Rido | Shutterstock

CÁCH ĐỂ VUI VẺ HƠN
THEO THÁNH INHAXIÔ THÀNH LOYOLA

Lm. Michael Rennier

WHĐ (14.12.2021) - Niềm vui có lẽ không hoàn toàn như chúng ta nghĩ và Mùa Vọng là mùa hoàn hảo để khám phá điều đó.

Mỗi năm, khi ngày dần trở nên tối hơn đầu mùa đông, tôi lại trở nên lo lắng. Cơ thể tôi phản ứng không tốt trong những ngày co ngắn lại của mùa đông và tôi dự đoán sẽ bị một hoặc hai đợt trầm cảm vào tháng Giêng. Tôi luôn là một người đam mê chạy bộ và đi xe đạp, vì vậy cái lạnh mùa đông cuốn tôi đi khỏi những điều mà tôi yêu thích. Nếu bạn có sáu đứa con trong nhà đang chơi trò húc vào tường rồi bật ra, bạn không thể bắt tất cả bọn chúng ra sân để tập luyện nhằm giảm bớt năng lượng của chúng, vì như thế càng làm phức tạp thêm những tháng mùa đông trong gia đình của bạn.

Mùa đông chắc chắn có những ưu điểm của nó. Có vẻ đẹp của ngọn lửa ấm áp, cà phê nóng, và trượt ván trên tuyết. Tôi nghĩ sống qua chu kỳ các mùa trong năm cũng là một giá trị. Tôi không muốn thời tiết luôn là mùa hè. Như nhà thơ Robert Frost của New England có nói, mùa đông là hình thức riêng của vườn địa đàng. Chúng ta cần một chút lạnh thấu xương. Dù gì thì nó cũng giúp chúng ta chào đón mùa xuân với sự trân trọng hơn.

Mùa vọng, là mùa của Giáo hội, chiếm một vị trí tương tự trong trí tưởng tượng của chúng ta như mùa đông. Mùa vọng giống như mùa đông so với sự ấm áp rực rỡ của lễ Giáng sinh. Tôi khá thích Mùa Vọng, nhưng phần lớn thế giới đã bỏ rơi nó vì nó yêu cầu sự sám hối và có vẻ gì đó u tối. Vậy thì thật kỳ lạ khi Chúa nhật Gaudete, còn gọi là Chúa nhật của Niềm vui - được thể hiện bằng ngọn nến màu hồng trên vòng hoa – báo hiệu nửa chặng đường Mùa Vọng. Niềm vui là một nhân đức, dù nó chỉ trở nên rộn rã vào Lễ Giáng Sinh, được sinh ra trong cung lòng im lặng của Mùa Vọng.

Có lẽ niềm vui không phải như những gì chúng ta nghĩ. Nó được sinh ra từ những nguồn cội mầu nhiệm.

Là con người, điều gì mang lại cho chúng ta niềm vui? Trong quá khứ, tôi đã hết lần này đến lần khác tự lừa dối bản thân rằng tôi sẽ đạt được niềm vui trọn vẹn nếu chỉ mua một món hàng nhất định, đạt được mức độ công nhận mong muốn hoặc say mê với những thú vui nho nhỏ như được ăn thật nhiều và được xem TV thật nhiều. Những khoảnh khắc nho nhỏ đó, vốn cung cấp năng lượng endorphin, lại chỉ tồn tại trong một thời gian ngăn ngắn. Chúng nhanh chóng cháy hết và khiến chúng ta không thỏa lòng. Chúng ta luôn luôn muốn nhiều hơn nữa, và những mong muốn đó là thứ làm mất đi niềm vui của chúng ta.

Mùa vọng đánh dấu một con đường khác, khó khăn hơn, nhưng đó là con đường tạo ra niềm vui chân chính, lâu dài và lành mạnh. Thật khó để xác định bằng cách nào hoặc tại sao bóng tối của Mùa Vọng tạo ra niềm vui, nhưng cách đây không lâu, tôi đã đọc các Bài linh Thao của Thánh Inhaxiô thành Loyola và có thể áp dụng một số hiểu biết của ngài về niềm vui.

Trước tiên, Thánh Inhaxiô nói rằng hãy nuôi dưỡng niềm vui để có được niềm vui.

