NỘI DUNG CHÍNH Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 6 Thường Niên năm C (14/02/2010) - Công lý và các mối phúc |
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 6 Thường Niên năm C (16/02/2025) - Năm Thánh dành cho giới nghệ sĩ và văn hoá
Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu công bố các Mối Phúc trước các môn đệ và đám đông dân chúng. Chúng ta đã nghe những lời này nhiều lần, nhưng những lời này không ngừng làm chúng ta kinh ngạc: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 6,20-21). Những lời này đảo lộn luận lý của thế gian và mời gọi chúng ta nhìn thực tại bằng đôi mắt mới, bằng cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng nhìn thấy vượt xa vẻ bề ngoài và nhận ra vẻ đẹp ngay cả trong sự mong manh và đau khổ.
Phần thứ hai dùng những lời nghiêm khắc và cảnh báo: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than” (Lc 6,24-25). Sự tương phản giữa “phúc cho anh em” và “khốn cho các ngươi” nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc phân định về nơi chúng ta đặt sự an toàn của mình.
Các nghệ sĩ và những người làm văn hóa, anh chị em được mời gọi làm chứng cho tầm nhìn cách mạng của các Mối Phúc. Sứ mạng của anh chị em không chỉ là tạo ra cái đẹp, mà còn làm tỏ lộ sự thật, lòng nhân hậu và vẻ đẹp ẩn giấu trong những nếp gấp của lịch sử, là lên tiếng cho những người không có tiếng nói, biến đổi nỗi đau thành hy vọng.
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ khủng hoảng phức tạp, vừa là khủng hoảng kinh tế và xã hội, nhưng trước hết là khủng hoảng của tâm hồn, khủng hoảng ý nghĩa. Chúng ta đặt ra câu hỏi về thời gian và hướng đi. Chúng ta là những người lữ hành hay những kẻ lang thang? Chúng ta bước đi với một đích nhắm hay đang lạc lối trong sự mông lung? Nghệ sĩ là người có nhiệm vụ giúp nhân loại không đánh mất phương hướng, không làm mờ đi chân trời hy vọng.
Nhưng hãy lưu ý: không phải một hy vọng dễ dãi, hời hợt, thoát ly thực tế. Không! Hy vọng đích thực đan xen với bi kịch của hiện hữu con người. Nó không phải là nơi trú ẩn thoải mái, mà là ngọn lửa đốt cháy và soi sáng, như Lời Chúa. Vì thế, nghệ thuật đích thực luôn là cuộc gặp gỡ với mầu nhiệm, với vẻ đẹp vượt xa chúng ta, với nỗi đau chất vấn chúng ta, với sự thật kêu gọi chúng ta. Nếu không, thì sẽ “khốn” thay! Chúa nghiêm khắc trong lời kêu gọi của Người.
Như nhà thơ Dòng Tên Hopkins đã viết: “Thế giới đầy tràn sự vĩ đại của Thiên Chúa. / Nó sẽ loé sáng như ánh lấp lánh của tấm chớp ánh bạc”. Đây là sứ mạng của nghệ sĩ: khám phá và làm tỏ lộ sự vĩ đại ẩn giấu đó, làm cho nó được cảm nhận bằng đôi mắt và trái tim chúng ta. Cũng nhà thơ ấy đã cảm nhận trong thế giới một “tiếng vọng bằng chì” và một “tiếng vọng bằng vàng”. Nghệ sĩ nhạy cảm với những tiếng vọng này và, qua tác phẩm của mình, thực hiện sự phân định và giúp người khác phân biệt giữa những tiếng vọng khác nhau trong những biến cố của thế giới. Và những người nam nữ làm văn hóa được mời gọi đánh giá những tiếng vọng này, giải thích chúng và soi sáng con đường dẫn dắt chúng ta: đó là tiếng hát của những nàng tiên cá quyến rũ hay là tiếng gọi của nhân tính đích thực nhất của chúng ta. Anh chị em thân mến, anh chị em được mời gọi có sự khôn ngoan để phân biệt điều gì là “như trấu bị gió cuốn đi” với điều gì vững chắc “như cây trồng bên dòng nước” và có khả năng sinh hoa trái (x. Tv 1,3-4).
