Cha Alexandre de Rhodes: Một gương mặt truyền giáo

Khổng Thành Ngọc

WHĐ (20-06-2020) – Với tinh thần “Ôn cố tri tân - Ôn lại chuyện cũ người xưa để suy xét việc nay đời nay”, bài viết này như một ghi chép những suy ngẫm tản mạn, từ một số bút tích xa xưa của tiền nhân, để: “tích cực góp phần vào việc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng ta”.[1] Trong bài, xin đọc lại một số ghi chép của Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) trong Hành trình và Truyền giáo.[2]Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài.[3]

1. Alexandre de Rhodes, một bầu nhiệt huyết truyền giáo

Dịch giả Hồng Nhuệ giới thiệu sơ lược tiểu sử của Cha Alexandre de Rhodes (1593-1660):

“Alexandre de Rhodes sinh ngày 15/3/1593 tại Avignon, miền Nam nước Pháp.

Năm 1612 vào Tập viện Dòng Tên ở Rôma.

Năm 1618 thụ phong linh mục. Truyền giáo ở Đàng Trong[4] từ cuối tháng 12/1624 đến tháng 7/1626.

Truyền giáo ở Đàng Ngoài từ 19/3/1627 cho tới tháng 5/1630.

Truyền giáo ở Macao từ tháng 5/1630 cho tới đầu năm 1640.

Trở lại truyền giáo ở Đàng Trong:

      từ tháng 12/1640 đến tháng 7/1641

      từ tháng 1/1642 đến tháng 7/1643

      từ tháng 3/1644 đến tháng 7/1645.

Tháng 12/1645, Alexandre de Rhodes trở về châu Âu rồi đi truyền giáo ở Iran và mất tại Ispahan ngày 5/11/1660.

Alexandre de Rhodes đã viết và xuất bản một số sách kể lại các hành trình, các hoạt động truyền giáo của mình. Đặc biệt, ông đã soạn thảo và xuất bản những cuốn sách đầu tiên bằng Việt ngữ (Tự điển Việt-Bồ-La; Ngữ pháp tiếng Việt; Phép giảng tám ngày) đặt nền tảng cho việc định hình và phát triển chữ quốc ngữ của chúng ta ngày nay”.[5]

Viết Hành trình và Truyền giáo, Alexandre de Rhodes chia quyển sách của mình thành ba phần: (1) Hành trình từ Rôma tới Trung Quốc; (2) Truyền giáo tại Đàng Ngoài và Đàng Trong; (3) Từ Trung Quốc trở về Rôma.

Ba phần của Hành trình và Truyền giáo tái hiện cuộc hành trình và truyền giáo của tác giả kéo dài đúng 30 năm, từ ngày 4/4/1619 đến 27/6/1649. Từ châu Âu qua châu Á. Không phải một chuyến du lịch, viễn du, hoặc một chuyến đi nhằm tìm tòi, nghiên cứu, hoặc (như có người đến nay vẫn cố quả quyết!) thực hiện sứ mạng được thực dân sai phái (!).Alexandre de Rhodes nói rõ mục đích của mình nơi nhan đề tác phẩm: Hành trình và Truyền giáo.

Truyền giáo là mục đích tối hậu và động cơ duy nhất. Với Alexandre de Rhodes, Hành trình là để Truyền Giáo. Vì Truyền giáo mà Hành trình.

Ngài viết trong Lời đầu sách:

“Từ ngày tôi biên soạn cuốn HÀNH TRÌNH GIẢN YẾU[6], có nhiều bậc vị vọng đã mất công nhàn lãm và khuyến khích tôi đem ấn hành cho quảng đại quần chúng được biết. Việc này tôi đã nhất quyết khởi sự. Nhưng thú thật rằng tôi chưa làm được, vì tôi thấy trong đường tôi đi đã có nhiều sai lầm, và lúc này tâm trí tôi chỉ tìm cách rời khỏi châu Âu để đi truyền giáo, thế nên tôi không còn trí óc để nhớ lại những việc đã qua.

