CAI NGHIỆN GAME ONLINE
Fx Nguyễn Minh Thiệu SDB
- Phương tiện
truyền thông đang ảnh hưởng mạnh mẽ trên đời sống con người thời đại. Chúng ta
cần hiểu rằng: ngày nay truyền thông xã hội không chỉ giản lược vào việc dùng
các phương tiện; thực vậy, nó đã trở thành một tác nhân rất mạnh mẽ cổ xuý và
truyền bá những lối sống và thái độ cá nhân, gia đình và xã hội.
- Phương tiện
truyền thông hiện đại xuất hiện như là phương tiện cần thiết của cuộc sống, vì
vậy thời đại chúng ta là thời đại thông tin.
- Phương tiện truyền
thông không chỉ là những sản phẩm của do trí tuệ con người nhưng còn là những hồng
ân lớn lao của Thiên Chúa ban cho con người. Nên ta cần phải có khả năng để biết
tận dụng và khai thác những tiện ích của chúng nhằm thăng tiến con người và phục
vụ cho cộng đồng nhân loại.
- Tuy nhiên,
chúng ta cũng cần biết rằng phương tiện truyền thông như “con dao hai lưỡi”, nó
thể là một dụng cụ tốt trong tay ngay có đạo đức và được giáo dục nhưng nó có
thể là một vũ khí giết người khi nó nằm trong tay một người không có đạo đức
hay không được giáo dục.
- Đứng trước những
thách đố mới trong việc giáo dục và sử dụng các phương tiện truyền thông tại Việt
Nam tôi xin được chia sẻ với quí vị những vấn đề liên quan đến sử dụng Internet
và nghiện game online. Và để có được một cái nhìn tổng quát về tình trạng và mức
độ ảnh hưởng của game online trên giới trẻ Việt Nam tôi cũng xin gửi đến quí vị
những thông tin và số liệu cụ thể góp nhặt từ các sách báo, internet. Bên cạnh
đó, chúng ta cũng cần biết các đặc điểm của “văn hóa kỹ thuật số” hầu có thể nhận
ra được nguyên nhân sâu xa dẫn đến “nghiện game online” và mức độ ảnh hưởng của
nó đến đời sống con người thế nào, từ đó cũng giúp chúng ta đưa ra những giải
pháp hữu hiệu cho việc “phòng - chữa nghiện game online”.
Những con số đáng chú ý liên quan tới game online
- Năm 2008: Số
người dùng Internet ở VN tăng 100 lần sau 8 năm. Năm 2000 chỉ có khoảng 200.000
người dân trong nước truy cập mạng thông tin toàn cầu, nhưng chưa đầy một thập
kỷ sau, con số này đã tăng lên 20,2 triệu, chiếm 23,4% dân số.
- Việt Nam đứng
thứ 6 ở châu Á về số người kết nối Internet.
- Hà Nội hiện dẫn
đầu với hơn 60% dân số có truy cập mạng. Tại TPHCM là 50%; ở các TP lớn khác
như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Cần Thơ, con số ở khoảng 40%.
- Việt Nam chúng
ta hiện đang có 40 triệu người trẻ là đối tượng khai thác kinh tế của ngành
công nghệ thông tin.
- Vào năm 2005
các nhà cung cấp dịch vụ đã từng dự báo ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến sẽ
đem lại cho VN doanh số 10 -15 triệu USD ngay trong năm 2006 và có thể đạt mức
tăng trưởng từ 300 đến 400% mỗi năm (http://
vnexpress.net/gl/vi-tinh/2005/06/3b9decce/).
- Ông Trương Đình
Anh dự tính năm 2006, doanh thu của FPT về game online khoảng 5 triệu USD trên
1 năm. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám Đốc VASC, từng cho rằng VASC sẽ đạt doanh thu
không dưới 1 triệu USD/năm nhờ kinh doanh loại hình dịch vụ này.
- Hiện có 76 game
online đang lưu hành và cả nước có 18 công ty kinh doanh game online.
