CHÚA SỐNG LẠI VỚI BIẾN CỐ CUỘC ĐỜI
(Suy niệm Chúa Nhật Đại Lễ Phục Sinh)

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

WHĐ (04.04.2021) - Đêm Canh Thức Vượt Qua tối qua, chúng ta cùng nhau cử hành và sống lại biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại cách đây hơn 2 ngàn năm. Biến cố Phục Sinh là biến cố trọng đại và cao cả nhất của Kitô giáo, là điểm mấu chốt và đỉnh cao của Phụng vụ thánh. Biến cố Phục Sinh giúp cho cả nhân loại và mỗi người chúng ta hôm nay nhận ra tình yêu cứu độ của Thiên Chúa và làm rực sáng lên Đức Tin Công Giáo. Thánh Phaolô đã nói, nếu Đức Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta thật hão huyền và sống trong tội lỗi của anh em (x. 1Cr 15, 17).

Thật hão huyền, bởi vì chúng ta không thể chấp nhận một Thiên Chúa chết, một Thiên Chúa lại hủy mình và một Thiên Chúa thất bại vì sự dữ. Một Thiên Chúa chỉ làm phép lạ cho người khác mà không cứu nổi mình. Nhưng thật hạnh phúc và hãnh diện cho niềm tin của chúng ta là Đức Kitô đã chiến thắng tử thần, Người đã sống lại thật và ngự bên hữu Chúa Cha. Người đã sống lại thật như Lời Người đã phán hứa, Alleluia, Alleluia, Alleluia!

Chúa Nhật Phục Sinh 2021 năm nay, xin được chia sẻ một vài tâm tình ngang qua biến cố Phục Sinh của Chúa, của thế giới và của mỗi người chúng ta.

1. Biến cố Chúa Giêsu

Hơn 2 ngàn năm, vụ án của Chúa thật kinh hãi khủng khiếp, quá bất công, và đầy tính man rợ. Quân lính và dân chúng thì la ó lên: Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá, giết nó đi, nó là kẻ phạm thượng, nó nói lộng ngôn… Thế nhưng, Chúa vẫn kiên nhẫn chịu đựng tất cả nhục mạ của con người dành cho Ngài. Chúa vẫn lặng thinh trước những dữ tợn của con người gây ra. Chúa vẫn chịu đựng quân lính đánh đập với trăm ngàn đòn roi xé thịt. Chúa vẫn gồng mình đau đớn để cho quân lính đóng đinh vào gỗ giá và cuối cùng Chúa đón nhận cái chết đau thương, nhục nhằn và trần trụi trên thập giá.

Với con mắt của các thượng tế, kinh sư và dân chúng thời đó, Cuộc Thương Khó của Chúa là điểm chấm hết, là kết thúc tất cả niềm hy vọng của những người tin vào Đức Giêsu. Nhưng có phải vậy không? Thưa không. Biến cố Phục Sinh, biến cố Ngôi Mộ trống đã làm đảo ngược tất cả. Đức Kitô Chúa chúng ta đã sống lại hiển vinh. Từ nay, các môn đệ cho đến những kẻ tội đồ đã phải choáng váng, thức tỉnh và bừng sáng con tim. Ánh Sáng Phục Sinh chỉ đường để tất cả phải được sống trong sự thật và tự do, sống trong niềm vui và tràn đầy hy vọng. Từ nay bóng tối của sự dữ nhường chỗ cho ánh sáng Phục Sinh Chúa Kitô. Thần dữ sẽ phải quy phục, khiếp sợ để quyền năng Thiên Chúa được ngự trị trên cõi đất này.

Tin Mừng Phục Sinh hôm nay, cho mỗi chúng ta thấy rằng: Biến cố Ngôi Mộ Trống đã khiến bà Maria Mađalêna không còn sống trong u tối của sự thất vọng và chán chường nữa. Bà bừng sáng con tim và đã có những hành động tích cực là chạy vội vã hết sức. Bà chạy về báo tin với các môn đệ và họ cũng chạy hối hả ra mộ để rồi từ việc chạy nhanh ấy đem đến cho các ngài niềm vui thật và ánh sáng thật của những kẻ đã từng tin tưởng vào Thầy mình: Thầy đã sống lại thật như lời Kinh Thánh được viết ra.

