Sáng thứ Sáu, ngày 04.04.2014, Linh mục Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap., giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, đã có bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay thứ IV cho Giáo triều Roma năm nay. Bài giảng có chủ đề là “Thánh Lêô Cả: tin Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và người thật”. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài giảng của ngài:
Linh mục Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap.
Bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều Rôma
Năm 2014 - Bài 4: THÁNH LÊÔ CẢ: TIN ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA THẬT VÀ NGƯỜI THẬT
1. Đông phương và Tây phương nhất trí về Đức Kitô
Có nhiều con đường hay phương pháp tiếp cận con người Đức Giêsu. Chẳng hạn, người ta có thể đi trực tiếp từ Kinh Thánh, và cả trong trường hợp này cũng có thể có nhiều con đường: con đường kiểu mẫu song đối (typological), mà huấn giáo của Giáo Hội cổ xưa nhất đã dùng, giải thích Đức Giêsu dựa vào các tiên tri và hình bóng của Cựu Ước; con đường lịch sử, vẽ lại sự tiến triển của đức tin vào Đức Giêsu Kitô từ các truyền thống, tác giả và tước hiệu Kitô học khác nhau, hoặc các bối cảnh văn hoá khác nhau của Tân Ước. Người ta cũng có thể làm ngược lại, khởi đi từ những câu hỏi và vấn đề của con người hôm nay, thậm chí từ trải nghiệm của mình về Đức Kitô, từ đó ngược lên Kinh Thánh. Tất cả các con đường này đã được khám phá rộng rãi.
Rất nhanh chóng, Truyền thống Giáo Hội đã phát triển con đường riêng để tiếp cận mầu nhiệm Đức Kitô, cách thức thu thập và xếp đặt các dữ liệu Kinh thánh liên quan đến Ngài. Con đường này là con đường tín điều. Qua tín điều Kitô học, chúng ta muốn nói đến những chân lý nền tảng về Đức Kitô, được định tín trong các Công đồng chung đầu tiên, đặc biệt là Công đồng Calcêđonia, và giản lược vào ba trụ cột sau: Đức Giêsu Kitô là người thật, là Thiên Chúa thật và có một ngôi vị duy nhất.
Thánh Lêô Cả là Giáo Phụ mà tôi chọn để đào sâu mầu nhiệm này. Vì một lý do cụ thể. Trong thần học La tinh, từ hai thế kỷ rưỡi, công thức đức tin vào Chúa Giêsu Kitô đã có sẵn, là công thức sẽ trở thành tín điều của Calcêđonia. Tertullianô đã viết: “Chúng ta thấy hai bản tính, không trộn lẫn nhưng liên kết trong một ngôi vị, Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa và con người”[1]. Sau một thời gian dài khám phá, các tác giả Hy Lạp đi đến một công thức có cùng một nội dung; nhưng vấn đề không phải là chậm trễ hay mất thời giờ, vì chỉ sau khi đã đưa ra ánh sáng tất cả những hàm ý và giải quyết những khó khăn, người ta mới có thể giúp cho công thức này mang ý nghĩa đích thực của nó.
Đức Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả là người đã thấy được hai nguồn Latinh và Hy Lạp hợp lưu với nhau, và với uy tín của ngài là giám mục Rôma, ngài đã ủng hộ việc mọi người đón nhận công thức. Ngài không muốn truyền đạt công thức thừa hưởng từ Tertullianô và đang được Augustinô lấy lại, nhưng thích nghi nó với các vấn đề xuất hiện từ đó, đặc biệt thời gian giữa Công đồng Êphêsô (431) và Công đồng Calcêđonia (451). Những nét lớn trong tư tưởng của ngài về Kitô học được trình bày trong tác phẩm Tomus ad Flavianum[2].
