CHA RƠI: KHÔNG KHÓC ĐƯỢC, ĐÀNH GỬI VÀO CÂU HÁT
Gia Kỳ
WHĐ (19.6.2021) – Bộ phim truyện truyền hình 37
tập Cha rơi đã nhận được ba giải thưởng
điện ảnh Cánh Diều Vàng 2014: (1)
Cánh diều vàng thể loại phim truyền hình; (2) Biên kịch xuất sắc nhất (Nguyễn
Quý Dũng) và (3) Nam diễn viên xuất sắc nhất (Thái Hòa).
Cha rơi không chỉ khiến khán giả truyền hình rơi… nước
mắt, mà còn gửi đến xã hội một bức thông điệp nhiều ý nghĩa. Thông điệp về những
“nỗi niềm riêng của đàn ông” (lời bà Nguyệt, nhân vật trong phim) và những gắng
gỏi bền bỉ của họ bước đi trong cuộc sống. Cuộc sống với những nỗi niềm cứ đè
trĩu cõi lòng những con người được gán cho tôn hiệu (hay… hỗn danh?): phái mạnh.
TOÀN, NGƯỜI CHA RƠI
Xưa nay, vẫn chỉ nghe “con rơi”, chưa thấy ai
nói “cha rơi”. Vậy tại sao lại có cha rơi?
Nhà biên kịch Nguyễn Quý Dũng đặt tên “Cha rơi”
cho kịch bản phim của mình, nói: “Trong cuộc sống, người ta thường chỉ đề cập đến
người phụ nữ với những trăn trở đau buồn... Nhưng đàn ông chúng tôi cũng có nhiều
tâm sự lắm. Mặt khác phụ nữ thường dễ khắc phục hậu quả, còn chúng tôi nỗi đau
cứ âm ỉ, dai dẳng và kéo dài...” (Trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ ngày 28-12-2014).
Nhưng câu trả lời báo chí của nhà biên kịch này
vẫn chưa tiết lộ lý do đặt tên cho bô phim. Phải đi vào nội dung tác phẩm qua
câu chuyện cuộc đời nhân vật chính: Toàn (do diễn viên Thái Hòa thủ vai và được
trao giải Nam diễn viên xuất sắc nhất).
Toàn là người đàn ông suốt 18 năm đằng đẵng đi
lượm ve chai và “làm mọi việc người ta biểu” (dọn hàng, dọn nhà, dọn rác công
trường…) để nuôi đứa con gái không phải con mình, được anh vớt lên lúc còn đỏ hỏn,
bị mẹ đặt vào thau rồi thả trôi sông. Câu chuyện nhặt được đứa bé làm con nuôi,
đã có lần được Toàn đúc kết với Triệu (chồng của bà chủ dãy nhà cho thuê):
“Không phải nó là con rơi mà tao mới là cha rơi. Tao nuôi nó, nhưng nó dạy
tao làm người” (tập 26).
Câu nói như một trần thuật đúc kết: tao nuôi nó. Và như một lời thú nhận,
mang ít nhiều cảm thán, thành thực và xấu hổ: Nhưng nó dạy tao làm người.
Sự thành thực của một người luôn suy xét bản
thân, nhìn sâu vào cuộc đời của chính mình để thấy làm người tưởng dễ mà thật
khó, rất khó. Rất khó, nếu muốn sống cho ra người. Thật dễ, nếu chỉ cốt sao thỏa
mãn mọi nhu cầu bản năng. Toàn luôn đặt mình trong sự suy xét đó, từ ngày anh
có con, dù chỉ là đứa con rơi được anh mang về nuôi. Nhờ luôn suy xét, anh đã
thắng vượt con người bất lương để hoàn lương, đã từ bỏ cuộc sống cũ, để dựng một
cuộc đời mới.
Trước khi vớt đứa bé trong chiếc thau bị thả
trôi trên sông, Toàn hành nghề… đạo chích. Một mình với chiếc ghe nhỏ, Toàn dọc
ngang trên những dòng kênh, con lạch, sông lớn sông nhỏ. Tay chèo, mắt ngó, anh
ta quan sát động tĩnh, thấy nhà nào vắng vẻ liền lên bờ, đột nhập và ăn trộm
thóc lúa.
Cái ngày lượm được bé Tâm -tên do Toàn đặt-,
đánh dấu bước rẽ cho cuộc đời Toàn. Từ nay Toan đã là một người làm cha. Và cũng
từ nay, Toàn bỏ nghề đạo chích.
Càng ngày, sự gắn bó giữa Toàn và đứa bé còn đỏ
hỏn kia càng thêm sâu đậm. Lúc ở nhà đã đành, cả lúc đi làm thuê làm mướn anh
cũng mang con theo. Anh không thể sống thiếu Tâm, đứa con nuôi của mình, lại
càng không thể sống thiếu chữ “tâm”, nghĩa là có lòng, có dạ ngay thẳng chân thật.
Nhưng với Toàn, để mọi người nhận ra lòng dạ
ngay thẳng của anh mới khó làm sao.
