Canh tân đời sống Kitô hữu theo tinh thần Mùa Chay

13/02/2021


CANH TÂN ĐỜI SỐNG KI-TÔ HỮU THEO TINH THẦN MÙA CHAY

Aug. Trần Cao Khải

WHĐ (13.2.2021)Ngày 8-2-2021 vừa qua, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn đã phổ biến Thư mục vụ Tết Tân Sửu và Mùa Chay 2021, trong đó có đoạn viết:

Ngay sau Tết sẽ là thứ Tư Lễ Tro khởi đầu Mùa Chay. Đây là thời gian sám hối và canh tân đời sống Kitô hữu bằng cách gia tăng cầu nguyện, thực hành chay tịnh và bác ái. Trong bối cảnh đại dịch Covid, các việc đạo đức Mùa Chay này lại càng khẩn thiết và mang ý nghĩa sâu xa hơn.

Trong thời Cựu ước cũng như trong lịch sử Hội Thánh, bất cứ lần nào gặp tai ương, đau khổ, dịch bệnh, Dân Chúa luôn được mời gọi gia tăng sám hối, ăn chay và cầu nguyện. Phương thuốc thiêng liêng này lúc nào cũng là tiên quyết và hiệu nghiệm.

Hội Thánh là Dân tư tế, không những cầu nguyện cho mình mà còn có sứ mạng cầu nguyện cho thế giới, chuyển cầu cho nhân loại. Là những người con của Cha trên trời, chúng ta hãy khiêm tốn khẩn khoản cầu xin và tuyệt đối tín thác vào lòng thương xót của Chúa Cha. Ngài muốn chúng ta kiên trì cầu nguyện, để rồi sẽ nhận được bánh chứ không phải đá, nhận được con cá chứ không phải con rắn.

Cầu nguyện không chỉ là khấn xin mà còn là hồi tâm lắng nghe Chúa muốn chúng ta sám hối và thay đổi đời sống thế nào. Lời cầu nguyện chỉ hiệu nghiệm khi quyết tâm hoán cải để sống theo Tin Mừng. Nếu chỉ cầu xin cho nạn dịch mau qua để sau đó trở lại với lối sống ích kỷ, gian tham, hận thù và tội lỗi, liệu Thiên Chúa có nhậm lời cầu xin không? Những cuộc tĩnh tâm Mùa Chay sẽ giúp chúng ta dứt bỏ đời sống cũ để bước theo Chúa trên nẻo đường mới.

Mùa Chay cũng là thời gian thực hành bác ái, mở lòng ra với anh chị em. Trong giai đoạn khó khăn thử thách, hơn lúc nào hết, nhân loại càng cần tình liên đới, cảm thông và chia sẻ. Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu hiến mình cho nhân loại qua cái chết trên Thánh giá, chúng ta đón nhận tình yêu của Chúa để sau đó có thể tuôn trào tình yêu cho anh chị em. Kitô hữu phải là người tiên phong trong sự tha thứ và hòa giải, biết chấp nhận nhau, biết giúp đỡ nhau, biết nhận ra người nghèo khổ là Chúa Giêsu để cho ăn, cho uống, cho mặc. Bác ái phải là dấu hiệu đặc trưng để nhận diện người Kitô hữu.[1]

Như vậy, qua lá Thư Mục vụ này ta thấy rằng, năm nay chúng ta sẽ cử hành Mùa Chay trong lúc mọi người đều ra sức khẩn trương phòng chống đại dịch Covid-19. Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay, mọi người Ki-tô hữu chúng ta được kêu gọi sống tinh thần Mùa Chay cách đặc biệt, đó là hoán cải và canh tân đời sống đức tin và đức ái của mình thông qua việc ăn chay, sám hối, cầu nguyện và làm việc bác ái một cách tích cực, vì đó là một phương thuốc thiêng liêng lúc nào cũng là tiên quyết và hiệu nghiệm.

