BẢY ĐỨC TÍNH THIẾT YẾU CỦA MỘT NGƯỜI TRUYỀN GIÁO
Linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên
Ủy ban Loan báo Tin Mừng / HĐGMVN
WHĐ (22.10.2022) - Bạn muốn mang Đức Kitô đến
cho thế giới nhưng không biết chắc mình có đang đi đúng đường hay không? Nhân dịp
tuần lễ truyền giáo thế giới diễn ra từ ngày 16 đến 23 tháng 10, 2022, bạn hãy
khám phá những nét đặc trưng của người truyền giáo là gì, theo Đức Giáo Hoàng
Phanxicô.
Trong một bài diễn từ rất sống động
được gửi cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo ngày 21 tháng 5, 2019, Đức Thánh
Cha Phanxicô đã nhắc lại vài điểm cơ bản về truyền giáo đã được ngài viết trong
Tông huấn Evangelii Gaudium để phân biệt hạt giống tốt với cỏ dại.
Theo ngài, người truyền giáo được nhận ra với nhiều phẩm chất…
1. NGƯỜI TRUYỀN GIÁO THÌ VUI VẺ
Đức Thánh Cha cắt nghĩa: “Nếu
chúng ta đi theo Chúa Giêsu, hạnh phúc vì được Người lôi cuốn, người ta sẽ nhận
ra điều ấy” và họ chỉ biết ngạc nhiên. Biết bao lần chúng ta đã từng có trải
nghiệm này: một bộ mặt tươi cười có sức thuyết phục hơn cả một bài diễn văn
dài! “Niềm vui toát ra nơi những ai được lôi cuốn bởi Đức Kitô và Thần Khí của
Người, đó là điều có thể làm cho mỗi sáng kiến truyền giáo trở nên phong phú và
hiệu quả”.
Đức Thánh Cha lặp lại ở đây một
nguyên tắc đơn sơ có vẻ như là một trong những sợi chỉ dệt nên sứ vụ giáo hoàng
của ngài: chính nhờ sức lôi cuốn mà một linh hồn được hoán cải. Mầu nhiệm Cứu
Chuộc có thể chinh phục trái tim của những người khác bởi vì “Đức Kitô tỏ mình
ra cho chúng ta bằng cách lôi cuốn chúng ta”, ngài nhấn mạnh khi trích dẫn những
lời của Thánh Augustinô. Đẹp biết bao khi thấy rằng Đức Giêsu không chỉ chinh
phục ý chí chúng ta, Người cũng lôi cuốn sự vui thích của chúng ta!
2. VUN TRỒNG LÒNG BIẾT ƠN VÀ MÓN QUÀ CHO KHÔNG
Đức Thánh Cha diễn tả rất đẹp:
“Niềm vui loan báo Tin Mừng luôn luôn chiếu sáng trên cái nền của một ký ức biết
ơn”. Giống như các môn đệ đã không bao giờ quên khoảnh khắc trái tim họ được Đức
Kitô chạm vào, mỗi người chúng ta cũng có thể nhớ lại cuộc gặp gỡ của mình với
Người và tạ ơn Người vì cuộc gặp gỡ ấy. Thực vậy, chọn đi theo một sứ vụ là “một
phản ánh của lòng biết ơn”, một hệ quả của nó.
Đức Thánh Cha cắt nghĩa: “Đó là lời
đáp của những người vì biết ơn mà trở nên dễ Chúa Thánh Thần, và vì thế trở nên
những con người tự do”. Từ sự biết ơn này toả ra “phép lạ của sự cho không, món
quà cho không chính bản thân mình”. Ngược lại, ngài cảnh giác chúng ta, sẽ vô
ích và nhất là không thích hợp nếu chúng ta “trình bày sứ vụ và việc loan báo
Tin Mừng như thể đó là một bổn phận bị áp đặt”, một kiểu “nghĩa vụ hợp đồng của
những người đã được rửa tội”. Do đó, chúng ta phải biết tạ ơn vì được gặp Đức
Kitô và như thế động lực truyền giáo của chúng ta sẽ được đổi mới!
3. KHIÊM NHƯỜNG
Đức Giáo Hoàng cảnh báo: Không
bao giờ có thể phục vụ sứ mạng của Hội Thánh “bằng thái độ kiêu ngạo”, coi các
bí tích và các lời của đức tin Kitô giáo “như là một chiến lợi phẩm” mình đáng
được. Bởi vì chân lý, đức tin, hạnh phúc và ơn cứu độ không phải là “tài sản
riêng của chúng ta”, chúng ta phải loan báo Tin Mừng Đức Kitô với lòng khiêm
nhường. Theo người kế vị Thánh Phêrô, nhân đức này rất khó đạt được, chúng ta
chỉ có thể có nó bằng cách noi gương Đức Kitô, Đấng đã dạy các môn đệ của Người, “Anh em hãy mang
lấy ách của Thầy, và hãy học cùng Thầy, vì Thầy có lòng hiền lành và khiêm nhường,
và anh em sẽ tìm được sự thư thái trong tâm hồn anh em” (Mt 11, 29). Bằng cách
nhìn vào Đức Kitô, chúng ta sẽ tránh được mọi quan niệm lệch lạc về đức khiêm
nhường.
