KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Chúa nhật 34 Thường niên năm A – Lễ Chúa Kitô Vua
Chúa nhật,
23.11.2008

VƯƠNG QUYỀN ĐÍCH THỰC CỦA CHÚA KITÔ

Bình Hòa

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trước khi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật hôm 23.11.2008 gồm hai phần chính. Trong phần đầu, ngài giải thích ý nghĩa tước hiệu Đức Kitô là Vua: vua không theo nghĩa chính trị trần tục, nhưng theo nghĩa là thiết lập tình yêu của Thiên Chúa trên địa cầu. Trong phần thứ hai, chú giải đoạn Phúc âm của Thánh lễ nói đến dụ ngôn về cuộc phán xét cánh chung, ngài nhấn mạnh đến việc chúng ta được mời gọi góp phần vào việc thể hiện vương quyền Chúa Kitô trên thế giới, qua việc thể hiện lòng thương yêu tha nhân. Sau đây là toàn văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúa nhựt cuối cùng của năm phụng vụ, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ. Qua Tin mừng thánh Gioan, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã phủ nhận tước-vị Vua hiểu theo nghĩa chính trị, kiểu như “lãnh đạo quốc gia” (xc. Mt 20,24). Tuy nhiên, vào dịp Tử nạn, trước mặt quan Philatô, Người đã dành cho mình một thứ vương quyền độc đáo. Khi tổng trấn hỏi Người: “Ông có phải là vua không?”, thì Người trả lời rằng: “Thật, tôi là vua” (Ga 18,37), nhưng trước đó Người đã khẳng định rằng “vương quyền của tôi không thuộc về trần gian này” (Ga 18,36). Thực vậy, vương quyền của Đức Kitô là sự biểu lộ và thực thi vương quyền của Thiên Chúa Cha, Đấng cai quản vạn vật bằng tình yêu và công lý. Chúa Cha đã uý thác cho Người Con sứ mạng trao ban cho nhân loại sự sống vĩnh cửu đến mức hiến dâng mạng sống, và đồng thời cũng trao cho Người quyền xét xử, kể từ khi Người trở thành con người, hoàn toàn giống như chúng ta (xc Ga 5,21-22.26-27).

Bài Tin mừng hôm nay nêu bật đức Kitô thực thi vương quyền hoàn vũ khi làm Thẩm phán, qua dụ ngôn về cuộc phán xét chung thẩm, được thánh sử Matthêu đặt liền ngay trước trình thuật về cuộc Tử nạn (25,31-46). Các hình ảnh của dụ ngôn rất đơn giản, ngôn ngữ thì bình dân, nhưng ý nghĩa của nó thật là quan trọng: nó diễn tả sự thật về định mạng tối hậu của chúng ta và quy chuẩn mà chúng ta sẽ bị xét xử: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; ta khát, các ngươi đã cho uống; ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp đón” (Mt 25,25) vân vân. Ai mà không biết đoạn Phúc âm này? Nó trở nên thành phần của nền văn minh của chúng ta. Nó đã ghi dấu đậm trên lịch sử của các dân tộc mang ảnh hưởng của văn hoá Kitô giáo: bậc thang các giá trị, các định chế, các cơ sở bác ái xã hội. Thực vậy, vương quốc của Chúa Kitô không thuộc về trần gian này, nhưng nhờ ơn Chúa, nó đưa mọi điều tốt lành ở nơi con người và nơi lịch sử đến mức thành tựu. Nếu chúng ta đem thực thi lòng thương yêu tha nhân theo sứ điệp của Tin mừng, thì chúng ta sẽ dọn chỗ cho vương triều của Thiên Chúa, và vương quốc của Chúa được thể hiện giữa chúng ta. Trái lại, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, thì thế giới sẽ đi tới sụp đổ.

Các bạn thân mến, vương quốc của Thiên Chúa không phải là chuyện danh dự quyền hành, nhưng, theo như thánh Phaolô đã viết, là “công lý, hoà bình và hân hoan trong Thánh Linh” (Rm 14,17). Chúa rất quan tâm đến điều tốt lành cho chúng ta, nghĩa là muốn cho chúng ta được sự sống, và cách riêng những người con bé nhỏ nhất có thể tới bàn tiệc đã được dọn cho hết mọi người. Vì thế Chúa không ưa thích những kẻ khúm núm thưa “Lạy Chúa, Lạy Chúa” nhưng chẳng thiết tha gì với việc tuân hành giới răn của Chúa “xc Mt 7,21). Trong vương quốc vĩnh cửu, Thiên Chúa đón nhận những kẻ nỗ lực mang Lời Chúa ra thực hành mỗi ngày. Vì thế đức Trinh nữ Maria, thụ tạo khiêm tốn nhất, đã trở nên kẻ cao cả nhất trước mặt Chúa, và được ngự trị làm Nữ Vương ở bên hữu Vua Kitô. Một lần nữa, với tấm lòng con thảo, chúng ta hãy xin Mẹ cầu bầu để cho chúng ta có thể thực hiện sứ mạng kitô hữu trên thế giới.

Nguồn: archivioradiovaticana.va