Sáng thứ Sáu, ngày 14.03.2014, Linh mục Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap., giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, đã có bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay thứ I cho Giáo triều Roma năm nay. Bài giảng có chủ đề là “Đông phương và Tây phương trước mầu nhiệm Chúa Thánh Thần”. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài giảng của ngài:
Linh mục Raniero Cantalamessa,
O.F.M. Cap.
Bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều Rôma
Năm 2014 - Bài 1: VÀO HOANG ĐỊA VỚI ĐỨC GIÊSU
Bắt đầu Mùa Chay hàng
năm, phụng vụ đọc cho ta nghe câu truyện Đức Giêsu vào trong hoang địa và ở đó
bốn mươi ngày. Trong bài suy niệm này, dựa vào những gì xẩy ra với Chúa trong
thời gian ấy, chúng ta muốn rút ra những chủ đề từ trình thuật của bài Phúc âm,
để áp dụng cho đời sống chúng ta.
1. “Thần Khí dẫn
Đức Giêsu vào hoang địa”
Chủ đề đầu tiên là về
hoang địa hay sa mạc. Trên sông Giođan, Chúa vừa được tấn phong làm Đấng Cứu Thế,
để đem Tin mừng cho người nghèo, chữa lành các tâm hồn tan vỡ, rao giảng Nước
Thiên Chúa (x. Lc 4,18). Nhưng Chúa chưa vội làm những việc đó. Ngược lại, theo
sự thúc đẩy của Thần Khí, Ngài vào trong hoang địa, và sống ở đó bốn mươi đêm
ngày.
Hoang địa nói đây là
sa mạc xứ Giuđêa, trải dài từ Giêrusalem xuống tới Giêricô, trong thung lũng
sông Giođan. Truyền thống xác định nơi Chúa trú ngụ ngày xưa bây giờ là Núi Bốn
Mươi, đối diện với thung lũng.
Theo dòng lịch sử, có
rất đông những người nam nữ đã bắt chước Chúa vào sống trong hoang địa. Bên
Đông phương, khởi sự từ thánh Antôn, họ vào sống trong sa mạc Ai cập và
Palestine. Bên Tây phương không có sa mạc cát, thì họ sống ẩn dật ở những nơi hẻo
lánh, cô quạnh, nơi thâm sơn cùng cốc hoặc thung lũng ở vùng sâu vùng xa.
Tuy nhiên, lời mời gọi
theo Chúa vào hoang địa, không chỉ có các đan sĩ, ẩn sĩ nghe theo. Nó là lời mời
gọi dành cho bất cứ ai, tuy có thể dưới những hình thức khác. Đan sĩ và ẩn sĩ
chọn một nơi (không gian) trong sa mạc, còn chúng ta chọn ít nhất một lúc (thời
gian) sống sa mạc.
Mùa Chay là dịp Giáo hội
khuyến khích tất cả mọi người, tìm những khoảnh khắc sống sa mạc, nhưng không
vì thế mà bỏ bê công việc hàng ngày. Thánh Augustinô đã đưa ra lời kêu gọi như
sau: Tiên vàn hãy trở lại vào trong tâm hồn bạn. Bạn đang là người xa lạ với
chính mình, do lang thang quá nhiều ở bên ngoài. Bạn không biết mình. Hãy tìm
kiếm Đấng tạo nên bạn…Hãy trở vào trong tâm hồn bạn. Bạn sẽ thấy trong đó có
hình ảnh của Thiên Chúa. Trong đời sống nội tâm của con người, có Chúa Kitô cư
ngụ…[1]
Trở về với lòng mình.
Nhưng lòng, hay trái tim hoặc tâm hồn, những hình ảnh mà Kinh thánh hay nói đến,
biểu thị cái gì? Ở đây chúng ta không xét khía cạnh sinh lý, theo đó trái tim
chỉ là một bộ phận, cho dù là bộ phận sinh tử cho thân xác ta. Chúng ta muốn nhấn
mạnh khía cạnh siêu hình, coi lòng hay trái tim như một nơi sâu thẳm nhất của
con người, của từng người, nơi mà mỗi người sống điều kiện làm người của mình.
Đó là đời sống nội tâm, trong tương quan với Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng
đích của mình, và trong tương quan với người khác cũng như với tất cả tạo
thành.
