Cái chết của Đức Giêsu được báo trước
Suy niệm Chúa Nhật XXII Thường Niên, Năm A
(Mt 16,21–27)
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
WHĐ (26.8.2020) – Nhiều bạn trẻ thắc mắc rằng: “Thầy ơi, nếu Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, vậy
Ngài có biết ngày giờ Ngài phải chịu chết không?” Hỏi như thế vì các bạn đọc
Tin Mừng thấy có vài lần Đức Giêsu nói bóng gió về cái chết của Ngài[1].
Chính các môn đệ cũng được nghe những lời tiên báo ấy. Là học trò ngoan yêu mến
Thầy, dĩ nhiên các ông không muốn điều kinh hoàng ấy xảy ra. Đại diện cho nhóm,
Phêrô có lần ngăn cản thầy đừng lên Giêrusalem, kẻo phải chết! Đức Giêsu mắng
cho ông một trận.
Nếu bạn và tôi
trong hoàn cảnh của các môn đệ lúc này, chắc chúng ta cũng hành xử như các ông
thôi. Số là sau thời gian ở với Thầy, Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các ông biết cuộc
thương khó đang đến gần. Đây là lần tiên báo thứ nhất mà Tin Mừng Chúa Nhật[2]
22 kể cho chúng ta. Từ đây, chúng ta sẽ chứng kiến chương trình cứu độ của
Thiên Chúa mỗi lúc một cao trào. Sau ba lần tiên báo, Đức Giêsu chính thức đi
vào Cuộc Thương Khó. Nơi ấy, mọi điều đã diễn ra như lời Đức Giêsu nói trước.
Nếu được đi
Giêrusalem, chắc ai cũng vui mừng. Được một lần thăm Đất Thánh, đó là vinh hạnh
của chúng ta. Thời Đức Giêsu cũng thế, Giêrusalem luôn là thành đô Thiên Quốc,
là Đền Thờ của Đức Chúa ngự trị. Hằng năm vào lễ Vượt Qua, dân chúng đổ về đây
như trẩy hội. Vậy mà hôm nay các môn đệ cản Đức Giêsu lên đó. Các ông vô tình
hoặc hữu ý muốn trì hoãn chương trình cứu độ của Thiên Chúa?
Các bạn thân mến,
Không ai phủ nhận
cuộc đời này quả lắm khổ đau. Dịch bệnh, chiến tranh, thù hằn, tai nạn, bất trắc,v.v... luôn khiến chúng ta mất cảm giác an toàn. Thần
chết đang chờ mỗi người ở phía trước. Đó là những “Giêrusalem” mà không một ai
tránh khỏi. Đừng tưởng người trẻ miễn nhiễm trước cái chết. Ai đó nói rằng: mỗi
ngày qua đi là một ngày chúng ta gần đến cái chết. Nhìn ngang ngó dọc, hằng giờ
có bao người phải bước qua ngưỡng cửa của tử thần. Một câu hỏi rất hiện sinh
luôn dằn vặt chúng ta: “Tại sao con người phải chết?” Nhất là những tháng qua,
nhân loại đang phải gồng mình chống chọi với tử thần trong đại dịch Covid–19. Bệnh
nhân là những người biết mình đang ở giữa lằn ranh của sống chết.
Nếu có mặt lúc
này với Đức Giêsu, chắc chúng ta được an ủi nhiều. Bạn thử tưởng tượng Thầy
Giêsu trẻ trung. Ngài trạc tuổi như chúng ta. Biết bao phép lạ Ngài làm, bao
người đang muốn bước theo Ngài. Nói chung, Đức Giêsu đang thành công trong sứ mạng
và hứa hẹn một tương lai huy hoàng. Vậy mà Ngài nói đến ngày đen tối của chết
chóc! Ý Ngài muốn gì và nhắn với chúng ta điều gì?
Đây là điều khó
hiểu cho mọi người và mọi thời: Đức Giêsu xuống thế làm người, chịu chết và phục
sinh để cứu độ con người. Sau biến cố phục sinh, cái chết từ nay không còn là
“chấm dứt” mọi sự nữa. Nó trở nên niềm vui và hi vọng cho thế giới. Cái chết
không còn cai trị trên Chúa Giêsu (Rm 6,9). Chết cũng không còn quyền trên
chúng ta, là những người thuộc về Chúa Giêsu nữa[3]. Nhân loại
vẫn hoài thắc mắc: “Sao Thiên Chúa không phán một lời để cứu độ con người? Cần
chi Con Thiên Chúa phải chết để cứu độ con người?” Chúng ta cũng có thể hỏi
Ngài về điều này. Hãy để lòng mình lắng lại, nghe câu trả lời thì thầm của
Thiên Chúa:
1. Tình yêu
Nếu Xuân Diệu đố
ai định nghĩa được tình yêu, thì Đức Giêsu đã cho chúng ta một định nghĩa tuyệt
vời. “Không có tình yêu nào cao cả hơn
tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).