2. Biến cố thế giới

Dịch bệnh Covid 19 kéo dài và vẫn còn tiếp tục cho đến hôm nay. Con virus quá nhỏ bé, con người không thể nhìn thấy nếu không có kính hiển vi. Thế mà con người bó tay, các nhà y tế thế giới đã trải qua một thời gian dài mới có thể nghiên cứu và cho ra loại vaccine để ngăn chặn nhưng con virus lại biến thể khác. Nó đã làm chết hàng trăm ngàn sinh mạng con người. Nó đã làm kiệt quệ kinh tế trên toàn thế giới. Nó đã chặn đứng các phương tiện giao thông từ quốc gia này đến quốc gia khác; từ châu nay đến châu khác; nó đã làm cho mỗi người không thể đến gần nhau như ước muốn của họ. Dường như con người bất lực trước đại dịch này! Sự chết với cơn đại dịch thật khủng khiếp như thế, nhiều người tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Có còn là một Thiên Chúa của tình yêu nữa không? Lòng Thương Xót của Chúa để ở chỗ nào? Ai sẽ cứu nhân loại trong cơn đại dịch này?

Vâng, thế giới đang trong chiều hướng phát triển về văn minh của khoa học kỹ thuật số. Thế nhưng trong xã hội này con người đã lầm tưởng chỉ có khoa học mới cứu vãn con người. Con người đã lầm tưởng họ có thể làm được mọi sự. Họ tưởng rằng: con người là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ, vì thế, chính họ đã ngang nhiên loại Thiên Chúa ra ngoài cuộc sống. Nay gặp đau khổ thì lại hỏi: Chúa ở đâu?

Nhìn vào xã hội, chúng ta thấy biết bao tệ nạn… Nó đã làm cho con người ra “khốn đốn” không tìm được hướng đi, không tìm được lối thoát. Con người đang chết dần, chết mòn vì các tệ nạn cũng như tai ương xảy đến. Nhìn vào cách sống trong xã hội, dường như họ không muốn để Chúa can thiệp vào các vấn đề của họ và muốn Thiên Chúa vắng mặt nơi môi trường cũng như công ăn việc làm của họ. Họ coi Thiên Chúa như đã chết, và họ làm theo ý riêng của mình.

Đại dịch Covid 19 như nhắc nhớ con người rằng: con người là hữu hạn, thế giới này có hạn. Trần gian này sẽ có ngày kết thúc. Thiên Chúa làm chủ mọi sự trên trời và dưới đất. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể làm cho thế giời này vận hành trong yên hàn và trật tự của sự bình an. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể chiếu sáng nơi tăm tối cuộc đời của mỗi người. Và chỉ có cuộc Tử Nạn Phục Sinh của Đức Kitô mới có thể cứu độ con người và đẩy lui sự dữ trong thế giới này.

Vâng, ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cách đây hơn 2 ngàn năm nhưng Thiên Chúa vẫn còn và sẽ cứu độ con người qua từng biến cố của cuộc đời. Vì Thiên Chúa là Apha và Omega. Ngài là nguyên thủy và cùng đích của nhân loại. Chính ánh sáng Phục Sinh của Chúa, niềm vui, niềm hy vọng của Đấng Phục Sinh sẽ làm cho trái đất này bừng sáng lên và làm cho thế giới này càng thấy rõ khuôn mặt của Thiên Chúa nhân hậu và từ bi; chậm bất bình và hết sức khoan dung (x. Tv 85,15b).

3. Biến cố cuộc đời

Thế giới là một đại gia đình, vì dù sống xa bao nhiêu, họ cũng có thể liên lạc được với nhau, nhìn rõ mặt, nói chuyện như là ở sát bên nhau, rồi thấy hết những gì họ muốn. Nhưng dù khoa học có tiến bộ, con người có muốn xích lại gần nhau nhưng nhân loại dường như vẫn đang sống thiếu tình thương như đang sống mồ côi tình người.

Con người ngày nay họ cư xử với nhau vì lợi lộc, vì tiền, vì tiếng, nên họ tranh giành quyền bính, tranh giành tầm ảnh hưởng… họ dùng thủ đoạn và có khi họ bất chấp tính mạng con người miễn sao họ đạt được mục đích. Họ bắn, họ giết không cần bản án. Giữa tình người hôm nay, con người đang chủ trương sống theo thuyết: “mặc kệ nó” để lo cho bản thân, bỏ rơi anh chị em vốn là người thuộc về mình và là đồng loại với nhau.

