(Giám mục Tin Lành Luther Munib Younan và Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Lund - 31/10/2016)

BẢN TUYÊN BỐ CHUNG
CỦA LIÊN HIỆP TIN LÀNH LUTHER THẾ GIỚI VÀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

VỀ GIÁO LÝ ƠN CÔNG CHÍNH HÓA

Hội đồng Giáo Hoàng

WGPQN (25.01.2024) - Trong tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu (18-25/01/2024), chúng ta cùng xem lại “Bản tuyên bố chung của liên hiệp Tin Lành Luther thế giới và Giáo hội Công giáo về giáo lý về ơn công chính hóa”. Tài liệu quan trọng này được Hội đồng Giáo Hoàng cổ võ sự hiệp nhất Kitô hữu của Giáo hội Công giáo và Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới hình thành và đồng thuận vào năm 1999, là kết quả của cuộc đối thoại giữa Công giáo và Tin Lành Lutheran.

BẢN TUYÊN BỐ CHUNG CỦA LIÊN HIỆP TIN LÀNH LUTHER THẾ GIỚI VÀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VỀ GIÁO LÝ ƠN CÔNG CHÍNH HÓA


DẪN NHẬP

1. THÔNG ĐIỆP KINH THÁNH VỀ ƠN CÔNG CHÍNH HÓA.. 3

2. GIÁO LÝ VỀ ƠN CÔNG CHÍNH HÓA XÉT NHƯ VẤN ĐỀ ĐẠI KẾT. 5

3. CÁCH HIỂU CHUNG GIỮA ĐÔI BÊN VỀ ƠN CÔNG CHÍNH HÓA.. 6

4. GIẢI THÍCH CÁCH HIỂU CHUNG VỀ ƠN CÔNG CHÍNH HÓA.. 7

4.1. Con người vốn yếu hèn và tội lỗi không thể tự làm cho mình nên công chính. 7

4.2. Ơn công chính hóa là ơn tha tội và làm cho ta nên công chính. 8

4.3. Được nên công chính bởi đức tin và nhờ ân sủng. 8

4.4. Người được công chính hóa là tội nhân. 10

4.5. Lề luật và Tin mừng. 11

4.6. Được bảo đảm ơn cứu rỗi 12

4.7. Những việc lành của người được công chính hóa. 13

5. Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA BẢN ĐỒNG THUẬN ĐẠT ĐƯỢC.. 13

PHỤ ĐÍNH


DẪN NHẬP

1. Giáo lý về ơn công chính hóa có tầm quan trọng cốt yếu đối với Phong trào Cải cách Luther ở thế kỷ XVI. Nó được coi là “điều khoản tiên quyết và chính yếu”[1], đồng thời “định hướng và sàng lọc mọi mảng khác của giáo lý Kitô giáo”[2]. Cách riêng, việc khẳng định và bênh vực giáo lý về ơn công chính hóa theo hình thái Cải cách vốn được coi là cách lượng giá tiêu biểu phản kháng lại Giáo hội Công giáo Rôma và thần học thời bấy giờ, vốn khẳng định và bảo vệ một giáo lý về ơn công chính hóa mang màu sắc khác. Theo quan điểm Cải cách, ơn công chính hóa là mấu chốt của mọi tranh luận. Cả các bản Tuyên tín của Luther[3] lẫn Công đồng Trento của Giáo hội Công giáo Rôma đều đã đưa ra những kết án về giáo lý vẫn còn hiệu lực đến nay khiến các Giáo hội tiếp tục bị phân cách.

2. Đối với truyền thống Luther, giáo lý về ơn công chính hóa vẫn giữ vị thế đặc biệt của nó. Thế nên, ngay từ đầu, nó chiếm một chỗ quan trọng trong cuộc đối thoại chính thức giữa Giáo hội Luther và Giáo hội Công giáo Rôma.

3. Chúng ta cần phải đặc biệt chú ý tới những bản đúc kết đã có được, gồm có các văn bản “Tin mừng và Giáo hội” (1972)[4], và “Giáo hội và Ơn Công chính hóa” (1994)[5] của Ủy ban Hỗn hợp Luther và Công giáo Rôma, văn bản “Ơn Công chính hóa bởi Đức tin” (1983)[6] đúc kết cuộc đối thoại giữa Luther và Công giáo Rôma ở Mỹ, và văn bản tựa đề “Những kết án hồi thế kỷ xvi  nay còn giá trị không?” (1986)[7] của Nhóm các Nhà thần học Tin Lành và Công giáo ở Đức hoạt động cho Đại kết. Một số bản đúc kết đối thoại này đã được các Giáo hội chính thức đón nhận. Ví dụ điển hình cho sự đón nhận ấy là sự kiện Liên hiệp Giáo hội Tin Lành Luther ở Đức nhất trí hưởng ứng công trình nghiên cứu “Các bản kết án”, được đưa ra vào năm 1994 với sự nhìn nhận cao cấp nhất của Giáo hội, cùng với các giáo hội khác thuộc Giáo hội Tin Lành ở Đức[8].

4. Trong các cuộc thảo luận giáo lý về ơn công chính hóa, tất cả các bản đúc kết đối thoại cũng như các phản hồi đều cho thấy một sự đồng thuận cao độ về những cách tiếp cận và các kết luận. Bởi thế, đã đến lúc cần phải tổng kết và tóm tắt lại kết quả của việc đối thoại về ơn công chính hóa, để các Giáo hội của chúng ta được biết khái quát thành quả cuộc đối thoại này trong mức độ chính xác và cô đọng cần thiết, nhờ đó có thể đưa ra những quyết định có sức ràng buộc.

5. Bản Tuyên bố chung này muốn cho thấy rằng trên cơ sở đối thoại, các Giáo hội Luther nêu tên dưới đây[9] và Giáo hội Công giáo Rôma giờ đây có thể nêu rõ cùng một nhận thức chung về sự công chính hóa của chúng ta nhờ ơn sủng Thiên Chúa qua đức tin vào Đức Kitô. Bản Tuyên bố này không bao gồm tất cả những gì Giáo hội hai bên giảng dạy về sự công chính hóa; nhưng nó chứa đựng một sự đồng thuận trên những chân lý căn bản của giáo lý về ơn công chính hóa, và cho thấy rằng những khác biệt còn tồn đọng trong cách giải thích không còn là cớ để đôi bên kết án lẫn nhau về giáo lý.

6. Bản Tuyên bố này không phải là một trình bày mới và độc lập với các bản đúc kết và văn kiện đối thoại từ trước đến nay, càng không nhằm thay thế cho những bản văn ấy. Đúng hơn, như phần phụ lục liệt kê các tài liệu nguồn cho thấy, Tuyên bố này thường xuyên tham chiếu các bản văn ấy cũng như các luận điểm của chúng.

7. Như chính các cuộc đối thoại, Bản Tuyên bố chung này dựa trên niềm xác tín rằng trong khi vượt qua các vấn đề tranh luận và những bản kết án về giáo lý xưa kia, các Giáo hội không hề xem nhẹ các điều lên án ấy, cũng không chối bỏ quá khứ của mình. Trái lại, Bản Tuyên bố này được hình thành bởi xác tín rằng theo dòng lịch sử nay các Giáo hội của chúng ta đã đạt tới những nhận thức mới mẻ. Những phát triển cho tới nay không chỉ tạo điều kiện mà còn đòi các Giáo hội phải khảo sát lại các vấn nạn và các bản kết án gây chia rẽ, cũng như phải nhìn chúng trong một ánh sáng mới.

1. THÔNG ĐIỆP KINH THÁNH VỀ ƠN CÔNG CHÍNH HÓA

8. Chính nhờ cùng nhau lắng nghe Lời Chúa trong Kinh thánh, chúng ta đạt đến những nhận thức mới mẻ như thế. Chúng ta đã cùng nhau nghe sách Tin mừng bảo chúng ta rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Tin mừng này được diễn tả trong Kinh thánh bằng nhiều cách khác nhau. Trong Cựu ước, chúng ta lắng nghe Lời Chúa nói về tình trạng tội lỗi của con người (Tv 51,1-5; Dn 9,5tt.; Gv/Qo 8,9tt.; Er 9,6tt.) và sự bất tuân phục của con người (St 3, 1-19; Neh 9,16tt., 26), cũng như về “đức công chính” của Thiên Chúa (Is 46,13; 51,5-8, 56,1 [x.53,11]; Ger 9,24) và về sự “phán xử” của Ngài (Gv/Hc 12,14; Tv 9,5; 76,7-9). 

9. Trong Tân ước, những luận đề khác nhau về “đức công chính” và “ơn công chính hóa” gặp thấy trong các bản văn của Mátthêu (5,10; 6,33; 21,32), Gioan (16, 8-11), thư Do Thái (5,3; 10,37tt.), và Giacôbê (2, 14-26)[10]. Trong các thư của Thánh Phaolô cũng thế, ân ban cứu rỗi được trình bày bằng nhiều cách, chẳng hạn: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5, 1-13; x. Rm 6,7), “đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa” (2Cr 5,18-21; x. Rm 5,11), “bình an với Thiên Chúa” (Rm 5,1), “thụ tạo mới” (2Cr 5,17), “sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 6, 11-23), hay “được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu” (x. 1Cr 1,2; 1,30; 2Cr 1,1). Đứng đầu những bản văn này là đoạn nói về “ơn công chính hóa” của con người tội lỗi nhờ ơn Chúa ban qua đức tin (Rm 3, 23-25), đây là đoạn được nêu bật cách đặc biệt ở thời Cải cách.

