CÁNH CỬA TINH THẦN VÀ HƠI THỞ THÁNH LINH
(Giáo huấn của Hội Thánh trong mục vụ văn hóa, văn học nghệ thuật)

Lm. Giuse Trương Đình Hiền
(Tháng 11.2023)

Mục lục

Dẫn nhập: chưa bao giờ bị lãng quên. 1

I. VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TRONG VIỄN TƯỢNG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ.. 2

     1. Cựu ước: Lời như mưa với tuyết sa xuống từ trời 3

     2. Tân ước: Chúa Kitô và ngôn ngữ của dân tộc. 4

     3. Hội thánh: thi hành sứ vụ qua ngôn ngữ nhân loại 5

II. ƠN GỌI VÀ SỨ MỆNH CỦA VĂN NHÂN NGHỆ SĨ 7

     1. Ơn gọi và sứ mệnh trong Giáo Hội 7

     2. Chân dung văn nhân nghệ sĩ trong Giáo Hội 8

III. KHÁM PHÁ CỘI NGUỒN VÀ ĐỂ LẠI HOA TRÁI 13

     1. Lời Chúa, Truyền thống đức tin, Phụng vụ. 13

     2. Giáo Hội luôn cần…... 15

     3. Giáo Hội luôn muốn. 16

Kết: đừng khép lại cánh cửa tinh thần

Dẫn nhập: chưa bao giờ bị lãng quên

Không ít thì nhiều, những người dấn thân trong môi trường “văn học nghệ thuật…” đôi lúc có cảm giác hay mang tâm trạng “Hội Thánh đã quên tôi rồi !”; nhất là ở những “môi trường mục vụ” mà nào là chuyện “xây dựng” (nhà thờ, các công trình khác như Trung tâm mục vụ, nhà giáo lý, nhà xứ, nghĩa đường, hang đá Đức Mẹ, tượng đài Thánh Giuse, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Chặng đàng Thánh giá…), đến chuyện “hội đoàn” (Legio Mariae, Thiếu nhi Thánh Thể, các Hiệp hội tại thế, ca đoàn…), cho tới chuyện “giáo lý” (huấn luyện giáo lý viên, thủ bản giáo lý…)… đang chiếm ưu tiên một !

Ở đây không dám lạm bàn sâu về “thực tế mục vụ” tại các địa phương; vì thực tế luôn diễn ra những chuyện, những việc làm, đôi lúc gần như không phù hợp mấy với định hướng mục vụ truyền thống và chính danh của Hội Thánh. Chỉ xin khái quát những chỉ dẫn mang tính “Huấn Quyền” liên quan đến “văn học, văn hóa, nghệ thuật…”, để một lần nữa, chúng ta cùng xác tín rằng: Hội Thánh chưa bao giờ quên lãng các văn nhân nghệ sĩ; chưa bao giờ xem thường lãnh vực mục vụ quan trọng hàng đầu nầy.

Và để chứng mình, xin quý vị, những người đang dấn thân trong môi trường văn học nghệ thuật, cùng lắng nghe Thánh Công Đồng Chung Vatican II ngỏ lời với chính những văn nghệ sĩ, nhân dịp kết thúc sự kiện mục vụ vĩ đại nầy cách đây 58 năm về trước:

“Ngày nay cũng như trong quá khứ, Giáo Hội vẫn cần đến quí vị và hướng về quí vị. Qua tiếng nói của chúng tôi, Giáo Hội ngỏ lời cùng quí vị: xin đừng để tan vỡ mối liên kết phong phú tột bực. Xin đừng chối từ đem tài năng ra phụng sự chân lý Thiên Chúa. Xin đừng đóng cửa tinh thần quí vị trước hơi thở của Thánh Thần Chúa ! Thế giới chúng ta sống ngày nay đang cần đến cái đẹp để khỏi chìm đắm vào thất vọng. Cái đẹp, cũng như sự thật mang lại niềm vui cho tâm hồn con người, đó chính là những hoa trái quí giá không tàn úa vì thời gian nhưng nối kết các thế hệ lại và làm cho họ thông cảm nhau khi thán phục nhau. Công trình ấy là do bàn tay của quí vị...”[1].

Và chắc chắn, những lời nhắn gửi trên không nằm ngoài mục tiêu tối hậu của công cuộc loan báo Tin mừng đó là “dẫn con người về với Thiên Chúa” và “nhận được ơn cứu độ”, một “mệnh lệnh” mà mọi Kitô hữu không ai được phép miễn trừ, được ghi rõ trong Sắc Lệnh về Truyền Giáo của Công Đồng:

“Qua việc liên kết chặt chẽ với nhân loại trong cuộc sống và trong hoạt động, các môn đệ Chúa Kitô hy vọng sẽ trình bày một chứng tá đích thực về Chúa Kitô, và dấn thân hoạt động vì phần rỗi của nhân loại, kể cả ở những nơi mà việc rao giảng về Chúa Kitô còn bị hạn chế. Thật vậy, họ không mưu tìm sự tiến bộ và thịnh vượng thuần tuý vật chất cho con người, nhưng chủ tâm nâng cao nhân phẩm và tình hợp nhất huynh đệ, bằng cách giảng dạy những chân lý về tôn giáo và luân lý đã được Chúa Kitô soi tỏ, để dần dần mở rộng hơn nữa lối đường dẫn đến Thiên Chúa. Như thế, họ giúp con người đạt tới ơn cứu rỗi nhờ yêu mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người chung quanh, và làm tỏa sáng mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng tác tạo con người mới được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. Ep 4,24), và cũng là Đấng mạc khải tình yêu của Thiên Chúa.” (TG 12).

Để củng cố thêm cho niềm xác tín “không bị Hội thánh lãng quên” đó, chúng ta có thể dừng lại vài điểm nhấn sau đây liên quan đến mục vụ văn hóa, văn học, nghệ thuật trong viễn tượng lịch sử cứu độ hay trong nhịp sống và dòng chảy đức tin hiện thực của Dân Chúa. Đây là những “điểm nhấn” được rút ra từ Kinh thánh và từ một số văn kiện Huấn quyền quan trọng liên quan đến văn hóa, văn học, nghệ thuật.

I. VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TRONG VIỄN TƯỢNG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

Hiến Chế Mạc Khải đã xác nhận rõ: Thánh Kinh chính là Lời Thiên Chúa được diễn tả bằng “ngôn ngữ loài người”:

“Tuy nhiên, vì trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nhờ con người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, (…)… vì chân lý được trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau, như thể văn lịch sử, ngôn sứ, thi phú hoặc những cách diễn đạt khác; … trong hoàn cảnh thời đại và văn hóa của các ngài, qua các lối hành văn được dùng trong thời đó. Thật vậy, để hiểu đúng ý nghĩa tác giả thánh muốn khẳng định trong bản văn, chúng ta phải chú tâm đúng mức đến những cách thức cảm nhận, nói năng hoặc tường thuật của người bản xứ, thường được dùng vào thời đại của thánh sử, cũng như các cách thức mà người thời ấy quen dùng khi giao tế với nhau…” (MK 12).

Đó chính là tính “hiện sinh” của Lời Chúa: “Hoàn cảnh cụ thể làm cho Lời Chúa mang tính hiện sinh nhiều hơn: mạc khải cắm rễ vào lịch sử loài người!”[2].

Chúng ta thử điểm qua cách khái quát về tiến trình “hội nhập văn hóa” qua viễn tượng lịch sử cứu độ; hay nói cách khác, thử điểm qua “hình thái văn thể” của Cựu ước, Tân ước và những hướng dẫn “hội nhập văn hóa” của thời đại Giáo Hội.

