Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 4 Phục sinh năm C (08/5/2022) - Nghe, biết và theo
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay nói với chúng ta về mối dây liên kết giữa Chúa và mỗi người chúng ta (x. Ga 10,27-30). Để làm điều này, Chúa Giêsu sử dụng một hình ảnh dịu dàng và đẹp, đó là hình ảnh của người mục tử với con chiên. Và Chúa Giêsu giải thích điều đó bằng ba động từ: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi và tôi biết chúng và chúng theo tôi” (câu 27). Ba động từ: nghe, biết, theo. Chúng ta hãy xem ba động từ này.
Trước hết, con chiên nghe tiếng chủ chiên. Sáng kiến luôn đến từ Chúa; mọi sự bắt đầu từ ân sủng của Người: chính Người kêu gọi chúng ta hiệp thông với Người, nhưng sự hiệp thông này được sinh ra nếu chúng ta mở lòng lắng nghe. Lắng nghe có nghĩa là sẵn sàng, ngoan nguỳ, dành thời gian cho đối thoại. Ngày nay chúng ta bị choáng ngợp bởi những lời nói và sự vội vàng, khi luôn phải nói và làm điều gì đó. Nhiều khi hai người nói chuyện với nhau, một người chưa nói hết ý thì người kia đã cắt ngang… Nếu không để cho người kia nói thì làm sao nghe được. Đây là điều tệ của thời đại chúng ta. Ngày nay chúng ta bị cuốn theo lời nói, luôn cần phải nói một điều gì đó, chúng ta sợ thinh lặng. Thật khó để lắng nghe, lắng nghe đến cuối câu chuyện, để cho người khác diễn tả ý của họ, lắng nghe trong gia đình, ở trường học, nơi làm việc, ngay cả trong Giáo hội! Nhưng đối với Chúa trước hết cần phải lắng nghe. Người là Lời của Cha và Kitô hữu là con cái của sự lắng nghe, được kêu gọi để sống với Lời Chúa luôn cầm theo trên tay. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta có phải là con cái của sự lắng nghe không, liệu chúng ta có thời gian dành cho Lời Chúa không? Liệu chúng ta có dành không gian và sự quan tâm cho anh chị em của mình không. Ai lắng nghe người khác thì biết lắng nghe Chúa, và ngược lại. Và người ấy cảm nghiệm được một điều rất đẹp, đó là được chính Chúa lắng nghe: Người lắng nghe chúng ta khi chúng ta cầu nguyện với Người, khi chúng ta tâm sự với Người, khi chúng ta cầu khẩn Người.
Do đó, lắng nghe Chúa Giêsu trở thành cách để khám phá ra rằng Người biết chúng ta. Đây là động từ thứ hai, liên quan đến người mục tử tốt lành: Người biết chiên của Người. Nhưng điều đó không chỉ có nghĩa là Người biết nhiều về chúng ta: biết theo nghĩa Kinh thánh có nghĩa là yêu thương. Có nghĩa là Chúa, trong khi “đọc tâm hồn chúng ta”, Người yêu thương chúng ta, và không kết án chúng ta. Nếu chúng ta lắng nghe Người, chúng ta khám phá ra điều này, rằng Chúa yêu chúng ta. Con đường để khám phá tình yêu Thiên Chúa là lắng nghe Người. Khi đó mối quan hệ với Người sẽ không còn vô vị, lạnh nhạt hay phiến diện nữa. Chúa Giêsu tìm kiếm một tình bạn ấm áp, một sự tin tưởng, một sự gần gũi. Người muốn ban cho chúng ta một nhận thức mới và tuyệt vời: biết rằng chúng ta luôn được Người yêu thương và do đó không bao giờ bỏ chúng ta một mình. Ở với vị mục tử nhân lành, chúng ta sống kinh nghiệm mà Thánh Vịnh đã nói: “Dù qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì Chúa ở cùng con” (Tv 23: 4). Trên hết, trong những đau khổ, trong những khó khăn, trong những khủng hoảng: Người trợ giúp chúng ta bằng cách cùng chúng ta vượt qua chúng. Và như vậy, chính trong những hoàn cảnh khó khăn, chúng ta có thể khám phá ra rằng chúng ta được Chúa biết và yêu thương. Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi có để mình được Chúa biết không? Tôi có nhường chỗ cho Chúa trong cuộc đời tôi, tôi có mang đến cho Người những gì tôi đang sống không? Và, sau rất nhiều lần kinh nghiệm về sự gần gũi của Người, về lòng trắc ẩn, sự dịu dàng của Người, tôi có ý tưởng gì về Chúa? Chúa gần gũi, Chúa là vị mục tử nhân lành.
Cuối cùng, động từ thứ ba: con chiên lắng nghe và khám phá rằng chúng được Chúa biết và theo Chúa, là vị mục tử của chúng. Và ai theo Chúa Kitô, người ấy làm gì? Người ấy đi nơi nào Chúa đi, trên cùng một con đường, cùng một hướng. Người đi tìm những ai bị lạc mất (x. Lc 15,4), Người quan tâm đến những người ở xa, mang vào lòng hoàn cảnh của những người đau khổ, khóc với người đang khóc, giơ tay ra với người lân cận, và mang họ lên vai mình. Còn tôi? Tôi có để mình được Chúa Giêsu yêu thương và để mình yêu Người, bắt chước Người không? Xin Đức Trinh Nữ giúp chúng ta biết lắng nghe Chúa Kitô, ngày càng biết Người hơn và theo Người trên con đường phục vụ. Lắng nghe, biết Người và theo Người.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 4 Phục sinh năm C (12/5/2019) - Được Chúa Giêsu chọn để tiếp nối sứ mạng của Ngài
Anh chị em thân mến, những người con này của chúng ta được gọi lãnh nhận chức linh mục. Chúng ta hãy suy tư về thừa tác vụ mà họ sắp được nâng lên trong Giáo Hội. Như anh chị em đã biết, Chúa Giêsu của chúng ta là Thượng Tế duy nhất của Tân Ước, nhưng trong Ngài toàn thể dân Thánh của Thiên Chúa cũng được trở thành dân tư tế. Tuy nhiên, trong số các môn đệ của Ngài, Chúa Giêsu muốn chọn một số người đặc biệt, để nhân danh Ngài, họ công khai thi hành trong Giáo Hội chức vụ tư tế cho tất cả mọi người, họ tiếp tục sứ mạng của Chúa như Thầy dậy, tư tế và mục tử.
