Sáng thứ Sáu, ngày 21.03.2014, Linh mục Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap., giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, đã có bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay thứ II cho Giáo triều Roma năm nay. Bài giảng có chủ đề là Thánh Augustinô “tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện”. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài giảng của ngài:

Linh mục Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap.

Bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều Rôma

Năm 2014 - Bài 2:
THÁNH AUGUSTINÔ: “TÔI TIN GIÁO HỘI DUY NHẤT, THÁNH THIỆN”

1. Từ Đông phương đến Tây phương

Chúng ta đến với bốn vị đại tiến sĩ của Giáo Hội Latinh - Augustinô, Ambrosiô, Lêô Cả và Grêgoriô Cả - để xem những gì các ngài nói với chúng ta hôm nay về chân lý đức tin trong những địa hạt mà các ngài bàn đến cách đặc biệt, đó là: bản chất của Giáo hội, sự hiện diện thực của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, tín điều Kitô học của Công đồng Calcêđonia và cách hiểu Kinh Thánh theo nghĩa thiêng liêng.

Mục đích là để theo chân những thánh Giáo Phụ này khám phá lại sự phong phú, vẻ đẹp của đức tin, hạnh phúc được tin, và, như Phaolô nói, đi “từ đức tin tới đức tin” (Rm 1,17), từ một đức tin được tin tới một đức tin được sống. Chính đó là “khối lượng” gia tăng đức tin giữa lòng Giáo Hội, sẽ tạo nên sức tác động quan trọng trong việc rao giảng Tin Mừng cho thế giới.

Tiêu đề của chu kỳ này được lấy từ một ý tưởng mà các nhà thần học thời Trung Cổ yêu thích. Bênađô thành Chartres nói: “Chúng ta giống như những người lùn ngồi trên vai những người khổng lồ. Nếu chúng ta nhìn thấy nhiều điều hơn họ, nhìn xa hơn họ, đó không phải là vì cái nhìn sáng suốt của chúng ta, hay về sự vĩ đại của chúng ta, nhưng là vì chúng ta được ngồi trên vai họ”[1]. Ý tưởng này đã được nghệ thuật diễn tả trong một số bức tượng và kính màu ở các nhà thờ gôtích của thời Trung Cổ. Nơi các kính mầu này, người ta thấy có các nhân vật  tầm cỡ mang trên vai những người nhỏ thó, gần như là những người lùn. Những người khổng lồ này, đối với họ cũng như đối với chúng ta, là những Giáo Phụ.

Sau khi nói đến Athanasiô, Basiliô Cêsarêa, Grêgoriô  Nazian và Gregoriô Nyssê, qua các đề tài tương ứng với mỗi vị về thần tính của Chúa Kitô, về Chúa Thánh Thần, về Ba Ngôi và về sự hiểu biết Thiên Chúa, người ta có thể có cảm tưởng rằng sẽ có rất ít việc để làm cho các Giáo Phụ Latinh trong việc xây dựng tín điều Kitô giáo. Một cái nhìn lướt qua lịch sử thần học cho chúng ta thấy ngay điều ngược lại.

Do nền văn hoá của các ngài, do ưa chiêm niệm và do phải chống lại các lạc giáo (Ariô, Apollinariô, Nestoriô, Nhất tính thuyết), các Giáo Phụ Hylạp đã tập trung chủ yếu vào các khía cạnh hữu thể học của tín điều: thần tính của Đức Kitô, hai bản tính của Ngài và cách hiệp nhất của hai bản tính, sự duy nhất và ba ngôi của Thiên Chúa. Các chủ đề quen thuộc nhất của Phaolô - sự công chính hóa, tương quan Lề Luật-Phúc Âm, Giáo Hội thân thể Đức Kitô – không được các ngài chú ý nhiều, hoặc chỉ bàn thoáng qua. Gioan, khi nhấn mạnh đến việc nhập thể, đã đáp ứng mục tiêu của các ngài tốt hơn Phaolô rất nhiều, vì Phaolô đặt mầu nhiệm vượt qua ở trung tâm mọi sự, tức là chú trọng đến “hành động” hơn là “hữu thể” của Đức Giêsu.

