19 tháng 4
Canh thức Vượt Qua
Không có cử hành phụng vụ nào trong Giáo hội vào Thứ Bảy Tuần thánh. Vào thời Trung Cổ, một cách giải thích sai lầm đã dẫn đến việc cử hành Lễ Vọng Phục sinh, “Mẹ của mọi lễ vọng”, vào sáng sớm Thứ Bảy Tuần thánh. Đức Giáo hoàng Piô XII đã khôi phục trật tự phụng vụ cổ xưa vào các năm 1951 và 1955, và trật tự này sau đó được đưa vào Sách Lễ mới vào năm 1970. Trong đêm cực thánh này, “Giáo hội canh thức, chờ đợi sự phục sinh của Đức Kitô và cử hành các bí tích.”
Phụng vụ Ánh sáng gồm việc làm phép lửa, thắp nến Phục sinh và cuộc rước vào nhà thờ, kết thúc với bài công bố Tin mừng Phục sinh Exultet.
Phụng vụ Lời Chúa gồm việc lắng nghe bảy bài đọc Cựu ước, một bài đọc của Thánh Phaolô và bài Tin mừng Phục sinh. Lịch sử cứu độ được trình bày như là sự trung tín của Thiên Chúa đối với dân Người.
Phụng vụ Rửa tội gồm việc cử hành Bí tích Rửa tội cho người trưởng thành, hoặc làm phép nước, tiếp theo là việc lặp lại lời hứa rửa tội và việc rảy nước thánh trên cộng đoàn.
Phụng vụ Thánh Thể, nhờ cử hành bí tích này, qua đó chúng ta được trở thành những người đương thời với Chúa Giêsu qua lời truyền của Người: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” và lời đáp của chúng ta: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến.”
Chúa nhật Phục sinh đã được cử hành ngay trong đêm. Các Thánh lễ vào ngày Phục sinh là sự tiếp nối niềm vui, sự ngỡ ngàng đầy thán phục, khi ý thức rằng “điều thiết yếu thì vô hình trước mắt người đời.”
----------
Sau ngày sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.” Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay. Bỗng Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,1-10; xem Mc 16,1-7; Lc 24,1-2).
----------
Chúa Giêsu Phục Sinh đã ban cho chúng ta món quà của tình huynh đệ
Người đang sống! Và Người đang đồng hành với chúng ta. Món quà mà Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta qua cái chết trên thập giá và sự phục sinh vào ngày thứ ba, chính là một nhân loại mới được xây dựng trên tình huynh đệ. Đó là một món quà mà chính Chúa Giêsu đã phải khẩn cầu cùng Chúa Cha, bởi vì tình huynh đệ không phải là điều sẵn có, mà phải được xây dựng từng ngày: “Như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21). Tình huynh đệ không thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm, cũng không thể xây dựng chỉ quanh một chiếc bàn hội họp, nhưng chỉ trong Chúa, điều đó mới có thể trở thành hiện thực: “Để họ cũng được nên một trong chúng ta...” Chúa Giêsu không chỉ cầu xin: “Để họ nên một”, mà còn là “trong chúng ta.” Nếu không, tình huynh đệ ấy chỉ còn là một tình bạn đẹp – có thể đi kèm với một tổ chức hay hội thiện nguyện nào đó, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói. Thay vào đó, tình huynh đệ phải tuôn trào từ “sự hiện hữu” trong Thiên Chúa là Tình Yêu, Đấng duy nhất dạy chúng ta biết yêu thương nhau “cho đến khi nhận được món quà sự sống tuyệt vời nhất.”
Fratelli tutti
Món quà Phục sinh, của Chúa Giêsu Phục Sinh, giúp chúng ta trở nên fratelli tutti – tất cả chúng ta là anh em – đến mức chúng ta ước mong được cùng nhau lớn lên trong sự hiệp nhất, để những ai nhìn vào chúng ta có thể thốt lên: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau!” (Tv 133,1). Làm sao chúng ta có thể không nhận ra rằng thất bại trong tình huynh đệ chính là rào cản lớn nhất khiến nhiều người không thể đến gần với Giáo hội, một Giáo hội mang nhiều yếu đuối, đặc biệt là ngày nay càng rõ nét hơn.
Một món quà, một dấn thân
Khởi đi từ Chúa Kitô Giêsu, Đấng đã chết và sống lại, chúng ta học cách bước đi và lớn lên trong Tình yêu của Người, để làm chứng cho Người bằng một dấn thân phản chiếu chính Người, giữa một thời đại mà chúng ta thường bị cuốn theo những khẩu hiệu hời hợt và cảm xúc nhất thời. Làm chứng cho Người có nghĩa là dùng lời nói của mình, biết cách nói tốt những gì cần nói, mà không sa vào chuyện nói hành nói xấu hay hạ thấp người khác. Làm chứng cho Người cũng là bằng hành động, nhận thức rằng chính qua tình yêu được sống đến cùng, noi gương Chúa Giêsu, chúng ta mới thể hiện được sự khác biệt của mình, không phải vì chúng ta được ưu ái hơn người khác hay vì hư danh, nhưng vì chúng ta để cho tình yêu thương xót của Thiên Chúa soi rọi và hướng dẫn mình.
Ước gì niềm vui Chúa Giêsu Phục Sinh trở nên động lực thôi thúc mỗi người học cách yêu thương nhau một cách đúng đắn: trong gia đình, nơi công sở, khi chơi thể thao, lúc giải trí, trong giáo xứ… Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, đã phục sinh. Người đã yêu thương chúng ta trước, khi chúng ta còn là những tội nhân, và Người đã làm cho chúng ta có khả năng yêu thương bằng chính tình yêu của Người. Phần còn lại là ở chúng ta: tin vào điều ấy và sống điều ấy bằng cả cuộc đời mình.
Lời nguyện
Chúa đã sống lại
như lời Người đã hứa, lạy Chúa!
Chúa đang sống và hiện diện giữa chúng con!
Sự sống đã chiến thắng sự chết.
Tình yêu đã chiến thắng tội lỗi.
Đức tin đã chiến thắng hoài nghi.
Hy vọng đã chiến thắng thất vọng.
Tình yêu đã chiến thắng ích kỷ.
Khôn ngoan đã chiến thắng bốc đồng.
Công lý đã chiến thắng bất công.
Tiết độ đã chiến thắng bản năng.
Can đảm đã chiến thắng sợ hãi.
Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,
là Chúa và là Anh của chúng con,
Chúa đã chiến thắng
vì Chúa đã phó thác chính mình nơi Chúa Cha,
vì Chúa đã trao chính mình trong tay Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, người Bạn và người Anh của con,
xin giúp con biết tín thác, biết phó mình
vào tay Chúa Cha và cũng là Cha của chúng con.
Xin giúp con vượt qua, vượt xa,
để đến được nơi Chúa đang hiện diện.
Xin giúp con sống Sự sống Phục sinh của Chúa!
(Linh mục Andrea Vena)
------
Tâm Bùi chuyển ngữ
từ Vatican News