- Tháng 10/2010,
Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các trường từ cấp tiểu học, THCS và THPT tiến hành khảo
sát thực trạng học sinh chơi game online, có 1.121 trường học với tổng số
370.387 HS tham gia trả lời phiếu phỏng vấn theo mẫu. Kết quả cho thấy, hầu hết
các em trả lời từng đến đại lý Internet để chơi game online trong khoảng từ 1 tới
hơn 10 lần/tuần. Các trường thống kê có tới 3.874 đại lý Internet gần trường học
trong khoảng 200 - 1.000m, trong đó 566 quán vẫn “sống sót” sau lệnh đóng cửa
trong phạm vi cách cổng trường học dưới 200m.
(GiadinhNet)
- Theo một báo
cáo mới đây của Công ty tư vấn, nghiên cứu về Internet và công nghệ Pearl
Research (Hoa Kỳ) thì đến năm 2011, Việt Nam sẽ có hơn 10 triệu người chơi game
online. Theo một thống kê khác, trong số 20,2 triệu người sử dụng Internet ở Việt
Nam thì có đến 53% chỉ chủ yếu chat và chơi game. (Trích từ hội thảo khoa học “Nghiện internet - game online: thực trạng
và giải pháp” do Báo Đồng Nai phối hợp với Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng
Nai tổ chức, 6.8.2009)
B. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý TRONG “NỀN VĂN HÓA KỸ
THUẬT SỐ”
Khi nói đến truyền
thông, chúng ta phải nhìn với nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau của việc truyền
thông giữa con người với nhau. Đàng khác, chúng ta đã xác định ở trên, phương
tiện truyền thông như “con dao hai lưỡi” nên nó mang theo những nét tích cực và
tiêu cực, nhưng vì bài viết có giới hạn số trang; hơn nữa, ta đang tìm những
nguyên nhân và tác hại của tình trạng “nghiện game online” nên bài này tôi xin
được nêu lên một số vấn đề cần lưu ý của nền “văn hóa kỹ thuật số”.
- Văn hóa kỹ thuật
số là nền văn hóa cao tốc. Nó tạo nên
hiện tượng bị gạt ra bên lề xã hội kiểu mới. Nghĩa là những người nghèo, những
người già, những người chậm trí không có thể hay không có điều kiện để tiếp cận
hay tiếp nhận được các kiến thức, khả năng sử dụng các phương tiện truyền thông
hiện đại nên họ sẽ bị bỏ rơi hay đứng ngoài thế giới kỹ thuật mới này.
- “Phương pháp
giao diện” đang tạo nên những thái độ và não trạng mới trong nền văn hóa kỹ thuật
số. Giao diện là phương thế hành động giữa người và chiếc máy. Từ những cái
“click” chuột làm mở các trang mới; dẫn người sử dụng đi từ ngạc nhiên này qua
ngạc nhiên khác và cứ như thế khiến người sử dụng cuốn theo dòng chảy vô định.
- “Văn hóa kỹ thuật
số” tạo thuận lợi cho một cái nhìn không bình phẩm và thụ động về thế giới.
- Trong một thế
giới đầy thông tin và màu sắc của văn hóa kỹ thuật số, dễ dàng dẫn con người đến
một trạng thái tự do ảo và nhu cầu giả tạo. Thực ra, trong thế giới ảo đó,
chúng ta sẽ giống như người đi mua sắm trong một siêu thị; chúng ta tự do để
quyết định chúng ta muốn mua cái gì; nhưng chúng ta không tự do để quyết định
chúng ta sản xuất cái gì.
- Nền văn hóa mới
trình bày một nhãn quan rộng mở về thực tại. Chúng ta bị ngập chìm trong đại
dương của mọi thứ chân lý được tuyên bố là tuyệt đối. Một hậu quả dễ dàng dẫn tới
của văn hóa này là chủ nghĩa tương đối.
- Nó là một văn
hóa mà giả định mọi người là một kẻ trưởng thành; nó không kính trọng sự phát
triển tiến hóa của nhân vị, và để cho cá nhân trách nhiệm đối với những chọn lựa
của họ.
