CHÚA NÓI GÌ VỚI TA QUA CƠN ĐẠI DỊCH?
Lm. Jos. Anh Tuấn
Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng
WHĐ (11.9.2021) - Hơn hai
năm qua, cả thế giới phải đối diện với đại dịch Covid-19, với biết bao mất mát,
đau khổ, chết chóc mỗi ngày một lan tràn khủng khiếp hơn vì có những biến chủng
mới. Riêng tại Việt Nam, dịp tái phát lần này là khủng khiếp nhất. Worldometer
ghi nhận Việt Nam: 576,096 ca nhiễm, 14,470 ca tử vong, 338,170 ca khỏi bệnh (cập
nhật 10/9/2021).
Đứng trước thảm trạng này, có nhiều người thất vọng, trách
móc và đổ lỗi cho nhau; có nhiều người than trách cả Chúa… Chúa đâu? Sao Ngài
không ra tay? Ngài vẫn có đó! Im lặng! Trong thinh lặng của cầu nguyện chúng ta
sẽ nghe được Chúa nói với chúng ta nhiều điều. Riêng tôi, đúng dịp Sài Gòn tròn
100 ngày giãn cách nghiêm ngặt (31/5-7/9), tôi ngồi ghi lại những điều Chúa muốn
nói với chúng ta.
1. Chúa nói với tôi,
Chúa nói với bạn
Chúa đang nói với tôi và với bạn nhiều điều.
Chúng ta đang sống
quá vội vàng.
Quả vậy, cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay quá tất bật. Tất
bật vì công việc. Tất bật vì học hành. Tất bật vì đi tìm địa vị… Làm ngày không
đủ, tranh thủ làm đêm. Cuộc sống quay cuồng đến nỗi chúng ta không có thời gian
dành cho nhau, thậm chí những người thân yêu trong gia đình cũng chẳng mấy khi
gặp nhau. Có những gia đình khi con thức dậy đi học thì bố đã đi làm; khi bố đi
làm về thì con đã đi ngủ. Chúng ta đang biến mình thành cỗ máy; trong khi Chúa
muốn chúng ta có làm việc và có nghỉ ngơi, giống như trong công cuộc tạo dựng vậy
(x.St 2,2).
Thời gian dịch bệnh Chúa cho chúng ta được sống chậm lại. Tất
cả phải chậm lại vì dịch bệnh, vì giãn cách xã hội.Trong thời gian này, các gia
đình nhỏ được dành trọn thời gian cho nhau, chăm lo cho nhau từng miếng cơm, giấc
ngủ, giờ học online. Thật hạnh phúc. Chúng ta phải tạ ơn Chúa.
Chúng ta đang quá kiêu
căng và tự mãn.
Con người đang sống trong sự kiêu hãnh của mình vì những
thành quả khoa học đạt được. Họ có thể lên đến mặt trăng và các ngôi sao mà!
Con người nghĩ rằng mình có thể làm được mọi sự, thậm chí cả việc nhân bản sự sống,
nên đâu cần đến chúa bà gì! Sự kiêu căng ấy của chúng ta chẳng khác gì sự tự
mãn của dân Chúa khi người ta muốn xây cho mình một tháp Ba-ben chọc trời (x.St
11,1-9).
Khi dịch bệnh ập đến, Chúa nhắc chúng ta cần phải sống khiêm
nhường hơn. Chúng ta phải biết mình là ai trong trật tự thế giới này. Vì thế,
chúng ta vẫn phải cầu xin: “xin cho con
biết Chúa, xin cho con biết con”, như chúng ta vẫn hát. Chứng kiến những
người chết như rạ, chúng ta mới thấy thân phận con người thật mong manh. Quả
đúng là bụi tro. Cứ nghĩ rằng mình làm được tất cả, nhưng rồi tất cả đều phải
buông xuôi. Con người không thể làm chủ cuộc đời mình được. Trước mặt Chúa,
chúng ta chỉ biết thốt lên lời Thánh Vịnh: “Lòng
con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!” (Tv 131,1).
Chúng ta đang thích sống
ảo.