Tính khí của các người Latinh (trừ Augustinô) hướng đến chỗ giải quyết các vấn đề cụ thể, luật pháp và tổ chức, hơn là các vấn đề suy tư, và sự xuất hiện của những lạc giáo mới, như của Đonatô và Pêlagiô, đã kích thích một sự suy tư mới mẻ và độc đáo về các chủ đề dựa theo Phaolô về ân sủng, về Giáo Hội, về các bí tích và Kinh Thánh. Đây là những chủ đề mà chúng ta muốn suy niệm trong các bài này.

2. Giáo Hội là gì?

Hãy bắt đầu với Thánh Giáo Phụ vĩ đại nhất: Augustinô. Vị tiến sĩ thành Hippon đã để lại dấu vết của mình trong hầu hết các lãnh vực thần học, đặc biệt trong hai lãnh vực ân sủng và Giáo Hội. Lãnh vực đầu tiên là kết quả của việc chống lại Pêlagiô, lãnh vực thứ hai là kết quả của việc chống lại Đonatô.

Sự quan tâm đến giáo thuyết của Augustinô về ân sủng đáng lưu ý hơn từ thế kỷ XVI, cả trong môi trường thệ phản (Luthêrô với giáo thuyết về công chính hóa và Calvinô với giáo thuyết về tiền định), lẫn trong môi trường công giáo vì những tranh luận do Giansêniô và Baiô gây ra[2]. Ngược lại, sự quan tâm đến những giáo thuyết của ngài về Giáo Hội là điều đáng để ý hôm nay, vì Công đồng Vatican II lấy Giáo Hội làm chủ đề trọng tâm và vì phong trào đại kết, trong đó ý tưởng về Giáo Hội là nút quan trọng phải tháo gỡ. Bằng việc tìm kiếm nơi các Giáo Phụ sự hỗ trợ và nguồn cảm hứng cho đức tin ngày hôm nay, chúng ta sẽ giải quyết lãnh vực quan tâm thứ hai này của Augustinô: Giáo hội là gì.

Về đề tài Giáo Hội, các Giáo Phụ Hylạp và các văn sĩ trước Augustinô (Cyprianô, Hilariô, Ambrosiô) không phải là không biết đến, nhưng những quả quyết của các ngài thường chỉ lặp lại và bình giải các quả quyết và hình ảnh của Kinh Thánh. Giáo Hội là dân mới của Thiên Chúa; được hứa là sẽ không phá nổi; là “trụ cột và nền tảng chân lý”; có Chúa Thánh Thần là thầy dạy tối cao; Giáo Hội là công giáo vì mở rộng tới mọi dân tộc, dạy mọi tín điều và có mọi đặc sủng; theo bước chân Phaolô, người ta nói về Giáo Hội như là mầu nhiệm thân nhập chúng ta vào Đức Kitô qua phép rửa tội và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần; sự thân nhập này phát xuất  từ cạnh sườn bị đâm thủng của Đức Giêsu trên thập giá, giống như Evà từ cạnh sườn của Ađam đang ngủ[3].

Tất cả những điều trên đây thỉnh thoảng được bàn, nhưng câu hỏi về Giáo Hội vẫn chưa được đặt ra. Augustinô, người đã phải đấu tranh hầu như cả đời chống lại ly giáo của phái Đonatô, sẽ bị buộc phải làm điều đó. Ngày nay có lẽ không ai nhớ được giáo phái ở Bắc Phi này, nếu không vì nó đã là cơ hội làm phát sinh khoa giáo hội học, nghĩa là một diễn từ cho biết Giáo Hội là gì trong dự định của Thiên Chúa, bản chất và cách thức hoạt động của nó.

Khoảng năm 311, giám mục Numidia là Đonatô, đã lại từ chối nhận vào hiệp thông Giáo Hội những người, trong cơn bách hại của Đioclêtianô, đã nộp Sách Thánh cho nhà cầm quyền, chối bỏ đức tin để giữ được mạng sống. Năm 311, Cêcilianô được bầu làm giám mục Carthagô, một người bị buộc tội (theo người công giáo, nhưng sai) đã phản bội đức tin trong cuộc bách hại của Đioclêtianô. Một nhóm gồm bảy mươi giám mục Bắc Phi, do Đonatô dẫn đầu, phản đối việc bổ nhiệm này, loại bỏ Cêcilianô và bầu Đonatô thay thế. Bị Giáo hoàng Miltiađê phạt vạ tuyệt thông năm 313, Đonatô vẫn tại vị, phát động một ly giáo tạo ra ở Bắc Phi một Giáo Hội song song với Giáo Hội công giáo, cho đến cuộc xâm lăng của dân man di Vanđal, một thế kỷ sau đó.