Các nghệ sĩ thân mến, tôi thấy nơi anh chị em là những người gìn giữ vẻ đẹp biết cúi xuống trên những vết thương của thế giới, biết lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, người đau khổ, người bị thương, người tù đày, người bị bách hại, người tị nạn. Tôi thấy nơi anh chị em những người gìn giữ các Mối Phúc! Chúng ta đang sống trong một thời đại mà những bức tường mới được dựng lên, khi những khác biệt trở thành cớ để chia rẽ thay vì cơ hội để làm phong phú lẫn nhau. Nhưng anh chị em, những người làm văn hóa, được mời gọi xây dựng những cây cầu, tạo ra không gian gặp gỡ và đối thoại, soi sáng tâm trí và sưởi ấm trái tim.
Người ta có thể hỏi: “Nhưng nghệ thuật để làm gì? Nghệ thuật có ích gì trong một thế giới đầy thương tích? Chẳng phải có những điều cấp bách hơn, cụ thể hơn, cần thiết hơn sao?”. Nghệ thuật không phải là xa xỉ, mà là nhu cầu của tâm hồn. Nó không phải là sự trốn chạy, mà là trách nhiệm, lời mời gọi hành động, tiếng kêu gọi, tiếng thét gào. Giáo dục về cái đẹp là giáo dục về hy vọng. Và hy vọng không bao giờ tách rời khỏi bi kịch của hiện hữu: ngang qua những vật lộn hàng ngày, những vất vả của cuộc sống, những thách thức của thời đại chúng ta.
Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố phúc cho người nghèo, người đau khổ, người hiền lành, người bị bách hại. Đó là một lý lẽ đảo ngược, một cuộc cách mạng về cách nhìn. Nghệ thuật được mời gọi tham gia vào cuộc cách mạng này. Thế giới cần những nghệ sĩ ngôn sứ, những nhà trí thức can đảm, những người sáng tạo văn hóa.
Hãy để mình được hướng dẫn bởi Tin Mừng của các Mối Phúc, và nghệ thuật của anh chị em trở thành lời loan báo về một thế giới mới. Ước gì thơ ca của anh chị em làm cho chúng ta thấy điều đó! Đừng bao giờ ngừng tìm kiếm, chất vấn và mạo hiểm. Vì nghệ thuật đích thực không bao giờ dễ dàng, nó mang lại sự bình an giữa những chao đảo. Và hãy nhớ: hy vọng không phải là ảo tưởng; cái đẹp không phải là không tưởng; ơn gọi của anh chị em không phải là ngẫu nhiên, mà là một tiếng gọi, một ơn gọi. Anh chị em hãy đáp lại với lòng quảng đại, với niềm đam mê và với tình yêu.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 6 Thường Niên năm C (13/02/2022) - Môn đệ được chúc phúc vì sống tinh thần khó nghèo
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tâm điểm Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay là các Mối Phúc ( Lc 6, 20-23). Điều thú vị đáng chú ý là mặc dù đám đông bao quanh, nhưng Chúa Giêsu lại tuyên bố với họ bằng cách “nhìn các môn đệ và nói” (c. 20). Chúa nói với các môn đệ. Thật vậy, các Mối Phúc xác định căn tính của người môn đệ Chúa Giêsu. Các Mối phúc nghe có vẻ lạ, gần như không thể hiểu được đối với những ai không phải là môn đệ, nhưng nếu chúng ta tự hỏi môn đệ của Chúa Giêsu là người như thế nào, thì câu trả lời chính xác là các Mối Phúc. “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (c. 20). Phúc cho anh em là những người nghèo. Chúa Giêsu nói với các môn đệ của ngài hai điều: họ có phúc và nghèo khó, họ có phúc vì họ nghèo.
Môn đệ không tìm niềm vui trong của cải vật chất
Có phúc theo nghĩa nào? Theo nghĩa môn đệ Chúa Giêsu không tìm niềm vui trong tiền bạc, trong quyền hành hay trong những của cải vật chất khác; nhưng trong những ân ban mà họ nhận được mỗi ngày từ Chúa: sự sống, thụ tạo, anh chị em, v.v. Họ vui lòng chia sẻ ngay cả những thứ họ sở hữu, bởi vì họ sống theo lý luận của Thiên Chúa, đó là tính nhưng không. Sự nghèo khó này cũng là một thái độ hướng đến ý nghĩa cuộc sống. Môn đệ Chúa không nghĩ đến việc sở hữu của cải, không nghĩ mình đã biết mọi thứ, nhưng biết mình phải học hỏi mỗi ngày. Sự nghèo khó là ý thức mình phải học mỗi ngày. Môn đệ Chúa là người có thái độ này, là người khiêm tốn, cởi mở, không định kiếnvà cứng nhắc.