Thực vậy, như đã được Chúa Cha sai đi thi hành sứ vụ ấy, Chúa Giêsu cũng sai đi trong trần thế, trước tiên là các Tông Đồ, rồi đến các GM và những người kế nhiệm các vị, sau cùng Chúa cũng ban các linh mục như những cộng tác viên, hiệp với các GM trong sứ vụ tư tế, họ được kêu gọi để phục vụ Dân Chúa.
Sau khi suy nghĩ chín chắn và cầu nguyện, giờ đây chúng tôi sắp nâng những người anh em này lên hàng linh mục để, khi phụng sự Chúa Kitô là Thầy, là Tư Tế và Mục Tử, họ cộng tác xây dựng Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội trong Dân Chúa và là Đền Thờ thánh thiêng của Chúa Thánh Linh.
Thực vậy họ sẽ trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô Thượng Tế đời đời, họ sẽ được thánh hiến như những linh mục đích thực của Tân Ước, và với danh nghĩa ấy liên kết họ với các LM khách trong chức linh mục, họ sẽ là những người rao giảng Tin Mừng, Mục Tử của Dân Chúa và sẽ chủ sự các buổi phụng tự, nhất là cử hành hy tế của Chúa.
Về phần anh em là những người con và người em rất yêu quí, các con sắp được nâng lên chức linh mục, các con hãy xét: khi thi hành sứ vụ giảng dạy Đạo Lý Thánh, các con sẽ tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô là Thầy Duy Nhất. Các con hãy phân phát cho mọi người Lời Chúa mà chính các con đã vui mừng lãnh nhận từ nhỏ. Hãy siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa để tin những điều các con đã đọc, dạy điều các con đã học trong đức tin, và sống điều các con dạy. Không bao giờ ta có thể làm một bài giảng, mà không cầu nguyện thật nhiều, với Kinh Thánh trên tay. Các con đừng quên điều ấy.
Vì thế, đạo lý của các con, đơn sơ như Chúa đã nói, đi thẳng vào tâm hồn và trở thành lương thực cho dân Chúa. Lời gảng này sẽ thực là lương thực. Hương thơm cuộc sống của các con hãy trở thành niềm vui và sự nâng đỡ cho các tín hữu: những con người cầu nguyện, hy sinh, vì với Lời Chúa và gương sáng, các con xây dựng nhà Chúa là Giáo Hội. Các con hãy tiếp tục công trình thánh hóa của Chúa Kitô. Nhờ sứ vụ của các con, hy tế thiêng liêng của các tín hữu được trở nên hoàn hảo, vì hiệp với hy tế của Chúa Kitô, Đấng, qua tay các con nhân danh toàn thể Giáo Hội, được dâng hiến một cách không đổ máu trên bàn thờ trong khi cử hành các Mầu Nhiệm Thánh.
Vì thế, các con hãy nhìn nhận điều các con làm. Hãy bắt chước điều các các con cử hành để khi tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa, các con mang cái chết của Chúa Kitô trong các chi thể các con và tiến bước với Chúa trong cuộc sống mới.
Qua bí tích rửa tội, các con tháp nhập các tín hữu mới vào Dân Chúa. Với bí tích thống hối các con tha thứ tội lỗi nhân danh Chúa Kitô và Giáo Hội. Với dầu thánh, các con thoa dịu các bệnh nhân. Khi cử hành các nghi thức thánh và dâng lên kinh nguyện chúc tụng va cầu khẩn trong những giờ khác nhau trong ngày, các con trở thành tiếng nói của Dân Chúa và của toàn thể nhân loại.
Với ý thức mình được chọn giữa loài người và được thiết lập để mưu ích cho họ để chờ đợi những sự thuộc về Thiên Chúa, các con hãy thi hành trong vui tươi và bác ái chân thành hoạt động tư tế của Chúa Kitô.
Sau cùng, khi tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô là Đầu và là Mục Tử, trong niềm hiệp thông con thảo với Giám mục của các con, các con hãy dấn thân liên kết các tín hữu trong một gia đình duy nhất để dẫn đưa họ về với Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Các con hãy luôn nhìn lên tấm gương của Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vu; không phải để sống thoải mái, nhưng để đi ra ngoài, tìm kiếm và cứu vớt những gì đã bị hư mất.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 4 Phục sinh năm C (12/5/2019) – Mục Tử đích thực của Dân Chúa
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Trong bài Tin Mừng hôm nay (Ga 10,27-30), Chúa Giêsu tự giới thiệu như Mục Tử đích thực của Dân Chúa. Chúa nói về tương quan liên kết Ngài với các con chiên trong đoàn, nghĩa là các môn đệ của Ngài và nhấn mạnh về sự kiện đó là một tương quan biết nhau: ”Các chiên của Thầy thì lắng nghe tiếng Thầy và Thầy biết chúng và chúng theo Thầy. Thầy ban cho họ sự sống đời đời và họ sẽ không bị lạc mất” (vv 27-28). Khi chú tâm đọc câu này, chúng ta thấy việc làm của Chúa được giải thích qua một số động từ: Ngài nói, biết, và ban sự sống đời đời, gìn giữ.
