Bàn thờ hình chữ nhật của Đền Thờ Thánh Phêrô, Vatican
BÀN THỜ HÌNH TRÒN CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
WHĐ, 07-05-2020 - Viếng thăm nhiều nhà thờ, chúng ta nhận ra rằng hầu
hết các bàn thờ trong cung thánh có bề mặt là hình chữ nhật. Nhưng thỉnh thoảng
chúng ta cũng thấy bàn thờ có bề mặt là hình vuông, hình tròn hay hình đa giác.
Để xác định bàn thờ trong cung thánh nhà thờ có thể làm theo hình tròn hay
không, thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu các hình dáng của bàn thờ đã từng xuất
hiện và tồn tại trong lịch sử Hội Thánh cũng như duyệt lại luật phụng vụ hiện
hành quy định về hình dáng của bàn thờ như thế nào.
Phương diện lịch sử
Thực sự, Tân Ước không nói nhiều đến bàn thờ.
Chúng ta có thể biết tới bàn thờ trong thị kiến được nêu ra trong sách Khải huyền.
Khi các sách Tân Ước đang được viết, thì cái bàn cộng đoàn sử dụng để cử hành Bữa
tiệc của Chúa không phải là bàn thờ thực sự, mà chỉ là cái bàn nhỏ, đơn giản và
bằng gỗ với chức năng nguyên thủy, theo như Josef Jungmann cho biết, là để đặt
bánh và rượu trên đó, nhưng khía cạnh bàn tiệc của bí tích vẫn sáng tỏ.[1]
Nhận định này trùng với ý kiến cho rằng thời các tông đồ, bàn thờ chỉ là một
cái bàn ăn (mensa) và được gọi là bàn
ăn của Chúa Kitô (mensa Christi) vì Bữa
ăn Huynh đệ (Agape) liên kết với lễ
Nghi lễ Bẻ bánh (Eucharistia) giữa cộng
đoàn[2]. Lúc bấy giờ, Agape đi chung với Eucharistia, bàn có hình chữ C. Nhưng từ khi
Agape bị tách ra khỏi Eucharistia
vì sự lạm dụng như được mô tả trong 1Cr 11,17-34, thì chỉ còn một cái bàn cho cả
cộng đoàn. Căn cứ vào hình ảnh trên các vòm hang toại đạo thì bàn này hình tròn, có ba chân, thường làm bằng gỗ. Mọi người
tham dự Nghi lễ Bẻ bánh đứng chung quanh bàn và tiến đến bàn khi hiệp lễ. Do
nguồn gốc này mà trong Lễ quy Rôma, dân chúng được gọi là CIRCUMSTANTES, nghĩa
đen là những người đứng chung quanh.[3]
Trong GH đã từng tồn tại bàn thờ hình
bán nguyệt từ thập kỷ đầu của thế kỷ thứ hai. Cổ xưa nhất, cũng như đáng
chú ý nhất là bức bích họa về cử hành Thánh Thể được tìm thấy ở nhà nguyện
Greca với hình ảnh có bảy người ngồi trên một ghế dài hình bán nguyệt trước một
cái bàn cùng hình bán nguyệt.[4]
Ngoài các hình dáng trên đây, hầu như mọi bàn thờ
trong nhà thờ/nhà nguyện vào thời kỳ trước Công đồng Vatican II và ngay cả hiện
nay đều có hình dáng là chữ nhật hoặc ít là mặt bàn thờ với phiến đá là hình chữ
nhật vì bàn thờ được thiết kế như một: ngôi mộ; bàn thờ hy tế; và bàn ăn/ bàn tiệc của Chúa (Mediator Dei, 62; QCSL 73, 296; GLCG
1181; LNGM 945)[5]
vì chiều kích hy tế của bí tích Thánh Thể hay chiều dọc của việc thờ phượng
trong Thánh lễ được nhấn mạnh nhiều hơn.[6]
Bàn thờ này không chỉ là bàn tiệc Thánh Thể mà theo thánh Tôma Aquinô, còn là Thánh
giá Chúa Kitô, trên đó Chúa Giêsu chịu sát tế, Ngài “lấy máu mình mà thánh hoá
toàn dân” (Hr 13, 10-12).[7]
Sau thời cấm đạo ở Rôma (thế kỷ IV-V), những bàn
thờ bằng đá sớm nhất chính là ngôi mộ của các vị tử đạo được chôn cất trong
hang toại đạo ở Rôma. Việc cử hành Thánh Thể trên mộ của các vị tử đạo có dấu vết
