BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Lm. Ernest Nguyễn Văn Hưởng,
Giáo sư Luân Lý, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn
WHĐ (18.9.2021) - Nơi các phương tiện truyền thông trong những năm gần đây, người ta thường nhắc nhiều đến từ môi trường, ô nhiễm môi trường. Hiện tượng đó là hậu quả của việc môi trường trên thế giới, hiểu ngầm là cả Việt Nam, có những diễn biến ngày càng xấu đi. Người ta thấy rằng ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, nhiều loài cây, nhiều thú rừng cũng như nhiều loài quí hiếm khác đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do môi trường sống bị ô nhiễm cũng như do việc khai thác quá mức. Tại Việt Nam chẳng hạn, các quán ăn đặc sản với các món được chế biến từ thú rừng vẫn thu hút nhiều khách và lợi nhuận cao vẫn có sức lôi cuốn nhiều người kinh doanh các loại đặc sản này. Ô nhiễm môi trường làm cho nhiều loài bị tiêu diệt cũng như phát sinh nhiều bệnh tật cho con người. Tình trạng ngày càng đáng báo động. Chính vì thế việc tìm cách bảo vệ môi trường sống là vấn đề cấp thiết hiện nay trên thế giới. Muốn làm được điều đó chắc chắn chúng ta phải hiểu môi trường là gì?
Mục lục II. NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG 4.
Sử dụng bền vững môi trường |
I. MÔI TRƯỜNG LÀ GÌ?
Người ta thường nói nhiều về “môi trường”, “bảo vệ môi trường”,
“ô nhiễm môi trường”, “tài nguyên môi trường”, “đánh giá tác động môi trường”,
“quản trị môi trường”…Điều đó cho thấy tầm quan trọng của vấn đề được đặt ra và
cũng cho thấy sự phức tạp của vấn đề. Chính vì thế Giáo sư Lê Huy Bá trong Giáo
trình Môi trường học cơ bản đã cung cấp cho sinh viên nhiều định
nghĩa về môi trường:
- Môi trường là tổng hợp các yếu tố tồn tại xung quanh sinh vật và ảnh hưởng
đến sinh vật. Ví dụ một bông hoa mọc trong rừng, nó chịu tác động của các
điều kiện nhất định như: nhiệt độ, ánh sáng, không khí, đất, các khoáng chất
trong đất,… Nghĩa là toàn bộ các vật chất có khả năng gây ảnh hưởng trong quá
trình tạo thành bông hoa, kể cả những thú rừng, những cây cối bên cạnh.
- Môi trường là tất cả những gì ngoài cơ thể, có liên quan mật thiết và
có ảnh hưởng đến sự tồn tại của con người như: đất, nước, không khí, ánh
sáng mặt trời, rừng, biển, tầng ozone, sự đa dạng các loài.
- Môi trường là hoàn cảnh sống sinh vật, kể cả con người, mà con người
và sinh vật đó không thể tách riêng ra khỏi điều kiện sống của nó”.
- Einstein cho rằng: “môi trường là tất cả những gì ngoài tôi ra”.
- môi trường là tập hợp các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học, kinh tế xã
hội, tác động lên từng cá thể hay cả cộng đồng.
- môi trường là hoàn cảnh vật lý, hóa học và sinh học bao quanh sinh vật,
đó gọi là môi trường bên ngoài. Còn các điều kiện, hoàn cảnh vật lý, hóa học,
sinh học trong cơ thể gọi là môi trường bên trong. Dịch bào bao quanh tế bào,
thì dịch bào là môi trường của tế bào cơ thể”. (Theo Dictionary of environment của Gurdey Rej (1981) và cuốn Encyclopedia of environment Science and
Engineering của Sybil và các cộng sự khác)
- “môi trường là tất cả những gì bao quanh chúng ta hoặc sinh vật. Nói
cụ thể hơn, đó là các yếu tố tự nhiên và nhân tạo diễn ra trong không gian cụ
thể, nơi đó có thể có sự sống hoặc không có sự sống. Các yếu tố chịu ảnh hưởng
sâu sắc của những định luật vật lý, mang tính tổng quát hoặc chi tiết như luật
hấp dẫn vũ trụ, năng lượng phát xạ, bảo tồn vật chất … Trong đó hiện tượng hóa
học và sinh học là những đặc thù cục bộ. Môi trường bao gồm tất cả những nhân tố
tác động qua lại trực tiếp hoặc gián tiếp với sinh vật và quần xã sinh vật”.
(Theo Từ điển bách khoa Larousse)
Sau khi lược qua một số định nghĩa, tác giả cho rằng: “Môi trường là các yếu tố vật chất tự nhiên
và nhân tạo, lý học, hóa học, sinh học cùng tồn tại trong một không gian bao
quanh con người. Các yếu tố đó có quan hệ mật thiết, tương tác lẫn nhau và
tác động lên các cá thể sinh vật hay con người để cùng tồn tại và phát triển.
Thiết tưởng, chúng ta cũng nên lưu ý đến định nghĩa về môi
trường trong luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam năm 2003: Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất quan hệ mật
thiết với nhau, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của
con người và thiên nhiên (theo điều 1, Luật Bảo vệ Môi trường).
Đồng thời cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ-EPA (Environmental
Protection Agency) cho thấy: Môi trường
là tổng thể những điều kiện bên ngoài tác động đến cuộc sống, sự phát triển và
sự tồn tại của một sinh thể.