Trong ngôn ngữ thông
thường, trái tim chỉ phần chủ yếu của một thực tại, trọng tâm của một vấn đề.
Cũng vậy lòng hay tâm hồn của mỗi người là một nơi thiêng liêng, nơi ta có thể
chiêm ngắm thực tại sâu xa nhất và đích thực nhất của ta, không dừng lại ở những
khía cạnh bên lề, và không vật gì ngăn cản cái nhìn của ta. Lòng hay tâm hồn
cũng là nơi sẽ bị xét xứ trong ngày sau hết, vì những việc lành dữ ta làm khi
còn sống, đều phát xuất từ đó. Biết lòng dạ con người là xâm nhập vào nơi sâu
thẳm của người đó, nhờ vậy mà biết người đó thế nào, có giá trị ra sao.
Vậy trở về với lòng
mình là trở về với cái nội tâm nhất nơi ta. Thế mà, bất hạnh thay, nội tâm ấy lại
đang gặp khủng hoảng. Một số lý do gây ra cuộc khủng hoảng này đã có từ lâu, gắn
liền với bản tính con người. Chúng ta được cấu tạo bởi xác thịt và tinh thần,
có khuynh hướng nghiêng về cái bên ngoài, cái hữu hình. Cũng như vũ trụ sau cú
nổ lớn khởi đầu (big bang), chúng ta cũng ở trong giai đoạn bành trướng và xa rời
trung tâm. “Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy
cũng chẳng nghe được gì (Gv 1,8). Chúng ta thường xuyên rong chơi bên ngoài qua
năm cửa sổ tức ngũ quan.
Thánh nữ Têrêxa Avila
đã viết cuốn “Lâu đài bên trong”, một trong những kiểu nói hay nhất về nội tâm.
Tiếc thay, vẫn còn có một lâu đài bên ngoài có thể giam giữ chúng ta, giam giữ ở
ngoài nhà không cho chúng ta vào trong nhà. Chúng ta là tù nhân ở bên ngoài.
Thánh Augustinô đã có
một nhận định khá cay đắng về cuộc đời của mình trước khi hoán cải. Chắc hẳn
nhiều người trong chúng ta có thể coi nhận định ấy là của mình. Thánh nhân viết:
“Tuy khá muộn màng, con đã yêu mến Ngài, ôi Vẻ đẹp rất cũ mà cũng rất mới. Này
đây Chúa ở bên trong mà con lại ở bên ngoài, và đây là nơi con tìm kiếm Chúa.
Chúa đã ở với con mà con lại không ở với Chúa. Những thụ tạo này sẽ không tồn tại,
nếu chúng không ở trong Chúa, chính chúng đã làm con xa Chúa” [2].
Hành động làm bên
ngoài dễ đưa người ta tới chỗ giả hình. Ánh mắt của người khác có thể làm sai lệch
ý định ngay thẳng của ta, như một số từ trường làm lệch sóng điện từ. Hành động
ấy mất đi sự chính thực và phần thưởng của nó. Vẻ bên ngoài người ta thấy, quan
trọng hơn thực chất. Vì vậy Đức Giêsu dạy ta ăn chay và bố thí mà đừng để cho
người khác biết, dạy ta cầu nguyện trong nơi kín ẩn (Mt 6,1-4).
Nội tâm hóa là con đường
đưa tới một đời sống chính thực. Ngày nay, người ta rất hay nói đến sự chính thực,
coi nó là tiêu chuẩn của một cuộc sống thành đạt. Nhưng đối với người Kitô hữu,
chính thực hệ tại đâu? Khi nào thì một người thực sự là mình? Có thể trả lời :
Chỉ khi người đó nhận Thiên Chúa làm mẫu mực. Kierkegaard, triết gia hiện sinh
người Đan Mạch, phát biểu: “Người ta nói nhiều về cuộc đời hư hỏng. Nhưng chỉ
cuộc đời của người không bao giờ biết mình, mới hư hỏng thôi, vì trong ý thức
sâu xa nhất của mình, người đó không bao giờ cảm thấy có một Thiên Chúa hiện hữu,
không thấy cái tôi của mình đang đối diện với Thiên Chúa” [3].
