BÀI GIẢNG THỨ SÁU TUẦN THÁNH
CỦA VỊ GIẢNG THUYẾT PHỦ GIÁO HOÀNG
NĂM 1985: “SỰ CÔNG CHÍNH CỦA THIÊN CHÚA ĐƯỢC TỎ HIỆN”
Đây là bài giảng của Đức Hồng y Raniero Cantalamessa OFM
Cap, giảng thuyết Phủ Giáo Hoàng, vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1985 với sự hiện
diện của Đức Giáo Hoàng và Giáo triều Roma. Mở đầu bài giảng, ngài nói:
Có
một người vừa là Kitô hữu vừa là thi sĩ, dùng ngôi thứ ba để kể câu chuyện về
hành vi tin lớn nhất của đời mình theo cách thức sau đây:
“Một
người kia – chúng ta biết rằng người này chính là ông – có ba con trai. Một hôm
chúng bị bệnh. Vợ ông sợ quá đến nỗi bà nhìn vào bên trong bà, trán nhíu lại,
không thể nói lên lời. Nhưng ông là một người đàn ông: ông không ngại lên tiếng.
Ông hiểu rằng không thể để tình trạng đó tiếp tục. Lúc ấy, ông có một cử chỉ
táo bạo. Chính ông cũng hơi ngạc nhiên. Phải nói là hành vi táo bạo khi ông ẵm
ba đứa lên, đặt cả ba một trật, như trò chơi, lên cánh tay của bà vú khiến bà
này vừa tức cười vừa la lên, vì ông làm quá và bà không có sức mang cả ba đứa.
Nhưng ông, vốn mạnh mẽ như một người đàn ông, bằng lời cầu nguyện đã đưa cả ba
đứa con đau bệnh và lặng lẽ đặt nơi cánh tay của Bà Chúa mang tất cả những nỗi
đau khổ của thế giới (ông đã có lần hành hương tới Chartres, để phó thác các
con của mình cho Đức Mẹ). Ông nói: “Mẹ thấy đấy, con trao chúng cho Mẹ và trở về
nhà, con chạy trốn đây, để Mẹ không trao chúng lại cho con. Con không muốn vậy,
Mẹ biết mà! Ông vui mừng biết bao vì thấy mình có can đảm làm chuyện này. Kể từ
hôm đó dĩ nhiên là mọi sự suôn sẻ, vì đã có Đức Thánh Trinh Nữ quan tâm. Dầu vậy
thực lạ lùng là mọi người Kitô hữu không làm như thế. Một việc quá đơn giản;
người ta không bao giờ nghĩ tới một việc đơn giản. Nói tắt, người ta ngu ngốc,
tốt hơn là nói ngay ra như vậy” [1].
Tôi
bắt đầu hơi khác thường bằng câu chuyện về “cú táo bạo” này, vì hôm nay chúng
ta được lời Chúa mời gọi làm một cú tương tự. Để cắt nghĩa trước ý nghĩa cái chết
của mình trên thập giá, có lần Đức Giêsu đã nói: “Như ông Môsê đã
giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,
để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,14-15). Thế nên tin
là công trình lớn phải thực hiện ngày Thứ Sáu Thánh trước mặt Đức Giêsu chịu
đóng đinh. Ngài đã được giương lên cao trên thập giá, và ở đó cách mầu nhiệm
cho tới tận thế (cho dù Ngài đã sống lại), để nhân loại tin bằng cách chiêm ngắm
Ngài.
Thế
nhưng chúng ta phải tin gì? Trong thư Rôma, thánh Phaolô viết: “Ngày
nay sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện […] nhờ lòng tin vào Đức
Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai. Mọi người đã
phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa.” Mọi người, không phân
biệt. Khác biệt duy nhất là một số người thì biết điều đó, số khác thì chưa, số
khác nữa thì đã quên. Vậy mọi người đều đã phạm tội. “Nhưng họ được trở
nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện
trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt Người làm hy tế xá tội nhờ máu của Người
cho những ai có lòng tin” (Rm 3,21-25).
Đây
là điều chúng ta phải tin: trong Đức Kitô, Thiên Chúa làm cho ta có thể được
công chính hóa nhờ lòng tin, nghĩa là trở nên công chính, được tha thứ, cứu
thoát, trở thành những thụ tạo mới. Ý nghĩa sự “công chính của Thiên Chúa” là
như thế. Thiên Chúa thể hiện công chính bằng lòng thương xót.