Trong cuộc bút chiến, những người ly giáo đã cố gắng biện minh cho quan điểm của mình bằng các luận chứng thần học. Chính khi phản bác họ mà Augustinô dần dần xây dựng giáo thuyết của mình về Giáo Hội. Ngài thực hiện việc này trong hai bối cảnh khác nhau: trong các tác phẩm trực tiếp chống phái Đonatô và trong các bình giải của ngài về Kinh Thánh và những bài thuyết giảng cho dân. Phân biệt hai bối cảnh này là quan trọng, vì theo những bối cảnh này, Augustinô sẽ nhấn mạnh nhiều hơn khía cạnh này hay khía cạnh kia của Giáo Hội và chỉ từ toàn bộ mà người ta có thể rút ra giáo thuyết đầy đủ của ngài. Thế nên chúng ta luôn xem xét, trong những nét lớn, các kết luận của thánh nhân trong từng bối cảnh này, bắt đầu với bối cảnh minh nhiên chống lại phái Đonatô.

a. Giáo Hội, hiệp thông các bí tích và cộng đoàn các thánh. Ly giáo của phái Đonatô dựa trên sự xác tín này: ân sủng không thể được chuyển đạt do một thừa tác viên không có nó; vậy các bí tích do thừa tác viên loại đó ban thì không sinh hiệu quả nào. Hồi đầu, luận chứng này được áp dụng cho việc truyền chức giám mục của giám mục Cêcilianô, và rất nhanh chóng áp dụng cho các bí tích khác, đặc biệt phép Rửa tội. Với việc này, phái Đonatô biện minh cho việc họ tách ra khỏi người công giáo và rửa tội lại cho những người gia nhập hàng ngũ của họ.

Để đáp lại, Augustinô đưa ra một nguyên tắc thần học sẽ trở thành vĩnh viễn và tạo cơ sở cho khảo luận tương lai De sacramentis: phân biệt giữa quyền hành (potestas) và thừa tác vụ (ministerium), tức là giữa nguyên nhân của ân sủng và thừa tác viên. Ân sủng phát sinh từ các bí tích là công trình độc hữu của Thiên Chúa và của Chúa Kitô; thừa tác viên chỉ là dụng cụ: “Phêrô làm phép rửa là chính Đức Kitô làm phép rửa; Gioan làm phép rửa là chính Đức Kitô làm phép rửa; Giuđa làm phép rửa là chính Đức Kitô làm phép rửa”[4]. Tính thành sự và hiệu quả của các bí tích không bị ngăn cản bởi thừa tác viên bất xứng: một sự thật mà dân Kitô giáo hôm nay vẫn cần phải nhớ...

Khi vũ khí của các kẻ thù trở thành vô hiệu, Augustinô có thể xây dựng tầm nhìn vĩ đại của mình về Giáo Hội, khi đưa ra một số phân biệt căn bản. Thứ nhất là phân biệt giữa Giáo hội hiện tại hay dưới đất và Giáo hội tương lai hay trên trời. Chỉ Giáo Hội thứ hai mới là một Giáo Hội gồm toàn các thánh; còn trong Giáo Hội hiện tại người ta sẽ luôn thấy lúa xen lẫn với cỏ lùng; Giáo Hội là lưới bắt được cả cá tốt lẫn cá xấu, gồm cả thánh nhân lẫn tội nhân.

Giữa lòng Giáo Hội trần gian, Augustinô đưa ra một phân biệt khác, phân biệt giữa sự hiệp thông các bí tích (communio sacramentorum) và cộng đoàn các thánh (societas sanctorum). Sự hiệp thông liên kết hữu hình tất cả những ai tham dự bằng cùng những một dấu chỉ bên ngoài: các bí tích, Kinh Thánh, quyền bính; cộng đoàn  các thánh chỉ liên kết những người, ngoài các dấu chỉ, còn có chung là thực tại ẩn giấu trong các dấu chỉ (res sacramentorum), tức là Chúa Thánh Thần, ân sủng, bác ái.