Từ những phân
tích ở trên về những mối nguy của nền “văn hóa kỹ thuật số” cho đời sống con
người, chúng ta cũng thấy tầm mức ảnh hưởng của nó không chỉ đối với thanh thiếu
niên mà có thể cho mọi thành phần; không chỉ ảnh hưởng tới cách sống mà cả lẽ sống
của con người. Thế nên, chúng ta cần phải có một kiến thức nhất định về nền văn
hóa này để có một khả năng đánh giá, và chọn lựa khôn ngoan nhằm phòng tránh những
tác hại của các phương tiện kỹ thuật mới trên đời sống chúng ta. Hơn nữa, chúng
ta cần phải học biết về những phương tiện mới này hầu biến chúng thành những dụng
cụ phục vụ cho sự phát triển con người cách toàn diện.
C. NHỮNG HẤP LỰC CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG
HIỆN ĐẠI
- Chiến thắng lớn
nhất của ngành truyền thông hiện đại là kinh tế. Lợi nhuận là tiêu chuẩn hàng đầu
của các nhà kinh doanh truyền thông xã hội. Ta có thể nhận thấy sức hấp dẫn và
sự phát triển tốc độ của việc kinh doanh game online, đồ dùng điện tử, nhất là
điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay.
- Cám dỗ kinh tế
đã khiến cho một số nhà kinh doanh và thậm chí có những tổ chức xã hội lao đầu
vào làm ăn mà bất chấp thủ đoạn hay tác hại trên đời sống đạo đức của con người.
- Người trẻ là đối
tượng chính trong thế giới truyền thông hiện đại. Họ dễ bị lôi cuốn vào một thế
giới đề cao vật chất hay rộng mở cho việc thoả mãn những nhu cầu xác thịt.
- Sứ điệp ngày Thế
Giới Truyền Thông lần thứ 43, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI có lưu ý rằng: “Đang khi ngành công nghệ kỹ thuật mới được
mời gọi phải phục vụ cho thiện ích của các cá nhân và xã hội, thì những người sử
dụng chúng phải xa tránh sự chia sẻ những lời nói và hình ảnh làm mất phẩm giá
con người; nghĩa là, loại trừ những gì đang nuôi dưỡng lòng hận thù và sự bất
bao dung, những gì làm giảm giá vẻ đẹp và sự sâu kín của giới tính con người,
những gì khai thác những người yếu đuối và những người dễ bị thương tổn.”
- Một trong những
hấp lực trong game Online là khẳng định chính mình qua những thành tích, thăng
cấp, chiến lợi phẩm từ những cuộc chém giết đối thủ.
- Người chơi hóa
thân hay nhập vai trong hình ảnh của “một siêu nhân” trong cuộc chơi. Chính nhờ
tính cách và khả năng mà người chơi tự tạo cho hình ảnh ảo của mình trong trò
chơi đã khiến “người chơi thành đồ chơi”, biến “cuộc chơi thành cuộc sống”.
- Đức Thánh Cha
Bênêđictô XVI đã cảnh báo rằng: “Thật
đáng buồn biết bao nếu vì tình bạn online (qua internet) của chúng ta mà phải
hy sinh mối tương quan với gia đình, với bà con thân thuộc và với những người
ta gặp gỡ trong đời thường: nơi công xưởng, ở trường học, giờ giải trí. Quả thế,
khi ước muốn kết nối ảo trở thành nỗi ám ảnh ta mãi, thì hậu quả là người ấy tự
tách mình, cắt đứt mối tương tác xã hội thật. Hơn nữa, điều đó làm xáo trộn thời
gian nghỉ ngơi, thinh lặng và suy nghĩ cần thiết cho một sự phát triển nhân bản
lành mạnh.” (Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 43)
3. CÁM DỖ LOẠI TRỪ
THIÊN CHÚA
Trong không gian ảo
mọi sự đều được san bằng, không phân biệt tuổi tác, không gian, thời gian, bằng
cấp... Các giá trị của đời sống con người được đặt ngang nhau; mọi cái đều
tương đối, kể cả Lời Chúa hay Thiên Chúa. Trong xã hội ảo này, con người cũng
có thể tuyệt đối hóa chính mình và thần tượng hóa những hình ảnh mà mình tạo
ra. Thế nên ta sẽ thấy có những con người đã dám từ bỏ tình nghĩa vợ chồng, chối
bỏ đức tin, từ bỏ ơn gọi tu trì để ngày đêm sống với cái máy; ta cũng đã thấy
có hiện tượng cưới nhau trên mạng và họ có thể cùng sống chung trên mạng.