Điểm thứ nhất: ngôi vị của Thiên Chúa làm người đồng nhất với ngôi vị của Lời vĩnh cửu: “Người đã làm người bằng cách đảm nhận hình thức nô lệ, chính là người, dưới hình thức Thiên Chúa, đã tạo dựng con người”. Điểm thứ hai: Bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại cùng tồn tại trong ngôi vị duy nhất này là Đức Kitô, không pha trộn, không lẫn lộn, nhưng mỗi bản tính vẫn giữ nguyên các đặc tính tự nhiên của mình (salva proprietate utriusque naturae)[3]. Công trình cứu chuộc đòi hỏi “Đức Giêsu Kitô làm người, Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đã có thể chết trong bản tính nhân loại, trong khi bất tử trong bản tính Thiên Chúa”[4]. Điểm thứ ba: Sự duy nhất ngôi vị biện minh cho việc chuyển thông các đặc tính (idiomata communicatio) hay trao đổi các tước hiệu, cho phép chúng ta quả quyết rằng Con Thiên Chúa đã bị đóng đinh và được mai táng, nhưng cũng quả quyết Con người từ trời mà đến.
Đó là một nỗ lực, phần lớn là thành công, để cuối cùng tìm ra nét hài hòa giữa hai “trường phái” của thần học Hy Lạp – trường phái Alexanđria và trường phái Antiokia - tránh những sai lầm liên hệ cho mỗi bên là thuyết nhất tính và thuyết Nestoriô. Những người phái Antiokia thấy chủ trương hai bản tính của Đức Kitô và nhân tính đầy đủ của Đức Giêsu được công nhận; những người phái Alexanđria, mặc dù hơi dè dặt và chống đối, có thể thấy công thức của Lêô công nhận sự đồng nhất về ngôi vị của Ngôi Lời nhập thể và Ngôi Lời vĩnh cửu, điều mà họ lưu ý hơn hết. Tưởng cần nhắc lại phần chính của định tín Calcêđonia, để thấy nó phản ánh tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Lêô như thế nào: “Chúng ta hết thảy thừa nhận chỉ có một và cùng một Chúa Con, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, đầy đủ về nhân tính, đầy đủ về thiên tính, đồng bản thể với chúng ta nhờ nhân tính của Ngài, được sinh ra cho chúng ta trong thời kỳ cuối cùng bởi Đức Maria Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa; chúng ta tuyên xưng chỉ có một và cùng một Đức Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa, có hai bản tính, không lẫn lộn, không biến đổi, không phân chia, không tách biệt giữa chúng, bởi vì sự khác biệt của hai bản tính không hề bị hủy bỏ bởi sự kết hợp cả hai, trái lại, các thuộc tính của mỗi bản tính được bảo vệ và tồn tại trong một ngôi vị duy nhất”[5].
Công thức này có vẻ hoàn hảo về mặt kỹ thuật nhưng khô cằn và trừu tượng, vậy mà toàn bộ giáo thuyết của Kitô giáo về sự cứu rỗi đặt nền trên đó. Chỉ khi Đức Kitô là một người giống như chúng ta, những gì Ngài làm biểu thị và thuộc về chúng ta, và chỉ khi Ngài cũng là Thiên Chúa, thì điều Ngài làm mới có giá trị vô biên và phổ quát, đến mức, như chúng ta hát trong bài Adoro Te devote, “chỉ một giọt máu của Ngài có thể cứu cả thế giới khỏi tội lỗi” (“Cuius una stilla salvum facere totum mundum quit ob omni scelere”).
Về điểm này, Đông phương và Tây phương đều nhất trí với nhau. Tình cảnh của nhân loại trước Đức Kitô là như thế, như thánh Anselmô viết cho người Latinh và N. Cabasilas viết cho người theo Chính Thống giáo, có khác nhau nhưng không đáng kể. Một bên là con người đã mắc nợ khi phạm tội, và đã phải chiến đấu chống lại Satan để giải thoát mình, nhưng không thể làm được điều đó, vì đây là một món nợ vô tận và chính mình là nô lệ cho kẻ mình phải thắng; bên kia là Thiên Chúa, Đấng có thể đền bồi cho tội lỗi và chiến thắng ma quỷ, nhưng lại không làm được điều đó, vì không phải là con nợ. Người chiến đấu và người có thể chiến thắng phải là một người duy nhất, và đó là những gì đã xảy ra nơi Đức Giêsu, “vừa là Thiên Chúa thật vừa người thật”[6] (Cabasilas).