10. Phaolô đã nói rõ rằng Tin mừng chính là quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ con người đã sa ngã dưới quyền lực tội lỗi, chính là sứ điệp loan báo “sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin” (Rm 1,16tt.), cùng ban “ơn công chính hóa” (Rm 3, 21-31). Khi áp dụng cho Chúa phục sinh điều mà Giêrêmia đã loan báo về chính Thiên Chúa (Gr 23,6), ngài công bố Đức Kitô như là “đức công chính của chúng ta” (1Cr 1,30), . Mọi chiều kích công cuộc cứu độ của Đức Kitô đều cắm rễ trong cái chết và sự phục sinh của Ngài, vì Ngài là “Chúa chúng ta, Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4,25). Bất cứ ai cũng đều cần đến đức công chính của Thiên Chúa, “mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3,23; x. Rm 1,18-3, 20; 11,32; Gl 3,22). Trong thư Galát (3,6) và Rôma (4, 3-9), Phaolô hiểu đức tin của Abraham (St 15,6) như là đức tin vào vị Thiên Chúa làm cho tội nhân nên công chính (Rm 4,5), và dựa vào chứng từ của Cựu ước, ngài xác nhận sứ điệp Tin mừng rằng sự công chính này sẽ dành cho tất cả những ai tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa như Abraham. “Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Hb 2,4; x. Gl 3,11; Rm 1,17). Trong các thư của Phaolô, đức công chính của Thiên Chúa cũng chính là quyền năng của Ngài đối với những người có lòng tin (Rm 1;16; 2Cr 5;21). Trong Đức Kitô, Ngài biến nó thành sự công chính của chúng ta (2Cr 5,21). Chúng ta được công chính hóa nhờ Đức Giêsu Kitô, “Đấng Thiên Chúa đặt làm nơi xá tội bằng máu của Ngài, nên hữu hiệu qua đức tin’ (Rm 3,25; x.3,21-28). ‘Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (Ep 2,8tt.).

11. Ơn công chính hóa là sự tha tội (x. Rm 3; 23-25; Cv 13;39; Lc 18;14), sự giải thoát khỏi quyền lực thống trị của tội lỗi và sự chết (Rm 5; 12-21) và khỏi sự nguyền rủa của lề luật (Gl 3, 10-14). Đó là sự chấp nhận đi vào mối hiệp thông với Thiên Chúa, nay đã có rồi, nhưng chỉ toàn vẹn khi vương quốc Thiên Chúa đến (Rm 5,1tt.). Ơn công chính hóa giúp kết hợp với Đức Kitô, với cái chết và sự phục sinh của Ngài (Rm 6,5). Nó xảy ra khi ta đón nhận Thánh Linh qua phép thánh tẩy và được tháp nhập vào một thân thể duy nhất (Rm 8, 1-9; 1Cr 12,12tt.). Tất cả những điều này đều do một mình Thiên Chúa, vì Đức Kitô, nhờ ân sủng, qua đức tin vào “Tin mừng của Con Thiên Chúa” (Rm 1, 1-3).

12. Những người được công chính hóa thì sống bởi đức tin phát xuất từ Lời của Đức Kitô (Rm 10,17), đức tin được linh hoạt nhờ đức ái (Gal 5,6) và là hoa trái của Thánh Linh (Gl 5,22tt.). Tuy nhiên, vì người được công chính hóa bị tấn công cả từ bên trong lẫn bên ngoài bởi những quyền lực cũng như bởi các dục vọng (Rm 8,35-39; Gl 5,16-21) và sa vào tội lỗi (1Ga 1, 8-10), nên họ phải liên lỉ nghe lại các lời hứa của Thiên Chúa, xưng thú tội lỗi của mình (1Ga 1,9), tham dự vào mình máu Chúa Kitô, và được giáo huấn để sống công chính theo ý muốn của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao vị Tông Đồ nói với người được công chính hóa rằng: “Anh em hãy biết run sợ và gắng sức lo sao cho mình được cứu độ; vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Ngài” (Pl 2, 12-13). Thế nhưng Tin Mừng vẫn còn đó: “Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Kitô Giêsu, thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8,1), và Đức Kitô sống trong họ (Gl 2,20). Nhờ công cuộc công chính của Đức Kitô “mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (Rm 5,18).

2. GIÁO LÝ VỀ ƠN CÔNG CHÍNH HÓA XÉT NHƯ VẤN ĐỀ ĐẠI KẾT

13. Việc đôi bên cắt nghĩa và áp dụng thông điệp Kinh thánh về ơn công chính hóa trái ngược nhau hồi thế kỷ XVI đã là nguyên nhân chính gây chia rẽ trong Giáo hội Tây phương và dẫn tới những bản kết án về giáo lý. Vì thế, một cách hiểu chung về ơn công chính hóa là điều thiết yếu căn bản cần phải có để vượt qua sự chia rẽ ấy. Nhờ tiếp nhận những ánh sáng từ các công trình nghiên cứu Kinh thánh gần đây, và dựa vào những khảo cứu hiện đại về lịch sử thần học và lịch sử các tín điều, cuộc đối thoại đại kết hậu Công đồng Chung Vaticanô II đã đạt tới một điểm gặp gỡ đáng ghi nhận về ơn công chính hóa, mà kết quả là Bản Tuyên bố chung này có thể trình bày rõ ràng một sự đồng thuận về các chân lý căn bản liên quan đến giáo lý về ơn công chính hóa. Trong ánh sáng của sự đồng thuận này, những bản kết án giáo lý lẫn nhau ở thế kỷ XVI không còn áp dụng cho đôi bên hiện nay nữa.

3. CÁCH HIỂU CHUNG GIỮA ĐÔI BÊN VỀ ƠN CÔNG CHÍNH HÓA

14. Các Giáo hội Luther và Giáo hội Công giáo Rôma đã cùng nhau lắng nghe Tin mừng được loan báo trong Kinh thánh. Việc cùng nhau lắng nghe, cùng với những thảo luận thần học trong những năm gần đây, đã dẫn đến một cách hiểu chung giữa đôi bên về ơn công chính hóa. Điều này bao gồm một sự đồng thuận về những chân lý căn bản; những giải thích khác biệt trong những tuyên bố riêng đều tương hợp với sự đồng thuận này.

15. Trong đức tin, chúng ta cùng nhau xác tín rằng ơn công chính hóa là công trình của Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha sai Con Ngài vào thế gian để cứu độ những người tội lỗi. Nền tảng và tiền đề của ơn công chính hóa là sự nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Vì thế, công chính hóa có nghĩa rằng chính Đức Kitô là sự công chính của chúng ta, còn chúng ta thì được dự phần vào sự công chính ấy nhờ Thánh Linh, theo ý muốn của Chúa Cha. Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng: Chính là chỉ nhờ ân sủng do đức tin vào công trình cứu độ của Đức Kitô đem lại, chứ không nhờ công trạng gì của mình, mà chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận và được lãnh nhận Thánh Linh, Đấng đổi mới tâm hồn chúng ta, đồng thời trang bị cho chúng ta và kêu gọi chúng ta làm các việc lành[11].

16. Mọi người đều được Thiên Chúa kêu gọi đón nhận ơn cứu độ trong Đức Kitô. Chúng ta được công chính hóa chỉ nhờ một mình Đức Kitô, khi chúng ta đón nhận ơn cứu độ này trong đức tin. Đức tin chính là ân ban của Thiên Chúa mà Thánh Linh đang dùng lời và bí tích để thực hiện trong cộng đoàn tín hữu, và đồng thời chính Thánh Linh hướng dẫn các tín hữu đổi mới đời sống vốn sẽ được Thiên Chúa đưa đến hoàn thành trong sự sống đời đời.

17. Tất cả chúng ta cùng xác tín rằng thông điệp về ơn công chính hóa hướng chúng ta cách đặc biệt đến tâm điểm của chứng từ Tân ước về hành động cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Kitô: Nó nói với ta rằng, vì là tội nhân, ta có được sự sống mới chỉ hoàn toàn nhờ vào lòng xót thương tha thứ và đổi mới được Thiên Chúa ban tặng như một ân huệ, và ta đón nhận trong đức tin, chứ không bao giờ ta xứng đáng cả.

