CÁCH KIÊN VỮNG TRONG ĐỨC TIN
Lm. Nnamdi Moneme,
OMV
WHĐ (20.5.2022) – Nơi Giuđa, chúng ta học được
một bài học quan trọng về cách
kiên vững trong đức tin của chính
mình. Ông đã đáp lại lời mời
gọi của Chúa Giêsu để trở thành một thành viên của nhóm 12 Tông đồ. Giống như các Tông đồ khác, ông được ơn đức tin để chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ. Tuy
nhiên, ông đã không trung tín đến
cùng. Thánh Gioan cho biết rằng:
“Khi Giuđa đi rồi, Ðức Giêsu nói: ‘Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người’” (Ga
13, 31).
Điều gì đã khiến Giuđa mất niềm tin vào Chúa Giêsu và rời bỏ cộng đoàn đức tin? Theo tường thuật của Tin Mừng, Giuđa đã dính bén với tiền bạc, và từ đó từng bước dẫn tới việc ông phản
bội Chúa Giêsu. Thật thế, Giuđa
“giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung”
(Ga 12, 6), và ông vẫn muốn có nhiều tiền hơn nữa theo cách trái với ý muốn của Thiên Chúa dành cho cuộc đời mình. Giuđa mạnh dạn hỏi các nhà lãnh
đạo Do Thái: "Quý vị muốn cho tôi bao nhiêu? Tôi đây sẽ nộp ông ấy (Chúa Giêsu) cho quý vị"
(Mt 26, 15).
Giống như Giuda,
chúng ta cũng bắt đầu mất niềm tin vào Thiên Chúa khi chúng ta tiếp tục muốn điều gì đó mà
Thiên Chúa không muốn cho chúng ta vào thời điểm hiện tại. Điều này có nghĩa là, nếu chúng ta muốn tiếp tục giữ vững niềm tin của mình vào Thiên Chúa, thì bất kể điều gì đó dù là tốt đẹp hay cần thiết đến đâu, chúng
ta chỉ có thể muốn nó
như là điều Thiên Chúa muốn
cho cuộc đời mình. Đây là lý
do tại sao Chúa Giêsu đòi chúng ta hành động và ứng xử như những “đầy tớ vô dụng” (Lc 17, 10), người sẵn sàng vâng lời và làm tất cả những gì Chúa muốn cũng như chỉ muốn và chấp nhận những gì Ngài ban cho chúng ta.
Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng thành
công, nổi tiếng, khỏe mạnh, được yêu thương, giàu có,… Vì thực, những điều này phụ thuộc vào nhiều yếu
tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, và chính Thiên Chúa cũng không muốn chúng ta lúc nào cũng trải nghiệm những điều này. Nhưng điều
Thiên Chúa luôn muốn ở chúng ta là trở thành môn đệ của Ngài, yêu thương người khác như Ngài đã yêu thương chúng ta, “các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34).
Để yêu thương giống như Đức Kitô yêu thương đòi hỏi nơi chúng ta một
đức tin mạnh mẽ và sống động.
Trước hết, chúng ta phải tin vào Chúa Giêsu Kitô là Đấng mà nơi Người, “Chúa Cha
luôn được tôn vinh cách trọn vẹn”. Nhờ đó, chúng ta có thể yêu thương người khác trong tình yêu của Người.
Thứ đến, chúng ta phải tin vào tình yêu mà Chúa Giêsu Kitô luôn dành cho chúng ta. Nhờ đó, chúng ta có thể yêu thương người khác như Người đã yêu thương chúng
ta. Làm sao chúng ta có thể yêu người khác như Đức Kitô đã yêu chúng ta khi
chúng ta nghi ngờ hoặc thắc mắc về tình yêu mà Người dành cho chúng ta?
Cuối cùng, chúng ta phải tin vào Lời và lời hứa của Chúa
Giêsu Kitô vì những lời này dạy
cho chúng ta biết yêu thương
người khác như Đức Kitô. Vì nếu
không có Lời Chúa hướng
dẫn, chúng ta sẽ yêu thương người khác một cách ích kỷ, và
luôn tìm kiếm lợi ích cho bản thân
mình.
Sau khi bị
ném đá và bị lôi ra khỏi thành ở
Lystra, Thánh Phaolô đã đứng dậy và trở vào thành với một
sứ điệp mạnh mẽ về việc kiên trì
trong đức tin, “Chúng ta cần phải trải qua nhiều gian khổ để vào vương quốc của Thiên Chúa” (Cv 14, 22). Trong khi không dễ dàng đánh mất niềm tin vì trận đòn vô cớ
mình phải chịu, thánh Phaolô đã khuyên nhủ tín hữu đừng đánh mất niềm tin vì bất cứ lý do gì. Thật vậy, nếu không có đức tin mạnh mẽ và sống động vào Chúa Giêsu Kitô,
chúng ta chẳng thể yêu thương như Người; chúng ta chẳng thể chia sẻ tình yêu “chịu đựng mọi sự” của Người (1Cor
13, 7), và chúng ta chẳng thể đạt tới cùng đích mà Người ban thưởng là Nước
trời.
