WHĐ (23.12.2023) – Sáng thứ Sáu ngày 15.12, với Bài giảng thứ nhất có chủ đề: “Tiếng của người kêu trong sa mạc’, Gioan Tẩy giả: một Nhà Đạo đức học và một Ngôn sứĐức Hồng Y Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap., vị giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng, đã khai mạc buổi tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2023 với sự tham dự của Đức giáo hoàng Phanxicô và giáo triều. Sau đây là nội dung Bài giảng của Đức Hồng y:

Bài 1:
TIẾNG CỦA NGƯỜI KÊU TRONG SA MẠC”,
GIOAN TẨY GIẢ: MỘT NHÀ ĐẠO ĐỨC HỌC VÀ MỘT NGÔN SỨ

Có một tiến trình trong phụng vụ Mùa Vọng. Trong tuần thứ nhất, nhân vật nổi bật là ngôn sứ Isaia, người loan báo từ xa sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế; vào Chúa Nhật thứ hai và thứ ba, người hướng dẫn là Gioan Tẩy Giả, v Tiền hô; vào tuần thứ tư, mọi sự chú ý đều tập trung vào Đức Maria. Năm nay, chúng ta chỉ có 2 bài suy niệm, nên tôi sẽ dành để suy tư về hai nhân vật cuối: Vị Tiền hô và Đức Mẹ. Trong một bức tranh của anh em Chính thống giáo, hai vị đứng bên cạnh Đức Kitô, một vị bên phải và một vị bên trái và thường được thể hiện như hai “người dẫn đường” ở hai bên cánh cửa dẫn vào khu vực thánh thiêng.

Gioan Tẩy Giả, người rao giảng về sự hoán cải

Trong Tin Mừng, vị Tiền hô xuất hiện với chúng ta trong 2 vai trò khác nhau: người rao giảng về sự hoán cải và vị ngôn sứ. Tôi dành phần đầu của bài suy niệm về Gioan là một nhà đạo đức học, và phần thứ hai v Gioan là một vị ngôn sứ.

Một vài câu trong Tin Mừng Luca cũng đủ để chúng ta hình dung về lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả:

Với đám đông đến để chịu phép rửa, ông nói:

Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối. Và đừng vội nghĩ bụng rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham"; vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thê làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa".

Ðám đông hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải làm gì đây?" Ông trả lời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy". Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?" Ông bảo họ: "Ðừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình". Binh lính cũng hỏi ông: "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?" Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình" (Lc 3, 7-14).

Về điểm này, Phúc âm cho chúng ta thấy điều khác biệt giữa lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả và lời rao giảng của Chúa Giêsu. Bước nhảy vọt về phẩm chất được chính Chúa Giêsu thể hiện rất rõ ràng: “Cho đến thời ông Gioan, thì có Luật và các ngôn sứ; còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào (Lc 16,16).

Chúng ta phải cảnh giác với những sự đối lập đơn giản giữa Luật lệ và Phúc âm. Ngay sau câu vừa được trích dẫn, Chúa Giêsu (hoặc có thể là thánh sử) nói thêm: “Trời đất qua đi còn dễ hơn là một cái phết của Lề Luật rụng mất” (Lc 16,17). Phúc âm không bãi bỏ lề luật, cụ thể là các giới răn của Thiên Chúa; nhưng mở ra một mối tương quan mới và khác biệt với lề luật.

Điều mới mẻ là trật tự giữa giới răn và ân sủng, nghĩa là giữa luật lệ và ân sủng. Nền tảng lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả là lời khẳng định: “Hãy sám hối và nhờ đó Nước Thiên Chúa sẽ đến với các ngươi!” Nền tảng lời rao giảng của Chúa Giêsu là lời tuyên bố: “Hãy sám hối vì Nước Thiên Chúa đã đến với các ngươi!” (Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu vừa được trích dẫn: “Cho đến thời ông Gioan, thì có Luật và các ngôn sứ; còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào”).