Mẫu gương của thánh Phêrô
Trong Tin Mừng Chúa nhật tuần trước có một mẫu gương đẹp về điều này: ông Simon Phêrô, một ngư dân lão luyện, chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu thả lưới vào một giờ khác thường, và sau đó, hết sức kinh ngạc về mẻ cá kỳ diệu, bỏ thuyền và tất cả tài sản để theo Chúa. Phêrô chứng tỏ là người ngoan nguỳ bằng cách bỏ mọi sự, và theo cách này, ông trở thành một môn đệ. Trái lại, những ai quá vướng mắc vào ý riêng và sự an toàn của chính mình, sẽ khó theo Chúa Giêsu. Họ chỉ theo Chúa trong những gì phù hợp. Những người như vậy không phải là môn đệ Chúa. Và vì vậy, họ trở nên buồn bã, vì không có tài sản, bởi vì thực tế thoát khỏi dự tính của họ và họ không hài lòng. Trái lại, các môn đệ biết cách tự vấn mình, khiêm tốn tìm kiếm Chúa mỗi ngày, và điều này cho phép họ đi sâu vào thực tế, nắm bắt được sự phong phú và phức tạp của nó.
Môn đệ chấp nhận tính nghịch lý của các Mối Phúc
Nói cách khác, người môn đệ chấp nhận tính nghịch lý của các Mối Phúc: các Mối phúc tuyên bố rằng những ai nghèo khó, thiếu nhiều thứ và nhận ra điều này, thì được phúc, tức là hạnh phúc. Chúng ta có xu hướng nghĩ theo một cách khác: hạnh phúc là những người giàu có, nhiều của cải, những người nhận được sự khen ngợi và có nhiều người ghen tị. Trái lại, Chúa Giêsu tuyên bố thành công thế gian là thất bại, vì nó dựa trên sự ích kỷ thổi phồng lên để rồi để lại khoảng trống rỗng trong tâm hồn. Trước sự nghịch lý của các Mối Phúc, môn đệ chấp nhận thử thách, ý thức rằng không phải Thiên Chúa đi vào lý luận của chúng ta, nhưng là chúng ta vào luận lý của Người. Điều này đòi hỏi một cuộc hành trình, đôi khi mệt mỏi, nhưng luôn có niềm vui đi cùng. Vì môn đệ Chúa là người có niềm vui đến từ Chúa. Bởi vì, chúng ta hãy nhớ rằng, lời đầu tiên Chúa nói là: phúc thay. Đây là từ đồng nghĩa với việc trở thành môn đệ Chúa Giêsu. Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của việc tự cho mình là trung tâm, giải thoát sự khép kín, làm mềm sự cứng cỏi của chúng ta, và mở ra cho chúng ta hạnh phúc thực sự, điều chúng ta thường tìm thấy ở nơi chúng ta không mong đợi. Chính Chúa hướng dẫn cuộc sống chúng ta, chứ không phải chúng ta với những dự tính và đòi hỏi của chúng ta. Sau cùng, môn đệ là người để Chúa hướng dẫn, là người mở lòng ra với Chúa Giêsu, lắng nghe và theo Người.
Rồi chúng ta có thể tự hỏi: liệu tôi có sẵn sàng trở thành môn đệ Chúa không? Hay tôi cư xử với sự cứng nhắc của người tin rằng mình đúng, tử tế, thành đạt? Tôi có cho phép một sự “đánh đổ bên trong” trước nghịch lý của các Mối Phúc, hay tôi vẫn ở trong giới hạn của những ý tưởng của riêng mình? Và rồi, ngoài những vất vả khó khăn, tôi có cảm nhận được niềm vui khi bước theo Chúa Giêsu không? Đây là đặc điểm nổi bật của người môn đệ: niềm vui tâm hồn. Chúng ta không được quên điều này: niềm vui tâm hồn. Và đây là dấu hiệu để biết ai là môn đệ Chúa.
Xin Đức Mẹ, người môn đệ đầu tiên của Chúa, giúp chúng ta sống như những môn đệ cởi mở và vui tươi.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 6 Thường Niên năm C (17/02/2019) – Hạnh Phúc là đứng về phía Thiên Chúa
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng hôm nay (Xc Lc 6,7.20-26) trình bày cho chúng ta các Mối Phúc theo bản của Thánh Luca. Văn bản gồm 4 mối phúc và 4 lời cảnh cáo được biểu lộ qua thành ngữ “khốn cho các ngươi”. Với những lời mạnh mẽ và quyết liệt này, Chúa Giêsu mở mắt chúng ta, làm cho chúng ta thấy cái nhìn của Ngài, vượt lên trên cái vẻ bề ngoài, những gì là hời hợt, và Ngài dạy chúng ta phân định các hoàn cảnh trong tinh thần đức tin.