Vì ở trần gian này, người ta sẽ không luôn có thể biết chắc ai có được Chúa Thánh Thần và ân sủng - và thậm chí không thể biết chắc người đó có bền đỗ đến cùng trong tình trạng này hay không – nên cuối cùng Augustinô đồng hóa cộng đoàn vĩnh viễn các thánh với Giáo Hội trên trời của những người được tiền định. Ngài nói: “Biết bao nhiêu  cừu bây giờ đang ở bên trong thì sẽ ở bên ngoài, và biết bao nhiêu sói bây giờ đang ở bên ngoài sẽ ở bên trong!”[5]

Điều này cũng có liên quan đến Cyprianô. Theo Cyprianô, điều làm cho Giáo Hội hợp nhất là ở bên ngoài và hữu hình, tức sự hòa hợp giữa mọi giám mục, trong khi đó, đối với Augustinô, sự hợp nhất hệ tại ở điều gì đó bên trong, tức Chúa Thánh Thần. Sự hợp nhất của Giáo Hội được thực hiện do chính Đấng thực hiện sự hợp nhất trong Ba Ngôi. “Chúa Cha và Chúa Con muốn chúng ta hợp nhất với nhau và với Ba Ngôi, bởi mối dây liên kết là tình yêu, tức là Chúa Thánh Thần”[6]. Trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần thi hành một chức năng giống như linh hồn thi hành trong thân xác tự nhiên của chúng ta: Ngài là nguyên lý linh hoạt và thống nhất của Giáo Hội. “Linh hồn là gì đối với thân xác con người, thì Thần Khí cũng là như thế đối với thân thể Đức Kitô là Giáo Hội”[7].

Viêc thuộc về Giáo Hội cách đầy đủ đòi hỏi một trật hai điều: sự hiệp thông hữu hình của các dấu chỉ bí tích và sự hiệp thông vô hình của ân sủng. Nhưng sự thuộc về đó có mức độ, đến nỗi không thể nói rằng người ta nhất thiết phải ở trong hay ở ngoài, nhưng có thể một phần ở trong và một phần ở ngoài. Có một sự hiệp thông bên ngoài, hoặc bằng các dấu chỉ bí tích; những người phái Đonatô và những người công giáo xấu thuộc số này. Và có một sự hiệp thông đầy đủ và toàn diện. Sự hiệp thông trước hệ tại ở việc có dấu chỉ bên ngoài của ân sủng (sacramentum), nhưng không nhận được thực tại bên trong (res sacramenti), hoặc nhận được nó, nhưng là để bị lên án chứ không phải để được cứu độ, như trong trường hợp phép Rửa tội do các người ly giáo ban, hoặc phép Thánh Thể do người công giáo lãnh nhận cách bất xứng.

b. Giáo Hội, Thân Thể Đức Kitô được Chúa Thánh Thần làm linh hoạt. Trong các tác phẩm bình giải và trong các bài thuyết giảng cho dân, người ta thấy lại những nguyên tắc tương tự làm nền tảng của khoa giáo hội học; nhưng, do ít bị những cuộc bút chiến hối thúc và nói chuyện như trong nhà, Augustinô đã có thể nhấn mạnh hơn đến những khía cạnh bên trong và thiêng liêng của Giáo Hội mà ngài tâm đắc nhất. Giáo Hội được trình bầy như Thân Thể Đức Kitô (tính từ ‘mầu nhiệm’ được thêm vào sau này, lúc ấy chưa có), được Chúa Thánh Thần làm linh hoạt. Augustinô tạo ra một sự song đối rất chặt chẽ giữa Giáo Hội và Mình Thánh Đức Kitô đến nỗi cuối cùng gần như đồng hóa hai thực tại ấy. Về vấn đề này, chúng ta hãy nghe những gì đã được các tín hữu của ngài nghe vào một ngày lễ Hiện Xuống:

“Bạn có muốn hiểu Thân Thể Đức Kitô là gì không? Bạn hãy nghe lời thánh Tông Đồ nói với các tín hữu: Anh em là Thân Thể Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận (1Cr 12,27). Vậy nếu bạn là Thân Thể Đức Kitô và là một bộ phận, thì chính là biểu tượng riêng của bạn được đặt trên bàn tiệc của Chúa. Chính là biểu tượng riêng của bạn mà bạn lãnh nhận. Bạn là gì qua lời thưa “Amen”, và câu trả lời này đánh dấu sự gắn bó của bạn. Bạn nghe thấy câu “Mình Thánh Đức Kitô”, và bạn thưa “Amen”. Hãy trở thành bộ phận của Thân Thể Đức Kitô, để lời thưa “Amen” của bạn là chân thật... Hãy là cái bạn thấy và nhận cái bạn là”[8].

