CHÚA BA NGÔI TRONG ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH

Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 06/06/2020

WHĐ, 06-06-2020 – Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi vẫn còn xa lạ đối với rất nhiều các tín hữu hôm nay. “Xa lạ” không phải là vì anh chị em giáo dân không biết công thức đức tin: Một Thiên Chúa duy nhất có ba Ngôi riêng biệt bao gồm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. “Xa lạ” là vì có rất nhiều tín hữu chưa hiểu đúng về mối liên hệ sâu xa giữa mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi với đời sống đức tin của họ. Nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với vận mạng và sứ mạng của họ. Chính vì vậy mà kể từ Công Đồng Chung Vaticanô II, nhiều thần học gia chủ trương trình bày học thuyết Chúa Ba Ngôi bớt dựa trên các luận chứng lý trí mà thiên về các suy tư linh đạo. Nói cách khác, việc vận dụng nguyên tắc lý trí để giải trình và biện hộ cho nội dung đức tin đã được các Giáo Phụ và biết bao thế hệ thần học gia của Hội Thánh thực hiện cách xuất sắc. Ngày nay, nhiệm vụ cấp bách hơn được đặt ra đối với các giáo huấn của Hội Thánh là làm sao giúp cho các Kitô Hữu sống đức tin cách hiệu quả nhất. Nghĩa là giúp cho các Kitô Hữu ngày nay nhận ra rằng học thuyết Chúa Ba Ngôi liên hệ trực tiếp đến toàn bộ đời sống của Giáo Hội và của bản thân họ. Không phải “hiểu rồi mới tin”, nhưng là “càng tin thì càng mến Chúa và yêu người hơn.”  

Nhân ngày lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta cùng tìm hiểu bài giáo lý về vai trò của Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống Giáo Hội do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày trong buổi tiếp kiến chung ngày 14 tháng 6 năm Thánh 2000 [1]. Trong đó Thánh Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng Hội Thánh chính là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi. Các đặc tính chính của Hội Thánh như ‘duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền’ đều là phản ảnh vẻ huy hoàng siêu việt của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Duy Nhất

Cho dù Giáo Hội do Đức Kitô thiết lập vẫn đang chịu cảnh chia rẽ đáng tiếc nhưng bản chất của Hội Thánh là duy nhất. Duy nhất vì chỉ có một phép rửa, một đức tin và một Chúa Thánh Thần. Hiến chế tín lý về Giáo Hội của Công Đồng Chung Vaticanô II nói rõ, “Giáo Hội phổ quát xuất hiện như ‘một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ (Lumen Gentium, #4). Không có kiểu mẫu hiệp nhất nào lý tưởng hơn, hoàn hảo hơn là sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính vì Thiên Chúa Ba Ngôi là mẫu hình và là cội nguồn cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội cho nên Hội Thánh mãi mãi là duy nhất. Hội Thánh ấy bao gồm tất cả những ai đã lãnh nhận cùng một phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, bao gồm tất cả những ai tuyên xưng cùng một niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh và chịu sự tác động của cùng một Thần Khí (x. Unitatis redintegratio, #2). Điều này thể hiện rất rõ nơi các cộng đoàn Kitô Hữu tiên khởi, mọi người hiệp thông với nhau chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và liên lỉ cầu nguyện không ngừng (x. Cv 2, 42; 4, 32).

Tính hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi là kiểu mẫu cho Giáo Hội phổ quát thế nào thì cũng sẽ là lý tưởng cần vươn đến cho mỗi cá nhân Kitô Hữu như thế. Là phần tử của Hội Thánh, chúng ta vinh hạnh mang trong mình khả năng và sứ mạng “kết nối” mọi người. Chúng ta mang trên vai trọng trách xây dựng và củng cố tình liên đới gắn kết giữa mọi thành phần trong xã hội, cộng đoàn và gia đình của chúng ta. Muốn làm tốt vai trò đó, chúng ta cần kết hợp chính mình với Chúa Cha, với Ngôi Lời, và với Thần Trí của Thiên Chúa vì chưng chúng ta càng gắn bó mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi bao nhiêu thì chúng ta càng lớn mạnh bấy nhiêu trong tình huy đệ hiệp nhất với anh chị em xung quanh (x. Unitatis redintegratio, #7).

Thánh Thiện

Khi nói đến đặc tính thánh thiện của Hội Thánh, Đức Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta tìm về nguyên nghĩa của thuật ngữ “thánh thiện” trong truyền thống Kinh Thánh. Theo đó, “thánh” có hàm ý nói đến những gì liên quan đến Thiên Chúa, đấng tuyệt đối thánh thiện. Một dân tộc, một người, hay một vật nào đó chỉ được xem là “thánh” khi đã được chính Thiên Chúa “thánh hiến”, nghĩa là được Thiên Chúa chọn làm của riêng. Giáo Hội là Dân Thánh vì nơi Hội Thánh luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa Ba Ngôi làm cho cộng đoàn đức tin nên tinh tuyền thánh thiện (x. Ga 17, 17 & 19).