4. TẠO THUẬN LỢI, THAY VÌ BIẾN TIN MỪNG THÀNH GÁNH NẶNG
Đức Thánh Cha yêu cầu không được
đặt «chướng ngại vật cho ước muốn của Chúa Giêsu, vì Người cầu nguyện cho mỗi
người chúng ta và muốn mọi người được chữa lành và cứu rỗi». Đây dường như là một
điểm then chốt đối với Đức Phanxicô. Một trái tim truyền giáo nhận ra những
hoàn cảnh thực tế mà người ta đang sống, «với những giới hạn, những tội lỗi, những
yếu đuối của họ, và làm cho mình trở nên ‘yếu đuối với những người yếu đuối’»,
ngài tuyên bố.
Thế nên, theo Đức Thánh Cha, ra
đi truyền giáo đôi khi phải là đi chậm lại “để cùng đi với những người bị bỏ lại
bên đường”. Hội Thánh không phải là “một cơ quan thuế vụ”, và bất cứ ai tham
gia vào sứ vụ của Hội Thánh bằng bất cứ cách nào đều được kêu gọi “không chất
thêm những gánh nặng vô ích cho cuộc sống vốn đã nặng nề của người ta, không áp
đặt những đường lối đào tạo rắc rối và vất vả để tận hưởng những gì mà Chúa ban
cho một cách dễ dàng”.
5. GẦN GŨI VỚI CON NGƯỜI
Đức Giêsu đã không gặp các môn đệ
“trong một hội nghị, một cuộc hội thảo đào tạo hay trong một đền thờ”, Đức
Phanxicô hóm hỉnh nói, nhưng bên bờ hồ Galilê khi họ đang bận bịu với công việc
của họ. Luôn luôn vẫn thế, “việc loan báo ơn cứu độ của Chúa Giêsu đến được với
những con người tại chính những nơi họ đang sống và trong tình trạng thực tế của
họ, trong đời sống cụ thể của họ”.
Cũng vậy, người môn đệ đích thực
sẽ tìm gặp những con người trong đời sống thường nhật của họ “bằng cách tham
gia vào các nhu cầu, các niềm hi vọng và các vấn đề của mọi người”. Thay vì “chế
ra các hội nhóm “dành riêng”, tạo ra các thế giới song song, làm ra những cái
bong bóng truyền thông để tuyên truyền những khẩu hiệu của riêng mình”, người
truyền giáo phải tìm đến những nơi mình có thể gặp gỡ tha nhân. Một điểm gỡ nút
thắt mời gọi chúng ta ra khỏi những cái vòng khép kín của mình.
6. ƯU ÁI NGƯỜI NGHÈO
Mọi người truyền giáo, nếu được
Chúa Thánh Thần thúc đẩy, sẽ “biểu lộ lòng ưu ái đối với những người nghèo và
những người bé mọn, như là dấu chỉ và phản chiếu sự ưa thích đặc biệt của Chúa
Giêsu đối với những con người ấy”, Đức Thánh Cha nhắc nhở như thế. Và ngài nói
thêm, “Những ai tham gia trực tiếp vào các sáng kiến và các cơ cấu truyền giáo
của Hội Thánh không bao giờ có thể viện cớ phải tập trung sức lực cho các công
việc ưu tiên của sứ vụ ―là điều đa phần được sử dụng trong một số giới giáo sĩ―
để biện minh cho sự thiếu chú tâm của mình đối với những người nghèo”. Không,
dành sự ưu ái cho người nghèo “không phải là một chọn lựa tuỳ ý cho Hội Thánh”,
theo lời Đức Thánh Cha.
7. ĐƯỢC THÚC ĐẨY BỞI CHÚA THÁNH THẦN
Tất cả những đức tính đặc trưng
này sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta quên mất điều cốt yếu: ngoài Chúa Thánh
Thần, chúng ta không thể làm được gì. Mỗi người môn đệ truyền giáo phải luôn
ghi nhớ điều này, “đó là chính Chúa Thánh Thần làm bùng cháy đức tin và giữ gìn
đức tin trong các tâm hồn”, Đức Thánh Cha phát biểu. Thực vậy, chính Đức Kitô
“làm chứng về Người qua các công trình Người thực hiện trong chúng ta và với
chúng ta”.
Những người truyền giáo phải tin
rằng Đức Kitô có “trái tim của họ trong quyền năng của Người”. Nếu chúng ta
không tin khi cầu xin Người, Chúa thực sự không thể ban Thánh Thần của Người
cho chúng ta, khi ấy “những lời cầu nguyện này không phải là đích thực mà là những
công thức trống rỗng, “những cách nói”, những sở thích được áp đặt bởi thói
quen của giáo sĩ”, Đức Thánh Cha đánh giá. Chúng ta có thực sự tin rằng Đức
Kitô có thể thay đổi trái tim chúng ta không?
Theo Sainte Adeline, fr.aleteia.org (25.5.2020)