Thánh Inhaxiô viết: “Một là cầu xin Chúa Kitô ban cho niềm vui.” Nói cách khác, hãy duy trì ý định vui vẻ khi bạn cầu xin Chúa ban cho bạn nhiều niềm vui hơn. Đơn giản là tôi sẽ không cầu xin Chúa cho tôi niềm vui hay đổ lỗi cho Ngài vì tôi không cảm nhận được niềm vui đó, nếu tôi cứ để cả ngày chìm đắm trong nỗi buồn, sự tủi thân hoặc ganh tị. Niềm vui không đến từ hư không. Niềm vui không thể phụ thuộc vào hoàn cảnh từ bên ngoài chúng ta, mà phải bắt đầu từ bên trong.

Thứ hai, Thánh Inhaxiô chỉ ra rằng chúng ta phải lưu tâm đến toàn bộ cuộc sống của mình - điều tốt, điều xấu, quá khứ và tương lai.

Thánh Inhaxiô nói hãy tự hỏi, “Tôi sẽ thấy mình như thế nào trong Ngày Phán xét, nhằm để xét xem rồi ra tôi muốn tính toán như thế nào về các vấn đề hiện tại… để rồi sau đó tôi có thể thấy mình hoàn toàn hài lòng và vui vẻ.”

Thánh Inhaxiô có tầm nhìn xa. Khi nhìn lại cuộc đời, chúng ta có hối hận về những lời nói và hành động của mình không? Nếu vậy, những lời nói và hành động như thế cũng sẽ không mang lại cho chúng ta niềm vui ở đây và bây giờ.

Chúng ta có xu hướng tìm kiếm niềm vui không đúng chỗ. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi quảng cáo và bởi lòng ganh tị nhằm khát khao những của cải và những cảm nghiệm nhất định nào đó, nhưng chúng khiến chúng ta cảm thấy mình trống rỗng. Chẳng hạn, trong cuộc sống của tôi, tôi đã khám phá ra niềm vui khi tôi dành thời gian và nỗ lực để ở bên gia đình và dành thời gian cho con cái. Bạn hãy chú ý đến thời điểm bạn thực sự cảm thấy niềm vui lâu bền. Bạn có thể ngạc nhiên đấy.

Cuối cùng, Thánh Inhaxiô có lời khuyên hợp lý này: Hãy vui hưởng cuộc sống của bạn và đừng cảm thấy mình mắc tội gì về việc vui hưởng đó.

Ngài viết: “Sử dụng ánh sáng hoặc sự thoải mái tạm thời - như sự mát mẻ vào mùa hè, và ánh nắng hoặc sức nóng vào mùa đông, - theo như tâm hồn bạn nghĩ hoặc phỏng đoán rằng những điều đó có thể giúp bạn vui vẻ trong Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ.”

Không có gì sai trái khi chúng ta hưởng niềm vui và cảm thấy biết ơn về những lời chúc phúc dành cho chúng ta. Không phải lúc nào chúng ta cũng tin rằng chúng ta xứng đáng có được niềm vui, vì vậy chúng ta từ chối nó khi nó đến với chúng ta. Tuy nhiên, Thánh Inhaxiô nói rõ ràng là Thiên Chúa không muốn chúng ta buồn bã và đau khổ. Ngài đã tạo ra thế giới để chúng ta vui hưởng, vì vậy, nếu những ước muốn của chúng ta lành mạnh và điều độ, chúng ta phải rất vui mừng về những gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, cuộc sống này thực sự tươi đẹp và tốt lành biết bao.

Trong suốt thời gian chờ đợi đầy kiên nhẫn, dễ chán nản của Mùa Vọng, chúng ta có thể tự nguyện chăm sóc và nuôi dưỡng niềm vui, xem coi ta có thể áp dụng niềm vui như thế nào cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta, không chỉ vào những thời điểm đáng chú ý, và chuẩn bị bản thân đón mừng Giáng sinh không chút mặc cảm tội lỗi.

Thánh Inhaxiô dạy rằng chúng ta sống một đức tin nhập thể và Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm vui trong mọi hoàn cảnh và bất cứ hoàn cảnh nào. Đây là niềm vui thực sự, là khả năng cảm nhận hạnh phúc bất kể cuộc sống như thế nào: cho dù đó là bóng tối của mùa đông hay lúc thư giãn trên bãi biển trong ánh mặt trời, cho dù đó là Mùa Vọng hay Mùa Giáng sinh.

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ từ aleteia.org (12.12.2021)