***
Chính
nhờ lòng tin mà người ta đi vào trong tạo thành mới. Lúc khởi đầu sứ vụ, Đức
Giêsu đều nói bất cứ nơi nào Ngài đi qua: “Anh em hãy sám hối và hãy
tin” (Mc 1,15). Anh em hãy sám hối tức là anh em hãy tin, sám hối bằng
cách tin! Hãy đi vào trong vương quốc đã xuất hiện giữa anh em! Giờ đây, sau
khi Đức Giêsu sống lại, các tông đồ cũng lặp lại y như vậy, dựa vào Vương quốc
đã thật sự đến là Đức Kitô bị đóng đinh và đã sống lại.
Sự
hoán cải đầu tiên, có tính chất căn bản, là chính đức tin. Đức tin là cửa dẫn tới
ơn cứu độ. Nếu người ta nói với chúng ta: cửa là sự vô tội, là nghiêm giữ các
giới răn, là nhân đức này hay nhân đức khác, chúng ta hẳn sẽ nói: đó không phải
là cho tôi. Tôi không vô tội, tôi không có nhân đức đó. Nhưng nếu ai nói với
tôi: cửa là đức tin, thì hãy tin vào người đó. Điều này không quá cao đối với
tôi, cũng không quá xa tôi; nó không ở bên kia đại dương, ngược lại “Lời
Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng, lời khơi dậy đức tin
[…] Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa
đã làm cho người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ.” (Rm
10,8-9)
Nhưng
có rất nhiều loại đức tin: đức tin tán đồng (foi-assentiment), đức tin phó thác
(foi-confiance), đức tin vâng phục (foi-obéissance). Giờ đây là đức tin loại
nào cho chúng ta? Đây là một đức tin hoàn toàn đặc biệt: đức tin chiếm đoạt
(foi-appropriation). Đức tin làm một cú táo bạo. Thánh Bênađô nói:
“Theo
tôi, tất cả những gì còn thiếu cho tôi, tôi tin tưởng có được nó trong trái tim
của Chúa, vì Ngài đầy thương xót. Nhưng quả thực, nếu lòng thương xót của Chúa
có nhiều (x. Tv 119,156) thì cả tôi nữa, tôi cũng sẽ có dư tràn công phúc! Còn
sự công chính của tôi thì sao? Lạy Chúa, con chỉ nhớ đến sự công chính của
Chúa, vì nó cũng là của con, vì đối với con Chúa là sự công chính của Thiên
Chúa” [2].
Quả
thực, Kinh Thánh cho biết Đức Kitô Giêsu trở nên “khôn ngoan, công
chính, thánh hóa và Cứu Chuộc” (1Cr 1,30; x. 2Cr 5,21) vì chúng ta.
Những
điều trên là “vì chúng ta”, có nghĩa là “cho chúng ta”. Sự vâng phục của Đức
Giêsu trên thập giá là sự vâng phục của tôi, tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha
là tình yêu của tôi. Thậm chí cái chết của Ngài cũng thuộc về chúng ta, nó là
kho tàng lớn nhất của chúng ta, một lý lẽ để tha thứ mà không một tội lỗi nào của
chúng ta, dù nặng nề mấy đi nữa, có thể hủy bỏ. Như thể chính chúng ta đã chết,
phá hủy nơi chúng ta “thân xác tội lỗi này” (x. Rm 6,6). “Nếu
một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết.” (2Cr
5,14)
Đúng
là người ta không bao giờ nghĩ tới những điều đơn giản nhất. Đó là điều đơn giản
nhất, rõ ràng nhất trong Tân Ước, nhưng trước khi khám phá ra nó, chúng ta phải
trải qua quãng đường dài biết mấy! Thông thường người ta khám phá ra ở cuối, chứ
không ở đầu đời sống thiêng liêng. Tự căn bản, chỉ cần đơn giản thưa “vâng” với
Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dựng nên con người có tự do, để họ có thể tự do chấp
nhận sự sống và ân sủng; chấp nhận chính mình là một thụ tạo được Thiên Chúa
chúc phúc và ban ơn. Ngài chờ đợi lời thưa “vâng” của con người. Thay vào đó,
Ngài chỉ nhận được lời thưa “không”. Giờ đây, Thiên Chúa cho con người một cơ hội
thứ hai, một tạo thành mới, một điểm phát xuất mới. Ngài giới thiệu cho họ một
Thiên Chúa trên thập giá như một sự “xá tội” của Ngài, và hỏi: “Ngươi có muốn sống
trong ân sủng nhờ Ngài và nơi Ngài không?” Tin là đáp: “Thưa, con muốn!”, và
như vậy trờ thành thụ tạo mới, thành “tác phẩm của Thiên Chúa, được dựng
nên trong Đức Kitô Giêsu” (x. Ep 2,10).