Cuộc sống xã hội phát triển của thời công nghệ 4.0, chúng ta
có quá nhiều phương tiện công nghệ. Cùng với mạng Internet toàn cầu, chúng ta dễ
dàng gặp gỡ nhau trên màn hình với cả những người xa lạ trên khắp thế giới. Việc
sống ảo đó mang lại nhiều niềm vui và những kết nối, nhưng nguy cơ của nó là
con người đánh mất đi những tương quan thực của cuộc sống. Người ta sống ảo đến
mức, ngay những người trong một gia đình cũng chẳng mấy khi gặp gỡ hàn huyên vì
nghĩ rằng thăm hỏi nhau qua điện thoại là đủ rồi. Và người ta an phận trong việc
sống ảo ấy.
Sống trong thời dịch bệnh, chúng ta mới cảm nghiệm được việc
sống ảo không thể bằng sống thực. Thử hỏi những người tín hữu đang “xem lễ ảo”
- lễ online - trên các phương tiện truyền thông họ cảm nhận thế nào? Ai cũng
khao khát có một thánh lễ bình thường, được rước Mình Thánh Chúa thật, chứ
không chỉ rước thiêng liêng! Phải giãn cách xã hội, chúng ta phải ở nhà và như
vậy chúng ta bớt sống ảo với nhau hơn. Chúng ta cũng ước mong sớm được đến nhà
thờ để được tham dự thánh lễ thật.
Như thế, qua cơn dịch bệnh này Chúa nhắc cho bạn và tôi biết
sống chậm lại, bớt kiêu căng và bớt sống ảo hơn.
2. Chúa nói với mẹ Hội
Thánh
Qua cơn đại dịch này, Chúa cũng nói nhiều điều với mẹ Hội
Thánh chúng ta.
Chúa nhắc cho Hội Thánh cần phải củng cố đức tin.
Đức tin mà chúng ta tuyên xưng vào Chúa vừa mang tính cộng
đoàn, vừa mang tính cá nhân. Tôi tin, chúng tôi tin vẫn là lời tuyên xưng của Hội
Thánh và của từng người chúng ta. Chúng ta sống đức tin nhờ các cử hành được
trao cho Hội Thánh. Nhưng đức tin ấy phải dẫn đến việc tôi tin, không chỉ dựa
vào đức tin người của khác. Mẹ Hội Thánh vẫn luôn chăm lo, mọi lúc mọi nơi mọi
thời, để đức tin của Hội Thánh được vững vàng và đức tin của từng người tín hữu
được kiên vững trước mọi nỗi vui buồn của cuộc sống.
Chúng ta có đủ chiều sâu của đức tin để xác tín rằng Chúa vẫn
đang ở bên và ở trong chúng ta khi Ngài vẫn để cho con người phải căng mình lên
chống chọi với dịch bệnh không? Khi không còn lễ lạc rước sách, không còn tổ chức
hội đoàn linh đình nữa, liệu chúng ta còn đủ tin vào Chúa là Đấng đầy quyền
năng không? Khi phải ở nhà trong thời dịch bệnh, chúng ta càng cần xác tín hơn
lời của thánh Phaolô nói với cộng đoàn Êphêsô: “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; … để
cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao
sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết.”
(Ep 3,17-19). Có như thế, chúng ta mới vững mạnh trong mọi hoàn cảnh được.
Chúa nhắc cho Hội Thánh cần phải gieo niềm hy vọng.
Cuộc sống phải có hy vọng thì mới đáng sống. Đời sống người
tín hữu không chỉ sống hy vọng ở đời này mà còn có niềm hy vọng vĩnh cửu. Nhờ
có hy vọng mà chúng ta vươn lên trong cuộc sống. Chúng ta còn hy vọng được hưởng
hạnh phúc đời đời bên Chúa.
Khi phải chống chọi với đại dịch, hơn bao giờ hết, người tín
hữu càng cảm nghiệm được niềm hy vọng là cần thiết. Không bao giờ được phép để
cho mình tuyệt vọng! Mẹ Hội Thánh có bổn phận gieo niềm hy vọng không ngừng.