Hơn nữa, mục đích Hành Trình không phải là để tham quan, mà làm những việc hay việc tốt, cho nên tôi không để ý quan sát và thường cũng không nghiên cứu những kỳ quan trong các nơi trên thế giới tôi đã qua hay đã ở. Tôi ôm ấp những tham vọng trọng đại hơn, cao cả hơn những tham vọng trần tục. Thật vậy, sau khi đã thấy phần tốt nhất và lớn nhất, thì tất cả chỉ là nhỏ và hèn, trừ biết bao linh hồn Chúa Kitô quý trọng hơn bảo huyết đã đổ ra đến giọt cuối cùng để ngăn cản không cho hư mất”.

Những dòng trên đây cho thấy, với Alexandre de Rhodes, truyền giáo là “phần tốt nhất và lớn nhất” mà ngài đã chọn, và hết lòng hết sức thực hiện phần đã chọn ấy.

Sở dĩ chọn truyền giáo, phần tốt nhất và lớn nhất, làm hoạt động cho cả đời mình, vì Alexandre de Rhodes nhận thấy mình không thể không chọn lựa như thế để đến với các linh hồn. Truyền giáo là đến với những con người của mọi dân mọi nước, mà linh hồn họ được “Chúa Kitô quý trọng hơn bảo huyết đã đổ ra đến giọt cuối cùng để ngăn cản không cho hư mất”.

2. Alexandre de Rhodes, một phương pháp truyền giáo không hề cũ

Được bề trên cử sang Việt Nam truyền giáo, trước hết Alexandre de Rhodes được phái đến Đàng Trong.

Việc đầu tiên, ngài học tiếng.

Học tiếng không chỉ để giao tiếp và truyền đạt chân lý đức tin, mà quan trọng hơn, truyền niềm xác tín qua lời nói chứa đựng cảm xúc và niềm khao khát của người truyền giáo đến với người nghe. Người nghe tiếp nhận lời, không chỉ lĩnh hội những ý tưởng mà còn được thông truyền cảm xúc đối với chân lý. Cảm xúc sẽ thổi hồn cho ý tưởng. Ý tưởng có cảm xúc đi kèm, sẽ như một sinh thể sống động, khiến người nói trở thành một chứng từ bằng xương bằng thịt đối với người nghe.

Vì thế Alexandre de Rhodes dốc sức học sử dụng tiếng nói của người Việt, thứ ngôn ngữ khi nghe tưởng như “chim hót”, “như ca như hát” và cảm thấy khó “có thể học được” (tr. 55). Mặc dù vậy, cha vẫn ra sức học tiếng Việt, vì ngài thấu hiểu công dụng của việc thạo tiếng bản địa trong việc rao giảng Tin Mừng.

Ngài viết:

“Tôi thấy cha Fernandez và cha Buzomi phải dùng thông ngôn để giảng, chỉ có cha Francois de Pina không cần thông ngôn vì nói rất thạo. Tôi nhận thấy bài ngài giảng có ích hơn nhiều bài các vị khác. Điều này khiến tôi tận tụy học hỏi, tuy vất vả, thế nhưng khó ít mà lợi nhiều. Tôi liền chuyên chú vào việc. Mỗi ngày tôi học một bài và siêng năng như khi xưa vùi đầu vào khoa thần học ở Rôma. Chúa đã cho tôi trong bốn tháng tôi đủ khả năng để ngồi tòa giải tội và trong sáu tháng tôi đã giảng được bằng ngôn ngữ Đàng Trong và cứ thế tôi tiếp tục trong nhiều năm. Tôi khuyên tất cả các vị nhiệt tâm muốn tới những tỉnh dòng chúng tôi để chinh phục các linh hồn, thì nên chuyên cần ngay từ buổi đầu. Tôi quả quyết rằng hiệu quả của việc trình bày các mầu nhiệm bằng ngôn ngữ của họ thì vô cùng lớn lao hơn khi giảng bằng thông ngôn: thông ngôn chỉ nói điều mình dịch, chứ không sao nói với hiệu lực của lời từ miệng nhà truyền đạo có Thánh Thần ban sinh khí.”[7]