1. Cựu ước: Lời như mưa với tuyết sa xuống từ trời

Từ thuở xa xưa khi bộ tộc của Israel còn trong thời “ăn lông ở lỗ”, khi tổ phụ của dân tộc họ, cụ Ápraham còn lang thang trên các thảo nguyên sống đời du mục, Thiên Chúa đã áp dụng nguyên tắc “hội nhập văn hóa” mang tính “nhập thể” rồi. Có nghĩa là Lời Mạc Khải của Thiên Chúa khi đi vào thế giới đã chọn đi qua “một chiếc cửa nhân loại” là “lịch sử của dân tộc Israel” với tất cả những yếu tố nhân văn, địa lý, xã hội, chính trị, kinh tế, pháp luật, lịch sử… của dân tộc nầy cũng như của những vùng xung quanh liên hệ để chuyển tải cho nhân loại những chân lý của Thượng Đế toàn năng, Thiên Chúa chí thánh.

Quả thật, đây là một cuộc hội nhập thiết thân, sâu sắc như mưa, như tuyết thấm sâu trong mảnh đất trần gian, theo cách diễn tả “mầu nhiệm Lời đi vào trần gian” của ngôn sứ Isaia:

“Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời

không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,

chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,

cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,

thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,

sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,

chưa thực hiện ý muốn của Ta,

chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” (Is 55, 10-11).

Cũng chính với nguyên tắc “hội nhập văn hóa” đó, mà chúng ta tìm thấy ngôn ngữ của Kinh Thánh Cựu ước mang nhiều “dáng đứng” khác nhau, theo trào lưu lịch sử văn hóa xã hội, ngôn ngữ và văn chương… của dân tộc Israel và của cả vùng Cận Đông[3]: Từ thể văn mang tính huyền thoại, cổ tích (Sáng Thế), đến anh hùng ca lịch sử (Xuất Hành, Samuen, Macabêô…), pháp đình lề luật, phụng tự (Thứ luật, Lêvi…), khải huyền tiên tri (Đanien, Êgiêkien,…), châm ngôn huấn đạo (Khôn ngoan, Châm Ngôn, Giảng Viên..), thi ca trữ tình (Diễm tình ca), truyện ngắn tình yêu (Hôsê…), ca kinh nguyện cầu (Thánh vịnh…).

Vì thế, chỉ có thể hiểu và cảm nhận được sứ điệp mạc khải của Thánh Kinh Cựu ước qua con đường đức tin và “hồng ân mạc khải”, như Hiến Chế Mạc Khải dạy:

“Hợp theo hoàn cảnh nhân loại trước thời Chúa Kitô thiết lập hồng ân cứu độ, các sách Cựu Ước bày tỏ cho mọi người biết về Thiên Chúa và về con người, cũng như những cách thế mà Thiên Chúa công bình và nhân từ đối xử với loài người. Tuy nội dung có những điều tạm thời và chưa toàn hảo, các sách ấy chứng tỏ khoa sư phạm đích thực của Thiên Chúa. Do đó, các Kitô hữu phải thành kính đón nhận Cựu Ước là bộ sách diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Ngài, một kiến thức khôn ngoan hữu ích về đời sống con người và những kho tàng kinh nguyện tuyệt diệu, trong đó ẩn chứa mầu nhiệm ơn cứu độ của chúng ta.” (MK 15).

2. Tân ước: Chúa Kitô và ngôn ngữ của dân tộc

Khi “Ngôi Lời thành xác phàm và cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1,14), Ngài cũng không đi ngoài con đường “sư phạm truyền thống” của Thiên Chúa. Vâng, Ngài đã nói Lời Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của dân tộc Ngài; Ngài đã vận dụng những chất liệu của cuộc sống đương thời để diễn tả các chân lý cao sâu của huyền nhiệm Nước Trời: những hình ảnh chúng ta gặp thấy trong Tin mừng như: “Người Mục Tử vác chiên trên vai”, “Cây nho sai trái”, “Tấm lưới thả xuống biển”, “Những cô trinh nữ cầm đèn đi đón tân lang”, “cây hoa huệ ngoài đồng”, “con chim se sẻ trên cành cây”… nào có xa lạ gì với đời thường của dân Israel thuở ấy.

Quả thật “ngôn ngữ của Thiên Chúa mang dáng đứng nhân loại” là thế đó để chúng ta có thể “tiếp cận được mầu nhiệm Thiên Chúa”, như nhận xét của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong tác phẩm “Đức Giêsu ở Nazareth”:

“Đức Giêsu chẳng muốn trao cho chúng ta những kiến thức trừu tượng vốn chẳng ăn nhập gì tới nỗi lòng sâu kín của ta. Người phải dẫn chúng ta tới mầu nhiệm Thiên Chúa – tới ánh sáng mà mắt chúng ta không thể nhìn nổi và muốn tránh. Để ta có thể nhìn ra được, Người dùng những sự vật trong thế giới và những thực tại thường ngày để giúp ta nhận chân được sự trong suốt của ánh sáng Thiên Chúa. Người dùng những điều xảy ra thường ngày để giúp ta nhận ra đâu là nền tảng thật của mọi sự, và nhờ đó chỉ cho ta đâu là lối đường đúng mà chúng ta ngày ngày phải hướng tới. Người chỉ cho ta Thiên Chúa, không phải là một Thiên Chúa trừu tượng, mà là một Thiên Chúa hành động; Thiên Chúa này bước vào trong ta và muốn cầm tay dẫn chúng ta đi…”[4].

Khi các Thánh Tông Đồ ra đi rao giảng và thiết lập các giáo đoàn, các ngài và các đồ đệ đã thu thập các lời giảng dạy của Chúa Giêsu và nhờ các Thánh sử đã hình thành nên bộ Kinh Thánh Tân ước mà địa vị trỗi vượt là bốn sách Tin mừng. Hiến chế Mạc Khải đã “mô tả” các sách Tin mừng được hình thành như sau:

“Các thánh sử đã viết bốn sách Tin mừng bằng cách chọn một số trong những điều được truyền khẩu hay đã được ghi chép, tóm tắt hoặc giải thích một số điều tùy theo tình trạng của các giáo đoàn, và sau cùng vẫn giữ lại hình thức lời giảng, để luôn truyền đạt cho chúng ta những điều chính xác và trung thực về Chúa Giêsu. Quả thế, dựa trên ký ức hay kỷ niệm riêng, hoặc dựa trên lời chứng của những người “từ đầu đã tận mắt chứng kiến và đã trở thành những người phục vụ cho Lời”, các ngài đã viết ra với chủ ý giúp chúng ta nhận thức được “tính xác thực” của những lời các ngài nói để dạy dỗ chúng ta” (x. Lc 1,2-4).

3. Hội thánh: thi hành sứ vụ qua ngôn ngữ nhân loại

Thật không “phải đạo” chút nào nếu Hội thánh lại đi ngược hay không chọn đi con đường mà Thiên Chúa đã chọn và Đức Kitô đã đi: con đường nhập thể, con đường “hội nhập văn hóa”. Thật vậy, trên cuộc hành trình sống và chuyển tải đức tin suốt hơn 2000 năm nay, Hội thánh đã vận dụng mọi yếu tố tốt đẹp của văn hóa, văn minh con người trong việc diễn tả, sống và loan truyền chân lý đức tin.

Thánh Phêrô, Thủ lãnh các Tông đồ, Giáo hoàng đầu tiên, ngay từ những ngày đầu Hội thánh đã được Thánh Thần linh ứng cần phải chọn lựa con đường “hội nhập đó qua thị kiến “tấm khăn lớn với đủ mọi thú vật, rắn rết…” (Cv 10, 9-16). Trong khi đó Thánh Phaolô, một vị Thánh ký, một thần học gia, một nhà truyền giáo vĩ đại đã tóm gọn nguyên tắc này trong mấy từ cô đọng và súc tích: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3, 28). Trong khi đó, thế giới lần đầu tiên cảm nhận và gặp gỡ được chân dung của Thiên Chúa, của Đức Kitô… đầy lòng thương xót và gần gũi qua ngòi bút của “văn sĩ Luca”, vị Thánh sử và “nhà họa sĩ vẽ chân dung” tuyệt vời. Cũng vậy, những anh chị em kitô hữu gốc Do Thái hay những độc giả lần đầu tiếp cận với sứ điệp Tin mừng hoàn toàn được thuyết phục bởi sự liền lạc mang tính “thừa thượng tiếp hạ” giữa Cựu và Tân ước qua cách hành văn của chàng thu thuế Lêvi hay Thánh sử Matthêô. Trong khi đó, những độc giả khó tính chuộng triết học hay văn hóa Hy Lạp sẽ rất tâm đắc khi đọc Tin Mừng Thứ Tư của Thánh sử Gioan, người đã chuyển tải sứ điệp Nhập Thể của Ngôi Lời cách dịu dàng sâu lắng…

Và thế là Hội thánh lớn mãi lên, vươn mình trên mọi miền thế giới, mang Tin mừng Chúa Kitô rắc gieo trên khắp các cánh đồng văn hóa thế giới; và cứ như thế, Tin mừng của Chúa đã mang “dáng đứng” của nhiều dân tộc, nhiều ngôn ngữ, nhiều loại hình văn hóa, lễ nghi, phụng tự… của mọi dân trên khắp địa cầu.