Trong bức thư, 31/8/2021, gửi cho TGP Sài Gòn, Đức Tổng Giuse Nguyên Năng đã gửi
gắm thông điệp: “Hãy nắm giữ niềm hy vọng
dành cho chúng ta” (Dt 6, 18). Chúng ta sống niềm hy vọng vì Mẹ Hội Thánh
luôn đồng hành với chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Niềm hy vọng ấy, Đức cố Hồng Y
Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã trở nên chứng nhân sống.
Chúa nhắc cho Hội Thánh cần phải xây dựng tình hiệp thông.
Tình hiệp thông vốn là bản chất của Hội Thánh. Mối hiệp
thông ấy được khơi nguồn từ mối hiệp thông sâu xa của Ba Ngôi Thiên Chúa, như lời
cầu nguyện của Chúa Giêsu: “để tất cả nên
một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta”
(Ga 17,21). Đó là mối hiệp thông mang tính hữu cơ, đến nỗi “một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng
đau” (1Cr 12, 26), vì tất cả chúng ta là một thân thể trong Đức Kitô (x.
1Cr 12,13).
Trong thời đại dịch này, Hội Thánh càng bày tỏ tình hiệp
thông ấy một cách sâu xa hơn. Chúng ta hiệp thông trong lời cầu nguyện, trong
các cử hành phụng vụ. Hơn bao giờ hết, chúng ta cảm nghiệm được: một thánh lễ,
cho dù một linh mục dâng riêng, cũng luôn mang tính hiệp thông toàn cầu, cả cho
người sống và người chết. Bên cạnh đó, Hội Thánh cũng chung tay góp sức với xã
hội để mang lại niềm an ủi cho những ai đau khổ, mang lại ấm no cho nhưng ai
đói khát. Các đấng bậc trong Hội Thánh đã kêu gọi mọi người cùng góp phần của
mình để cứu giúp anh chị em của mình, bất kể lương giáo. Toà Thánh cũng chung
tay với Việt Nam chúng ta 100.000 Euro. Tình hiệp thông ấy sẽ giúp anh chị em
chúng ta sớm vượt qua cơn hoạn nạn này.
Qua đại dịch này, Chúa giúp chúng ta kiên vững hơn, hy vọng
hơn và hiệp thông hơn.
3. Chúa nói với xã hội
nhân loại
Chúa cũng đang nói với xã hội nhân loại nhiều điều trong thời
dịch bệnh này.
Xã hội nhân loại đang cư xử với nhau bằng quyền lực.
Người ta dùng quyền hành theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, mạnh
thì sống, yếu thì chết. Người ta sống ích kỷ, chỉ muốn thu vén cho cộng đồng của
mình, cho nước của mình; đôi khi không ngại chà đạp lên người khác và nước
khác. Biết bao tiền bạc chi cho quân sự để biểu dương lực lượng. Anh lớn nào
cũng muốn làm “bá chủ thế giới”.
Chính trong quyền lực mạnh mẽ ấy thì cả thế giới dường như
phải khuất phục trước con virus corona, gần như là vô hình! Nhớ lời Đức Hồng Y
GB. Phạm Minh Mẫn, cách đây gần 2 năm, khi được phỏng vấn, ngài nói: “tôi thấy thật nực cười vì con người đang tỏ
ra đầy quyền lực mà lại phải chịu khuất phục trước con virus bé nhỏ!”. Như
thế, qua cơn đại dịch này Chúa nhắc cho xã hội nhân loại thấy được giới hạn của
mình. Cuộc đời con người mong manh lắm, cần thương yêu theo tinh thần: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm
người phục vụ anh em” (Mt 20,26).
Xã hội nhân loại chỉ
thích đẩy lỗi cho nhau.
Thực ra, đây là vấn đề muôn thuở! Nó đã xuất hiện từ lúc tạo
thiên lập địa rồi. Đó là tội nguyên tổ. Khi con người phạm tội, chẳng ai muốn
nhận tội cả. Khi bị hỏi đến, Ađam đổ lỗi cho Evà; Evà đổ lỗi cho con rắn (x.St
3,12). Xã hội chúng ta đang sống cũng vậy. Chúng ta thích đổ thừa cho nhau mà
không nhận lỗi về mình. Có người nói: dịch bệnh xảy ra là do nước này, do nước
kia; do tội lỗi của người này người khác nên bị Chúa phạt! Thực ra Chúa chẳng
phạt theo cách mà con người hay cư xử với nhau đâu. Bởi, nếu Chúa chấp tội thì
làm gì ai được cứu rỗi (x.Tv 130,3).