***
“Cú
táo bạo” nói ở trên là như thế. Thật ngạc nhiên khi nhận ra rằng làm như vậy là
quá ít. Một Giáo phụ, thánh Cyrillô Giêrusalem, đã diễn tả bằng kiểu nói khác ý
tưởng về cú táo bạo này của đức tin như sau:
“Ôi
sự tốt lành lạ lùng của Thiên Chúa đối với con người! Những người công chính
trong Cựu Ước phải vất vả nhiều năm để làm hài lòng Thiên Chúa, nhưng điều họ
không đạt được qua thời gian lâu dài phục vụ Thiên Chúa thì Đức Giêsu ban điều
đó cho bạn trong khoảng một giờ. Vì “nếu bạn tin rằng Đức Giêsu Kitô là
Chúa và Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm
10,9), và bạn được đưa vào thiên đàng bởi chính Đấng đã đưa người trộm lành vào
đó (x. Lc 23,43)” [3].
Một
tác giả Kitô giáo khác thời xưa đã nói:
“Bạn
hãy hình dung một cuộc chiến đấu oai hùng đang diễn ra tại đấu trường. Một vị
anh hùng đã phải nỗ lực và vất vả kinh khủng đấu với một bạo chúa và đã thắng.
Còn bạn, bạn không phải chiến đấu, không mệt nhọc, không bị thương tích; nhưng
nếu từ khán đài, bạn khâm phục người anh hùng, vui mừng với người đó, với chiến
thắng của người đó, nếu bạn bện một vòng hoa cho người đó, khích động dân chúng
hoan hô người đó, vui mừng nghiêng mình trước người đó và ôm hôn người đó; tóm
lại, nếu bạn vui mừng đến độ coi cuộc chiến thắng của người đó như của mình, chắc
chắn bạn được chia sẻ thành quả của người thắng trận.
Nhưng
còn hơn thế nữa: giả sử người thắng trận không cần thành quả mình có được, mà
chỉ muốn cho người ủng hộ mình được vinh dự, muốn cho bạn mình được triều thiên
chiến thắng như thành quả của việc mình chiến đấu, thì trong trường hợp ấy, người
đó có được triều thiên ấy không, cho dù không phải vất vả hay chịu thương tích
nào? Đó là điều đã xẩy ra giữa Đức Kitô và chúng ta. Dù không phải vất vả chiến
đấu (có nghĩa là dù chưa có công trạng gì), nhưng nhờ đức tin (như chúng ta
đang làm điều đó trong phụng vụ này), chúng ta ca ngợi cuộc chiến đấu của Đức
Kitô, thán phục chiến thắng của Ngài, làm vẻ vang cho chiến quả của Ngài, và
chúng ta bày tỏ một tình yêu mạnh nẽ khôn tả đối với Đấng anh hùng quả cảm này;
chúng ta làm cho những vết thương và cái chết này trở thành của chúng ta!” [4].
Trong
sách Sử biên niên của Cựu Ước, chúng ta đọc thấy trước một cuộc chiến có tính
quyết đinh sắp xẩy ra cho dân Israel, Thiên Chúa dùng miệng một tiên tri nói
như sau: “Trong trận này các ngươi không phả chiến đấu, cứ án binh bất
động mà xem Đức Chúa, Đấng ở với các ngươi, sẽ giải thoát các ngươi như thế
nào.” (2Sbn 20,17). Những lời này được thực hiện hoàn toàn trong cuộc
chiến cuối cùng của Lịch sử: cuộc chiến giữa Đức Giêsu với Thủ lãnh thế gian
này.
Nhờ
đức tin, chúng ta thu hoạch nơi chúng ta đã không gieo; không phải chúng ta đã
giao chiến, nhưng chính chúng ta lại là những người được phần thưởng. Một khả
thể khó tin mà Thiên Chúa ban cho con người trong Đức Kitô. Nó làm thành “vụ việc”
duy nhất thật sự của đời sống, vì nó kéo dài đến muôn đời, làm cho chúng ta “giầu
có” cho đời sống vĩnh cửu. Đó lại không phải là một vận may kỳ lạ sao?
***
Thánh
Phaolô nói: “Giờ đây, sự công chính của Thiên Chúa được tỏ hiện”.