Chẳng dễ nhận ra “tâm” của một gã đàn ông lúc
nào cũng lầm lì, mang một bộ mặt với chiếc sẹo trên má rất đáng gờm, đi đâu
cũng kè kè cái bao ve chai và chiếc cù móc, với một bộ dạng rất khả nghi. Với một
hành trạng như thế, chỉ có thể là gian phi, đạo tặc.
Ai cũng dè dặt, đề phòng khi tiếp xúc với Toàn.
Hàng xóm ở dãy nhà cho thuê của vợ chồng Triệu và Cẩm Hường nhìn Toàn với đôi mắt
cảnh giác, thậm chí nghi ngờ mối quan hệ cha con của anh và Tâm. Cẩm Hường, bà
chủ dãy nhà cho thuê (đồng thời cũng là người chuyên cho không những chuyện đơm
đặt) đã dựng chuyện Toàn “loạn luân” với đứa con nuôi! Một câu chuyện khủng khiếp,
đến nỗi ông Ba Trí (người hàng xóm của Toàn) vốn điềm tĩnh và đứng đắn cũng thấy
bị lung lạc, sinh nghi Toàn.
Biết mọi người trong cái xóm nghèo khốn khổ ấy
hiểu lầm và dị nghị, Toàn vẫn mặc kệ, để ngoài tai mọi điều thiên hạ xầm xì,
nói xấu sau lưng (cũng có khi nói thẳng vào mặt). Anh không thanh minh. Vả lại,
anh cũng chẳng đủ từ ngữ, bởi vốn là người ít nói, lại chẳng được học hành,
giao thiệp rộng để mở mang vốn liếng nói năng, nên cứ lặng lẽ, lầm lũi trước mặt
bàn dân thiên hạ lắm lời và nhiều chuyện.
Sự lặng lẽ, ít nói, lầm lì của Toàn đã nén lại
thành sự chịu đựng, cầm nén. Lâu ngày thành ra gan góc và lì lợm. Sự gan lì như
một cách phản ứng trước những thị phi, đàm tiếu. Toàn gan lì trước những lời
nói xấu. Như vậy, mới sống nổi giữa cái xóm trọ, ít tiền mà nhiều chuyện. Và gan
lì trước cả ánh mắt ngờ vực. Như vậy, mới can đảm sống nghề lượm ve chai, bới
rác và bươi móc bao ni lông ngoài chợ, vỏ chai trong thùng rác nhà giàu, dưới gầm
bàn các quán nhậu.
Cuộc sống nhọc nhằn, chịu đói khát, hứng những lời
thị phi, của Toàn đã nuôi con Tâm khôn lớn và rèn cái “tâm” của anh biết đập những
nhịp bản lĩnh, bao dung.
Không ít ngày Toàn sống qua ngày chỉ với một ổ
bánh mì không thịt, không cá, chỉ có ít nước tương được bà bán bánh mì rưới vào
vì không muốn bị ông khách chai mặt và lì lợm này kèo nài, xin xỏ và nói khỉa
nói kháy. Nhưng cái gã đàn ông chắt bóp từng đồng bạc rách ấy cũng chính là kẻ
hào phóng, rộng rãi. Ngay sau khi kèo nài bà bán bánh mì rưới ít nước tương và
cho thêm vài cọng hành ngò, Toàn đã rút trong chiếc túi rách 10.000 đồng tặng
người ăn mày cõng đứa con nhỏ ốm yếu trên lưng. Dường như tất cả những đứa trẻ
rách rưới, mồ côi nào cũng được Toàn nhìn thấy đó chính là “con Tâm” của mình.
Toàn đã giúp Lượm, một cô gái mồ côi trạc tuổi Tâm, vừa bị chủ đuổi việc, kiếm
được chỗ làm mới và được anh săn sóc như con. Sự chăm sóc chu đáo, không kèm
theo một lời hoa mỹ, cũng không với vẻ dịu dàng và chẳng chút ân cần nào. Vậy
mà, mọi người được anh giúp đỡ, từ “đại gia” Hai Bảnh đến cô gái mồ côi Lượm,
và hai mẹ con người đàn bà hành khất, đều nhìn thấy rõ rệt sự chu đáo và “cái
tâm” trong ngần của Toàn, gã đàn ông thô kệch, người lượm ve chai lầm lì.
Mới hay, người xưa bảo “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” và “đói
cho sạch, rách cho thơm”, quả là một định hướng sống, cứ luôn xuất hiện phía
trước, như một lời vẫy gọi, cao đẹp và lãng mạn.
Quả vậy, nhân vật Toàn là một hiện thân tuyệt đẹp
của câu tục ngữ răn đời “đói cho sạch,
rách cho thơm”. Cả đời anh không hề được mặc chiếc áo lành lặn, thơm tho
nào (dù có lần được “đại gia” Hai Bảnh, người được Toàn cứu mạng, tặng chiếc áo
mới, nhưng anh cất đi, không mặc), nhưng “hương” từ cái tâm “hữu xạ” của anh vẫn
tỏa ra. Một thứ hương âm thầm, dịu nhẹ, lan tỏa tự nhiên giữa cõi đời bùn lầy,
nước đọng.