D. NHỮNG LÝ DO DẪN ĐẾN NGHIỆN GAME ONLINE
Chúng ta có thể
nêu ra những lý do khách quan và chủ quan khiến những người chơi game online trở
thành con nghiện là:
1. THIẾU GIÁO DỤC
- Bậc thang giá
trị đạo đức
- Khả năng tự
giáo dục, tự quản, tự chế
- Kiến thức cơ bản
trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông
- Khả năng đánh
giá, phê bình và chọn lựa thông tin
2. SỬ DỤNG THỜI
GIAN KHÔNG ĐÚNG
- Có nhiều thời
gian rảnh
- Không biết sử dụng
thời gian cho đúng với những đòi hỏi khác nhau của những bổn phận
- Khi vào mạng thật
khó định mức cho thời gian (lang thang trên mạng)
3. THIẾU KHÔNG
GIAN LÀNH MẠNH
- Gia đình trống
vắng
- Thiếu nơi giải
trí
- Thiếu người đồng
hành và tổ chức giải trí
4. NHU CẦU XẢ
STRESS
- Áp lực của công
việc
- Gặp thất bại mà
không biết giải quyết hoặc không có người để chia sẻ
- Muốn tìm nơi an
toàn
- Muốn giải quyết
nỗi cô đơn
- Muốn có một mối
tương quan
- Muốn khẳng định
mình
Theo lời Keith
Bekker, (người sáng lập trung tâm cai nghiện game đầu tiên và duy nhất ở Châu
Âu được đăng trên BBC ) chỉ có 10% trong số họ thật sự bị nghiện game. Chín
mươi phần trăm còn lại tuy có những triệu chứng như nghiện nhưng không phải như
thế. Một trong những lý do khiến thiếu niên không yêu cầu được giúp đỡ vì họ
nghĩ nếu họ làm việc đó, cũng không ai giúp họ. Tôi thích chơi vì mọi người
không thấy tôi ngoài đời, họ chấp nhận tôi như là một nhân vật online. Tôi cảm
thấy vui khi là một phần trong một party. Tôi biết mình chơi quá nhiều nhưng
không biết phải làm gì. Nhưng nó giúp tôi có thể giải tỏa những căng thẳng
ngoài đời thực.
5. HẤP LỰC ĐỒNG
TIỀN
- Làm giàu mà
không cần vốn
- Làm giàu mà
không cần bằng cấp
- Làm giàu trong
tích tắc
- Tìm kiếm được
nhiều thứ, nhanh, rẻ
6. THỎA MÃN TÍNH
TÒ MÒ
- Muốn tìm kiếm
cái mới: tài liệu, kỹ thuật
- Hấp lực của
hình ảnh, nhất là hình ảnh, sách báo và các dịch vụ khiêu dâm
- Thoả mãn tính
tò mò mà không bị dòm ngó hay phát hiện
7. CẢM GIÁC “TỰ
DO ẢO”
- Muốn tìm cái gì
cũng có và tìm thật dễ
- Không bị ai
giám sát
- Muốn nói gì,
cho gì mà không sợ trách nhiệm
- Muốn mình thế
nào cũng được
8. TÌNH CHO KHÔNG
BIẾU KHÔNG
- Tương quan rộng
mở - vô tận
- Bình đẳng trong
tương quan
- Tìm kiếm dễ
dàng và chọn lựa tùy ý
- Hoá thân và nhập
vai trong các nhân vật
E. TÁC HẠI CỦA GAME ONLINE TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
Những tác hại của
game online trên người nghiện không chỉ thể lý mà cả tinh thần. Cái mất của người
bị nghiện không chỉ ở thời gian hay tiền bạc mà có thể cả mạng sống và ý nghĩa
sống. Phần này tôi xin được trích dẫn từ những ý kiến khác nhau của các nhà
chuyên môn và từ những sự kiện xảy ra trong môi trường chúng ta đang sống.
1. LỆCH LẠC NHÂN
CÁCH
Theo một nghiên cứu
mới đây của các nhà chuyên môn, các bạn trẻ, nhất là trẻ em một khi vô tình đã
“nghiện” game online, khí chất các em sẽ dễ trở nên hung hăng hơn, thường tỏ ra
dễ dàng xung đột với người lớn và học hành tụt hậu.