1.- ĂN CHAY

Trước hết, để việc ăn chay được thực thi một cách nghiêm túc, chúng ta nhắc lại ý nghĩa “Việc chay tịnh”, như sau: [2]

Việc chay tịnh: Chay là kiêng; tịnh là sạch sẽ. Chay tịnh là kiêng khem để giữ mình thanh sạch. Chay tịnh là giữ gìn thân xác và tâm hồn trong sạch bằng cách tuân giữ các giới luật tôn giáo và tiết giảm ăn uống. Chay tịnh là một hình thức sám hối, thực hành việc khổ chế để tưởng nhớ Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su Ki-tô, bằng cách hạn chế việc ăn uống và việc thụ hưởng các nhu cầu khác. Chay tịnh cùng với cầu nguyện và bố thí là ba việc đạo đức được khuyến khích (x. Mt 6, 1-18).

Chay tịnh gồm hai hình thức: Giữ chayKiêng thịt.

- Ngày buộc giữ chay: Thứ Tư Lễ TroThứ Sáu Tuần Thánh (x. GL 1251); Tuổi giữ chay: từ tuổi thành niên đến khi bắt đầu 60; 14 tuổi trọn buộc phải kiêng thịt (x. GL 1252).

- Cách thức: “Luật giữ chay chỉ cho phép ăn một bữa no trong ngày, nhưng cũng không cấm ăn đôi chút vào buổi sáng và buổi tối, tùy theo phong tục địa phương đã được thừa nhận mà ấn định số lượng và loại thức ăn” (x. TH Paenitemini).

ĐTC Phan-xi-cô, trong “Sứ điệp mùa chay 2021” công bố ngày 11-11-2020, với chủ đề “Mùa Chay: Thời gian làm tươi mới niềm tin, hy vọng và tình yêu”, đã có đoạn viết như sau:

Được kinh nghiệm như một hình thức tự hủy, việc ăn chay sẽ giúp cho những ai thực hành với tâm hồn đơn sơ tái khám phá ân huệ của Thiên Chúa và nhận ra rằng sự thành toàn của mình là ở nơi Thiên Chúa bởi lẽ con người được dựng nên theo hình ảnh và giống với Người. Cùng với kinh nghiệm về sự khó nghèo, người ăn chay làm cho chính mình trở nên nghèo với người nghèo và tích lũy kho báu của tình yêu vừa đón nhận vừa chia sẻ. Được hiểu và thực hành như thế, ăn chay giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, vì yêu mến, như Thánh Tôma Aquinô dạy, là một chuyển động hướng ngoại tập chú vào người khác và xem họ như một với chính mình (x. Fratelli Tutti, 93)”. [3]

Chúng ta biết rằng, ăn chay và giữ chay đối với người Ki-tô hữu không chỉ giản lược trong một vài việc kiêng khem, hạn chế bên ngoài theo luật lệ, nhưng là một hướng chiều theo sự thúc đẩy từ bên trong, bởi tiếng nói sâu thẳm của Thánh Thần, nhằm giúp ta tái khẳng định đức tin tuyệt đối của ta vào Thiên Chúa, Đấng yêu thương và muốn gặp gỡ chúng ta qua diện mạo của một người con hoàn toàn tin tưởng phó thác vào bàn tay quan phòng của Người.

Thực vậy, “Có rất nhiều cơ hội và động lực thúc đầy việc chay tịnh. Nhưng trong mọi trường hợp đều nhằm tự luyện trong đức tin một thái độ khiêm nhường để có thể tiếp nhận hành động của Thiên Chúa, và tự đặt mình trước sự hiện diện của Người. Ý hướng sâu xa này làm sáng tỏ ý nghĩa của thời gian 40 ngày không ăn của Môi-sen (Xac 34, 28) và Ê-li-a (I V 19, 8). 40 ngày của Chúa Giê-su trong hoang địa cũng rập theo khuôn mẫu của hai ngôn sứ trên, nhưng không mở rộng lòng Người tiếp nhận Thánh Linh Thiên Chúa vì Người đã dư đầy rồi (Lc 4, 1); Nếu Thánh Linh đã thúc đẩy Người  ăn chay, chính là muốn Người mở đầu sứ mệnh của Đấng Thiên Sai bằng một hành vi phó thác đầy tin tưởng vào Cha Người (Mt 4, 1-4)”. [4]  

