WHĐ (07.03.2024) – Sáng thứ Sáu, mồng 01.03.2024, Đức Hồng y
Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap., giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng trình bày bài giảng thứ hai cho Mùa Chay năm nay
tập trung vào Đức Kitô là ánh sáng thế gian. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài giảng của Đức
Hồng y:
Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap.
Bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều Rôma
Năm 2024 - Bài 2: “TA LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN”
Trong các bài giảng
Mùa Chay này, chúng ta đã đề xuất là suy niệm về câu “Ta
là” trang trọng được Chúa Giêsu tuyên bố trong Tin
Mừng Gioan. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra đặt là: Liệu câu “Ta là” có
thực sự được Chúa Giêsu nói ra hay là do sự suy tư sau này của Thánh sử, giống như
nhiều phần của Tin Mừng Thứ Tư? Câu trả lời mà hầu như tất cả các nhà chú giải
ngày nay đều đưa ra cho câu hỏi này là vế thứ hai. Tuy nhiên, tôi tin
chắc rằng những lời tuyên bố “Ta là” này thực sự là
“từ Chúa Giêsu” và tôi sẽ cố gắng giải thích tại sao.
Có một sự thật lịch sử
và một sự thật mà chúng ta có thể gọi là có thật hoặc có tính bản thể. Chúng ta
hãy lấy một trong những câu “Ta là” của Chúa Giêsu, chẳng hạn như câu:
“Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Nếu thông qua một khám phá mới không chắc chắn nào đó mà chúng ta biết
được rằng câu này, trên thực tế và về mặt lịch sử, đã được Chúa Giêsu trần thế tuyên bố, thì đây không phải là điều khiến câu ấy trở thành “thật”
(người ta có thể cho rằng người thốt ra câu đó là đang tự lừa dối chính mình!). Điều làm cho tuyên bố này trở nên “thật” đó là – trong thực tế và vượt lên trên mọi tình huống lịch sử – chính Chúa Giêsu thật sự là đường, là sự thật
và là sự sống.
Theo nghĩa sâu xa hơn và
quan trọng hơn này, mỗi lời tuyên bố mà Chúa Giêsu đưa ra trong Tin Mừng Gioan
đều là thật, kể cả lời tuyên bố long trọng của Người: “Trước khi có ông
Ápraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (Ga 8, 58).
Định nghĩa cổ điển về sự thật
là “sự tương ứng giữa sự vật và
ý tưởng mà người ta có về sự vật” (adaequatio rei et Intellectus); chân lý được mạc khải là sự tương ứng hoàn hảo giữa thực tại và
lời được linh hứng công bố chân lý đó. Vì vậy, những lời cao cả mà chúng ta sẽ suy niệm đều đến từ Chúa Giêsu: không phải từ Chúa
Giêsu lịch sử, nhưng từ Chúa Giêsu, Đấng - như
Người đã hứa với các môn đệ (Ga 16,12-15) - nói
với chúng ta bằng thẩm quyền của Đấng Phục Sinh, qua Thánh Thần của
Người.
* * *
Từ hội đường Capernaum
miền Galilê, hôm nay chúng ta tiến tới đền thờ Giêrusalem miền
Giuđê, nơi Chúa Giêsu đã đến nhân dịp Lễ Lều. Ở đây diễn ra cuộc tranh luận với “người
Do Thái”, trong đó lời tự tuyên bố của Chúa Giêsu được lồng vào, mà trong bài suy niệm này, chúng ta muốn tập trung:
“Ta là ánh sáng thế
gian. Ai theo Ta, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).
Lời này tràn đầy ý
nghĩa và thật tuyệt vời đến nỗi các Kitô hữu ngay lập tức chọn làm một trong những tước hiệu
yêu thích về Đức Kitô. Trong nhiều vương cung thánh đường cổ - chẳng hạn như
nhà thờ chính toà Cefalù và Monreale ở Sicily - bức tranh khảm phía sau thánh đường mô tả Chúa Giêsu là Đấng Pantocrator,
hay Chúa của vũ trụ. Người cầm một cuốn sách mở trước mặt và giơ ra trang
có viết chính những lời này, bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh: Egô
eimi to phos tou cosmou – Ego sum lux mundi - Ta
là ánh sáng thế gian.