Quả thật, nhấn mạnh đặc điểm “hiệu lực của lời” khi sử dụng ngôn ngữ bản địa, cha Alexandre de Rhodes đã để lại một kinh nghiệm không bao giờ cũ: rao giảng, trước hết là hành động giao tiếp bằng ngôn từ. Ngôn từ là cầu nối giữa người rao giảng và người nghe rao giảng. Chiếc cầu này nếu thông suốt sẽ giúp hai bên qua lại dễ dàng. Người rao giảng truyền điều mình muốn nói, hơn nữa, truyền được cả cảm xúc và niềm xác tín đối với ý tưởng của mình, mà còn biểu đạt tình cảm và thái độ trân trọng, lắng nghe đối với người được rao giảng. Cha Alexandre de Rhodes quả quyết: “hiệu quả của việc trình bày các mầu nhiệm bằng ngôn ngữ của họ thì vô cùng lớn lao”.

Không chỉ học tiếng để giao tiếp truyền giáo, cha Alexandre de Rhodes còn nghĩ cách ghi lại tiếng nói của người Việt, trở thành người lập ra chữ quốc ngữ.

Cùng với việc ra sức học hỏi lời ăn tiếng nói của người bản địa, cha Alexandre de Rhodes đã chú tâm quan sát, ghi chép, hệ thống hóa các thực tại đời sống xã hội, nhất là Đàng Ngoài.

Trong quyển Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, cha Alexandre de Rhodes dành nửa phần đầu để ghi lại một cách hệ thống về “Tình hình thế tục xứ Đàng Ngoài”.

Ngài muốn mình phải am hiểu các khía cạnh đời sống của những người sắp nghe loan báo Tin Mừng.

Những khía cạnh đời sống gồm: lịch sử, địa dư, chính trị, kinh tế, tôn giáo, phong tục, tập quán... Nhận biết những khía cạnh này, nhà truyền giáo mới hiểu được đối tượng của mình là ai, đặc điểm nhận thức, nếp sống và những nhu cầu trong đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh của họ.

Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài ghi lại những nhận xét về tam giáo (Nho, Phật, Lão), ba tôn giáo ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người Việt. Từ đó, cha Alexandre de Rhodes nêu lên phương pháp dạy giáo lý của ngài cho người tân tòng.

Phương pháp này có đặc điểm nổi bật là “không chống đối sai lầm các giáo phái” (tức tam giáo). Với tinh thần này, ngài đưa dự tòng hướng vào ánh sáng của đạo thật, từ đó, tin rằng: tự khắc ánh sáng phân rẽ khỏi bóng tối. Đó là phương pháp dựa trên niềm tin vào chân lý. Bản thân sự thật, lẽ thật, đạo thật có sức mạnh nội tại, sẽ chinh phục tâm hồn muốn đón nhận.

Trình bày phương pháp của mình, trước tiên, cha Alexandre de Rhodes phê phán lối dạy giáo lý chọn việc “hủy diệt sai lầm tà giáo” làm điểm phát xuất:

“Mặc dầu có nhiều người rao giảng giáo lý Phúc âm cho những nước lương dân chủ trương trước hết phải hủy diệt sai lầm tà giáo và làm cho tâm trí từ bỏ những quan niệm mơ hồ, trước khi xây dựng và giảng dạy những điểm và nguyên lý của Kitô giáo, theo lệnh Chúa truyền cho một tiên tri rằng: ta đặt ngươi để diệt và nhổ, để dựng và trồng, còn về mầu nhiệm cao cả về Thiên Chúa Ba Ngôi thì chỉ trình bày cho người tân tòng vào lúc họ đã sẵn sàng chịu phép rửa tội, trước là để không làm rối trí họ vì những hoài nghi có thể nảy sinh về mầu nhiệm cực kỳ cao cả và khôn lường đó”[8].

