CHỮ HIẾU TRONG CUỘC ĐỜI THÁNH VINH SƠN LIÊM
Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng
WGPBC
(07.11.2023) – Cổ nhân có câu:
“Nhân sinh bách hạnh, HIẾU vi tiên” (con người có trăm đức tính tốt, hiếu
là trước hơn hết). Chữ hiếu, đạo hiếu, luôn được đề cao trong văn hóa Á Đông
nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây là hạt giống tốt lành, rất phù hợp với mạc
khải của Chúa, vì Ngài dạy ta “Phải thảo kính Cha Mẹ” (Điều răn thứ tư,
x. Xh 20,12) và Ngài chúc phúc cho những ai giữ điều răn thảo hiếu: “Ai yêu
mến Cha thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính Mẹ thì như người tìm được một kho
tàng” (Hc 3,3).
Tôn danh chính thức của
Thánh Vinh Sơn Liêm được ghi trong niên lịch phụng vụ là Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm. Khi chiêm ngắm cuộc đời của ngài, chúng ta khám phá ra một điều khá thú vị
là chữ HIẾU không chỉ là tên đệm mà còn nổi bật lên trong các mối tương quan của ngài với Chúa, với anh em, với chính mình và với thế giới.
HIẾU THẢO với Thiên
Chúa là Cha
Thánh Vinh Sơn Liêm quả
thật là “con thảo của Cha trên trời”. Ngay từ nhỏ, ngài đã được dâng
mình vào Nhà Đức Chúa Trời và là “cậu bé chăm ngoan, đơn sơ và tiến triển
nhanh chóng về đàng đạo đức”[1].
Khi du học bên Phi Luật Tân (Philippines), ngài cũng tỏ ra là người đạo đức nhiệt
thành qua nguyện vọng muốn trở thành linh mục và tu sĩ Dòng Đaminh. Lòng hiếu
kính ấy thể hiện cách sống động cụ thể qua 14 năm trường gian khổ cực hình để
đem các linh hồn về cho Chúa. Lòng hiếu kính đạt tới đỉnh cao qua việc ngài sẵn
sàng chịu lao tù, tra tấn và đổ máu đào để làm chứng cho Chúa với lời tuyên
xưng khẳng khái: “Thưa ngài (chúa Trịnh), tôi không coi thường luật lệ nhà
vua, nhưng dù là một Kitô hữu non trẻ thôi, mà Chúa trời đất, Đấng tôi hằng
vâng phục trên hết, cũng đã ban cho tôi biết bao ân huệ và vinh dự được truyền
giảng đạo thánh của Người. Tôi không tin là tôi làm điều gì sai trái khi tỏ lộ
đức tin cho đồng bào bất hạnh của tôi, những người chưa biết đức tin, nhưng hơn
nữa, tôi còn sẵn sàng để tiếp tục làm như thế. Đó là nguyện vọng lớn lao nhất của
tôi”[2].
HIẾU ĐỄ, hiếu nghĩa
với tha nhân
Thánh Vinh Sơn Liêm là
người sống rất có tình có nghĩa với mọi người, kính trên nhường dưới, đúng với
câu người xưa: “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ” (Con em ở trong nhà
thì hiếu thảo, ra bên ngoài thì kính nhường). Khi ở Nhà Đức Chúa Trời thì ngoan
ngoãn vâng lời Cha Chính Huy, các cha, các thầy, tùng phục chịu khó trong các bổn
phận như giúp lễ, giúp việc, tháp tùng, học hành… Khi làm việc tông đồ, ngài
xông pha lặn lội, nhất là năng ngồi tòa giải tội, dâng lễ, giảng dạy, kinh nguyện
và thương giúp người. Vì hoàn cảnh bắt bớ, ngài thường xuyên thức khuya dậy sớm,
nhiều khi thâu đêm, để dâng lễ, giải tội và giảng giải khuyên răn các tín hữu
trung thành giữ vững đức tin. Ngài gần gũi giúp đỡ những người nghèo khổ và lo
liệu cho các nhu cầu của cộng đoàn tới mức quên mình. Hai biến cố cho thấy rõ
lòng hiếu đễ, hiếu nghĩa của ngài là việc ngài biện hộ cho cha thánh Gia trước
tòa và nhất là sẵn sàng cùng tử đạo với cha thánh Gia để làm chứng cho Chúa[3].