Công đồng Vatican II đã long trọng xác nhận điều đó như một nguyên lý nền tảng để hình thành và xây dựng Giáo hội:

“Giáo hội, tức Dân Thiên Chúa, họp thành Nước ấy, không loại bỏ di sản trần thế của bất cứ dân tộc nào; trái lại, Giáo hội cổ võ và thu dụng tất cả những gì tốt lành nơi tài sản, nguồn lực và phong hóa của các dân tộc, và khi thu dụng, Giáo hội tinh luyện, kiện toàn và thăng hóa chúng” (LG số 12).

Riêng Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một nhà văn hóa lớn của thế giới trong thời đại chúng ta, một triết gia, một nhà văn, và trên hết, một vị thánh, đã quan tâm đặc biệt đến lãnh vực mục vụ nầy, một lãnh vực mà ngài cho rằng “rất nặng nề” và đầy thách thức:

“Việc phục vụ con người và xã hội nhân loại được diễn tả và thực hiện qua việc sáng tạo và truyền đạt văn hóa, điều này, đặc biệt ngày nay, là một trong những công việc nặng nề nhất trong sự chung sống của con người và sự tiến hóa của xã hội… Trước một văn hóa như xa rời không những niềm tin Kitô-giáo mà cả những giá trị nhân bản, cũng như trước một văn hóa khoa học và kỹ thuật nào đó không có khả năng giải đáp cho đòi hỏi về sự thật và sự thiện đang thiêu đốt tâm hồn con người, Giáo Hội ý thức đầy đủ rằng, về phương diện mục vụ, phải cấp bách dành cho văn hóa một sự quan tâm rất đặc biệt” (Tông huấn Kitô hữu giáo dân – Christifideles Laici – của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – Viết tắt: KTHGD, số 44).

Trong khi đó, với Tông huấn “Ecclesia in Asia” (Giáo hội tại Á Châu, GHTAC), Đức Gioan Phaolô II đã có những giáo huấn rạch ròi:

Từ viễn ảnh nầy, thấy rõ ràng việc Phúc Âm hóa và hội nhập văn hóa liên hệ với nhau cách tự nhiên và mật thiết. Tin mừng và việc rao giảng Tin mừng chắc chắn không đồng hóa với văn hóa, không tùy thuộc vào nó. Nhưng Nước Thiên Chúa đến với muôn dân là những người liên kết sâu xa với một nền văn hóa, và do đó việc xây dựng Vương quốc không tránh khỏi mượn các yếu tố từ các nền văn hóa nhân loại. Vì vậy, Đức Phaolô VI nói việc tách biệt Tin mừng ra khỏi văn hóa là thảm trạng của thời đại chúng ta, gây ảnh hưởng sâu xa trên cả việc rao giảng Tin mừng và nền văn hóa” (GHTAC số 21).

Riêng Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tong huấn Niềm vui của Tin mừng (Evangelii Gaudium, EG) đã liên tục khẳng quyết các mối tương quan mật thiết giữa đức tin và văn hóa, giữa Dân Thiên Chúa và xã hội con người, giữa Tin mừng và giá trị văn hóa các dân tộc:

Dân Thiên Chúa được nhập thể giữa các dân tộc trên thế giới, mỗi dân tộc với nền văn hoá riêng của mình… Ân sủng đòi hỏi văn hoá, và ân huệ của Thiên Chúa được nhập thể trong nền văn hoá của những ai đón nhận ân huệ ấy… “trong khi hoàn toàn trung thực với mình, vững vàng trung thành với việc rao giảng Tin Mừng và truyền thống của Hội Thánh, Kitô giáo cũng phản ánh những bộ mặt khác nhau của các nền văn hoá và các dân tộc đã tiếp nhận nó và làm cho nó bén rễ”… Nơi các tập tục của một dân tộc đã được phúc âm hoá, Chúa Thánh Thần trang điểm Hội Thánh, chỉ cho Hội Thánh thấy những khía cạnh mới của mặc khải và ban cho Hội Thánh một bộ mặt mới… Bằng cách này, Hội Thánh đón nhận những giá trị của các nền văn hoá khác nhau và trở thành sponsa ornata monilibus suis, ‘cô dâu được trang điểm lộng lẫy’ (xem Is 61:10)” (EG 115-116).

II. ƠN GỌI VÀ SỨ MỆNH CỦA VĂN NHÂN NGHỆ SĨ

1. Ơn gọi và sứ mệnh trong Giáo Hội

1.1. Ơn gọi và sứ mệnh chung

Chúng ta đã nghe quá nhiều về giáo huấn “ơn gọi và sứ mệnh” của người kitô hữu thuộc bất cứ đấng bậc nào, thành phần nào, giới lớp nào… trong Giáo Hội; đặc biệt là ơn gọi và sứ mệnh của “người giáo dân” trong “ơn gọi chuyên biệt” của mình ở giữa dòng đời:

“Sứ vụ cứu độ của Giáo Hội trong thế giới được thực hiện không những nhờ các thừa tác viên đã lãnh bí tích Truyền Chức Thánh, nhưng còn nhờ tất cả mọi giáo dân: thực vậy, nhờ đã được chịu phép thánh tẩy và nhờ ơn gọi chuyên biệt của mình, các giáo dân, mỗi người theo mức độ của mình, tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô.” (KTHGD, số 23).

1.2. Ơn gọi và sứ mệnh chuyên biệt: mục vụ văn hóa

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh cụm từ “ơn gọi chuyên biệt”. Vâng, “ơn gọi chuyên biệt” của anh chị em “văn nghệ sĩ” chính là “văn học nghệ thuật”. Chính Đức Gioan Phaolô II trong tông huấn Kitô hữu giáo dân đã nói với những người có “ơn gọi chuyên biệt” như sau:

“Chính vì thế, Giáo Hội yêu cầu giáo dân hiện diện cách can đảm và với óc sáng tạo tri thức tại những môi trường ưu đãi của văn hóa, như nhà trường và đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học – kỹ thuật, các môi trường sáng tác nghệ thuật và suy tư nhân bản. Sự hiện diện này không chỉ có mục đích nhìn nhận và tùy tình hình mà thanh tẩy các yếu tố của văn hóa hóa đó, bằng cách khôn khéo phê bình chúng, nhưng còn nhằm làm tăng trưởng các giá trị của chúng, nhờ sự phong phú độc đáo của Tin Mừng và đức tin Kitô-giáo.” (KTHGD số 44).

