BÌNH TÂM – THÁI ĐỘ CẦN CÓ TRONG CUỘC SỐNG NHIỀU KHỔ ĐAU

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Bình tâm là một thái độ rất căn bản và nền tảng cho đời sống tâm linh, và thái độ này giúp ích rất nhiều cho những ai gặp khổ đau và thử thách. Thái độ bình tâm này cũng là cung cách hành xử đúng đắn của người có niềm tin đối với Thiên Chúa, và đối với tha nhân.[1]

Bình thường con người luôn có khuynh hướng cột chặt vào mình tất cả những gì quý báu. Thật vậy, “chúng ta luôn luôn yêu thích nhiều thứ, và tin tưởng vào chúng trong liên hệ đến cuộc sống thân xác, và chúng ta cũng đã nếm thử chúng với cả thích thú lẫn đắng cay. Những thứ đó đã được chôn kỹ trong tình yêu và trong sự sợ hãi của chúng ta đối với chúng. Chúng ta cần có can đảm cho một cuộc xuất hành nội tâm mới, để hoá giải sức mạnh lôi cuốn của nhiều thứ, và giải thoải chúng ta khỏi những nguy hiểm đến từ sự lệ thuộc hay tình trạng nô lệ”.[2]

Không chỉ cột chặt mình vào những gì quý báu, trong vô thức hay ý thức con người cũng có khuynh hướng giữ mãi những khổ đau, đặc biệt những hận thù trong lòng. Người ta vẫn nói đến thái độ nuôi hận thù. Nuôi hay giữ lại và cột chặt những điều tiêu cực ấy vào mình, thì con người tự mình đánh mất sự tự do nội tâm. Khi con người không có tự do thật sự trong lòng, thì khả năng đón nhận những gì cao quý sẽ bị giảm đi, và đôi khi khả năng đó bị tê liệt. Thay vào đó, con người sống trong lệ thuộc, trong thụ động, trong sợ hãi đến nỗi luôn luôn ôm chặt những gì mình đang có, và nói khác đi họ tự nhốt mình trong ốc đảo riêng với nhiều điều tiêu cực.

Chỉ khi nào con người gặp gỡ Thiên Chúa, và can đảm trao cho Ngài tất cả, thì con người mới gìn giữ được tự do nội tâm. Với một hình ảnh khác, chỉ khi nào con người thực sự muốn và được rơi vào bàn tay của Thiên Chúa, thì con người sẽ tìm lại được sự tự do nội tâm, và với sự tự do này họ có thể gặp gỡ Thiên Chúa và mọi người cách đích thật. Thái độ bình tâm cũng được đề cập trong Thánh Kinh, như trong lời Thánh Vịnh sau:

“Hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.

Cậy vào Chúa, Ít-ra-en ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 131,2-3).

Lời Thánh Vịnh này là lời cầu nguyện đơn sơ của tâm hồn có lòng trông cậy và có thái độ bình tâm sâu thẳm. Sự bình tâm trong sự thinh lặng và thanh bình của người có niềm tin đang khiêm tốn đứng trước tôn nhan Thiên Chúa. Thật vậy, trước sau như một, không có bất cứ thế lực và sự dữ nào có thể lấy mất sự thanh bình và thinh lặng của người bình tâm, của người khiêm tốn và tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Chúa.

Lời cầu nguyện của Thánh Vịnh cũng diễn tả một thái độ khiêm tốn, một sự tinh ròng của niềm tin tưởng mạnh mẽ. Với sự khiêm tốn, người cầu nguyện ý thức mình không có thể hiểu thấu được Thiên Chúa và đường lối của Ngài, nên niềm tin và Lời của Chúa là đủ cho họ. Sự tin tưởng được diễn tả qua hình ảnh của đứa con thơ trong vòng tay của mẹ. Bỏ tất cả mọi sự, không màng đến những an ủi trần gian, tháo cởi tất cả mọi thứ thuộc về trần gian với vui buồn, yếu khoẻ, giàu nghèo, giỏi dốt, và chỉ cần được ấp ủ trong vòng tay Thiên Chúa, người có niềm tin tìm thấy sự thanh bình, yên tĩnh, hạnh phúc, và đặc biệt được kết hiệp với Thiên Chúa.