Ngoài ra, ăn chay còn nhắc chúng ta tập sống hy sinh bỏ mình vì Chúa và tha nhân. Ăn chay chính là một việc đạo đức giúp ta hãm mình ép xác trong việc thanh luyện đời sống, giúp ta trút bỏ dần dần những tính hư tật xấu để bước vào hành trình đổi mới con người cũ.

Ngày nay người ta nói nhiều đến hai chữ “Buông bỏ” như là phương thế giúp ta sống an nhiên tự tại. Buông bỏ để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của “Tham, sân, si”, để thoát khỏi những ràng buộc của vật chất hư vô, của cái “Tôi” nặng nề ích kỷ, của cuộc sống quá ư là đa đoan phức tạp…

Trong khi đó buông bỏ theo nghĩa của Tin Mừng Ki-tô giáo, là bỏ mình vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Hay phải buông bỏ như các môn đệ, muốn theo Chúa thì phải lìa bỏ cha mẹ, vợ con, người thân, ruộng vườn, nhà cửa. Hay như chuyện người thanh niên giàu có muốn theo Chúa, thì điều tiên quyết là buông bỏ những gì mình có, trở nên nghèo khó trống rỗng, rồi theo Chúa. “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10, 21).

Cũng trong Sứ điệp Mùa Chay 2021, ĐTC Phan-xi-cô viết tiếp:

Mùa Chay là thời gian để tin tưởng, nghĩa là để đón tiếp Thiên Chúa vào cuộc đời chúng ta và ưng thuận để Người “ở lại” với chúng ta (x. Ga 14, 23). Ăn chay giải thoát chúng ta khỏi tất cả những gì xâm chiếm cuộc đời chúng ta, như khỏi chủ nghĩa tiêu thụ và thừa mứa thông tin (cả thông tin thật lẫn thông tin giả), để mở lòng ra với Đấng đến với chúng ta, Người nghèo khó trong mọi sự nhưng “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14): Người là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta.[5]

Thực vậy, Chúa Giê-su luôn kêu gọi chúng ta sống nghèo và sống buông bỏ. Buông bỏ chính sự sống của mình vì lòng mến và vâng phục. Thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được điều đó và đã mạc khải cho các tín hữu, như sau:

Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 6-8)

Chúa Giê-su chẳng những buông bỏ địa vị ngang hàng Thiên Chúa, vinh quang thiên giới, mà Ngài còn tự nguyện vâng lời Cha, hạ mình chịu chết. Ngài đã chấp nhận hủy-mình-ra-không (Kenosis) vì lòng mến tột cùng. Ngài nói: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13).

Thực vậy, “hành trình tự hủy của Chúa Giêsu phải là mẫu gương chuẩn mực để người tín hữu, nhất là những người sống đời thánh hiến cần soi mình học hỏi mỗi ngày và cố gắng noi theo. Bởi lẽ, trong đời sống Đạo, muốn trở nên trọn lành, người tín hữu phải chấp nhận hy sinh để chiến đấu chống lại sự cám dỗ, phải chấp nhận chịu thiệt thòi để tuân giữ cho trọn Luật Chúa dạy, phải can đảm coi nhẹ mạng sống của mình để giữ vững niềm tin. Nhờ đó, Giáo Hội có được những con người thánh thiện, là hoa thơm trái tốt, hằng nuôi dưỡng và điểm tô cho cuộc đời.” [6] 