1.3. Nên thánh trong chính “ơn gọi chuyên biệt”

Điều quan trọng, người kitô hữu trong bất cứ hoàn cảnh và “ơn gọi chuyên biệt” nào đều có thể và phải nên thánh trong chính điều kiện và môi trường đó như cách diễn đạt của thánh Phanxicô Salê được Đức Gioan Phaolô II nhắc lại trong tông huấn Kitô hữu giáo dân:

“Khi sáng tạo, Thiên Chúa đã truyền cho cây cối phải sinh hoa trái, cây nào theo giống ấy” (x. St 1,11); như vậy, Ngài đã truyền cho các kitô-hữu là những cây sống của Giáo Hội phải trổ sinh hoa trái đạo đức, mỗi người theo phẩm chất và ơn gọi của mình. Lòng đạo đức phải được người quý phái, thợ thủ công, người giúp bàn, ông hoàng, bà góa, cô gái, phụ nữ có gia đình ..., mỗi người thi hành mỗi cách khác nhau ; không chỉ vậy mà thôi, mà còn phải thích ứng việc thực hành lòng đạo đức với sức lực, công ăn việc làm và nhiệm vụ của riêng mỗi người ... Thực là sai lầm, thậm chí là lạc đạo, khi muốn loại trừ lòng đạo đức ra khỏi doanh trại quân đội, khỏi cửa hàng của các thợ thủ công, khỏi cung đình vua chúa, khỏi căn nhà của những người sống đời hôn nhân. Hỡi Philôthê, đúng là lòng đạo đức thuần túy chiêm niệm, đan sĩ và tu trì, không thể thực hiện được trong những ơn gọi đó ; nhưng, ngoài ba loại đạo đức đó, còn có nhiều loại khác, thích hợp với sự trọn lành của những người sống giữa trần thế... Dù ở đâu, chúng ta vẫn có thể và phải khát khao đời sống trọn hảo” (KTHGD số 56).

2. Chân dung văn nhân nghệ sĩ trong Giáo Hội

Là người được Thiên Chúa phú ban “nén bạc văn học nghệ thuật”, được phản ảnh qua chính niềm đam mê sáng tạo các công trình văn hóa, văn học, nghệ thuật đa ngành…, chúng ta cần nhìn lại chân dung đích thực của mình dưới ánh sáng đức tin.

2.1. Con người của huyền nhiệm “sáng tạo”

Thiên Chúa là “Đấng sáng tạo” (Kinh Tin Kính); và các công trình sáng tạo của Ngài đều mang vẽ đẹp: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu” (St 1,31). Văn học nghệ thuật, trong một nghĩa nhất định, là công trình “thể hiện và tìm tòi cái đẹp”: “Sáng tạo nghệ thuật là lãnh vực đặc thù của sự tìm tòi và thể hiện cái đẹp, là lãnh vực biểu hiện sự phát triển phong phú về tinh thần của cá nhân con người”[5]. Chính vì thế, chân dung đầu tiên của những người là “tác giả” của các tác phẩm văn học nghệ thuật chính là “con người của huyền nhiệm sáng tạo”; và đây là những điều khẳng quyết cũng như dạy bảo của Giáo Hội:

2.1.1. Người tham gia vào việc sáng tạo của Thiên Chúa

“Không ai cảm nhận sâu sắc hơn các bạn, những nghệ sĩ, những nhà sáng tạo tài tình của cái đẹp, sự rung động tình cảm (pathos) mà Thiên Chúa đã cảm nhận khi nhìn công trình do tay mình tạo dựng vào thuở khai nguyên vũ trụ. Thoáng tình cảm ấy cũng thường sáng lên trong đôi mắt các bạn, khi các bạn cũng như các nghệ sĩ của mọi thời đại bị cuốn hút trước sức mạnh kín đáo của âm thanh và lời nói, của màu sắc và hình dáng, khi các bạn thán phục trước công trình mà mình đã được cảm hứng tạo ra. Các bạn cảm thấy như trong đó vang vọng lại mầu nhiệm sáng tạo mà Thiên Chúa, Đấng sáng tạo duy nhất của muôn loài, muốn các bạn tham gia một cách nào đó. (…). Thật vậy, sau khi nói rằng Thiên Chúa sáng tạo nên người đàn ông và người đàn bà “theo hình ảnh của Ngài” (x. St 1,27), Thánh Kinh nói thêm Thiên Chúa đã trao phó cho họ nhiệm vụ thống trị mặt đất (x. St 1,28). Chuyện này xảy ra vào ngày cuối cùng của công trình sáng tạo (x. St 1,28-31). (…). Bởi đó, Thiên Chúa cho con người hiện hữu, giao cho con người nhiệm vụ của những nghệ nhân. Chính qua “hoạt động sáng tạo nghệ thuật” ấy mà hơn bao giờ hết, con người cho thấy mình “giống Thiên Chúa”. Con người hoàn thành nhiệm vụ này xuất sắc nhất là khi uốn nắn “chất thể” kỳ diệu hay nhân tính của mình và khi thi hành quyền làm chủ một cách sáng tạo trên thế giới chung quanh. Với ánh mắt yêu thương, Nhà Nghệ Sĩ thần linh kia đã chuyển giao cho người nghệ sĩ nhân loại một chút óc khôn ngoan siêu phàm của mình, cho người này chia sẻ quyền lực sáng tạo của mình. Dĩ nhiên, đây là một sự chia sẻ mà vẫn giữ nguyên khoảng cách vô cùng giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo, như Hồng Y Nicholas thành Cusa đã nói rõ: “Nghệ thuật sáng tạo, tuy là kho tàng lớn cho linh hồn tận hưởng, nhưng không thể đồng hoá với một nghệ thuật căn bản là chính Chúa; nó chỉ là một phần nghệ thuật ấy được thông ban và chia sẻ lại”. Chính vì thế, càng ý thức “món quà” Chúa tặng cho mình, các nghệ sĩ càng có cơ hội nhìn mình và toàn thể thụ tạo với cặp mắt chiêm ngưỡng và biết ơn, đồng thời dâng lên Chúa lời ngợi khen. Đây là con đường duy nhất đưa họ tới chỗ hiểu bản thân mình, ơn gọi và sứ mạng của mình cách đầy đủ.”[6].

2.1.2. Người thông truyền sứ điệp nhân văn

“Không phải tất cả mọi người đều được gọi trở thành nghệ sĩ theo nghĩa riêng của hạn từ này. Nhưng, như sách Sáng Thế có nói, tất cả mọi người, nam lẫn nữ, đều được giao cho nhiệm vụ kiến thiết cuộc sống riêng của mình, tức là, theo một nghĩa nào đó, họ phải biến cuộc sống của mình thành một tác phẩm nghệ thuật, một kiệt tác. (…) Khi hình thành một kiệt tác, người nghệ sĩ không những làm cho tác phẩm ấy xuất hiện, mà còn tiết lộ con người mình cách nào đó. Người nghệ sĩ nhìn thấy nghệ thuật làm cho sự phát triển tâm linh của mình vừa có một chiều kích mới vừa có được một cách diễn tả hết sức đặc biệt. Thông qua tác phẩm của mình, người nghệ sĩ trò chuyện và trao đổi với người khác. Thế nên, lịch sử nghệ thuật không phải chỉ là lịch sử của các tác phẩm đã được làm ra, mà còn là lịch sử của những con người. Các tác phẩm nghệ thuật nói cho ta biết tác giả của chúng, đời sống nội tâm của họ và những sự độc đáo họ đóng góp được cho lịch sử văn hóa”[7].

2.1.3. Người thông truyền “sự sống” và “mới mẻ”

“Nghệ sĩ là một đứa trẻ - tôi không có ý xúc phạm anh chị em - điều này có nghĩa là nghệ sĩ có được sự tự do để kiểm soát sự độc đáo, mới lạ và sáng tạo, và do đó mang đến cho thế giới những điều mới mẻ và chưa từng có. Khi làm như vậy, các nghệ sĩ bác bỏ ý kiến cho rằng con người là “sinh vật hướng tới cái chết”.