18. Như vậy, khi lặp lại và giải thích thông điệp ấy, giáo lý về ơn công chính hóa không chỉ là một phần của giáo lý Kitô giáo. Nó liên quan thiết yếu đến tất cả mọi chân lý đức tin, vốn phải được nhìn trong liên hệ nội tại với nhau. Đó là một tiêu chuẩn bắt buộc, không ngừng giúp cho mọi giáo huấn và thực hành của các Giáo hội được qui hướng về Chúa Kitô. Khi người Tin Lành Luther nhấn mạnh tầm quan trọng vô song của tiêu chuẩn này, họ không hề phủ nhận mối liên hệ hỗ tương và ý nghĩa của tất cả các chân lý đức tin. Còn người Công giáo, đang khi gắn kết với nhiều tiêu chuẩn, vẫn không phủ nhận vai trò đặc biệt của sứ điệp về ơn công chính hóa. Cả hai bên, người Luther và người Công giáo, đều nhắm mục tiêu tuyên xưng Chúa Kitô ở khắp nơi, đặt hết tin tưởng nơi một mình Ngài là Đấng trung gian duy nhất (1Tm 2,5tt.), qua Ngài, Thiên Chúa tự hiến mình trong Thánh Linh và đổ tràn những ân huệ đổi mới của Ngài. [xem Các tài liệu nguồn, chương 3].

4. GIẢI THÍCH CÁCH HIỂU CHUNG VỀ ƠN CÔNG CHÍNH HÓA

4.1. Con người vốn yếu hèn và tội lỗi không thể tự làm cho mình nên công chính

19. Chúng ta cùng tuyên xưng rằng, muốn được cứu độ, mọi người đều phải hoàn toàn lệ thuộc vào ân sủng cứu độ của Thiên Chúa. Họ có thể tự do đối với người khác và đối với mọi vật trên thế gian này nhưng không thể tự do về ơn cứu độ, bởi lẽ, vì là tội nhân, họ phải chịu sự phán xét của Thiên Chúa và không thể tự mình trở về với Thiên Chúa để được giải thoát, để xứng đáng với ơn công chính hóa trước nhan Thiên Chúa, hay để đạt được ơn cứu độ bằng những khả năng của riêng mình. Sự công chính hóa xảy ra hoàn toàn là do ân sủng của Thiên Chúa. Cả người Công giáo và người Luther cùng tuyên xưng như thế, cho nên có thể nói được rằng:

20. Khi người Công giáo nói rằng con người góp phần vào việc chuẩn bị cũng như đón nhận ơn công chính hóa, thuận tình với hành vi công chính hóa của Thiên Chúa, thì họ xem sự đích thân thuận tình ấy như một hiệu quả của ân sủng, chứ không phải là một hành động có được do những khả năng bẩm sinh của con người.

21. Theo cách hiểu của người Luther, con người không có khả năng cộng tác vào việc cứu rỗi chính mình, bởi lẽ, đã là tội nhân thì họ vốn đang thực sự chống lại Thiên Chúa và hành động cứu độ của Ngài. Những người Luther không phủ nhận là người ta có thể từ chối hoạt động của ân sủng. Khi họ nhấn mạnh rằng con người chỉ có thể lãnh nhận ơn công chính hóa (hoàn toàn thụ động), họ có ý loại trừ hết mọi khả năng đóng góp của con người vào ơn công chính hóa của chính mình, nhưng không phủ nhận rằng con người cần phải đích thân dự phần vào đó trong đức tin, nhờ Lời Chúa tác động.

4.2. Ơn công chính hóa là ơn tha tội và làm cho ta nên công chính

22. Chúng ta cùng tuyên xưng rằng Thiên Chúa tha thứ tội lỗi bằng ân sủng và đồng thời giải thoát con người khỏi quyền lực thống trị của tội lỗi và trao ban ơn sự sống mới trong Đức Kitô. Khi con người được dự phần với Đức Kitô nhờ đức tin, Thiên Chúa không còn qui tội cho họ nữa, nhưng Ngài nhờ Thánh Linh để kiến tạo nơi họ một tình yêu năng động. Hai khía cạnh ấy nơi hoạt động ân sủng của Thiên Chúa không tách rời nhau. Chính việc con người nhờ đức tin mà được hiệp nhất với Đức Kitô, là hiện thân sự công chính của chúng ta (1Cr 1,30), làm cho họ cùng lúc vừa được tha tội vừa được Thiên Chúa cứu độ ở với mình. Cả người Công giáo và người Luther cùng tuyên xưng như thế, cho nên có thể nói được rằng:

23. Khi người Luther nhấn mạnh rằng sự công chính của Đức Kitô làm nên sự công chính của chúng ta, thì trước hết họ có ý khẳng định rằng chính khi được Thiên Chúa tuyên bố tha thứ, tội nhân nhận được sự công chính trước nhan Thiên Chúa trong Đức Kitô, và chỉ trong sự hiệp nhất với Đức Kitô đời sống con người mới được đổi mới. Khi người Luther nhấn mạnh rằng ân sủng Thiên Chúa là tình yêu tha thứ (‘ân huệ của Thiên Chúa’[12]), họ không phủ nhận việc đổi mới đời sống Kitô hữu nhưng muốn khẳng định rằng ơn công chính hóa không lệ thuộc sự cộng tác của con người, cũng không lệ thuộc vào các hiệu quả đổi mới do ân sủng nơi bản thân mỗi người.

24. Khi người Công giáo nhấn mạnh rằng do việc lãnh nhận ân sủng, người tín hữu nhận được sự đổi mới con người nội tâm như nhận một món quà[13], họ muốn khẳng định rằng ơn tha thứ của Thiên Chúa luôn luôn mang lại ân ban một đời sống mới sẽ nhờ Thánh Linh mà trở nên hữu hiệu trong một tình yêu năng động. Như vậy họ không phủ nhận rằng ân ban công chính hóa của Thiên Chúa vẫn độc lập với sự cộng tác của con người. [x. Các tài liệu nguồn, mục 4.2]

4.3. Được nên công chính bởi đức tin và nhờ ân sủng

25. Chúng ta cùng tuyên xưng rằng tội nhân được công chính hóa nhờ đức tin vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Nhờ Thánh Linh tác động trong phép thánh tẩy, họ được ban ơn cứu độ là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu. Họ tín thác nơi lời hứa đầy từ tâm của Thiên Chúa nhờ đức tin có sức công chính hóa, vốn bao gồm cả lòng cậy trông và mến yêu Thiên Chúa. Đó là một đức tin đầy năng động trong tình yêu, vì thế, người Kitô hữu không thể và không nên ươn lười không chịu làm việc lành. Thế nhưng mọi sự nơi người được công chính hóa, dù đi trước hay theo sau ơn đức tin được Chúa ban không, không một điều gì có thể là nền tảng của ơn công chính hoá, hoặc làm nên công trạng để xứng đáng được ơn ấy.

26. Theo cách hiểu của người Luther, Thiên Chúa công chính hóa tội nhân chỉ bằng đức tin mà thôi (sola fide). Trong đức tin, mỗi người đặt hết lòng tin tưởng nơi Đấng Tạo Hóa và là Cứu Chúa của mình, và như thế họ sống hiệp thông với Ngài. Chính Thiên Chúa khơi gợi nên đức tin khi Ngài tạo ra lòng tin tưởng như thế bằng lời sáng tạo của Ngài. Vì là một sáng tạo mới, hành vi ấy của Thiên Chúa ảnh hưởng đến mọi chiều kích của con người và dẫn tới một đời sống trong đức cậy và đức ái. Như thế, giáo lý về “sự công chính hóa chỉ bởi đức tin” phân biệt nhưng không tách lìa ơn công chính hóa với việc đổi mới đời sống của con người vốn dĩ đi liền với ơn công chính hóa, và nếu không có việc đổi mới này thì nói được là không có đức tin. Như vậy đã thấy rõ nền móng mà từ đó việc đổi mới đời sống phát xuất ra, vì nó phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa được ban cho con người trong ơn công chính hóa. Ơn công chính hóa và việc đổi mới được nối kết mật thiết trong Đức Kitô, Đấng hiện diện trong đức tin.

27. Cách hiểu của người Công giáo cũng nhấn mạnh đức tin là nền tảng ơn công chính hóa. Không có đức tin, thì không thể có ơn công chính hóa. Nhờ nghe Lời Chúa và tin vào Lời ấy mà người ta được công chính hóa qua phép thánh tẩy. Sự công chính hóa các tội nhân chính là sự tha tội và được nên ngay chính bằng ơn đem lại sự công chính, ơn làm cho ta trở nên con cái Thiên Chúa. Trong sự công chính hóa, người ngay chính lãnh nhận đức tin, đức cậy và đức mến từ Đức Kitô, và nhờ đó họ được đưa vào trong mối hiệp thông với Ngài[14]. Mối tương quan hữu ngã mới mẻ này với Thiên Chúa hoàn toàn đặt nền trên lòng thương xót của Thiên Chúa, và vẫn luôn luôn phụ thuộc vào công cuộc sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa nhân lành, Đấng thành tín với chính mình, nhờ đó con người có thể tin cậy nơi Ngài. Như thế, ơn công chính hóa không bao giờ trở thành một vật sở hữu của một ai để họ có thể dương dương tự đắc với Thiên Chúa. Cách hiểu của phía Công giáo nhấn mạnh đến việc đổi mới đời sống bằng ơn công chính hóa. Việc đổi mới trong đức tin, đức cậy và đức mến này luôn tùy thuộc vào ân sủng vô biên của Thiên Chúa, và không thêm gì vào ơn công chính hóa để cho người ta có thể tự hào trước nhan Thiên Chúa (Rm 3:27). [x. Các tài liệu nguồn, mục 4.3]

4.4. Người được công chính hóa là tội nhân

28. Chúng ta cùng tuyên xưng rằng trong phép thánh tẩy, Thánh Linh kết hiệp con người với Đức Kitô, công chính hóa người ấy và thực sự đổi mới người ấy. Dù vậy, người được công chính hóa ấy  suốt đời vẫn không ngừng cần đến ơn công chính hóa vô điều kiện của Thiên Chúa. Họ vẫn luôn phải đối diện với quyền lực tội lỗi tấn công đàn áp (x Rm 6, 12-14), và không được miễn khỏi sự liên lỉ đấu tranh với những dục vọng ích kỷ của con người cũ đang chống lại Thiên Chúa (x. Gl 5,16; Rm 7, 7-10). Hằng ngày, người được công chính hóa vẫn phải cầu xin Thiên Chúa thứ tha cho mình như trong Kinh Lạy Cha (Mt 6,12; 1Ga 1,9). Họ vẫn luôn được kêu gọi hoán cải thống hối, và luôn được ban lại ơn thứ tha.