Vị Mục Tử Nhân Lành - là Chúa Giêsu - quan tâm đến mỗi người chúng ta, tìm kiếm và yêu thương chúng ta, nói với chúng ta, biết rõ tâm hồn, những ước muốn và hy vọng của chúng ta, và cả những thất bại và thất vọng của chúng ta. Chúa đón nhận và yêu thương chúng ta như chúng ta có, với những ưu điểm và khuyết điểm của chúng ta. Ngài ban cho mỗi người chúng ta sự sống đời đời: nghĩa là Chúa cho chúng ta cơ hội sống một cuộc sống sung mãn, khôn cùng. Ngoài ra, Chúa giữ gìn và hướng dẫn chúng ta trong tình yêu thương, giúp chúng ta đi qua những con đường hiểm trở và những con đường nhiều khi bị rủi ro nguy hiểm xảy đến trong hành trình cuộc sống.
Qua những lời nói và cử chỉ mô tả cách Chúa Giêsu, Vị Mục Tử nhân lành, tương quan với chúng ta, ta thấy có những động từ liên quan đến các con chiên: chúng nghe tiếng Ta, theo Ta. Đó là những hành động cho thấy cách thức chúng ta phải đáp lại như thế nào những thái độ dịu dàng và ân cần của Chúa. Thực vậy, lắng nghe và nhận ra tiếng Chúa bao hàm sự thân mật với Ngài, sự thân mật này được củng cố trong kinh nguyện, trong cuộc gặp gỡ tâm tình với Thầy Chí Thánh và là Mục Tử các linh hồn. Thái độ ấy càng củng cố trong chúng ta ước muốn theo Chúa, ra khỏi cái mê cung với những con đường sai trái, từ bỏ những lối hành xử ích kỷ, để tiến bước trên những con đường mới, con đường huynh đệ và xả thân, theo gương Chúa. Vì vậy, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta sống tương quan với Chúa Kitô trong sự hoàn toàn tín thác và thân mật. Như thế, chúng ta cũng có thể lôi kéo đến gần Chúa những người đang tìm kiếm Ngài, nhưng có lẽ họ không biết Ngài. Có bao nhiêu người mà chỉ có Thiên Chúa biết lòng họ, và họ đã là ”con chiên” của Chúa, nhưng họ đang cần một người anh em, chị em, dẫn họ về với Chúa Giêsu Kitô. Thật là một ân phúc và vui mừng lớn lao khi có thể làm điều ấy.
Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu là vị Mục Tử duy nhất đang nói với chúng ta, biết rõ chúng ta, ban cho chúng ta sự sống đời đời và giữ gìn chúng ta. Chúng ta là đoàn chiên của Ngài và chúng ta chỉ phải cố gắng lắng nghe tiếng Chúa, trong khi Ngài yêu thương kiểm điểm sự chân thành trong tâm hồn chúng ta. Và từ cuộc sống thân mật liên lỷ với Vị Mục Tử của chúng ta nảy sinh niềm vui theo Chúa, để cho Ngài hướng dẫn chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu sung mãn. Cuộc sống đời đời này đã hiện diện trong cuộc đời sống trần thế của chúng ta, nhưng sẽ biểu lộ hoàn toàn sau cái chết, dẫn đưa chúng ta vào hạnh phúc vô biên, trong niềm hiệp thông với Chúa và với tất cả những người để cho Chúa hướng dẫn.
Giờ đây chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, Thân Mẫu Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành. Mẹ đã mau mắn đáp lại tiếng Chúa gọi, xin Mẹ đặc biệt giúp đỡ những người được kêu gọi đến chức linh mục và đời sống thánh hiến để họ vui mừng và sẵn sàng đón nhận lời mời gọi của Chúa Kitô trở nên những cộng tác viên trực tiếp hơn của Chúa trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ Nước Chúa trong thời đại chúng ta ngày nay.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 4 Phục sinh năm C (17/4/2016) - Hãy luôn đặt trước mắt mẫu gương vị Mục Tử Nhân Lành
Anh chị em thân mến!
Những người con và anh em của chúng ta đây được gọi lên chức linh mục. Như anh chị em biết rõ Chúa Giêsu là Thượng Tế duy nhất của Tân Ước, nhưng trong Người tất cả dân thánh của Thiên Chúa cũng được trở thành dân tư tế. Và trong tất cả các môn đệ của Người, Chúa Giêsu muốn đặc biệt chọn một số, để họ công khai thi hành trong Giáo Hội nhân danh Người sứ vụ tư tế để mưu ích cho tất cả mọi người, tiếp tục sứ mạng riêng của Người là Thầy, là Tư Tế và Mục Tử.
Sau khi suy nghĩ chín chắn, giờ đây chúng tôi sắp nâng lên hàng linh mục những người anh em này của chúng ta, để phục vụ Chúa Kitô là Thầy, là Tư Tế và Mục Tử, cộng tác vào việc xây dựng Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội trong Dân Chúa và Đền Thờ thánh thiêng của Chúa Thánh Linh.
Thực vậy, những người anh em này sẽ được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm và đời đời, họ sẽ được thánh hiến như những tư tế đích thực của Tân Ước, và với danh nghĩa đó, họ được liên kết trong chức tư tế với các giám mục của họ, họ sẽ là những người loan báo Tin Mừng, Mục Tử của Dân Chúa và sẽ chủ sự các hành vi phụng tự, nhất là cử hành hy tế của Chúa.