 Chắc chắn là con người phải đối diện với cái chết, nhưng chúng ta không phải là sinh vật hướng tới cái chết, mà là sinh vật hướng tới sự sống. Một nhà tư tưởng vĩ đại như Hannah Arendt đã khẳng định rằng dấu ấn của con người là khả năng mang lại sự mới mẻ cho thế giới. Đây là một phần của sự phong phú của chúng ta như là con người: mang đến sự mới mẻ. Ngay cả trong tự nhiên, sự sinh sản mang lại sự mới mẻ khi mỗi đứa trẻ được sinh ra trên thế giới. Sự mở ra và mới mẻ. Với tư cách là nghệ sĩ, anh chị em đạt được điều này bằng cách khẳng định sự độc đáo riêng của mình. Trong các tác phẩm, anh chị em luôn đặt một thứ gì đó của bản thân mình, với tư cách là những hữu thể độc nhất giống với tất cả chúng tôi, vì ích lợi của việc sáng tạo một điều gì đó vĩ đại hơn. Với tài năng của mình, anh chị em mang lại một điều gì đó khác thường; anh chị em làm phong phú thế giới với một điều gì đó mới mẻ.”[8].

2.2. Con người của huyền nhiệm “ngôn sứ”

2.2.1. Được Chúa Thánh Thần gợi hứng

“Các nghệ sĩ thân mến, quý vị đã quá rõ có nhiều sự thúc đẩy, từ trong hay từ ngoài, có thể gây hứng cho quý vị thi thố tài năng. Nhưng bất cứ sự cảm hứng chân chính nào, cũng đều cưu mang phần nào “hơi thở” mà “Thánh Thần Sáng Tạo đã từng dùng để đỡ nâng công trình sáng tạo ngay từ thuở ban đầu”. Thánh Thần Sáng Tạo trông coi các quy luật mầu nhiệm đang chi phối vũ trụ, sẽ thổi cho tới các bậc kỳ tài trong nhân loại và đánh thức dậy khả năng sáng tạo của họ. Ngài chạm đến khả năng ấy bằng cách soi sáng họ từ bên trong, cho họ vừa cảm thấy cái tốt lẫn cái đẹp, đồng thời đánh thức mọi năng lực của tâm trí lẫn của tâm hồn để chúng có thể thai nghén một ý tưởng nào đó, rồi phô diễn nó ra thành một tác phẩm nghệ thuật. Vì thế, không có gì sai khi nói đó là những “giây phút của ơn phước”, dù chỉ theo nghĩa loại suy, vì lúc ấy con người như cảm nghiệm được Đấng Tuyệt Đối, vượt lên trên hết mọi sự.”[9].

2.2.2. Được sai đi làm ngôn sứ

“Vì vậy, với tư cách là nghệ sĩ, anh chị em có khả năng mơ về những phiên bản mới của thế giới, để đưa sự mới lạ vào lịch sử. Phiên bản mới của thế giới. Đó là lý do tại sao Guardini cũng nói rằng anh chị em giống như những người có tầm nhìn xa trông rộng. Anh chị em có một chút giống với các vị ngôn sứ. Anh chị em có thể nhìn thấy sự vật ở cả chiều sâu và từ xa, giống như những người lính canh tập trung nhìn vào đường chân trời và phân định những thực tại sâu sắc hơn. Khi làm như vậy, anh chị em được mời gọi thoát ra khỏi sức hấp dẫn của vẻ đẹp bên ngoài và nhân tạo được cho là phổ biến hiện nay và thường đồng lõa với các cơ chế kinh tế tạo ra sự bất bình đẳng. Đó không phải là một vẻ đẹp thu hút, vì đó là một vẻ đẹp vô hồn, không có sức sống. Một vẻ đẹp giả tạo, mỹ phẩm, một lớp trang điểm che giấu thay vì biểu lộ. (…) Giống như các vị ngôn sứ trong Kinh thánh, đôi khi anh chị em đối diện với những điều không thoải mái; chỉ trích những huyền thoại sai lầm, và những thần tượng mới ngày nay, những lời nói sáo rỗng, những cạm bẫy của chủ nghĩa tiêu thụ, những âm mưu quyền lực. Đây là một khía cạnh thú vị trong tâm lý của các nghệ sĩ: khả năng tiến về phía trước và vượt lên trên, trong sự căng thẳng giữa thực tại và ước mơ.”[10].

2.2.3. Xây dựng hài hòa, hiệp nhất trong đa dạng

“Tôi thích nghĩ về Chúa Thánh Thần như là Đấng cho phép những sự xáo trộn lớn nhất xảy ra – hãy nghĩ về buổi sáng của ngày Lễ Ngũ Tuần – và sau đó tạo ra sự hài hòa. Một sự hài hòa nhưng không phải là sự cân bằng, bởi vì hài hòa được phát sinh trước hết từ sự mất cân bằng; hài hòa là một cái gì đó nhiều hơn là sự cân bằng. Sứ điệp này thật hợp thời biết bao! Chúng ta đang sống trong thời đại của các hình thức thực dân hóa ý thức hệ và xung đột gay gắt do phương tiện truyền thông điều khiển; một sự toàn cầu hóa tiêu chuẩn hóa mọi thứ cùng tồn tại với bất kỳ nhóm lợi ích cụ thể nào khép kín và thu mình lại.

Đây là nguy cơ của thời đại chúng ta. Thậm chí, Giáo hội có thể bị ảnh hưởng. Xung đột có thể diễn ra dưới sự giả vờ hiệp nhất, từ đó nảy sinh chia rẽ, bè phái và những hình thức tự kỷ ái mộ. Chúng ta càng cần phải làm cho nguyên tắc hài hòa hiện diện trong thế giới của chúng ta nhiều hơn và loại bỏ sự đồng nhất. Là nghệ sĩ, anh chị em có thể giúp chúng tôi nhường chỗ cho Thần Khí. Khi nhìn thấy công trình của Thần Khí, Đấng tạo ra sự hài hòa từ những khác biệt nhưng không phá hủy hoặc tiêu chuẩn hóa sự khác biệt mà đưa sự khác biệt vào sự hài hòa, chúng ta mới hiểu được cái đẹp thực sự là gì. Cái đẹp là tác phẩm của Thần Khí, Đấng tạo nên sự hài hòa. Anh chị em hãy để thiên tài nghệ thuật của mình theo đuổi tiến trình này!”[11].

2.3. Con người của huyền nhiệm “nhân sinh”

2.3.1. Con người phục vụ chân thiện mỹ

“Chính khi sống và hoạt động, con người mới thấy mình có quan hệ với cái đang có, với sự thật và với điều tốt. Người nghệ sĩ có một quan hệ rất đặc biệt với cái đẹp. Nói cho đúng, cái đẹp là ơn gọi Tạo Hóa đã ban cho người nghệ sĩ qua hình ảnh họ được Chúa trao cho “nén bạc nghệ thuật”. Chắc chắn, đây cũng là nén bạc phải làm cho sinh hoa kết quả, đúng theo ý nghĩa của dụ ngôn các nén bạc. Đến đây, chúng ta đụng phải một điểm căn bản. Những ai nhận thấy nơi mình có tia sáng thần linh ấy, tức là ơn gọi làm nghệ sĩ (làm thi sĩ, văn sĩ, nhà điêu khắc, nhà kiến trúc, nhà nhiếp ảnh, nhạc sĩ,…) cũng sẽ cảm thấy mình có bổn phận không được để hoang phí tài năng ấy mà phải phát triển, để đem ra phục vụ nhân loại”[12].

2.3.2. Con người phụng sự công ích

“Ơn gọi đặc biệt của mỗi nghệ sĩ sẽ quyết định lãnh vực nào phải chọn để phục vụ, những nhiệm vụ nào phải đảm nhận, công tác khó nhọc nào phải gánh vác và trách nhiệm nào phải thi hành. Những nghệ sĩ ý thức tất cả các điều này cũng đều rõ mình phải lao động, nhưng không để mình bị lôi vào cuộc săn tìm những vinh quang hão huyền, những sự nổi tiếng rẻ tiền, càng không để mình bị hướng dẫn bởi sự tính toán lợi lộc cá nhân nào. Bởi đó, có cả một nền đạo đức, thậm chí một “linh đạo” cho việc làm nghệ thuật, để đóng góp cho đời sống và sự tiến bộ của một dân tộc. Đây chính là điều mà Cyprian Norwid muốn ám chỉ khi nói rằng: “Vẻ đẹp thì làm ta phấn khởi lao động, còn lao động thì nâng ta lên cao”[13].