29. Theo cách hiểu của người Luther, thân phận người Kitô hữu là thế, “vừa là người công chính vừa là tội nhân”. Họ đúng là công chính, bởi Thiên Chúa đã tha tội cho họ qua Lời và Bí tích, rồi ban cho cả sự công chính của Đức Kitô mà họ nhận được trong đức tin. Trong Đức Kitô, họ được làm cho nên công chính trước nhan Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi nhìn lại mình qua lề luật, họ nhận ra rằng mình vẫn hoàn toàn là tội nhân. Tội lỗi vẫn sống trong họ (1Ga 1,8; Rm 7, 17-20), vì họ không ngừng hướng đến các tà thần và không yêu mến Thiên Chúa bằng một tình yêu nguyên vẹn như Thiên Chúa là Đấng tác tạo nên họ đòi hỏi (Đnl 6,5; Mt 22, 36-40). Sự phản nghịch cùng Thiên Chúa như vậy chính là tội lỗi thực sự. Tuy nhiên, quyền lực thống trị của tội lỗi bị phá vỡ nhờ công nghiệp của Đức Kitô. Nó không còn là một tội lỗi “chế ngự” Kitô hữu nữa, vì chính nó “bị chế ngự” bởi Đức Kitô, Đấng mà người được công chính hóa gắn kết trong đức tin. Do đó, trong cuộc sống này, Kitô hữu có thể sống công chính một phần nào. Cho dù tội lỗi, Kitô hữu vẫn không tách rời Thiên Chúa, bởi vì trong khi trở về với phép thánh tẩy mỗi ngày, con người vốn đã được tái sinh bởi phép thánh tẩy và bởi Thánh Linh nay được thứ tha tội lỗi. Như thế, tội lỗi ấy không còn đem lại sự nguyền rủa hay cái chết đời đời nữa[15]. Vì thế, khi nói rằng những người được công chính hóa cũng là những tội nhân, và rằng việc họ chống lại Thiên Chúa là tội lỗi thực sự, thì những người Luther không hề phủ nhận rằng, dù có tội như thế, người ta vẫn không bị tách khỏi Thiên Chúa, và tội lỗi ấy là tội lỗi “đã bị chế ngự”. Trong những khẳng định này, họ đồng ý với người Công giáo Rôma, mặc dù có sự khác biệt trong cách hiểu về tội nơi những người được công chính hóa.

30. Người Công giáo cho rằng ân sủng của Đức Giêsu Kitô trao ban trong phép thánh tẩy nhổ sạch tất cả những gì thực sự là tội lỗi và tất cả những gì ‘đáng bị lên án’ (Rm 8,1)[16]. Tuy nhiên, con người vẫn còn một khuynh hướng xấu (dục vọng) phát xuất từ tội và đẩy họ hướng đến tội lỗi. Theo xác tín Công giáo, để gọi được là tội của một người thì đòi phải có sự can dự của bản thân họ, và bởi lẽ trong khuynh hướng ấy thiếu yếu tố bản thân, nên không thể gọi khuynh hướng là tội theo đúng nghĩa. Họ không phủ nhận rằng khuynh hướng ấy không phù hợp với ý định ban đầu của Thiên Chúa trên nhân loại, và rằng theo khách quan, nó chống lại Thiên Chúa và nó vẫn là kẻ thù mà con người phải chiến đấu suốt đời. Người Công giáo nhấn mạnh rằng, nhờ Đức Kitô giải cứu, khuynh hướng phản nghịch Thiên Chúa này không đáng bị phạt phải chết đời đời[17], cũng như nó không còn tách lìa người công chính ra khỏi Thiên Chúa. Thế nhưng, khi kẻ được công chính hóa cố tình tách mình ra khỏi Thiên Chúa, thì việc họ quay lại tuân giữ các giới răn sẽ không đủ, họ còn phải lãnh nhận ơn tha thứ và ơn bình an trong Bí tích Hòa Giải qua lời xá tội được ban cho họ nhờ vào công trình hoà giải của Thiên Chúa trong Đức Kitô. [x. Các tài liệu nguồn, mục 4.4]

4.5. Lề luật và Tin mừng

31.  Chúng ta cùng tuyên xưng rằng con người được công chính hóa nhờ tin vào Tin mừng “chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3,28). Đức Kitô đã chu toàn lề luật, rồi bằng cái chết và phục sinh, Ngài đã vượt qua lề luật khiến lề luật không còn là một con đường cứu độ. Chúng ta cũng tuyên xưng rằng các điều răn của Thiên Chúa vẫn giữ nguyên hiệu lực của chúng đối với những người được công chính hóa, và bằng giáo huấn cũng như gương mẫu của mình, Đức Kitô đã bày tỏ cho ta ý muốn của Thiên Chúa, làm chuẩn mực ứng xử cho những người được công chính hóa.

32. Phía Luther tuyên bố rằng để hiểu ơn công chính hóa thì cần phải phân biệt rõ ràng lề luật với Tin mừng và đặt cả hai vào đúng trật tự. Trong cái nhìn thần học, lề luật vừa đòi hỏi ta vừa tố cáo tội lỗi. Sống ở đời, mỗi người cũng như mỗi Kitô hữu trong thân phận là người có tội, đều bị lề luật tố giác vạch trần tội lỗi, để rồi, trong đức tin vào Tin mừng, họ sẽ hoàn toàn hướng về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng duy nhất làm cho họ nên công chính.

33. Thuở xưa lề luật đã là một con đường cứu độ nhưng rồi đã được hoàn tất và vượt qua nhờ Tin mừng. Từ đó, người Công giáo có thể nói rằng Đức Kitô không phải là nhà ban bố lề luật theo kiểu Môsê. Khi người Công giáo quả quyết rằng người công chính buộc phải tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, thì họ cũng không phủ nhận rằng Thiên Chúa đã xót thương hứa ban cho con cái Ngài được ơn sự sống đời đời[18] nhờ Đức Giêsu Kitô. [X. Các tài liệu nguồn, mục 4.5]

4.6. Được bảo đảm ơn cứu rỗi

34. Chúng ta cùng tuyên xưng rằng người tín hữu có thể trông cậy vào lòng thương xót và các lời hứa của Thiên Chúa. Cho dù bản thân  yếu đuối và gặp phải muôn vàn mối đe dọa đối với đức tin, thì dựa vào sức mạnh cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, họ vẫn có thể tin cậy vào lời hứa hữu hiệu của ơn Thiên Chúa nơi Lời và Bí tích, và do đó nắm chắc mình sẽ được ơn này.

35. Người Cải cách đặc biệt nhấn mạnh rằng khi gặp cám dỗ, người tín hữu không được cậy dựa vào chính mình mà phải hoàn toàn cậy trông vào Đức Kitô và tín thác nơi Ngài mà thôi. Tín thác vào lời hứa của Thiên Chúa, họ được bảo đảm ơn cứu rỗi, còn nếu cậy dựa vào bản thân thì họ không bao giờ có được sự bảo đảm ấy.

36. Người Công giáo có thể chia sẻ với người Cải Cách cùng một mối bận tâm là phải đặt nền đức tin nơi thực tại khách quan là lời hứa của Đức Kitô, không dựa vào kinh nghiệm của chính mình, và chỉ tin tưởng vào lời thứ tha của Đức Kitô mà thôi (x. Mt 16,19; 18,18). Với Công đồng Vaticanô II, người Công giáo quả quyết rằng: Tin có nghĩa là hoàn toàn phó thác chính mình cho Thiên Chúa[19], Đấng giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết và đưa ta vào hưởng sự sống đời đời[20]. Theo nghĩa ấy, con người không thể vừa tin tưởng vào Thiên Chúa nghi ngờ, cho là lời hứa của Ngài không đáng tin cậy. Không ai được ngờ vực lòng thương xót của Thiên Chúa và công nghiệp của Đức Kitô, dù rằng mỗi người có thể còn lo lắng về phần rỗi của mình khi họ thấy mình yếu đuối và kém cỏi. Tuy nhiên chính khi nhìn nhận mình thất bại, người tín hữu lại có thể chắc chắn rằng Thiên Chúa muốn cứu độ họ. [X. Các tài liệu nguồn, mục 4.6]

4.7. Những việc lành của người được công chính hóa

37. Chúng ta cùng tuyên xưng rằng ơn công chính hóa sẽ làm phát sinh các việc lành như hoa trái, đem lại một đời sống Kitô hữu được sống trong đức tin, đức cậy và đức mến. Khi người được ơn công chính hóa sống trong Đức Kitô và hành động theo ân sủng nhận được thì, theo cách nói của Kinh thánh, họ trổ sinh hoa trái tốt lành. Vì suốt cả đời người Kitô hữu phải chiến đấu với tội lỗi , họ có nghĩa vụ phải làm cho ơn công chính hóa sinh hoa kết trái. Cả lời Chúa Giêsu lẫn thư các Thánh Tông đồ đều khuyến dụ các Kitô hữu làm tròn công việc của tình yêu thương như thế.