Tiến sĩ Kevin
Kieffer (Trường Đại học Saint Leo ở Florida, Mỹ), dựa trên 20 năm nghiên cứu vấn
đề này, nói: “Các game thủ trẻ tuổi thường có xu hướng bắt chước những hành động
mà chúng vừa thể hiện trong game. Riêng những triệu chứng của nghiện game bao gồm:
Luôn bị ám ảnh bởi game; mất khả năng thực hiện những nhiệm vụ bình thường hằng
ngày; mất khả năng tự kiểm soát; mọi sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn; cảm thấy
bồn chồn sốt ruột khi không được lên mạng, chơi game...”.
2. LỆCH LẠC NHẬN
THỨC VỀ SINH LÝ
Anh Hoàng Dương
Bình - Giám đốc Trung tâm tư vấn Hoàng Nhân nói: “Các biểu hiện dễ nhận thấy, thứ nhất là sự lệch lạc nhận thức, không
gian tình dục trong tâm trí trẻ. Thứ hai là có thể dẫn đến sai lệch hành vi
tính dục, điều này rất nguy hiểm”.
3. SỨC KHỎE THỂ
LÝ
a. Rối loạn thị giác vì chơi game: Theo bác sĩ Nguyễn Cường Nam, Trung tâm Y khoa Medic
TPHCM: Người chơi game do sử dụng máy tính quá nhiều và quá tập trung làm mắt
luôn mở to. Khi số lần chớp mắt giảm, mắt bị khô không đủ độ trơn để lau sạch bụi,
lâu ngày giác mạc sẽ bị tổn thương. Ngoài ra, sự phản chiếu ánh sáng xung quanh
và ánh sáng từ màn hình máy tính dễ làm mắt mệt mỏi, nếu màn hình chập chờn thì
sự mệt mỏi của mắt càng nặng hơn.
b. Tử vong do trụy tim mạch hoặc vỡ mạch
máu não: Theo bác sĩ Đỗ
Hoàng Giao, Phó Giám đốc BV Gia Định TPHCM, tình trạng căng thẳng, lo lắng, tập
trung kéo dài dễ dẫn đến những bệnh tim mạch. Vì vậy, người có bệnh tim tiềm
tàng phải tập trung cao độ, ăn uống thất thường, mất ngủ kéo dài dễ tử vong do
trụy tim trong khi chơi game. Riêng người dị dạng mạch máu não khi chơi game rất
dễ đột quỵ do vỡ mạch máu.
Bác sĩ Nguyễn Thi
Hùng, chuyên Khoa Nội thần kinh, Phó Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, cho rằng
những trò chơi có tính chất ăn thua không giúp người chơi thư giãn mà ngược lại
mức độ căng thẳng còn tăng hơn. Và ngay cả khi đối tượng không bị cao huyết áp
nhưng tính chất trò chơi gây mệt mỏi, lo lắng và stress quá mức dễ làm vỡ mạch
máu gây tử vong hoặc để lại những tổn thương não khó hồi phục, bệnh nhân sống đời
sống thực vật.
c. Càng nghiện game càng stress: Theo bác sĩ Quỳnh Diệp, do quá tập trung vào
trò chơi, mà cuộc sống của người nghiện game còn bị xáo trộn. Họ ngày càng ít
giao tiếp với bên ngoài, dần dà trở nên cô độc.
4. SỨC KHỎE TÂM
THẦN
Theo bác sĩ Lê
Minh Công: Nhiều em có biểu hiện của
các rối loạn hành vi như ăn cắp, nói dối, bỏ nhà ra đi... Nhiều em lại rơi vào
các trạng thái của trầm cảm và các bệnh lý tâm căn bởi stress trường diễn do chứng
nghiện game online mang lại. Đã có những em có hành vi tự hủy hoại bản thân như
tự tử chỉ vì nghiện game online.
