BỨC THƯ VỀ TÍNH DỤC CON NGƯỜI
THƯ MỤC VỤ, Ngày 25/03/2023

Hội đồng Giám mục Bắc Âu

WGPMT (06.05.2023) - Hôm nay, Chúa nhật V Mùa Chay, chúng ta đọc bài Tin Mừng nói về việc anh Ladarô được sống lại. Bản văn hùng hồn này cho chúng ta một lời nhắc nhở khác về sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với thân xác con người - về vai trò của thân xác trong việc chữa lành và cứu chuộc nhân loại. Vào Chúa nhật này, Hội đồng Giám mục Bắc Âu chúng tôi công bố Bức thư về Tính Dục Con người. Hy vọng của chúng tôi là lá thư này có thể phục vụ như một sự đóng góp mang tính xây dựng cho cuộc tranh luận còn nhiều bối rối, nhiều đau khổ. Chúng tôi mời các bạn đọc thư và chia sẻ nó.

Anh chị em thân mến,

Bốn mươi ngày Mùa Chay gợi nhớ lại bốn mươi ngày Đức Kitô ăn chay trong hoang địa. Nhưng đó không phải là tất cả của vấn đề. Trong lịch sử cứu độ, thời gian bốn mươi ngày đánh dấu các giai đoạn trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, và vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay. Sự can thiệp đầu tiên mang tính cứu độ đã diễn ra vào thời ông Nôê. Sau khi đã chứng kiến sự phá hủy mà con người gây ra (St 6, 5), Thiên Chúa đã tẩy rửa trái đất. “Mưa đổ xuống mặt đất bốn mươi ngày bốn mươi đêm” (St 7, 12). Hệ quả là một sự khởi đầu mới.

Khi Nôê và người thân của ông ra khỏi tàu, bước vào một thế giới được thanh tẩy, Thiên Chúa đã lập giao ước đầu tiên với mọi sinh vật. Ngài đã hứa sẽ chẳng bao giờ thấy trật lụt nào phá hủy trái đất như vậy nữa. Đối với loài người, Thiên Chúa đòi hỏi sự công chính: tôn thờ Người, xây dựng hòa bình, và trổ sinh hoa trái. Chúng ta được mời gọi để sống hạnh phúc trên trái đất này, để tìm kiếm niềm vui trong tha nhân. Tiềm năng của chúng ta là đáng kinh ngạc khi nhớ lại mình là ai: “Vì Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài” (St 9,6). Chúng ta được mời gọi hiện thực hóa hình ảnh này bằng những chọn lựa trong đời sống. Thiên Chúa đã thiết lập một dấu chỉ trên trời để chứng nhận giao ước của Ngài: “Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta và cõi đất. Khi cây cung ở trong mây, Ta sẽ nhìn nó và nhớ lại giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và mọi sinh vật của mọi xác phàm trên mặt đất” (St 9, 13.16).

Dấu hiệu giao ước này, cầu vồng, được khẳng định trong thời đại chúng ta như là biểu tượng của một phong trào vừa mang tính chính trị vừa mang tính văn hóa. Chúng ta nhìn nhận tất cả những gì cao quý trong khát vọng của phong trào này. Cho đến nay, chúng ta chia sẻ tất cả những gì nói lên phẩm giá của mọi con người và khát vọng được nhìn thấy. Giáo Hội lên án việc đối xử bất công dưới bất kỳ hình thức nào, cho dù dựa trên giới tính hoặc khuynh hướng tính dục. Tuy nhiên, chúng ta công bố phản đối khi phong trào đưa ra quan điểm về bản chất con người tách rời khỏi sự toàn vẹn hiện thân của nhân vị, như thể giới tính thể lý chỉ là tình cờ. Và chúng ta phản đối một quan điểm như vậy lại đem áp đặt lên trẻ em, như thể đó không phải là một giả thuyết táo bạo mà là một sự thật đã được chứng minh, áp đặt lên trẻ vị thành niên gánh nặng về quyền tự quyết mà chúng chưa sẵn sàng đảm nhận. Thật kỳ lạ: xã hội có ý thức mạnh mẽ về thân thể của chúng ta, trên thực tế lại xem nhẹ thân thể, từ chối coi nó như một căn tính quan trọng, cho rằng chỉ kết quả của cái tôi vị kỷ là cái được tạo ra bởi sự tự nhận thức chủ quan, khi chúng ta xây dựng bản thân theo hình ảnh riêng của mình.