từ thế kỷ thứ hai nhằm tưởng niệm và vinh danh những người sẵn sàng chịu chết
vì đức tin. Dưới triều đại của ĐGH Damasus (366-384), các nhà thờ và nhà nguyện
được dựng lên ở Rôma và những nơi khác để vinh danh các vị tử đạo nổi tiếng nhất,
và các bàn thờ, khi có thể, được đặt ngay phía trên ngôi mộ của họ vì muốn liên
kết hài cốt các vị tử đạo với bàn thờ (nơi cử hành Thánh lễ).[8]
Điều này thích ứng với những gì sách Khải huyền mô tả: “Khi Con Chiên mở ấn thứ
năm, thì tôi thấy dưới bàn thờ, linh hồn của những người đã bị giết vì đã rao
giảng Lời Thiên Chúa và đã làm chứng”(Kh 6,9). Nó còn nhằm nhấn mạnh ý nghĩa:
Hy lễ của các chi thể bắt nguồn từ hy lễ của Đấng là Đầu và là Thủ Lãnh. Vào
khoảng thời gian này (thế kỷ IV –VI), người ta cũng có thói quen chôn các linh
mục và giám mục dưới bàn thờ. Nhưng ĐGH Félix I tuyên bố chỉ mộ huyệt của các
thánh tử đạo mới xứng đáng là nơi để dâng lễ, nên không cho cử hành Thánh lễ
trên bất cứ mộ phần nào khác. Đây là lý do mà trong quá khứ, các nhà kiến trúc
đã từng thiết kế bàn thờ như một ngôi mộ,
đôi khi có cả thi thể của một vị thánh nằm trong đó. Nhất là từ thế kỷ thứ X,
người ta đẩy lùi bàn thờ vào cuối cung thánh, linh mục quay mặt vào bàn thờ
[sát tường/hậu bầu của cung thánh] để cử hành Thánh Thể, giáo dân nhìn vào lưng
của ngài. Còn thầy phó tế, lúc trước đứng đối diện với chủ tế trong suốt Thánh
lễ, nay đứng sau lưng của ngài, đương nhiên hình dáng của bàn thờ là hình chữ nhật/ngôi mộ.[9]
Từ sau Công đồng Vatican II, khi chiều kích hiệp
thông huynh đệ/bàn tiệc Thánh Thể được nhấn mạnh nhiều hơn hầu giúp toàn thể cộng
đoàn có thể tham gia nhiều hơn vào nghi thức Thánh lễ thì mới nảy sinh các thiết
kế và xây dựng sau:[10]
[i] Thứ nhất, mặt sàn nhà thờ có thể
không còn theo kiểu mẫu hình thánh giá của các basilica xưa kia nữa (chẳng hạn
như sàn của các nhà thờ chính tòa kiểu Gôtic tại Âu châu, tại Mỹ, các nhà thờ cổ
tại Việt Nam hay đa số các nhà thờ tại miền Bắc nước ta). Thay vào đó, sàn nhà
thờ của một số thánh đường thời kỳ hậu Vatican II có hình thức gần giống như
sàn của một “nhà hát”/ “sân vận động”, nghĩa là chúng được thiết kế và xây dựng
theo hình vuông, bán nguyệt, lục giác, bát giác, tròn hay bầu dục. Cung thánh sẽ
ở trung tâm hoặc được đặt ở góc của hình vuông hay dựa sát vào tường nếu mẫu
nhà thờ có sàn hình bán nguyệt, lục giác hay bát giác; [ii] Thứ hai, một loại bàn thờ chưa bao giờ được biết đến ở tầm mức
hoàn vũ và đáng ao ước ở mọi nhà thờ mới. Đó chính là bàn thờ để cử hành Thánh
lễ đối diện với dân chúng (versus populum)
như đã từng thực hành hồi thế kỷ IV-VI trong những ngôi đại thánh đường, hoặc
nơi tư gia, hay thậm chí trong các hang
toại đạo.[11]
Như vậy, với bàn thờ mới, cộng đoàn dễ dàng tham dự phụng vụ cách tích cực hơn,[12]
cho thấy sự hợp nhất giữa chủ tế và dân chúng trong một cử hành.[13]
Thêm nữa, vị tư tế có thể cử hành Thánh lễ theo cả hai cách: đối diện với dân
chúng hay đối diện với bàn thờ và sẽ phải có một khoảng không gian thềm cung
thánh rộng rãi ở cả hai phía của bàn thờ cho chủ tế đứng và bái quỳ cũng như để
ngài có thể thuận tiện đi xung quanh bàn thờ mà xông hương (QCSL 299; DX 64).