Đối với chúng ta ngày
nay, Chúa Giêsu “ánh sáng thế gian” đã
trở thành một chân lý được tin và được công bố, nhưng đã có lúc sự
việc không chỉ như vậy, mà đúng hơn, đó là một trải nghiệm sống
động, như đôi khi xảy ra với chúng ta, chẳng hạn như sau khi cúp điện, điện bất ngờ có lại, hoặc vào buổi
sáng, khi mở cửa sổ, chúng ta được bao phủ với ánh sáng ban ngày. Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô nói về trải nghiệm này như một cuộc hành trình “ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu
huyền” (1 Pr 2, 9; Cl 1, 12 ff.). Khi nhớ lại giây phút hoán
cải và lãnh Phép Rửa của mình, Tertullian diễn tả giây phút này bằng hình ảnh một hài nhi bước ra từ bóng tối của lòng mẹ và hoảng sợ
khi tiếp xúc với không khí và ánh sáng. Ông viết: “Bước
ra từ một cung lòng vô minh, những Kitô hữu
chúng ta, run rẩy trước ánh sáng chói lọi của chân lý” [1].
* * *
Chúng ta lập tức tự hỏi:
Lời tuyên bố của Chúa Giêsu “Ta là ánh sáng thế gian” có ý
nghĩa gì đối với chúng ta, tại đây và lúc này? Cụm từ
“ánh sáng thế gian” có 2 ý nghĩa cơ bản. Trước hết, ý nghĩa thứ nhất đó là: Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian vì Người là mạc
khải tối hậu và dứt khoát của Thiên Chúa cho nhân loại. Lời mở đầu của Thư gửi
tín hữu Do Thái nêu rõ điều này một cách rõ ràng và trang trọng nhất:
Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta
qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng
ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Ðấng
thừa hưởng muôn vật muôn loài (Dt
1, 1-2).
Tính mới lạ nằm ở chỗ thực tại độc nhất và không thể lặp lại đó là chính người mạc khải lại chính là mạc khải! “Ta là ánh sáng thế gian” chứ không phải “Ta mang ánh sáng vào thế gian”. Các ngôn sứ nói ở ngôi thứ
ba: “Chúa phán thế này!”, còn Chúa Giêsu nói ở ngôi thứ nhất: “Ta bảo cho
các ông biết!”. Năm 1964, Marshall McLuhan đưa ra khẩu hiệu nổi tiếng:
"Phương tiện truyền tải là sứ điệp", nghĩa là phương tiện truyền tải sứ điệp quyết định chính sứ điệp đó. Câu nói này áp dụng cách duy
nhất và siêu việt cho Đức
Kitô. Nơi Người, phương tiện truyền tải thực sự là sứ điệp; người chuyển trao sứ điệp cũng chính là sứ điệp!
Như tôi đã nói,
đây là ý nghĩa thứ nhất của cụm từ “ánh sáng thế gian”. Thứ đến, ý nghĩa
thứ hai đó là: Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian theo nghĩa chính Người chiếu sáng thế gian, có nghĩa là Người phơi bày thế gian cho chính
nó; Người phơi bày mọi sự trong sự thật của Người, như
chúng ở trước mặt Thiên Chúa.
* * *
Chúng ta hãy suy
tư về từng ý nghĩa trong 2 ý nghĩa này, khởi đi từ ý nghĩa thứ nhất, nghĩa là
Chúa Giêsu là mạc khải tối hậu về chân lý của Thiên Chúa. Từ quan điểm này, ánh
sáng là Đức Kitô luôn có một đối thủ cạnh tranh khốc liệt, đó là lý trí con người.
Chúng ta nói về vấn đề này không nhằm mục đích luận chiến hay biện hộ, tức là biết
cách làm sao để đáp trả những người chống đối đức tin (điều này sẽ mâu thuẫn với
mục đích ban đầu của tôi), mà là để khẳng định mình trong đức tin.
Theo tôi, các cuộc
tranh luận về đức tin và lý trí – chính xác hơn là về lý trí và mạc khải – bị ảnh
hưởng bởi tính bất đối xứng căn bản. Người có đức tin chia sẻ lý trí với người
vô thần; người vô thần không chia sẻ niềm tin vào sự mạc khải với người có đức
tin. Người có đức tin thì nói ngôn ngữ của diễn giả vô thần; người vô thần thì không nói ngôn ngữ đồng cấp của người có đức
tin.