Sự phê phán này cho thấy thái độ tôn trọng người nghe rao giảng của cha Alexandre de Rhodes.

Ngài hiểu họ có cả một quá khứ xác tín vào di sản tôn giáo của tiền nhân. Quá khứ ấy phải được tôn trọng, mặc dù điểm đến sẽ là tiếp nhận niềm tin và lối sống mới, nhưng phải nhẫn nại và chờ đợi sự thuyết phục của chân lý.

Ngài trình bày phương pháp của mình. Đầu tiên, cùng người học đạo quan sát thế giới tự nhiên, từ đó đặt vấn đề nhận biết Đấng “dựng nên và an bài” mọi sự:

“Tôi chọn một phương pháp giáo huấn cho dân nước này. Nghĩa là không chống đối sai lầm của giáo phái Đàng Ngoài trước khi đặt một số các nguyên lý mà chỉ ánh sáng tự nhiên cũng hiểu biết được, như về việc sáng tạo vũ trụ, về cứu cánh và nguyên lý tuyệt đối của vạn vật đã được dựng nên và về an bài những loài có lý trí và nhiệm vụ phải nhận biết Người và phụng thờ Người”.[9]

Tác giả giải thích sự chọn lựa bước đi đầu tiên ấy của tiến trình dạy giáo lý:

“Như vậy để đặt vào tâm trí họ một nền tảng chắc chắn, trên đó đều dựa vào mọi niềm tin khác, để không làm cho họ chán nản khi nghe người ta đả phá và khinh dể những thờ tự của mình, mặc dầu là giả dối và những tập tục mê tín, đó là sự thường xảy ra. Tôi đã thành công hơn, theo như tôi nhận xét, nếu tôi đem cho họ một ít tâm tình hiếu thảo và mộ mến tự nhiên đối với Đấng Hóa Công và Nguyên lý đệ nhất bản thể họ. Rồi khi đề cập tới truyện đại hồng thủy và lộn lạo các ngôn ngữ[10] thì cho họ biết sợ Thiên Chúa họ phải tôn kính và thờ phượng, từ đó mới đả phá tà đạo mà ma quỷ cũng chỉ đưa vào thế gian sau đại hồng thủy”.[11]

Cha Alexandre de Rhodes áp dụng kiểu giáo học pháp tiệm tiến: từ xa tới gần, từ quen thuộc đến mới lạ, từ thấp lên cao...

Tuy nhiên, ngài không áp dụng phương pháp sư phạm này một cách cứng nhắc. Đôi khi cũng uyển chuyển, tạo đột phá:

“Thế nhưng tôi thiết nghĩ không nên chờ tới lúc gần chịu phép rửa tội mới giảng cho kẻ tân tòng về niềm tin Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng nên bắt đầu trình bày mầu nhiệm này đã, rồi mới dễ dàng xuống tới sự nhập thể Con Thiên Chúa là Ngôi thứ hai, sau đó nói về việc Người chịu thống khổ để cứu chuộc trần gian bị sa đọa vì tội lỗi, về phục sinh và những mầu nhiệm khác trong đạo. Đó là thứ tự và phương pháp các tông đồ đã giữ trong kinh tin kính và truyền lại cho chúng ta.”[12]

Ngày nay, đọc Lịch sử Vương quốc Đàng NgoàiHành trình và Truyền giáo, độc giả có thể phần nào hình dung những khó khăn của các thừa sai khi dạy đạo cho lương dân, đặc biệt những người đã từng có niềm tin sâu đậm vào thế giới quan và nhân sinh quan do tam giáo mang lại.

