BÀI GIẢNG THỨ SÁU TUẦN THÁNH
CỦA VỊ GIẢNG THUYẾT PHỦ GIÁO HOÀNG
NĂM 1983: “BỊ ĐÓNG ĐINH VÌ MANG THÂN PHẬN YẾU HÈN,
ĐỨC KITÔ ĐANG SỐNG
NHỜ QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA”
Đây là bài giảng của Đức Hồng y Raniero Cantalamessa OFM
Cap, giảng thuyết Phủ Giáo Hoàng, vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1983 với sự hiện
diện của Đức Giáo Hoàng và Giáo triều Roma. Mở đầu bài giảng, ngài nói:
Trong
cả sách Kinh Thánh, bên cạnh mạc khải về quyền năng của Thiên Chúa, có một mạc
khải âm thầm mà chúng ta có thể gọi là mạc khải về sự yếu hèn của Thiên Chúa. Sự
yếu hèn này gắn liền với điều mà Kinh Thánh thường gọi là: “lòng bồi hồi
thương xót của Thiên Chúa chúng ta” (x. Gr 31,20; Lc 1,78) Có thể nói
nó khiến Người thành bất lực trước con người tội lỗi và phản loạn. Dân “dứt
khoát không trở về”, “cứ phản bội mãi” (x. Gr 8,5). Và
Thiên Chúa đáp lại như thế nào? Người nói: “Ta từ chối ngươi sao nổi? Hỡi
Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành?...Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs
11,8). Như để xin lỗi về sự yếu hèn này, Thiên Chúa nói: “Có người mẹ
nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng
đẻ đau?” (Is 49,15) Thực ra, tình yêu này là tình yêu của người mẹ
tiêu biểu nhất. Nó phát xuất từ chỗ sâu thẳm nơi thụ tạo được hình thành và rồi
chiếm đoạt tất cả con người của người đàn bà – thân xác và linh hồn – làm cho
bà cảm thấy con mình như một phần của chính mình, bà sẽ không bao giờ có thể cắt
đứt mà không có một sự xâu xé sâu xa tất cả con người của bà.
Thế
nên lý do của sự yếu hèn nơi Thiên Chúa là tình yêu của Ngài đối với con người.
Thấy người yêu bị chính tay nó hủy hoại mà không thể làm gì. Khi người cha hoặc
người mẹ nhìn thấy con mình chết dần chết mòn ngày này qua ngày khác vì ma túy,
và thậm chí không thể ám chỉ đến điều xấu thực sự, vì sợ hoàn toàn mất con, thì
họ biết chuyện đó là gì.
Nhưng
người ta sẽ nói: Thiên Chúa toàn năng lại không thể ngăn cản điều đó sao? Chắc
chắn Ngài có thể, nhưng cùng một lúc sẽ là phá hủy sự tự do của con người, tức
là phá hủy chính con người. Vì vậy Ngài chỉ có thể cảnh báo, van xin, đe dọa,
và đó là điều Ngài luôn làm qua trung gian các tiên tri.
Tuy
nhiên chúng ta không biết Thiên Chúa đau khổ đến mức nào, bao lâu sự đau khổ ấy
chưa hiện thân trước mắt chúng ta trong cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô. Cuộc Khổ Nạn
của Đức Kitô chỉ là biểu hiện lịch sử và hữu hình về sự đau khổ của Chúa Cha vì
con người. Chính là sự biểu hiện tột cùng về sự yếu hèn của Thiên
Chúa. Theo thánh Phaolô, Đức Kitô “chịu đóng đinh vì mang thận phận yếu
hèn” (2Cr 13,4). Con người đã thắng Thiên Chúa, tội lỗi đã chiến thắng
và đang đứng trước thập giá Đức Kitô như kẻ thắng trận. Ánh sáng lại bị bóng tối
bao phủ. Nhưng chỉ một lúc thôi: Đức Kitô đã bị đóng đinh vì sự yếu hèn của
mình, nhưng, như cũng thánh Tông Đồ nói ngay, “Ngài đang sống nhờ quyền
năng của Thiên Chúa”. Ngài đang sống, Ngài đang sống! Chính Ngài bây
giờ đang lặp lại cho Giáo hội: “Ta đã chết và nay Ta sống đến muôn thuở
muôn đời. Ta giữ chìa khóa của tử thần và âm phủ” (Kh 1,18). Quả thực, “cái
yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr
1,25). Chính xác thập giá đã trở nên “quyền năng của Thiên Chúa, khôn
ngoan của Thiên Chúa (x. 1Cr 1,24), chiến thắng của Thiên Chúa. Thiên
Chúa chiến thắng mà vẫn mang thân phận yếu hèn, nhưng cũng đưa nó tới cực điểm.