2. Sự thống nhất giữa Đức Giêsu lịch sử và Đức Kitô của tín điều
Trong những thế kỷ vừa qua, những điều chắc chắn trên đây về Đức Kitô đã gặp phải cơn bão lớn có thể làm cho chúng mất đi sự chắn chắn và coi chúng là những phát minh thuần túy của các nhà thần học. Khởi từ David Strauss, chương trình của các nhà chuyên môn về Tân Ước là: giải phóng hình ảnh Đức Kitô khỏi những trói buộc của tín điều, để tìm lại được Đức Giêsu lịch sử, Đức Giêsu duy nhất có thực. “Đức Giêsu đã có thể là một con người theo nghĩa đầy đủ, nhưng chỉ mình Ngài cao hơn tất cả nhân loại, ảo tưởng đó là sợi xich đóng cửa hải cảng thần học Kitô giáo không cho gặp đại dương của khoa học thuần lý”[7] (Strauss). Và nhà nghiên cứu đi đến kết luận này: “Ý tưởng về Đức Kitô của tín điều một bên, và bên kia là Đức Giêsu Nazareth của lịch sử, được tách ra hoàn toàn”[8].
Giả thiết duy lý của chủ đề này được tuyên bố không do dự; Đức Kitô của tín điều không đáp ứng với các yêu cầu của khoa học thuần lý. Cuộc tấn công tiếp tục, xen kẽ bằng hết giải pháp này đến giải pháp khác, cho đến ngày hôm nay, hoặc gần như vậy; đến nỗi chính nó trở nên một tín điều theo cách riêng của nó: để biết Đức Giêsu thật của lịch sử, người ta phải bỏ qua niềm tin vào Ngài sau Vượt Qua. Trong bầu khí này, các hình thức tái tạo tưởng tượng về khuôn mặt Đức Giêsu gia tăng. Vì lợi ích thương mại, một số tái tạo đó còn cho rằng có dựa vào lịch sử hẳn hoi, nhưng thực tế là dựa trên các giả thuyết. Tất cả đáp ứng với thị hiếu hoặc yêu cầu của thời điểm.
Nhưng bây giờ, tôi tin rằng chúng ta đã đi đến cuối câu chuyện ngụ ngôn. Đã đến lúc cần chú ý đến những thay đổi trong lãnh vực này, để thoát ra khỏi một thái độ bảo vệ và bối rối nào đó, một thái độ đặc trưng của các nhà nghiên cứu là tín hữu trong thời kỳ này; hơn nữa, để gửi một thông điệp cho tất cả những ai, trong thời kỳ này, đã quảng bá những hình ảnh Đức Giêsu được những người chống tín điều này đưa ra. Thông điệp đó là: người ta không thể ngay tình viết về “những cuộc điều tra về Đức Giêsu” được coi là “lịch sử”, trong khi bỏ qua hoặc loại trừ ngay từ đầu niềm tin vào Ngài.
Người thể hiện rõ ràng nhất sự thay đổi này là một trong những nhà chuyên môn nổi tiếng nhất về Tân Ước, ông James D.G. Dunn, người Anh. Trong một tác phẩm nhỏ có tựa đề “Viễn tượng mới về Đức Giêsu”[9], tác giả đã tóm tắt những thành quả trong cuộc nghiên cứu của ông về nguồn gốc Kitô giáo. Tác giả đã xóa bỏ gốc rễ của hai xác tín căn bản làm chỗ tựa cho sự đối lập giữa Đức Giêsu lịch sử và Đức Kitô của lòng tin, theo đó: trước tiên, để biết Đức Giêsu lịch sử, phải bỏ qua đức tin sau Phục sinh; thứ đến, để biết Đức Giêsu lịch sử đã thực sự nói gì và làm gì, phải giải thoát truyền thống khỏi các ‘tầng’ và các thêm thắt sau đó, để trở lại với ‘tầng’ nguyên thủy, hoặc với việc “soạn thảo” đầu tiên, của một đoạn Phúc Âm nhất định.