Toàn trung thành sống với chân lý “đói cho sạch, rách cho thơm” giản đơn,
dân dã, ngàn đời của cha ông một cách bền bỉ, dứt khoát, tự giác. Một thứ tự
giác đã thành bản năng tự nhiên, để khi đứng trước sự chọn lựa, lập tức trở
thành một phản xạ dứt khoát, không khoan nhượng, không cân phân. Đó là phản ứng
của Toàn khi được thuê dọn nhà của ông Ba Trí đã bị hai đứa con của ông này bán
đi, sau khi vừa nhận được quyền thừa kế do chúng ép cha mình (tức ông Ba Trí)
phải chuyển quyền sở hữu căn nhà cho chúng. Toàn nói với người thầu dọn nhà:
“Dù chết đói cũng không làm cho bọn phản phúc đó” (tập 20). Đó cũng là tuyên
ngôn sống của Toàn. Tuyên ngôn về thái độ dứt khoát trước sự phản phúc: không cộng
tác, không nhận đồng tiền từ tay “bọn phản phúc”. Bọn phản phúc ở đây là Oanh,
con gái, và Tiệp, con trai ông Ba Trí. Hai đứa con “phản phúc”, bất hiếu với
cha mình. Đối với Toàn, ở đời này, không thể để cho mọi loại phản phúc có đất sống:
bất hiếu với cha mẹ, vong ân người làm phúc, bội nghĩa vợ chồng, phản trắc bạn
bè…
Đó là sự sạch, thơm của một con người cả đời sống
trong đói rách, nghèo khổ.
Để sống sạch và thơm giữa bùn nhơ của đời, trước
hết cái “tâm” phải sáng. Tâm sáng, nghĩa là đã được thanh tẩy khỏi những đọng cặn
của mọi ham muốn thấp hèn, thoát ra khỏi hệ thống những giá trị ảo, được xây dựng
trên dục vọng, kể cả trên những mong muốn bình thường. Toàn đã đạt đến cái
“tâm” đó. Cái “tâm” của Toàn chẳng còn mong muốn gì, ngoại trừ mong có sức khỏe,
để ngày ngày lượm ve chai kiếm tiền nuôi con. Nếu có mong muốn chăng, chỉ là
mong sao không nợ nần ai, về bất cứ điều gì, đồng thời cũng muốn đừng ai mắc nợ
mình, kể cả món nợ ân nghĩa. Vì thế anh tìm cách tránh mặt vợ chồng Hai Bảnh, để
họ khỏi áy náy về món nợ anh đã cứu mạng của họ. Dù túng quẫn, anh vẫn không
cho Tâm, đứa con nuôi của mình, đến làm việc ở xưởng máy Hai Bảnh, chỉ vì: “Ở đời
tui sợ nhất là cái nợ ân tình” (tập 27).
Cuộc thanh tẩy cái “tâm” của Toàn diễn ra dữ dội
và quyết liệt nhất, chính là cuộc chiến đấu với dục vọng của bản thân mình. Tập
36 của bộ phim là cao trào của diễn tiến câu chuyện cuộc đời làm “cha rơi” của
Toàn. Sự kiện cao trào lại là một trường đoạn hồi ức của Toàn về một lần đương
đầu với dục vọng. Hai cha con Toàn sống trong căn nhà nhỏ thuê của vợ chồng Triệu-Cẩm
Hường. Căn nhà chỉ khoảng 10 mét vuông, chật và tuềnh toàng. Đêm xuống, sau một
ngày lượm ve chai nhọc mệt, Toàn ngủ trên chiếc ghế bố, còn Tâm ngủ trên chiếc
giường gỗ nhỏ. Hôm đó, thao thức không ngủ được, cơn thèm khát dục tình của đàn
ông trỗi dậy, Toàn bước qua giường của đứa con gái nuôi. Anh đã đến rất gần tội
lỗi. Tội loạn luân, đúng hơn, gần như loạn luân (vì giữa Toàn và tâm không có
máu mủ ruột thịt). Nhưng anh kịp dừng lại. Tiếng lương tâm đã cất lên dõng dạc,
mạnh mẽ, thôi thúc. Anh rời xa chiếc giường, rồi bước đến bàn thờ, với lấy chiếc
đèn dầu, rót dầu lên tay và… đốt. Lửa bốc cháy. Tay Toàn bị phỏng. Chỗ phỏng
trên tay khiến anh đau đớn, nhưng phần “người” đã lấn được phần “con” khiến tâm
hồn anh bình an, thoát khỏi bóng tối tội lỗi, bước đến phía ánh sáng. Ánh sáng
của ngọn lửa cháy phừng trên tay. Ánh sáng của thiên lương đang tỏa lan trong
“tâm”. Hai luồng ánh sáng gặp nhau, chuyển hóa, thành khúc ca chiến thắng cám dỗ
và soi vào nhãn giới của Toàn, giúp anh nhận ra vẻ sáng trinh bạch của Tâm, đứa
con gái anh đã nuôi dưỡng, và từ nay, anh phải nhận thêm trách nhiệm giữ gìn
cho đứa con ấy được trong trắng giữa cuộc đời, nhưng trước hết, trước phần
“con” luôn rình rập đợi thời cơ lấn lướt phần “người” nơi anh.