38. Theo cách hiểu của người Công giáo, các việc lành, được thực hiện nhờ ân sủng và hoạt động của Thánh Linh, góp phần giúp ta lớn lên trong ân sủng, nhờ đó bảo tồn được ơn công chính Thiên Chúa đã ban và tiến sâu vào sự hiệp thông với Đức Kitô. Khi người Công giáo khẳng định rằng các việc lành “có công phúc”, họ muốn nói rằng, theo chứng từ Kinh thánh, Chúa có hứa dành một phần thưởng trên thiên đàng cho những việc làm ấy. Họ có ý nhấn mạnh đến trách nhiệm của con người đối với hành động của mình, chứ không hề phản bác gì về sự kiện các việc làm ấy vẫn là những ơn Chúa ban tặng, cũng không hề phủ nhận rằng ơn công chính hóa luôn là món quà được ban không, không do công trạng của người ta.

39. Người Luther cũng đồng ý với quan niệm về một sự bảo tồn ân sủng và sự tăng trưởng trong ân sủng và đức tin. Tuy nhiên họ nhấn mạnh rằng sự công chính, tức là sự kiện ta được Thiên Chúa chấp nhận và được dự phần vào sự công chính của Đức Kitô vẫn luôn trọn vẹn. Đồng thời, họ tuyên bố rằng các hiệu quả từ đó có thể được tăng trưởng trong đời sống Kitô hữu. Tuy nhiên, khi nhìn các việc lành của người Kitô hữu như là “hoa trái” và “dấu chỉ” của ơn công chính hóa chứ không phải là “công phúc” của riêng mình, họ cũng căn cứ trên Tân Ước để hiểu sự sống đời đời là “phần thưởng” ban không, theo nghĩa là chỉ do Thiên Chúa muốn giữ trọn lời Ngài hứa với những ai tin. [X. Các tài liệu nguồn, mục 4.7]

5. Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA BẢN ĐỒNG THUẬN ĐẠT ĐƯỢC

40. Cách hiểu giáo lý về ơn công chính hóa được trình bày trong Bản Tuyên bố này cho thấy giữa người Luther và người Công giáo đã có một sự đồng thuận trong các chân lý căn bản về ơn công chính hóa. Dưới ánh sáng của sự đồng thuận này, những khác biệt còn tồn đọng về ngôn ngữ, về cách diễn tả thần học, và về sự nhấn mạnh trong cách hiểu về ơn công chính hóa được nêu ở các đoạn từ 18 đến 39 là những điều có thể chấp nhận được. Do đó, trong sự khác biệt của mình, những giải thích về ơn công chính hóa của phía Luther và phía Công giáo chỉ khai mở thêm cho nhau chứ không phá huỷ sự đồng thuận đã đạt được về các chân lý căn bản.

41. Vì thế, những kết án giáo lý ở thế kỷ XVI, trong chừng mực liên quan đến ơn công chính hóa, nay được thấy trong một ánh sáng mới: Giáo huấn của các giáo hội Luther được trình bày trong Bản Tuyên bố này không còn nằm trong những kết án của Công Đồng Trentô. Đồng thời, những kết án trong Các Điều Tuyên Tín Luther cũng không áp dụng cho giáo huấn của Giáo hội Công giáo Rôma như được trình bày trong Bản Tuyên bố này.

42. Như thế, không có gì làm mất đi tính cách nghiêm túc của những kết án liên quan đến giáo lý về ơn công chính hóa. Một số những kết án ấy không phải chỉ hoàn toàn vô nghĩa. Chúng vẫn là “những cảnh giác bổ ích” cho chúng ta để chúng ta phải chú ý khi giảng dạy cũng như trong thực hành[21].

43. Sự đồng thuận của chúng ta về các chân lý căn bản của giáo lý về ơn công chính hóa phải tác động trên đời sống cũng như cách giảng dạy của các giáo hội chúng ta. Chính đời sống cũng như cách giảng dạy ấy minh chứng cho sự đồng thuận. Về phương diện ấy, vẫn còn những vấn đề với tầm quan trọng khác nhau cần phải được làm sáng tỏ hơn. Chẳng hạn, trong đó có những chủ đề như mối tương quan giữa Lời Thiên Chúa và tín lý giáo hội, hay về giáo hội học, về quyền bính giáo hội, sự hiệp nhất giáo hội, thừa tác vụ, các bí tích, và mối liên hệ giữa ơn công chính hóa và đạo đức xã hội. Chúng ta vững tin rằng sự đồng thuận chúng ta đạt được đã đem lại một nền tảng vững chắc cho công việc làm sáng tỏ này. Các giáo hội Luther và Giáo hội Công giáo Rôma sẽ cùng nhau tiếp tục cố gắng đào sâu cách hiểu chung này về ơn công chính hóa, và làm cho cách hiểu này trổ sinh hoa trái trong đời sống cũng như trong việc giảng dạy của các giáo hội.

44. Chúng ta tạ ơn Chúa vì bước tiến quyết định này trên con đường vượt qua sự chia rẽ giữa các giáo hội. Chúng ta cầu xin Thánh Linh dẫn chúng ta tiến xa hơn nữa trên đường tiến tới sự hiệp nhất hữu hình theo ý muốn của Đức Kitô.

 

PHỤ ĐÍNH

Các tài liệu nguồn cho bản tuyên bố chung về giáo lý về ơn công chính hóa

Ở phần 3 và 4 của Tuyên bố chung có tham chiếu các tài liệu từ các cuộc đối thoại Luther Công giáo. Đó là các tài liệu sau đây:

- “Tất cả dưới một Đức Kitô”, Tuyên bố về Ausburg Confession, do Ủy ban hỗn hợp Luther - Công giáo quốc tế, 1980, trong: Growth in Agreement, do Harding Meyer và Lukas Vischer chủ biên, New York/Ramsey, Geneva, 1984, tr. 241-247

- Denzinger-Schönmetzer, tuyển tập tín liệu, ấn bản thứ 32-36.

- Denzinger-Hünermann, tuyển tập tín liệu từ ấn bản thứ 37.

- Đánh giá của Hội đồng Giáo hoàng Cổ Võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo về Nghiên cứu Lehrverurteilungen - kirchentrennend?, Vatican, 1992, tài liệu chưa xuất bản (PCPCU).

- Ơn công chính hóa nhờ đức tin, Đối thoại Luther và Công giáo lần VII, Minneapolis, 1985 (USA).

- Bản ghi chép lập trường của Ủy ban liên tịch của Giáo hội Luther Phúc âm Hiệp nhất của Đức và  Ủy ban quốc gia Đức về LWF cứu xét tài liệu "Những bản án của thời Cải cách: Chúng còn gây phân rẽ không?"  trong: Lehrverurteilungen im Gespräch, Göttingen, 1993 (VELKD).

- Những bản án của thời Cải cách: Chúng còn gây phân rẽ không? Do Karl Lehmann và Wolfhart Pannenberg biên soạn, Minneapolis, 1990 (LV:E)

Số 3: Nhận Thức Chung Về Ơn Công Chính Hóa (số 17 và 18) (LV:E 68; VELKD 95)

- “Một bức tranh về ơn công chính hóa đặt trọng tâm trên đức tin và được quan niệm theo nghĩa pháp lý có tầm quan trọng chủ yếu đối với thánh Phaolô và theo một nghĩa, đối với toàn bộ Kinh Thánh, mặt dầu đây không phải là cách duy nhất mà Kinh Thánh hay Phaolô diễn tả công cuộc cứu độ của Thiên Chúa” (USA, no. 146).

- “Người Công giáo cũng như Luther có thể nhận ra nhu cầu phải xem xét các việc thực hành, các cơ cấu, và các thần học của giáo hội theo mức độ chúng giúp hay ngăn cản “Việc loan báo những lời hứa thương xót nhưng không của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu vốn chỉ được đón nhận cách đúng đắn qua đức tin ( 28)” (USA, no. 153).