Đối với giáo sĩ Do thái giáo người Hoa Kỳ J. Neusner, người mà Đức Bênêđíctô XVI muốn đối thoại trong cuốn sách của ngài về Đức Giêsu Nadaret[10], kết quả này là hiển nhiên. Khởi đi từ một quan điểm độc lập, và có thể nói là trung lập, quan điểm của một người Do Thái chính thống, ông cho thấy nỗ lực tách Đức Giêsu lịch sử ra khỏi đức tin sau Phục sinh là vô ích. Đức Giêsu lịch sử, Đức Giêsu của Phúc Âm, chẳng hạn Đức Giêsu của bài giảng trên núi, đã là một Đức Giêsu đòi hỏi người ta phải tin vào con người của Ngài, như vào một người có thể sửa lại luật Môsê, một người làm chủ ngày hưu lễ, đối với người đó người ta cũng có thể không cần giữ điều răn thứ tư; về cơ bản là một người ngang hàng với Thiên Chúa. Chính vì điều này, như vị giáo sĩ Do thái nói, mặc dù ông ngưỡng mộ con người Đức Giêsu, ông sẽ không bao giờ có thể trở thành một trong những môn đệ của Ngài.
Bây giờ đến công việc tiếp theo là chứng tỏ sự liên tục giữa Đức Kitô của khởi giảng (kerygma) và Đức Kitô của tín điều. Công thức của Lêô Cả và Calcêđonia có đánh dấu một sự tiến triển mạch lạc của đức tin Tân Ước, hay là đoạn giao với đức tin ấy? Câu hỏi này là mối bận tâm chính của tôi khi tôi nghiên cứu lịch sử các nguồn gốc Kitô giáo, và kết luận của tôi không khác với kết luận của Hồng Y Newman trong luận đề nổi tiếng của ngài “về sự tiến triển của học thuyết Kitô giáo”[11]. Sự chuyển tiếp giữa một Kitô học chức năng (điều Đức Kitô “làm”) và một Kitô học hữu thể học (điều Đức Kitô “là”) chắc chắn đã xảy ra, nhưng đây không phải là một sự đoạn giao vì chúng ta thấy tiến trình này đã hoạt động tích cực trong khởi giảng, chẳng hạn trong sự chuyển tiếp từ Kitô học của Phaolô sang Kitô học của Gioan, và nơi chính Phaolô, từ những là thư đầu tiên sang những lá thư lúc bị giam cầm, thư Philipphê và thư Côlôssê.
3. Vượt lên trên công thức
Lần này chính chủ đề đòi hỏi phải dừng lại lâu hơn ở phần giáo thuyết. Trong Kitô giáo, con người Đức Kitô là nền tảng của mọi sự. Phaolô đã nói: “Giả như kèn chỉ phát ra một tiếng vu vơ, thì ai sẽ chuẩn bị chiến đấu?” (1Cr 14,8): không biết rõ Đức Giêsu Kitô là ai, thì việc phúc âm hoá của chúng ta sẽ có được sức mạnh nào? Việc của chúng ta bây giờ là phải phải áp dụng cụ thể cho cuộc sống cá nhân và đức tin hiện tại của Giáo hội, là mục tiêu thường xuyên khiến chúng ta phải trở lại với các Giáo Phụ. Bốn thế kỷ rưỡi làm thần học đã đem lại cho Giáo Hội công thức: “Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và người thật; Đức Giêsu Kitô một ngôi vị duy nhất”. Nói ngắn gọn hơn: Ngài là “một ngôi vị trong hai bản tính”. Câu của Kierkegaard được áp dụng hoàn hảo cho công thức trên: “Thuật ngữ tín lý của Giáo Hội sơ khai giống như một lâu đài thần tiên trong đó có các hoàng tử và những công chúa yêu kiều nhất đang ngủ say. Chỉ cần đánh thức họ dậy để họ đứng lên và xuất hiện trong tất cả sự vinh hiển của họ”[12]. Vậy nhiệm vụ của chúng ta là đánh thức những tín điều và luôn đem lại cho chúng một sức sống mới.