Đây không chỉ là sự khác biệt về phương diện thời gian, như giữa cái trước và cái sau; nó còn là sự khác biệt về chất lượng, nghĩa là sự khác biệt về giá trị. Điều đó có nghĩa là không phải việc tuân giữ các giới răn sẽ làm cho Nước Thiên Chúa đến; nhưng chính sự xuất hiện của Nước Thiên Chúa mới cho phép việc tuân giữ các giới răn. Con người không đột nhiên thay đổi và trở nên tốt hơn để Nước Trời có thể đến với trần gian. Không, con người vẫn như vậy, nhưng chính Thiên Chúa, vào thời viên mãn, đã sai Con của Ngài đến, nhờ đó ban cho con người khả năng thay đổi và sống một cuộc sống mới. Thánh sử Gioan nói: “Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Ðức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17). Yêu Chúa hết lòng là “điều răn thứ nhất và lớn nhất”; nhưng thứ tự của các điều răn không phải là thứ tự đầu tiên, cũng không phải cấp độ đầu tiên: trên đó là thứ tự của ân sủng: “Chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19).

Thật thú vị khi thấy tính mới mẻ này của Đức Kitô được phản ánh như thế nào qua thái độ khác nhau của Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đối với những người bị gọi là “tội nhân”. Chúng ta đã nghe Gioan tấn công những kẻ tội lỗi đến với ông bằng những lời lẽ gay gắt. Về điểm này, chính Chúa Giêsu đã chỉ ra sự khác biệt giữa Người và vị Tiền hô: “Ông Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: "Ông ta bị quỷ ám". Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: "Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Lc 7, 33-34). “Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?" (Mt 9,11).

Chúa Giêsu không chờ đợi tội nhân thay đổi cuộc sống của họ trước khi Người có thể chào đón họ; nhưng Người chào đón họ và điều này làm cho tội nhân thay đổi cuộc sống của họ. Cả bốn sách Phúc âm  – Nhất Lãm và Gioan – đều nhất trí về điểm này. Chúa Giêsu không đợi người phụ nữ Samari sắp xếp lại cuộc sống riêng tư của bà rồi mới dành thời gian cho bà và thậm chí Người còn xin bà chút nước uống. Nhưng khi làm như vậy, Chúa Giêsu đã thay đổi tâm hồn của người phụ nữ này, bà đã trở thành người rao giảng Tin Mừng cho dân tộc của mình. Điều tương tự cũng xảy ra với ông Giakêu, với người thu thuế Mátthêu, với người phụ nữ ngoại tình, và với người phụ nữ vô danh đã hôn chân Người tại nhà ông Simon.

Chúng ta không thể rút ra một chuẩn mực tuyệt đối từ những ví dụ này. (Chúa Giêsu là Chúa Giêsu và Người đọc được tâm hồn; chúng ta không phải là Chúa Giêsu); Tuy nhiên, Giáo hội không thể bỏ qua phong cách của Chúa Giêsu hoặc đặt phong cách của Người ngang hàng với phong cách của vị Tiền hô. Chúa Giêsu cực lực bác bỏ tội lỗi hơn những gì các nhà đạo đức cứng rắn nhất có thể làm, nhưng trong Phúc âm, Người đề xuất một phương thuốc mới: không phải xa cách mà là đón nhận. Thay đổi đời sống không phải là điều kiện để đến gần Chúa Giêsu trong Tin Mừng; tuy nhiên, đó phải là kết quả (hoặc ít nhất là mục đích) sau khi tiếp cận Người. Thật vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa không có điều kiện, nhưng không phải là không có hậu quả!

Về điểm này, Mẹ Giáo Hội có nhiều điều để học hỏi từ các bậc cha mẹ thời nay. Tất cả chúng ta đều biết những bi kịch hiện chia rẽ nhiều bậc cha mẹ: người trẻ, mặc dù có gương sáng về đời sống Kitô hữu và những lời khuyên tốt, nhưng lại đi theo con đường trái ngược với con đường của cha mẹ, hủy hoại bản thân bằng ma túy, lạm dụng tình dục, những lựa chọn đầu đời dẫn đến sai lầm, và nhiều khi bi thảm… Nhưng có phải vì thế mà bậc cha mẹ đóng cửa và đuổi con mình ra khỏi nhà chăng? Cha mẹ không thể làm gì khác hơn tôn trọng sự lựa chọn của con mình, vì Thiên Chúa đã tôn trọng lựa chọn của chúng và tiếp tục yêu thương chúng. Tình trạng bi đát này trong xã hội được phản ảnh nơi tình trạng của Giáo Hội. Chúng ta được kêu gọi lựa chọn giữa kiểu mẫu của Gioan Tẩy Giả và kiểu mẫu của Chúa Giêsu, giữa việc đặt lề luật lên hàng đầu hoặc dành nó cho ân sủng và lòng thương xót.