Theo Augustinô, tương quan giữa hai Thân Thể Đức Kitô dựa trên sự tương ứng đặc thù và mang tính biểu tượng giữa cái đang hình thành của bên này và cái đã hình thành của bên kia. Bánh Thánh là kết quả của bột từ bao nhiêu hạt lúa mì và rượu từ vô số trái nho, như vậy Giáo Hội được tạo thành bởi nhiều người, liên kết và hợp nhất với nhau bởi đức ái là Chúa Thánh Thần[9]. Giống như lúa mì rải rác trên những ngọn đồi, trước hết được thu lại, rồi được xay và nhồi trong nước và được nướng trong lò, các tín hữu rải rác trên khắp thế giới đã được lời Chúa quy tụ, được các nghi thức thống hối và trừ quỷ nghiền nát trước lúc rửa tội, được nhồi trong nước rửa tội và được thanh tẩy bằng lửa của Thần Khí. Đối với Giáo Hội, người ta phải nói rằng bí tích “significando causat”: biểu thị sự kết hợp của nhiều người thành một, Thánh Thể thực hiện điều ấy, gây ra điều ấy. Chính theo nghĩa này người ta có thể nói rằng “Thánh Thể làm nên Giáo Hội”.

3. Tính thời sự của giáo hội học của Augustinô

Bây giờ chúng ta hãy thử xem những ý tưởng của Augustinô về Giáo Hội có thể giúp làm sáng tỏ những vấn đề mà Giáo Hội phải đối mặt ngày hôm nay chăng. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo hội học của Augustinô đối với cuộc đối thoại đại kết. Một hoàn cảnh đang làm cho sự lựa chọn này đặc biệt mang tính thời sự[10]. Thế giới Kitô giáo đang chuẩn bị kỷ niệm năm trăm năm cuộc Cải cách của Thệ phản. Các tuyên bố và các tài liệu chung bắt đầu được lưu hành để phục vụ biến cố này. Điều rất quan trọng cho toàn thể Giáo Hội là chúng ta không bỏ phí cơ hội này. Ước gì chúng ta thực hiện một bước nhảy vọt về phẩm chất, như xảy ra trong cống ngăn của một con sông hoặc một kênh đào, để những chiếc tàu có thể tiếp tục chuyển hải hành ở một mực nước cao hơn.

Tình hình thế giới, Giáo Hội và thần học đã thay đổi so với quá khứ. Vần đề là phát xuất lại từ con người Đức Giêsu, khiêm tốn giúp những người thời nay khám phá ra con người Đức Kitô. Chúng ta phải trở lại với thời của các tông đồ. Các ngài đã đối diện với một thế giới tiền-Kitô giáo, chúng ta thì đối diện với một thế giới đa phần hậu-Kitô giáo. Khi Phaolô muốn tóm lược bản chất của sứ điệp Kitô giáo trong một câu, ngài không nói: “Chúng tôi loan báo giáo thuyết này hay giáo thuyết kia”, nhưng nói: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh” (1Cr 1,23) hoặc: “Chúng tôi rao giảng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (x. 2Cr 4,5).

Không phải là bỏ qua sự phong phú về thần học và tu đức của phong trào Cải cách, hoặc muốn trở lại điểm trước, nhưng đúng hơn, cho phép tất cả các Kitô hữu được hưởng lợi từ các cuộc chinh phục của mình, một khi được giải thoát khỏi những bức bách do bầu khí nóng bỏng vào lúc ấy và do những cuộc bút chiến theo sau. Sự công chính hóa bởi đức tin, phải được rao giảng ngày hôm nay chẳng hạn, và rao giảng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tuy vậy không phải bằng cách đối nghịch nó với việc lành (một vấn đề từ đây đã lỗi thời!), nhưng đối nghịch nó với sự tự phụ của con người thời nay, là có thể tự mình cứu lấy mình, không cần Thiên Chúa hay Đức Kitô. Tôi tin rằng nếu Luthêrô sống ngày hôm nay, thì chính theo cách này mà ông sẽ rao giảng sự công chính hóa bởi đức tin.