Ngài không để mình bị lôi kéo hành xử như kẻ thù: “bị nguyền rủa, Ngài
không nguyền rủa lại” (1Pr 2,23). Ngài không phản ứng trả đũa ý của
con người muốn hủy hoại Ngài, nhưng Ngài muốn cứu vớt nhân loại. Ngài
nói: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối
và được sống.” (x. Ed 33,11) Theo một kinh nguyện của Giáo hội, Thiên
Chúa bầy tỏ sự toàn năng của mình bằng sự thương xót và tha thứ (parcendo et miserando).
Trước tiếng hò la của dân chúng: “Đóng đinh nó đi!”, Ngài đáp
lại: “Lạy Cha, xin tha cho họ!” (Lc 23,34)
Trên
thế giới, không có từ nào giống như những từ đó: Lạy Cha, xin tha cho họ! Chúng
chứa đựng tất cả sự quyền năng và thánh thiện của Thiên Chúa; đó là những từ
không chế ngự được. Không việc xấu nào có thể chiến thắng chúng, vì chúng được
nói ra khi xẩy ra việc xấu nhất, lúc sự dữ mang hình thức tột đỉnh, không sự dữ
nào xấu hơn. “Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng. Hỡi tử thần,
đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1Cr
15,54-55) Những lời trên đây giống như nhưng lời thuộc bí tích. Chúng cũng “gây
ra bằng cách biểu thị” theo cách của chúng. Chúng diễn tả tất cả ý nghĩa và mục
đích của cuộc Khổ Nạn – là hòa giải thế giới với Thiên Chúa – và bằng cách diễn
tả những điều đó, chúng làm cho những điều đó trở thành hiện tại.
***
Loại
hòa giải này bắt đầu ngay chung quanh thập giá, với những người đóng đinh Đức
Kitô. Tôi xác tín rằng những người đóng đinh Dức Kitô đã được cứu và chúng ta sẽ
gặp lại họ trên Thiên đàng. Họ sẽ ở đó để muôn đời minh chứng cho sự tốt lành của
Chúa. Đức Giêsu đã cầu nguyện cho họ với tất cả uy tín của mình và Chúa Cha, Đấng
luôn nhậm lời cầu xin của Con mình khi còn ở dương thế (x. Ga 11,42), không thể
không nhậm lời cầu xin này của Con lúc sắp lìa đời. Sau những người đóng đinh
là người trộm lành, rồi viên sĩ quan Rôma (x. Mc 11,42), tiếp đến là đám đông
sám hối ngày lễ Ngũ Tuần. Đó là đoàn người không ngừng thêm đông, tới chỗ bao gồm
cả chúng ta đang ở đây chiều nay để cử hành cuộc Tử Nạn của Đức Kitô. Thiên
Chúa đã nói về “Người Tôi Trung” qua trung gian tiên tri Isaia: “Vì thế,
Ta sẽ ban cho người muôn người làm gia sản…bởi vì người đã hiến thân chịu chết,
đã bị liệt vào hàng tội nhân, nhưng thật ra người đã mang lấy tội muôn người và
can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Isaia 53,12). Vì Ngài đã cầu xin cho
kẻ có tội khi nói: “Lậy Cha, xin tha cho họ”. Thiên Chúa đã ban đám
đông cho Đức Giêsu Nadaret làm phần thưởng!
Những
con người khác là chúng ta có một nhãn quan lệch lạc về việc Cứu Chuộc, và tạo
ra nhiều khó khăn cho đức tin của chúng ta. Chúng ta hình dung một loại thương
lượng: Đức Giêsu, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và linh hồn, trả cho Chúa Cha
giá chuộc là máu Ngài, và Chúa Cha, “được đền bồi”, tha thứ cho con người lỗi của
họ. Thế nhưng đó là một cái nhìn rất con người, không chính xác hoặc, ít nhất,
chỉ đúng một phần, thậm chí, nói theo con người, là không thể chấp nhận: một
người cha phải cần đến máu của con mình mới nguôi cơn giận sao? Sự thật hoàn
toàn khác, sự đau khổ của Chúa Con như yếu tố đầu tiên (sự đau khổ ấy là tự
nguyện, tự do), tạo nên một điều gì đó quá quý giá trước mắt Chúa Cha đến độ, về
phần mình, Chúa Cha đáp lại bằng cách ban cho Chúa Con một quà tặng lớn nhất
chưa từng có: cho Chúa Con một đoàn anh em đông đảo, biến Ngài thành “trưởng
tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Thiên Chúa nói: “Con cứ
xin, rồi cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng, toàn cõi đất làm phần
lãnh địa” (Tv 2,8).