Từ những định nghĩa trên chúng ta có nhận xét:
Khi nói đến môi trường chúng ta nói đến những gì bao quanh một
sinh vật. Sinh vật đó có thể là vi trùng, là tế bào, là thú vật và dĩ nhiên có
thể là chính con người. Ở môi trường này sinh vật có thể sống khoẻ nhưng chuyển
qua môi trường khác sinh vật có thể chết. Đôi khi sinh vật phải di chuyển thật
xa để có môi trường sống thuận lợi hơn (có nhiều thức ăn) hay nếu phải ở lại
môi trường thiếu thức ăn thì sinh vật phải thích nghi với môi trường (thí dụ ngủ
một giấc đông dài).
Những gì bao quanh đó có thể hết sức cần thiết như không khí
và nước (nếu thiếu không khí để thở, thiếu nước để uống thì sinh vật đó sẽ chết).
Những gì bao quanh đó có thể là những thứ phụ thuộc thí dụ như đất cát hay đất
đỏ, đất nào sinh vật cũng vẫn có thể sống được nhưng có thể hoàn toàn phù hợp
hay ít phù hợp hơn mà thôi.
Khi sống trong một môi trường, sinh vật tác động trên môi trường làm cho môi trường sống thay đổi. Sự thay đổi đó có thể xấu hơn làm cho sinh vật không thể sống được trong môi trường đó nữa. Sự thay đổi đó có thể làm cho môi trường trở nên tốt hơn và sinh vật có thể sống hài hoà với môi trường đó.
Trong hạn hẹp của đề tài, chúng ta chỉ bàn tới môi trường sống
của con người. Con người cũng như các sinh vật phải sống trong một môi trường
phù hợp. Môi trường sống của con người là:
- Môi trường tự nhiên như ánh
sáng, mặt trời, mặt trăng, núi, sông, biển cả, không khí, động, thực vật, đất,
nước, khoáng sản...
- Môi trường xã hội là các quan hệ
giữa người với người: làng, xã, quốc gia, tỉnh, thành, tôn giáo, đoàn thể, tổ
chức... Môi trường xã hội cũng có thể là những luật lệ, cam kết, qui định… những
thứ giúp người ta có thể sống chung với nhau, sống tập thể, hợp thành xã hội trật
tự làm cho con người khác các sinh vật khác.
Ngoài ra người ta còn kể đến môi trường nhân tạo là những thứ
do chính con người tạo ra để phục vụ cho đời sống con người: nhà cửa để ở (nhà
cao tầng); xe cộ, tàu thuỷ, máy bay để di chuyển nhanh hơn; các thứ máy móc để
sản xuất phục vụ cho đời sống con người… Chính môi trường nhân tạo này làm biến
đổi triệt để môi trường sống của chính con người. Có thể nói nguyên nhân chính
của ô nhiễm môi trường là do con người tìm cách làm ra nhiều của cải phục vụ
cho đời sống con người và điều nghịch lý là công nghiệp phục vụ đời sống con
người lại đe doạ chính sự sống con người. Lược qua những nguyên nhân gây ô nhiễm
chúng ta sẽ thấy điều đó.
II. NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Người ta nói đến ô nhiễm môi trường khi môi trường thay đổi
thành phần và tính chất đến nỗi làm hại đến các hoạt động sống bình thường của
sinh vật, ở đây là của con người. Người ta gọi những thứ gây ô nhiễm là tác
nhân hay chất ô nhiễm.
1. Ô nhiễm nước
Sự ô nhiễm nước là một sự biến đổi do con người gây ra đối với
chất lượng nước, gây nguy hại cho con người, cũng như cho các động vật nuôi,
các loài hoang dã. Sự ô nhiễm này chủ yếu do nước thải ra từ các vùng dân cư,
khu công nghiệp, do giao thông vận tải, do thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân
bón trong nông nghiệp,…
Ô nhiễm nước trở nên nghiêm trọng là bởi vì người ta đã quá
nhấn mạnh đến phát triển kinh tế mà không lưu ý đủ đến các hậu quả tác động đến
môi trường. Họ cho rằng việc đổ các chất thải công nghiệp (dệt, nhuộm, thuộc
da…) và sinh hoạt vào nước là chuyện không quan trọng, không gây những ảnh hưởng
xấu. Việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải lại tốn kém làm giảm lợi nhuận,
sản phẩm khó cạnh tranh. Đồng thời việc gia tăng dân số cũng làm gia tăng lượng
nước thải vào trong sông rạch góp phần không nhỏ làm ô nhiễm môi trường. Nước ô
nhiễm là con đường đưa độc chất vào các cơ thể con người cách dễ dàng nhất. Vì
thế, vấn đề ô nhiễm nước cần được lưu ý trước tiên.
2. Ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí xảy ra khi người ta đưa vào khí quyển các
loại khí, bụi, hơi hay các hạt làm cho thành phần không khí thay đổi, làm cho
không khí không sạch, có mùi khó chịu, làm giảm tầm nhìn gây đe doạ đời sống
con người. Các chất này càng nguy hiểm hơn khi nó dễ dàng xâm nhập vào cơ thể
qua đường hô hấp và da, hấp thụ vào máu hoặc tác động ngay lên hệ thần kinh.