Vì thế người đọc hẳn sẽ thấy rất bất ngờ khi được tác giả chia sẻ kết quả, có khi ngoài dự đoán, gặt hái được từ những buổi dạy đạo đầy nhẫn nại, kiên trì. Gặt hái bằng những bài giáo lý, tưởng chừng đơn giản và khô khan, giảng cho những người vốn am hiểu và xác tín những lý thuyết của tam giáo:

“Họ rất hài lòng khi tôi trình bày đạo ta hợp với lẽ phải và nhất là họ phục Mười điều răn của Chúa, cho rằng không có gì hợp lý hơn và đáng được công bố bởi Đấng Thượng Đế muôn dân muôn nước”[13]

Thật bất ngờ, bài Mười điều răn chỉ gồm những mệnh lệnh, không có chuyện kể, không có nhân vật, vậy mà lôi cuốn và thuyết phục. Lôi cuốn bởi những chân lý đức tin và sự thật luân lý đơn giản, dễ hiểu. Thuyết phục bởi đó là những hướng dẫn cụ thể cho những con người đang khao khát một kim chỉ nam đích thực cho đời mình.

Bài giảng lôi cuốn và thuyết phục vì nội dung chân thật, đồng thời được củng cố, thấm sâu nhờ sự chân thật của người giảng.

Trong Hành trình và Truyền giáo, cha Alexandre de Rhodes kể câu chuyện về một bài dạy đạo diễn ra ngoài dự liệu, và được giảng không có ngôn từ, lời nói, cũng chẳng do ngài đích thân giảng giải:

“Ngay trước khi chúa[14] cho tôi một nhà thờ đầu tiên, thì có một bà còn trẻ trong họ hàng nhà chúa, chồng mới mất. Vì rất yêu chồng, nên khi nghe nói tôi cầu nguyện cho các vong linh thì bà mời tôi và xin tôi cho bà biết có liều thuốc nào hiệu nghiệm để chữa chồng bà mới qua đời được mấy tháng nay. Bà sẽ không tiếc gì, tôi muốn đòi hỏi gì thì bà bằng lòng dâng công.

Tôi cho bà biết là vì đạo tôi giảng, tôi buộc mình không được nói dối trong bất cứ trường hợp nào. Và điều bà xin, tôi không thể nói sự thật chẳng đẹp lòng bà. Tôi đến đất nước này để đem liều thuốc có bảo đảm cho người còn sống, miễn là họ muốn dùng, còn về các vong linh người đã chết trong sai lầm, thì tôi chẳng chữa chạy được gì, mà chỉ còn khóc lóc thương người xấu số.

Bà này chỉ đáp lại tôi bằng đôi mắt và thở dài, không nghĩ đến việc trở lại, nhưng Chúa đã cho một bà sang trọng khác dự vào câu chuyện, bà này lý luận, nếu ông này muốn đưa lời dối trá trong lời giảng thì ông chỉ cần bảo bà kia rằng ông có thể chữa chạy cho chồng bà kia được, và bà kia sẽ dâng ông một phần gia tài, và chẳng ai có thể vạch ra sự gian dối đó được. Nhưng vì trong cơ hội tốt để làm giàu, ông đã kiên trì nói sự thật, thì phải tin rằng ông không lừa gạt trong đạo ông giảng và lời ông nói là sự thật, vì thế tôi xin theo và xin vào con đường cứu rỗi ông giảng dạy. Sau đó ít lâu, bà này tới gặp tôi, kể lại câu chuyện và cho tôi biết ý định của bà. Tôi liền bắt đầu dạy giáo lý cho bà, và sau đó rửa tội cho bà. Và tôi thầm phục thế lực của ơn thánh và tinh thần của dân tộc này”.[15]

Sự chân thật là yêu cầu quan trọng nhất của giảng dạy. Nó là linh hồn của phương pháp. Dối trá sẽ giết chết phương pháp và thủ tiêu chân lý bài dạy.