Về phần các thầy, những người con và anh em rất thân mến, sắp được nâng lên hàng linh mục, các thầy hãy ý thức rằng khi thi hành thừa tác vụ của đạo lý thánh, các thầy sẽ tham gia sứ mạng của Chúa Kitô, là Thầy duy nhất. Hãy phân phát cho tất cả mọi người Lời Chúa, Lời mà chính các thầy đã vui mừng nhận được. Hãy nhớ lịch sử của các thầy, nhớ đến hồng ân Lời mà Chúa trao cho các thầy qua bà mẹ, bà nội, ngoại - và như thánh Phaolô đã nói - qua các giáo lý viên và toàn thể Giáo Hội. Hãy siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa để tin điều các thầy đọc, dạy điều các thầy tin, sống điều các thầy giảng dạy.
Ước gì giáo lý do các thầy giảng dạy trở nên lương thực nuôi Dân Chúa, hương thơm cuộc sống của các thầy phải là niềm vui và là sự nâng đỡ cho các tín hữu, vì qua lời nói và gương lành, - hai điều đi đôi với nhau - các thầy xây dựng căn nhà của Thiên Chúa là Giáo Hội. Các thầy sẽ tiếp tục công trình thánh hóa của Chúa Kitô. Nhờ thừa tác vụ của các thầy, hy tế thiêng liêng của các tín hữu được trở nên hoàn hảo, vì được liên kết với hy tế của Chúa Kitô, Đấng được dâng hiến không đổ máu trên bàn thờ trong khi cử hành các mầu nhiệm thánh nhờ đôi tay của các thầy, nhân danh toàn thể Giáo Hội.
Vậy các thầy hãy ý thức điều các thầy làm và hãy bắt chước điều các thầy cử hành, để khi tham phần vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa, các thầy mang cái chết của Chúa Kitô vào các chi thể của các thầy và đồng hành với Chúa trong đời sống mới. Hãy mang cái chết của Chúa Kitô vào trong chính bản thân các thầy và sống với Kitô trong đời sống mới mẻ: nếu không có thập giá, các thầy sẽ không bao giờ tìm được Chúa Giêsu chân thực; và một thập giá mà không có Chúa Kitô thì không có ý nghĩa.
Qua Bí tích Rửa tội, các thầy sẽ tháp nhập các tín hữu mới vào đoàn Dân Chúa. Với Bí tích Thống hối các thầy tha thứ tội lỗi nhân danh Chúa Kitô và Giáo Hội. Và tôi, nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, là Chúa và nhân danh Giáo Hội, tôi xin các thầy hãy có lòng từ bi thương xót, rất từ bi. Với dầu thánh, các thầy sẽ thoa dịu các bệnh nhân. Khi cử hành các nghi lễ thánh và dâng lên kinh nguyện ngợi khen và cầu khẩn trong giờ khác nhau mỗi ngày, các thầy lên tiếng thay cho của Dân Chúa và toàn thể nhân loại.
Ý thức mình được chọn giữa loài người, các thầy đừng quên điều này, chính Chúa đã gọi các thầy, từng người một, được thiết định để tham dự các việc của Thiên Chúa để mưu ích cho dân, chứ không phải cho bản thân mình.
Trong tình hiệp thông con thảo với Đức Giám Mục của các thầy, các thầy hãy dấn thân liên kết các tín hữu trong một gia đình duy nhất, để dẫn đưa họ về Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Linh. Và các thầy hãy luôn đặt trước mắt gương vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng không đến để phục vụ, nhưng để phục vụ.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 4 Phục sinh năm C (17/4/2016) - Chiên lắng nghe không phải bằng tai, nhưng bằng tâm hồn
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng hôm nay (Ga 10,27-30) cống hiến cho chúng ta một số kiểu nói của Chúa Giêsu trong lễ cung hiến Đền Thờ Jerusalem, được cử hành vào cuối tháng 12. Ngài ở trong khu vực Đền thờ, và có lẽ khu vực thánh có tường vây quanh ấy gợi lên cho chúng ta hình ảnh chuồng chiên và người mục tử. Chúa Giêsu tự trình bày như Mục Tử nhân lành và nói: “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi và Tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống vĩnh cửu và chúng sẽ không bị hư mất đời và không ai tước họ khỏi tay tôi” (vv.27-28). Những lời này giúp chúng ta hiểu không ai có thể nói mình là môn đệ Chúa Giêsu nếu không lắng nghe tiếng Người. Và sự lắng nghe này không được hiểu theo nghĩa hời hợt, nhưng đòi sự can dự dấn thân, đến độ làm cho hai bên thực sự biết nhau, từ đó có thể nảy sinh một sự theo Chúa một cách quảng đại, được biểu lộ qua những lời: “Và chúng theo tôi” (v. 27). Đây là một sự lắng nghe không phải bằng tai, nhưng bằng tâm hồn!
Vì thế hình ảnh người mục tử và đoàn chiên nói lên quan hệ chặt chẽ mà Chúa Giêsu muốn thiết lập với mỗi người chúng ta. Ngài là vị hướng đạo, là thầy, là bạn, là mẫu gương, và nhất là vị Cứu Vớt chúng ta. Thực vậy, câu kế tiếp trong đoạn Tin Mừng khẳng định: “Tôi ban cho họ sự sống vĩnh cửu và chúng sẽ không bị hư mất đời đời và không ai có thể tước bỏ chúng khỏi tay tôi” (v.28). Ai có thể nói như thế? Chỉ có Chúa Giêsu, vì “bàn tay” của Chúa là một với “bàn tay” của Chúa Cha, và Chúa Cha là Đấng “cao cả hơn tất cả” (v.29)
Những lời này thông truyền cho chúng ta một cảm thức tuyệt đối an toàn và dịu dàng vô biên. Cuộc sống của chúng ta hoàn toàn an toàn trong tay Chúa Giêsu và Chúa Cha, cả hai là một: một tình yêu duy nhất, một lòng thương xót duy nhất, được biểu lộ một lần cho tất cả trong hy tế thập giá. Để cứu vớt đoàn chiên bị lạc là chúng ta, vị Mục Tử đã trở nên chiên con và để cho mình bị sát tế để mang lấy và xóa bỏ tội trần gian. Qua cách thức đó, Chúa ban sự sống cho chúng ta, sự sống dồi dào (Xc Ga 10,10)! Mầu nhiệm này được tái diễn, trong sự khiêm tốn luôn làm ngạc nghiên, trên bàn tiệc Thánh Thể. Chính tại đó mà các con chiên tụ họp lại để được nuôi dưỡng; chính tại đó chúng trở nên một, giữa chúng và với vị Mục Tử Nhân Lành.