Toàn nói với Triết, kết luận sau khi kể lại câu
chuyện trên, như một lời xưng tội, để tâm hồn được cảm thông, và nhờ đó, được
bình an: “Cũng may, phần người trong tôi
đã về kịp để chiến thắng phần con” (tập 36).
Cùng với việc miêu tả niềm ăn năn, sự hoàn lương
và cuộc phấn đấu cho phần người của Toàn, bộ phim Cha rơi còn đưa ra một số hình ảnh khác về sự ăn năn của một số
nhân vật đàn ông, con trai khác.
Đó là sự hối lỗi và hoán cải của Tiệp, con trai
ông Ba Trí, sau những ngày tháng bài bạc, cá độ, phung phá tài sản của cha để lại,
đã trở lại cuộc sống lương thiện và hiếu thảo. Đó là sự tỉnh ngộ của Phong, kẻ
đã lừa tình và cướp sạch tài sản của Oanh, con gái ông Ba Trí. Phong nói, trước
khi xảy ra tai nạn dẫn đến cái chết bi thảm (ngã từ sân thương cao ốc xuống đường
vì cứu Oanh): “Tao tự phán xét mình”. Cái gã bạc tình và lừa đảo này, cuối
cùng, cũng đã tỉnh ngộ, bởi anh ta còn chút lương tri khi biết tình cảnh cùng
quẫn của Oanh, người con gái bị mình lừa đảo.
Hình tượng nhân vật Toàn chính là câu chuyện của
một người đàn ông “cha rơi”. Câu chuyện kể về một gã “trộm cắp, chôm chỉa” được
một đứa bé con rơi chấp nhận làm cha mình và ban cho cuộc sống lương thiện, và
quan trọng hơn, kể từ đó, biết mình có trách nhiệm phải chu toàn, có cả một thế
giới con người đang cần được giúp đỡ, và có tiếng nói của Trời đang “bảo phải cứu người” (tập 36)
Như vậy, đối với Toàn, cô bé Tâm không phải là
“con rơi”, mà chính anh là người “cha rơi” của cô vậy. Một người cha được rơi
vào cuộc đời của một đứa trẻ.
ÔNG BA TRÍ, NGƯỜI CHA BỊ BỎ RƠI
Nhân vật thứ hai tạo nên sức lôi cuốn của bộ
phim Cha rơi là ông Ba Trí (do Nghệ
sĩ ưu tú Thanh Nam, Giám đốc Nhà hát Cải lương Kiên Giang, thủ vai).
Sức lôi cuốn của nhân vật không chỉ do tài nghệ
diễn xuất của Thanh Nam, mà còn từ câu chuyện cuộc đời và tính cách Ba Trí.
Ba Trí đã về hưu, có một căn nhà trị giá 4 tỉ và
hai đứa con tốt nghiệp đại học. Vợ ông mất sớm. Ông ở vậy, gà trống nuôi con suốt
18 năm trời. Nay ông làm bạn với bà Nguyệt (diễn viên Thanh Hằng), người bán
tàu hủ rong. Chính mối quan hệ với người phụ nữ này đã khiến cha con ông trở
nên xung khắc và sự thật về mỗi con người được biểu lộ. Dù bà Nguyệt góa chồng
từ lâu, nay một mình nuôi con gái thành tài (làm cô giáo) và sống nhân hậu,
nhưng Oanh và Tiệp, hai con của Ba Trí, nhất quyết phản đối. Phản đối vì nhiều
lẽ. Cái lẽ được họ đưa ra với cha mình, là: sợ hàng xóm dị nghị, già rồi mà còn
đòi lấy vợ. Nhưng đây mới là lý do chính, dù không bao giờ họ nói ra: họ sợ bà
Nguyệt sẽ chiếm nhà của Ba Trí.
Để được tự do và sống thanh thản, không còn hằng
ngày phải nghe những lời chì chiết lạnh lùng, phải thấy sự ngỗ ngược và thói
ham của cải của hai đứa con, ông Ba Trí thuê nhà ở xóm trọ để ở riêng một mình.
Dành cả đời chăm sóc con cái, nay về già, lại phải ra ở riêng, không muốn sống
bên hai đứa con đang ngày càng lộ rõ thái
độ ruồng rẫy và sự phản phúc. Dù đã tỏ rõ ý định sẽ để lại căn nhà cho hai con,
nhưng lòng ông vẫn không an. Ông vẫn canh cánh lo, một ngày nào đó, chúng sẽ thẳng
tay ruồng rẫy ông và tương tàn vì tranh giành của cải (tập 6). Ông tâm sự với
bà Nguyệt: “Còn gì sợ bằng tuổi già lại
nơm nớp lo mình bị ruồng rẫy bởi con cái mình đã từng cưu mang” (tập 14).