HIẾU HỌC: chăm chỉ
học hành
Thánh Vinh Sơn Liêm là
người hiếu học. Từ khi còn nhỏ, ngài đã chăm chỉ học phép tắc nhà chung, học tiếng
Latinh và chữ Nho. Nhờ chuyên cần, ngài tiến bộ rất nhanh chóng về học thức,
nên mới 16 tuổi, ngài đã được bề trên chọn đi du học tại Manila, Philippines. Tại
trường Gioan Letran, ngài đã “vượt trội các bạn đồng môn và làm cho các giáo
sư hết mực hài lòng”[4]. Chính vì xuất
sắc như thế, ngay khi trở lại Việt Nam, ngài đã được chào đón làm giáo sư cho
chủng viện Trung Linh. Sự linh động mục vụ, tài thuyết giảng và khả năng đối
thoại đã được chứng minh qua 14 năm hoạt động tông đồ, qua những gặp gỡ trao đổi
với các đại diện tôn giáo ở Hội Đồng Tứ Giáo và qua màn trao đổi với bà Thái
Tôn...[5]
HIẾU HÒA: xây dựng
hòa bình
Mang trong mình dòng
máu người Việt, Thánh Vinh Sơn Liêm cũng in sâu tâm niệm “dĩ hòa vi quý”. Tâm
niệm ấy được thánh hóa và thăng hoa nhờ giáo huấn của Tin Mừng: “Phúc cho ai
xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5, 9). Chính vì
thế, khi tuyên khấn trong Dòng Đaminh, ngài đã chọn biệt hiệu cho mình là
Vicente de la Paz (Vinh Sơn Hòa Bình). Không chỉ là khẩu hiệu suông, Thánh Nhân
đã sống linh đạo hòa bình trong đời, khi luôn gắn bó chặt chẽ với Chúa, yêu
thương chan hòa với mọi người, hiếu thuận với anh em bạn bè, nhã nhặn nho nhã với
những ai thù ghét, bắt bớ, đánh đập, bách hại mình. Ngài chỉ khát khao rao truyền
đạo Chúa với ước mong cho mọi người được ơn cứu độ Chúa ban: “Ước vọng lớn
nhất của tôi là tiếp tục bày tỏ đức tin cho quý đồng bào bất hạnh của tôi, là
những người chưa nhận biết đức tin”[6].
Trên đây chúng ta khắc
họa lại chân dung hiển vinh của Thánh Vinh Sơn Liêm với những chữ hiếu trong cuộc
đời của ngài. Hai chữ hiếu (孝)đầu có nghĩa là kính trọng, yêu mến, biết ơn,
phụng sự, đó là lòng hiếu thảo, hiếu kính, hiếu thuận với Chúa; lòng hiếu đễ,
hiếu nghĩa, hiếu thuận với bề trên, anh em, bạn bè, tha nhân… Hai chữ hiếu (好) sau có nghĩa là yêu
thích, say mê, ưa chuộng, đó là tâm hồn ham học hỏi, say mê chân lý, mến mộ tri
thức, là trái tim yêu chuộng hòa bình, vun đắp bình an, kiến tạo hòa giải…
Những chữ hiếu ấy là
những bài học vô giá cho con cháu noi gương, vì “nhân sinh bách hạnh, hiếu
vi tiên” và “biển học vô bờ”. Một con người sống có lòng tôn kính biết
ơn với bề trên, yêu thương hiền hòa với mọi người, hướng thiện, cầu tiến, lan tỏa
năng lượng tích cực và gieo rắc an bình, sẽ luôn là phiên bản tốt đẹp của “Vinh
Sơn Hòa Bình” mà thế giới ngày nay đang cần đến.
Mừng kính 250 năm hồng phúc tử đạo của
Thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm
07/11/1773 - 07/11/2023
Nguồn: gpbuichu.org