Ngoài ra, Thánh Phao-lô nhắc nhớ: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 7,29-32).

Thánh Phao-lô nhắc nhớ các tín hữu ở Cô-tin-tô về ngày Quang Lâm của Chúa Giê-su đã rút ngắn thời gian, nói theo nghĩa bóng: chúng ta không còn có thể sống an nhàn trong thế giới hiện tại như trước kia, khi chúng ta không thấy xa hơn. Giờ đây, chúng ta hoàn toàn hướng về cái đang đến. Tín hữu sống trong hiện tại với mọi thực tế của nó, cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả hạnh phúc lẫn khổ đau, cả giàu sang lẫn nghèo nàn, và cả mạnh khoẻ lẫn yếu đau. Tất cả mọi thứ đó không phải là đích đến, không được là những điều tín hữu tha thiết và cột chặt vào mình, mà điều tha thiết nhất đối với tín hữu là cái đến sau khi bộ mặt thế giới này qua đi. Một hình ảnh của bộ mặt thế giới này qua đi được nhận ra rõ ràng qua sự chết của con người. Khi đối diện với sự chết, tất cả mọi sự trên trần gian đều chẳng còn có giá trị gì, lúc đó tín hữu chỉ còn xin được phó thác mọi sự trong bàn tay Thiên Chúa. “Cuối cùng, trong cái chết mọi sự đều tan biến. Lúc đó, chúng ta không còn có gì cả. Chúng ta chỉ biết kiên nhẫn để đứng vững và nói với Chúa rằng: Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con”.[3]

Phó thác trong tay Chúa là chú ý tới cái đến sau sự chết. Đó là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, Đấng là Đường là Sự Thật và là Sự Sống, Đấng là khởi nguyên và là cùng đích. Vì thế, tín hữu không cột chặt đời mình vào những điều thuộc về thế gian, mà một lòng hướng về Thiên Chúa, hướng về Đức Kitô. Tín hữu cần là người tự do, không bị bất cứ điều gì của trần gian chiếm đoạt, mà họ cần được chiếm hữu bởi Chúa Kitô, như chính Thánh Phao-lô, ngài đã được Chúa Kitô chiếm hữu.

Thái độ bình tâm này cũng được một số nhà thần bí người Đức đề cập tới, như Meister Eckhart, Johannes Tauler và Heinrich Seuse. Thánh Gioan Thánh Giá và Thánh I-nhã Thành Loyola cũng đề cập tới.

Thánh I-nhã viết trong sách Linh Thao số 23: “Do đó, cần phải giữ cho mình được bình tâm đối với mọi thọ tạo trong tất cả những gì nằm trong sự tự do của ta và không bị cấm, đến nỗi chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu và tương tự thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả”.

Bình tâm với mọi tạo vật và sống trong ý thức không ước muốn bất cứ điều gì cho bản thân mình. Đó là thái độ thoát ra khỏi con người mình, khỏi cái tôi ích kỷ của mình, để sống với tự do nội tâm đích thật. “Ai thật sự tự do trong ý nghĩa này, thì sẽ không đặt những dấu chân đi tìm mình, và không bị giam hãm vào trong ngục tù của cái tôi. Chỉ có ai tự do thật, mới có thể hỏi xem, điều gì trong những khả năng của tôi sẽ thực hiện điều tốt hơn. Chỉ có người tự do mới có nhiều khoảng cách với chính bản thân, đến nỗi người đó không quyết định theo cảm giác nhất thời hay những tư tưởng nhất thời, mà quyết định theo những giá trị và chuẩn mực quan trọng”.[4]

Ngoài ra, với thái độ bình tâm người ta không chỉ được tự do hoàn toàn, mà họ còn tin tưởng cậy trông vào Chúa, và một lòng một dạ tuân theo thánh ý của Ngài mà thôi. Chính Ngài là nền tảng và nguyên lý của đời sống chúng ta. Tin tưởng như vậy, thì sự sầu khổ sẽ được thánh hóa và có thể trở thành lời chúc phúc cho chúng ta, chứ không trở thành sức mạnh tiêu diệt chúng ta.