Vì thế, chúng ta không sợ hãi nữa: cuộc sống của chúng ta từ nay được cứu thoát khỏi sự hư mất. Không gì và không ai có thể tước bỏ chúng ta ra khỏi bàn tay Chúa Giêsu, vì không điều gì và không ai có thể thắng tình yêu của Chúa. Ma quỉ, đại kẻ thù của Thiên Chúa và các thụ tạo của Ngài, toan tính bằng nhiều cách để tước bỏ sự sống đời đời của chúng ta. Nhưng quĩ không thể làm gì nếu chúng ta không mở cửa tâm hồn cho nó, không chiều theo những lời du nịnh lừa dối của hắn.
Đức Trinh Nữ Maria luôn lắng nghe và ngoan ngoãn tuân theo tiếng nói của vị Mục Tử Nhân Lành. Xin Mẹ giúp chúng ta vui mừng đón nhận lời mờ của Chúa Giêsu để trở thành môn đệ của Người và luôn sống trong niềm xác tín mình ở trong bàn tay hiền phụ của Thiên Chúa.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 4 Phục sinh năm C (21/4/2013) – Tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu như là thầy, tư tế và mục tử
(Thánh lễ phong chức linh mục)
Anh em biết rõ rằng Đức Giêsu là tư tế Tối Cao Duy nhất của Tân ước, nhưng nơi Ngài tất cả dân thánh của Thiên Chúa được trở thành dân tư tế. Dầu vậy, trong số các môn đệ của mình, Đức Giêsu muốn chọn đặc biệt một số người, để ngang qua việc thực thi một cách công khai chức vụ tư tế trong Giáo hội vì lợi ích của con người, họ sẽ tiếp tục sứ mạng của Ngài như là thầy, tư tế và mục tử.
Thực vậy, Đức Giêsu đã được Chúa Cha sai đi như thế nào, thì đến lượt mình, Ngài cũng sai vào thế giới trước hết là các tông đồ, rồi đến các giám mục và các cộng sự của họ, và cuối cùng là những cộng tác viên, các linh mục - những người nối kết với các giám mục trong chức vụ tư tế - để phục vụ dân Chúa như vậy.
Sau khi phản tỉnh và cầu nguyện đầy đủ, giờ đây chúng ta hiện diện nơi đây để phong chức linh mục cho những người anh em của mình để nhờ việc phục vụ Đức Kitô, là Thầy, Tư tế và Mục tử, họ sẽ lao tác và xây dựng Thân Thể Chúa Kitô là Giáo hội nơi dân Thiên Chúa và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.
Họ sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Tư tế Tối cao và đời đời, nghĩa là họ sẽ được thánh hiến để trở thành các tư tế đích thực của Tân Ước và qua tước hiệu này, họ sẽ được nối kết với các giám mục của họ trong chức vụ tư tế. Họ sẽ là những nhà truyền giảng Tin Mừng, mục tử Dân Thiên Chúa và chủ sự các nghi lễ phụng vụ, đặc biệt là trong việc của hành sự hiến tế của Thiên Chúa.
Anh em sẽ được phong chức linh mục, anh em hãy nhớ rằng ngang qua việc thực thi thừa tác vụ về Giáo thuyết thánh, anh em được dự phần vào sức mạng của Đức Kitô, là Thầy Duy nhất. Hãy phân phát cho mọi người Lời Chúa mà chính anh em đã lãnh nhận trong niềm vui. Hãy nhớ đến cha mẹ, ông bà, các giáo lý viên, những người đã trao cho anh em lời Chúa, đức tin.. món quà Đức tin. Chính các vị ấy đã thông chuyển cho anh em món quà đức tin. Hãy đọc và năng suy niệm Lời Chúa, hãy tin những gì mình đã đọc, dạy những gì mình tin, và sống những gì mình dạy. Hãy nhớ rằng, Lời Chúa không phải là tài sản của anh em: là Lời của Thiên Chúa. Và Giáo hội là người bảo vệ Lời Chúa.
Vì thế, anh em hãy nuôi dưỡng Dân Chúa bằng giáo thuyết của mình, hãy nuôi dưỡng và trao cho các tín hữu niềm vui bằng hương thơm đời sống của anh em, để với lời và gương mẫu, anh em có thể xây ngôi nhà của Thiên Chúa, là Giáo hội.
Anh em hãy tiếp tục những hành động thánh hiến của Đức Kitô. Nhờ vào thừa tác vụ của anh em, sự thánh hiến thiêng liêng của các tín hữu trở nên hoàn thiện. Vì qua bàn tay anh em, nhân danh toàn thể Giáo hội, sự thánh hiến của các tín hữu sẽ được kết hợp với sự thánh hiến của Đức Kitô, được dâng lên bàn thờ khi cử hành các Mầu Nhiệm Thánh. Hãy nhớ điều anh em sẽ làm. Bắt chước điều anh em cử hành, để nhờ vào việc dự phần vào mầu nhiệm cái chết và phục sinh của Thiên Chúa, anh em mang lấy nơi chi thể mình cái chết của Đức Giêsu và bước đi với Ngài trong đời sống mới.