Về “Những khẳng định nền tảng” (USA, no. 157; x. 4):

- “Sự khẳng định này, giống như giáo lý của Cải Cách về ơn công chính hóa chỉ nhờ đức tin, phục vụ như một tiêu chuẩn đánh giá tất cả các giáo hội về việc thực hành, các cơ cấu và các truyền thống, bởi vì ứng với nó là tiêu chuẩn ‘chỉ nhờ Đức Kitô’ (solus Christus).  Chỉ mình Ngài được tin cậy như là đấng trung gian duy nhất qua đó Thiên Chúa tuôn đổ ân sủng cứu độ trong Thánh Linh. Trong cuộc đối thoại này, tất cả chúng ta khẳng định rằng mọi giáo huấn Kitô giáo, các thực hành, và các chức vụ phải vận hành sao cho để thúc đẩy “sự vâng phục của đức tin” (Rm 1,15) trong hành động cứu độ của Thiên Chúa trong một mình Đức Kitô Giêsu nhờ Thánh Linh, vì phần rỗi của tín hữu và để tôn vinh Cha trên trời” (ơn công chính hóa nhờ đức tin số 160; EO 2/2920).
- “Vì lý do đó, giáo lý về ơn công chính hóa - và trên hết, nền tảng Kinh Thánh của nó - sẽ luôn luôn đóng vai trò đặc biệt trong giáo hội. Vai trò đó là không ngừng thức tỉnh các Kitô hữu rằng mình, là tội nhân, chỉ được sống nhờ tình thương tha thứ của Thiên Chúa, tình thương mà chúng ta chỉ cho phép được đổ tràn trên chúng ta, chứ chúng ta không tự mình đạt được dù bằng cách nào, cũng không thể ràng buộc với bất cứ điều kiện tiên quyết hay hậu quyết nào. Giáo lý về ơn công chính hóa vì thế trở thành tiêu chuẩn để thẩm định ở mọi thời liệu một giải thích nào đó về tương quan của chúng ta với Thiên Chúa có thể được gọi là giải thích của “Kitô giáo” hay không. Đồng thời, nó trở thành tiêu chuẩn cho giáo hội để trắc nghiệm ở mọi thời liệu việc loan báo và thực hành của giáo hội mình có tương ứng với những gì Chúa đã ban cho hay không” (LV:E 69).

- Một sự đồng thuận trên sự kiện rằng giáo lý về ơn công chính hóa có ý nghĩa không chỉ như là một giáo lý cấu thành trong toàn bộ giáo huấn của giáo hội chúng ta, nhưng còn như tiêu chuẩn để kiểm nghiệm toàn bộ giáo lý và việc thực hành của các giáo hội, điều này - theo quan điểm của Luther - là sự tiến triển nền tảng trong công cuộc đối thoại đại kết giữa các giáo hội chúng ta. Người ta không thể hân hoan cho đủ về nó”(VELKD 95, 20-26; x. 157).

- Đối với người Tin lành và Công giáo, giáo lý về ơn công chính hóa có một vị thế khác nhau trong phẩm trật chân lý; nhưng cả đôi bên đều đồng ý rằng giáo lý về ơn công chính hóa có vai trò đặc biệt trong sự thật rằng nó là “tiêu chuẩn để trắc nghiệm ở mọi thời xem liệu một giải thích riêng biệt về tương quan của chúng ta với Thiên Chúa có thể được gọi là giải thích của “Kitô giáo” hay không. Đồng thời, nó trở thành tiểu chuẩn cho giáo hội, trắc nghiệm ở mọi thời liệu việc loan báo và thực hành của giáo hội mình có tương ứng với những gì Thiên Chúa đã ban cho hay không” (LV:E 69). Tầm quan trọng mang tính tiêu chí luận lý của giáo lý về ơn công chính hóa đối với bí tích học, giáo hội học, và các giáo huấn đạo đức còn phải được nghiên cứu xa hơn” (PCPCU 96).

Số 4.1: Sự bất lực và tội lỗi của con người với ơn công chính hóa  (19-21) (x. LV:E 42; 46; VELKD 77-81; 83):

- Những người dưới ách tội lỗi không thể làm gì để đáng hưởng ơn công chính hóa vốn là ơn ban tự do của Thiên Chúa. Thậm chí, những khởi đầu của ơn công chính hóa, như sám hối, cầu xin ân sủng, và khao khát ơn tha thứ, cũng chắc chắn là việc Thiên Chúa làm trong chúng ta” (USA, no. 156.3).

- “Cả hai đều quan tâm minh định rằng… con người không thể… bàng quan nhìn những công chuyện của mình… Nhưng một sự hưởng ứng thì không phải là một “công việc”. Chính sự hưởng ứng của đức tin cũng có được xuyên qua Lời hứa đến với con người từ bên ngoài họ. Chỉ có thể “cộng tác” theo nghĩa rằng trong đức tin, con tim can dự vào, khi Lời chạm tới nó và tạo ra đức tin” (LV:E 46f).

- Các điều khoản 4,5,6 và 9 của Công đồng Trento cho thấy một sự khác biệt quan trọng về ơn công chính hóa chỉ khi giáo lý của phía Luther về mối tương quan giữa Thiên Chúa và thụ tạo của Ngài trong sự kiện công chính hóa khẳng quyết tác động duy nhứt của Thiên Chúa hay hiệu lực duy nhứt của Đức Kitô đến mức không gán một vai trò thiết yếu nào cho sự tự do chấp nhận ân sủng ấy của Thiên Chúa, sự chấp nhận mà chính nó cũng là ơn Thiên Chúa ban. (PCPCU 22).

- Theo quan điểm Luther, việc nhấn mạnh tính cách thụ động rõ ràng của con người liên quan tới ơn công chính hóa của họ không bao giờ có nghĩa là phủ nhận sự tham gia trọn vẹn của cá nhân trong việc tin; đúng hơn nó có ý loại trừ bất kỳ sự cộng tác nào trong chính sự kiện ơn công chính hóa. Ơn công chính hóa là công trình của một mình Đức Kitô, công trình của ân sủng mà thôi”  (VELKD 84,3-8).

Số 4.2: Ơn công chính hóa xét như sự tha thứ tội lỗi và làm cho nên công chính (đoạn 22-24) (USA, nos. 98-101; LV:E 47; VELKD 84; x. trích dẫn 4.3)

- “Nhờ ơn công chính hóa, chúng ta vừa được tuyên bố vừa được làm cho nên công chính. Do đó, ơn công chính hoá không phải là một điều tưởng tượng có tính pháp lý. Trong ơn công chính hóa, Thiên Chúa thực hiện những gì Ngài hứa; Ngài tha tội và làm cho chúng ta thực sự nên công chính” (USA, no. 156,5).

- “Thần học Tin Lành không bỏ qua những gì giáo lý Công giáo nhấn mạnh, như: tính chất sáng tạo và đổi mới của tình yêu Thiên Chúa; thần học ấy cũng không chủ trương… sự bất lực của Thiên Chúa đối với tội lỗi vốn “duy chỉ” được tha thứ trong ơn công chính hóa, nhưng cái quyền lực chia cắt tội nhân với Thiên Chúa nơi tội lỗi ấy thì không thực sự được xoá bỏ” (LV:E 49).

- “Giáo lý Luther chưa bao giờ hiểu ‘sự tin cậy vào ơn công chính hóa của Đức Kitô’ như thể không tác động đến đời sống người tín hữu, bởi vì Lời Đức Kitô hoàn tất những gì Ngài hứa. Theo đó, giáo lý Luther hiểu ân sủng như là lòng tốt của Thiên Chúa, nhưng đó cũng là sức mạnh hữu hiệu.. ‘vì nơi nào có sự tha tội, thì ở đó có sự sống và ơn cứu độ’”(VELKD 86, 15-23).

- “Giáo lý Công giáo không bỏ qua những gì thần học Cải Cách nhấn mạnh: tính chất cá nhân của ân sủng, và sự liên hệ của nó với Lời; cũng không chủ trương ân sủng như là vật sở hữu khách quan (ngay cả dù là một vật sở hữu được trao ban) về phía con người – một điều gì đó mà con người có thể định đoạt” (LV:E 49).

Số 4.3: Ơn công chính hoá nhờ Đức Tin và xuyên qua Ân sủng (đoạn. 25-27) (USA, nos. 105; LV:E 49-53; VELKD 87-90)

- “Nếu dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, ta ghi nhận khi Cải Cách nói về ơn công chính hóa nhờ đức tin thì tương ứng với người Công giáo nói về ơn công chính hóa nhờ ân sủng; và mặt khác, xét căn bản, giáo lý Cải Cách hiểu dưới một từ “tin” những gì giáo lý Công giáo (theo 1Cr 13,13) tổng hợp thành bộ ba ‘tin, cậy và mến’”(LV:E 52).

- “Chúng ta nhấn mạnh rằng đức tin theo nghĩa mệnh lệnh đầu tiên luôn có nghĩa là yêu mến Thiên Chúa và cậy trông vào Ngài và được diễn tả trong tình yêu thương tha nhân” (VELKD 89, 8-11).

- “Người Công giáo cũng như người Luther dạy rằng không có gì trổi vượt hơn quà tặng nhưng không là đức tin đem lại ơn công chính hóa, và tất cả quà tặng cứu độ của Thiên Chúa chỉ phát xuất từ Đức Kitô mà thôi” (USA, no. 105).

