CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI CẢM GIÁC BỊ TỪ CHỐI
Marzena Devoud và Calah Alexander
WHĐ (09.7.2022) - Có ai trong chúng ta chưa từng
trải nghiệm sự bị từ chối, dù đó là khi bị trả hồ sơ phỏng vấn xin việc; khi bị
tẩy chay khỏi một nhóm; khi bị bỏ rơi tại nơi làm việc; khi bị chia tay trong mối
tương quan hẹn hò; hoặc thậm chí khi bị sỉ nhục công khai?
Trong cuộc
sống hàng ngày, những tình huống bị từ chối thường ít kịch tính hơn, chẳng hạn
như không nhận được hồi đáp cho một bức thư, một email được gửi đi; không nhận
được lời mời tham dự một bữa tiệc, trong khi những người khác đều được mời và
phấn khởi để tham dự; không được đề cập đến trong số các cộng tác viên làm việc
trong một dự án chung, trong khi các đồng nghiệp khác đều có tên trong danh
sách; không được chấp nhận một đề xuất, trong khi những người khác đã nhận được
phản hồi tích cực;…
Nhưng ở dưới bất kỳ hình thức nào, sự bị từ chối
luôn mang lại cảm giác đớn đau, hụt hẫng, thậm chí thất vọng.
Vết thương của sự từ chối xã hội
Nhu cầu kết nối, thuộc về, và được chấp nhận là
một trong những đặc điểm cơ bản nhất của con người. Do đó, sự từ chối xã hội là
một vết thương mà chúng ta rất khó chấp nhận.
Như bác sĩ Christophe André chuyên về tâm thần
giải thích, một trong những quan sát nổi bật nhất của các xét nghiệm trong
phòng thí nghiệm về sự từ chối xã hội là
cường độ mà những sự từ chối này dẫn đến kết quả đau đớn, mặc dù những
người tham gia biết rằng họ chỉ trải qua những tình huống giả tạo và nhất thời,
với những người mà họ sẽ không bao giờ gặp lại. Như thể có một bản năng sâu xa
báo hiệu rằng không có gì nguy hiểm hơn cho chúng ta ngoài việc bị đồng loại từ
chối. Ngay cả khi bị từ chối bởi những người không quen biết và vô hình hoặc
trong những tình huống không có hậu quả cụ thể, chẳng hạn như bị phớt lờ khi
tương tác trên mạng xã hội, vẫn có thể dẫn đến sự xáo trộn đáng kể đối với lòng
tự trọng.
Ngoài ra, theo nhà tâm lý học lâm sàng Gwenaëlle
Persiaux, một điều rất nghịch lý, đó là chúng ta đều biết rằng không phải mình
luôn luôn được tán thành và chấp nhận bởi mọi người, mọi vấn đề, mọi tình huống…
Tuy nhiên, sau khi bị từ chối, chúng ta thường sợ những mối ràng buộc và rất giỏi
dùng lý trí để thoát khỏi những tình huống thân mật. Một cách cụ thể, chúng ta
dễ dàng “lảng tránh bất kỳ cam kết nào có
thể đưa chúng ta vào tình huống đó một lần nữa. Đây là đặc tính của kiểu gắn bó
né tránh”.
Theo nghiên cứu của Ladders, chúng ta có xu hướng
cảm thấy sự bị từ chối đau đớn hơn, khó hơn, và kéo dài hơn khi nó đi kèm với sự
so sánh với người khác, thay vì là một lời từ chối thẳng thừng.
Tiến sĩ William Dodson, một chuyên gia về Rối loạn
tăng động, giảm chú ý (ADHD) cũng cho biết, người ta có thể có 2 hướng để phản ứng:
Một là cố gắng kiềm chế cơn đau và hướng nó vào bên trong, và điều này có thể
gây ra các giai đoạn trầm cảm hoàn toàn; Hai là thể hiện cảm xúc ra bên ngoài,
theo cách: ra sức làm hài lòng tất cả mọi người bằng cách làm việc quá mức và
trở thành người cầu toàn hoặc nghiện công việc; hoặc là theo thái cực ngược lại:
từ bỏ việc cố gắng làm hài lòng bất cứ ai.
Vậy thì, làm sao để chúng ta có thể đối diện với
sự bị từ chối đúng cách? Hoặc làm sao để chúng ta có thể tìm thấy ý chí để đối
diện với sự bị từ chối một cách quân bình, thay vì bị cám dỗ để cô lập bản
thân, kích hoạt một loạt các suy nghĩ tiêu cực, hoặc “buông bỏ” các mối tương
quan hiện có với những người thân yêu?
Dưới đây là một số gợi ý chúng ta có thể thực hiện
nhằm đối phó với cảm giác bị từ chối, và nhìn nhận vấn đề từ một góc độ khác.
1. Đừng
cường điệu việc bị từ chối
Cảm giác nặng nề khi bị từ chối, đặc biệt là ở
những người có tính nhạy cảm cao, thường là chủ quan. Do đó,
Nếu ý tưởng của chúng ta bị cấp trên bác bỏ, hoặc
chỉ trích, thì cũng chẳng có lý do gì để chúng ta cảm thấy như mình bị đánh giá
là một nhân viên tồi. Gặp tình huống này, chúng ta chỉ tự nhủ rằng: trong vấn đề
cụ thể này, chẳng qua là quan điểm của mình và của cấp trên khác nhau mà thôi.
Vì thực, từ chối ý tưởng của ai đó không giống như từ chối chính người đó.