2.- CẦU NGUYỆN VÀ SÁM HỐI

Trở lại Thư mục vụ Tết Tân Sửu và Mùa Chay 2021 của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn đã dẫn trên, chúng ta thấy nội dung thư cũng đã đề cập đến việc cầu nguyện và sám hối trong Mùa Chay. Thư MV có đoạn viết:

Cầu nguyện không chỉ là khấn xin mà còn là hồi tâm lắng nghe Chúa muốn chúng ta sám hối và thay đổi đời sống thế nào. Lời cầu nguyện chỉ hiệu nghiệm khi quyết tâm hoán cải để sống theo Tin Mừng. Nếu chỉ cầu xin cho nạn dịch mau qua để sau đó trở lại với lối sống ích kỷ, gian tham, hận thù và tội lỗi, liệu Thiên Chúa có nhậm lời cầu xin không? Những cuộc tĩnh tâm Mùa Chay sẽ giúp chúng ta dứt bỏ đời sống cũ để bước theo Chúa trên nẻo đường mới.[7]

Như vậy, việc cầu nguyện của chúng ta trong Mùa Chay phải quy về thái độ sám hối là chính yếu. Cầu nguyện không đơn giản chỉ là “Cầu xin” nhưng là hướng toàn bộ con người và cuộc sống chúng ta về Đấng mà chúng ta cầu xin, với thái độ khiêm tốn thẳm sâu, vì biết rằng không có Chúa ta không làm được gì và rằng cầu nguyện mà không biến đổi con người cũ cùng não trạng cũ thì đó chỉ là một hành vi ích kỷ, tư lợi, muốn coi Chúa là ông Thần ban phát ơn huệ mà chúng ta đòi hỏi theo ý muốn riêng mình.

Khi cầu nguyện một cách chân thành, chúng ta được “chạm” đến Đấng vô hình, nhờ đó được thông chia sự bình an và hoan lạc đồng thời ta thấy mình tội lỗi, mong manh, yếu đuối, cần được nâng đỡ và biến đổi. Do đó cầu nguyện luôn có sức mạnh giúp ta trưởng thành trong đức tin, nhiệt tình trong đức ái, để sẵn sàng bước vào hành trình gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa và thân tình với anh em. 

Trong Mùa Chay này cùng với những tác động tiêu cực hiện tại của cơn dịch bệnh Covid-19 chủng mới, chúng ta càng có lý do để hoán cải con người và đời sống mình sao cho đáp ứng lại Lời Chúa, “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).

Hoán cải (hay hối cải, hay sám hối) là điều kiện tiên quyết để chúng ta tiếp nhận Tin Mừng của Chúa, để nghe được tiếng Chúa và nhất là để vững vàng bước đi theo Chúa. Hoán cải không đơn giản là xét mình năm ba phút rồi vào tòa giải tội xưng thú vài ba điều lỗi phạm, và thế là xong! Sau đó, con người và cuộc sống của ta lại theo con đường cũ. Như người ta thường nói, “vẫn chứng nào tật nấy!”. Như thế không phải là hoán cải hay sám hối theo ý Chúa.

Thực vậy, “Hoán cải, theo từ Hy Lạp (Metanoia) dùng trong Tân Ước có nghĩa là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận. Như vậy, dường như nó chỉ liên hệ với tâm trí, với sự thay đổi bên trong. Không phải thế. Phải hiểu nó theo chủ đề căn bản trong Cựu Ước, cách riêng từ ngôn sứ Giêrêmia. Nó có nghĩa là thay đổi hướng đi, thay đổi con đường, bỏ đường tà trở lại đường chính, triệt để quay về với Thiên Chúa của Giao Ước, và dấn bước vào một cuộc sống mới. Vì Cựu Ước coi con người như một toàn thể, nên hoán cải không chỉ là thay đổi tâm trí, mà là cả con người. Không chỉ trong ý nghĩ mà cả trong hành động.