Khi chúng ta tuyên xưng rằng Thiên Chúa dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, thì hình ảnh đó không chỉ ngụ ý về linh hồn. Hình ảnh này cũng hàm chứa một cách mu nhiệm trong thân xác. Đối với Kitô hữu chúng ta, thân thể là bản chất của con người. Chúng ta tin vào sự sống lại của thân xác. Một cách tự nhiên, ‘tất cả chúng ta sẽ được biến đổi’ (1Cr 15,51). Thân xác của chúng ta sẽ như thế nào trong cõi vĩnh hằng, chúng ta chưa thể hình dung được. Nhưng chúng ta tin vào thẩm quyền của Kinh Thánh, dựa trên truyền thống, rằng sự duy nhất của tâm trí, linh hồn và thân xác được tạo ra để tồn tại mãi mãi. Trong cõi vĩnh hằng, chúng ta sẽ có thể được nhận ra như chúng ta bây giờ, nhưng những xung đột mà vẫn ngăn cản sự bộc lộ hài hòa của con người thật của chúng ta sẽ được giải quyết.

‘Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa’ (1Cr 15,10). Thánh Phaolô đã phải chiến đấu với chính mình để đưa ra lời tuyên bố này trong đức tin. Chúng ta cũng thường xuyên phải chiến đấu với mình như thế. Chúng ta ý thức được tất cả những gì chúng ta không ; chúng ta tập trung vào những quà tặng mà chúng ta không nhận được, vào tình cảm hoặc sự khẳng định còn thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Những điều này làm chúng ta buồn. Thế nên, chúng ta muốn bù đắp cho chúng. Đôi khi điều này là hợp lý,nhưng thường nó là vô ích. Hành trình chấp nhận bản thân đi qua sự gắn kết với những gì là thật. Thực tế cuộc sống của chúng ta đầy những mâu thuẫn và những vết thương. Kinh Thánh và cuộc đời của các thánh cho thấy rằng vết thương của chúng ta, nhờ ân sủng, có thể trở thành nguồn chữa lành cho chính chúng ta và cho người khác.

Hình ảnh Thiên Chúa trong bản chất con người tự thể hiện trong sự bổ túc của người nam và người nữ. Người nam và người nữ được tạo dựng cho nhau: mệnh lệnh hãy sinh hoa trái tùy thuộc vào sự hỗ tương này, được thánh hóa trong sự kết hợp hôn nhân. Trong Kinh Thánh, cuộc hôn nhân của người đàn ông và người vợ trở thành hình ảnh của sự hiệp thông của Thiên Chúa với nhân loại, được hoàn thiện trong tiệc cưới Con Chiên vào thời cánh chung (Kh 19,6tt). Với chúng ta, điều này không có nghĩa là sự kết hợp như vậy là dễ dàng hoặc không đau đớn. Đối với một số người, nó dường như là một lựa chọn bất khả. Sâu xa hơn, sự hội nhất bên trong chúng ta các đặc điểm nam tính và nữ tính có thể khó khăn. Giáo hội thừa nhận điều này. Giáo hội muốn ôm lấy và an ủi tất cả những ai gặp khó khăn.