Nguồn gây ô nhiễm không khí trước tiên là do công nghiệp, do
các nhà máy đã thải vào không khí rất nhiều chất khí độc hại, nồng độ chất độc
hại lại cao và tập trung. Nguồn gây ô nhiễm không khí có thể là do giao thông vận
tải, do sinh hoạt, do cống rãnh ao hồ, kênh rạch, sông ngòi bị ô nhiễm nên thải
khí độc hại vào không khí.
Môi trường không khí ngày càng bị ô nhiễm đã dẫn đến khả
năng hấp thụ bức xạ Mặt Trời của khí quyển tăng lên và "hiệu ứng nhà
kính" càng trở nên rõ rệt mà hậu quả là hiện tượng "ấm lên toàn cầu",
"sự mỏng đi của tầng ozon". Hậu quả là các tia cực tím đến từ mặt trời
đã gây ra những tác hại xấu cho con người như đục thuỷ tinh thể, ung thư da. Hiện
tượng ô nhiễm không khí tại các đô thị và khu công nghiệp ngày càng gia tăng đã
gây tác hại đối với sức khoẻ con người, gây hại cho hai cơ quan chính của con
người là mắt và đường hô hấp từ đó có thể gây ra tử vong hay ung thư phổi. Phấn
đấu được sống trong bầu không khí trong lành sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ và
cuộc sống.
3. Ô nhiễm đất
Đất thường là nơi tiếp nhận các nguồn thải. Các chất thải rắn
ở các đô thị đã sinh ra hàng loạt vấn đề về bảo vệ sức khỏe, ô nhiễm đất và nước,
phá hủy cảnh quan, chiếm dụng đất làm bãi rác thải,...
Ô nhiễm do dùng phân hữu cơ trong nông nghiệp chưa qua xử lý
đã gây ra các bệnh truyền từ đất cho cây sau đó sang người gây ra các bệnh đường
ruột, bệnh ký sinh trùng,... Ô nhiễm do nguồn thải công nghiệp bao gồm các chất
thải cặn bã, các sản phẩm phụ do hiệu suất nhà máy không cao. Ô nhiễm do dư lượng
thuốc bảo vệ thực vật: phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ,... Phân bón và các thuốc
trừ sâu, diệt cỏ được dùng với mục đích tăng thu hoạch mùa màng nhưng thuốc trừ
sâu là tác nhân số một gây ô nhiễm đất, đặc biệt là thuốc trừ sâu và thuốc DDT
gây ô nhiễm nặng hơn hết.
Đất bị ô nhiễm trước tiên sẽ gây tác hại đến hệ sinh vật sống
trong đất. Đất thiếu sinh vật trở nên môi trường trơ, không thể sử dụng vào sản
xuất nông nghiệp được nữa. Ngoài ra còn ô nhiễm do phóng xạ là các chất phế thải
của các cơ sở khai thác, nghiên cứu và sử dụng các chất phóng xạ. Các chất
phóng xạ đi vào đất, từ đất vào cây trồng sau đó có thể đi vào người.
4. Ô nhiễm môi trường do con người
Những ô nhiễm mà chúng ta kể trên có liên hệ đến hoạt động của
con người. Cũng như các sinh hoạt khác, con người lấy từ môi trường những chất
liệu để sống, để tồn tại và phát triển. Người ta sử dụng khí thở, nước uống, nước
sinh hoạt, các nguồn thức ăn trong thiên nhiên và nuôi trồng… Người ta còn lấy
từ thiên nhiên những nguyên vật liệu để xây dựng nơi cư trú, để chế tạo vải
vóc, dụng cụ lao động…Con người sử dụng năng lượng ngày càng nhiều nên tạo ra sự
thiếu hụt năng lượng ngày càng lớn mặc dù đã cố gắng tận dụng than đá, khí đốt,
thuỷ điện, năng lượng nguyên tử, năng lượng gió, …để nâng cao mức sống con người.
Đồng thời con người cũng thải ra môi trường ngày càng nhiều
những yếu tố ô nhiễm gây suy thoái môi trường sống cho chính con người và làm đảo
lộn hệ sinh thái tự nhiên. Một vài sự kiện sau đây cũng đủ chứng minh điều đó:
Để có thể nuôi số dân đông đảo như hiện nay trên thế giới
người ta phải tăng năng suất cây trồng bằng phân hoá học, bằng thuốc trừ sâu, bằng
thâm canh. Hậu quả là đất đai bị thoái hoá và người ta càng phải sử dụng phân
hoá học nhiều hơn để lấy lại năng suất. Vòng luẩn quẩn đó làm cho tài nguyên đất
càng ngày càng cạn kiệt. Sự khai thác đất trồng không đúng cách cũng có thể làm
cho đất bị xói mòn và biến thành sa mạc. Sự tàn phá rừng với tốc độ như hiện
nay gây sự hủy diệt các động vật và sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Ước lượng mỗi
ngày có hàng trăm loài sinh vật bị tuyệt chủng. Dân số đông đảo còn làm cho nước
thải cũng như các chất thải trong sinh hoạt gia tăng. Xử lý rác thải trong sinh
hoạt để bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm là vấn đề khó giải quyết đối với nhiều
quốc gia trên thế giới.