Hậu nhiên là do những thay đổi trên đây mà người
ta bắt đầu thấy xuất hiện trở lại, tuy không nhiều lắm, bàn thờ theo hình tròn/bát giác/bầu dục. Đồng thời người ta còn mô
tả bàn thờ là “bàn của cộng đoàn”.[14]
J. Gélineau đặt vấn đề như sau:
Vậy cái bàn này phải có hình dáng thế nào để ta thấy đó là nơi Chúa Kitô mời
ta đến cùng đồng bàn với Ngài, và để nó nhắc ta nhớ đến các bữa ăn của ta, các
cuộc chung vui của ta? Ta phải tỏ dấu kính trọng bàn thờ thế nào? Trang hoàng
các bông hoa, ánh sáng…? …Rồi còn những khi người ta chất lên bàn thờ đủ thứ,
nào là máy ghi âm, các thứ dây điện chằng chịt, từng chồng sách, cả những máy
am-pli, máy thâu băng… Như vậy không phải làm mất hình ảnh bàn thờ đó sao?”[15]
Quy định phụng vụ
Bộ Giáo Luật (1983), khi bàn về “bàn thờ” từ điều 1235-1239, tuyệt nhiên không nói gì đến
hình dáng bàn thờ mà chỉ đề cập đến những vấn đề sau: số bàn thờ trong nhà thờ;
bàn thờ cố định và bàn thờ lưu động; chất liệu làm bàn thờ (bằng đá, tảng đá tự
nhiên duy nhất, hoặc bằng chất liệu khác, xứng đáng và vững chắc…); cung hiến
và làm phép; lưu giữ hài cốt các vị tử đạo hay các thánh khác dưới bàn thờ cố định;
bàn thờ chỉ được dành riêng cho việc phụng tự, tuyệt đối phải loại trừ mọi sử dụng
phàm tục; không chôn táng xác chết dưới bàn thờ và không được phép cử hành
Thánh lễ trên bàn thờ ấy.
Toàn bộ Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [QCSL] (2002) đề cập đến hạn từ “bàn
thờ” ở 213 chỗ, đặc biệt tại mục “Bàn thờ và cách trang trí”, QCSL cho chúng ta
biết rất chi tiết về bản chất, chức năng và cách sắp xếp bàn thờ: bàn thờ cố định,
bàn thờ di động, việc xây bàn thờ cách vách tường để có thể dễ dàng đi chung
quanh và có thể cử hành Thánh lễ quay mặt xuống tín hữu, bàn thờ phải làm bằng
chất liệu xứng hợp, quý giá, bền chắc như đá tự nhiên, gỗ quý… (các số 296-308). Tuy nhiên, bộ Quy chế Tổng quát Sách lễ
Rôma (2002) không xác định bàn thờ làm theo theo hình dáng nào.