Hơn ai hết, những người
hiến thân để phục vụ Chúa cần phải trở về với nội tâm. Lên tiếng trước các bề
trên của một dòng tu chiêm niệm, Đức Giáo hoàng Phaolô VI nói: “Chúng ta đang sống
trong một thế giới dường như mắc một cơn sốt thấm nhập vào tận nơi thánh thiêng
và cô tịch. Thực tế chỉ toàn là náo động và ồn ào khiến người ta không thể hồi
tâm. Hay chia trí nên thường xuyên phung phí năng lực vào những hình thức khác
nhau của văn hóa hiện đại. Sách báo tạp chí tràn ngập căn nhà và tâm hồn chúng
ta. So với ngày xưa thì giờ đây khó mà tìm thấy cơ hội hoàn toàn dành cho Thiên
Chúa”.
Một cách cụ thể, làm
thế nào để tìm lại và duy trì thói quen nội tâm hóa? Hãy xem gương Môsê. Ai
cũng thấy ông là con người hoạt động, nhưng ông đã cho làm một chiếc lều gọi là
Lều Hội ngộ, có thể di chuyển đây đó. Sau mỗi cuộc hành trình, ông cho dựng căn
lều này ngoài trại, để ở đó ông diện kiến Đức Chúa và đàm đạo với người như hai
người bạn (Xh 33,7 tt).
Không phải ai cũng làm
được như vậy. Không phải lúc nào cũng có thể vào nhà thờ, nhà nguyện, hay một
căn phòng vắng vẻ nào đó để tiếp xúc với Chúa. Thì này đây, thánh Phanxicô
Assisi giới thiệu cho ta một cách thức khác. Khi sai anh em đi rao giảng, ngài
nói với họ : chúng ta luôn có một ẩn viện cùng đồng hành với ta. Khi nào muốn,
ta có thể trở thành một ẩn sĩ nép mình trong đó. Ẩn viện này là thân thể ta,
còn ẩn sĩ chính là tâm hồn. Như vậy, cho dù đi trên đường hay tại chỗ làm việc,
ai nấy đều có thể có một căn phòng riêng, ẩn mình vào đó mà gặp gỡ Chúa.
Chúng ta kết luận phần
đầu của bài suy niệm này bằng cách nghe lời khuyên của thánh Anselmô dành cho
những ai đọc cuốn sách thời danh (Proslogion) của ngài: “Hỡi con người lầm than
và yếu đuối, hãy dành một lúc rời khỏi công việc của mình, tránh xa những ý
nghĩ ồn ào. Hãy để tâm trí xa rời những bận bịu. Hãy đi tìm Chúa một lát. Hãy
đi vào cung thánh tâm hồn mình, loại trừ mọi sự khác, chỉ để lại một mình Thiên
Chúa và những gì giúp bạn tìm kiếm Ngài. Khi đóng cửa xong thì thưa với Chúa :
Con tìm kiếm thánh nhan Ngài, lạy Chúa, chính thánh nhan Ngài con tìm kiếm” [4].
2. “Người ăn chay
ròng rã bốn mươi đêm ngày”
Chủ đề thứ hai trong
câu truyện Đức Giêsu vào hoang địa là ăn chay, chay tịnh. “Người ăn chay ròng
rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói” (Mt 4,2).
Bắt chước Chúa ăn
chay, chuyện đó ngày hôm nay có ý nghĩa gì? Ngày xưa, ăn chay là hạn chế ăn uống
và kiêng thịt. Cách ăn chay này vẫn còn giá trị của nó, vẫn được khuyên nên
làm, khi có lý do tôn giáo chứ không phải lý do sức khỏe hay thẩm mỹ. Do đó
trong Mùa này, Giáo hội vẫn còn buộc ăn chay hai ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu
Tuần Thánh. Nhưng đây không phải là cách ăn chay duy nhất, cũng không cần thiết
nhất.
Hình thức ăn chay cần
thiết nhất và có ý nghĩa nhất cho ngày hôm nay là tiết độ, giản dị : không mua
sắm hay sử dụng những tiện nghi thêm này khác, đừng bị lôi cuốn bởi những gì vô
ích và đôi khi hại cho sức khỏe. Ăn chay như thế là có tinh thần liên đới với
biết bao nhiêu người nghèo khổ, túng thiếu. Chúng ta hẳn nhớ những lời của
Isaia, mà phụng vụ đọc cho ta nghe đầu mỗi Mùa chay: “Cách ăn chay mà Ta ưa
thích chẳng phải là thế này sao: chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người
không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm
ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58,6-7).