Ở đây cũng nên kể đến ô nhiễm trong quá trình chế biến thức
ăn. Hiện nay, đặc biệt theo thông tin báo chí của Việt Nam, người ta đã dùng
nhiều chất độc hại đến sức khoẻ để chế biến thức ăn, thậm chí còn dùng những chất
có thể gây ung thư. Những chất đó tạo cho dáng vẻ bên ngoài của món ăn đẹp hơn,
màu sắc rực rỡ hơn, chế biến món ăn ít tốn kém hơn, giá thành rẻ hơn và vì thế
thêm được nhiều lợi nhuận hơn nhưng cũng đưa con người tới bệnh tật và cái chết
gần hơn.
Dân số gia tăng đòi phải khai thác tài nguyên nhiều hơn. Có
những tài nguyên được coi là vô tận như năng lượng mặt trời. Có những tài
nguyên có thể tái tạo được như gỗ rừng, cá, thú rừng … nếu được khai thác cách
hợp lý. Có những tài nguyên không thể tái tạo như than đá, dầu mỏ, kim loại… là
những thứ có giới hạn và khi đã cạn kiệt thì không thể phục hồi.
Nếu các tài nguyên cần thiết cho sự sống con người ngày càng
ít đi, cuộc sống sẽ càng khó khăn hơn. Các tài nguyên có thể tái tạo được nếu bị
khai thác quá mức cũng không thể phục hồi kịp trong khi các tài nguyên không thể
tái tạo được bị đe dọa cạn kiệt trong vài thập kỷ tới. Phải chăng thế hệ chúng
ta hiện nay không cần để ý đến sự sống còn của thế hệ tương lai ?
Muốn cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, con người phải
khai thác tài nguyên, tạo nhiều của cải vật chất. Chính điều đó lại gây nên sự
cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến cuộc sống con
người.
5. Ô nhiễm môi trường xã hội
Môi trường sống của con người không chỉ là môi trường thiên
nhiên như cây cỏ, không khí, thú vật nhưng còn là môi trường xã hội. Môi trường
xã hội có thể bị xấu đi khi những người nơi đó sống ích kỷ, chạy theo tư lợi
hay nói khác đi người ta có thể làm điều xấu để thu được nhiều lợi lộc hơn:
buôn bán ma túy, tổ chức mại dâm, lường gạt,... để có tiền.
Ngày nay, người ta có thể liệt kê một số những ô nhiễm môi
trường nhân văn như sau:
- lối sống duy lợi làm người ta sẵn
sàng làm mọi thứ kể cả giết người vô tội để được lợi cho mình hay cho cộng
đoàn. Chủ nghĩa duy lợi thường theo nguyên tắc sống mục đích biện minh cho
phương tiện. Người ta có thể làm điều xấu để thu được nhiều lợi lộc hơn: buôn
bán ma túy, tổ chức mại dâm... những thứ có thể đem lại nhiều tiền.
- lối sống hưởng thụ nhấn mạnh
nhiều hơn tới việc ăn chơi, không cần biết đến hậu quả. Người ta ít nói đến hy
sinh nhưng nghiêng về lối sống tận hưởng: tận hưởng khoái lạc tính dục, tận hưởng
khoái cảm của các chất kích thích … Hình như họ không quan tâm mấy tới tương
lai của mình, của gia đình, của xã hội và cũng không cần nhớ đến việc chịu
trách nhiệm về hành động của mình.
- lối sống bạo lực khi người ta giải
quyết các vấn đề trong xã hội bằng bạo lực, bằng cái chết của người khác, kể cả
người vô tội: người ta giải quyết khó khăn kinh tế gia đình, giải quyết việc
gia tăng dân số bằng giết các thai nhi; người ta giải quyết các cuộc tranh chấp
bằng đâm chém nhau, bằng súng, đạn, bom, bằng bắt cóc và giết con tin ... Ngay
từ nhỏ các em đã chơi những trò chơi bạo lực như: đao, kiếm, khí giới, thích
đánh nhau...
Các lối sống này len lỏi vào trong những gia đình được coi
là đạo đức, gia giáo, những gia đình cách mạng, gia đình ông trùm... làm cho
môi trường xã hội bị ô nhiễm. Người ta không còn quan tâm đến cứu cánh của con
người, người ta coi nhẹ đời sống đạo đức, luân lý, người ta ít quan tâm đến đời
sau mà chỉ lo tìm cách tận hưởng đời nầy. Những ô nhiễm môi trường đó tác động
trực tiếp ít nhiều đến môi trường sống con người.
III. MÔI TRƯỜNG THEO CUỐN “TÓM LƯỢC HỌC THUYẾT XÃ HỘI”
1. Chúa thấy nó tốt đẹp
Cuốn Tóm Lược Học Thuyết
Xã Hội do Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình chủ biên dành chương
thứ 10 nói về Bảo vệ Môi trường. Theo đó, lời khẳng định trước tiên cho thấy sự
tốt đẹp của thiên nhiên là do chính Chúa nhận xét và cũng chính Chúa nhận xét
con người là rất tốt đẹp:
Thiên nhiên, một công trình sáng tạo của Thiên Chúa, không
phải là một kẻ thù nguy hiểm. Chính Chúa đã làm nên mọi sự, và khi nhìn từng thụ tạo “Chúa đều thấy nó tốt
đẹp” (x. St 1,4.10.12.18.21.25). Và Ngài đặt con người lên chóp đỉnh công
trình sáng tạo mà Ngài thấy là “rất tốt đẹp đó” (St 1,31). Chỉ có con người,
nam cũng như nữ, trong số mọi thụ tạo, được Thiên Chúa tạo dựng “theo hình ảnh
Ngài” (St 1,27). Chúa giao cho con người
chịu trách nhiệm về toàn thể thụ tạo, bắt họ chăm lo sao cho thụ tạo được hài hoà
và phát triển (x. St 1,26-30). (no 451)
2. Làm chủ thiên nhiên
Ngay từ đầu con người đã được mời gọi sống hoà hợp với thiên
nhiên và với Thiên Chúa. Đó là lý tưởng của đời sống con người và đây là chọn lựa
của một số vị thánh.
