CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN: HÃY BƯỚC THEO CHÚA GIÊSU KITÔ

Tác giả: Regis Martin[1]
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: ncregister.com

WHĐ (3.12.2020)  Làm thế nào chúng ta tìm thấy Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta không thể nhìn thấy? Câu trả lời là hãy hướng về Chúa Kitô, là Thiên Chúa nhập thể, Đấng mà chúng ta có thể nhìn thấy.


Thánh Augustinô thành Hippo

Đây là một trong những quyển sách khiến ta bỏ rơi mọi thứ khác và sẽ không bao giờ ngưng xuất bản. Mà cũng không nên ngưng như vậy. Bất chấp 1.600 năm đã trôi qua kể từ khi Augustinô lần đầu tiên ngồi viết nó, cuốn Confessions[2] vẫn luôn là một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất thế giới, không thể chối cãi. Cuốn sách đó nói về điều gì? Đó là câu chuyện về một cuộc hoán cải, được viết ra một cách lôi cuốn trong một loạt những tiết lộ bóc trần trái tim của một con người say sưa tìm hiểu sự thật về bản thân mình và tìm thấy Thiên Chúa vượt quá sự mong chờ của mình. Hóa ra ai là người gần gũi với Augustinô hơn là chính Thiên Chúa gần gũi với chính ông. 

Augustinô nói với chúng ta, “Bất cứ ai biết Chúa, người ấy biết rõ biết chính mình.” Thật vậy, ngay từ trang đầu tiên, chúng ta đã được nhắc nhở dễ nhớ về chuyện đó. Điều đó có nghĩa là khi nghĩ về Chúa, linh hồn tỉnh ngộ nhận ra rằng bản thân mình hoàn toàn không có giá trị gì đối với cái tôi cứ tự cho mình là trung tâm. Augustinô tuyên bố: “Suy tưởng về Chúa khiến chúng ta bị khuấy động vô cùng sâu sắc đến nỗi chúng ta không thể hài lòng nếu chúng ta không ngợi khen Chúa, bởi vì (và ở đây theo cách diễn tả cô đọng) Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và lòng con không an nghỉ cho đến khi được nghỉ an trong Chúa.” (Confessions, số 39)

Nhưng làm thế nào chúng ta tìm được Thiên Chúa mà chúng ta đang tìm kiếm? Đặc biệt là nếu bản chất của Ngài không thể nhìn thấy được, vì là Tinh thần Tuyệt đối? Câu trả lời là  bằng cách hướng về Chúa Kitô, Đấng mà chúng ta có thể nhìn thấy – thật vậy, chúng ta liên tục gặp gỡ Ngài, chúng ta trong tư cách Tân Nương được kết hôn với Ngài, quá thân tình đến độ không có gì, kể cả tội lỗi của cô nàng, có thể xen vào giữa Chúa Kitô và cô ấy. "Ta với Người yêu dấu của ta, Người yêu dấu của ta với ta." Vậy thì Chúa Kitô sẽ đưa chúng ta đến với Thiên Chúa, đem chúng ta vượt qua biển cả hữu thể tuyệt đối, một hữu thể đánh dấu khoảng cách giữa chúng ta và Thiên Chúa. Augustinô nói: “Anh em đang đi theo cách riêng của anh em, lang thang lạc lối qua những nơi cây cối um tùm, những nơi gồ ghề, tay chân rách nát. Anh em đang tìm kiếm một ngôi nhà mà không tìm thấy. Và rồi nơi ấy chính con đường xuất hiện cho anh em và anh em được đặt ở nơi đó. Hỡi con người, hãy bước đi bên Chúa, và anh em sẽ đến được với Chúa.” (Thánh Augustinô, Exposition on Psalm 71).

Đây là lý do tại sao, ngay từ giây phút đầu tiên sau khi trở lại đạo, Augustinô đã tìm cách neo móc tất cả những gì ông biết và tất cả những gì ông có vào con người của Chúa Giêsu Kitô. Nói cách khác, việc Augustinô thuận phục Chúa Kitô chỉ về mặt trí tuệ là chưa đủ, dù cố gắng bằng mọi cách để thực hành giáo huấn này hoặc giáo huấn kia của Chúa Kitô qua trung gian của Giáo hội mà ngài sớm trở thành thành viên. Nếu chỉ có sự gắn kết của tâm trí thì cũng không bao giờ là đủ. Cũng là không thỏa mãn nếu cuộc sống chỉ dành cho việc bắt chước các mẫu gương mang tính luân lý, vì như thế không khác gì toàn bộ mục đích của tư cách thành viên bị thăng trầm liên tục, vì chỉ là theo đuổi một lý tưởng nào đó mơ hồ về cách sống của con người, mà việc sống đời tâm linh thì vẫn còn quá xa vời và quá cao siêu đến nỗi chỉ có Chúa Kitô, chính Ngài, mới có thể thực hiện một cách hoàn hảo như một gương mẫu cho sự gắn bó đó.

