“Ngày 11 tháng 10 là một ngày mang tính biểu tượng, kỷ niệm ngày khai mạc Công đồng Vatican II,” diễn ra vào năm 1962. Với tinh thần chia sẻ ký ức sống động và hướng tới tương lai, sáng nay, ngày 11 tháng 10, trong buổi họp báo tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Chủ tịch Ủy ban Thông tin, cùng bà Sheila Pires, Thư ký Ủy ban Thông tin, đã cập nhật tiến trình làm việc của Thượng Hội đồng với báo giới. Cũng có mặt trong buổi họp báo là Hồng y Joseph William Tobin, Tổng Giám mục Newark, Hoa Kỳ, Đức Cha Shane Anthony Mackinlay, Giám mục Sandhurst, Úc, và giáo sư Giuseppina De Simone, giáo sư Triết học Tôn giáo và điều phối viên chuyên ngành Thần học Căn bản tại Chủng viện Thần học Giáo hoàng San Luigi miền Nam nước Ý.
Chăm sóc các mối tương giao
Theo lời bà Pires, từ chiều hôm qua, ngày 10 tháng 10, các tham dự viên đã làm việc trên module thứ ba, và đã được Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng Tường trình viên của Thượng Hội đồng, giới thiệu như các module trước đó. Có 346 tham dự viên hiện diện tại Hội trường Phaolô VI. Chủ đề trọng tâm của module này là chăm sóc các mối tương giao: đặc biệt, đã được khẳng định rằng “các mối tương giao trong Giáo hội phải được xây dựng trên sự tin tưởng, minh bạch và nhất quán.” “Tuy nhiên, chúng ta cần đào tạo toàn diện để chuẩn bị những chứng nhân cho sứ vụ của Giáo hội,” như Hồng y Hollerich đã nhấn mạnh, đồng thời nhắc nhở rằng “sự phân định trong Giáo hội khác biệt với các kỹ thuật quản lý.” Tóm lại, đã có lời mời gọi “phát triển các tiến trình đưa ra quyết định minh bạch và có sự tham gia trong Giáo hội,” với lưu ý rằng “việc đánh giá thường xuyên công việc của những người có trách nhiệm là điều quan trọng.”
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Canaan
Bài trình bày của Hồng y Hollerich vào chiều hôm qua đã được mở đầu bằng phần suy niệm của Hồng y tân cử, cha Timothy Radcliffe. Đặc biệt, vị tu sĩ Dòng Đa Minh – theo lời bà Pires – “đã khám phá các quá trình biến đổi của Giáo hội qua đoạn Tin Mừng về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Canaan. Sự thinh lặng của Chúa Giêsu được nhìn nhận như một khoảnh khắc lắng nghe sâu sắc.” Và chính “sự thinh lặng này là một cơ hội để Giáo hội đối diện với những câu hỏi phức tạp và lắng nghe tiếng kêu cứu của những ai đang tìm kiếm sự trợ giúp.”
“Bà muốn sao thì sẽ được vậy”
Hơn nữa, “cha Radcliffe mời gọi suy ngẫm về những câu hỏi cơ bản, chẳng hạn như mối quan hệ giữa bình đẳng và khác biệt, cũng như vai trò của Giáo hội là một cộng đoàn các tín hữu đã được rửa tội, với những phẩm trật, ơn gọi và vai trò khác nhau. Những câu hỏi này – theo lời bà Thư ký Ủy ban Thông tin – đòi hỏi việc chung sống một cách cẩn trọng và cầu nguyện liên lỉ, hơn là những câu trả lời đơn giản và tức thời.” Và vì thế, “câu trả lời của Chúa Giêsu – ‘Bà muốn sao thì sẽ được vậy’ – là dấu hiệu của sự cởi mở và bao dung, đồng thời cho thấy sự sáng tạo của Thiên Chúa trong việc vượt qua những rào cản và đón nhận căn tính, cái nhìn của người khác biệt.”
Buổi cầu nguyện canh thức đại kết
Ông Ruffini cho biết sáng nay, sau giờ cầu nguyện, các Nhóm nhỏ tiếp tục thảo luận và kết thúc những chủ đề đã được bắt đầu từ ngày hôm qua. Có 341 tham dự viên hiện diện trong hội trường. Chiều nay, các nhóm ngôn ngữ sẽ trình bày báo cáo của mình. Sau khi bỏ phiếu về chương trình nghị sự để thảo luận, sẽ có các bài phát biểu tự do. Tối nay, vào lúc 7 giờ tối, các tham dự viên của Thượng Hội đồng sẽ tham gia buổi canh thức đại kết được tổ chức tại Vatican – “với sự hiện diện của Đức Thánh Cha,” theo lời ông Bộ trưởng – tại Quảng trường Các Thánh Tử đạo Tiên khởi, Rôma. Ông Ruffini cũng lưu ý rằng các đại biểu huynh đệ tham dự Thượng Hội đồng sẽ tham gia buổi canh thức cũng như đại diện của nhiều Giáo hội khác đang cư trú tại Rôma, “nơi mà sự hiệp nhất của các Kitô hữu đã hiện diện”. Ngoài ra, ông kết luận, “hiệp thông với buổi cầu nguyện tại Vatican, thì đã có các buổi cầu nguyện được tổ chức tại 80 địa điểm khác nhau trên toàn thế giới.”