Có một điểm không thể lựa chọn được, vì Gioan và Chúa Giêsu hoàn toàn đồng ý với nhau. Chúng ta cũng nên lên tiếng về vấn đề này. Đây là điều Thánh Gioan diễn tả qua câu nói: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11) và được Chúa Giêsu khắc sâu bằng dụ ngôn người giàu, và sự mô tả về cuộc phán xét cuối cùng trong Phúc âm Mt 25.

Gioan Tẩy Giả, “hơn cả một vị ngôn sứ”

Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang vai trò hoặc danh hiệu thứ hai của Gioan Tẩy Giả, người không chỉ là một nhà đạo đức và một người rao giảng về sự sám hối, mà cũng là một vị ngôn sứ, như ông Dacaria đã nói: “Con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao” (Lc 1, 75). Chúa Giêsu thậm chí còn xác định Gioan là hơn cả một ngôn sứ” (Lc 7, 26).

Chúng ta có thể thắc mắc Gioan Tẩy Giả là một ngôn sứ theo nghĩa nào? Lời tiên tri nằm ở đâu trong trường hợp của ông? Các ngôn sứ đã công bố ơn cứu độ trong tương lai. Nhưng Gioan Tẩy Giả không loan báo ơn cứu độ trong tương lai, mà chỉ vào Đấng đang hiện diện trước mặt. Vậy thì Gioan có thể được gọi là ngôn sứ theo nghĩa nào? Isaia, Giêrêmia, Ezekiel đã giúp dân tộc vượt qua rào cản thời gian; Gioan Tẩy Giả giúp người ta vượt qua rào cản thậm chí còn dày đặc hơn, rào cản của những nét bề ngoài trái ngược với bản tính nơi Đấng Messia. Liệu người đàn ông có vẻ bề ngoài khiêm nhường và nguồn gốc tầm thường đó có phải là Đấng Messia được chờ đợi từ lâu, được các tiên tri loan báo, và được hứa hẹn trong các Thánh Vịnh chăng?

Thật dễ dàng để tin vào một điều gì đó vĩ đại, thần thánh, khi nó xuất hiện trong một tương lai không xác định – “trong những ngày đó”, “vào những ngày sau hết”… -, trong một khung cảnh vũ trụ, với tầng trời nhỏ giọt vị ngọt ngào và trái đất mở ra để Đấng Cứu thế nảy mầm. Khó khăn hơn là khi người ta phải nói: “Ngay bây giờ! Nó ở đây! Là cái này!” Người ta ngay lập tức bị cám dỗ để nói: “Chỉ vậy thôi sao?” “Có điều gì tốt đẹp đến từ Nazareth chăng?”.

Chính cớ vấp phạm về sự khiêm nhường của Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải mình “dưới những vẻ ngoài trái ngược”, gây nhầm lẫn giữa lòng kiêu hãnh của con người và “ý muốn quyền lực của họ. Tin rằng người mà họ nhìn thấy ngay trước khi ăn, trước khi ngủ, thậm chí có thể ngáp khi thức dậy, chính là Đấng Messia, Đấng mà mọi người đang chờ đợi; tin rằng thời gian đã đến hồi viên mãn: điều này đòi hỏi lòng can đảm mang tính ngôn sứ lớn hơn lòng can đảm của ngôn sứ Isaia. Đây là một nhiệm vụ siêu phàm và chúng ta hiểu được sự vĩ đại của vị tiền hô cũng như lý do tại sao ông được coi là “hơn cả một vị ngôn sứ”.