Chính vì thế, thời gian dịch bệnh này xã hội nhân loại được nhắc
nhở phải sám hối. Chúng ta sám hối vì mình chưa nhìn nhận đủ thân phận thụ tạo
của mình. Chúng ta sám hối vì mình còn những hành xử thiếu yêu thương. Chúng ta
sám hối vì chúng ta đang làm đảo lộn trật tự thế giới, khi không bảo vệ vũ trụ
này cho đúng ý của Đấng Tạo Hoá. Đây là điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc
cả thế giới qua thông điệp Laudato Si’: chúng ta phải biết “chăm sóc ngôi nhà chung” của chúng ta.
Xã hội nhân loại đang sống thiếu công bằng xã hội.
Mọi sự được ban: trên rừng hay dưới biển, trên mặt đất hay
dưới vực sâu… đều được dành cho tất cả mọi người. Thế nhưng, trên thực tế, một
số ít người lại nắm trong tay tất cả những tài nguyên Chúa ban. Người nghèo vẫn
mãi đói nghèo và khổ đau vì bị “ăn chặn” bởi anh chị em của mình, những người
có khả năng và có nhiều phương tiện khai thác hơn. Hơn nữa, cuộc sống còn đầy
những bất công qua việc tham nhũng, vơ vét của công làm của riêng. Đây là điều
mà các thông điệp về xã hội của Giáo Hội thường nhắc đi nhắc lại để cảnh báo xã
hội.
Đối diện với dịch bệnh khủng khiếp, ai ai cũng đang vất vả
chống dịch, không màng chi đến bản thân nữa, không lo tích trữ nữa và chắc chắn
cũng bớt bất công đi. Quả vậy, từ các cấp chính quyền đến từng người dân đều tập
trung dập dịch; nhất là các y bác sĩ, y tá, các tình nguyện viên, trong đó có
các linh mục và tu sĩ chẳng có mấy chuyên môn, đang căng mình ở tuyến đầu. Họ
phải làm việc 200-300% sức lực để cứu lấy sự sống cho anh chị em mình. Công bằng
xã hội cũng được thực hiện một cách ráo riết khi các gói cứu trợ từ chính quyền
đến các tôn giáo và các mạnh thường quân được trao đến tay những người nghèo. Tạ
ơn Chúa về những tấm lòng, mà có lẽ chỉ thời dịch bệnh này mới có.
Như vậy, đợt dịch bệnh kéo dài này tuy gây nhiều mất mát đau
thương, nhưng lại là cơ hội để con người nhìn nhận thân phận của mình mà sám hối
và có những hành xử yêu thương và công bằng hơn!
Lời Chúa nói với chúng ta:
“mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu
mến Người” (Rm 8,28). Vì thế, đợt dịch bệnh xảy ra cũng nên kinh nghiệm hữu
ích cho chúng ta. Chúa dành thời gian để từng người chúng ta phải sống chậm lại,
khiêm nhường hơn và sống thực tế hơn. Chúa cũng nhắc nhở Mẹ Hội Thánh phải
không ngừng củng cố đức tin để người tín hữu không chao đảo trước mọi biến cố.
Hội Thánh cũng phải gieo niềm hy vọng và xây dựng tình hiệp thông mạnh mẽ hơn nữa.
Thời gian phải căng mình chống dịch, cũng là lúc Chúa nói với xã hội nhân loại
phải biết mình là ai: là thụ tạo chứ không phải là chúa tể. Xã hội nhân loại
cũng phải biết sám hối về những sai sót và lỗi lầm của mình, đồng thời phải cư
xử công bằng với nhau giữa cuộc sống này. Hy vọng, những tấm lòng chúng ta thể
hiện lúc dịch bệnh sẽ còn tiếp tục kéo dài để những hận thù ghen ghét được phủ
lấp bởi tình yêu thương; đau khổ được phủ lấp bằng những hy sinh, bất công được
phủ lấp bởi lòng quảng đại.