Người quả phụ trẻ họ hàng nhà chúa Trịnh đã tin vào đạo thật, vì bà đã biết vị giảng đạo kia có lời nói thật, và thẳng thắn chọn sự thật, dù biết vì sự chọn lựa này, có thể không đưa được một người vào đạo. Nhưng không ngờ, một phút nói thật của vị linh mục lại có giá trị bằng nhiều bài giáo lý giảng giải lâu giờ!

Sự chân thật của người giảng đã là một bài giảng.

3. Ngoại đề & kết luận: Dựng bia tri ân Alexandre de Rhodes tại Ispahan, Iran

Ngày 5-11-2018, nhân ngày giỗ thứ 358 của cha Alexandre de Rhodes, nơi phần mộ của ngài tại Ispahan, Iran, đã diễn ra lễ dựng bia tri ân Alexandre de Rhodes, vị linh mục thừa sai, người có công lớn trong việc tạo lập chữ quốc ngữ.


Tham dự sự kiện này, có khoảng 20 người Việt Nam và một số khách người Iran.

Sáng kiến dựng bia tri ân linh mục thừa sai Alexandre de Rhodes là của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Viện Trưởng Viện Vinh Danh Chữ Quốc Ngữ và Bảo Tồn Tiếng Việt (Đại học Duy Tân, Đà Nẵng).

Bia đề:

“Tri ân Cha Alexandre de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác Chữ Quốc Ngữ - chữ Việt viết theo ký tự Latinh”. Phát biểu tại lễ dựng bia, Gs Nguyễn Đăng Hưng nói:

“Chúng tôi kính cẩn đặt bia tri ân, với tư cách là người Việt Nam, nói tiếng Việt và sử dụng mỗi ngày Chữ Quốc Ngữ. Chúng tôi ghi rõ lòng biết ơn sâu xa của chúng tôi lên bia đá: Tri ân Cha Alexandre de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác Chữ Quốc Ngữ - chữ Việt viết theo ký tự Latinh” (We are very grateful to Father Alexandre de Rhodes who contributed greatly to the creation of Chữ Quốc Ngữ, Vietnamese script using the Latin alphabet).


Ngài đã góp phần cho ra đời một sản phẩm văn hóa tuyệt vời giúp cho người Việt có cơ hội nhanh chóng hòa nhập với thế giới văn minh, giúp các trẻ em Việt Nam có thể nhanh chóng biết đọc và biết viết, thoát ra những rối rắm của cách viết tượng hình vay mượn từ Trung Hoa.

Chúng tôi tin tưởng rằng từ nay, tấm bia đá lấy từ Quảng Nam này, nơi ngài lần đầu đặt chân đến học tiếng Việt, sẽ mãi mãi đứng dưới chân ngài, đem đến cho ngài hơi ấm và lòng biết ơn sâu sắc của người Việt chúng tôi!”.

Nhà văn Hoàng Minh Tường nói lên cảm nghĩ về nơi an nghỉ của Cha Alexandre de Rhodes với tấm bia tri ân vừa dựng:

“Hôm nay, tại đây, chúng tôi xin kính cẩn thắp hương tưởng niệm ngài, xin tri ân bạn bè nơi ngài an nghỉ, đã dành cho chúng tôi một chốn hành hương, như về với cội nguồn”.

Bên ngôi mộ của người có công lớn đối với văn hóa Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu phát biểu:

“Chữ quốc ngữ là một thành tựu văn hóa lớn, có ý nghĩa thúc đẩy văn hóa phát triển (văn chương, giáo dục, khoa học kỹ thuật...). Vì vậy, từ buổi lễ trang trọng hôm nay tại đây, chúng ta hy vọng rằng ngoài việc tôn vinh những người có công lao sáng tạo và hoàn thiện chữ quốc ngữ - tiêu biểu là Ngài Alexandre de Rhodes - chúng ta sẽ đánh giá đúng vai trò của những nhà văn hóa Việt Nam, giá trị những địa điểm ghi lại dấu ấn hình thành và phát triển chữ quốc ngữ tại nước ta vì đó là xứng đáng trở thành di tích lịch sử - văn hóa của đất nước”.