Bạn thấy đấy, Augustinô chỉ là một con người và sẽ không bao giờ nghĩ đến việc dựa đồng xu của riêng mình để vào được Nước trời. Ông cũng không có một ham thích nào đối với một thứ chủ nghĩa duy luân lý gây tuyệt vọng, trong đó cuộc sống trở nên không gì hơn một quả cầu lông phù vân bị đánh qua đánh lại giữa ham muốn và nhiệm vụ. Đó không phải là cung cách một người trở thành một vị thánh và do đó nó không có sức hút đối với Augustinô. Có lẽ đúng hơn là Augustinô chưa bao giờ nghĩ như vậy. Bởi vì, ngay từ khi bắt đầu, và vì biết rõ bản chất nguy hiểm trong lòng mình, Augustinô đã nhận ra rằng không ai có thể được cứu độ chỉ bằng cách bắt chước những gì Chúa Kitô đã làm. Chỉ bằng cách bám chặt vào con người của Chúa Kitô, bám chặt vào Ngài là ai, thì chúng ta mới có thể được cứu độ. Không bao giờ sự tự mình bắt chước Chúa Kitô có thể cứu độ, đừng bận tâm đến các hành động trong sạch hoàn hảo của Ngài, ai bắt chước được, nhưng hãy bận tâm đến chính con người của Ngài mà thôi, đó mới là con người Ngôi Lời (Logos) đích thực. Hiện hữu luôn phải được ưu tiên trước hành động. Ân sủng trước, sau đó mới đến việc làm.

Đây là sự khác biệt mà Pelagiô[3] tội nghiệp không bao giờ có thể chấp nhận được. Augustinô đã lập luận trong cuộc tranh cãi lớn cuối cùng của cuộc đời mình, “Đây là chất độc bí mật” làm suy yếu toàn bộ hệ thống mà Pelagiô đã gói ghém. “Bạn tuyên bố rằng ân sủng của Chúa Kitô cốt tại bắt chước Ngài, trong khi ân sủng ở trong chính con người của Ngài.” Nếu không có ân sủng đưa chúng ta vào cuộc sống của chính Thiên Chúa, thì không một khối lượng luân lý nào lại có đủ khả năng làm tròn nhiệm vụ sống theo gương mẫu của Ngài. Kitô giáo không phải là một doanh nghiệp tự lực và chúng ta không nên hiểu nó theo kiểu một lý tưởng anh hùng xa vời và bất khả nào đó, ấy thế mà chúng ta vẫn được khuyến khích hướng tới. Thay vào đó, Kitô giáo là một tình trạng của thực tại được cứu chuộc, trong sâu thẳm của thực tại đó chúng ta thấy mình đang sống và tiến lên từ giây phút đầu tiên được chịu phép thánh tẩy. Đức Giáo hoàng Bênêđictô đã mô tả nó một cách rõ ràng, đó là “Sự đột biến cuối cùng trong sự tiến hóa của loài người[4] (Dẫn nhập vào Kitô giáo, tái bản lần thứ 2, của Đức Hồng y Joseph Ratzinger, Nhà xuất bản Ignatius, 1990, 2004; trang 301-10). Đó là sự kiện nhận chìm chúng ta, có thể nói như thế, vào thẳng trái tim của Thiên Chúa, mà từ trung tâm rực rỡ của trái tim đó cuộc sống của chúng ta cần tỏa sáng ra chiếu vào mọi kẽ hở của thế giới.