Ăn chay kiểu này cũng
là một cách phản đối lại khuynh hướng của não trạng tiêu thụ, một não trạng
thích những tiện nghi thừa thãi, coi đó là mục tiêu cho hoạt động của mình.
Chúng ta không chạy theo não trạng ấy, không bị cám dỗ bởi một cuộc sống xa
hoa, thừa mứa mọi sự, một cuộc sống dư tiện nghi với mọi điều kiện dễ dàng. Nói
chung, chúng ta sống một cuộc đời giản dị, và giản dị thì hữu hiệu hơn là đề ra
cho mình những việc sám hối chỉ có tính cách nhất thời và ngoài mặt. Hơn nữa, sống
tiết độ giản dị cũng là vấn đề công bằng với các thế hệ mai sau, không để chúng
phải nhìn thấy tài nguyên cạn kiệt vì sự phung phí bừa bãi của chúng ta. Đó
cũng là giá trị của sự tiết độ giản dị về phương diện môi sinh, biết tôn trọng
tạo thành…
Ngày nay, có một thứ
chay tịnh còn cần thiết hơn chay tịnh lương thực : chay tịnh hình ảnh. Chúng ta
đang sống trong một thế giới tràn ngập hình ảnh, một văn minh hình ảnh. Chúng
ta đang trở thành những con người ngấu nghiến hình ảnh, mọi lúc, mọi nơi. Qua
truyền hình, báo chí, phim ảnh, quảng cáo, làn sóng hình ảnh ồ ạt xâm nhập tâm
trí ta. Nhiều hình ảnh dâm ô, bạo lực, độc hại, kích thích bản năng xấu xa nơi
con người. Chúng được tạo ra cho mục tiêu này để cám dỗ ta.
Tuy vậy, có lẽ điều tệ
hại nhất là chúng khiến người ta, nhất là những người trẻ, có những ý tưởng sai
lạc, không đúng sự thực, về cuộc sống, với những hệ quả bao gồm trong đó. Chẳng
hạn, một cách vô thức, người ta nghĩ rằng quảng cáo đưa ra những gì, thì phải
có bằng được những thứ ấy, cho dù không phù hợp với hoàn cảnh của mình, điều kiện
sống của mình.
Cần có bộ lọc, có
thanh chắn, nếu không, tâm hồn chúng ta sẽ vẩn đục, thậm chí biến thành thùng
rác chứa đựng mọi thứ dơ bẩn. Những hình ảnh đó không mất đi đâu, nhưng sẽ như
một lực đẩy thúc giục chúng ta bắt chước, tác hại kinh khủng đến sự tự do, con
người và đời sống chúng ta. Một triết gia duy vật, Feuerbach, đã nói: “Con người
là cái mà nó ăn”. Giờ đây có lẽ nên đổi câu ấy thành: “Con người là cái mà nó
nhìn”
Một thứ chay khác có
thể làm trong Mùa này, là chay kiêng những lời nói độc địa. Phaolô khuyên: “Anh
em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt
đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29).
Những lời nói xấu
không chỉ là những lời thô tục, mà còn là những lời gắt gỏng, tiêu cực, nhắm
vào cái xấu của anh em, những lời gây bất hòa và nghi kỵ. Trong đời sống gia
đình hay cộng đồng, những lời nói như vậy có thể làm cho người khác thu mình lại,
cảm thấy cay đắng và uất hận. Đó là thứ “giết người không gươm” đúng nghĩa.
Thánh Giacôbê nói rằng lưỡi chứa đầy nọc độc chết người, nó có thể chúc tụng
Thiên Chúa, mà cũng có thể nguyền rủa Người hay người anh em (x. Gc 3,5-12). Một
lời nói có thể hại hơn một cú đấm.