5. TƯƠNG QUAN LỆCH
LẠC
Theo bác sĩ Lê
Minh Công (Tuổi trẻ): Đa số các em có
kiểu hành xử và nhầm lẫn giữa đời sống thực tại và những tình huống ảo. Các em
ngày càng xa rời thực tế, ít liên quan đến cuộc sống thực của mình. Dần dần các
mối quan hệ trong cuộc sống trở nên tẻ nhạt và khó khăn. Nhiều em đặt ra những
tình huống và giá trị sống như trong các tình huống online, coi đó là định hướng
cho cuộc sống của mình như bỏ nhà đi bụi, kết thân với những “anh hùng hảo
hán”...
Bác sĩ Quỳnh Diệp
cho rằng trẻ bị rối loạn tâm lý hay trầm cảm do tác động từ gia đình hay xã hội
vốn rất khó điều trị, còn với trẻ bị trầm cảm do nghiện game thì việc điều trị
càng khó khăn hơn do chúng bị tác động bởi mối quan hệ trong thế giới ảo!
6. SUY ĐỒI ĐẠO ĐỨC
Giết bà nội, cướp 200.000 đồng để... chơi game (10.1.2009 Quảng Nam): Lê Quý Thông (SN 1994, trú
tại tổ 5, khu Ái Mỹ, TT Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) 10 năm tù về tội “giết người”
và 2 năm tù về tội “cướp tài sản”.
Giết bố vì mê game: Con trai, bước vào cuộc chơi cuồng dại, khi
games làm mờ mắt, thì bắt đầu dùng những hành vi thú tính nhất của mình. Con
trai bị bố mắng nặng nề, liền cầm dao chém thẳng vào sau đầu bố. Bố đã gục xuống
dưới lưỡi dao của con mình. (Theo An ninh
Thế giới)
Phạm tội giống như trong các games bạo lực: Trần Đức Hưng ngụ ấp Hồi Xuân, xã Xuân Hiệp (Trà
Ôn), năm nay mới bước vào tuổi 16 nhưng phải ra trước vành móng ngựa trả giá về
tội “giết người” và “cướp tài sản”.
“Hạ độc” cô ruột bằng thuốc chuột: TAND tỉnh vừa đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Nhật
Trường ngụ xã Tân Hưng (Bình Tân). Trường cũng còn tuổi ở vị thành niên (sinh
27.8.1993) và cũng vì mê games mà phạm tội giết người. Bị hại không ai xa lạ,
chính là người cô ruột đã từng thương yêu lo lắng cho Trường.
F. NHỮNG ĐỀ NGHỊ CHO VIỆC ĐỀ PHÒNG VÀ CHỮA LÀNH
NGHIỆN GAME ONLINE
1. DỰ PHÒNG
- Môi trường an
toàn : gia đình, bạn bè, nhà trường, môi trường giải trí... đó là những nơi cần
có sự hiện diện, đồng hành của cha mẹ và các thầy cô. Nếu gia đình nào có khả
năng trang bị máy vi tính và nối mạng thì cần lưu ý vị trí đặt máy tính - nơi
đó là nơi chung, luôn có người qua lại hay dễ nhìn thấy, không nên đặt trong
phòng riêng với lý do để yên tĩnh học hành.
- Cha mẹ và các
nhà giáo dục cần trang bị cho mình và cho con cái những thông tin và kiến thức
về việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là về Internet và
game online.
- Hướng dẫn và
giúp con em xác định rõ lý tưởng sống.
- Hoạch định thời
khóa biểu trong ngày cho con cái và bao có thể, cả gia đình cùng với con cái thực
hiện cho đúng.
- Hiện diện thân
tình và liên tục của cha mẹ cũng như các nhà giáo dục là cần thiết: khi chơi,
khi học hành hay làm việc.
- Cài đặt chương
trình ngăn chặn các web xấu và kiểm tra những địa chỉ con em truy cập.
- Trang bị cho
con em những kiến thức đạo đức hầu phân biệt cái tốt xấu mà chọn lựa cho đúng.
- Phát hiện kịp
thời những biểu hiện khác lạ nơi con em trong việc sử dụng tiền bạc, thời gian,
tính khí thay đổi, kết quả học tập sút kém.
- Ở cấp độ xã hội:
hiện nay ở Tp. HCM xem ra “đơn phương độc mã” đưa ra giải pháp là đóng cửa dịch
vụ Internet hay đóng đường chuyển game online, thời gian từ 22g00 tới 8g00 sáng
hôm sau. Đây là một thách thức lớn đối với các nhà kinh doanh game online.