Tài liệu Dựng Xây Từ Những Viên Đá Sống Động [DX]
(2006) của UBGM về Nghệ Thuật Thánh (trực thuộc HĐGM Việt Nam) hầu như chỉ lập
lại, khai triển và cụ thể hóa những gì đã được nói đến trong Bộ Giáo Luật (1983) và Quy
chế Tổng quát Sách lễ Rôma (2002) tại các số 63-67. Cách riêng tại số 63,
tài liệu hướng dẫn: “Dù không nói rõ kích thước và hình dáng, nhưng bàn thờ cần
phải cân đối với nhà thờ. Hình dáng và kích thước cần phản ánh bản chất của bàn
thờ là nơi tế lễ và là bàn, nơi mà Chúa Kitô tụ họp cộng đoàn xung quanh để
nuôi dưỡng họ…”. Như vậy, Dựng Xây Từ Những
Viên Đá Sống Động cũng không xác định bàn thờ làm theo theo hình dáng nào.
Cử hành Thánh lễ bên ngoài nhà thờ/nguyện
Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (2002) số 297 nói rằng: “Trong nơi thánh, Thánh
lễ phải được cử hành trên một bàn thờ. Ngoài nơi thánh thì có thể cử hành trên
một bàn thích hợp, nhưng bao giờ cũng phải có khăn phủ bàn và khăn thánh, thánh
giá và nến.” Trong nơi thánh, tuyệt đối Thánh lễ luôn luôn phải cử hành trên
bàn thờ và bàn thờ này phải đáp ứng các quy định về luật phụng vụ như vừa nhắc
lại trên đây nhưng không nhất thiết là phải có hình vuông, hình chữ nhật hay
hình tròn. Còn “cái bàn” bên ngoài nhà thờ dùng để cử hành Thánh lễ được hiểu
là một cái bàn thích hợp tại các đền thánh, tư gia hay nơi hành hương trong tâm
tình và nhận thức rằng tình yêu của Chúa Kitô lan tràn khắp mặt đất và Hội
Thánh tìm thấy nhà của mình không chỉ ở những nơi thánh được dành riêng để tôn
thờ Chúa mà còn ở nơi khác nữa.[16]
Chính vì vậy, cái bàn này sẽ có những hình dáng khác nhau. Liên quan đến vấn đề
này, có thể nói lại ở đây kinh nghiệm của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II:
“Tôi đã được cử hành Thánh lễ trong nhà nguyện trên triền núi, trên bờ hồ, trên
bãi biển, tôi đã dâng Thánh lễ trên bàn thờ dựng ngay trong sân vận động, trên
công trường các thành phố?”[17]
Kết luận
Tóm lại, sự đa dạng của các hình dáng bàn thờ và luật phụng vụ không quy định hình dáng của bàn thờ sẽ dễ dàng dẫn người ta tới chỗ tùy nghi chọn lựa thiết kế bàn thờ hoặc theo hình chữ nhật, hoặc theo hình vuông, hình bầu dục, hay hình tròn phù hợp với kích cỡ cộng đoàn của họ cũng như có tương quan mỹ học với giảng đài, ghế chủ tọa và môi trường phụng vụ nói chung ở đó. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng với những nhà thờ nhỏ, thì bàn thờ nên có hình vuông hay hình chữ nhật; còn với những thánh đường lớn, bàn thờ có thể thiết kế theo hình chữ nhật hay hình tròn vì như vậy bàn thờ mở ra cho 4 phương của thế giới. Dù vậy, phương án tốt nhất là chúng ta nên chọn bàn thờ có hình chữ nhật, vì những lý do sau: [i] Thứ nhất, sự chọn lựa này tiếp tục truyền thống và thực hành phổ biến nhất từ xưa tới nay về hình dáng của bàn thờ; [ii] Thứ hai, hình dáng này thuận lợi nhất cho việc bày trí các vật dụng phụng vụ trên bàn thờ; [iii] Thứ ba, khi nói đến “cạnh bàn thờ”/ “góc bàn thờ” (latus altaris/the side of the altar) đi kèm với hành động của chủ tế/các vị đồng tế như trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (2002) tại các số 76, 142, 144-145, 163, 248, 270 và trong Nghi thức Thánh lễ (2002) tại số 28 cũng như tại số 17 của Nghi thức Thánh lễ (2002) [khi chỉ có một thừa tác viên tham dự], rõ ràng chúng ta liền nghĩ ngay, hiểu ngay đến bàn thờ hình chữ nhật hơn bất cứ một hình nào khác và hình tròn thì chắc chắn chẳng có “góc” hay “cạnh” gì cả.