Giờ đây chúng ta hãy xem thần học của Augustinô có thể giúp chúng ta thế nào trong nỗ lực vượt qua rào cản hàng thế kỷ giữa các Kitô hữu. Con đường phải vượt qua hôm nay, một cách nào đó, theo chiều ngược lại với chiều hướng mà Augustinô đã theo khi chống lại phái  Đonatô. Khi ấy, cần phải đi từ sự hiệp thông các bí tích đến sự hiệp thông trong ân sủng của Chúa Thánh Thần và trong tình bác ái; còn ngày hôm nay chúng ta phải đi từ sự hiệp thông thiêng liêng của bác ái đến sự hiệp thông trọn vẹn trong các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể.

Sự phân biệt giữa hai mức độ thực hiện Giáo Hội chân chính - mức độ bên ngoài của các dấu chỉ và mức độ bên trong của ân sủng - cho phép Augustinô hình thành một nguyên tắc có lẽ không thể tưởng tượng nổi trước ngài: “Có thể có trong Giáo Hội công giáo điều gì đó không phải công giáo, cũng như có thể có ngoài Giáo Hội công giáo điều gì đó là công giáo”[11]. Hai khía cạnh này của Giáo Hội – vừa hữu hình và thể chế, lẫn vô hình và thiêng liêng - không thể tách rời nhau. Đức Piô XII đã tái khẳng định điều ấy trong Mystici Corporis và Công đồng Vatican II trong Lumen Gentium, nhưng chừng nào những điều này không trùng hợp với nhau, vì những sự chia rẽ lịch sử và tội lỗi của con người, người ta không thể coi trọng sự hiệp thông thể chế hơn sự hiệp thông thiêng liêng.

Theo tôi, điều đó thực sự đặt ra câu hỏi. Là người công giáo, liệu tôi có thể cảm thấy hiệp thông với vô số những người, tuy đã chịu phép rửa tội trong cùng một Giáo Hội, nhưng lại hoàn toàn không quan tâm tới Đức Kitô hay Giáo Hội, hay tôi cảm thấy hiệp thông hơn với tất cả những người, tuy thuộc các hệ phái Kitô khác, nhưng tin vào những chân lý căn bản như tôi tin, yêu Chúa Giêsu Kitô đến độ hy sinh mạng sống cho Ngài, loan truyền Tin Mừng, quan tâm làm giảm bớt sự nghèo khó của thế giới và đang sở hữu những ân huệ của Chúa Thánh Thần như chúng ta? Những cuộc bách hại, thường xẩy ra hôm nay ở một số nơi trên thế giới, không tạo ra sự khác biệt: người ta không phóng hỏa các nhà thờ, không giết người vì họ là người công giáo hay thệ phản, nhưng vì họ là người Kitô hữu. Trước mắt kẻ bách hại, công giáo hay thệ phản cũng như nhau!

Tất nhiên, đây là câu hỏi mà cả các Kitô hữu thuộc những Giáo Hội khác, đối mặt với người công giáo, phải đặt ra cho mình, và, tạ ơn Chúa, đó chính là điều đang xảy ra, theo cách ẩn giấu, nhưng tốt hơn những gì xuất hiện trước công chúng. Một ngày nào đó, tôi tin chắc người ta sẽ ngạc nhiên khi không để ý trước điều Chúa Thánh Thần đang thực hiện nơi các Kitô hữu trong thời đại ta. Có rất nhiều Kitô hữu thuộc các hệ phái khác đang nhìn Giáo Hội công giáo bằng đôi mắt mới và bắt đầu nhận ra nơi Giáo Hội công giáo những căn rễ riêng của mình.