Với tư cách là các giám mục của các bạn, chúng tôi nhấn mạnh điều này: chúng tôi ở đây cho mọi người, để đồng hành với tất cả mọi người. Khao khát tình yêu và tìm kiếm sự toàn vẹn về tính dục chạm đến con người một cách mật thiết. Trong lĩnh vực này, chúng ta dễ bị tổn thương. Sự kiên nhẫn được mời gọi trên con đường hướng tới sự toàn vẹn, và niềm vui trong mỗi bước tiến về phía trước. Chẳng hạn, cho dù mối quan hệ chung thủy có hoàn toàn tương ứng với trật tự khách quan của một cuộc hôn nhân được chúc lành về mặt bí tích hay không, thì sự tiến bộ từ lang chạ đến chung thủy cũng đã là một bước tiến quan trọng. Mọi sự tìm kiếm cho sự hội nhất đều đáng trân trọng, đáng được khuyến khích. Sự tăng trưởng trong sự khôn ngoan và đức hạnh là tự nhiên. Nó xảy ra dần dần. Đồng thời, để phát triển cách hiệu quả, nó phải tiến tới một mục tiêu. Sứ mệnh và nhiệm vụ của chúng tôi với tư cách là giám mục là phải chỉ ra con đường hòa bình, trao ban sự sống theo các lệnh truyền của Đức Ki-tô, con đường hẹp lúc khởi đầu nhưng ngày càng rộng hơn khi chúng ta tiến tới. Chúng tôi hẳn sẽ làm các bạn thất vọng nếu chúng tôi trao ban ít hơn; chúng tôi không được truyền chức để rao giảng những quan niệm nhỏ nhặt của riêng mình.

Tình huynh đệ hiếu khách của Giáo Hội luôn có chỗ cho tất cả mọi người. Theo một bản văn cổ mô tả, Giáo Hội là ‘lòng thương xót của Thiên Chúa đổ xuống trên nhân loại’. Lòng thương xót này không loại trừ ai. Nhưng nó đặt ra một lý tưởng cao đẹp. Lý tưởng này được nêu bật trong các điều răn, giúp chúng ta vươn lên và vượt qua những khái niệm quá hạn hẹp về bản thân. Chúng ta được kêu gọi trở thành những người nam và người nữ mới. Nơi mỗi chúng ta đều có những yếu tố hỗn loạn cần được sắp xếp. Sự hiệp thông mang tính bí tích giả định sự đồng thuận được sống một cách nhất quán với các điều kiện của giao ước được đóng ấn trong Máu Đức Kitô. Có thể xảy ra những hoàn cảnh khiến một người Công Giáo không thể lãnh nhận các bí tích trong một thời gian. Tuy nhiên, họ không vì thế mà ngừng là thành viên của Giáo Hội. Trải nghiệm lưu vong nội tâm trong đức tin có thể dẫn đến một cảm thức thuộc về cách sâu sắc hơn. Trong Kinh Thánh, những người bị lưu đày cũng thường xảy ra như vậy. Mỗi người trong chúng ta đều có một hành trình “xuất hành” để thực hiện, nhưng chúng ta không đi một mình.

Cũng vậy, trong những lúc thử thách, dấu chỉ giao ước đầu tiên của Thiên Chúa bao bọc lấy chúng ta. Nó mời gọi chúng ta tìm kiếm ý nghĩa sự hiện hữu của chúng ta, không phải trong từng mảnh ánh sáng cầu vồng, mà trong nguồn gốc thánh thiêng của toàn bộ phổ sắc rực rỡ thuộc về Thiên Chúa và kêu gọi chúng ta trở nên giống Thiên Chúa. Là môn đệ Đức Kitô, là Hình Ảnh của Thiên Chúa (Cl 1,15), chúng ta không thể hạ giá dấu chỉ của cầu vồng [giao ước]  xuống mức độ ít hơn sự gắn kết trao ban sự sống giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo. Thiên Chúa đã tuôn tràn trên chúng ta ‘những điều rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, [chúng ta] được thông phần bản tính Thiên Chúa’ (2Pr 1,4). Hình ảnh Thiên Chúa đã khắc sâu trên bản tính của chúng ta, mời gọi sự thánh hoá trong Đức Kitô. Từ quan điểm Kitô giáo, bất kỳ giải thích về sự khao khát của con người đặt thấp hơn điều này đều thiếu sót .