Chúa Giêsu gọi những người nghèo, người đói khát, sầu muộn, bị bách hại là những người có phúc; và Ngài cảnh cáo những người giàu có, no đầy, cười vui và được thiên hạ hoan hô. Lý do của hạnh phúc có vẻ ngược đời này hệ tại sự kiện Thiên Chúa gần gũi với những người đau khổ và Ngài can thiệp để giải thoát họ khỏi thực tại tiêu cực. Cũng vậy, câu nói “khốn cho các ngươi” được gởi đến những người, ngày hôm nay đang được mọi sự tốt đẹp, câu nói ấy nhắm “thức tỉnh họ” trước nguy cơ lừa đảo của ích kỷ và mở tâm trí họ đón nhận lý lẽ tình thương, bao lâu họ vẫn còn thời gian để làm như vậy.
Phá đổ những thần tượng và hạnh phúc giả tạo
Vì thế, trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về ý nghĩa sâu xa của đức tin, đức tin hệ tại hoàn toàn tín thác nơi Chúa. Vấn đề ở đây là phá đổ những thần tượng trần tục để mở tâm hồn đối với Thiên Chúa hằng sống và chân thật; chỉ có Chúa mới có thể mang lại cho cuộc sống chúng ta sự sung mãn ta hằng mong ước, dù là khó đạt tới. Thực vậy, có nhiều người, kể cả ngày nay, tự nhận mình là những người ban phát hạnh phúc: họ hứa hẹn thành công trong thời gian ngắn, kiếm được nhiều lợi lộc vừa tầm tay, những giải pháp nhiệm mầu cho mọi vấn đề, v.v. Và ở đây thật dễ rơi vào tội nghịch giới răn thứ I mà không để ý: đó là tội thờ thần tượng, thay thế Thiên Chúa bằng một ngẫu tượng. Tội thờ thần tượng và những ngẫu tượng có vẻ là những điều thuộc về thời đại khác, nhưng trong thực tế chúng hiện diện trong mọi thời đại! Một số thái độ của con người thời nay mô tả điều ấy rõ hơn nhiều phân tích xã hội học.
Hạnh Phúc là đứng về phía Thiên Chúa
Vì thế, Chúa Giêsu mở mắt chúng ta nhìn thực tại. Chúng ta được mời gọi sống hạnh phúc, trở thành những người có phúc và chúng ta được như vậy ngay từ bây giờ theo mức độ chúng ta đứng về phía Thiên Chúa, đứng về Nước của Chúa, chọn lựa những gì không phải là phù du nhưng kéo dài cho cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta hạnh phúc nếu chúng ta nhìn nhận mình là những người túng thiếu trước mặt Chúa và nếu chúng ta, giống như Chúa và cùng với Chúa, gần gũi những người nghèo, những người sầu khổ và đói khát. Chúng ta có khả năng vui mừng mỗi khi chúng ta sở hữu của cải trần thế mà không coi chúng như những thần tượng của chúng ta để rồi bán linh hồn cho chúng, trái lại chúng ta có khả năng chia sẻ những của cải ấy cho anh chị em chúng ta. Phụng vụ hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta hãy tự hỏi và kiểm chứng sự thật trong tâm hồn chúng ta.