“Cũng theo quan niệm của Kinh Thánh, ngoài chiều kích luân lý (bỏ điều dữ làm điều lành), đặc biệt hoán cải còn có chiều kích thần học. Chính chiều kích thần học làm nền tảng cho chiều kích luân lý. Ta không chỉ đơn thuần sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót của mình. Một cách cơ bản hơn, phải hiểu cho đúng mình là ai trước mặt Thiên Chúa, để có thể hướng về Ngài. Trên thực tế, ta luôn có khuynh hướng đánh giá mình quá cao nên không thể công chính trước mặt Thiên Chúa và đối với anh chị em”. [8]

Như vậy, nhờ sự hoán cải mà ta chết đi con người cũ của ta để từng ngày sống với con người mới theo gương Chúa Giê-su. Chẳng hạn:

- mỗi một hành vi khiêm tốn là chết đi một phần tính kiêu ngạo của mình.

- mỗi một hành vi can đảm là chết đi một phần tính hèn nhát của mình.

- mỗi một hành vi dịu dàng là chết đi một phần tính hung bạo của mình.

- mỗi một hành vi yêu thương là chết đi một phần tính ích kỷ của mình.

Còn cần biết bao nhiêu cái chết khác nữa trong cuộc đời chúng ta để làm thành sự sống mới của mình trong Đức Ki-tô. Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa mới xuất hiện và lớn mạnh. [9]

Như vậy, việc cầu nguyện đối với Ki-tô hữu chúng ta trong Mùa Chay là một hành vi đạo đức cần thực hiện thường xuyên, song song với thái độ và tâm tình hối cải và sống đời bác ái kiên trung.

3.- LÀM VIỆC BÁC ÁI

Trở lại Sứ điệp mùa chay 2021 của ĐTC Phan-xi-cô, chúng ta cũng nhận ra những giáo huấn của ngài liên quan đến việc thực thi bác ái trong Mùa Chay. Ngài viết như sau:

Sống Mùa Chay với tình yêu nghĩa là quan tâm tới những người đau khổ hay cảm thấy bị bỏ rơi và sợ hãi vì đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh tương lai vô cùng bất ổn, hãy ghi nhớ lời Chúa nói với tôi tớ Người: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về” (Is 43,1) để với tình bác ái, chúng ta biết trao tặng những lời nói làm vững dạ an lòng và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những người con.

Chỉ có cái nhìn được tình bác ái biến đổi mới có thể giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác, và từ đó người nghèo được nhìn nhận, phẩm giá, bản sắc và văn hóa của họ được tôn trọng và do đó được thực sự hòa nhập vào xã hội” (Fratelli Tutti, 187).

Anh chị em thân mến! Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa Chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và chia sẻ của cải, giúp cho niềm tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng do hơi thở của Chúa Thánh Thần và tình yêu chảy tràn từ trái tim nhân hậu của Chúa Cha được sống động trở lại nơi cộng đồng và cá nhân mỗi người chúng ta.[10]

Nhân dịp Mùa Chay đang có dịch bệnh, chúng ta càng có nhiều cơ hội để thể hiện lòng mến Ki-tô giáo của mình. Bác ái không chỉ là những việc lặt vặt về vật chất này nọ, nhưng xa hơn còn là những chia sẻ, những đồng cảm, những ủi an, những nâng đỡ, những thứ tha xuất phát từ con tim của chúng ta. Thánh Phao-lô đã nói rất chi tiết về lòng Mến Ki-tô hữu qua bài ca Đức Mến trong thư 1Cor như sau:

Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.

Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.

Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.

Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn.

Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi.” (1Cor 13, 1-10)

Có thể nói, việc thực thi lòng mến chính là hoa quả của lòng sám hối được thể hiện cụ thể trong Mùa Chay này. Nó giống như khi chúng ta làm việc đền tội sau khi xưng tội. Nó đích thực là biểu hiện của việc canh tân đổi mới con người và cuộc sống Ki-tô hữu của ta theo tinh thần Tin Mừng và theo ý hướng của Mùa Chay.