Nghiên cứu về Phúc Âm - hay thậm chí nghiên cứu của James Dunn mà chúng ta vừa đề cập - cho chúng ta thấy lịch sử không thể dẫn chúng ta tới Đức Giêsu như trong thực tế. Đấng mà chúng ta bắt gặp trong các sách Phúc Âm, ở mỗi giai đoạn, luôn là một “Đức Giêsu được nhớ lại”, qua những ký ức mà các môn đệ còn giữ được về Ngài, ngay cả khi đó là ký ức của một người tin. Nó xảy ra như những gì đã xảy ra cho cuộc phục sinh của Chúa. Hai môn đệ Emmau nói: “Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói ; còn chính Người thì họ không thấy”“ (Lc 24,24). Lịch sử có thể nhận thấy rằng những sự việc liên quan đến Đức Giêsu Nadaret xảy ra như các môn đệ đã nói trong các sách Tin Mừng, nhưng chính Ngài thì lại không thấy. Đây chính là điều cũng xảy ra với tín điều. Tín điều có thể dẫn chúng ta đến một Đức Giêsu “được định tín”, “được công thức hóa”, nhưng Tôma Aquinô dạy chúng ta rằng: “đức tin không dừng lại ở công thức công bố (enuntiabile), nhưng ở thực tại (res)”[13]. Sự khác biệt giữa công thức của Calcêđonia và Đức Giêsu thật, cũng giống như sự khác biệt giữa công thức hóa học H2O với nước chúng ta uống hoặc trong đó chúng ta bơi. Không ai có thể nói công thức H2O là vô dụng hoặc không mô tả thực tại một cách hoàn hảo; đơn giản nó không phải là thực tại ! Ai có thể đưa chúng ta đến với Đức Giêsu “thật”, vượt lên trên lịch sử và đàng sau định nghĩa?
Và đó là tin mừng cho chúng ta. Chúng ta có thể biết “trực tiếp” Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng mà chính Ngài đã gửi đến. Chúa Thánh Thần là “trung gian trực tiếp” giữa chúng ta và Đức Giêsu, theo nghĩa Người không phục vụ chúng ta như một bức màn che, không tạo ra một màng chắn hay một người trung gian, vì chính Người là Thần Khí Đức Giêsu, một “cái tôi thứ hai” của Đức Giêsu, có cùng một bản tính với Đức Giêsu. Thánh Irênê còn đi đến chỗ nói rằng: “Chúa Thánh Thần là sự hiệp thông của chúng ta với Đức Kitô”[14]. Vậy sự trung gian của Chúa Thánh Thần khác với bất kỳ sự trung gian nào giữa chúng ta và Đấng Phục Sinh, dù là trung gian thuộc Giáo hội hay bí tích.
Chính Kinh Thánh nói với chúng ta về vai trò này của Chúa Thánh Thần, nhằm giúp cho chúng ta biết Đức Giêsu thật. Việc Chúa Thánh Thần đến vào ngày lễ Ngũ tuần soi sáng tất cả công việc và con người của Đức Giêsu. Phêrô kết thúc bài diễn từ bắng một kiểu định nghĩa “urbi et orbi” (cho thành phố Rôma và cho toàn cầu) về địa vị làm chúa của Đức Kitô[15]. “Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36).
Thánh Phaolô quả quyết rằng Đức Giêsu Kitô đã “được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng theo Thần Khí thánh thiện” (Rm 1,4), tức nhờ công việc của Chúa Thánh Thần. Không ai có thể nói rằng Đức Giêsu là Chúa, nếu không được Chúa Thánh Thần soi sáng bên trong (1Cr 12,3). Thánh Tông Đồ gán cho Chúa Thánh Thần “việc am hiểu mầu nhiệm Đức Kitô” đã được ban cho Người, cũng như cho tất cả các thánh tông đồ và tiên tri (Ep.3,4-5). Chỉ khi “được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người (Đức Kitô)”, các tín hữu mới đủ sức “thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết” (Ep 3,16-19).