Rồi chuyện gì phải đến đã đến. Vừa nhận bản công
chứng chuyển giao quyền sở hữu nhà từ tay cha mình, hai đứa con ông Ba Trí lập
tức phá nát tài sản ông đã một đời chắt chiu gây dựng. Oanh, người con gái lớn
đưa hết phần tài sản của mình cho gã tình nhân (nhân vật Phong) để chung vốn “đầu
tư” kinh doanh khách sạn (!). Còn Tiệp, đứa con thứ hai thì trả nợ thua cá độ
bóng đá đến gần 1 tỉ. Ông Ba Trí thấy mình đã mất trắng. Mất của. Mất con. Hai
đứa con đã hất ông ra khỏi cuộc đời chúng. Ông thấy mình bị bỏ rơi. Nỗi lo “bị
con cái ruồng rẫy” mới ngày nào còn mơ hồ nay đã hiển hiện. Từ nay, ngày ngày,
khi đêm về, ông thui thủi một mình trong xóm trọ nghèo khổ. Như một người không
con cái, không cửa nhà, không ngày mai…
Nhưng người đàn ông bản lĩnh đó không hề tỏ ra
nao núng trước thử thách của số phận.
Số phận đẩy ông vào tình cảnh làm một người cha
bị con cái bỏ rơi, ông vẫn không bỏ rơi chúng. Lâm vào hoàn cảnh cô độc, ông vẫn
gắn bó với mọi người đang cần một bàn tay giúp đỡ, một lời khuyên lúc bế tắc, kể
cả một người đối ẩm bên bàn rượu buồn tênh của gã “cha rơi”. Ông luôn luôn tỏ
ra vững vàng, điềm tĩnh, đưa ra những lời khuyên sáng suốt, thấu tình.
Có thể nói, xây dựng hình tượng ông Ba Trí, tác
giả kịch bản Nguyễn Quý Dũng và đạo diễn Nguyễn Phương Điền như muốn khắc họa
cái phần hoàn chỉnh về hình tượng người đàn ông, bên cạnh hình tượng Toàn “cha
rơi’ vốn bị che khuất bởi những mảng tối thâm u, bí ẩn của số phận và nhất là
tính cách.
Nhân vật Ba Trí là sự tổng hòa tuyệt đẹp giữa những
lối ứng xử, giải quyết vấn đề và những lời khuyên kết tinh từ chân lý tiềm ẩn
trong muôn vàn bi kịch cuộc sống.
Quả thật, những lời khuyên nhủ, sẻ chia của ông
Ba Trí với các nhân vật khác, từ Tâm “con rơi” đến Triệu (chồng bà chủ dãy nhà
trọ), Lượm (một cô gái mồ côi), bà Nguyệt (bà bạn già kết nghĩa tâm giao)…, là
những điểm nhấn thông điệp của bộ phim.
Trong lần uống rượu say, Toàn đã khiến Tâm sợ
hãi, chạy qua nhà ông Ba Trí… lánh nạn. Ba Trí an ủi, dỗ dành:
“Tâm à, tao nghe những lời ba mày nói lúc say mà thiệt là tỉnh đó con.
Tao thấy có cái gì thảm sầu, u uất…”.
Rồi đưa một lời khuyên, đúng hơn, một định hướng
sống cho cô gái đáng thương này:
“Đời người phải có lòng tin. Có lòng tin để cho người khác có cơ hội” (tập 8)
Một lời khuyên thật thấm thía.
Lòng tin, theo Ba Trí, không chỉ là thái độ sống
của một người, mà đáng nói hơn, chính là cơ
hội giúp người được tin lấy lại lòng tin đã mất, dựng lại những gì đã đổ vỡ,
hàn gắn những gì đã tan nát…Lòng tin của người này sẽ trở thành điểm tựa cho
người kia vịn vào mà đứng dậy.
Quả vậy, khủng hoảng niềm tin là đầu mối mọi khủng
hoảng xã hội, gia đình và mọi định chế trong cuộc sống.
Thử thách của số phận mỗi ngày một thêm lên, đè
trĩu đôi vai Ba Trí khiến ông đổ quỵ. Ông lâm bệnh, được đưa đi cấp cứu. Những
ngày đau ốm, được bà Nguyệt tận tình chăm sóc, ông thấm thía nhiều lẽ đời. Một
hôm, ông nói với bà Nguyệt, có lẽ từ những suy ngẫm rất lung về thế hệ trẻ ngày
nay: “Bọn trẻ bây giờ hở chút là đánh nhau, đâm chém”. Rồi thở dài:
“Thời nay người ta quên dạy con nít hai chữ tha thứ. Chuyện gì cũng vậy,
đâu cũng còn có đó, thủng thẳng rồi giải quyết, việc gì phải đâm chém, trả thù” (tập 34).
Lời buồn bã “Thời
nay người ta quên dạy con nít hai chữ tha thứ” của Ba Trí trở thành điểm nhấn
của bộ phim, mang nỗi khắc khoải dự báo về sự mất mát, tan biến của một giá trị
nền tảng.