Trực giác mới mẻ và phong phú nhất của Augustinô liên quan đến Giáo Hội, như chúng ta đã thấy, là đã tìm ra nguyên lý cơ bản của sự hiệp nhất trong Thần Khí, chứ không phải trong sự hiệp thông hàng ngang giữa các giám mục với nhau và giữa các giám mục với Đức Giáo hoàng Rôma. Cũng như sự hợp nhất của cơ thể con người được thực hiện bởi linh hồn, khi linh hồn làm sống động và linh hoạt tất cả các chi thể, cũng vậy là sự hợp nhất của Thân Thể Đức Kitô. Quả thực đó là một sự kiện thần bí, ngay cả trước khi là một thực tế phô bầy như một xã hội và hữu hình ở bên ngoài; là phản chiếu sự hợp nhất hoàn hảo giữa Chúa Cha và Chúa Con nhờ Thần Khí. Chính Đức Giêsu đã vĩnh viễn quyết định nền tảng thần bí này của sự hợp nhất khi Ngài nói: “Xin cho chúng nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22). Sự hợp nhất chủ yếu trong học thuyết và kỷ luật sẽ là hiệu quả, chứ không bao giờ có thể là nguyên nhân, của sự hợp nhất thần bí và thiêng liêng này.

Thế nên những bước cụ thể nhất đi tới hợp nhất không phải là chuyện được thực hiện ở bàn họp hoặc trong các tuyên bố chung (cho dù tất cả những việc đó rất quan trọng); nhưng là những gì được thực hiện khi những tín hữu thuộc các hệ phái khác nhau, tuyên xưng sự trung thành của họ với Giáo Hội riêng của họ, tìm đến với nhau để cùng nhau công bố Đức Giêsu là Chúa, trong sự hiểu biết huynh đệ, mỗi người chia sẻ đặc sủng của mình và coi nhau như những người anh em trong Đức Giêsu Kitô.

4. Bộ phận của Thân Thể Đức Kitô, được Thần Khí làm cho linh hoat!

Trong các bài thuyết giảng cho dân chúng, Augustinô không bao giờ đưa ra những ý tưởng của mình về Giáo Hội, mà không lập tức rút ra những hậu kết thực tế cho cuộc sống hàng ngày của các tín hữu. Đây là việc chúng ta cũng muốn làm, trước khi kết thúc bài suy niệm này.

Nơi Augustinô, hình ảnh Giáo Hội như Thân Thể Đức Kitô không phải là mới. Điều mới đối với ngài là những kết luận cụ thể mà ngài đem áp dụng cho cuộc sống của các tín hữu. Tôi chỉ đề cập một kết luận: chúng ta không có lý do để nhìn nhau bằng com mắt ghen tị. Những gì tôi không có và người khác có, cũng đều là của tôi. Bạn nghe thấy thánh Tông Đồ liệt kê tất cả những đặc sủng tuyệt diệu này: công việc tông đồ, tiên tri, chữa bệnh..., và nghĩ rằng có lẽ bạn buồn vì không có đặc sủng nào. Nhưng Augustinô cảnh báo bạn: “Nếu bạn yêu, bạn không phải là không có đặc sủng nào. Vì nếu bạn gắn bó với toàn thể Giáo Hội, bạn chia sẻ với những người sở hữu các ân huệ của Thần Khí Thiên Chúa. Đừng ghen tị: tất cả những gì tôi có đều thuộc về bạn: chính tôi không muốn có bất kỳ cảm giác ghen tị nào, vì những gì bạn có cũng là của tôi”[12].

Trong cơ thể con người, chỉ có mắt mới nhìn thấy. Nhưng phải chăng mắt thấy là thấy cho một mình nó? Không phải là tất cả thân thể hưởng lợi sao? Chỉ có bàn tay hành động, nhưng phải chăng nó hành động cho một mình nó? Nếu một hòn đá sắp va vào mắt, phải chăng bàn tay vẫn bất động, vì nghĩ rằng dù sao cú va đó không nhắm vào mình? Điều tương tự cũng xảy ra với thân thể Đức Kitô: điều mỗi bộ phận là và làm, là và làm cho mọi người!