Với Bí tích rửa tội, anh em hãy giúp những người tân tòng gia nhập vào Dân Thiên Chúa. Nhờ bí tích Hòa giải, anh em hãy tha thứ tội lỗi nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội: Hôm nay, tôi mời gọi anh em, nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội, xin anh em đừng bao giờ mệt mỏi thương xót. Với dầu thánh, anh em hãy xoa dịu nổi đau của những người bệnh và người già: đừng ngại bày tỏ sự thắm thiết-dịu dàng đối với những người già. Ngang qua các cử hành phụng vụ thánh và việc tham dự các giờ kinh nguyện khác nhau trong ngày, anh em hãy trở thành tiếng nói của Dân Thiên Chúa và toàn thể con người.
Cuối cùng, bằng việc dự phần vào mầu nhiệm của Chúa Kitô, là Đầu và Mục Tử, trong sự hiệp thông con thảo với giáo mục của mình, anh em hãy nỗ lực để giúp các tín hữu hiệp nhất với nhau trong một gia đình duy nhất, để dẫn họ đến với Thiên Chúa là Cha, nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Hãy luôn giữ trước mắt anh em mẫu gương của vị Mục Tử Tốt Lành, Đấng đã tới không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ, và Đấng đến để cứu những gì đã hư mất.”
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 4 Phục sinh năm C (21/4/2013) – Ơn gọi là ân sủng từ Chúa Cha
Anh chị em thân mến!
Hôm nay là Chúa nhật IV mùa Phục sinh. Ngày Chúa nhật này được đặc trưng bởi bài Phúc âm nói về Vị Mục Tử Nhân Lành - trong chương X của Tin Mừng Gioan - bài Phúc Âm này được đọc hằng năm. Đoạn Tin Mừng của ngày hôm nay trình bày lại cho chúng ta những lời của Chúa Giêsu:
"Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi;
tôi biết chúng và chúng theo tôi.
Tôi ban cho chúng sự sống đời đời;
không bao giờ chúng phải diệt vong
và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.
Cha tôi, Ðấng đã ban chúng cho tôi,
thì lớn hơn tất cả,
và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.
Tôi và Chúa Cha là một" (Ga 10, 27-30)
Bốn câu này hàm chứa tất cả sứ điệp của Chúa Giêsu: Ngài mời gọi chúng ta hãy thông dự vào trong mối tương quan của Ngài với Chúa Cha, và đây chính là sự sống đời đời.
Chúa Giêsu muốn thiết lập với các bạn hữu của Ngài một mối tương quan, phản ánh mối tương quan của chính Ngài đã có với Chúa Cha: một mối tương quan phụ thuộc lẫn nhau trong niềm tín thác trọn vẹn và tình hiệp thông thắm thiết. Để diễn tả mối tương quan sâu đậm này, trình thuật Tin Mừng về mối tương quan tình bằng hữu của Chúa Giêsu đã dùng đến hình ảnh người mục tử với chiên của mình: người mục tử gọi chúng và chúng nhận ra tiếng của anh, chiên nghe tiếng gọi của chủ và theo chủ. Dụ ngôn này thật đẹp biết bao! Mầu nhiệm của tiếng gọi có tính gợi ý: ngay từ khi còn ở trong lòng mẹ, chúng ta học biết nhận ra tiếng của mẹ và tiếng của cha; từ một cung điệu của lời được cất lên, chúng ta cảm nhận được sự yêu thương hay khinh miệt, yêu mến hay lạnh nhạt. Tiếng của Chúa Giêsu là độc nhất! Nếu chúng ta học để nhận ra được tiếng ấy, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta trên nẻo đường sự sống, một con đường băng qua vực thẳm của sự chết!
Mà Chúa Giêsu nói và ám chỉ đến các con chiên của mình: "Cha của tôi, Đấng đã trao chúng cho tôi…" (Ga 10,29). Đây là điều rất quan trọng, là một mầu nhiệm sâu xa, chẳng dễ hiểu chút nào: nếu như tôi cảm được sự hấp dẫn từ Chúa Giêsu, nếu như tiếng của Ngài sưởi ấm trái tim tôi, thì đó chính là ơn sủng từ Chúa Cha, Đấng đã đặt trong trí tim tôi khao khát tình yêu, chân lý, sự sống, và cái đẹp… và Đức Giêsu là tất cả những điều ấy trong sự trọn đầy!
Điều này giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm của ơn gọi, cách riêng là mầu nhiệm của tiếng gọi bước theo một sự thánh hiến đặc biệt. Đôi khi Đức Giêsu gọi chúng ta, mời chúng ta bước theo Ngài, nhưng có lẽ điều đó xảy ra mà chúng ta lại không nhận ra đó chính là Ngài, đúng như nó đã từng xảy ra với trẻ Samuel. Hôm nay, tại quảng trường này, có rất nhiều bạn trẻ. Cha muốn hỏi các con: có lúc nào đó các con cảm được tiếng của Đức Chúa, qua một ước muốn, một niềm thổn thức, mời gọi các con bước theo Ngài một cách gần gũi hơn không? Các con có muốn trở thành người tông đồ của Chúa Giêsu không?