Nhưng mạnh mẽ hơn để có thể cứu lấy giới trẻ trước tình trạng nghiện game
online như hiện này là loại bỏ hình thức giải trí này và mở rộng các sân chơi
khác cho giới trẻ.
- Đối với các hoạt
động mục vụ thanh thiếu niên trong giáo hội: chúng ta không thể đứng ngoài cuộc
chiến chống “nghiện game online”, vì tác hại của nó trên đời sống người trẻ
công giáo. Chúng ta cần mở ra các sân chơi và các hoạt động sinh hoạt có tính tập
thể; đồng thời, mở ra các chương trình hội thảo, các khóa huấn luyện về sử dụng
các phương tiện truyền thông cho các phụ huynh, các giáo lý viên và cho cả các
thanh thiếu niên. Đây là lời mời gọi của giáo hội trong việc các chương trình
huấn luyện các linh mục tương lai và các giáo lý viên trên toàn thế giới. Chúng
ta cần “góp một bàn tay” ở nhiều cấp độ khác nhau trong giáo hội để chữa lành
tình trạng “nghiện game online” trước khi quá muộn.
2. CHỮA LÀNH CÓ
TÍNH TOÀN DIỆN
- Lý do khiến người
chơi nghiện game online là rất nhiều như ta đã trình bày ở trên. Đàng khác,
chúng ta cũng cần xét đến mức độ nghiện, tính cách và hoàn cảnh của người nghiện
để đưa ra một phương thế chữa lành cho phù hợp và hữu hiệu. Nên ở đây tôi xin
đưa ra một số gợi ý chung để chúng ta áp dụng vào trong từng trường hợp sao cho
hữu hiệu nhất.
- Nếu đối tượng
đã nghiện thì cần cách ly khỏi môi trường nguy hiểm nhưng không phải là chuyển
vào một môi trường đóng kín, lạnh lùng và nghiêm khắc như nhà tù. Ngược lại, phải
mang tính gia đình (Môi trường nội trú để học văn hóa, học nghề là tốt nhất).
- Cần thiết lập một
chương trình sống hài hoà giữa học hành, làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ và giải
trí.
- Xin được nhắc lại,
sự đồng hành liên tục và thân tình của các nhà giáo dục (cha mẹ, thầy cô và các
chuyên viên: tâm lý, hướng nghiệp, bạn tốt) là quan trọng.
- Chìa khóa của sự
biến đổi tâm hồn con người là: Tình thương mến, kiên nhẫn, tín nhiệm, biết lắng
nghe.
- Là người công
giáo, chúng ta đừng quên các phương thế chữa lành nội tâm là hướng dẫn thiêng
liêng, cầu nguyện, lãnh nhận các Bí Tích, nhất là Bí Tích Hoà Giải và Thánh Thể.
- Giảm dần thời
gian tiếp xúc với game online bằng game offline với sự trao đổi và phân tích
cái tốt, cái xấu của game mà mình vừa chơi.
- Gia tăng các
hình thức giải trí có tính cộng đồng
- Hướng đến một
lý tưởng cao đẹp.
Chơi game online và nghiện game online là vấn đề phổ biến, gây nhiều
tranh cãi và gây đau đầu cho các nhà giáo dục và lãnh đạo trong đất nước ta hiện
nay. Chúng ta không thể tránh khỏi trách nhiệm trong việc đề phòng và chữa lành
cho các thanh thiếu niên mà chúng ta đang được trao phó hay đang sống chung
quanh chúng ta. Chúng ta cần phải nỗ lực góp phần mình vào trong một chương
trình hành động cụ thể là giáo dục các kiến thức cơ bản về truyền thông xã hội.
Đồng thời, đầu tư vật lực cũng như nhân lực trong việc chữa lành các thành phần
đã rơi vào tình trạng nghiện hầu giúp họ thoát khỏi tình trạng suy đồi về đạo đức.
Như vậy chúng ta cũng đang góp phần xây dựng một xã hội tương lai lành mạnh và
một giáo hội có những người trẻ mạnh mẽ trong đức tin, hăng nồng trong đức mến.
WHĐ (11-06-2020)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 64 (tháng 3 & 4 năm 2011)