Xây dựng nhân vật Ba Trí, các tác giả bộ phim đã
tô đậm sự tha thứ đã trở thành phương châm sống của nhân vật này. Ông tin tha
thứ chính là phương cách giải quyết mọi tranh chấp, xung đột, mâu thuẫn. Và
chính ông đã thực hiện điều mình xác tín khi bao dung và kiên nhẫn với hai đứa
con “phá gia chi tử” của mình. Kết quả, hai đứa con của ông lần lượt nhận ra lầm
lỗi và quay về. Chúng đón nhận ông. Chúng đón nhận cả bà Nguyệt từng bị chúng
coi là kẻ mưu đồ chiếm đoạt tài sản của ông Ba Trí. Sức mạnh của tha thứ và
khoan dung là vậy đó. Chúng quật ngã thù hận. Chúng thổi bay thói ích kỷ ra khỏi
lòng người.
Hình tượng nhân vật Ba Trí tạo nên sức lôi cuốn
cho bộ phim dài 37 tập này. Mỗi khi xuất hiện, nhân vật Ba Trí đem lại bầu khí
trầm tư cho diễn tiến câu chuyện. Sự trầm tư không cao đạo mà giản dị. Không ồn
ào khẩu hiệu mà lắng đọng, tự nhiên. Một hình tượng nhân vật thành công của đạo
diễn Nguyễn Phương Điền. Sự thành công của bộ phim Cha rơi cũng một phần nhờ sự xuất hiện của người cha bị bỏ rơi ấy.
HIỆN THỰC VÀ LÃNG MẠN
Viết kịch bản Cha rơi, biên kịch Nguyễn Quý Dũng cho biết ông muốn ghi lại những
điều khiến ông rung động, thấm thía từ hiện thực cuộc sống:
“Phía trước nhà tôi ở có dãy nhà trọ gồm 18
phòng. Trong cuộc sống hằng ngày tại đó nảy sinh rất nhiều vấn đề. Từ chuyện mắt
thấy tai nghe đó, tôi quyết định viết kịch bản Cha rơi. Trong bốn nhân vật chính của phim thì ba nhân vật người
cha đều lấy từ hình ảnh có thật.
Nhân vật Ba Trí là hình ảnh bác vợ tôi. Người 84
tuổi vẫn quyết định lấy vợ và cuộc sống của họ khá thú vị. Nhân vật Toàn từ
nguyên mẫu một người đang hành nghề đưa đò ở Cần Thơ...
Trong cuộc sống, người ta thường chỉ đề cập đến
người phụ nữ với những trăn trở đau buồn... Nhưng đàn ông chúng tôi cũng có nhiều
tâm sự lắm. Mặt khác phụ nữ thường dễ khắc phục hậu quả, còn chúng tôi nỗi đau
cứ âm ỉ, dai dẳng và kéo dài...
Các nhân vật trong phim cũng vậy. Họ sống trong
cùng xóm trọ, cuộc sống gặp những trúc trắc, va chạm nhau gây hiểu lầm... Và đến
khi hiểu nhau, mến nhau thì đã quá muộn. Vậy tại sao mọi người không bỏ qua những
lỗi lầm mà yêu thương nhau nhiều hơn...” (Trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ,
28-12-2014).
Những hình ảnh về cuộc sống và con người trong
phim Cha rơi đưa khán giả đến với những
xóm lao động nghèo ở những thành phố lớn. Những dãy nhà lụp xụp. Cảnh hàng quán
bình dân. Những tiếng rao đêm. Những tiếng cãi cọ. Những cảnh xô xát. Kể cả những
hiện thực đau lòng: nạn buôn bán người qua biên giới, nạn cá độ, cờ bạc, cho
vay nặng lãi, ức hiếp người làm công…
Nhưng sức hấp dẫn của bộ phim vẫn ở về phía tiếng
nói lãng mạn, như “thanh âm trong trẻo
vang lên giữa một bản đàn mà nhạc luật xô bồ hỗn độn” (Nguyễn Tuân). Ấn tượng
sâu đậm nhiều trường đoạn phim để lại là nhờ những “thanh âm trong trẻo” đó.
Sự trong trẻo của tình hàng xóm láng giềng khi bốn
người đàn ông cùng “kết nghĩa vườn Đào”, sáng kiến của Triệu đưa ra trong giây
phút cao hứng trước bầu khí ấm cúng của cuộc tụ họp bất ngờ bên bàn rượu đơn sơ
của Toàn, và hứng khởi vì… tạm thời thoát khỏi sự kềm kẹp của bà vợ lắm điều
(!). Triệu nhận mình là Triệu Tử Long, ông Ba Trí là Lưu Bị, Định (do Thành Lộc
thủ vai) là Quan Công, còn Toàn “cha rơi” là Trương Phi, vì nóng nảy, cọc cằn.
Bốn người đàn ông, bốn hoàn cảnh gia đình, tạm gác những lo toan thường nhật và
những nỗi niềm riêng để tận hưởng tình hàng xóm đùm bọc, thương yêu, hết lòng cảm
thông nhau (tập 24).
Sự trong trẻo và thanh thoát từ những cuộc ăn
năn, hoán cải của Trực và Phong, hai gã lừa đảo và bạc tình, của Oanh và Tiệp kịp
nhận ra lỗi lầm của mình đã bất hiếu với cha và tàn nhẫn với bà Nguyệt.