Trong thế
giới hiện tại, có rất nhiều hoàn cảnh, môi trường, sự việc, con
người… có thể cám dỗ khiến chúng ta lung lạc đức tin. Chúng ta dễ dàng bị mất đức tin khi chúng ta chỉ tập
trung vào việc đạt được những gì mình muốn, hoặc tránh những gì mình không muốn mà không màng tới hoặc mở lòng ra với những gì Thiên Chúa
thực sự muốn nơi chúng ta.
Một điều rất rõ
là, có nhiều người mất đức tin vì những lý
do rất đơn giản, có khi là do
bị tan vỡ một mối tương quan;
bị mất người thân, sức khỏe, tiền bạc, việc làm; bị ảnh hưởng của sự dữ, sự ác, bất công, và ngay cả bị tác động bở những tai tiếng
trong Giáo hội ... Thậm chí có người mất đức tin chỉ vì các ứng cử viên chính trị họ ưa thích không giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử! Ngoài
ra, sự dính bén, ham muốn quá độ đối với tiền bạc, quyền lực và
thú vui cũng khiến chúng ta dễ dàng đánh
mất đức tin của mình.
Vậy thì, làm
thế nào để có thể vượt qua những trở ngại và kiên tâm trước những khó khăn, thách đố mỗi khi chúng ta muốn từ
bỏ đức tin của mình? Chúng ta có nhận ra rằng chúng ta lãnh nhận ánh sáng đức tin là để có thể đương đầu với những thời khắc
tăm tối như vậy không? Ánh sáng của Chúa Kitô không phải để đầu hàng bóng tối dù với bất cứ lý do gì, nhưng “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng”
(Ga 1, 5).
Đức tin là một hồng ân cao quý
Đức Kitô ban tặng cho chúng ta trong
phép Thánh tẩy nhờ cái chết trên
thập giá và sự phục sinh của Người. Đức
Kitô chắc chắn sẽ ban thưởng cho chúng ta một khi chúng ta kiên trì trong đức tin cho đến cùng, “Người sẽ lau
sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và
đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất” (Kh 21, 4).
Đó là lý
do tại sao chúng ta phải luôn có một đức tin mạnh mẽ và sống động. Nhưng để được như vậy,
- chúng ta cần nuôi
dưỡng đức tin bằng việc cầu nguyện
xin Chúa gia tăng đức tin cho chúng ta “Lạy Chúa, con tin! Nhưng xin
thương giúp lòng tin yếu kém của
con!” (Mc 9, 24);
- chúng ta cần phát
triển đức tin qua việc đón nhận và tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu;
- chúng ta cần củng
cố đức tin khi dành
thời gian suy ngẫm Lời
Chúa bởi vì “đức tin đến từ việc nghe Lời Chúa” (Rm 10, 17);
- chúng ta cần
làm sống động đức tin khi phục
vụ người khác bằng tình yêu
thương vô vị lợi.
Hơn nữa, lòng
sùng kính chân thành đối với
Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cũng giúp chúng ta thông phần vào đức tin của chính Mẹ.
Vì,
- Mẹ là
người luôn muốn chu toàn tất
cả những gì Thiên Chúa muốn nơi Mẹ, “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần
nói” (Lc 1, 38);
- Mẹ là
người luôn mời gọi chúng ta hành động theo lời Chúa với niềm tin tưởng: “Người bảo gì, các anh cứ việc
làm theo” (Ga 2, 5);
- Mẹ là
người mạnh mẽ, kiên trung đến cùng
"Ðứng gần thập giá Ðức Giêsu, có thân mẫu Người” (Ga 19, 25) luôn dạy chúng ta đón nhận và yêu
thương người khác như Chúa Giêsu muốn, dù giữa những khó khăn và đau khổ nhất;
- Và, Mẹ không chỉ giúp chúng ta kiên vững trong
đức tin mà còn biết hành động
trong đức tin và luôn muốn thực thi những
gì Thiên Chúa muốn nơi cuộc đời
chúng ta.
Sống được như thế,
phải chăng hồng ân Đức tin chúng ta đón nhận sẽ không dễ dàng bị chao đảo, nhưng luôn sống động và kiên vững. Khi:
- chúng ta dám
can đảm để tin là Thiên Chúa luôn yêu thương mình;
- chúng ta dám đặt
ưu tiên để muốn những gì Thiên Chúa muốn nơi mình;
- và chúng
ta dám ra khỏi mình để đón nhận người
khác bằng tình yêu của Chúa, và yêu
thương người khác như Ngài đã yêu thương chúng ta?
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com
(19. 5. 2022)