THÁNH GIOAN PHAOLÔ II HƯỚNG DẪN
CÁCH SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG TRONG GIA ĐÌNH
Philip Kosloski
WHĐ (06.5.2022) - Với những tiến bộ của kỹ thuật số, việc tiếp cận với các phương tiện truyền thông và truyền thông xã hội ngay tại nhà là một điều rất thuận tiện và tốt lành, mở ra những lộ trình đầy ân sủng nhằm gắn kết các thành viên trong gia đình theo nhiều cách thế khác nhau. Tuy nhiên, chính sự tiếp cận này cũng kéo theo nhiều yếu tố nguy hại, phá hủy gia đình và nuôi dưỡng những chứng nghiện khiến người ta xa rời Thiên Chúa.
Thánh Gioan Phaolô II đã dành cho gia đình một số hướng dẫn
cụ thể trong việc điều chỉnh cách sử dụng phương tiện truyền thông tại gia, như
một phương thế hữu hiệu giúp gia đình không chỉ biết định hướng trong thế giới
phức tạp của truyền thông mà còn có thể phát triển đời sống thiêng liêng.
Trong sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 38 vào năm
2004, Thánh Gioan Phaolô II giải thích rõ, “chính
những phương tiện truyền thông này có khả năng gây thiệt hại trầm trọng cho các gia đình, qua việc trình bày
một cái nhìn không tương xứng thậm chí méo mó về sự sống, về gia đình, về tôn
giáo và về luân lý. Khả năng của các phương tiện truyền thông xã hội củng cố hoặc xóa
bỏ những giá trị truyền thống như tôn giáo, văn hóa và gia đình”
Cụ thể là, “gia đình
và đời sống gia đình thường bị mô tả một cách méo mó trên các phương tiện truyền
thông. Sự bất trung, sinh hoạt tình dục ngoài hôn nhân, sự thiếu vắng cảm thức
về luân lý, và sự thánh liêng của giao ước hôn nhân bị mô tả một cách méo mó;
ngoài ra, việc ly dị, ngừa thai, phá thai và đồng tính luyến ái, đôi khi được ủng
hộ tích cực”.
Điều mấu chốt cần lưu ý đó là không cho phép truy cập phương
tiện truyền thông hoàn toàn tự do, thoải mái nhưng cần có những hạn chế, sao
cho phương tiện truyền thông và màn hình trở thành dụng cụ góp phần xây dựng lối
sống gia đình.
1. Sử dụng phương tiện
truyền thông có quy định
“Cha mẹ cũng cần quyết
định về việc sử dụng những phương tiện truyền thông trong gia đình. Ðiều này có nghĩa là sắp xếp và đề ra
lịch trình khi nào nên dùng, và giới hạn chặt chẽ số lượng thời gian
con cái được sử dụng các phương tiện này”.
Thánh Gioan Phaolô II không ủng hộ việc sử dụng phương tiện
truyền thông “không hạn chế” hoặc “không bị giám sát”. Do đó, cha mẹ cần phải
biết mức độ thường xuyên con cái sử dụng các phương tiện truyền thông và đưa ra
những giới hạn về thời lượng, giờ giấc sao cho phù hợp.
2. Phương tiện truyền
thông phải là một sinh hoạt của gia đình
Ngài giải thích cách cha mẹ nên biến “việc giải trí trở thành một sinh
hoạt chung của gia đình, đó là đặt một vài phương tiện truyền thông ra
ngoài phạm vi sử dụng của con cái, và theo định kỳ đặt ra thời hạn hoàn toàn
không sử dụng các phương tiện truyền thông để có thời gian cho những sinh hoạt khác của gia đình”.
Thông thường, các phương tiện truyền thông trong nền văn hóa
hiện tại của chúng ta được sử dụng riêng lẻ, nên dễ dẫn đến sự xa cách nhau hơn
nữa.
Điều quan trọng là biến việc sử dụng phương tiện truyền
thông hoặc màn hình trở thành trải nghiệm gia đình nhiều hơn thay vì một hoạt động
khiến trẻ em sống tách biệt với cha mẹ, dù vẫn ở chung một mái nhà.
3. Cha mẹ cần nêu
gương sáng
Thánh Gioan Phaolô II lưu ý rằng, “Trên hết mọi sự, cha mẹ cần nêu
gương sáng cho con cái qua việc chính họ cũng thận trọng và biết phân biệt
chọn lựa trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội”.
Nếu cha mẹ không chọn lọc hoặc tự hạn chế trong việc sử dụng
phương tiện truyền thông hoặc màn hình riêng của mình, thì làm sao họ có thể
đòi hỏi con cái tuân theo một số quy tắc được?
Điều này cần cha mẹ phân định và tự suy xét cách cẩn thận để
nhận ra liệu mình có cần phải điều chỉnh hoặc thay đổi điều gì khi sử dụng
phương tiện truyền thông hay không hầu có thể làm gương sáng cho con cái.
4. Chọn phương tiện
truyền thông có tính xây dựng gia đình
Ngài kết thúc sứ điệp qua
việc nhấn mạnh sự cần thiết phải lựa chọn các phương tiện truyền thông nhằm xây
dựng gia đình. Nếu những phương tiện truyền thông không đáp ứng được tiêu chí
này, thì cần được suy xét và đánh giá lại.
Các phương tiện truyền
thông xã hội có tiềm năng tích cực rất lớn
trong việc thúc đẩy các giá trị gia đình và nhân bản, do đó, góp phần canh tân
xã hội. Xét về sức mạnh của phương tiện truyền thông trong việc hình thành những
quan niệm và ảnh hưởng đến hành vi, những nhà làm truyền thông chuyên nghiệp cần
nhận thức rằng họ có trách nhiệm đạo đức
không chỉ mang đến cho gia đình sự động
viên, giúp đỡ và hỗ trợ để đạt được mục tiêu đó, mà còn để thực hiện sự
khôn ngoan, phán đoán đúng đắn và công bằng trong việc trình bày các vấn đề
liên quan đến tình dục, hôn nhân và cuộc sống gia đình.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org
(27.4.2022)