Cả bốn sách Phúc âm đều nêu bật vai trò kép của Gioan Tẩy Giả, vừa là nhà đạo đức vừa là vị ngôn sứ. Nhưng trong khi Phúc Âm Nhất Lãm nhấn mạnh nhiều hơn vào điều thứ nhất thì Phúc âm Thứ Tư nhấn mạnh nhiều hơn vào điều thứ hai. Gioan Tẩy Giả là con người của “Ecce!”: Ðây là Ðấng mà tôi đã nói… Đây là Chiên Thiên Chúa!” (Ga 1,15.29). Thật là một cơn ớn lạnh lan khắp cơ thể của những người lần đầu tiên nhận được sự mặc khải bằng những lời này hoặc những lời tương tự khác. Nó giống như một đoạn ngắn: quá khứ và tương lai, sự mong đợi và hoàn thành chạm vào nhau.

Với tư cách là một ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả dạy chúng ta điều gì? Liệu lời tiên tri của Gioan vẫn còn sống động hay nó đã kết thúc vào ngày đó? Tôi tin rằng Gioan đã để lại cho chúng ta một di sản về sứ mạng ngôn sứ của mình. Khi nói: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết!” (Ga 1,26), Gioan đã khai m lời tiên tri mới mẻ của Kitô giáo, một lời tiên tri không hệ tại ở việc loan báo ơn cứu độ trong tương lai, nhưng việc mạc khải sự hiện diện ẩn giấu của Đức Kitô trong thế giới và trong lịch sử. Nó bao hàm việc xé bỏ bức màn khỏi mắt của những người, như thể đang hét lên bằng những lời của ngôn sứ  Isaia: “Thiên Chúa đang làm một điều gì đó mới mẻ! Các ngươi không nhận ra sao?” (x. Is 43,19).

Chúa Giêsu đã phán: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Người ở giữa chúng ta; Người ở trong thế giới và ngay cả thế giới hiện nay, sau hai nghìn năm, cũng không nhận ra Người. Có một câu nói của Chúa Giêsu luôn khiến các tín hữu lo lắng: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8). Nhưng ở đây Chúa Giêsu không nói về việc Người đến vào ngày tận thế. Trong những diễn ngôn được gọi là cánh chung, hai quan điểm thường đan xen với nhau: quan điểm về việc Đức Kitô đến lần cuối cùng và quan điểm về việc Người đến khi phục sinh và được Chúa Cha tôn vinh, mà Thánh Phaolô định nghĩa là việc Người đến “nhờ Thánh Thần, Người đã đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,4), khác với lần đến trước đó theo xác thịt”. Chính khi đề cập đến việc đến theo Thánh Thần này mà Chúa Giêsu có thể nói: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra” (Mt 24, 34).

Vì thế, câu nói đáng lo ngại đó của Chúa Giêsu không liên quan đến hậu thế của chúng ta, là những người sẽ thấy mình đang sống vào thời điểm Người trở lại lần cuối cùng; nó thách thức tổ tiên và những người đương thời của chúng ta, kể cả chính chúng ta. Bất chấp sự phục sinh của Người và những điều kỳ diệu đi kèm với sự khởi đầu của Giáo hội, Chúa Giêsu có tìm thấy đức tin nơi dân Ngài không? Bất chấp sự hiện diện của Người trên thế giới đã hai nghìn năm và mọi sự xác nhận của lịch sử, liệu Người vẫn tìm thấy niềm tin trên trái đất, đặc biệt là trong số những người được gọi là “trí thức” chăng? Nhiệm vụ ngôn sứ của Giáo hội sẽ giống như nhiệm vụ của Gioan Tẩy Giả, cho đến tận thế: giúp mỗi thế hệ thoát khỏi sự xao lãng và mù quáng khủng khiếp khiến họ không nhận ra và nhìn thấy ánh sáng của thế giới.

Vào thời Gioan Tẩy Giả, cớ vấp phạm bắt nguồn từ thân xác của Chúa Giêsu, đó là thân xác của Người rất giống với thân xác của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngày nay cũng vậy, chính thân xác của Người, xác thịt của Người, vẫn là điều gây cớ vấp phạm, thân thể mầu nhiệm của NgườiGiáo hội, rất giống với phần còn lại của nhân loại, thậm chí không loại trừ tội lỗi. Giống như Gioan Tẩy Giả đã làm cho những người đương thời của ngài nhận ra Đức Kitô dưới sự khiêm nhường của thân xác, ngày nay cũng cần phải làm cho Người được nhận ra trong sự nghèo khó của Giáo hội, và của chính cuộc sống chúng ta.