Đó là cách duy nhất để hình dung ra đời sống đức tin. Đó là cách mà Augustinô hình dung ra đời sống đức tin đó. Ngài nói với chúng ta ở đầu Quyển VIII, đưa chúng ta đến thời điểm cao trào của việc trở lại của ngài, “Mong muốn của con không phải là tìm bằng chứng chắc chắn hơn về Chúa mà là kiên vững hơn trong Chúa.” Và do đó, với cánh tay dang rộng, ngài kêu lên với Chúa, van nài Chúa khơi những hòn than hồng trong đám tro tàn bấy lâu nay để chúng cháy bỏng lại tình yêu của Thiên Chúa. Ngài cầu xin: “Xin Chúa hãy làm cho con trở lại với Chúa. Xin Chúa hãy đốt cháy ngọn lửa của Chúa trong chúng con và mang chúng con đi. Xin hãy để chúng con tỏa hương thơm của Chúa và cảm nhận vị ngọt ngào của Chúa. Xin hãy để chúng con yêu Chúa và nhanh chóng đến bên Chúa (Quyển VIII, số 4).

Đây không phải là một thứ chủ nghĩa duy luân lý. Đây không phải là tôn giáo giống như một bộ đồ nghề Tự Làm (Do-It-Yourself). Đây là con người hữu hạn cầu xin Thiên Chúa vô hạn tưới mưa cho gốc rễ của mình để chúng có thể nở hoa trong vườn của Thiên Chúa. Đó là tiếng kêu của tác giả Thánh vịnh thay cho dân Do thái, “Chẳng khi ngừng tìm kiếm Thánh Nhan” (Tv 105:4). Chỉ khi đó chính Chúa Giêsu mà chúng ta nhìn thấy, là Người Con đã trở thành một trong chúng ta, sẽ trao ban nụ cười khiến mọi người vui mừng.


[1] Tác giả Regis Martin, STD (Doctorate of Sacred Theology) là giáo sư thần học và là giảng viên cộng tác với Trung tâm Veritas về Đạo đức trong Đời sống Cộng đồng tại Đại học Phanxicô Steubenville, Ohio.

[2] ND: “Tự Thú”, tác phẩm của Thánh Augustinô.

[3] ND: Lạc thuyết Pêlagiô (tự sức mình, không cần đến ân sủng của Thiên Chúa) Lạc thuyết Pelagiô gốc xuất hiện tại Rôma và đã bị thánh Augustinô đánh bại. Lạc thuyết Pelagiô, được đặt theo tên Pelagius, nhà thần học ở thế kỷ thứ 5, cho rằng con người có thể tự đạt tới ơn cứu độ nhờ nỗ lực riêng và tác động trên người khác nhờ tuân giữ những qui định nhất định. Pelagius không tin vào tội nguyên tổ, nên ông đã cho rằng ân sủng giống như “những khả năng tự nhiên” mà Thiên Chúa ban và sẽ tiếp tục duy trì nếu chúng ta sống đời sống luân lý theo gương Chúa Giêsu và nhờ đó con người tự mình đạt tới ơn cứu độ nhờ nỗ lực cá nhân mà không tùy thuộc vào sự trợ giúp của Thiên Chúa hay ai khác. Thánh Augustinô đã nhìn thấy rõ sai lạc nói trên của Pelagius nên ngài nhấn mạnh rằng ân sủng siêu nhiên không thuộc bản năng, nhưng nhờ ân sủng mà khả năng của con người mở rộng đến một cùng đích lớn lao hơn, làm thay đổi và làm tươi mới lại ý muốn nội tại của con người; ân sủng, qua ơn đức tin và đức ái, có thể trợ giúp cho nỗ lực riêng nơi con người để có thể chu toàn các giới răn của Thiên Chúa. Xin xem thêm tại:

(https://gpquinhon.org/q/thuong-huan/hai-ke-thu-tinh-vi-cua-su-thanh-thien-tong-huan-gaudete-et-exsultate-1351.html)

[4] ND: “Giai đoạn cuối cùng của “đột biến” và “tiến hóa” tự nó sẽ không còn là một giai đoạn sinh học nữa; nó sẽ biểu thị sự chấm dứt chủ quyền của bios, đồng thời là chủ quyền của cái chết; nó sẽ mở ra lĩnh vực mà Kinh thánh tiếng Hy Lạp gọi là zoe, tức là sự sống sau cùng, bỏ lại đằng sau quy luật của cái chết. Giai đoạn tiến hóa cuối cùng mà thế giới cần đến để đạt được mục tiêu khi đó sẽ không còn đạt được trong lĩnh vực sinh học mà là bằng tinh thần, bằng tự do, bằng tình yêu. Nó sẽ không còn là sự tiến hóa mà là sự quyết định (ND: của từng cá nhân con người) và ân sủng (ND: đến từ Thiên Chúa), hai trong một.”