2.3.3. Con người gìn giữ giá trị nhân văn

“Là những người nhìn xa trông rộng, những người nam nữ có sự phân định, có lương tâm phê phán, tôi cảm thấy anh chị em là đồng minh trong rất nhiều điều mà tôi canh cánh trong lòng, chẳng hạn như bảo vệ sự sống con người, công bằng xã hội, quan tâm đến người nghèo, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, tình huynh đệ nhân loại phổ quát. Tôi quan tâm đến lòng nhân đạo của con người, chiều kích nhân văn của nhân loại. Vì đó cũng là đam mê cao cả của Thiên Chúa. Một trong những điều đưa nghệ thuật đến gần hơn với đức tin là việc cả hai đều có khuynh hướng gây ra sự xáo trộn. Cả nghệ thuật và đức tin đều không thể để mọi thứ đơn giản như chúng là: nghệ thuật và đức tin thay đổi, chuyển đổi, di chuyển, và biến đổi mọi thứ. Nghệ thuật không bao giờ có thể là liều thuốc gây mê; nghệ thuật mang lại bình an, nhưng không hề ru ngủ lương tâm, mà thức tỉnh lương tâm”[14].

Khi đặt mình trước ánh sáng Lời Chúa, giáo huấn Giáo Hội và trong chính nội tâm sâu thẳm của lòng mình, chắc chắn những văn nhân nghệ sĩ sẽ còn khám phá nhiều khía cạnh, chiều kích khác trong ơn gọi và sứ vụ của chính mình để phục vụ cho Nước Trời như xác định của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Kitô hữu giáo dân: “Điều có giá trị đối với các ơn gọi thiêng liêng thì cũng có giá trị, theo một nghĩa nào đó còn có lý hơn nữa, đối với vô số các thể thức khác nhau để mọi phần tử của Giáo Hội và mỗi phần tử trong số đó trở nên những người thợ làm việc trong Vườn Nho của Chúa, xây dựng Thân Thể huyền nhiệm của Đức Kitô. Quả thực, mỗi người được gọi đích danh, trong tính cách độc nhất của lịch sử cá nhân mình, để góp phần riêng của mình cho ngày Nước Thiên Chúa hoàn thành. Không một tài năng nào, dù bé nhỏ nhất, lại có thể bị giấu kín và không được sử dụng” (x. Mt 25,24-27) (KTHGD 56).

III. KHÁM PHÁ CỘI NGUỒN VÀ ĐỂ LẠI HOA TRÁI

Thế giới không thể phủ nhận được điều nầy: những thời hoàng kim của nền văn học nghệ thuật phương tây đều mang dấu ấn của đức tin Kitô giáo, của Thánh Kinh, Phụng vụ… hay “cảm thức đức tin” nói chung. Đức tin chính là “cội nguồn” để văn học nghệ thuật khám phá những giá trị “chân thiện mỹ”; và cũng in đậm dấu vết vào các tác phẩm, hoa trái của văn học nghệ thuật. Chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa nầy trong diễn văn ngày 21.5.201 của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: “sự hiểu biết của đức tin soi sáng việc tìm kiếm của con người, giải thích nó bằng cách nhân bản hóa nó, sáp nhập nó vào trong các dự án thiện ích, lôi nó ra khỏi cám dỗ về một tư tưởng tính toán mà dụng cụ hóa tri thức và về những khám phá khoa học về các phương tiện quyền lực và nô lệ hóa con người”[15].

Là những “văn nhân nghệ sĩ” Công Giáo hay những người dấn thân trong lãnh vực “mục vụ văn hóa, văn học, nghệ thuật…”, chúng ta cần “xét mình” xem “đức tin” đã, đang và sẽ tác động thế nào đến chúng ta và công việc chuyên biệt của chúng ta; hay công trình của chúng ta, tác phẩm của chúng ta có ghi đậm hay để lại dấu vết gì về Thiên Chúa, về đức tin, Tin mừng, về sứ mệnh truyền giáo, bác ái… ?

Sau đây xin nêu bật một số gợi ý của tiếng nói Hội Thánh như những “đề nghị” mang tính “định hướng” trong việc sáng tác văn học nghệ thuật:  

1. Lời Chúa, Truyền thống đức tin, Phụng vụ

1.1. Thánh Kinh, “kho tàng ngữ vựng bao la”

“Như thế, Thánh Kinh đã trở thành một loại “kho tàng ngữ vựng bao la” (Paul Claudel) và một “tập bản đồ mô tả bằng hình tượng” (Marc Chagall) cho văn hóa và nghệ thuật Kitô giáo khai thác. Khi đọc Cựu Ước trong ánh sáng của Tân Ước, Cựu Ước sẽ cung cấp cho chúng ta những nguồn cảm hứng bất tận. Từ những câu chuyện về sự Sáng Tạo và Tội, Đại Hồng Thủy, lịch sử các Tổ Phụ, các biến cố chung quanh cuộc Xuất Hành, cho đến nhiều sự việc và nhân vật khác trong lịch sử cứu độ, Thánh Kinh quả là đã châm ngòi cho óc tưởng tượng của các họa sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, nhà biên kịch và làm phim hoạt động. Chỉ cần lấy một thí dụ thôi, một khuôn mặt như Gióp, với nỗi băn khoăn và thắc mắc không nguôi về đau khổ, đã và vẫn còn gây sự chú ý không phải chỉ về mặt triết học mà cả về mặt văn chương và nghệ thuật. Rồi chúng ta phải nói sao đây về Tân Ước? Từ cuộc Hạ Sinh Đức Giêsu đến đồi Golgotha, từ cuộc Hiển Dung đến sự Phục Sinh của Người, từ những phép lạ đến bài giảng, cho đến những biến cố đã được thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ hay đã được tiên báo trong sách Khải Huyền trong bối cảnh cánh chung, biết bao nhiêu lần những lời lẽ của Thánh Kinh đã trở thành hình ảnh, âm nhạc và thi ca, nhằm gợi lại mầu nhiệm “Ngôi Lời nhập thể” bằng ngôn ngữ nghệ thuật.

Trong lịch sử văn hóa của loài người, tất cả những điều vừa kể đúng là một chương sử rất phong phú của niềm tin và cái đẹp. Hơn ai hết, các tín hữu đã học được rất nhiều từ đó, làm lợi cho kinh nghiệm cầu nguyện và sống đạo của mình. Thật vậy, khi chưa mấy ai biết đọc và biết viết, nhiều người đã coi những cách trình bày tượng hình của Thánh Kinh là một phương thế cụ thể để học hỏi giáo lý. Nhưng, dù tin hay không tin, ai ai cũng vẫn coi các tác phẩm nghệ thuật, được cảm hứng từ Thánh Kinh, là một cách suy tư về một mầu nhiệm khôn dò, đang bao trùm và ngự trị trên thế giới”[16].

1.2. Kinh Thánh hiện thực hóa tác phẩm

“Khi Kinh Thánh được đọc trong cùng một tinh thần mà nó đã được viết ra, nó luôn luôn mới mẻ. Cựu Ước không bao giờ cũ một khi người ta đưa nó vào trong Tân ước, bởi vì tất cả đều được biến đổi do Thánh Thần duy nhất là Đấng linh hứng cho nó. Toàn bộ bản văn thánh có được nhiệm vụ tiên tri: nó không liên quan đến tương lai, nhưng là ngày hôm nay của người được nuôi dưỡng bằng Lời này. Chính Chúa Giê-su khẳng định điều đó một cách rõ ràng lúc khởi đầu sứ vụ: “Hôm nay đã hoàn thành đoạn Kinh Thánh mà anh chị em vừa nghe” (Lc 4, 21). Kẻ được nuôi dưỡng mỗi ngày bằng Lời Chúa, cũng giống như Chúa Giê-su, làm cho mình trở thành người đồng thời với những con người mà mình gặp gỡ; nó không bị cám dỗ rơi vào những nỗi nhớ khô cằn của quá khứ, cũng như những ảo vọng không tưởng hướng về tương lai” (Tự sắc Aperuit Illis 12)[17].