Đây chính là lý
do tại sao cuộc tranh luận thuyết phục nhất về chủ đề đức tin và lý trí lại là
cuộc tranh luận diễn ra trong chính con người, giữa đức tin và lý trí của chính
mình. Chúng ta có những ví dụ điển hình nổi tiếng trong lịch sử tư tưởng nhân
loại về những người, mà nơi họ, chúng ta không thể nghi ngờ niềm say mê ngang
nhau đối với cả lý trí và đức tin: Augustinô thành Hippo, Tôma Aquino, Blaise
Pascal, Søren Kierkegaard, John Henry Newman, và chúng ta có thể thêm vào Đức
Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI...
Kết luận mà mỗi
người trong số các ngài đưa ra đó là hành động tối thượng của lý trí con người
là nhận ra rằng có một điều gì đó vượt lên trên lý trí. Đây cũng là điều khiến
lý trí trở nên cao quý nhất vì nó cho thấy khả năng vượt lên trên chính nó. Đức
tin không đối lập với lý trí nhưng nó
giả định cần có lý trí, cũng như “ân sủng giả định cần có tự nhiên” [2].
Ngoài ra còn có một
sự hiểu lầm thứ hai cần làm sáng tỏ liên quan đến cuộc đối thoại giữa đức tin
và lý trí. Lời chỉ trích phổ biến nhắm vào các tín hữu là họ không thể khách
quan, vì đức tin của họ ngay từ đầu đã áp đặt cho họ cái kết luận mà họ phải đạt
đến. Nói cách khác, đức tin đóng vai trò như một sự hiểu biết trước và một
thành kiến. Nhưng ở đây người ta không chú ý đến thực tế là chính thành kiến này
cũng tác động theo hướng ngược lại đối với nhà khoa học hoặc triết gia không có
đức tin, và thậm chí còn theo một cách triệt để hơn nhiều. Nếu bạn đương nhiên giả
định rằng Thiên Chúa không hiện hữu, rằng siêu nhiên không tồn tại, và phép lạ
là không thể xảy ra, thì kết luận của bạn cũng đã được định trước ngay từ đầu.
Đây là một ví dụ
trong số nhiều ví dụ. Dựa trên nhãn quan của Freud về thực tế, liệu ông có thể
thừa nhận rằng “tình yêu phổ quát” của thánh Phanxicô Assisi có một thành
phần siêu nhiên được gọi là ân sủng chăng? Tất nhiên là không, và trên thực tế,
Freud coi đó là một "nguồn gốc của tình yêu tính dục". Theo
ông, Thánh Phanxicô chỉ "là người đã sử dụng tình yêu nhiều nhất để
mang lại lợi ích cho cảm giác hạnh phúc nội tâm của mình". Nghĩa là,
Thánh Phanxicô yêu mến Thiên Chúa, yêu mến con người, yêu mến mọi thụ tạo, và nhất
là yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh, bởi vì điều này mang lại cho thánh nhân
niềm vui và khiến ngài cảm thấy dễ chịu! [3],
Con người hiện đại,
thay vì chọn chân lý, lại chọn việc tìm kiếm
chân lý là giá trị tối thượng. Lessing viết rằng:
“Nếu Thiên Chúa cầm trong tay phải Ngài tất cả chân lý, và trong tay trái
Ngài khát vọng duy nhất sống động hướng về sự thật,
thậm chí với điều kiện là nó vĩnh viễn sai, và nếu Ngài nói với tôi: 'Hãy chọn
đi!', thì tôi nên khiêm tốn cúi đầu về phía bên trái và nói:
'Đây, thưa Cha! Sự thật thuần khiết chỉ thuộc về Cha mà thôi" [4].
Lý do cho điều
này khá đơn giản. Chừng nào bạn còn ở trong giai đoạn nghiên cứu, thì chính bạn
là người dẫn dắt trò chơi, với tư cách là nhân vật chính, trong khi đó, đối diện
với chân lý được thừa nhận như vậy, bạn không còn cơ hội nữa và bạn phải đáp lại bằng “sự vâng phục của đức tin”. Đức tin thừa nhận sự
tuyệt đối, trong khi lý trí lại muốn tiếp tục tranh luận vô thời hạn. Giống như
nàng Scheherazade xinh đẹp trong chuyện Nghìn Lẻ Một Đêm, lý trí của con người
luôn có một câu chuyện mới để kể để trì hoãn sự quy phục của mình.