Cách riêng, linh đạo Bênêđictô và Phanxicô đã cho thấy sự gần
gũi thân mật của con người với môi trường thụ tạo chung quanh, và thúc đẩy
trong con người thái độ tôn trọng mỗi một thực tại trong thế giới quanh mình”.
(no 464)
Thiên Chúa giao cho con người trách nhiệm chăm sóc vũ trụ vạn
vật. Con người thực thi quyền ấy bằng tất cả khả năng của mình nhưng hành vi ấy
lại có thể làm cho con người đi đến chỗ diệt vong.
Giáo Hội đánh giá cao “những lợi ích thu được – và sẽ tiếp tục
thu được – do con người đã nghiên cứu và ứng dụng khoa sinh học nguyên tử, có sự
đóng góp thêm của các khoa khác như di truyền học và những ứng dụng công nghệ của
nó trong nông nghiệp và công nghiệp”. Thật vậy, công nghệ “có thể là một công cụ vô giá dùng để giải quyết nhiều vấn đề
nghiêm trọng, trước tiên là vấn đề nghèo đói và bệnh tật, bằng cách sản xuất
những loài thảo mộc cao cấp và mạnh mẽ hơn, cũng như bằng việc sản xuất các dược
phẩm giá trị”. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại khái niệm “ứng dụng cách thích hợp”
vì “chúng ta biết rằng tiềm năng ấy không phải là vô thưởng vô phạt: vì người ta có thể dùng nó hoặc để giúp con người
tiến bộ hoặc sẽ đẩy con người đi xuống” (no 458).
Như thế con người được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong
công trình sáng tạo. Con người được làm chủ vạn vật theo nghĩa cộng tác với
Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là con người không có quyền tuyệt đối trên vạn vật,
không có quyền muốn làm gì thì làm nhưng cần làm chủ theo chương trình của
Thiên Chúa, làm chủ theo ý Chúa muốn. Vì thế, con người không thể làm chủ bằng
bạo lực, bằng cách vắt kiệt tài nguyên, bằng cách làm cho vũ trụ vạn vật ra xấu
hơn... mà trái lại cần phải đối xử với thiên nhiên trong sự nâng niu, trân trọng
như món quà tốt đẹp mà Thiên Chúa ban cho con người.
Vì tất cả mọi hữu thể đều sống lệ thuộc lẫn nhau trong trật
tự chung do Tạo Hoá sắp đặt. “Ta cần phải xem xét bản chất của mỗi vật mỗi loài
và mối tương quan của nó trong một hệ thống có trật tự, hệ thống này gọi chính
xác là ‘vũ trụ’”.
Viễn tượng này mang tầm quan trọng đặc biệt kể từ khi người
ta xét đến giá trị của sự đa dạng sinh học trong môi trường trên cơ sở những mối
quan hệ gần gũi đã ràng buộc các thành phần khác nhau trong hệ sinh thái (no
466).
Để thực sự làm chủ thiên nhiên, làm chủ vạn vật, người ta phải
tôn trọng con người và các sinh vật:
Một điểm quan trọng mà mỗi khi ứng dụng khoa học và công nghệ
người ta phải tham chiếu là phải tôn trọng
con người, và cũng kèm theo đó là thái độ cần phải tôn trọng các sinh vật khác. Ngay cả khi cần phải thay đổi điều gì
đó nơi chúng, người ta cũng “phải xét tới bản chất của mỗi hữu thể và những mối
liên kết hỗ tương của hữu thể ấy trong một hệ thống đã được sắp đặt” (no
459).
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc làm chủ thiên nhiên qua
các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đi tới chỗ quá trớn. Tiến bộ khoa học ngày nay
hỗ trợ cho ước mơ ngàn đời của con người là tạo một thế giới lý tưởng, trong đó
xã hội chỉ toàn những con người lý tưởng, không còn bệnh và tật. Người ta muốn
làm cuộc cách mạng sinh học để chế tạo những con thú, những loại cây trồng có
những tính chất như con người muốn. Chưa hết, người ta cũng còn muốn tạo ra những
con thú lai người để lấy nội tạng ghép cho người… Những điều đó có thể đưa đến
nguy cơ làm đảo lộn môi trường sống, đụng chạm đến chính sự sống con người:
“… những khả năng đáng nể sợ của công trình nghiên cứu sinh
học đang gây ra nhiều điều lo ngại, trong khi “chúng ta chưa ở trong vị thế sẵn sàng để tiếp nhận các sự đảo lộn trong sinh học
do vận dụng khoa di truyền một cách thiếu thận trọng và do phát triển một số
hình thức mới của sự sống thực vật và động vật một cách bừa bãi, đó là chưa nói
tới những thử nghiệm không thể chấp nhận được về nguồn gốc của chính sự sống
con người”… chúng ta phải đau đớn nhìn nhận rằng mình không thể can thiệp vào lĩnh vực hệ thống sinh thái mà không chú ý
đủ tới những hậu quả của sự can thiệp ấy nơi các lĩnh vực khác và tới hạnh
phúc của các thế hệ tương lai” (no 459).