1.3. Tương quan hổ tương giữa đức tin và nghệ thuật

“Trong số những đề tài được thánh Augustino làm việc, ta thấy có bài viết “về âm nhạc”. Còn thánh Hilario thành Poitiers, thánh Ambrosio, Prudentio, Ephrem người Syria, thánh Gregorio người Nazianzo và Paulino người Nola, (đó là mới chỉ kể một số), tất cả các vị ấy đều đẩy mạnh thi ca Kitô giáo với chất lượng cao không phải chỉ về mặt thần học mà cả về mặt văn chương. Trong các tác phẩm thi ca của mình, các vị ấy đánh giá cao những hình thức văn chương kế thừa từ các tác giả cổ điển, nhưng luôn lấy chất liệu nguyên tuyền từ Tin Mừng nuôi sống mình, như Paulino thành Nola đã nhận xét một cách hết sức chính xác: “Nghệ thuật duy nhất của chúng ta là đức tin và nền âm nhạc duy nhất của chúng ta là Đức Kitô”. Ít lâu sau, thánh Gregorio Cả đã biên soạn cuốn “Antiphonarium” (sách Điệp Ca) và như vậy, ngài đã đặt nền tảng cho nền thánh nhạc độc đáo nhất của Kitô giáo được phát triển; nền thánh nhạc này đã được đặt tên theo tên của ngài. Trải qua nhiều thế kỷ, nhạc Gregorio, với những giai điệu được cảm hứng, đã trở thành âm nhạc của Giáo Hội trong những lúc cử hành các mầu nhiệm thánh theo phụng vụ. Thế là “cái đẹp” đã được ghép với “cái thật”, giúp các tâm hồn được nâng lên khỏi thế giới giác quan và đi vào thế giới vĩnh cửu”[18].

1.4. Một nền văn hóa đậm chất Tin mừng

“Cả một nền văn hóa đã thấm nhuần Tin Mừng, dù có những giới hạn không thể tránh được của tất cả những gì là nhân loại. Nếu thần học lúc ấy đã sản sinh ra bộ “Tổng luận thần học” của thánh Tôma Aquinô thì nghệ thuật thánh đường cũng khuôn đúc các chất liệu xây dựng sao cho chúng có thể giúp ta thờ phượng mầu nhiệm Thiên Chúa, còn các thi sĩ trác tuyệt như Dante Alighieri thì sáng tác ra “bài thơ thánh, bài thơ do trời và đất bắt tay nhau tạo thành”, như chính ông đã mô tả khi nói về tập thơ “Vở kịch thần linh” (Divine Comedy).”[19]

2. Giáo Hội luôn cần…

2.1. Trước một thế giới lãnh đạm với tâm thức đức tin

“Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng trong kỷ nguyên hiện đại này, bên cạnh chủ nghĩa nhân bản của Kitô giáo đã không ngừng sản sinh ra những tác phẩm văn hóa và nghệ thuật quan trọng, còn có một thứ chủ nghĩa nhân bản khác đang dần dần khẳng định được vị trí của mình; chủ nghĩa này có đặc điểm là không đề cập đến Thiên Chúa hay nhiều khi chống đối lại Thiên Chúa. Tình hình này đôi khi đưa tới hiện tượng: chia rẽ thế giới văn hóa với thế giới đức tin, ít là ở chỗ nhiều nhà nghệ sĩ hiện nay đã bớt quan tâm tới các đề tài tôn giáo”[20].

2.2. Giáo Hội cần…

- Giáo Hội cần đến nghệ thuật. Nghệ thuật có nhiệm vụ là làm cho thế giới tinh thần, thế giới vô hình, thế giới Thiên Chúa trở nên có thể cảm nhận được và trở nên hấp dẫn càng nhiều càng hay…

- Giáo Hội đặc biệt cần đến những người có thể làm công tác ấy trong lãnh vực văn chương và tạo hình, dùng được những khả năng vô tận của các hình ảnh và sức mạnh biểu tượng của chúng. Chính Đức Kitô cũng đã sử dụng rất nhiều hình ảnh trong các bài giảng của Ngài, cho theo kịp với ước nguyện của Ngài là trở thành hình tượng của Thiên Chúa vô hình, qua mầu nhiệm Nhập Thể.

- Giáo Hội cũng cần các nhạc sĩ. Biết bao tác phẩm linh thiêng đã được sáng tác qua nhiều thế kỷ do những người có cảm thức sâu sắc về mầu nhiệm!...

- Giáo Hội cũng cần các nhà kiến trúc, vì Giáo Hội cần có những không gian cho dân Chúa tụ họp và cử hành các mầu nhiệm cứu độ…[21]

2.3. Văn học nghệ thuật là “nguồn thần học thứ thiệt”

“Cũng nhờ các nghệ sĩ ấy mà “Thiên Chúa được mặc khải nhiều hơn, Tin Mừng được trở nên rõ ràng hơn cho tâm trí loài người”. Trong viễn tượng này, không có gì là lạ khi cha Marie Dominique Chenu cho rằng nhà viết sử thần học kể như chưa làm xong nhiệm vụ khi không chú ý đủ tới các tác phẩm nghệ thuật, cả nghệ thuật văn chương lẫn nghệ thuật tạo hình, vì theo cách của mình, chúng “không chỉ là những công trình thẩm mỹ mà còn là những nguồn thần học thứ thiệt”[22].

3. Giáo Hội luôn muốn

Để biết Giáo Hội “muốn gì” nơi những người văn nghệ sĩ trong thời đại hôm nay, xin được giới thiệu những “giáo huấn mang tính thời sự của Hội Thánh” thông qua ba văn kiện quan trọng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium), Tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội (Fratelli Tutti), Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta (Laudato Sí); và định hướng “Hiệp Hành” của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI.

3.1. Trở thành “thừa tác viên Tin Mừng” đầy lửa

“Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu “niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt... Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô” (EG 10).

3.2. Lưu tâm đến người nghèo

“Không ai được nói mình không thể gần gũi người nghèo vì nếp sống của mình đòi hỏi phải chú ý tới những lãnh vực khác. Đây là một lời bao biện thường nghe thấy trong các giới học thuật, doanh nghiệp hay chuyên môn, thậm chí cả trong giới giáo sĩ. Tuy đúng là ơn gọi cơ bản của người tín hữu giáo dân là cố gắng làm cho các thực tại trần thế và mọi hoạt động nhân loại được biến đổi bởi Tin Mừng, nhưng không một ai trong chúng ta được miễn khỏi sự quan tâm tới người nghèo và công bằng xã hội: “Sự hoán cải thiêng liêng, tình yêu sâu đậm với Thiên Chúa và tha nhân, nhiệt tình đối với công lý và hoà bình, ý nghĩa Tin Mừng của người nghèo và cảnh nghèo, là những điều đòi hỏi mọi người” (EG 201).

3.3. Với xã hội và môi trường sinh thái

- Xã hội: “Đối mặt với bao nỗi đau, với những vết thương, lối thoát duy nhất là làm như người Samari tốt lành. Mọi chọn lựa khác sẽ dẫn ta hoặc về phía bọn cướp, hoặc về phía những người bỏ đi, không xót thương trước nỗi khổ đau của nạn nhân đang quằn quại bên đường. Dụ ngôn chỉ cho chúng ta thấy cách thức xây dựng lại cộng đồng, khởi đi từ những con người biết đồng cảm với các yếu nhược của người khác, không chấp nhận một xã hội loại trừ, nhưng vì thiện ích chung, sẵn sàng đến bên, nâng dậy và phục hồi người quỵ ngã. Đồng thời, dụ ngôn còn cảnh giác chúng ta tránh thái độ của những người chỉ biết lo cho bản thân mà không chịu gánh vác những trách nhiệm không thể thoái thác của cuộc sống mỗi ngày.” (Fratelli Tutti 67)[23].