Trong Phúc âm Matthêu,
có một lời Đức Giêsu nói khiến người nghe phải run sợ: “Tôi nói cho các người
hay : đến ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã
nói” (Mt 12,36). Chắc chắn Chúa không lên án những lời vô ích theo nghĩa không
cần thiết. Hiểu theo nghĩa thụ động, chữ argon (a=không ;
ergon=công việc) dùng trong Phúc âm chỉ những lời nói thiếu nền tảng. Đó là những
lời vu khống. Hiểu theo nghĩa năng động, đó là những lời không xây dựng gì cả,
ngay cả để giúp thư giãn chẳng hạn, cũng không. Phaolô khuyên Timotê: “Những
chuyện nhảm nhí, trống rỗng, anh hãy tránh xa, vì những kẻ nói những chuyện ấy
sẽ tiến sâu vào con đường vô luân” (2 Tm 2,16)
Lời vô ích hay hư tự
ngược lại với lời Thiên Chúa, được gọi là energes, tức lời sống động,
hữu hiệu, mạnh mẽ và hữu ích cho mọi người (x.1 Tx 2,13 ; Dt 4,12). Theo nghĩa
này, lời mà mọi người sẽ phải trả lẽ trong ngày phán xét, là những lời rỗng tuếch,
thiếu đức tin, được nói ra do những người đáng lẽ phải nói lời Chúa, là “thần
trí và sự sống”, nhất là khi người đó thi hành thừa tác vụ lời.
3. “Đức
Giêsu chịu quỷ cám dỗ”
Chúng ta sang yếu tố
thứ ba của trình thuật Phúc âm, suy niệm về cuộc chiến đấu của Chúa chống lại
Satan, chống lại các cám dỗ.
Nhưng trước hết, có quỷ
không đã. Có phải quỷ chỉ một hữu thể cá nhân, có trí khôn và tự do, hay đây chỉ
là một biểu tượng thuần túy, một cách nói để chỉ toàn bộ sự dữ luân lý trên thế
giới, sự vô thức hay vong thân tập thể?
Trong nhiều câu chuyện
Chúa chữa những người bị quỷ ám trong Phúc âm, bằng chứng về sự hiện hữu của quỷ
là ít thấy. Một số bệnh tật không rõ nguồn gốc, những hiểu biết về y lý còn hạn
chế, nên người ta nghĩ là do quỷ làm. Nhưng có một bằng chứng rõ rệt, đó là Đức
Giêsu bị quỷ cám dỗ trong hoang địa.
Ngoài ra còn bằng chứng
nữa nơi các thánh. Trong suốt cuộc đời của mình, vị thánh nào cũng phải không
ngừng chiến đấu chống lại các quyền lực của bóng tối. Các ngài không phải là những
anh hùng rơm, kiểu Don Khihôtê (Don Quichotte), chống lại các cối xay gió. Ngược
lại, các ngài có tâm trí hoàn toàn lành mạnh, thấy rõ mọi chuyện. Thánh
Phanxicô Assisi có lần đã thổ lộ: “Nếu các anh em biết tôi bị ma quỷ khuấy khuất
như thế nào và bao nhiêu lần, hẳn là không ai không khóc thương tôi” [5].
Có người cho rằng tin
vào ma quỷ là phi lý. Họ nghĩ thế vì họ chỉ dựa vào sách vở, làm con mọt sách
trong thư viện, hoặc chỉ ngồi ở bàn giấy, trong khi quỷ không quan tâm tới sách
vở, nhưng tới con người. Những người không bao giờ chứng kiến hay cảm nghiệm hoạt
động của Satan, mà chỉ có ý tưởng về Satan thôi, nghĩa là chỉ biết những
gì truyền thống văn hóa, tôn giáo, chủng tộc nói về Satan, thì đúng
là không biết gì về nó. Họ còn cho rằng bày đặt chuyện ma quỷ hù dọa là chính
sách ngu dân thời Trung cổ. Họ giống như những người tự phụ là không sợ sư tử,
vì chỉ thấy nó trong tranh hay trong hình chụp.
Thường ra, người không
tin có Thiên Chúa thì cũng không tin có quỷ. Như thế còn đỡ, đỡ hơn những người
không tin có Thiên Chúa mà lại tin có quỷ. Cứ mở mắt nhìn coi, ta sẽ thấy đây
là điều đang xẩy ra trong xã hội hiện nay. Ma quỷ, Satan và vô số hiện tượng
khác đang là những chuyện thời sự. Thế giới công nghệ, công nghiệp hóa, tưởng
là văn minh tiến bộ xua tan bóng tối, ai ngờ lại nhung nhúc những phù thủy,
thày pháp, nhà thông linh, chiêm tinh, bói toán, bùa ngải. Có cả tôn giáo thờ
Satan nữa. Đuổi được quỷ ra khỏi cửa chính, nó lại lẻn vào qua cửa sổ, nghĩa là
bị đức tin xua đuổi, nó trở lại qua mê tin.