Trong Phúc Âm Gioan, chính Đức Giêsu loan báo công việc này của Đấng Bảo Trợ đối với Ngài. Người sẽ lấy của Đức Giêsu và loan báo cho các môn đệ; Người sẽ nhắc cho họ tất cả những gì Ngài đã nói; sẽ đưa họ đến tất cả sự thật về mối quan hệ của Ngài với Chúa Cha; Người sẽ làm chứng về Ngài. Điều đó thậm chí sẽ trở thành tiêu chuẩn tuyệt vời để nhận ra rằng đó là Thần Khí Thiên Chúa chứ không phải một thần trí nào khác: thúc đẩy chúng ta nhận ra Đức Giêsu đã đến và trở nên người phàm (1Ga 4, 2-3).
4. Đức Giêsu Nazareth, “Một Ngôi Vị”
Được Chúa Thánh Thần trợ giúp, chúng ta thực hiện một cố gắng nhỏ nhoi để “đánh thức” tín điều. Từ hình tam giác tín điều của Lêô Cả và của Calcêđonia - “Thiên Chúa thật”, “người thật”, “một ngôi vị” - chúng ta chỉ xem xét yếu tố cuối cùng: Đức Kitô “một ngôi vị”. Các định tín là “những cấu trúc mở”, nghĩa là có khả năng đón nhận những ý nghĩa mới, có thể thực hiện được nhờ sự tiến bộ của tư tưởng con người. Nguyên ủy thuật ngữ “ngôi vị” (từ Latinh personare: vang dội) có nghĩa là mặt nạ sân khấu cho phép diễn viên hô vang giọng của mình trong kịch tuồng; sau đó được dùng để chỉ bộ mặt, rồi chỉ một cá nhân, với ý nghĩa cao nhất của nó là “một cá thể thuộc bản tính có lý trí”[16] (Boêtiô).
Khái niệm này, cứ như được sử dụng ngày nay, có thêm một ý nghĩa chủ quan và tương quan hơn, chắc hẳn được ưa chuộng nhờ việc sử dụng ba ngôi của hạn từ ngôi vị, như một “tương quan tồn hữu”; như vậy chỉ một hữu thể con người có khả năng tương quan, như ”tôi” ở trước mặt “anh”. Trong vấn đề này, công thức Latinh “una persona” phong phú hơn công thức tương ứng trong trong tiếng Hy Lạp “hypostasis”. Người ta có thể gọi mỗi vật thể hiện hữu là hypostasis, trong khi ngôi vị chỉ được nói về hữu thể con người và, bằng cách loại suy, hữu thể thần linh. Ngày nay chúng ta nói (và người Hy Lạp cũng nói) về “phẩm giá của ngôi vị”, chứ không nói phẩm giá của hypostasis.
Chúng ta áp dụng tất cả điều này vào mối tương quan của chúng ta với Đức Kitô. Nói rằng Đức Giêsu là “một ngôi vị” cũng là nói rằng Ngài đã sống lại, đang sống, Ngài ở trước mặt tôi, và tôi có thể nói chuyện thân mật với Ngài như Ngài nói chuyện thân mật với tôi. Trong tâm trí, chúng ta cần phải liên tục chuyển từ Đức Giêsu nhân vật sang Đức Giêsu ngôi vị. Nhân vật là người mà người ta có thể nói về và viết về, nhưng không thể nói với. Thật không may, đối với đa số tín hữu, Đức Giêsu vẫn chỉ là một nhân vật, một người để chúng ta tranh luận, để chúng ta viết tràng giang đại hải về người đó, một kỷ niệm về quá khứ, một loạt các giáo thuyết, tín điều hoặc những lạc thuyết. Ngài là một thiết chế hơn là một hữu thể hiện hữu.