Người trẻ cần đặt ước muốn ấy vào cuộc chơi cho những lý tưởng cao đẹp. Hãy hỏi Chúa Giêsu điều Ngài muốn và hãy can đảm lên! Trước và sau mỗi ơn gọi làm linh mục hoặc ơn gọi đời sống thánh hiến, vẫn luôn có những lời cầu nguyện mạnh mẽ và quyết liệt của một người nào đó, chẳng hạn như lời cầu của ông bà nội ngoại, của cha mẹ, của cộng đoàn… Quả thực Chúa Giêsu đã nói: "Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt - chính là Chúa Cha - sai thợ ra gặt lúa về!" (Mt 9,38). Ơn gọi được nảy sinh trong lời cầu nguyện và bởi lời cầu nguyện; và chỉ trong lời cầu nguyện mà thôi, những ơn gọi ấy mới được gìn giữ và trổ sinh hoa trái. Cha cũng muốn nhấn mạnh rằng hôm nay là "Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi". Chúng ta hãy cầu nguyện cách đặc biệt cho các tân Linh Mục của Giáo phận Rôma, là những người đã có niềm vui của việc thụ phong sáng nay. Và chúng ta hãy khẩn nài sự cầu bầu của Đức Maria, là Đức Mẹ của tiếng "Vâng". Mẹ đã học để biết nhận ra tiếng của Chúa Giêsu kể từ lúc Mẹ cưu mang Ngài trong bụng. Xin Đức Maria giúp chúng ta nhận ra tiếng của Giêsu tốt hơn và bước theo Ngài, để tiến bước trên con đường của sự sống!
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 4 Phục sinh năm C (25/4/2010) – Lời cầu nguyện có khả năng gợi lên các ơn gọi
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật Phục sinh thứ IV, còn gọi là “Mục tử nhân lành”, là ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi. Đề tài của năm nay là “Chứng tá gợi lên ơn gọi” có giá trị đặc biệt đối với đời sống và sứ vụ của các linh mục và tu sĩ. Chứng tá đầu tiên có khả năng gợi lên các ơn gọi là sự cầu nguyện, như chúng ta thấy trong cuộc đời thánh nữ Monica: nhờ việc khiêm tốn khẩn khoản nài xin Thiên Chúa mà Augustinô con của bà được ơn trở lại Kitô giáo. Chính thánh nhân đã viết: “Tôi không ngần ngại xác tín và quả quyết rằng nhờ lời cầu nguyện của bà mà Chúa ban cho tôi sự quyết chí là sẽ không thích, không muốn, không nghĩ, không chuộng điều gì khác ngoài việc đạt tới chân lý” (De ordine II, 20, 52, CCL 29,136). Vì thế, tôi xin các bậc cha mẹ hãy cầu nguyện để tâm hồn của con cái mình được mở rộng lắng nghe Đấng Mục tử nhân lành, và “mỗi mầm giống nhỏ bé của ơn gọi .. được trở thành cây đại thụ, chất đầy hoa trái giúp ích cho Giáo hội và toàn thể nhân loại”. Làm thế nào để lắng nghe và nhận ra tiếng Chúa? Thưa rằng nơi lời giảng của các thánh tông đồ và những kẻ kế vị: nơi các ngài vọng lên tiếng của Chúa Kitô kêu gọi đến hiệp thông với Thiên Chúa và sự sống dồi dào, như chúng ta đọc thấy trong bài Tin mừng thánh Gioan: “Các chiên của Ta thì nghe tiếng của Ta và đi theo Ta. Ta ban cho chúng sự sống trường cửu, và chúng sẽ không bị hư vong đời đời và không ai có thể giật chúng ra khỏi tay của Ta” (Ga 10,27-28). Duy chỉ vị Mục tử nhân lành mới âu yếm gìn giữ đoàn chiên của mình, bảo vệ họ khỏi sự dữ, và duy chỉ nơi Người các tín hữu có thể đặt niềm tin tưởng tuyệt đối.
Nhân ngày Quốc Tế cầu nguyện cho các ơn gọi hôm nay, tôi muốn nhắn nhủ cách riêng những thừa tác viên đã lãnh chức thánh, ngõ hầu họ quyết tâm làm chứng tá cho Tin mừng cách mạnh mẽ hơn. Họ hãy nhớ rằng linh mục là “kẻ tiếp tục công cuộc của Chúa Cứu thể ở trên trần gian”; họ hãy tự ý dừng lại trước nhà tạm Thánh Thể, hãy trung thành với ơn gọi của mình qua cuộc khổ chế nghiêm ngặt; hãy biết sẵn sáng lắng nghe và tha thứ; hãy đào tạo đoàn dân được uỷ thác theo tinh thần Kitô giáo; hãy ân cần cổ võ tình huynh đệ linh mục. Hãy lấy mẫu gương nơi các vị mục tử khôn ngoan và nhiệt thành, như thánh Grêgôriô Nazianzênô đã viết về giám mục Basiliô một người bạn và đại huynh của mình: “Xin anh dạy cho chúng em lòng yêu thương đàn chiên, lòng ân cần và tài thông cảm, sự tỉnh thức canh phòng, tính nghiêm nghị mà diụ dàng, sự trầm tĩnh và hiền từ lúc hoạt động … những cuộc chiến đấu để bảo vệ đoàn chiên, các chiến thắng đã đạt được trong Chúa Kitô” (Oratio IX, 5, PG 35, 825ab)
Tôi xin cám ơn tất cả mọi người hiện diện ở đây và tất cả những ai đã nâng đỡ bằng lời cầu nguyện và lòng yêu mến tác vụ của tôi làm kế nhiệm thánh Phêrô, và tôi nguyện xin cho mỗi người được sự che chở của Đức Mẹ Maria đấng mà chúng ta giờ đây cầu khẩn.