Sự trong trẻo bình dị và phúc hậu của bà Nguyệt
bán tàu hủ hiền lành, tốt bụng và rất trải đời.
Kể cả sự trong trẻo của tâm hồn hai đại gia -vợ
chồng ông Hai Bảnh- suốt đời đi tìm ân nhân Toàn để trả ơn cứu mạng. Một câu
nói của Hai Bảnh đã bất ngờ làm lắng lại diễn tiến câu chuyện đi tìm con của Cô
Út, người mẹ năm xưa đã đặt con (Tâm) vào chiếc thau rồi trả trôi sông, nay đã
biết ai là ân nhân cứu mạng và nuôi dưỡng con mình:
“Sự gì cũng có trình tự của nó. Phải có lòng trong sạch mới nhìn thấu được
mọi chuyện” (tập 34).
Hai Bảnh đề nghị mọi người hãy thong thả, đừng
nôn nóng, bởi mọi việc đều có trình tự biến chuyển của nó. Một người mẹ từng bỏ
con làm sao có thể dễ dàng được con đón nhận! Một người cha, dù là cha rơi, làm
sao nhanh chóng để con rời khỏi vòng tay mình để đến với một người khác, dù là
mẹ, nhưng còn quá xa cách, sự xa cách kéo dài đến gần 20 năm!
Vậy hãy chậm rãi nhìn vào lòng mình, tự hỏi đã sẵn
sàng đón nhận tình thế và vai trò mới hay chưa
Những câu chuyện nghĩa tình của những con người ở
dưới đáy xã hội đã làm nên sắc thái lãng mạn của bộ phim. Chính sắc thái này đã
khiến người xem không ít lần phải dừng lại suy ngẫm. Suy chuyện đời. Ngẫm việc
mình.
Cảnh kết thúc bộ phim là một trong nhiều phút
giây như thế. Toàn nói với Lâm, người yêu của Tâm, trước khi Lâm đưa Tâm về quê
gặp người mẹ ruột:
“Cái quý giá nhất tao đã cho mày rồi. Mày mà làm gì nó là tao vặn cổ.
Thôi, nói vậy chứ, hãy nhường nhịn nhau mà sống” (tập 37).
Đó là lời cuối cùng của Toàn. Chan chứa yêu
thương và trĩu nặng mong mỏi. Mong cho đôi trẻ được hạnh phúc
“Hãy nhường nhịn nhau mà sống”. Lời khuyên của một người đàn ông suốt đời ấp ủ
mơ ước có được một mái ấm gia đình trọn vẹn, nhưng ước mơ bình thường đó chưa từng,
và cũng sẽ chẳng bao giờ, trở thành hiện thực. Nhường nhịn, đó là phương châm
giữ cho gia đình hạnh phúc. Toàn trải nghiệm phương châm này từ nỗi nhọc nhằn
và cay đắng khi suốt đời cắm mặt nhặt ve chai và hứng chịu sự khinh miệt của thế
gian.
Nhường nhịn, không chỉ nhằm “dĩ hòa vi quý”, mà
chính vì muốn kiên nhẫn đợi chờ giây phút sự thật lên tiếng nói. Sự thật của lẽ
phải. Sự thật của nhân cách. Biết bền bỉ và nhún mình đợi chờ, không gì đe dọa
được hạnh phúc. Như vậy, nhường nhịn chính là tia hồi quang phản chiếu niềm tin
và tình yêu. Có tin tưởng và thực sự yêu thương, sẽ chọn con đường nhường nhịn.
Vậy là
Toàn đã bước ra khỏi cuộc đời cô con gái nuôi của mình. Cái bóng người lầm lũi ấy
mất hút, không còn ai gặp lại trên những con đường thành phố. Mất hút như dòng
nước sông Phụng Hiệp tan vào biển cả. Mất hút như giọt lệ khóc thầm trong đêm.
Và như câu vọng cổ đã lịm tắt trong cái xóm nghèo Toàn từng ở và từng hát lên mỗi
khi chuếnh choáng rượu:
* * *
Để kết luận, xin trích bài phỏng vấn đạo diễn
Nguyễn Phương Điền của báo Đại Đoàn Kết ngày 22-3-2015, để thấy qua bộ phim Cha rơi, là những tâm huyết và tâm sự của
một đạo diễn về nền nghệ thuật điện ảnh đương đại của chúng ta:
PV: Thưa đạo diễn, khán giả thường bắt gặp những con người có thân phận hơi
bi kịch, đời sống tình cảm phức tạp…trong phim của anh. Đó có phải là cái “gu”,
sở thích của anh?