Điều quan trọng nhất
mà đức tin dạy chúng ta, không phải là có Satan, nhưng là Đức Kitô đã chiến thắng
Satan. Đối với người Kitô hữu, Đức Kitô và Satan không phải là hai nguyên lý
ngang bằng nhau và trái ngược nhau, như một số tôn giáo nhị nguyên quan niệm. Một
mình Ngài là Chúa duy nhất, còn Satan chỉ là thụ tạo chống lại Thiên Chúa thôi.
Nếu Thiên Chúa ban cho nó có quyền trên con người, chính là để con người có thể
tự do chọn chiến tuyến, và để họ “đừng tự cao tự đại” (x.2 Cr 12,7), tự mãn,
không cần Đấng Cứu Thế nào hết.
Với Đức Kitô, chúng ta
không có gì phải sợ. Không gì và không ai có thể làm hại được chúng ta, nếu
chúng ta không muốn. Một Giáo phụ ngày xưa đã nói : Sau khi Đức Kitô đến thế
gian, thì Satan giống con chó bị cột ở hàng dậu. Nó có thể sủa, có thể chồm về
phía ta nếu muốn, nhưng không thể đến gần và cắn ta được. Trong hoang địa, Đức
Kitô đã được giải thoát khỏi Satan, để giải thoát ta khỏi Satan.
Phúc âm nói Chúa chịu
ba cám dỗ liên tiếp: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá
này biến thành bánh đi”, “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi”,
“Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. Những cám dỗ
này nhắm một mục đích : không muốn Chúa thi hành sứ mệnh của mình, làm Chúa
quên đi mục tiêu mà vì đó Ngài xuống thế, thay thế chương trình của Chúa Cha bằng
một chương trình khác. Lúc Chúa nhận lễ rửa, Chúa Cha đã chỉ cho Ngài con đường
của Người Tôi Tớ vâng phục, giải cứu nhân loại bằng sự khiêm nhường và đau khổ.
Nhưng Satan lại đề nghị với Ngài con đường vinh quang chiến thắng, con đường mà
mọi người lúc ấy trông chờ nơi Đấng Cứu Thế.
Ngày hôm nay, Satan
cũng cố gắng cám dỗ người ta xa rời mục đích trong cuộc đời trần gian của mình,
là nhận biết, yêu mến và phục vụ Thiên Chúa. Nó muốn con người không còn nhớ đến
chuyện đó, đưa họ ra chỗ khác, đi theo hướng khác. Để làm công việc này, Satan
tỏ ra rất khôn khéo và quỷ quyệt (quỷ quyệt là hành động của quỷ!). Nó không hiện
nguyên hình ra đâu, vì như vậy dễ thấy quá. Nó sử dụng những điều tốt, nhưng
mang đến quá nhiều cho con người, biến chúng thành tuyệt đối, không có không được,
thành thần tượng, không theo không được. Nếu chúng ta coi đó là quan trọng nhất,
coi đó là mục đích chứ không phải phương tiện, khi ấy, chúng sẽ phá hoại linh hồn
chúng ta, thậm chí cả thân xác chúng ta nữa.
Một ví dụ liên hệ đến
điều chúng ta đang nói : sự giải trí, thư giãn. Trò chơi là một chiều kích cao
thượng của con người. Chính Thiên Chúa cũng truyền cho chúng ta phải nghỉ ngơi.