Chỉ có 2 giải
pháp khả thi cho sự căng thẳng giữa đức tin và lý trí: hoặc giảm thiểu đức tin
“trong giới hạn của lý trí thuần túy”, hoặc phá bỏ giới hạn của lý trí
thuần túy để “mở rộng ra một chân trời vô tận”. Giống như khi Ulysses của
Dante, người đã chạm tới “Những cột trụ của Hercules", mà khi đó từng
được coi là nơi tận cùng của Trái đất, quyết định không dừng lại mà biến mái
chèo thành đôi cánh cho chuyến bay táo bạo [5].
Tuy nhiên, tôi phải
nhất quán với những tiền đề của mình. Cuộc tranh luận về đức tin và lý trí, trước
khi trở thành cuộc tranh luận giữa “chúng ta và họ”, giữa người tin và
người không tin, phải là cuộc tranh luận giữa chính những người có đức tin. Thật
ra, loại chủ nghĩa duy lý tồi tệ nhất không phải là loại chủ nghĩa duy lý bên
ngoài, mà là loại chủ nghĩa duy lý bên trong. Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn
Côrintô:
Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ
dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lời lẽ khôn ngoan người
phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa (1 Cr 2,4-5).
Và ở một nơi
khác:
Khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc
xác thịt, nhưng là những khí giới, nhờ Thiên Chúa, có sức đánh đổ các đồn lũy. Chúng
tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết
Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Ðức
Kitô. (2 Cr 10,4-5).
Tiếc thay điều mà
thánh Tông đồ lo sợ đã thường xảy ra giữa chúng ta. Thần học, nhất là ở phương
Tây, ngày càng xa rời quyền năng của Thánh Thần để dựa vào sự khôn ngoan của
con người. Chủ nghĩa duy lý hiện đại yêu cầu Kitô giáo phải trình bày sứ điệp của
mình một cách biện chứng, nghĩa là đặt sứ điệp ấy vào nghiên cứu và thảo luận, để
nó có thể phù hợp với khuôn khổ chung, cũng có thể chấp nhận được về mặt triết
học của một nỗ lực chung và luôn mang tính tạm thời trong việc tự hiểu về số phận
con người và vũ trụ. Tuy nhiên, khi làm như vậy, việc loan báo về cái chết và sự
Phục sinh của Đức Kitô phải lệ thuộc vào một thẩm quyền khác - và được cho là
có thẩm quyền cao hơn - Việc loan báo này không còn là một kerygma (sứ điệp tiên khởi của Tin Mừng) nữa mà chỉ là một giả thuyết
trong số những giả thuyết khác.
Mối nguy hiểm cố
hữu trong cách tiếp cận thần học này là Thiên Chúa bị khách thể hóa. Ngài trở
thành một đối tượng mà chúng ta nói đến chứ không phải là một chủ thể – hoặc với
sự hiện diện của chủ thể đó
– mà chúng ta nói chuyện với.
Một “Ông ấy” – hay tệ hơn là “Nó” – (ngôi
thứ ba) chứ không bao giờ là
“Bạn” (ngôi
thứ hai) ! Đây là hậu quả của
việc coi thần học là một “khoa học”. Nhiệm vụ trước hết của những người
làm khoa học là phải trung lập với đối tượng nghiên cứu của mình; nhưng liệu bạn
có thể giữ thái độ trung lập khi đề cập đến Thiên Chúa chăng? Đây là lý do
chính đã thúc đẩy tôi, tại một thời điểm nhất định trong cuộc đời, từ bỏ việc
giảng dạy thần học mang tính hàn lâm để dành trọn thời gian cho việc giảng thuyết.
Thật vậy, hậu quả của cách làm thần học này là nó ngày càng trở thành một cuộc
đối thoại với giới tinh hoa học thuật của thời đại, và ngày càng ít trở thành nguồn
nuôi dưỡng cho đức tin của Dân Chúa.