Triết gia Jean-Paul Sartre đã mô tả sự ớn lạnh siêu hình, do đột nhiên khám phá ra các sự vật hiện hữu. Ít nhất chúng ta cũng đồng ý với ông về điều này. Ông viết: “Tôi ở trong công viên. Rễ cây dẻ chìm sâu trong đất, ngay dưới ghế tôi ngồi. Tôi không nhớ đó là rễ nữa. Những chữ đã biến mất, và cùng với chúng là ý nghĩa các sự vật, cách sử dụng chúng, những dấu ghi mờ nhạt mà người ta đã vẽ trên bề mặt của chúng [...] Và rồi tôi có được sự soi sáng này. Điều đó làm tôi hồi hộp. Trước những ngày cuối cùng này, không bao giờ tôi đã cảm nhận được “hiện hữu” muốn nói gì [...] Thường thường, sự hiện hữu giấu mặt. Nó ở đó, xung quanh chúng ta, trong chúng ta, là chúng ta, người ta không thể nói hai từ mà không nói về nó, và cuối cùng người ta không chạm vào nó. Và rồi, bất chợt, chính nó ở đó, rõ như ban ngày: sự hiện hữu đột nhiên được tiết lộ”[17].
Để vượt lên trên những ý tưởng và lời nói về Đức Giêsu và hiệp thông với Ngài, một ngôi vị sống, mỗi người phải trải qua loại kinh nghiệm đó. Một số nhà chú giải giải thích tên Thiên Chúa “Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14), theo nghĩa “Đấng ở đó”, Đấng hiện diện, sẵn sàng, bây giờ, ở đây[18]. Định nghĩa này cũng hoàn toàn áp dụng cho Chúa Giêsu Phục Sinh.
Có thể coi Đức Giêsu là bạn vì, sau khi sống lại, Ngài đang sống, ở gần tôi, tôi có thể liên hệ với Ngài như một người đang sống liên hệ với một người đang sống, một hữu thể hiện diện với một hữu thể khác hiện diện. Không phải bằng thân xác, cũng không phải ngay cả chỉ bằng trí tưởng tượng của chúng ta, nhưng “trong Thần Khí”, vô cùng thân mật hơn người này người kia. Thánh Phaolô bảo đảm rằng chúng ta có thể làm mọi sự “với Đức Giêsu”: ăn, uống, hoặc bất cứ hành động nào khác (x. 1Cr 10,31; Cl 3,17).
Nhưng đáng buồn là hiếm khi người ta nghĩ đến Đức Giêsu như nghĩ đến một người bạn, hay một người tâm phúc. Hình ảnh một người sống lại, lên trời, xa cách trong sự siêu việt thần linh của mình, một người sẽ trở lại trong ngày tận thế, hình ảnh ấy luôn chi phối tiềm thức chúng ta. Như tín điều nói, người ta quên rằng là “người thật”, Ngài có được mức độ cao nhất của tình bạn, một trong những phẩm chất cao quý nhất của con người. Chính Đức Giêsu muốn có tương quan như vậy với chúng ta. Trong diễn từ giã biệt, Ngài để mặc cho tình cảm của Ngài tuôn trào và nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Tôi đã nhìn thấy loại tương quan này với Đức Giêsu, thậm chí còn hơn nơi các thánh, nơi những người Do Thái ngày hôm nay đi đến chỗ chấp nhận Đấng Mêsia, theo cách gần với Phaolô. Tên của Đức Giêsu bỗng dưng không còn là một mối đe dọa mờ ám. nhưng trở nên ngọt ngào và được yêu mến nhất trong các tên. Một người bạn. Như thể hai ngàn năm không tranh luận lại có lợi cho họ. Đức Giêsu của họ không bao giờ là một Đức Giêsu “ý thức hệ”, mà là một người có xác thịt và máu huyết, cùng máu mủ ruột thịt với họ! Người ta cảm động trước chứng từ của một ít người trong số họ. Mọi mâu thuẫn đều được lập tức giải quyết, mọi mờ tối được sáng lên. Như thể người ta đã thấy việc đọc Cựu Ước được thực hiện trước mắt chúng ta. Thánh Phaolô so sánh nó với lúc tấm màn che mắt được cất đi (x. 2Cr 3,16).