Con người sống trong môi trường, con người tác động trên môi
trường để cải tạo nó. Thế nhưng kinh nghiệm trong quá khứ và hiện tại cho thấy
cũng chính con người làm cho môi trường trở nên không thân thiện với con người.
Giáo hội cho thấy vũ trụ vạn vật có mục tiêu mà Chúa đã định khi dựng nên vũ trụ.
Con người không thể phản bội mục tiêu ấy:
Con người không được
“sử dụng trái đất cách tuỳ tiện, bắt nó tùng phục ý muốn của mình một cách
không giới hạn, như thể nó không có những yêu cầu riêng và không có một mục
tiêu mà Chúa đã ban cho từ trước, một mục tiêu mà con người thật sự có thể triển
khai ra nhưng không được phép phản bội”. Khi hành động như thế, “con người thay
vì thi hành vai trò của người cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo, sẽ tự
đặt mình thay thế Chúa và rốt cuộc làm cho thiên nhiên phải phản lại, vì đã
hành hạ hơn là cai trị thiên nhiên” (no 460).
Những nhận xét trên Giáo hội rút ra từ cụ thể, từ thực trạng
suy thoái môi trường hiện nay. Thực trạng đó cho thấy hình như con người tiếp tục
lún sâu vào sai lầm mà con người đầu tiên A đam đã phạm. Thiên Chúa đã tạo dựng
vũ trụ trong sự hài hoà tuyệt đối: Thiên Chúa nói chuyện, đàm đạo với A đam và
con người sống hài hoà với thú vật, cây cỏ trong vườn Địa đàng. Thế nhưng con
người đã làm xáo trộn trật tự khi muốn thay thế Thiên Chúa trong việc xác định
lành dữ, tốt xấu, khi muốn tự mình định đoạt tất cả. Hậu quả là con người xa
lìa Thiên Chúa và từ đó con người đối xử căng thẳng với vũ trụ vạn vật. Trật tự
khi tạo dựng không còn nữa: đất đai, thú vật trở nên thù nghịch với con người.
Con người muốn tận dụng tài nguyên của môi trường theo nhu cầu của mình mà quên
một điều khá quan trọng: chính môi trường là nơi con người sinh sống, là nhà ở
của con người. Nếu con người tiếp tục đi vào con đường chống lại thiên nhiên,
chắc chắn con người sẽ lãnh hậu quả tai hại là không còn nơi trú ngụ cho con
người. Nguyên nhân của hành động này là lòng ham muốn vô độ của con người:
Nguyên nhân sâu xa của những vấn đề ấy có thể là tham vọng của
con người muốn thống trị trên sự vật một cách vô điều kiện, không chú ý tới bất
kỳ đòi hỏi nào về mặt luân lý (no 461).
Để sửa chữa, Giáo hội thấy con người cần phải sống theo trật
tự của thiên nhiên. Con người không thể tuỳ tiện sử dụng thiên nhiên cũng không
thể nâng thiên nhiên lên hàng thần thánh. Trật tự đó là Thiên Chúa trên hết mọi
sự rồi đến con người và sau cùng là vũ trụ vạn vật. Làm sai trật tự đó là hỗn
loạn, là đổ nát:
Hiểu đúng đắn về môi trường sẽ ngăn chặn sự giản lược mang tính thực dụng rằng thiên nhiên chỉ là một
đồ vật không hơn không kém mà con người được sử dụng và khai thác tuỳ ý. Đồng
thời, chúng ta cũng không được tuyệt đối
hoá thiên nhiên, đặt nó lên trên cả phẩm giá con người (no 463).
3. Bảo vệ môi trường sống
Từ những nhận định đó, Giáo hội mời gọi mọi người tôn trọng,
giữ gìn và bảo tồn thiên nhiên cũng là môi trường sống của con người và các
sinh vật. Đây không phải là việc thứ yếu nhưng là do những yêu cầu của công
ích:
Những yêu cầu của công ích tuỳ thuộc vào những điều kiện xã
hội của mỗi giai đoạn lịch sử và có liên hệ chặt chẽ với việc tôn trọng và
thăng tiến con người toàn diện cũng như các quyền căn bản của con người. Những
yêu cầu này trước hết bao gồm việc dấn thân xây dựng hoà bình, tổ chức các cơ
quan quyền lực của quốc gia, xây dựng một hệ thống tư pháp lành mạnh, bảo vệ môi trường (no 166).
Nhiều khi môi trường sống bị khai thác bừa bãi vì thiếu đất
đai canh tác nên việc phân chia đất đai, việc tạo điều kiện cho người dân có được
đất đai canh tác “tạo ra một phương cách
hữu hiệu để bảo vệ môi trường” (no 180). Giáo hội cũng thấy rằng
lao động nông nghiệp cũng còn có một vị trí quan trọng nơi nhiều quốc gia “cũng
như tầm quan trọng ngày càng tăng của lao
động nông nghiệp trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên” (no
299). Đối với doanh nghiệp sản xuất, Giáo hội thấy rằng: “Một doanh nghiệp phải
là một cộng đồng liên đới, nghĩa là không đóng kín trong những quyền lợi riêng
của công ty. Doanh nghiệp phải tiến theo hướng của khoa “sinh thái học xã hội”
về lao động và phải đóng góp cho công ích
bằng cách bảo vệ môi trường tự nhiên” (no 340).