Ở đây, chúng ta đọc một chút tâm tình chia sẻ của Karl Rahner: Cuối cùng, tất cả những gì chúng ta gặp phải đều có thể trở nên phúc lành hay là tai họa. Như vậy, điều lúc đầu tưởng như rất khó khăn, tối tăm và cay đắng, đều có thể trở thành phúc lành lớn cho chúng ta, nếu chúng ta vượt qua nó một cách tốt đẹp. Nghĩa là trong niềm tin tưởng hoàn toàn vào Chúa và trong sự bình tâm cùng kiên nhẫn, chúng ta đón nhận điều đó. Cuối cùng, bóng đêm và mọi sự khó hiểu đều có thể trở nên phúc lành. Nếu như vậy, thì chúng ta có thể nói rằng, tất cả mọi điều chúng ta gặp phải đều là phúc lành, dù cho đó là sức khỏe hay bệnh tật, giàu sang hay nghèo khổ, danh vọng hay nhục nhã, sống lâu hay chết yểu. Tất cả đều có thể trở thành phúc lành. Tuy nhiên, trong lời cầu xin của mình, chúng ta vẫn được phép cầu nguyện theo ý của mình: ‘Xin hãy làm cho con được mạnh khỏe và chúc lành cho con được như vậy…’

Dù vậy, lời cầu nguyện sẽ chân thật, nếu chúng ta dù ở trong sự khác biệt của đời sống thực tế này, nhưng vẫn ý thức, vẫn tin tưởng và vẫn sẵn sàng đón nhận một tâm tình sống, là tất cả mọi sự, điều này hay điều nọ đều có thể trao ban cho chúng ta lời chúc phúc. Sự thanh thản cũng như nặng nề, tất cả đều có thể là lời chúc phúc hay đều có thể trở nên phúc lành. Và ở bất cứ nơi đâu mà chúng ta cầu xin ơn chúc phúc của Thiên Chúa, ngay cả trong lời cầu xin về một điều nhất định nào đó, thì chúng ta đang kêu cầu Chúa ban cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh, để đón nhận tất cả mọi sự đến với chúng ta như là sự chúc phúc của Thiên Chúa, và để chúng ta có thể thánh hóa chúng trở thành phúc lành, dù điều đó có bất ngờ xảy đến, hay điều đó có nặng nề đến mấy”.[5]

Để kết, chúng ta cùng để lời Thánh Vịnh dưới đây vang vọng trong tâm hồn, như là lời cầu nguyện với Chúa, lời tự nhắc nhở bản thân đi tìm Chúa và luôn ý thức ở trong Chúa, Đấng là nguồn mạch của bình tâm, tự do và hạnh phúc.

 “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.
Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng” (Tv 62,6-7).

(Trích từ Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ. PHÚC THAY. Suy niệm Tám Mối Phúc Thật. Phần “Phúc thay ai sầu khổ, thì sẽ được Thiên Chúa ủi an”. NXB. Tôn Giáo 2015).

Nguồn: dongten.net (12.05.2023)



[1] Tham khảo trong Lexikon fuer Theologie und Kirche, KASPER Walter und andere (Hrg.), 4.Band, Herder Verlag, Freiburg 1995, c.403-404.

[2] RAHNER K., Betrachtungen zum ignatianischen Exerzitienbuch, Koesel Verlag, Muenchen 1965, s.28.

[3] RAHNER K., Betrachtungen zum ignatianischen Exerzitienbuch, s.28.

[4] KIECHLE S., Sich entscheiden, Ignatianische Impulse, Echter Verlag, Wuerzburg 2004, t.22.

[5] RAHNER K., Praxis des Glaubens, geistliches Lesebuch, Hrg. Von Karl Lehmann und Albert Rafelt, Benziger und Herder Verlag, Zürich und Freiburg 1982, t.405-406.