______________
[1] Xc. Dennis McNally, SJ, “Altar”, trong Fink E. Peter, SJ (ed.), The New Dictionary of Sacramental Worship (Collegeville, Minnesota: A. Michael Glazier Book/ The Liturgical Press, 1990)43-45.
[2] J. Jungmann, The Early Liturgy: To the Time of Gregory the Great, tr. Brunner Francis (Indiana: University of Notre Dame Press, 1959), 254.
[3] Charles E. Miller, CM, The Celebration of The Eucharist (Newyork: St Paul's, Alba House, 2010), 49.
[4] Maurice M. Hassett, “History of the Christian Altar”, trong The Catholic Encyclopedia, copyright © 1913 by the Encyclopedia Press, Inc. Electronic version copyright © 1996 by New Advent, Inc., P.O. Box 281096, Denver, Colorado, USA, 80228. (knight@knight.org) Taken from the New Advent Web Page (www.knight.org/advent).
[5] Xc. Duncan G. Stroik, The Church Building as a Sacred Place (Chicago/Mundelein, IL: Hillenbrand Books, 2012), 96; Richard Taylor, Làm thế nào để hiểu một thánh đường, dg, Nguyễn Văn Huy (Nxb. Tôn Giáo, 2014),60-61.
[6] Joseph M. Champlin, Bên trong Nhà thờ Công giáo (Nxb. Tôn Giáo, 2015), 64.
[7] Thomae Aquinatis, “In Epistolam ad Hebraeos”, trong Divi Thomae Aquinatis Doctoris Angelici Ordinis Praedicatorum. Opera VII-VIII (Venetiis, 1747), 407-584, 579.
[8] Cuốn "Liber Pontificalis" vốn được gán cho ĐGH Felix I (269-274) chứa một sắc lệnh cho biết Thánh lễ nên được cử hành trên các ngôi mộ của các vị tử đạo (constituit supra memorias martyrum missas celebrare, "Lib. Pont.", ed. Duchesne, I, 158); Xc. J. B. O’Connell, Church Building and Furnishing (London: Burns & Oates, 1955), 127.
[9] J. B. O’Connell, Church Building and Furnishing, 129; Nguyễn Văn Trinh, Thánh lễ 2 (Lớp BDTH Liên Dòng. Knxb), 148-149; Duncan G. Stroik, The Church Building as a Sacred Place (Chicago/Mundelein, IL: Hillenbrand Books, 2012), 132.
[10] Mark G. Boyer, The Liturgical Environment, 2nd edition (Collegeville, Minnesota: Liturgical Press, 2004), 8-10.
[11] Consilium, “Letter Le renouveau liturgique of Cardinal G. Lercaro to presidents of the conference of bishops, on furthering liturgical reform (30 June 1965)”, trong Documents on the Liturgy 1963 – 1979, Conciliar, Papal, and Curial Texts (Minnesota: The Liturgical Press, 1982), 117-122; J. B. O’Connell, Church Building and Furnishing, 153-154.
[12] Sacra Congregatio Rituum, Instructio, ad exsecutionem constitutionis de sacra liturgia recte ordinandam, AAS 56 (1964) 877-900.
[13] C. Napier, “Altar in Contemporary Church”, trong The Clergy Review 57 (1972/8) 628.
[14] Dennis R. McNamara, Catholic Church Architecture and the Spirit of the Liturgy ((Chicago/Mundelein, IL: Hillenbrand Books, 2009), 219.
[15] J. Gélineau, Họp Nhau Cử Hành Phụng Vụ, tập I (Nxb Đồng Nai, 1992), 217.
[16] Xc. Mary Schaefer – Joanne M. Pierce, “Some General Norms for All Forms of Mass”, eds. Edward Foley, et al., A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Collegeville, Minnesota: A Pueblo Book/ The Liturgical Press, 2007), 361.
[17] ĐGH Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia, 8.