Đừng tín thác nơi những kẻ “bán khói” và bán ảo tưởng
Các Mối Phúc của Chúa Giêsu là một sứ điệp quyết định, thúc giục chúng ta đừng đặt niềm tín thác nơi những của cải vật chất chóng qua, đừng tìm kiếm hạnh phúc bằng cách chạy theo những kẻ bán khói, những kẻ chuyên môn về ảo tưởng. Chúa giúp chúng ta mở mắt, đạt được cái nhìn thấu suốt thực tại, chữa lành tật cận thị kinh niên mà tinh thần thế tục làm cho chúng ta bị lây nhiễm. Với những lời có vẻ nghịch lý, Chúa đánh động chúng ta, làm cho chúng ta nhận ra điều gì thực sự làm cho chúng ta được phong phú, no đầy, mang lại vui mừng và phẩm giá cho chúng ta. Tóm lại, đó là điều thực sự mang lại ý nghĩa và sự sung mãn cho đời sống chúng ta.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta lắng nghe Tin Mừng này với tâm trí cởi mở để mang lại hoa trái trong đời sống chúng ta và để chúng ta trở thành những chứng nhân về hạnh phúc không bao giờ lừa đảo.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 6 Thường Niên năm C (14/02/2010) - Công lý và các mối phúc
Anh chị em thân mến,
Năm phụng vụ là một lộ trình đức tin mà Giáo hội thực hiện dưới sự hướng dẫn của Đức Trinh nữ Maria. Trong các Chúa nhật Thường niên, hành trình của năm nay được đánh dấu bởi các bài đọc Tin mừng thánh Luca. Hôm nay chúng ta được dẫn đến “bình nguyên” (Lc. 6, 17), nơi mà Chúa Giêsu dừng lại cùng với nhóm Mười Hai, và trước mặt là đám đông gồm các môn đệ khác và dân chúng từ khắp nơi đến nghe Chúa giảng. Bài công bố các mối phúc được đặt trong bối cảnh đó (Lc 6,20-26; x. Mt 5,1-12). Nhìn các môn đệ, Chúa nói: “Phúc cho các bạn, những người nghèo ... phúc cho các bạn, những người đói … phúc cho các bạn đang khóc than … phúc cho các bạn … khi bị người đời thoá mạ” vì tôi. Tại sao họ được gọi là có phúc? Bởi vì công lý của Thiên Chúa sẽ làm cho họ được sung túc, hoan hỉ, đền bù các lời bêu xấu, nói tắt một lời, bởi vì Thiên Chúa đón tiếp họ vào vương quốc của ngài ngay từ bây giờ. Các mối phúc đặt nền tảng trên công lý của Thiên Chúa, nâng dậy kẻ bị hạ nhục cách bất công và triệt hạ kẻ tự tâng cao (x. Lc 14,11). Thực vậy, Tin mừng thánh Luca, sau bốn mối phúc đã thêm bốn lời cảnh cáo: “khốn cho các người, những kẻ giàu có … khốn cho các người, những kẻ đang no nê … khốn cho các người, những kẻ đang cười” và “khốn cho những kẻ được thiên hạ tâng bốc”, bởi vì, như Chúa nói, tình thế sẽ bị lật ngược, kẻ ở cuối sẽ lên đầu và kẻ ở đầu sẽ trở thành cuối (x. Lc 13,30).
Công lý và các phúc này được thực hiện trong “Vương quốc của trời”, hay “Vương quốc của Chúa”, tuy sẽ được thành tựu vào thời tận cùng nhưng đã hiện hữu ngay trong lịch sử. Ở đâu mà người nghèo được an ủi và được đưa vào bàn tiệc của cuộc sống, thì ở công lý của Thiên Chúa được biểu lộ. Đây là một nghĩa vụ mà các môn đệ của Chúa được mời gọi thực thi ngay trong xã hội hiện nay. Tôi nghĩ đến nhà trọ của cơ quan Caritas Roma ở nhà ga Termini mà tôi đến thăm viếng sáng nay: tôi hết lòng khuyến khích những ai đang hoạt động trong cơ sở đáng quý này, và những ai trên khắp thế giới đang tình nguyện dấn thân trong các chương trình của công lý và bác ái.
Tôi đã dành sứ điệp Mùa Chay năm nay, bắt đầu từ thứ tư lễ tro sắp đến, cho đề tài công lý. Vì thế hôm nay tôi muốn trao cho anh chị em sứ điệp này và mời hãy đọc và suy nghĩ. Tin Mừng Chúa Kitô đáp ứng cách tích cực lòng khao khát công lý của con người, nhưng với một cách thức bất ngờ và vô lường. Chúa Giêsu không đề ra một cuộc cách mạng chính trị xã hội, nhưng là cuộc cách mạng tình thương mà ngài đích thân thực hành bằng Thập giá và cuộc Phục sinh của mình. Các mối phúc được đặt nền ở trên đó, mở ra một viễn tượng mới về công lý, khởi đi từ cuộc Phục sinh, nhờ vậy mà chúng ta có thể trở nên công chính và kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.
Các bạn thân mến, giờ đây chúng ta hãy hướng về Đức Trinh nữ Maria. Mọi thế hệ tuyên bố Mẹ thật là có phúc, bởi vì đã tin vào Tin mừng mà Con của Mẹ đã loan báo (x. Lc 1,45,48). Chúng ta hãy để cho Mẹ dìu dắt trên hành trình mùa Bốn Mươi, ngõ hầu chúng ta được giải thoát khỏi cái ảo giác tự mãn, và biết nhìn nhận rằng chúng ta cần đến Thiên Chúa, cần đến lòng thương xót của Ngài, và nhờ vậy, chúng ta được gia nhập Vương quốc công lý, tình thương và bình an.
Nguồn: archivioradiovaticana.va