- “Những người Cải Cách hiểu đức tin như là sự tha thứ và sự thông hiệp với Đức Kitô có được nhờ chính lời hứa. Đây là nền tảng cho hiện hữu mới, qua đó thân xác chết đi cho tội và con người mới trong đức Kitô được sống (sola fide per Christum). Nhưng ngay cả khi đức tin là điều thiết yếu làm nên con người mới, thì Kitô hữu đặt niềm tin tưởng của mình không phải trên sự sống mới của mình, nhưng chỉ dựa vào lời hứa tốt lành của Thiên Chúa. Được chấp nhận trong Đức Kitô là đủ, nếu ‘tin’ được hiểu như là ‘tín thác vào lời hứa’ (fides promissionis)” (LV:E 50).

- X. Công đồng Trento, Kỳ 6, Chương 7: “Như vậy, trong quá trình công chính hoá, cùng với sự tha thứ tội lỗi, con người nhận được đức tin, đức cậy và đức ái, được phú bẩm cho đồng thời, nhờ Đức Giêsu Kitô là Đấng mà con người được tháp nhập vào” (DH 1530).

- “Theo giải thích của Cải Cách, đức tin vốn bám chặt một cách vô điều kiện vào lời hứa của Thiên Chúa trong Lời và Bí tích là đủ cho sự công chính trước nhan Thiên Chúa, do đó việc đổi mới đời sống con người, một điều khẩn thiết gắn với đức tin, thì tự nó không đóng góp bất cứ điều gì vào ơn công chính hoá” (LV:E 52).

- “Những người Luther chúng tôi chủ trương phân biệt giữa ơn công chính hóa và sự thánh hoá, giữa đức tin và các việc làm, tuy nhiên điều đó không có nghĩa tách biệt chúng” (VELKD 89,6-8).

- “Giáo lý Công giáo hòa nhịp với mối quan tâm của Cải Cách trong sự nhấn mạnh rằng việc đổi mới đời sống con người không “đóng góp” thêm gì vào ơn công chính hóa, và dĩ nhiên đó không phải là một sự đóng góp để cho con người có thể tự hào trước Thiên Chúa. Tuy nhiên, nó cảm thấy cần phải nhấn mạnh sự đổi mới đời sống con người thông qua ơn công chính hóa, để nhận biết quyền năng sáng tạo mới  mẻ của Thiên Chúa; dù sự đổi mới này trong đức tin, đức cậy và đức mến dĩ nhiên chẳng là gì ngoài một sự hưởng ứng đối với ân sủng khôn tả của Thiên Chúa” (LV:E 52f).

- “Trong mức độ mà giáo lý Công giáo nhấn mạnh rằng ân sủng mang tính cá nhân và được liên kết với Lời, rằng sự đổi mới rõ ràng chỉ là một sự hưởng ứng cũng do chính Lời Thiên Chúa tác động, và rằng sự đổi mới đời sống con người không đóng góp vào ơn công chính hóa, và dĩ nhiên không phải là một sự đóng góp để con người có thể tự hào trước Thiên Chúa, thì sự phản đối của chúng tôi không còn áp dụng nữa. (VELKD 89, 12-21).

Số 4.4: Người Được Công Chính Hoá xét như Là Tội Nhân (đoạn 28-30) (USA, nos.102; LV: E 44; VELKD 81)

- “Vì dù công chính và thánh thiện bao nhiêu đi nữa, họ cũng đôi khi sa ngã vào tội lỗi vốn là thực tại mỗi ngày. Hơn nữa, hoạt động của Thánh Linh không miễn chuẩn cho các tín hữu khỏi cuộc chiến đấu suốt đời chống lại các khuynh hướng tội lỗi. Dục vọng và các hệ lụy khác của nguyên tội và tội cá nhân, theo giáo lý Công giáo, vẫn ở trong con người được ơn công chính hóa, do đó họ phải cầu xin Thiên Chúa tha thứ hàng ngày”. (USA, no. 102).

- “Những giáo lý được đưa ra bởi Công đồng Trento và bởi phía Cải Cách vẫn đồng thanh chủ trương rằng nguyên tội, và dục vọng vẫn còn đó, là điều trái nghịch với Thiên Chúa, và là đối tượng cho cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi suốt đời… Sau phép thánh tẩy, dục vọng trong con người được công chính hoá ấy không còn chia cắt người đó khỏi Thiên Chúa; nói theo ngôn ngữ Công đồng Trento, nó ‘không còn là tội theo nghĩa thực của nó;’ nói theo cách diễn đạt của Luther, nó là “tội đã bị khống chế” (peccatum regnatum) (LV:E 46).

- Vấn đề ở đây, đó là làm thế nào để nói về tội liên quan đến người được công chính hoá mà không hạn chế thực tại ơn cứu độ. Trong khi những người Luther diễn tả sự căng thẳng này với thuật ngữ ‘tội đã bị khống chế’, điều diễn đạt giáo huấn về người Kitô hữu như là “người được công chính hóa và đồng thời là tội nhân” (simul iustus et peccator), thì những người Công giáo Rôma nghĩ thực tại ơn cứu độ chỉ có thể được giữ gìn bằng cách phủ nhận tính chất tội lỗi của dục vọng. Liên quan đến vấn đề này, một sự hàn gắn đáng kể đạt được khi LV:E gọi dục vọng vẫn còn nơi người được công chính hoá là ‘phản nghịch Thiên Chúa’ và do đó nó được xem như là tội lỗi (VELKD 82, 29-39).

Số 4.5: Lề Luật và Tin mừng (đoạn. 31-33)

- Theo giáo huấn của Phaolô, chủ đề này liên hệ tới luật Do thái xét như là phương tiện của ơn cứu rỗi. Luật này đã được hoàn thành và vượt qua nơi Đức Kitô. Bản tuyên bố này và những hệ quả từ đó phải được hiểu trên nền tảng này.

- Với tham chiếu đến các điều khoản 19 trở đi của Công đồng Trento, VELKD (89,28-36) nói như sau:

“Tất nhiên, mười điều răn áp dụng cho các Kitô hữu như được tuyên bố ở nhiều chỗ trong các bản Tuyên Tín… Nếu điều khoản 20 nhấn mạnh rằng người ta … bị buộc phải giữ các điều Răn của Thiên Chúa, thì điều khoản này không chạm đến chúng ta; tuy nhiên, nếu điều khoản 20 khẳng định rằng đức tin có quyền lực cứu độ chỉ với điều kiện tuân giữ các điều Răn, thì điều này áp dụng cho chúng ta. Về sự tham chiếu điều khoản liên quan đến các điều răn của Giáo hội, không có sự khác biệt giữa chúng ta nếu những điều răn này chỉ diễn giải những điều Răn của Chúa; nếu không thì nó sẽ gán cho chúng ta”.

- Đoạn cuối cùng liên hệ một cách thật sự tới điểm 4.3, nhưng nhấn mạnh “vai trò kết án” của luật vốn rất quan trọng đối với tư tưởng người Luther.

Số 4.6: Bảo đảm ơn cứu độ (đoạn 34-36) (LV:E 53-56; VELKD 90).

- “Câu hỏi là: Bằng cách nào có thể sống trước nhan Chúa, và bao nhiêu người có thể sống như thế bất chấp sự yếu đuối của họ, và với sự yếu đuối đó?” (LV:E 53).

- “Nền tảng và điểm xuất phát (của những người Cải Cách là)… sự đáng tin cậy và sự đầy đủ của lời Thiên Chúa hứa, và sức mạnh của cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô; sự yếu đuối của con người, và mối đe dọa đối với đức tin và ơn cứu độ gắn với sự yếu đuối ấy” (LV:E 56).

- Công đồng Trento cũng nhấn mạnh rằng “cần phải tin rằng tội lỗi không được tha thứ, cũng như đã chưa bao giờ được tha thứ, nếu không có lòng thương xót của Thiên Chúa ban cách tự do qua công nghiệp Đức Kitô”, và rằng chúng ta không được nghi ngờ “lòng thương xót của Thiên Chúa, công nghiệp của Đức Kitô và sức mạnh cùng hiệu quả của các bí tích; như vậy, bất cứ ai cũng có thể lo sợ về tình trạng ân sủng của mình, khi nhìn lại mình và sự yếu đuối của mình, cùng tình trạng thiếu sự sẵn sàng của mình.” (Công đồng Trento, phiên 6, chương 9 DH 1534).

- Luther và các môn đệ đi một bước xa hơn. Họ nhấn mạnh rằng không nên chỉ chịu đựng tình trạng không chắc chắn. Chúng ta nên phớt lờ nó đi và một cách nghiêm túc, thực tiễn, cá vị, ta để tâm tới hiệu quả khách quan của lời xá tội được nói lên trong bí tích xá giải, vốn đến từ “bên ngoài”… Vì Đức Giêsu đã nói: “Dưới đất anh em tháo cởi điều gì thì trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 16,19), người tín hữu… sẽ tuyên bố Đức Kitô là một kẻ nói dối… nếu người ấy không vững chắc cậy dựa vào sự tha thứ của Thiên Chúa được loan báo trong lời xá giải… Sự tin cậy này tự nó có thể không chắc chắn về mặt chủ quan - rằng sự bảo đảm ơn tha thứ không phải là một sự chắc chắn về ơn tha thứ; nhưng điều này không được biến thành một vấn đề khác, đó là: người tín hữu nên phớt lơ đi và chỉ cậy dựa vào lời hứa tha thứ của Đức Kitô mà thôi”  (LV:E 53).