Chúng ta là bạn hữu, là người con của Thiên Chúa. Vì tình yêu mà Đức Giêsu sẵn
sàng dùng mạng sống để chuộc lại sự sống của chúng ta. Giả như Thiên Chúa không
yêu thế gian, giả như Ngài không ban Con Một, giả như Đức Giêsu không chết để cứu
độ con người, chúng ta không biết nhân loại sẽ ra sao!
Thực tế là Tình yêu
của Thiên Chúa luôn ưu tiên dành cho con người. Yêu là căn tính của Thiên Chúa.
Nếu người trẻ luôn sôi sục tình yêu trong mình, thì Tình yêu Thiên Chúa còn nhiều
gấp bội. Trong sức mạnh tình yêu này, Thiên Chúa đã chọn cách tốt nhất để cứu độ
con người: “Đức Giêsu bị giết chết và ba
ngày sống lại.” (Mt 16,21).
Hoặc nói như chia
sẻ của Giáo Hội: “Người đã chọn thập giá
để gánh tội thế gian và chịu những đau khổ của nhân loại. Như thế, vì Tình yêu
trọn hảo của Người, Người đã đem nhân loại trở về cùng Thiên Chúa. Không ai còn
có thể nói: Thiên Chúa không biết tôi phải đau khổ.” (Youcat 101). Trong ý
hướng này Thánh Cyrille ở Giêrusalem viết rằng: “Thiên Chúa đã giang tay trên
thập giá để ôm lấy hết giới hạn của thế giới.”
2. Tư tưởng của Thiên Chúa
Trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta
nghe Đức Giêsu trách cứ thánh Phêrô: “Anh
cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là
tư tưởng của loài người.” (Mt 16,23). Tội cho Phêrô, vì: “Lạy Chúa, công trình Ngài xiết bao vĩ đại,
tư tưởng Ngài thâm thuý lắm thay!” (TV 91,6). Thử hỏi mấy ai hiểu được đường
lối của Thiên Chúa? Có chăng càng đi gần sát Đức Giêsu, người ta mới càng hiểu
đôi chút về thánh ý của Thiên Chúa. Như thế cũng đủ để người ta hạnh phúc tin
yêu nơi Ngài.
Trong câu chuyện
này, Đức Giêsu tiết lộ rằng rồi đây, vâng theo ý định của Thiên Chúa, Người sẽ
đi Giêrusalem để chịu đau khổ và chịu chết. Đó là thánh ý, là tư tưởng của
Thiên Chúa dành cho các môn đệ lúc này. Rồi trong Cuộc Thương Khó, chúng ta thấy
Thiên Chúa không còn úp mở nữa về cái chết của Đức Giêsu, nhưng mọi sự đang diễn
ra đúng như lời tiên báo. Đó là biến cố đau thương vẫn đang thách đố cho con
người mọi thời!
Khi viết tới đây,
tôi nhớ đến lời chia sẻ thú vị của giáo sư Stêphanô Nguyễn Khắc Dương, nguyên
trưởng Ban Triết học và Quyền Khoa trưởng Văn khoa của Đại học Đà Lạt trước
1975. Khi quyết định trở thành Kitô hữu, thầy chia sẻ rằng:
“Chúa Giêsu vốn là Con Thiên Chúa nhưng đã bước
vào đời. Ngài sống như một người nghèo, chia sẻ thân phận làm người của con người,
vui niềm vui của con người, đau nỗi đau của phận người và yêu con người một
cách say đắm đến nỗi sẵn sàng chết vì yêu con người. Đây là một tôn giáo gần với
con người, gắn liền với con người, là đạo của tình yêu!”
Điều quan trọng
là chúng ta thi hành thánh ý Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta được cứu độ. Tiếc là
tư tưởng của con người thường trái với ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn chúng
ta theo Đức Giêsu trong con đường vác thập giá mỗi ngày. Trong khi đó, chúng ta
thích chối bỏ những khó khăn của phận người. Chúa muốn mình đi con đường hẹp,
mình thích rẽ vào con đường thênh thang. Chúa muốn ta yêu mến, ta lại cứ hận
thù, nhỏ nhen. Đúng là hai phương trời cách biệt. Hậu quả là tôi và bạn cứ buồn
sầu, chán nản và vơi dần sức sống.
Đã đến lúc người trẻ chúng ta can đảm chấp nhận đường lối của Thiên Chúa. Nghĩa là cùng với Thiên Chúa đi vào những khó khăn, thách đố của kiếp người. Khi ấy, thập giá của mỗi người cũng được Đức Giêsu vác đỡ. Chính lúc ấy chúng ta được sức mạnh để sống tròn đầy. Được như thế, cuộc sống này sẽ tươi đẹp hơn nhiều, hy vọng hơn nhiều và đáng sống hơn nhiều!!!