KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Chúa nhật 17 Thường niên năm A
Chúa nhật, 24.07.2011

MỘT TRÁI TIM KHÔN NGOAN

Linh Tiến Khải

Trưa Chúa Nhật 24.07.2011, đã có 2.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong sân nhà nghỉ mát Caste Gandolco. Trong bài huấn dụ suy tư về ý nghĩa bài đọc thứ nhất trong phụng vụ, giới thiệu gương mặt của vua Salomon, là con và là người kế vị vua Đavít, Đức Thánh Cha đã mời gọi tín hữu xin Thiên Chúa ban cho mình một trái tim khôn ngoan, biết lắng nghe sự thật. Sau đây là bài huấn dụ của Đức Thánh Cha.

Anh chị em thân mến,

Bài đọc thứ nhất trong phụng vụ giới thiệu gương mặt của vua Salomon, là con và là người kế vị vua Đavít. Bài đọc giới thiệu vua vào lúc khởi đầu triều đại, khi vua còn rất trẻ tuổi. Vua Salomon thừa hưởng một nhiệm vụ đòi hỏi rất nhiều dấn thân và trách nhiệm đè nặng trên vai quá lớn đối với một vua trẻ tuổi. Trước hết vua dâng cho Thiên Chúa một hy lễ trang trọng. Thánh Kinh nói là “ngàn hy lễ toàn thiêu”. Khi đó Thiên Chúa hiện ra với vua trong thị kiến ban đêm, và hứa ban cho vua những gì vua xin trong lời cầu nguyện. Và chính ở đây người ta thấy tâm hồn cao cả của vua Salomon: vua không xin sống lâu, cũng không xin của cải giầu sang, hay loại bỏ được các thù địch; trái lại, vua thưa với Chúa: “Xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa trái tim khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ” (1 V 3,9). Chúa đã nhận lời, và như thế vua Salomon đã trở thành nổi tiếng trên toàn thế giới vì sự khôn ngoan và các xét xử đúng đắn của vua.

Vua Salomon đã nguyện xin Chúa ban cho mình “một trái tim khôn ngoan”. Những từ đó có nghĩa là gì? Chúng ta biết rằng trong Thánh Kinh “trái tim” không ám chỉ một phần của thân thể mà thôi, nhưng còn ám chỉ trung tâm của con người nữa, chỗ ở của các chủ ý và các phán đoán của nó. Chúng ta có thể nói là lương tâm. “Trái tim khôn ngoan” như thế có nghĩa là một lương tâm biết lắng nghe, nhậy cảm với tiếng nói của sự thật, và vì thế có khả năng phân biệt điều thiện với điều ác. Trong trường hợp của vua Salomon, lời xin có lý do là vì trách nhiệm phải hướng dẫn một quốc gia, Israel, dân mà Thiên Chúa đã chọn để biểu lộ cho thế giới thấy chương trình cứu độ của Người. Vì thế vua Israel phải tìm luôn luôn sống trong sự đồng điệu với Thiên Chúa, lắng nghe Lời Người, để hướng dẫn dân trong các con đường của Chúa, con đường của công lý và hòa bình.

Nhưng gương của vua Salomon cũng có giá trị đối với mọi người. Mỗi người trong chúng ta có một lương tâm để trong một nghĩa nào đó cũng là “vua”, nghĩa là để thực thi phẩm giá là người, để hành động theo lương tâm bằng cách làm lành lánh dữ.

Lương tâm luân lý giả thiết khả năng lắng nghe tiếng nói của sự thật, ngoan ngoãn với các chỉ dẫn của nó. Những người được mời gọi vào các nhiệm vụ cai trị dĩ nhiên có một trách nhiệm khác nữa và vì thế, như vua Salomon dậy, họ lại càng cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa hơn. Nhưng mỗi người đều phải đóng góp phần mình trong hoàn cảnh sống cụ thể của mình. Một tâm thức sai lầm gợi ý cho chúng ta xin với Thiên Chúa những sự hay những điều kiện thuận lợi. Thật ra, phẩm chất đích thật của cuộc sống chúng ta và của cuộc sống xã hội tùy thuộc nơi lương tâm ngay thẳng của từng người, tùy thuộc nơi khả năng của từng người và của tất cả mọi người hiểu biết sự thiện, tách rời nó khỏi sự ác và kiên nhẫn tìm thực thi sự thiện.

Chúng ta hãy xin điều này với sự trơ giúp của Đức Trinh Nữ Maria, là Ngai tòa của sự Khôn Ngoan. Con tim của Mẹ hoàn toàn ngoan ngoãn với ý muốn của Thiên Chúa. Tuy là người khiêm tốn và đơn sơ, Mẹ Maria là một nữ vương trước con mắt của Thiên Chúa, và chúng ta tôn kính Mẹ như nữ vương. Xin Đức Thánh Trinh Nữ cũng giúp chúng ta, với ơn thánh của Thiên Chúa, biết đào tạo cho mình có một lương tâm luôn rộng mở cho sự thật và nhậy cảm đối với công lý để phục vụ Nước Chúa.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Nguồn: archivioradiovaticana.va