Thế
nên không phải Chúa Con trả nợ cho Chúa Cha, nhưng đúng hơn, Chúa Cha trả nợ
cho Chúa Con, trả lại cho Chúa Con “mọi con cái đang tản mác” (x. Ga 11,58). Và
Ngài trả nợ với tư cách là Thiên Chúa, theo cách thức vô biên, vì không ai có
thể, ngay cả từ xa, hình dung nổi vinh quang và niềm vui mà Chúa Cha đã ban cho
Đức Kitô Phục Sinh.
***
Bình
giải kinh “Lạy Cha”, một thi sĩ tín hữu đã đặt vào miệng Thiên Chúa những lời
sau đây, những lời còn thật hơn nếu chúng ta áp dụng cho lời cầu nguyện của Đức
Giêsu trên thập giá, như chúng ta đang làm lúc này:
“Cũng
như đường rẽ sóng của một con tầu đẹp đang mở rộng và mất hút;
Nhưng
bắt đầu bằng một mũi nhọn, và mũi nhọn này đi đến với ta.
Và
con tầu này là con của ta, đang mang tất cả tội lỗi thế gian
Và
mũi nhọn này chính là ba hay bốn từ: Lạy Cha, xin tha cho họ….” [1].
Đường
rẽ sóng của “con tầu” này có lẽ đi qua bên cạnh chúng ta, ngay lúc này đây,
trong lễ Vượt Qua này: chúng ta đừng đứng ở ngoài, nhưng hãy nhờ lòng thương
xót của Thiên Chúa che chở; hãy trú ẩn nơi mũi nhọn này. Hãy nhập đoàn hân hoan
của những người được Con Chiên giải thoát.
Chính
Giáo hội lúc này đây đang dùng lời của thánh tông đồ Phaolô mà nài xin chúng
ta: “Hãy làm hòa cùng Thiên Chúa!” (2Cr 5,20). Thiên Chúa đã
chịu khổ vì bạn, đặc biệt vì bạn, và Ngài sẽ sẵn sàng lại chịu khổ, nều điều đó
cần thiết để cứu bạn. Tại sao bạn lại muốn lạc xa? Tại sao bạn làm cho Chúa phải
khổ khi cho rằng tất cả những cái đó không liên hệ gì tới bạn? Thiên Chúa không
liên quan đến bạn, nhưng bạn liên quan đến Thiên Chúa! Đến độ Ngài đã chết vì bạn.
Hãy cảm thương với Thiên Chúa của bạn, đừng độc ác với Người cũng như với bạn.
Hãy chuẩn bị trong tâm hồn bạn những lời để nói như người con hoang đàng, và
hãy lên đường về với Người vì Người đang đợi bạn.
Chúng
ta biết lý do khiến nhiều người không muốn làm hòa củng Thiên Chúa. Người ta bảo:
có quá nhiều đau đớn vô tội trên thế giới, quá nhiều thống khổ bất công. Hòa giải
với Thiên Chúa sẽ là thỏa hiệp với bất công, là chấp nhận sự đau đớn của những
người vô tội và tôi không muốn chấp nhận điều đó! Người ta không thể tin vào một
Thiên Chúa để cho những người vô tội phải khổ [2];
sự đau khổ của những người vô tội là “đá tảng của chủ thuyết vô thần [3]”.
Tuy
nhiên, đó chính là một cái bẫy đáng sợ! Những người vô tội đó giờ đây đang hát
lên bài ca mừng chiến thắng của Con Chiên: “Ngài xứng đáng lãnh nhận cuồn
sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho
Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân” (Kh
5,9). Họ đang đi theo “đường rẽ sóng” của Con Chiên, trong khi chúng ta đứng
trên “đá tảng” bất hạnh. Phải, có nhiều nỗi đau đớn vô tội trên thế giới, nhiều
đến độ chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng nổi, nhưng nó không giữ người
đau khổ phải xa Thiên Chúa một thời gian lâu (Vả lại, Thiên Chúa liên kết họ với
Ngài hơn bất cứ điều gì ở thế gian này), nhưng chỉ giữ những ai ngồi ở chỗ tiện
nghi viết tiểu luận hay nghị luận trên giấy về nỗi khổ của những người vô tội.
