KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Chúa nhật 15 Thường niên năm A
Chúa nhật, 16.07.2017

MẢNH ĐẤT TÂM HỒN

G. Trần Đức Anh OP

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 16.07.2017, Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Matthêu Chúa nhật thứ 15 thường niên năm A trong đó Chúa Giêsu trình bày dụ ngôn người ra đi gieo hạt giống bên vệ đường, và từ đó ngài rút ra những bài học áp dụng cho tâm hồn các tín hữu về việc đón nhận và thực hành Lời Chúa. Sau đây là bài huấn dụ của Đức Thánh Cha.

Anh chị em thân mến,

Khi nói, Chúa Giêsu dùng những từ đơn giản và Ngài cũng dùng những hình ảnh, những ví dụ lấy từ cuộc sống hàng ngày, để mọi người dễ hiểu. Đây là lý do vì sao dân chúng sẵn lòng lắng nghe và đánh giá cao sứ điệp của Ngài, sứ điệp trực tiếp động đến lòng họ. Và ngôn ngữ Chúa Giêsu sử dụng không phải là ngôn ngữ phức tạp, gây khó hiểu như ngôn ngữ được sử dụng bởi các Tiến sĩ Luật thời đó. Họ sử dụng thứ ngôn ngữ rất cứng nhắc, khó hiểu và xa cách với mọi người. Với ngôn ngữ đơn giản dễ hiểu, Chúa Giêsu đã làm cho mầu nhiệm Nước Thiên Chúa được hiểu; mầu nhiệm đó không phải là thần học phức tạp. Và một ví dụ cho điều này chính là đoạn Tin Mừng hôm nay với dụ ngôn người gieo giống (x. Mt 13,1-23).

Người gieo hạt giống là Chúa Giêsu. Chúng ta nhận xét rằng, với hình ảnh này, Chúa xuất hiện như một vị không áp đặt, nhưng đề nghị; không lôi kéo chúng ta bằng cách chinh phục, nhưng tự hiến cho chúng ta. Ngài kiên nhẫn và quảng đại gieo vãi Lời Ngài, Lời này không phải là một cái lồng hay cái bẫy, nhưng là hạt giống có thể sinh hoa kết trái. Nếu chúng ta đón nhận hạt giống ấy thì bằng cách nào hạt giống ấy sinh hoa trái?

Vì thế, dụ ngôn có liên hệ trước tiên tới chúng ta: thực vậy, dụ ngôn nói về mảnh đất hơn là về người gieo hạt giống. Có thể nói, Chúa Giêsu thực hiện một ”cuộc chụp quang tuyến tinh thần” tâm hồn chung ta, là thửa đất trên đó hạt giống Lời Chúa rơi xuống. Tâm hồn chúng ta như thửa đất, có thể là tốt, và như thế Lời Chúa mang lại hoa trái, nhưng đất ấy cũng có thể là khô cằn, không thấm nước. Điều này xảy ra khi chúng ta nghe Lời Chúa, nhưng Lời ấy bật lên, như khi rơi xuống trên một con đường. Nó không thể đi vào.

Giữa thửa đất tốt và con đường có hai mảnh đất ở cấp độ giữa, mà chúng ta có thể có qua nhiều mức khác nhau. Thứ nhất là đất sỏi đá. Chúng ta cố tưởng tượng xem: một thửa đất sỏi đá là mảnh đất không có nhiều đất (Xc v.5), vì thế khi hạt giống nảy mầm, nó không ăn rễ sâu được. Đó là tâm hồn hời hợt, đón nhận Chúa, muốn cầu nguyện, yêu mến và làm chứng, nhưng không kiên trì, mệt mỏi và không lên cao được. Đó là một tâm hồn không có bề dầy, nơi mà những sỏi đá lười biếng trổi vượt, nơi mà tình yêu không bền bỉ và chóng qua. Nhưng người nào chỉ đón nhận Chúa khi mình thích, thì không mang lại hoa trái.

Rồi có thửa đất sau cùng, đất gai góc, đầy những bụi gai bóp nghẹt những cây tốt. Những bụi gai ấy tượng trưng cái gì? ”Thưa là những lo lắng trần tục và sự quyến rũ của giàu sang” (c.22), như Chúa Giêsu đã nói. Những gai góc chính là những tật xấu chống lại Thiên Chúa, chúng làm cho sự hiện diện của Ngài bị ngộp; nhất là những thần tượng giàu sang thế gian, sống ham hố, cho bản thân, để có của cải và quyền lực. Nếu chúng ta vun trồng những bụi gai ấy, thì chúng ta sẽ bóp nghẹt sự tăng trưởng của Thiên Chúa nơi chúng ta. Mỗi người có thể nhận ra những bụi gai lớn nhỏ của mình, những tật xấu trong con tim mình, những cây gai ăn rễ sâu hơn kém, không làm hài lòng Thiên Chúa và ngăn cản ta không có một con tim thanh sạch. Cần nhổ chúng đi, nếu không Lời Chúa sẽ không mang lại hoa trái.

Anh chi em thân mến, hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn vào nội tâm của mình: cảm tạ Chúa vì thửa đất tốt của chúng ta và làm việc trên những thửa đất chưa tốt. Chúng ta hãy tự hỏi xem con tim chúng ta có mở rộng để đón nhận hạt giống Lời Chúa trong đức tin hay không. Chúng ta hãy tự hỏi xem những sỏi đá lười biếng nơi chúng ta có còn nhiều và lớn hay không? Chúng ta hãy nhận diện và gọi đích danh những bụi gai tật xấu. Chúng ta hãy có can đảm làm sạch thửa đất, mang đến cho Chúa trong sự xưng tội và kinh nguyện những sỏi đá và những bụi gai của chúng ta. Làm như thế, Chúa Giêsu, người gieo hạt giống, sẽ vui mừng thực hiện một công việc bổ túc: đó là thanh tẩy tâm hồn chúng ta, cất đi những sỏi đá và gai góc bóp nghẹt Lời Chúa.

Mẹ Thiên Chúa mà hôm nay chúng ta kính nhớ dưới tước hiệu Đức Trinh Nữ Núi Camêlô, là người khôn ai sánh kịp trong việc đón nhận Lời Chúa, và mang ra thực hành (Xc Lc 8,21) xin Mẹ giúp chúng ta thanh tẩy tâm hồn và giữ gìn sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn chúng ta.

Nguồn: archivioradiovaticana.va