- “Ngày nay người Công giáo có thể trân trọng những cố gắng của những người Cải Cách trong việc đặt nền đức tin trên thực tại khách quan là lời hứa của Đức Kitô, ‘những gì anh em tháo cởi dưới đất…’ và trong việc hướng các tín hữu tập chú vào lời xá tội … Mối quan tâm ban đầu của Luther nhằm dạy người ta vượt khỏi kinh nghiệm của mình, và chỉ trông cậy vào Đức Kitô cùng với lời tha tội của Ngài (thì không bị kết án)” (PCPCU 24).

- Việc kết án lẫn nhau liên quan đến cách hiểu về sự bảo đảm của ơn cứu độ “có thể càng bớt tạo cớ cho sự phản đối lẫn nhau ngày nay – nhất là khi chúng ta bắt đầu từ nền tảng của một quan niệm đức tin được đổi mới dựa trên Kinh Thánh. Vì một người có thể chắc chắn đánh mất hoặc chối bỏ đức tin, và tự ràng buộc mình với Thiên Chúa cùng với lời hứa của Ngài. Nhưng nếu người đó tin theo nghĩa này, thì người ấy không thể đồng thời tin rằng Thiên Chúa không đáng tin cậy trong lời ngài hứa. Theo nghĩa này, trong cách nói của Luther, cả ngày nay cũng đúng rằng đức tin là sự bảo đảm cho ơn cứu độ” (LV:E 56).

- Về quan niệm đức tin của Vatican II, hãy xem Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thánh, số 5: “Sự vâng phục của đức tin… phải được trao cho Thiên Chúa là Đấng mạc khải. Nhờ sự vâng phục đó, con người tự nguyện phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, dâng hiến sự quy phục hoàn toàn của lý trí và ý chí cho Thiên Chúa là Đấng mạc khải, và tự do đón nhận sự thật được mạc khải bởi Ngài”.

“Sự phân biệt của Luther giữa một bên là sự chắc chắn (certitudo) của đức tin vốn chỉ cậy dựa vào Đức Kitô, và bên kia là sự an toàn phàm trần (securitas) vốn dựa vào con người, đã không được trình bày đủ sáng tỏ trong LV. Câu hỏi liệu một người Kitô hữu ‘đã tin đầy đủ và trọn vẹn hay chưa’ (LV:E 53) không nảy sinh trong nhận thức của Luther, vì đức tin không bao giờ phản chiếu chính nó, nhưng tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa Đấng ban ơn qua Lời và bí tích từ bên ngoài chúng ta” (VELKD 92,2-9).

Số 4.7: Việc Lành Của Người Được Công Chính Hóa (đoạn 37-39) (LV:E 66, VELKD 90).

- “Nhưng Công đồng loại trừ khả năng đạt được ân sủng - tức là ơn công chính hóa (điều 2; DS 1552) và đặt nền tảng sự đạt được này hay sự xứng đáng được sự sống đời đời trên chính ân ban, xuyên qua sự tháp nhập vào Đức Kitô (điều 32, DS 1582). Những việc lành là những ‘công đức’ xét như một ân ban. Mặc dù những người Cải Cách công kích sự cậy dựa vào các việc làm của chính mình, Công Đồng vẫn minh nhiên loại trừ mọi ý niệm về một sự tự hào nào đó hay bất kỳ sự chắc chắn giả tạo nào đó (chương 16: DS 1548). Rõ ràng, … Công đồng mong muốn thiết lập một nối kết với thánh Augustin, là người đã giới thiệu ý niệm công đức, để diễn tả trách nhiệm của con người, bất chấp đặc tính ‘được ban cho’ của các việc lành” (LV:E 66).

- Nếu chúng ta hiểu ngôn ngữ về ‘nguyên nhân’ ở điều 24 như một cách nói có tính cá nhân hơn, giống như trường hợp ở chương XVI của Sắc Lệnh về Ơn Công Chính Hóa, trong đó ý tưởng về hiệp thông với Đức Kitô là nền tảng, thì chúng ta có thể miêu tả giáo lý Công giáo về công đức như đã được nói trong câu đầu tiên của đoạn thứ hai, mục 4.7: Sự lớn lên trong ân sủng, kiên định trong sự công chính được đón nhận từ Thiên Chúa, và một mối hiệp thông sâu xa hơn với Đức Kitô.

- “Rất nhiều phản đề có thể được vượt qua nếu cái từ ‘công đức’ gây hiểu lầm được nhìn và nghĩ hoàn toàn trong nối kết với ý nghĩa thực sự của thuật ngữ ‘lương bổng’ hay ‘phần thưởng’ trong Kinh Thánh (LV: E 67).

- “Các Tuyên Tín của Luther nhấn mạnh rằng người được công chính hóa có trách nhiệm không để mất ân sủng đã lãnh nhận nhưng phải sống trong đó… Như vậy các Tuyên Tín có thể nói về một sự bảo tồn ân sủng và sự lớn lên trong ân sủng. Nếu sự công chính ở điều 24 được hiểu theo nghĩa rằng nó ảnh hưởng trên con người, thì nó không chạm tới chúng ta. Nhưng nếu sự công chính ở điều 24 muốn nói đến việc người Kitô hữu được Thiên Chúa chấp nhận, thì nó chạm tới chúng ta; vì sự công chính này luôn luôn hoàn hảo; đối chiếu với những việc làm của các Kitô hữu vốn chỉ là những ‘hoa trái’ và ‘dấu chỉ’”  (VELKD 94,2-14).

- “Liên quan tới điều 26, chúng ta tham chiếu Hộ giáo, trong đó đời sống vĩnh cửu được miêu tả như là phần thưởng: ‘…Chúng ta chấp nhận rằng sự sống đời đời là một phần thưởng, bởi vì đó là một cái gì ta được ban tặng - không vì công trạng của chúng ta nhưng chỉ vì lời hứa” (VELKD 94, 20-24).

Dịch từ:
http://www.christianunity.va/content/unitacristiani/en/dialoghi/sezione-occidentale/luterani/dialogo/documenti-di-dialogo/1999-dichiarazione-congiunta-sulla-dottrina-della-giustificazion/en.html

Dịch giả:
- Lm. Giuse Trần Văn Đỉnh
- Lm. Tú Ân
- Lm. Phêrô Võ Tá Khánh
- Lm. Giuse Lê Công Đức

Nguồn: gpquinhon.org (25.01.2024)



[1] Bản tóm giáo lý của Luther (The Smalcald Articles), II, 1; Book of Concord, 292.

[2] Rector et judex super omnia genera doctrinarum’ Weimar  ấn bản tác phẩm trọn bộ của Luther [WA], 39, I, 205

[3] Cần ghi nhớ rằng một vài giáo hội Luther chỉ coi Bản Tuyên tín Augsburg  và Giáo lý nhỏ của Luther như là tham chiếu giáo lý có uy tín của họ. Những bản văn này không chứa đựng những kết án về ơn công chính trong tương quan với Giáo Hội Công Giáo Rôma.

[4] Báo cáo của Ủy ban nghiên cứu chung Luther và Công giáo, Lớn lên trong đồng thuận (New York; Geneva, 1984), pp. 168-189.

[5] Xuất bản bởi Liên hiệp Luther thế giới (Geneva, 1994).

[6] Đối thoại Luther và Công giáo VII (Minneapolis, 1985).

[7] Minneapolis, 1990.

[8] Theo quan điểm chung của Hội đồng Arnoldshain của Giáo hội Tin lành Luther hiệp nhất ở Đức và Ủy ban quốc gia Đức về Liên hiệp Luther thế giới, trong tác phẩm Ökumenische Rundschau 44 (1995). Xem thêm Lehrverurteilungen im Gespräch. Die ersten offiziellen Stellungsnahmen aus den evangelischen Kirchen in Deutschland, Göttingen 1993.

[9] Từ “giáo hội” được dùng trong bản Tuyên bố này phản ánh những cách tự hiểu ngầm về các giáo hội tham gia, nó không có ý giải quyết mọi vấn đề giáo hội học liên quan tới hạn từ này.

[10] x. “Bản báo cáo Malta” đoạn 26-30; Ơn công chính hóa bởi đức tin, đoạn 122-147.  Theo yêu cầu của Đối thoại bên Mỹ về ơn công chính hóa, các bản văn tân ước không thuộc Phaolô được phân tích trong khuân khổ cuộc đối thoại ở Mỹ nhờ J. Reumann, với những câu trả lời của Joseph A. Fitzmyer và Jerome D. Quinn (Philadelphia; New York:1982), trang 124-180. Kết quả của công trình nghiên cứu này được tóm trong báo cáo đối thoại về ơn công chính hóa bởi đức tin trong các đoạn 139-142.

[11] “Tất cả dưới một Đức Kitô” đoạn 14, trong tác phẩm Lớn lên trong Đồng Thuận (Growth in Agreement), 241-247

[12] x. WA 8:106; American Edition 32:227

[13] x. DS 1528

[14] x. DS 1530.

[15] x. Hộ Giáo II:38-45; Book of Concord, 105.

[16] x. DS 1515.

[17] x. DS 1515.

[18] x. DS 1545.

[19] x. DV 5.

[20] x. DV 5.

[21] Những bản án thời Cải Cách, 27.