có thể diễn tả chân lý một cách có trách nhiệm với nhau và mở ra cho việc biến đổi trong cùng một tinh thần đó?

Ở tận sâu thẳm, cuộc xung đột có những liên hệ và quan điểm thần học. Do đó, đây thực sự là một trách nhiệm đặc biệt dành cho các Giáo hội Cải cách để giải quyết các vấn đề đang đe dọa. Điều này đòi hỏi sự ăn năn và hoán cải. Đây sẽ là dấu hiệu cho sự liên hệ lâu dài của di sản Cải cách một cách rất cụ thể và là một đóng góp quan trọng đối với hòa bình trong khu vực.

6. Semper reformanda trong trách nhiệm với nhau - một biểu hiện cuộc hành hương của Công Lý và Hòa Bình

Các bạn của cải cách thân mến, tôi tin chắc rằng việc kỷ niệm 500 năm kể từ ngày 31 tháng 10 năm 1517 có một tiềm năng to lớn cho việc củng cố niềm hy vọng của chúng ta. Hy vọng được nuôi dưỡng khi thực sự sẵn sàng ăn năn, hoán cải, để xem những gì là sai lầm và góp phần thay đổi và hướng đến hòa bình đích thực.

Hành hương là một hình ảnh ẩn dụ và một lối sống đức tin Kitô giáo của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Nó bao hàm sự cởi mở và tinh thần trách nhiệm về những gì chúng ta là và những gì chúng ta làm, nhưng cũng bao hàm việc lắng nghe và học hỏi lẫn nhau để chúng ta có thể tìm thấy một con đường tốt hơn đi vào tương lai.

Công trình tạo dựng và gia đình nhân loại cần một ý thức trách nhiệm với nhau, không có giới hạn nào về đối tượng mà chúng ta phải có trách nhiệm. Chúng ta không thể dành riêng thái độ này cho một số nhóm, giáo phái, hay dân tộc đặc biệt nào đó. Tất nhiên, chúng ta phải bắt đầu với chính mình và nơi chúng ta ở, và xin Chúa hướng dẫn để tìm ra con đường chung để tiến về phía chân trời rộng lớn hơn của công lý và hòa bình cho tất cả. Đây là phương pháp phổ biến nhất của cải cách và phong trào đại kết: chân thành, khiêm tốn, và hy vọng. Tin Mừng về ân sủng Thiên Chúa vẫn là một, hôm nay cũng như 500 năm trước đây.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 99 (Tháng 3 & 4 năm 2017)



[1] Olav Fykse Tveit, The truth we owe each other. Mutual accountability in the ecumenical movement, Geneva: WCC 2016.

[2] Một ví dụ đó là những trình bày tại công nghị ở Zürich tháng Mười năm 2013, được tổ chức bởi EKD và FSPC, và sau đó là ấn phẩm được xuất bản: Reformation. Legacy and Future. Ed.: Petra Bosse-Huber, Serge Fornerod, Thies Gundlach, Gottfried Locher, WCC Publications, Geneva 2015. Đóng góp của tôi là: “The Legacy of the Ecumenical Movement and Its Significance for The Ecumenical Movement Today”, 86-97.

[3] Errinnerungen heilen – Jesus Christus bezengen: Gemenisane Texte. Ein Gemeinsanes Wort Zum Jahr 2017. Deutsche Bischopskonferenz./EKD

[4] From Conflict to Communion, LWF/PCPCU, 2014.

[5] Konrad Raiser: 500 Jahre Reformation weltweit. Luther-Verlag, Bielefeld 2016.

[6] Lời tuyên bố đầy cảm hứng gần đây về vấn đề tị nạn của các nhà lãnh đạo các Giáo hội Cải cách ở Đức là một ví dụ quan trọng cho điều này.

LỊCH PHỤNG VỤ