Còn trong trường hợp một công việc, thì đó cũng
chẳng phải là điều gì quá quan trọng. Điều rất rõ là, đôi khi chúng ta bị từ chối
là vì chúng ta thiếu điều gì đó mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm, chứ không phải
chúng ta là người vô dụng, bất tài.
Tương tự với bất kỳ mối tương quan nào khác,
chúng ta không có thứ mà người kia đang tìm kiếm hoặc chúng ta có thứ mà họ
không tìm kiếm.
Do đó, hãy kiên nhẫn và tự an ủi mình với nhận
thức rằng: khi một ý tưởng, một công việc, hoặc một con người phù hợp với chúng
ta xuất hiện, chúng ta sẽ là sự lựa chọn duy nhất!
2. Hãy đối xử tốt với bản thân
Hãy học cách tha thứ cho những lỗi lầm, và chấp
nhận sự không hoàn hảo của chính mình. Hãy tưởng tượng chúng ta sẽ làm gì nếu một
tình huống không xảy ra cho mình mà xảy đến một người bạn mà chúng ta yêu quí?
Chắc chắn chúng ta sẽ phản ứng bằng sự đồng cảm và tử tế, phải không?
Nếu vậy thì, chúng ta cũng hãy đối xử với chính
mình theo cách tương tự: đừng dằn vặt mình, đừng làm khổ mình, và đừng chán
ghét mình. Nếu chúng ta ít đòi hỏi ở bản thân hơn, những người khác sẽ không từ
chối chúng ta vì những khuyết điểm của chúng ta. Và nhất là, tự trong thâm tâm,
những lời chỉ trích, chê bai, oán trách, sẽ không có cơ hội để làm khổ chúng
ta.
3. Đừng đánh đồng sự từ chối với
toàn diện con người
Khi bị từ chối, điều quan trọng là phải nói với
bản thân rằng đó không phải là sự từ chối toàn bộ con người mà chỉ là về một
khía cạnh nào đó của chúng ta mà thôi. Thực tế là, một phần của chúng ta không
phù hợp với ai đó trong một tình huống cụ thể. Cho nên, không có lý do gì để
chúng ta cảm thấy rằng chúng ta bị từ chối với tư cách là một con người. Những
tình huống này cũng diễn ra theo chiều ngược lại: Nếu chúng ta không nghĩ hoặc
cảm thấy giống người khác, thì điều đó chắc chắn không có nghĩa là chúng ta từ
chối họ hoàn toàn.
4. Hãy tiếp tục những gì mình đang
làm
Khi bị từ chối, thay vì chán nản, và tìm cách lấp
đầy sự hụt hẫng của mình bằng việc vùi đầu vào công việc, buông xuôi nằm dài
trên giường, hoặc rơi vào nghiện ngập… Trái lại, chúng ta hãy tiếp tục dành tâm
trí cho các hoạt động thường ngày, mà không cần phải cố gắng thay đổi bản thân
một cách miễn cưỡng. Vì chính những nỗ lực tự chủ sẽ là một trợ giúp tuy nhỏ bé
nhưng lại rất quan trọng.
5. Phát triển mạng lưới xã hội
Một cách khác để đối phó với sự từ chối là xây dựng
một mạng xã hội cởi mở hơn và đa dạng hơn. Ví dụ, khi mối tương quan hẹn hò của
bạn bị đổ vỡ, đừng theo dõi người yêu cũ trên mạng xã hội, hoặc chăm chú vào những
bức ảnh của họ với người yêu mới… vì điều này sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ
hơn và ngăn cản bạn chữa lành và tiếp tục tìm kiếm người phù hợp với mình.
*****
Trong cuộc sống, chúng ta cảm nghiệm rất rõ rằng:
- Chẳng ai trong chúng ta thích bị từ chối, nhưng nỗi sợ bị từ chối nhiều khi lại lớn hơn bản thân của sự bị từ chối;
- Chẳng ai trong chúng ta có thể làm hài lòng tất cả mọi người, mọi lúc, và mọi việc được;
- Chẳng ai trong chúng ta có thể làm mất đi nỗi
đau, hoặc ngăn chặn bất kỳ cảm xúc buồn bã nào cách dễ dàng như một phép mầu được;
Nhưng, chúng ta vẫn có thể nhắc nhớ mình rằng:
- Hãy cứ tự tin trong tâm tình cảm tạ, vì chúng
ta có những ân ban, tài năng, và phẩm chất độc nhất vô nhị mà Thiên Chúa ban
cho mỗi người chúng ta;
- Hãy cứ khiêm tốn, chấp nhận mình như mình là,
với tất cả những ưu khuyết điểm, đồng thời cũng mở lòng để đón nhận người khác
như thế;
- Hãy cứ bắt đầu lại, vì chúng ta càng nhạy cảm với việc bị từ chối, thì chúng ta càng có nhiều khả năng mở ra cho những gì đang ở phía trước...
- Hãy luôn nhớ rằng chúng ta có một mẫu gương rất tuyệt vời về cách đối phó với việc bị từ chối: Đức Giêsu, Đấng đã bị từ chối, nhưng đã yêu thương, tha thứ, và trao hiến cho đến cùng, bằng cái chết trên thập giá!
- Và, hãy luôn nhớ rằng Thiên Chúa vẫn luôn yêu
thương và đón nhận mỗi người chúng ta, vì quả thật “dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,
thì hãy còn có Chúa đón nhận con.” (Tv 27,10)
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: aleteia.org
(5. 2017) ; (6.
2018) và (07.
07 2022)