Những người vô tội phải khổ (bắt đầu với hàng triệu trẻ em bị giết chết khi còn
nằm trong bụng mẹ) làm thành “đám đông” với Con Thiên Chúa vô tội. Dù được rửa
tội hay không, họ thuộc về Giáo hội rộng lớn và ẩn kín, bắt đầu với người công
chính Abel và bao gồm tất cả những người bị bách hại, những nạn nhân của tội lỗi
trên thế giới: Giáo hội từ Abel. Sự đau khổ là phép rửa bằng máu của
họ. Cũng như các Thánh Anh Hài, được Giáo hội kính nhớ ngay sau lễ Giáng Sinh,
họ tuyên xưng Đức Kitô, không phải bằng lời nói, nhưng bằng cái chết. Họ là muối
đất. Cũng như cái chết của Đức Kitô là tội lỗi lớn nhất của nhân loại, đồng thời
cũng là sự cứu độ của nhân loại, cũng vậy, sự đau khổ của hàng triệu nạn nhân của
đói khát, bất công và bạo lực là lầm lỗi lớn nhất hiện nay của nhân loại, và đồng
thời góp phần vào việc cứu nhân loại. Nếu chúng ta chưa chìm đắm, có lẽ chúng
ta cũng mắc nợ họ.
Và
chúng ta hẳn nghĩ rằng tất cả những cái đó chỉ là đống vữa vô ích chăng? Chúng
ta tưởng rằng đó là một sự đau khổ chỉ thuần mất mát, vì chúng ta không còn tin
thật vào phần thưởng vĩnh cửu của những người công chính và vào sự trung tín của
Thiên Chúa. Không phải là không thể cắt nghĩa sự đau khổ làm cho người ta mất đức
tin, nhưng chính sự mất đức tin khiến cho không thể cắt nghĩa được sự đau khổ.
***
Chính
lúc này đây Thiên Chúa nói với các mục tử của dân Người, trong một ngày như
ngày hôm nay: “Hãy tha thứ như Ta tha thứ. Ta tha thứ tận đáy lòng, Ta có lòng
thương xót, vì sự lầm than của dân Ta. Cả các con nữa, các con đừng đọc những
“công thức” xá giải tốt đẹp chỉ bằng miệng. Ta muốn không những dùng môi miệng
các con, mà cả tâm hồn các con. Cả các con nữa, hãy “động lòng thương” (Is
63,15; Gr 31,20 v.v.). Không tội nào là quá nặng, quá đáng sợ đối với các con.
Luôn tự nhủ và cũng nói điều đó cho người anh em ở trước mặt: “ Phải, nhưng
lòng thương xót của Thiên Chúa còn lớn hơn rất nhiều.” Các con hãy là người cha
trong dụ ngôn đi gặp đứa con hoang đàng, ôm choàng lấy cổ nó. Chớ gì mọi người
không cảm thấy Giáo hội đang xét xử mình cho bằng đang thương xót và cảm thông
với mình. Đừng ra ngay những việc đền tội mà hối nhân chưa thể thi hành. Tốt
hơn là chính các con đền tội thay cho họ, và nhu vậy các con sẽ giống Con Ta.
Ta yêu thương những người con lạc đường này, vì vậy Ta cũng sẽ giúp họ có thể đền
bồi tội lỗi của họ vào lúc thuận tiện. Hãy yêu thương, yêu thương dân Ta được
Ta yêu mến.
Với
những ai đang đau khổ trong linh hồn và thân xác, những người già cả, bệnh tật,
thấy mình như vô ích và là gánh nặng cho xã hội, và có lẽ từ giường bệnh với
thái độ ghen tức, thấy người đứng ngay bên mà được khỏe mạnh, tôi muốn nói với
tất cả sự khiêm tốn rằng: hãy coi Thiên Chúa đã hành xử thế nào! Trong việc tạo
dựng, có một lúc Thiên Chúa cũng đã hành động đầy quyền năng và niềm vui: Ngài
đã phán và mọi sự liền có, Ngài điều khiển và mọi sự tồn tại. Nhưng khi Ngài muốn
làm điều gì đó lớn hơn, Ngài đã ngưng hành động và bắt đầu chịu đau khổ; Ngài
đã phát minh ra sự tự hủy, và chính như thế mà Ngài cứu chuộc ta. Bởi vì, ngay
cả nơi Thiên Chúa chứ không chỉ nơi con người, “sức mạnh của Thầy được
biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9). Bạn đang má kề má với
Đức Kitô trên thập giá. Nếu bạn đau khổ vì lỗi lầm của người nào đó, hãy cùng với
Đức Giêsu thưa lên: “Lạy Cha, xin tha cho họ” và Chúa Cha cũng
ban cho bạn người anh em này “làm phần thưởng”, cho đời sống vĩnh cửu.
Cuối
cùng, tôi muốn nói một lần nữa với mọi người tin vĩ đại của ngày hôm nay: Đức
Kitô đã bị đóng đinh vì sự yếu đuối của Ngài, nhưng đang sống nhờ quyền năng của
Ngài.
Lm. Micae Trần Đình Quảng
Chuyển ngữ từ: Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB,
2018, pp. 53-61
Nguồn: simonhoadalat.com