Các cử hành phụng vụ, đặc biệt là Thánh Lễ, diễn tả sống động nhất sự hiện diện đầy gần gũi thân tình của Thiên Chúa Ba Ngôi trong tương quan với toàn thể Hội Thánh. Nơi Hy Tế Tạ Ơn, Hội Thánh xét như Thân Thể nhiệm mầu Chúa Kitô trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần dâng lên Thiên Chúa Cha hy lễ tạ ơn vô cùng cao quý. Thánh Lễ là tiệc thánh trên trần gian vì quả thực khi tham dự đúng đắn vào các nghi lễ phụng thờ của Hội Thánh, các tín hữu được diễm phúc nếm trước tiệc thánh tuyệt hảo trên trời. Chúng ta đừng quên là nhờ Bí Tích Thanh tẩy, chúng ta được thông dự vào chức tư tế của Đức Kitô. Do đó, chúng ta cần phải sống đúng với chức phận và ân ban Chúa đã trao cho; đó là tham dự tích cực và sốt sáng các cử hành phụng vụ và đời sống cầu nguyện của Hội Thánh. Phụng Vụ Thánh còn diễn tả mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội, chính vì vậy mà Thánh Công Đồng Vaticanô II chỉ ra rằng: tình yêu thương chúng ta dành cho nhau kết hợp với những lời tán dương tung hô Chúa trong khi cử hành phụng vụ là một trong những cách thế xứng hợp chúng ta góp phần chu toàn sứ mạng của Hội Thánh nơi trần gian này (x. Lumen Gentium, #51).       

Công Giáo

Trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa thì bản chất của Hội Thánh là truyền giáo vì Hội Thánh phát xuất từ sứ mạng của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần. Điều này đã được nói rõ trong hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân - Lumen Gentium và sau đó được triển khai đầy đủ hơn trong sắc lệnh Đến Với Muôn Dân – Ad Gentes. “Thiên Chúa đã quyết định đi vào lịch sử loài người một cách mới mẻ và dứt khoát bằng cách sai Chúa Con xuống thế làm người để giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tối tăm và ma quỷ (x. Cl 1, 13; Cv 10, 38), hòa giải thế gian với Người (x. 2 Cr 5, 19) hầu mọi sự được tái lập (x. Ep 1, 10). Bằng đường lối nhập thể, Chúa Con đã đến làm cho loài người được thông phần bản tính Thiên Chúa. Để hoàn tất công việc cứu rỗi, Chúa Thánh Thần đã được phái đến để thực hiện công trình cứu chuộc trong các tâm hồn và thúc đẩy Giáo Hội bành trướng thêm mãi. Do đó, lãnh nhận sứ mạng từ Đức Kitô, Giáo Hội vì là “bí tích cứu độ phổ quát”, có bổn phận rao giảng Tin Mừng, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy và các bí tích mà dẫn người ta đến đức tin. Giáo Hội phải tiến bước trên con đường mà Chúa Kitô đã đi là nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến (x. Ad Gentes, #2-5). Tâm điểm đời sống của Giáo Hội là hoạt động truyền giáo.

Nói tóm lại, vì Giáo Hội là công trình của Chúa Ba Ngôi nên Giáo Hội mang sứ mạng đến với muôn dân. Vì Giáo Hội hiện diện và nhắm đến lợi ích các linh hồn nên Giáo Hội có đặc tính phổ quát. Đối với thế giới và nhân loại hôm nay, mỗi phần tử của Hội thánh có sứ mạng tiếp xúc và thấm nhập dần dần, như lời Thánh Phaolô Tông Đồ khuyên nhủ, hầu muôn vật muôn loài đều quy phục cùng một thủ lãnh là Thiên Chúa ba Ngôi toàn năng (x. 1Cr 15, 25-28).

Tông Truyền

Trước khi Chúa Kitô Phục Sinh về trời, Người hứa ban Thần Khí và sai các Tông Đồ “đi khắp tứ phương thiên hạ, làm cho muôn dân trở nên môn đệ và làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (x. Mt 28, 19-20). Lệnh truyền này không chỉ dành riêng cho các Tông Đồ nhưng qua các ngài nối dài đến toàn thể mọi thành phần Hội Thánh. Sau khi nhận được Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng và dấn thân thi hành mệnh lệnh Chúa Kitô để lại. Các ngài dùng chính mạng sống mình để minh chứng cho muôn dân biết thế nào là tin. Cuộc đời và lời rao giảng của các Thánh Tông Đồ cũng chính là di sản vô giá các ngài truyền lại cho các thế hệ Kitô Hữu tiếp theo. Cứ thế, Hội Thánh Chúa tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng cho đến ngày tận thế. Tông truyền là đặc tính cao trọng của Hội Thánh nhưng đồng thời cũng là lời nhắc nhở cảnh tỉnh cho các Kitô Hữu. Chúng ta cần luôn ý thức về sứ mạng làm cho muôn dân hợp đoàn thành Dân Thiên Chúa duy nhất, thành Thân Thể Chúa Kitô, và nên Đền Thờ sống động của Chúa Thánh Thần (x. Ad Gentes, #7).   

Để kết luận, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại điểm căn bản nhất trong học thuyết về Giáo Hội của Công Đồng Chung Vaticanô II đó là: Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và Tông truyền không những là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi mà còn là “bí tích” diễn tả chính xác về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Hội Thánh đích thị là Dân của Chúa (Cha), là Thân Thể Chúa Kitô và là Đền Thờ Chúa Thánh Thần.  Ba biểu tượng Thánh Kinh chúng ta vừa nhắc đến cho thấy Hội Thánh mang đậm chiều kích Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu và Hiệp Nhất. Cho nên tất cả chúng ta, mọi phần tử của Hội Thánh phổ quát, đều mang trách nhiệm song song; trước là gìn giữ và phát huy tình liên đới hiệp thông trong lòng Hội Thánh, sau là trở nên nhân tố liên kết mọi người trên thế giới nên một trong cùng một Phép Rửa và một đức tin. Hiểu về vai trò của Chúa Ba Ngôi trong đời sống Giáo Hội giúp chúng ta càng vững tin vào quyền năng và ơn phù trợ của Thiên Chúa. Càng tin, ước mong sao, chúng ta càng thêm mến Chúa và yêu người hơn.