- Sinh thái: “Trong sự hiệp nhất với mọi loài thụ tạo, chúng ta đi trên hành trình ngang qua mảnh đất này để tìm kiếm Thiên Chúa, vì “nếu thế giới có khởi đầu và nếu nó được dựng nên, thì chúng ta phải tìm hiểu ai đã cho nó sự khởi đầu ấy, và ai là Đấng Tạo Hóa của nó”. Chúng ta hãy ca tụng và bước đi. Ước gì những đấu tranh và quan tâm của chúng ta dành cho hành tinh này không bao giờ làm cho chúng ta mất niềm hy vọng.” (Laudato Sí 244)[24].

3.4. Cùng đi với nhau: hiệp hành

“Tiếp theo đường hướng canh tân Hội thánh do Công đồng Vatican II đề xuất, cuộc hành trình cùng đi chung với nhau này vừa là một hồng ân vừa là một nhiệm vụ. Bằng cách cùng nhau suy tư về hành trình đã qua, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các thành viên trong Giáo hội sẽ có thể học hỏi kinh nghiệm và quan điểm của nhau. Được soi sáng bởi Lời Chúa và hiệp nhất trong lời cầu nguyện, chúng ta sẽ có thể phân định các diễn trình để tìm kiếm thánh ý Chúa và theo đuổi các con đường mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta - hướng tới sự hiệp thông sâu sắc hơn, tham gia đầy đủ hơn và với tinh thần cởi mở hơn để hoàn thành sứ mạng của mình trong thế giới.(…) Trước hết và trên hết, tính hiệp hành biểu thị một phong cách đặc trưng của đời sống và sứ mạng của Hội thánh, diễn tả bản chất của Hội thánh là Dân Thiên Chúa đồng hành cùng nhau và tập họp trong cộng đoàn, được Chúa Giêsu quy tụ bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng. Tính hiệp hành phải được thể hiện trong cách sống và làm việc bình thường của Hội thánh. Theo nghĩa này, tính hiệp hành giúp cho toàn thể Dân Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, tham gia vào sứ mạng của Giáo hội trong sự hiệp thông mà Đức Kitô thiết lập giữa chúng ta. Cuối cùng, con đường đồng hành này là cách hiệu quả nhất để biểu lộ và thực hành bản chất của Giáo hội với tư cách là Dân Chúa lữ hành và truyền giáo” (Vademecum 1.2).

Kết: đừng khép lại cánh cửa tinh thần

Chúng ta vừa khám phá lại những gì Giáo Hội muốn và cần chúng ta, những người đang dấn thân cho môi trường mục vụ văn học nghệ thuật. Về phía chúng ta, đã đến lúc chúng ta cần tái xác nhận điều quan trọng mang tính cốt lõi nầy: chúng ta đang cần Giáo Hội và càng phải “thuộc về Giáo Hội nhiều hơn”; hay như lời hiệu triệu của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, càng “liên minh mật thiết hơn” với Tin mừng:

“Còn các nghệ sĩ Kitô Giáo, tôi cũng xin có lời hiệu triệu đặc biệt đối với các bạn: tôi muốn nhắc anh chị em nhớ rằng, ngoài những suy nghĩ nặng tính chức năng trên đây, ta còn thấy có một sự liên minh chặt chẽ và luôn luôn giữa Tin Mừng và nghệ thuật, nghĩa là các bạn được mời sử dụng trực giác sáng tạo của mình để đi sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể và đồng thời, đi sâu vào mầu nhiệm con người.”[25].

Trong một thế giới mà chiến tranh, hận thù, dịch bệnh, chết chóc…, những biểu hiện rõ nét của sự dữ, sự ác, sự xấu đang lấn áp cái chân, cái thiện, cái mỹ… thì vai trò chứng nhân của “cái hay, cái đẹp, cái nhân văn…” cần thiết hơn bao giờ hết, như khẳng quyết của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:

“Mọi tín hữu đều được mời gọi làm chứng điều này. Nhưng cách riêng, là những người đã hiến dâng cả đời cho nghệ thuật, anh chị em có nghĩa vụ phải dùng hết khả năng sáng tạo phong phú của mình để công bố thế giới đã được cứu chuộc trong Đức Kitô: con người được cứu độ, thân xác con người được cứu độ, toàn thể thụ tạo đang “sốt ruột chờ đợi sự mặc khải của con cái Chúa” (Rm 8,19). Thụ tạo cũng đang chờ đợi sự mặc khải của con cái Chúa qua nghệ thuật và trong nghệ thuật. Đây chính là nhiệm vụ của anh chị em. Nhân loại thời nào, kể cả thời nay, đều mong muốn các tác phẩm nghệ thuật soi sáng cho đường đi và số phận của nhân loại.”[26].

Vì thế, một lần nữa, chúng ta, những văn nhân nghệ sĩ, cam kết biến những lời mời gọi của Thánh Công Đồng chung Vatican II thành hiện thực, đó là: Xin đừng đóng cửa tinh thần quí vị trước hơi thở của Thánh Thần Chúa”.

WHĐ (14.11.2023)



[1] X. SỨ ÐIỆP CỦA CÔNG ÐỒNG VATICANÔ II GỬI ÐẾN TẤT CẢ MỌI NGƯỜI, số 18, Bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Piô X, II. Sứ điệp nhân dịp  bế mạc (8.12.1965), Gửi giới văn nghệ sĩ, số 17,18,19, Website: https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/CongDong/07SuDiepChoMoiNguoi.htm

[2] LM. AUGUSTINÔ NGUYỄN VĂN TRINH, Lịch sử hình thành quyển Kinh Thánh, nxb Tôn Giáo 2018, tr. 12.

[3] SĐD, tr. 110

[4] JOSEPH RATZINGER, ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI, Đức Giêsu ở Nazareth, bản dịch của Phạm Hồng Lam, nxb Tôn Giáo 2023, tr. 229.

[5] LẠI NGUYÊN ÂN (BIÊN SOẠN), 150 thuật ngữ văn học, nxb Kim Đồng 2023, tr. 42.

[6] THƯ ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II GỬI CÁC NGHỆ SĨ, ngày 04 tháng 04 năm 1999.

[7] SĐD

[8] DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ dành cho các nghệ sĩ nhân dịp kỷ niệm  50 năm khai trương bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại của Bảo tàng Vatican, Nhà nguyện Sistine, Thứ Sáu, ngày 23/6/2023, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-van-duc-thanh-cha-phanxico-danh-cho-cac-nghe-si-ngay-23-06-2023-51101

[9] THƯ ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II GỬI CÁC NGHỆ SĨ, sđd.

[10] DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ dành cho các nghệ sĩ…, sđd.

[11] Sđd

[12] THƯ ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II GỬI CÁC NGHỆ SĨ, sđd.

[13] Sđd

[14] DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ dành cho các nghệ sĩ…, sđd.

[15] ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI, Diễn văn ngày 21/05/2011, nhân dịp tiếp kiến các vị lãnh đạo, các giáo sư và sinh viên của Đại Học Công Giáo Sacré-Cœur, nhân dịp 90 thành lập Đại học này.

[16] THƯ ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II GỬI CÁC NGHỆ SĨ, sđd.

[17] ĐGH PHANXICÔ, Tông sắc Aperuit Illis của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thiết lập Ngày Chúa Nhật Lời Chúa, bản dịch của UBKT, số 12.

[18] THƯ ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II GỬI CÁC NGHỆ SĨ, sđd.

[19] SĐD

[20] SĐD

[21] SĐD

[22] SĐD

[23] ĐGH PHANXICÔ, Thông điệp Fratelli Tutti Về tình huynh đệ và  tình bằng hữu xã hội, công bố ngày 3.10.2020, chuyển ngữ: Nhóm Dịch thuật HĐGMVN, nxb Tôn Giáo 2021.

[24] ĐGH PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Sí Về việc chăm sóc Ngôi nhà cung của chúng ta, ban hành tại Rôma ngày 24.05.2015, chuyển ngữ: Ủy Ban Bác ái xã hội – Caritas Việt Nam,

[25] THƯ ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II GỬI CÁC NGHỆ SĨ, sđd.

[26] SĐD