Ngày nay, có một sự thay đổi liên tục về các ý niệm thế nào là một con người, cũng như một hữu thể tính dục. Những gì được công nhận hôm nay có thể bị khước từ vào hôm sau. Do vậy bất cứ ai quá đặt cược vào các lý thuyết bất định thì có nguy cơ bị tổn thương cách nặng nề. Chúng ta cần các căn nguyên sâu xa. Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng áp dụng các nguyên tắc nền tảng của nhân học Kitô giáo trong sự tiếp cận hữu nghị và tôn trọng những người cảm thấy xa lạ với các nguyên tắc ấy. Chúng ta mắc nợ với Thiên Chúa, với bản thân và với thế giới của chúng ta,  phải giải trình về điều chúng ta tin và lý do tại sao chúng ta tin điều đó là đúng.

Nhiều người bị bối rối trước giáo huấn Kitô giáo truyền thống về tính dục. Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi đưa ra một lời khuyên thân thiện. Thứ nhất: hãy cố gắng làm quen với lời mời gọi và lời hứa của Đức Kitô, cố gắng biết Ngài nhiều hơn qua Kinh thánh và trong lời cầu nguyện, qua phụng vụ và nghiên cứu giáo huấn đầy đủ của Giáo hội, chứ không chỉ là những đoạn trích đây đó. Tham gia vào đời sống của Giáo Hội. Chân trời của những vn đề mà bạn đặt ra sẽ được mở ra theo cách này, cũng như tâm trí của bạn. Thứ hai, hãy xem xét những hạn chế của một diễn ngôn thuần túy thế tục về tính dục. Nó cần phải được làm phong phú. Chúng ta cần những thuật ngữ thích hợp để nói về những điều quan trọng này. Chúng ta sẽ thực hiện sự đóng góp quý báu nếu chúng ta khôi phục lại bản chất bí tích của tính dục trong kế hoạch của Thiên Chúa, vẻ đẹp của đức khiết tịnh Kitô giáo và niềm vui của tình bạn, điều cho phép chúng ta thấy rằng sự thân mật tuyệt dịu, tự do cũng có thể được tìm thấy trong các mối quan hệ phi tính dục.

Mục đích giáo huấn của Giáo Hội không phải là làm lu mờ tình yêu, nhưng là làm tình yêu trở nên khả thể hơn. Ở cuối của phần mở đầu sách Giáo lý Giáo hội Công giáo năm 1992 lặp lại một đoạn trong sách Giáo lý Rôma năm 1566: ‘Toàn bộ mối quan tâm của giáo lý và giáo huấn của giáo lý phải hướng đến tình yêu không cùng. Cho dù điều gì đó được đề xuất vì đức tin, vì đức cậy hay cho hành động, tình yêu của Thiên Chúa chúng ta phải luôn luôn được thực hiện cách khả thể cảm nghiệm, để bất kỳ ai cũng có thể thấy rằng tất cả các công việc của đức hạnh Kitô giáo hoàn hảo đều xuất phát từ tình yêu và không có mục tiêu nào khác hơn là đạt đến tình yêu.' Bởi tình yêu này, thế giới đã được dựng nên, bản chất của chúng ta đã hình thành. Tình yêu này được thể hiện qua gương sáng, sự giảng dạy, cuộc khổ nạn cứu độ và cái chết của Đức Kitô. Điều đó được minh chứng trong sự phục sinh vinh quang của Người, mà chúng ta sẽ hân hoan mừng lễ trong suốt 50 ngày của mùa Phục Sinh. Xin cho cộng đoàn Công giáo của chúng ta, một cộng đoàn đa dạng và phong phú, biết làm chứng cho tình yêu này trong sự thật.

+Czeslaw Kozon, København — Praeses
+Anders Cardinal Arborelius OCD, Stockholm
+Peter Bürcher, Em. Reykjavik
+Bernt Eidsvig CanReg, Oslo
+Berislav Grgić, Tromsø
P Marco Pasinato, Ap.Adm. Helsinki
+David Tencer OFMCap, Reykjavik
+Erik Varden OCSO, Trondheim

Chuyển ngữ: BS Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà
và học viên lớp Thần II, Học Viện Dòng Tên
Nguyên tác “Letter on Human Sexuallity”
https://coramfratribus.com/archive/letter-on-human-sexuality/
Nguồn:
giaophanmytho.net (06.05.2023)