Một cuộc Phúc âm hoá “mới mẻ trong lòng nhiệt thành”

Thánh Gioan Phaolô II đã mô tả công cuộc tân Phúc âm hoá là một công cuộc Phúc âm hoá – tôi xin trích dẫn – “mới trong lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và mới trong cách diễn đạt”. Gioan Tẩy Giả là thầy của chúng ta, đặc biệt ở điều đầu tiên trong ba điều này, lòng nhiệt thành. Gioan không phải là một nhà thần học vĩ đại, ngài có một nền Kitô học rất thô sơ. Gioan vẫn chưa biết những tước hiệu cao nhất của Chúa Giêsu như: Con Thiên Chúa, Ngôi Lời, và thậm chí Con Người.

Gioan sử dụng những hình ảnh rất đơn sơ. “Tôi không xứng đáng cởi dây dép cho Người…” Nhưng, cho dù nền thần học của mình còn nghèo nàn, Gioan vẫn cố gắng làm cho mọi người cảm nhận được sự cao cả và độc đáo của Đức Kitô! Qua những lời của Gioan, thế giới và nhân loại xuất hiện và tất cả đều được chứa đựng như trong một cái hoặc một cái sàng mà Người, Đấng Mêsia, cầm và lắc trong tay. Trước mặt Người, ai đứng ai ngã, ai là lúa tốtai là trấu bị gió cuốn đi. Theo gương của Gioan Tẩy Giả, mọi người đều có thể là người rao giảng Tin Mừng!

Khi bình luận về những lời của Thánh Gioan Phaolô II mà tôi đề cập, có người đã nói rằng việc tân phúc âm hóa có thể và phải mới mẻ trong lòng nhiệt thành, trong phương pháp và trong cách diễn đạt”, nhưng không phải trong những nội dung, vốn luôn bắt nguồn từ mạc khải. Nói cách khác: có thể và phải có một cuộc tân Phúc âm hóa, nhưng không phải là một Tin Mừng mới.

Tất cả điều này là đúng sự thật. Không thể có nội dung thực sự và hoàn toàn mới. Tuy nhiên, có thể có những nội dung mới, theo nghĩa là trước đây chúng chưa được làm nổi bật đủ, và vẫn nằm trong bóng tối, hoặc bị đánh giá thấp. Thánh Grêgôriô Cả đã nói: “Scriptura cum legentibus crescit” (Moralia in Job, 20, 1, 1), Kinh thánh phát triển cùng với những ai đọc nó. Và trong một đoạn văn khác, ngài giải thích tại sao. Thánh nhân nói “Thật vậy, người ta càng hiểu [Kinh thánh] sâu sắc hơn khi người ta chú ý đến chúng hơn” (Hom in Ez. I, 7, 8). Sự tăng trưởng này đạt được trước hết ở cấp độ cá nhân trong sự tăng trưởng về sự thánh thiện; nhưng nó cũng được hiện thực hóa ở mức độ phổ quát, khi Giáo hội tiến bước trong lịch sử.

Điều đôi khi khiến người ta khó chấp nhận “sự tăng triển” mà Thánh Grêgôriô Cả nói đến là việc thiếu quan tâm đến lịch sử tiến triển của giáo lý Kitô giáo từ nguồn gốc cho đến ngày nay, hoặc một kiến thức rất hời hợt về lịch sử. Trên thực tế, lịch sử này chứng tỏ rằng sự tăng trưởng vẫn luôn ở đó, như Đức Hồng Y John Newman đã chứng minh trong một bài luận nổi tiếng của ngài.

Mc khải – Kinh thánh và Truyền thống cùng nhau – phát triển theo những yêu cầu và thách thức được đặt ra trong suốt lịch sử. Chúa Giêsu đã hứa với các tông đồ rằng Đấng An ủi sẽ hướng dẫn họ “đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13), nhưng Người không nói rõ là bao lâu, nghĩa là trong một hay hai thế hệ, hoặc – như mọi thứ dường như đều cho thấy – bao lâu Giáo hội còn là lữ hành trên trái đất.