Khi còn sống ở trần gian, mặc dù yêu thương mọi người, không phân biệt ai, Đức Giêsu làm bạn thực sự chỉ với một vài người - với Ladarô, Maria và Matta, và nhất là với Gioan, “người môn đệ Chúa yêu”. Bây giờ Ngài đã sống lại và không còn bị lệ thuộc vào giới hạn của xác thịt, Ngài cho mọi người nam nữ có cơ hội làm bạn với Ngài, theo nghĩa mạnh nhất của từ này.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần, người bạn của Tân Lang, giúp chúng ta được làm bạn với Đức Giêsu trong suốt cuộc đời.
(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ tư Mùa Chay năm 2014, tại Phủ Giáo hoàng)
LM Micae Trần Đình Quảng
Chuyển ngữ từ: cantalamessa.org (04.04.2014)
Nguồn: simonhoadalat.com
[1] Tertullian, Adversus Praxean, 27, 11 (CC 2, 1199). English trans., Against Praxeas, vol. 3, The Ante-Nicene Fathers, eds. Alexander Roberts and James Donaldson (New York: Charles Scribner’s Sons, 1903), 624.
[2] For the whole letter, see St. Leo the Great, “Letter 28” (PL 54, 755 ff.). [Letter to Flavian, Bishop of Constantinople], vol. 34, trans. Edmund Hunt, The Fathers of the Church (Washington, DC: Catholic University of America Press, 2010), 92-105.
[3] See St. Leo the Great, “Letter to Bishop Flavian”, in Heinrich Denziger, ed., Enchiridion symbolorum definitionum et declarationum de rebus fidei et morum, #293, 43rd ed., English ed., eds. Robert Fastiggi and Anne Englund Nash (San Francisco: Ignatius Press, 2012), 105.
[4] St. Leo the Great, “Letter to Bishop Flavian”, in Denziger, #293, 105.
[5] “The Two Natures in Christ,” Chalcedonian Council, in Denziger, Enchiridion symbolorum, #301-302, 109.
[6] Nicholas Cabasilas, Life in Christ, I, 5 (PG 150, 313); see Anselm, Cur Deus homo? [Why Did God Become Man?], II, 18-20; Thomas Aquinas, Summa theologiae, III, q. 46, art. 1, a. 3.
[7] David Friedrich Strauss, The Christ of Faith and the Jesus of History (1865; Philadelphia, Fortress Press, 1977), 5.
[8] Ibid., 169.
[9] James D. G. Dunn, A New Perspective on Jesus: What the Quest for the Historical Jesus Missed (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 2005).
[10] See Joseph Ratzinger (Pope Benedict XVI) Jesus of Nazareth, Part One: From the Baptism in the Jordan to the Transfiguration, trans. Adrian J. Walker (New York: Doubleday, 2007), ch. 4, 69, 103-127.
[11] See my book, Dal kerygma al dogma: Studi sulla cristologia dei Padri (Milan: Vita e Pensiero, 2006), 11-51. Cardinal Newman coined the phrase “development of Christian doctrine” in that 1845 book.
[12] Søren Kierkegaard, Journal, II, A 110 (July 8, 1937), in Papers and Journals: A Selection, trans. and ed. Alistair Hannay (New York: Penguin Books, 1996), 86.
[13] See Aquinas, Summa theologiae, II-II, q. 1, art. 2, a. 2.
[14] St Irenaeus, Against Heresies, III, 24, 1, trans. Alexander Roberts and W. H. Rambaut, vol. 5, The Ante-Nicene Fathers (Edinburgh: T. and T. Clark, 1884), 369.
[15] A message “to the city [Rome] and to the world.”
[16] Boethius, “De persona et duabus naturis,” 3 [“Treatise Against Eutyches and Nestorius”], in The Theological Tractates and “The Consolation of Philosophy” (Cambridge, MA: Loeb Classic Library, 1973), 85.
[17] Jean-Paul Sartre, Nausea, trans. Lloyd Alexander (1938; New York: New Directions, 2007), 126-127.
[18] See Gerhard Von Rad, Old Testament Theology, vol. 1, intro. Walter Brueggemann (1957; Louisville, KY: Westminster John Knox, 2001), 179ff.