Phần ngoại đề trên, xin được coi như một góc nhìn khác về cha Alexandre de Rhodes, người tạo ra chữ quốc ngữ.

Ấn tượng của góc nhìn này là tấm bia được một số nhà hoạt động khoa học và văn hóa có sáng kiến dựng để tri ân một con người.

Bia đá khắc dòng tri ân được viết bằng tiếng Việt chữ quốc ngữ. Như vậy, điều đã được khắc vào lòng người Việt Nam gần 400 năm qua, nay được hiện trên đá.

Ngờ đâu, việc tốt đẹp này trùng với dịp kỷ niệm 30 năm phong thánh các vị tử đạo Việt Nam và 18 năm phong chân phước cho Thầy An-rê Phú Yên, người học trò đã được cha Alexandre de Rhodes dạy đạo và rửa tội năm 1641.

Vị chân phước này đã từng cảm động biết bao trước bầu nhiệt huyết truyền giáo và lĩnh hội thấm thía những bài giảng đạo thấu tình đạt lý, và nhất là ngời lên một tình yêu đối với các linh hồn được “Chúa Kitô quý trọng hơn bảo huyết đã đổ ra đến giọt cuối cùng để ngăn cản không cho hư mất”.

Vâng, các linh hồn sẽ không hư mất khi vẫn còn đó những bầu nhiệt huyết truyền giáo.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 110 (tháng 1 & 2 năm 2019)



[1] Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ biên, NXB Tôn Giáo, 2018, tr. 333

[2] Divers Voyages et Missions, Alexandre de Rhodes, Cramoisy, 1653 / Hành trình và Truyền giáo, Alexandre de Rhodes, Bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ, Tủ sách Đại Kết, 1994

[3] Histoire du Royaume de Tunquin, Henry Alby dịch từ bản La tinh của Alexandre de Rhodes, Jean Baptiste Devenet, 1651 / Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, Alexandre de Rhodes, Bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ, Tủ sách Đại Kết, 1994

[4] Đàng Trong và Đàng Ngoài là tên gọi hai miền của Việt Nam, trong hai thế kỷ 17 và 18, tức giai đoạn Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-1786). Đàng Ngoài (Bắc Việt Nam) thuộc Chúa Trịnh và Đàng Trong (miền Nam Việt Nam) thuộc Chúa Nguyễn. Ranh giới giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong là sông Gianh (tỉnh Quảng Bình).

[5] Hành trình và 'Truyền giáo, bìa 4.

[6] Chú thích của dịch giả Hồng Nhuệ: “Giản yếu một số hành trình và truyền giáo của Cha Alexandre de Rhodes Dòng Tên, ở Trung Quốc và mấy quốc gia khác bên Đông phương, Paris, 1653. Chúng tôi chưa được biết cuốn sách này. Cha Cadière nói: trong tư liệu này giáo sĩ tóm lược những công việc từ năm 1640 tới 1645, Minh Đức, tr. 36, chú 1. - Tiếng Pháp: Sommaire des divers voyages et missions apostoliques du R.P. Alexandre de Rhodes S.J. à la Chine et autres Royaumes de l'Orient” (Hành trình và Truyền giáo, tr. 267)

[7] Hành trình và 'Truyền giáo, tr. 56

[8] Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, tr. 113

[9] Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, tr. 113

[10] Truyện tháp Ba-ben (x. St 11, 1-9)

[11] Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, tr. 113-114

[12] Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, tr. 114

[13] Hành trình và Truyền giáo, tr. 73

[14] Chúa Trịnh Tráng (1657-1682).

[15] Hành trình và Truyền giáo, tr. 67-68.