Việc rao giảng của Gioan Tẩy Giả cho chúng ta cơ hội thực hiện một nhận xét quan trọng liên quan đến “sự phát triển” này của lời Chúa mà Chúa Thánh Thần tác động trong lịch sử. Trên hết, truyền thống mang tính phụng vụ và thần học đã đón nhận tiếng kêu của Gioan Tẩy Giả: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian!” Phụng vụ công bố lại câu này trong mỗi Thánh lễ trước hiệp lễ, sau khi cộng đoàn hát ba lần: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”.

Tuy nhiên, trên thực tế, điều này chỉ thể hiện một nửa lời tiên tri của Gioan Tẩy Giả về Đức Kitô. Trong cùng bối cảnh và trong bốn Tin Mừng, Gioan trình bày Đức Kitô là Đấng “làm phép rửa trong Thánh Thần!” (Ga 1,33; Mt 3,11). Do đó, ơn cứu độ của Kitô giáo không chỉ là một điều tiêu cực,xóa bỏ tội lỗi”. Trên hết, ơn cứu độ là một điều gì đó tích cực: đó là một “sự trao tặng”, một sự thấm nhuần sự sống mới, sự sống của Thánh Thần. Đó là một sự tái sinh.

Sự giải thoát khỏi tội lỗi dường như là cách thế và điều kiện để nhận được hồng ân Thánh Thần, mục đích tối hậu, và hồng ân cao cả nhất. Chương 3 của Thư gửi tín hữu Rôma về công chính hóa kẻ tội lỗi không bao giờ được tách rời khỏi chương 8 về ân sủng của Thánh Thần, với sứ điệp về sự giải thoát sẽ vang vọng thường xuyên hơn trong lời rao giảng của chúng ta: “Vậy giờ đây, những ai ở trong Ðức Kitô Giêsu, thì không còn bị lên án nữa. Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Ðức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8:1-2).

Chắc chắn, khía cạnh tích cực này chưa bao giờ bị lãng quên. Nhưng có lẽ chúng ta  vẫn chưa nhấn mạnh đủ điều này. Trong linh đạo phương Tây, chúng ta có nguy cơ nhìn Kitô giáo theo cách “tiêu cực”, như là giải pháp cho vấn đề nguyên tội; vì thế, như một điều gì đó u ám và buồn bã. Điều này giải thích, ít nhất một phần, sự phản đối của nó đối với các lĩnh vực văn hóa lớn, chẳng hạn như những lĩnh vực được đại diện trong triết học của Nietzsche và trong văn học bởi nhà viết kịch người Na Uy Ibsen. Hiện nay, việc chú ý nhiều hơn đến hoạt động của Chúa Thánh Thần và các đặc sủng của Ngài trong tất cả các Giáo hội Kitô là một ví dụ cụ thể về việc Kinh thánh “phát triển với những ai đọc nó”.

Từ trời cao, Các Thánh thích tiếp tục sứ mạng mà các ngài đã thực hiện khi còn tại thế. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu – năm nay kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ngài – đã coi đây như một điều kiện để được lên thiên đàng. Thánh Gioan Tẩy Giả cũng thích tiếp tục vị tiền hô của Đức Kitô, ngài thích dọn đường cho Đức Kitô. Hãy cho ngài mượn giọng nói của chúng ta!

Khi chiêm ngưỡng bức tranh vị Tiền hô trong Deesis, với đôi tay dang rộng về phía Đức Kitô và ánh mắt van nài, Giáo hội Chính thống dâng lên ngài lời cầu nguyện mà chúng ta có thể biến thành của riêng mình:

Bàn tay đã chạm vào đầu Chúa Giêsu và bàn tay mà ngài đã chỉ cho chúng con Đấng Cứu thế, giờ đây, lạy Thánh Gioan Tẩy Giả, xin hãy mở rộng bàn tay đó về phía Chúa Giêsu để cầu bầu cho chúng con, nhờ sự đảm bảo mà ngài được hưởng, vì, theo lời chứng của chính Chúa Giêsu, ngàingười vĩ đại nhất trong số các ngôn sứ; Lạy Thánh Gioan Tẩy Giả, xin hãy hướng đôi mắt mà ngài đã thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu về phía Chúa Giêsu, để Người tỏ cho chúng con ân sủng của Người. Amen.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: cantalamessa.org

Đọc thêm bài 2: Em thật có phúc, vì đã tin!