Trên mạng xã hội mới đây, nói về một nữ tu quỳ trên đường phố đối đầu với binh lính Miến Điện đang trang bị vũ khí tấn công đã kể lại rằng: Thông điệp duy nhất của nữ tu là làm ơn đừng đàn áp người biểu tình tay không tấc sắt. Điều kỳ diệu là hành động của nữ tu đã khiến 2 cảnh sát vội quỳ xuống như nữ tu ấy để thể hiện sự kính trọng. Một cô gái có biệt danh là Angel, 20 tuổi, đối diện với bạo quyền cùng với dòng chữ trước thân mình: Everything will be ok (Tất cả sẽ ổn thôi). Và viên đạn đã giết chết cô gái sau đó. Nhưng đó là cái chết bất tử và làm hồi sinh những điều lớn lao cho con người.

Với xã hội tình người đã mất thì không có gì ngạc nhiên khi một nữ tu ấy, một cô bé 20 tuổi ấy, hoặc một người nào đó thể hiện tình người giữa đám đông liền được mọi người tung hô thán phục. Cầu mong cho nhân loại biết sống với nhau bằng TÌNH NGƯỜI, bằng TẤM LÒNG, đừng vì ngai vàng trần gian mà gây thù oán, chém giết… và cầu mong cho mỗi người biết sống bảo vệ đùm bọc lẫn nhau hầu xây dựng thế giới đầy tình người hơn.

Đâu đó đang vang lên tiếng khóc, đang báo động THÁI ĐỘ CON NGƯỜI về bất công, về dối trá, về dửng dưng và thiếu lòng nhân ái… Tiếng khóc ấy đang vang lên nơi những người thấp cổ bé miệng, nơi những người nghèo đói khổ đau và nơi những người không có gì để mất và không còn gì để sống.

Chúa đã đến với nhân loại, Người đã tử nạn và Phục Sinh. Chúa chết một lần và sống lại một lần. Hôm nay nếu mỗi chúng ta không để Chúa sống lại một lần nơi cõi lòng, trong trái tim mình thì điều đó chẳng có nghĩa gì. Chúa và Giáo Hội đang mong nơi mỗi tâm hồn thiện chí là hãy mở lòng ra để đón lấy ánh sáng Phục Sinh, đón lấy tình yêu Cứu độ mà Đấng Phục Sinh trao tặng. 

Đón lấy ánh sáng Phục Sinh, tức là nhận ra Chúa trong cuộc sống nơi cuộc đời mỗi người. Chúng ta sống là để tìm cho được hạnh phúc, và hạnh phúc thật chỉ có nơi Thiên Chúa. Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi, mỗi người có thể nhìn thấy Chúa ở nhiều góc độ khác nhau nơi con người và nơi vẻ đẹp thiên nhiên trong vũ trụ. Nhất là nhận ra được Chúa trong cuộc đời với nhưng biến cố bản thân để có thể cảm nhận được.

Chúng ta có thể đã khóc quá nhiều vì những đau khổ trong cuộc sống vì sự mất mát người thân, vì sự thiệt thòi bản thân, vì sự cô đơn lạc lõng và vì sự chán nản thất vọng trong cuộc sống này. Lúc đó chắc chắn sự đau khổ đã ngăn không cho ta nhìn thấy rõ Chúa, và tâm trí chúng ta lại suy nghĩ đến những đau khổ, giống như bà Maria Mađalêna trong Tin Mừng được kể lại hôm nay.

Chúng ta có thể khóc vì nhiều lý do trong biến cố cuộc đời, nhưng liệu chúng ta có nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện trong những lúc như thế không? Chúng ta có nhận ra Chúa Phục Sinh đến, đồng hành và nâng đỡ ủi an nơi bản thân không?

Lạy Chúa, giữa phận người đang gian nan thử thách, đang nhiều biến cố xảy đến trong thế giới hôm nay, đặc biệt đại dịch Covid19 chưa có dấu hiệu dừng lại, xin dạy chúng con biết tin tưởng và phó thác vào tình yêu và quyền năng của Chúa. Xin mở con mắt đức tin để chúng con có thể nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện và đồng hành với chúng con và với toàn thể nhân loại. Amen!

(Tác giả gửi bài cộng tác đến Ban biên tập Website Hội đồng Giám mục Việt Nam tại địa chỉ email: bbt.whd@gmail.com)