“Giờ đây” tiên vàn có nghĩa là thời khắc lịch sử lúc Đức Kitô chết trên thập
giá; nó còn có nghĩa là thời khắc bí tích lúc chúng ta chịu phép Rửa, khi chúng
ta “được tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính” (x. 1Cr 6,11); cuối cùng
nó có nghĩa là thời khắc hiện tại, ngày hôm nay của đời sống chúng ta. Giờ mà
chúng ta đang sống. Vậy đây là việc được thực hiện lúc này, ngay tức khắc; việc
mà tôi – không phải người khác thay tôi – phải làm, mà nếu không có nó thì mọi
sự thành trống rỗng. Sự công chính hóa bởi đức tin thật sự là khởi đầu của đời
sống thiêng liêng; không phải một sự khởi đầu sớm bị vượt qua do những hành vi
và bổn phận khác, nhưng là sự bắt đầu luôn hiện tại, phải thực hiện hay không
ngừng làm lại, giống như mọi lúc bắt đầu một cuộc sống. Thiên Chúa luôn là Đấng
yêu thương trước tiên, công chính hóa trước tiên, một cách nhưng không. Vì vậy
con ngươi luôn phải là kẻ để mình được công chính hóa cách nhưng không bởi đức
tin.
Trong
một bài giảng lễ xưa, được gán cho thánh Gioan Kim Khẩu, người ta đọc thấy như
sau:
“Đối
với bất kỳ ai, nguyên lý của sự sống là nguyên lý khởi đi từ việc Đức Kitô chịu
sát tế vì họ. Nhưng Đức Kitô chịu sát tế vì họ lúc họ nhận biết một ân sủng như
thế và ý thức về sự sống mà việc sát tế này gây ra cho họ” [5].
Vậy
trong chính lúc này, Đức Kitô chịu sát tế vì ta; mọi sự đều thật, hiện tại và
đang tác động cho ta, nếu chúng ta ý thức về việc Đức Kitô đã làm cho ta, nếu
ta xác nhận việc đó bằng một hành vi tự do, nếu ta ca mừng và tạ ơn về những gì
Ngài đã thực hiện trên thập giá.
Tôi
có thể trở về nhà chiều nay với chiến lợi phẩm quý giá nhất. Tôi có thể làm một
cú táo bạo làm tôi sung sướng đến muôn đời. Tôi có thể lại đặt tội lỗi của tôi
giữa những cánh tay của Đức Kitô trên thập giá, như người cha kia đã đặt ba đứa
con nhỏ đau bệnh giữa những cánh tay của Đức Thánh Trinh Nữ, rồi chạy trốn,
không quay lại, sợ phải mang lại chúng. Tiếp đến, tôi có thể tin tưởng đứng trước
Cha trên trời mà thưa lên: “Giờ đây xin nhìn đến con, nhìn đến con, lạy Cha; vì
giờ đây, con là Giêsu của Cha. Sự công chính của Ngài ở trên con, Ngài đã mặc
cho con áo cứu độ, Ngài đã khoác cho con áo choàng công chính.” (x. Is 61,10)
Vì Đức Kitô đã mang lấy tội lỗi của tôi và tôi mặc lấy sự thánh thiện của
Ngài. “Tôi đã mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27), “Công trình
Chúa làm Chúa được hân hoan” (Laetetur Dominus in operibus suis) (Tv
104,31). Ngày thứ sáu của tuần lễ tạo dựng, ngày Đức Kitô chịu chết, Thiên Chúa
nhìn ngắm tạo thành, và Người thấy rằng nó lại “rất tốt đẹp” (x. St 1,31).
Thánh
Tông Đồ nói: “Vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng còn gì để hãnh diện” (Rm
3,27). Không còn chỗ cho sự ghen tuông ghê sợ đã làm hư hỏng tạo thành đầu
tiên. Tất cả đều là ân sủng. “Không một ai tự chuộc nổi mình và trả được giá thục
hồi cho Thiên Chúa.” (Tv 49,8). Chính Thiên Chúa đã chuộc ta bằng máu Đức Kitô.
Vậy chẳng còn gì để hãnh diện. Tuy nhiên, có một điều khiến con người có thể
hãnh diện, là có thể “hãnh diện về thập giá của Đức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta” (Gl 6,14); “Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa!” (1Cr
1,31) Người đó có thể tự hào về Thiên Chúa. Người đó có thể có sự tôn vinh nào
đẹp đẽ hơn sự tôn vinh đó, trên trời hay dưới đất? Ai lại điên rồ để thích sự
công chính riêng của mình hơn đối tượng của vinh danh này? Vâng, chúng con sẽ
tôn vinh Chúa, đến muôn đời!
Lm. Micae Trần Đình Quảng
Chuyển ngữ từ: Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB,
2018, pp. 73-81
Nguồn: simonhoadalat.com