Cũng do từ công ích mà việc
tăng trưởng với việc phát triển kinh tế (cần) phù hợp với môi trường chung
quanh (no 319). Sự phát triển về kinh tế bền vững cần phải chú
tâm đến bảo vệ môi trường. Tại các nước đang phát triển người ta ít chú tâm đến
vấn đề này nên ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng. Phát triển kinh tế càng
tăng ô nhiễm càng nhiều, bệnh tật càng nhiều, dị dạng dị tật càng nhiều. Xã hội
phải chi phí nhiều cho những bệnh phát sinh từ ô nhiễm. Do đó Giáo hội mời gọi
mọi người làm kinh tế với ý thức tôn trọng môi trường.
Muốn có những giải pháp cho vấn đề sinh thái thì hoạt động
kinh tế cần phải tôn trọng môi trường ở mức cao, bằng cách dung hoà nhu cầu
phát triển kinh tế với nhu cầu bảo vệ môi trường. Mọi hoạt động kinh tế có sử dụng
tài nguyên thiên nhiên đều phải quan tâm tới việc bảo vệ môi trường và phải dự
kiến những phí tổn kèm theo, điều này đã trở thành “một yếu tố quan trọng trong chi phí thật sự của hoạt động kinh tế”
(no 470).
Về việc sống hoà hợp với môi trường, Giáo hội cho thấy các
dân bản địa cho chúng ta một gương mẫu sống thích nghi và hài hoà với môi trường
và chính môi trường giúp các dân tộc này tồn tại.
Các dân tộc này (dân bản địa) cho ta một điển hình về đời sống
hài hoà với môi trường mà họ đã rất quen thuộc và đã bảo tồn từ bấy lâu nay.
Kinh nghiệm đặc biệt của họ, vốn là một nguồn di sản tinh thần không thể thay
thế được cho toàn thể nhân loại, đang có nguy cơ bị đánh mất cùng với môi trường
đã khai sinh ra họ (no 471).
Để việc bảo vệ hữu hiệu môi trường, việc hình thành các luật
lệ là điều cần thiết. Luật lệ để hướng dẫn hành động, cho biết những hành vi
nào cần phải tránh để khỏi làm hại môi trường. Luật lệ cũng qui định những biện
pháp chế tài đủ mạnh để làm chùn bước những người toan tính xâm hại môi trường.
Luật lệ nghiêm khắc làm cho người ta hiểu tầm quan trọng của trách nhiệm bảo vệ
môi trường. Trách nhiệm không chỉ đối với hiện tại mà còn đối với thế hệ tương
lai.
Trách nhiệm đối với môi trường – di sản chung của nhân loại
– không chỉ liên quan tới các nhu cầu hiện tại mà còn mở rộng tới các nhu cầu
tương lai. “Chúng ta đã thừa kế từ các thế
hệ trước, và chúng ta đã hưởng được lợi ích từ lao động của những người đương
thời: chính vì thế, chúng ta phải có bổn phận đối với hết mọi người, và không
thể từ chối quan tâm tới những người sẽ sống sau chúng ta, không thể từ chối mở
rộng gia đình nhân loại”. Đây là một trách nhiệm mà các thế hệ hiện nay phải
có đối với các thế hệ tương lai, một trách nhiệm cũng liên hệ tới mỗi quốc gia
và cộng đồng nhân loại (no 467).
4. Sử dụng bền vững môi trường
Điều ai cũng thấy là cần phải bảo vệ môi trường sống để con
người có thể an cư lạc nghiệp trong môi trường ấy. Thế nhưng đó không phải là
điều dễ dàng. Do điều kiện sống khó khăn (thiên tai, chiến tranh, nghèo đói…)
người ta có thể khai thác bừa bãi môi trường để sống còn. Giáo hội đề nghị cần
phải giải quyết các vấn đề khó khăn trên dựa vào nguyên tắc của cải dành cho hết
mọi người.
Khủng hoảng môi trường và sự nghèo đói là những vấn đề có
liên quan đến cả một tổng thể các nguyên nhân phức tạp và bi đát, mà chúng ta có thể giải quyết được dựa vào
nguyên tắc của cải là dành cho hết mọi người, và đây chính là một định hướng
văn hoá và luân lý căn bản….
Ngoài ra, cũng cần nhớ đến tình cảnh của những quốc gia đang phải chịu thua thiệt do những quy luật thương mại quốc tế bất công, và những quốc gia khan hiếm những hàng hoá chủ lực, lại bị gánh nặng nợ nước ngoài gây thêm bi đát. Trong những tình trạng thiếu thốn và đói nghèo như thế, người ta không thể nào tránh khỏi việc khai thác cật lực và thái quá môi trường (no 482).
Đối với Giáo hội, nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải
là nguyên tắc quan trọng giúp cho mọi dân tộc phát triển toàn diện:
Quyền sử dụng của cải trên trái đất là quyền dựa trên nguyên
tắc mục tiêu phổ quát của của cải. Mỗi người phải đạt được mức an sinh cần thiết
để có thể phát triển trọn vẹn. Quyền dùng chung của cải là “nguyên tắc đầu tiên của toàn bộ trật tự đạo
đức và xã hội” và là “nguyên tắc điển
hình của giáo huấn xã hội Công giáo” (no 172).