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền: Tôi đã đi nhiều nơi và thấy rằng không ai sống
tình nghĩa như người Việt mình. Cả nền văn hóa, phong tục của mình đều giáo dục,
hướng con người đến lối sống tình nghĩa nhân ái, không quên ơn nghĩa cội nguồn
và gia đình. Tôi là người yêu văn hóa Việt Nam, yêu thiên nhiên tươi đẹp, nhất
là sông nước miền Tây, dù tôi là người Sài Gòn. Sống tình cảm nên tôi thích làm
thể loại phim tâm lý xã hội, không thích dạng phim giả tưởng, hình sự, vì mình
có làm cũng không bằng người ta, không hay bằng nước ngoài làm. Phim là người,
xem phim của tôi là họ nhận ra con người của tôi cũng dạt dào tình cảm, chân
thành, không màu mè. Với tôi, làm phim là phải để cho người xem nhớ đến bộ phim
đó, tìm ra trong phim những bài học gì đó.
-Theo anh, điện ảnh và truyền hình của chúng ta
giờ ra sao?
- Phim truyền hình cần quản lý lại chặt hơn nữa.
Giờ nhà nhà làm phim, người người làm phim khiến chất lượng của phim bị thả nổi.
Chúng ta cần định hướng lại cho phim truyền hình và điện ảnh. Hàn Quốc họ thành
công vì họ có định hướng. Xem phim truyền hình của họ, nếu để ý sẽ thấy họ có sự
định hướng khi đưa bản sắc văn hóa của họ lên phim. Mình nên học theo họ. Một số
đài truyền hình ở ta mải mê chiếu những bộ phim bạo lực, xã hội đen của nước
ngoài là không nên, có nhiều nguy cơ. Mình phải làm và chiếu những bộ phim mà
xem nó người xem phải lay động, nhớ mãi. Muốn thế, đội ngũ làm phim phải chỉn
chu hơn nữa, phải nâng tay nghề và có trách nhiệm với xã hội hơn nữa.
- Anh có thể nói cụ thể hơn?
- Chúng ta có nhiều hội thảo bàn việc nâng tầm
điện ảnh Việt Nam ngang tầm khu vực, nhưng rồi vẫn còn loay hoay chưa thấy lối
ra. Điện ảnh giờ có nhiều phim nhưng những tác phẩm đó không đại diện cho nền
điện ảnh Việt Nam, không thấy hình ảnh cuộc sống Việt Nam trong đó là mấy.
Chúng ta cần chuyển đổi cách nhìn cho điện ảnh Việt Nam. Những người làm điện ảnh,
phim truyền hình ở ta hiện nay chủ yếu là học trò của những thầy từng học ở
Liên Xô cũ, ở Đức về nên họ làm phim theo lối cũ, không đón nhận trào lưu mới.
Cần đón nhận trào lưu mới, như các nhà làm phim Việt kiều… để có sự cạnh tranh
tiến tới dung hòa và thay đổi diện mạo cho điện ảnh. Tôi từng qua Hàn Quốc học
về truyền hình. Những giáo viên và đồng nghiệp Hàn Quốc nói với tôi là người Việt
Nam rất thông minh, sáng tạo. Và họ nói với tôi là điện ảnh của các bạn giống
như chúng tôi 50 năm trước. Lúc đó họ cũng loay hoay như ta hiện nay, nhưng rồi
họ quyết tâm thay đổi.
- Anh nhấn mạnh người Việt Nam sống tình nghĩa,
gia đình Việt Nam có những nét đẹp và bản sắc riêng, thiên nhiên Việt Nam cũng
đẹp… Vậy có nên khai thác thế mạnh đó để làm phim, như một đối trọng với phim
Hàn Quốc hiện nay?
- Theo tôi là rất nên, chúng ta phải làm những
phim để quy về với cội nguồn văn hóa của mình. Văn hóa vùng miền, thổ nhưỡng
vùng miền của ta mỗi nơi một khác, mỗi nơi có nét đặc trưng và bản sắc riêng.
Gia đình chúng ta cũng có bản sắc riêng, từ đạo lý đến sinh hoạt, ngay cả trong
mâm cơm cũng thể hiện nét văn hóa và bản sắc của Việt Nam. Cần khai thác cái đó
để đưa vào phim (…)
Những lời bộc bạch tâm huyết thật đáng quý của một
người nghệ sĩ. Và, mãi mãi đáng quý là những sáng tạo nghệ thuật khởi đi từ những
rung động trước con người và đạo lý làm người. Một nền đạo lý giúp con người vững
vàng trong mọi tình cảnh bi đát nhất.
Đó là những lúc “lệ của tôi cũng lã chã đôi dòng”, như “con sông Phụng Hiệp chảy ra bãi…”, trong câu ca vọng cổ Toàn vẫn
thường hát. Như một lời than thân.
Không, như một sự ký thác của người “cha rơi”
mong cho mọi nỗi niềm của mình “rơi” xuống dòng sông, rồi chảy ra biển cả. Nơi ấy,
mở ra cuộc đời thênh thang cho đứa “con rơi” mình từng ấp ủ và dạy dỗ bằng tình
yêu và niềm tin.
Tin vào nhân cách của mình. Tin vào vẻ đáng yêu
đang còn ẩn giấu của người.
Câu vọng cổ buồn mênh mang kia hằng ẩn chứa một
lòng tin và đang giấu dòng nước mắt của một người đàn ông nghèo khổ mà giàu
nhân cách và nghĩa hiệp.
Trích Bản
tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 88 (Tháng 5 & 6 năm 2015)