Lắng nghe sâu sắc hơn
Lắng nghe, thinh lặng và cầu nguyện là ba trong số những tiêu chí phương pháp nổi bật mà các công việc của Thượng Hội đồng đang dựa trên. Hồng y Tobin, thành viên Hội đồng Thường trực và Ủy ban Thông tin đã giải thích: “So với trước đây, thì việc lắng nghe lần này đã diễn ra một cách sâu sắc không chỉ trong Giáo hội và với các tổ chức của Giáo hội, mà còn thực sự đã nỗ lực tiếp cận tất cả mọi người.” Điều này cũng tạo điều kiện cho "sự tham gia rộng rãi hơn nhiều và mang đến cơ hội theo dõi tiến độ công việc và phân tích sâu về các chủ đề theo một cách khác".
Thần học gắn liền với thực tế
Giáo sư De Simone phát biểu: “Theo quan điểm của tôi, phương pháp đặc trưng cho hai phiên họp này thực sự mang tính cách mạng, và tự nó đã là một dấu chỉ của hy vọng. Đây là một phương pháp có nhiều điều để nói với thế giới.” Bà cũng nhấn mạnh khía cạnh của việc lắng nghe, “từ đó nảy sinh một suy tư nghiêm túc, cẩn trọng,” và của sự thinh lặng: “Điều này tự nó là khả năng tiếp nhận câu hỏi. Chúng tôi không vội vàng tìm kiếm câu trả lời cuối cùng, nhưng chúng tôi vẫn ở trong những câu hỏi nảy sinh từ các vết thương mà nhân loại mang tới và trao cho chúng tôi.” Điều đáng chú ý, theo bà De Simone, là tại các bàn làm việc “toàn thể dân Chúa đều quy tụ, nhờ đó chúng ta cảm nhận được tinh thần hiệp nhất.” Theo cách này, thần học cũng “có một sự hiện diện và tầm quan trọng đáng kể, vì nó gắn liền trực tiếp với thực tế, với mối liên hệ sống động của các mối tương giao.”
Một phương thức làm việc mới
Đức Cha Mackinlay, thành viên được bầu vào Ủy ban Soạn thảo Tài liệu Cuối cùng, đã chia sẻ về kinh nghiệm Thượng Hội đồng cấp giáo phận và châu lục của ngài. “Công đồng Toàn thể của Giáo hội Úc,” ngài kể, “đã bắt đầu hành trình từ vài năm trước Thượng Hội đồng hiện tại, quy tụ khoảng 250 người, bao gồm giám mục, tu sĩ và giáo dân. Và ngay trong dịp đó, chúng tôi đã trải nghiệm sự đa dạng của các chủ đề cần giải quyết, đồng thời đối mặt với những lo lắng của mọi người.” Điều quan trọng trong công việc của chúng tôi khi đó là “can thiệp vào văn hóa Giáo hội để thay đổi cách thức đối diện với các vấn đề,” và đây cũng chính là điều “chúng tôi đang cố gắng thực hiện tại Thượng Hội đồng này: đó là cố gắng chuyển đổi cộng đoàn Giáo hội hướng đến một phương thức làm việc mới. Đó là con đường cam kết đồng trách nhiệm và phân định, dẫn chúng ta đến những quyết định hiệu quả nhất có thể.”
Cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô
Như thường lệ, các nhà báo có cơ hội đặt câu hỏi tại Văn phòng Báo chí. Hồng y Tobin đã kể về cuộc gặp gỡ vào sáng thứ Năm với Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với hai vị hồng y khác của Hoa Kỳ. “Chúng tôi đã hẹn gặp ngài vào lúc 7h30, thế nhưng chúng tôi thậm chí còn không phải là những người đầu tiên gặp ngài. Tôi nghĩ ngài đã thức dậy lúc 4 giờ sáng,” Hồng y lưu ý và cho biết rằng ngài đã xin cuộc gặp gỡ này vì “Giáo hội luôn tìm cách làm tốt hơn những gì mà chúng ta được kêu gọi thực hiện.” “Giống như các bạn, các bạn sẽ có những đồng nghiệp gần gũi với mình,” ngài Tobin nói với các nhà báo, “chúng tôi cũng vậy.” Sau đó, Tổng Giám mục Newark đã được hỏi về vấn đề lạm dụng. Ngài nhớ lại một số sự việc tại giáo phận của ngài là lý do ngài không thể tham dự Thượng Hội đồng năm 2018 dành cho giới trẻ. “Tôi nghĩ rằng Đức Giáo hoàng muốn làm điều tốt nhất cho Giáo hội và cho những người đã bị ảnh hưởng. Những giải pháp được đề xuất là vì lợi ích chung của mọi người,” ngài khẳng định, đồng thời đề cập đến cả các vấn đề liên quan đến Sodalitium Christianae Vitae, một hiệp hội tông đồ tại Peru mà ngài được giao trách nhiệm lãnh đạo vào năm 2016.
Một Thượng Hội đồng ít mang tính Châu Âu hơn
Các câu hỏi sau đó đã chuyển sang các vấn đề liên quan đến Thượng Hội đồng đang diễn ra. Đức Cha Mackinlay, người sẽ đại diện cho Châu Đại Dương trong Ủy ban Soạn thảo Tài liệu Cuối cùng, đã nhận thấy một tầm nhìn ít mang tính Châu Âu hơn, và sự hội nhập của các “chiều kích văn hóa khác nhau, đặc biệt là Nam Mỹ và Châu Phi,” trong cuộc đối thoại của Thượng Hội đồng Giám mục. Ngài nói thêm: “Chúng tôi nghe thấy rằng có sự chia sẻ trách nhiệm trong đời sống và các quyết định của cộng đồng.” Vị giám mục người Úc cũng nhắc đến kinh nghiệm riêng của mình: công tác chuẩn bị cho các cuộc gặp gỡ có khả năng thu hút cả các người dân bản địa địa phương, dù thông qua những quá trình kéo dài “cả hai hoặc ba năm,” nhưng những quá trình này “cho phép chúng ta tiếp tục tiến bước trong công lý và hòa giải” giữa các cộng đồng khác nhau.
Đón nhận những nhạy cảm về văn hóa khác nhau
Một câu hỏi sau đó liên quan đến cách tiếp cận của Thượng Hội đồng đối với các vấn đề liên quan đến cộng đồng LGBTQIA+. Hồng y Tobin nhận xét rằng mặc dù các vấn đề này không được giải quyết rõ ràng như một số người mong đợi, nhưng vẫn được đề cập đến. Ngài nhắc lại một đoạn trong bài suy niệm của cha Timothy Radcliffe, cho rằng “nếu ai đó không hài lòng với câu trả lời họ nhận được, họ không nên rời khỏi bàn đối thoại. Luôn luôn có cơ hội để tiếp tục đối thoại.” Giáo sư De Simone cũng nhấn mạnh nguyên tắc căn bản theo đó không thể mong đợi “những giải pháp chung cho tất cả mọi người” về chủ đề này, và bà hy vọng “có một sự đón nhận lẫn nhau trong những nhạy cảm về văn hóa khác nhau”.
Khi có phụ nữ, các cuộc thảo luận thay đổi
Ý kiến này cũng được Đức Cha Mackinlay đồng tình, khi ngài nhấn mạnh rằng về các vấn đề này, Thượng Hội đồng không bắt đầu “từ con số không” do đã có các cuộc thảo luận trước đó, và các vấn đề “nhạy cảm” khác cũng được đưa ra trong Thượng Hội đồng. “Tôi không nghĩ – vị giám mục người Úc chia sẻ – rằng chế độ đa thê lại có nhiều chỗ để thảo luận đến thế.” Tin chắc vào hiệu quả của tính hiệp hành như một công cụ để đối mặt với bối cảnh hiện nay, Hồng y Tobin đã chỉ ra hai yếu tố quan trọng để hoạt động vì hòa bình đó là: “Đưa tất cả mọi người ngồi chung quanh bàn và bao gồm có cả phụ nữ.” Giáo sư De Simone đã mở rộng quan điểm: “Khi có phụ nữ, các cuộc thảo luận thay đổi. Tôi muốn nói rằng khi có khía cạnh cảm xúc và mối tương quan, các cuộc thảo luận thay đổi. Khi chúng ta nhìn thẳng vào mắt nhau và những lời nói, dù trừu tượng, đều kể về cuộc sống. Lúc đó, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác.”
Tâm Bùi (TGPSG)
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va/it
Nguồn: tgpsaigon.net