Tác giả Huệ Minh, trong bài viết có tựa “Mùa Chay và lòng bác ái” đã viết như sau:

“Mùa Chay là mùa chia sẻ, mùa làm việc bác ái. Hơn nữa ở đây vén mở cho ta thấy một lối hiện diện khác của Chúa Giêsu. Ngài không chỉ hiện diện nơi tấm bánh thánh, nơi tâm hồn ta, nơi Giáo hội, mà Ngài còn ở nơi những người đói, khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi tù. Khuôn mặt của Ngài xem ra chẳng có gì cao quý, uy nghi, sáng láng, nhưng đầy nét đau khổ, nhục nhằn, phiền muộn. Chúa Giêsu ở đây không phải là người ban phát đầy quyền năng, mà là người ăn xin yếu đuối ngửa tay cần ta giúp đỡ.

“Tin Mừng chỉ rõ, mỗi việc bác ái chúng ta làm, là làm cho chính Chúa: ‘Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với’ (Mt 25, 34-36). Hơn nữa, ‘Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta.’ (Mt 25,40)

“Khi phục vụ những người nghèo trong khu ổ chuột ở Ấn Độ, mẹ thánh Tê-rê-xa Cal-cut-ta trả lời các nhà phỏng vấn: ‘Tôi thấy Chúa qua những con người bé nhỏ này’. Vì thế, mẹ thánh Tê-rê-xa đã phục vụ họ một cách trân trọng, như một con người, mang trong mình hình ảnh Đức Ki-tô. Mẹ đã sống Lời Chúa một cách triệt để. Bởi vì Chúa Ki-tô hiện thân nơi người nghèo, như Tin Mừng nhắc nhở chúng ta. Việc bác ái mang chất Ki-tô này giúp ta làm việc lành mà không cầu danh lợi, không huênh hoang tự đắc, không tìm lời khen, không coi thường người nghèo nhưng luôn tôn trọng họ... Chất Ki-tô khiến chúng ta làm tất cả để tôn vinh danh Chúa, để tình người được lớn lên trong tình Chúa”./. [11]


[1] Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Thư mục vụ Tết Tân Sửu và Mùa Chay 2021, tại https://tgpsaigon.net/bai-viet/toa-tong-giam-muc-sai-gon-thu-muc-vu-tet-tan-suu-mua-chay-2021-63131 

[2] Ban Từ vựng UBGLĐT/ HĐGMVN – NXB TG năm 2019 trang 121-122

[3] Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-mua-chay-2021-cua-duc-thanh-cha-phanxico-41370 

[4] Điển ngữ Thần Học Thánh Kinh – Mục từ “Chay tịnh” – GHHV Pi-ô X Đalat 1973 – Trang 212

[5] Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-mua-chay-2021-cua-duc-thanh-cha-phanxico-41370  

[6] Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên, OP, Sống Mầu Nhiệm Tự Hủy (Kenosis) Của Đức Kitô, tại http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/song-mau-nhiem-tu-huy-kenosis-cua-duc-kito-8278.html 

[7] Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Thư mục vụ Tết Tân Sửu và Mùa Chay 2021, tại https://tgpsaigon.net/bai-viet/toa-tong-giam-muc-sai-gon-thu-muc-vu-tet-tan-suu-mua-chay-2021-63131 

[8] Lm. Micae Trần Đình Quảng, Hoán cải hướng về Đức Kitô, tại http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/VeDucKyto/Bai4HoanCai.htm

[9] Như trên

[10] Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-mua-chay-2021-cua-duc-thanh-cha-phanxico-41370 

[11] Huệ Minh, Mùa Chay và lòng bác ái, tại http://conggiao.info/mua-chay-va-long-bac-ai-d-53513 

LỊCH PHỤNG VỤ