Điều tệ hại là biến trò chơi thành mục đích của đời sống, suốt tuần chỉ chờ đợi
chiều thứ bẩy, hoặc một trận đấu bóng chiều Chúa nhật. Đấy là chưa kể còn nhiều
trò chơi khác không lành mạnh lắm. Trong trường hợp này, giải trí thay đổi ý
nghĩa : thay vì phục vụ cho sự thăng tiến con người, giúp họ bớt đi những mệt
nhọc và căng thẳng trong việc làm, trong kế sinh nhai, thì lại khiến họ mệt nhọc
hơn nơi thân xác, tốn phí hơn về tiền của, không được thanh thản nhàn nhã nơi
tinh thần…
Thánh thi Giờ Kinh
sách ngày Chúa nhật Mùa chay có lời mời gọi như sau :
Ta hãy giảm mê say
vui sướng
Từ nói năng ăn uống
ngủ nghê
Đến ngay giải trí
thường khi
Cũng con nhất mực bỏ
đi nữa là
(Theo bản dịch cũ. Còn
theo bản dịch mới, hai câu lục bát cuối được sửa thành : Tâm hồn thể
xác đôi bề, Tập quen khắc khổ thiết gì xa hoa).
Đây là thời gian khám
phá lại những vấn đề thiết yếu trong cuộc đời : Ta từ đâu mà đến? Sống để làm
gì và cho ai? Con đường đang đi dẫn ta tới đâu? …
4. Tại
sao Đức Giêsu vào hoang địa?
Tại sao sau khi nhận lễ
rửa, Đức Giêsu lại vào trong hoang địa? Có phải Ngài muốn để Satan
cám dỗ chăng? Không phải. Chắc hẳn Ngài không nghĩ như thế. Chẳng ai dại gì tự
ý đi tìm kiếm thử thách của Satan. Chính Chúa cũng đã dạy ta cầu nguyện để khỏi
sa chước cám dỗ. Cám dỗ là sáng kiến và hành động của Satan, được Chúa
Cha cho phép, để làm vinh danh Con mình, và làm bài học cho ta.
Vậy phải chăng Chúa
vào hoang địa để ăn chay? Có phần đúng, nhưng không nhất thiết để làm việc đó.
Điều chính yếu là : Ngài vào đó để cầu nguyện. Sau này chúng ta thấy, mỗi khi
Chúa đi vào hoang địa hay nơi thanh vắng, thì luôn luôn là để cầu nguyện, để gặp
gỡ Chúa Cha. Ngài vào đó với tư cách con người, để hài hòa với ý muốn của Chúa
Cha, suy nghĩ về sứ mệnh mà tiếng của Chúa Cha cho Ngài thoáng thấy lúc nhận lễ
rửa : sứ mệnh của Người Tôi Tớ vâng phục, đến cứu chuộc con người bằng đau khổ
và nhục nhã. Nói tắt, Chúa vào đó để cầu nguyện và sống thân mật với Chúa Cha.
Đây cũng là mục đích
chính của Mùa chay. Chúng ta vào hoang địa, không phải chỉ để lìa xa một điều
gì đó – tiếng ồn ào, náo động, công việc, v.v - nhưng để tìm thấy một điều gì
đó, hoặc, đúng hơn, tìm thấy một Ai đó. Chúng ta vào hoang địa không chỉ để tìm
lại mình, để tiếp xúc với “cái tôi” sâu thẳm của mình, như thấy trong nhiều
hình thức chiêm niệm nơi các tôn giáo không phải Kitô giáo. Người Kitô hữu vào
hoang địa, đi vào tận đáy lòng, để nối lại mối dây thân tình với Chúa, vì biết
rằng Chân lý là Thiên Chúa cư ngụ nơi con người nội tâm của mình.
Bí mật của hạnh phúc
và bình an trong cuộc đời là ở đó. Còn muốn gì hơn khi một người yêu được một
mình sống thân mật với người mình yêu? Thiên Chúa là người yêu ta và muốn ta
yêu Ngài. Người nói với dân riêng như nói với người yêu: “Ta đưa nó vào sa mạc,
để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16). Khi hai người yêu nhau thì mọi sự và mọi
người như lui về phía sau làm hậu cảnh. Tình yêu giữa Chúa và ta khiến cho mọi
sự khác thành thứ yếu, nhưng không làm người khác xa cách, vì đây là một tình
yêu lan tỏa, rộng mở. Nhờ tình yêu ấy mà hạnh phúc và bình an chúng ta vẫn mò mẫm
tìm kiếm, không ngờ lại gần gũi đến vậy.
Chúa đang chờ đợi ta
trong hoang địa. Đừng để Ngài một mình trong suốt thời gian này.
LM
Micae Trần Đình Quảng
Chuyển ngữ từ: cantalamessa.org (14.03.2014)
Nguồn: simonhoadalat.com