Chúng ta chỉ có
thể thoát khỏi tình trạng này bằng việc cầu nguyện, nói chuyện với Chúa trước
khi nói về Chúa. Một vị Giáo phụ cổ xưa đã nói “Nếu bạn là một nhà thần học,
bạn sẽ cầu nguyện thực sự, và nếu bạn cầu nguyện thực sự, bạn sẽ là một nhà thần
học” [6].
Thánh Augustinô đã đạt được nền thần học bền vững và an toàn nhất của mình – bằng cách nói chuyện với Thiên Chúa trong tác phẩm Lời Tự thú của ngài.
Việc chiêm niệm và noi gương Mẹ Thiên Chúa cũng giúp ích cho việc này. Trong cuộc
sống trần thế của mình, Mẹ không lưu tâm gì đến những ý tưởng trừu tượng về
Thiên Chúa và Chúa Giêsu Con của Mẹ, mà chỉ quan tâm đến thực tại sống động của
các ngài.
* * *
Ở phần đầu, tôi đã đề cập đến ý nghĩa thứ hai của cụm
từ “ánh sáng thế gian”, và tôi muốn dành phần cuối cùng trong suy tư của
mình cho nghĩa thứ hai này, và đây
cũng là phần liên quan chặt
chẽ nhất đến chúng ta. Có thể nói, đây là ý nghĩa mang tính phương tiện, trong đó Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian: nghĩa
là, trong mức độ Người chiếu sáng mọi sự; và Người làm cho thế gian giống như
những gì mà mặt trời làm cho trái đất. Mặt trời không chiếu sáng cho chính nó mà
chiếu sáng vạn vật trên trái đất và khiến vạn vật tỏ hiện dưới ánh sáng đích thực
của nó.
Cũng theo nghĩa
thứ hai này, Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người có một đối thủ cạnh tranh nguy hiểm
nhất, là đối thủ nội bộ, kẻ thù trong nhà. Cụm từ “ánh sáng thế gian”
thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của nó tùy thuộc vào việc cụm từ “thế gian”
được coi là sở hữu khách quan hay sở hữu chủ quan; nghĩa là tùy thuộc vào việc
thế gian là đối tượng được chiếu sáng hay, thay vào đó, là chủ thể chiếu sáng.
Trong trường hợp thứ hai này, thì không phải Tin Mừng mà là thế gian khiến
chúng ta nhìn mọi sự theo ánh sáng riêng của chúng. Thánh sử Gioan đã khuyên nhủ
các môn đệ của mình bằng những lời này:
Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế
gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính
xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế
gian (1 Ga 2,
15-16).
Mối nguy hiểm của
việc tuân theo thế gian này – tức là tính thế tục – trong lĩnh vực tôn giáo và
tâm linh, cũng tương đương với điều mà trong lĩnh vực xã hội, chúng ta gọi là tục
hóa. Chẳng ai có thể nói rằng mối nguy hiểm này không rình rập họ. Một câu nói
được cho là của Chúa Giêsu trong một bản văn cổ không có trong quy điển có nội
dung: “Trừ khi bạn kiêng bớt thế gian, bạn sẽ không khám phá được vương quốc
của Thiên Chúa”. Đây có lẽ là cuộc ăn chay cần thiết nhất hiện nay: kiêng bớt
thế gian, theo câu nói đã được trích dẫn ở trên!
Thế gian mà chúng
ta nói đến và thế gian mà chúng ta không được tuân theo không phải là thế gian
được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương; thực ra, không phải con người thế gian
mà chúng ta phải luôn luôn gặp gỡ, đặc biệt là những người nghèo, những người
thấp kém, và những người đau khổ. Nghịch lý thay, “việc hòa nhập” với thế
giới của những người đau khổ và bị gạt ra lề xã hội này lại là cách tốt nhất để
“tách” mình ra khỏi thế gian, bởi vì điều đó có nghĩa là đi đến nơi mà
thế gian đang chạy trốn bằng tất cả sức mạnh của nó. Nó có nghĩa là tách mình
ra khỏi nguyên tắc thống trị thế giới, đó là sự ích kỷ.
Sự thay đổi trước
hết phải diễn ra trong cách chúng ta tư duy. Thánh Phaolô khuyến khích các Kitô
hữu ở Rôma rằng:
Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng
cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt,
cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo (Rm 12,2).