Muốn thực hiện được mục tiêu phổ quát cho của cải, cần phải
có nỗ lực chung hầu tạo cho mỗi người và mọi dân tộc những điều kiện cần thiết
để phát triển toàn diện, hầu ai cũng có thể góp phần làm cho thế giới nhân bản
hơn. “Trong thế giới ấy, mỗi cá nhân có
thể cho và nhận, và trong thế giới ấy, sự tiến bộ của người này không còn cản
trở sự phát triển của những người khác, cũng không còn là chiêu bài để bắt người
khác làm nô lệ”. Nguyên tắc này phù hợp với tiếng gọi mà Tin Mừng không ngừng
loan báo cho con người và xã hội mọi thời, dù con người luôn luôn bị cám dỗ bởi
ước muốn chiếm hữu, những cám dỗ mà chính Chúa Giêsu đã chọn để trải nghiệm (x.
Mc 1,12-13; Mt 4,1-11; Lc 4,1-13) hầu dạy chúng ta biết làm thế nào để thắng vượt
các cám dỗ ấy cùng với ơn Người ban. 175.
Như thế từ sự kiện môi trường sống đang bị đe doạ, từ một vấn
đề cấp thiết cho con người, Giáo hội đề nghị con người phải thay đổi cách suy
nghĩ và lối sống. Đó là lối sống tìm kiếm
chân, thiện, mỹ và hiệp thông với người khác vì công ích sẽ là những nhân tố quyết định cho những việc lựa
chọn để tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư. Đó là lối sống sẽ được xây dựng dựa trên những đức tính thanh đạm, điều độ và tự chủ ở
cấp cá nhân lẫn cấp xã hội. Cần phải dẹp bỏ cái logic chỉ biết có tiêu thụ, đồng
thời phải xúc tiến các hình thức sản xuất nông nghiệp và công nghiệp biết tôn
trọng trật tự sáng tạo và thoả mãn các nhu cầu căn bản của mọi người. Đó là
lối sống mà con người nhận thức lại sự lệ
thuộc lẫn nhau giữa mọi người trên trái đất để cùng nhau hợp tác chống lại nghèo đói, chiến tranh, chèn
ép lẫn nhau… Nhờ đó vấn đề sinh thái phải
trở thành động cơ mạnh mẽ thúc đẩy mọi người liên đới thực sự với nhau trên phạm
vi toàn cầu (no 486).
Thực ra tuy bàn về những nguy cơ gây ô nhiễm nhưng Giáo hội
không hề bi quan trước thực trạng hiện nay và Giáo hội muốn thúc đẩy việc liên
đới giữa mọi người với nhau như là phương cách để giải quyết vấn đề:
Huấn Quyền nhấn mạnh tới trách nhiệm của con người trong việc
bảo tồn một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người. Nếu nhân loại hôm nay
thành công trong việc kết hợp các khả năng khoa học mới mẻ với chiều hướng đạo
đức lành mạnh, thì chắc chắn người ta sẽ có thể phát triển môi trường thành nơi
cư ngụ và thành tài nguyên cho con người và cho hết mọi người (no
465).
Vì thế nếu con người tìm cách xem lại chủ trương tiêu thụ, nếu
con người dùng cách thế tiêu thụ của mình để định hướng cho việc sản xuất (thí
dụ phong trào không sử dụng hàng hoá của những nơi, xí nghiệp hay quốc gia gây
ô nhiễm) thì đó cũng là cách làm nản lòng những người coi thường ô nhiễm môi
trường.
Thực trạng hiện nay là có một số nơi, một số người trên thế
giới tiêu thụ cách phung phí tài nguyên trong khi nhiều người khác lại sống dưới
mức nghèo khổ, sống thiếu thốn đủ thứ. Giáo hội mời gọi sám hối hay thay đổi nếp
sống để có thể quan tâm đến người nghèo khổ để chia sẻ và liên đới với họ nhiều
hơn.
IV. KẾT LUẬN
Bảo vệ môi trường là vấn đề lớn trong cuộc sống hôm nay. Ðây
là vấn đề liên quan đến mọi người, liên quan đến cuộc sống hiện tại và tương
lai. Giáo hội cùng với mọi người trên thế giới phấn đấu để bảo vệ môi trường.
Giáo hội đóng góp phần mình qua việc mời gọi mọi người và nhất là con cái Giáo
hội quan tâm đến môi trường vì đây là công trình của Thiên Chúa, công trình được
Chúa chứng nhận là tốt đẹp và mời gọi con người cộng tác với Thiên Chúa trong
công trình sáng tạo.
Con người có trách nhiệm đối với môi trường vì thế bảo vệ
môi trường là để bảo vệ con người, để phục vụ phẩm giá con người, phục vụ sự sống
con người, không những cho hiện tại, mà cho các thế hệ tương lai ... Để được
như vậy Giáo hội mời gọi thay đổi cuộc sống, thay đổi tư duy, ra khỏi con người
ích kỷ để tăng tính liên đới với nhau và gia tăng việc bảo vệ công ích. Chính
khi tìm cách bảo vệ công ích mà người ta thấy rằng vấn đề bảo vệ môi trường chỉ
có thể giải quyết rốt ráo khi cùng giúp nhau phát triển, khi cùng giúp nhau hưởng
dùng tài nguyên của trái đất và như thế có nghĩa là vấn đề vượt khỏi tầm mức địa
phương nhưng mang tính toàn cầu.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 75 (Tháng 3 & 4 năm 2013)