Chúng ta thấy bí mật được mạc khải theo đó bác ái là “con đường trổi vượt” (1Cr 12,31): bác ái làm cho tôi yêu mến Giáo Hội, hoặc cộng đồng mà tôi thuộc về, và, trong sự hợp nhất, mọi đặc sủng thuộc về tôi, chứ không chỉ một vài đặc sủng nào đó. Thực sự, còn có điều tốt hơn thế nữa. Nếu bạn yêu sự hợp nhất hơn tôi, đặc sủng mà tôi có thuộc về bạn hơn thuộc về tôi. Giả sử tôi có đặc sủng loan báo Tin Mừng; Tôi có thể vui mừng hay khoe khoang về nó, nhưng khi đó tôi trở thành “một thanh la phèng phèng” (1Cr 13,1); đặc sủng của tôi “chẳng ích gì cho tôi”, nhưng lại luôn giúp ích cho người lắng nghe, bất chấp tội lỗi của tôi. Bác ái thực sự làm gia tăng đặc sủng; nó biến đổi đặc sủng của một người thành một đặc sủng cho mọi người.

Augustinô hỏi các tín hữu của mình: Bạn có phải là một bộ phận của Thân Thể Đức Kitô không? Bạn có yêu sự hợp nhất này của Giáo Hội không? Khi ấy, nếu một người ngoại giáo hỏi bạn tại sao bạn không nói được mọi thứ tiếng, vì có lời chép rằng những ai lãnh nhận Chúa  Thánh Thần thì nói được mọi thứ tiếng, hãy trả lời không do dự: “Chắc chắn tôi nói được mọi thứ tiếng ! Bởi vì tôi thuộc về thân thể này là Giáo Hội, một Giáo Hội nói mọi thứ tiếng và loan báo các kỳ công của Thiên Chúa trong mọi thứ tiếng”[13].

Khi chúng ta có thể áp dụng chân lý này không chỉ đối với các mối quan hệ trong cộng đồng của chúng ta và với Giáo Hội của chúng ta, mà còn với những liên hệ nối kết một Giáo Hội Kitô này với một Giáo Hội Kitô khác, thì khi ấy sự hợp nhất của các Kitô hữu thực tế đã được thực hiện.

Chúng ta hãy theo lời khuyên được Augustinô dùng để kết luận rất nhiều bài giảng của ngài về Giáo hội: “Nếu bạn muốn sống bằng Thần Khí, hãy duy trì đức ái, yêu sự thật và bạn sẽ đạt tới vĩnh cửu. Amen”[14].

LM Micae Trần Đình Quảng
Chuyển ngữ từ: cantalamessa.org (21.03.2014)
Nguồn: simonhoadalat.com





[1] Bernard of Chartres, in John of Salisbury, Metalogicon, III, 4 (Corpus Chr. Cont. Med., 98, p.116).

[2] Henri de Lubac focuses on the sphere of Augustine’s influence in his book Augustinianism and Modern Theology (1965; repr., New York: Crossroad, 2000).

[3] See J. N. D. Kelly, Early Christian Doctrines, rev. ed. (New York: HarperCollins, 1978), chap. 15, pp. 401-421.

[4] Augustine, Against the Letter of Parmenian,II, 15, 34; see all of Sermon 266.

[5] See Augustine, Tractates on John’s Gospel, 45, 12: “Quam multae oves foris, quam multi lupi intus!” (“How many sheep there are outside and how many wolves there are inside!”)

[6] Augustine, Discourses, 71, 12, 18 (PL 38, 454).

[7] Augustine, “Sermon 267,” 4 (PL 38, 1231), in Sermons on the Liturgical Seasons 230-272-B , part 3, vol. 7, The Works of Saint Augustine, ed. John E. Rotelle(Hyde Park, NY: New City Press, 1993), 273.

[8] Augustine, “Sermon 272” (PL 38, 1247-1248), in Sermons on the Liturgical Seasons, 297-298.

[9] Ibid., 298.

[11] Augustine, On Baptism, Against the Donatists, VII, 39, 77, vol. 4, Nicene and Post-Nicene Fathers, First Series, ed. Philip Schaff (repr., New York: Cosimo, 2007), 508.

[12] Augustine, Tractates on the Gospel of John, 32, 8, trans. John W. Retting, vol. 88, The Fathers of the Church (Washington, DC: The Catholic University of America Press, 1993), 48.

[13] Augustine, Discourses, 269, 1.2 (PL 38, 1235-1236).

[14] See Augustine, “Sermon 267,” 4 (PL 38, 1231), in Sermons on the Liturgical Seasons, 273.