Có nhiều nguyên
nhân dẫn đến tính thế tục, nhưng nguyên nhân chính là sự khủng hoảng đức tin. Đức
tin là chiến trường chính giữa Kitô hữu và thế gian. Chính nhờ đức tin mà người
Kitô hữu không còn “thuộc về” thế gian nữa. Hiểu theo nghĩa đạo đức thì “thế
gian” là tất cả những gì chống lại đức tin. Thánh Gioan viết trong Thư Thứ
Nhất, “chiến thắng của chúng ta
đối với thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1 Ga 5,4). Về vấn đề này, trong Thư gửi
tín hữu Êphêsô có một lời đáng để suy ngẫm lâu hơn một chút. Ngài nói:
“Anh em đã chết vì
những sa ngã và tội lỗi của anh em. Xưa kia anh em đã sống
trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực
trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục” (Ep 2,1-2).
Nhà chú giải người
Đức, Heinrich Schlier, đã thực hiện một phân tích sâu sắc về “tinh thần của thế gian” này được Thánh Phaolô coi là đối thủ trực
tiếp của “tinh thần phát xuất từ Thiên Chúa” (1 Cr 2, 12). Dư luận xã hội đóng vai
trò quyết định trong việc này. Ngày nay chúng ta có thể gọi tinh thần của thế gian - theo nghĩa đen - là “sức mạnh của không trung”,
bởi vì nó lan truyền trước hết trên không trung qua các phương tiện truyền
thông ảo. Schlier viết:
Đây là một tinh thần có cường độ lịch sử to lớn, mà cá nhân khó có thể
thoát ra. Chúng ta tuân theo tinh thần chung và coi đó là điều hiển nhiên. Hành
động, suy nghĩ hoặc nói điều gì đó chống lại tinh thần này đều bị coi là vô
nghĩa hoặc thậm chí là bất công hoặc tội ác. Và rồi, chúng ta không còn dám đối
diện với các sự vật, tình huống, và nhất là đời sống theo một cách khác với
cách mà tinh thần đó thể hiện... Đặc điểm
của tinh thần này là diễn giải thế giới và sự tồn tại của con người theo cách
riêng của nó [7].
Đây là điều mà
chúng ta gọi là “thích ứng với tinh thần thời đại”. Bài học đạo đức
trong bài Così fan tutte của Mozart. Hôm nay chúng ta có một hình ảnh mới
để mô tả hành động bào mòn của tinh
thần thế gian, đó là
virus máy tính. Theo những gì tôi biết, virus là một chương trình được thiết kế
độc hại, xâm nhập vào máy tính theo những cách thế không ngờ tới nhất (trao đổi
e-mail, trang web...), và một khi xâm nhập vào bên trong, virus này sẽ gây nhầm
lẫn hoặc chặn các hoạt động bình thường, do đó, làm thay đổi cái gọi là "hệ
điều hành".
Tinh thần thế gian cũng hành động theo cách tương tự.
Nó thâm nhập vào chúng ta qua hàng nghìn kênh, giống như không khí chúng ta hít
thở, và khi vào bên trong, nó thay đổi mô hình hoạt động của chúng ta: nó thay
thế mô hình “Đức Kitô” bằng mô hình “thế gian”. Thế gian cũng có
“ba ngôi”, tức là ba vị thần hay thần tượng để tôn thờ: lạc thú, quyền lực,
và tiền bạc. Tất cả chúng ta đều lấy làm tiếc về những thảm họa mà chúng gây ra
cho xã hội, nhưng liệu chúng ta có chắc rằng, ở quy mô nhỏ bé của mình, bản
thân chúng ta hoàn toàn miễn nhiễm với những vị thần ấy chăng?
Niềm an ủi lớn nhất
của chúng ta trong cuộc chiến chống lại thế gian bên ngoài và thế gian bên
trong chúng ta là biết rằng Đức Kitô phục sinh vẫn tiếp tục cầu nguyện với Chúa
Cha cho chúng ta bằng những lời mà Người đã cất lên trước khi từ biệt các môn đệ
của mình:
Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không
thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Con xin thánh hiến
chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con (Ga 17, 15-20).
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: cantalamessa.org (01. 03. 2024)