Sau khi ban phép lành Toà thánh, đức thánh cha đã thêm các lời chào đến các phái đoàn hành hương bằng tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây ban nha, Ba lan. Và sau cùng là các đoàn hành hương của Italia, trong đó có phong trào mang tên là “Meter”, từ 14 năm qua cổ võ ngày dành cho các thiếu nhi nạn nhân của bạo lực, khai thác và thờ ơ. Nhân dịp này, ngài đã ngỏ lời cám ơn những ai đã dấn thân vào việc phòng ngừa và giáo dục, đặc biệt là các bậc cha mẹ, các thầy giáo, các linh mục, tu sĩ đang làm việc với các thiếu nhi trong các giáo xứ, học đường, hội đoàn.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Chúa nhật 4 Phục sinh năm C (29/4/2007) – Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, Chúa nhật IV Phục sinh, truyền thống gọi là "Chúa nhật Chúa Chiên Lành", mang một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta đang quy tụ tại Đền thờ Thánh Phêrô này. Đặc biệt, đây là một ngày trọng đại đối với các tiến chức, những người mà được tôi, với tư cách là Giám mục và Mục tử của Giáo phận Rôma, vui mừng truyền chức linh mục. Qua đó, các tiến chức gia nhập "linh mục đoàn" của chúng ta.
Cùng với Hồng y Đại diện, các Giám mục Phụ tá và các linh mục trong Giáo phận, tôi tạ ơn Chúa vì hồng ân chức linh mục của các tiến chức, một hồng ân làm phong phú cộng đoàn chúng ta với 22 vị mục tử mới.
Bài Tin Mừng ngắn gọn vừa được công bố mang đậm chiều sâu thần học, giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa và giá trị của thánh lễ trọng thể này.
Chúa Giêsu giới thiệu chính Người là Mục Tử Nhân Lành, Đấng ban sự sống đời đời cho chiên của Người (x. Ga 10,28). Hình ảnh mục tử bắt nguồn sâu xa từ Cựu ước và được truyền thống Kitô giáo yêu mến. Các ngôn sứ đã gọi vua Đavít là "Mục tử của Israel", một danh hiệu mang chắc chắn ý nghĩa Đấng Mêsia (x. Ed 34,23).
Chúa Giêsu là Mục Tử đích thực của Israel, vì Ngài là Con Người, Đấng đã muốn chia sẻ thân phận con người để ban cho họ sự sống mới và dẫn đưa họ đến ơn cứu độ.
Đáng chú ý, Thánh sử Gioan thêm tính từ "kalós" (tốt lành) vào danh xưng "mục tử", một tính từ mà ông chỉ dùng để nói về Chúa Giêsu và sứ vụ của Người. Trong trình thuật tiệc cưới Cana, tính từ "kalós" cũng được dùng hai lần để chỉ rượu do Chúa Giêsu ban, dễ dàng được hiểu như biểu tượng của rượu ngon thời Đấng Mêsia (x. Ga 2,10).
"Tôi ban cho chúng (tức là chiên của tôi) sự sống đời đời, và không bao giờ chúng phải diệt vong" (Ga 10,28). Đó là lời Chúa Giêsu, Đấng đã nói trước đó: "Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên" (x. Ga 10,11).
Thánh Gioan dùng động từ "tithénai" – nghĩa là "hy sinh mạng sống hay hiến dâng", và Thánh nhân lặp lại động từ này trong các câu tiếp theo (x. Ga 10,15.17.18). Chúng ta cũng thấy động từ này trong trình thuật Bữa Tiệc ly, khi Chúa Giêsu "cởi áo ngoài ra" để rồi "mặc áo vào lại" sau đó (x. Ga 13,4.12).
Như vậy, rõ ràng ý định là xác nhận rằng Đấng Cứu Chuộc hoàn toàn tự do trong việc hiến dâng mạng sống mình và cũng tự do lấy lại mạng sống ấy.
Chúa Kitô là Mục Tử Nhân Lành đích thực, Đấng đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên, vì chúng ta, khi tự hiến trên thập giá. Ngài biết chiên của mình và chiên của Ngài biết Ngài, như Chúa Cha biết Ngài và Ngài biết Chúa Cha (x. Ga 10,14-15).
Điều này không chỉ là sự hiểu biết trí thức, mà là một mối tương quan cá nhân sâu sắc: một sự hiểu biết của con tim, của người yêu và người được yêu; của người trung tín và người biết tín nhiệm.
Đó là sự hiểu biết trong tình yêu, nhờ đó Chúa Giêsu Mục Tử mời gọi chiên của Ngài theo Ngài, và điều này được thể hiện trọn vẹn trong ân ban sự sống đời đời mà Ngài trao tặng cho họ (x. Ga 10,27-28).
Các tiến chức thân mến, ước gì sự xác tín rằng Đức Kitô không bao giờ bỏ rơi chúng ta và không có trở ngại nào có thể ngăn cản việc thực hiện kế hoạch cứu độ phổ quát của Ngài, trở thành nguồn an ủi thường xuyên – ngay cả trong gian khó – và là niềm hy vọng vững chắc cho các con. Lòng nhân hậu của Chúa luôn ở với các con, và điều đó thật mạnh mẽ.
Bí tích Truyền Chức Thánh mà các con sắp lãnh nhận sẽ làm cho các con trở thành những người tham dự vào chính sứ mạng của Đức Kitô; các con sẽ được mời gọi gieo rắc hạt giống Lời Ngài, hạt giống mang trong mình Nước Thiên Chúa; phân phát lòng thương xót của Thiên Chúa và nuôi dưỡng các tín hữu tại bàn tiệc Mình và Máu Ngài.
Để trở thành những thừa tác viên xứng đáng của Ngài, các con phải không ngừng nuôi dưỡng mình bằng Thánh Thể, nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu.
Khi tiến đến bàn thờ, là trường học thánh thiện hằng ngày của các con, nơi hiệp thông với Chúa Giêsu, nơi học hỏi để thấm nhuần tâm tình của Ngài hầu canh tân hy tế thập giá, các con sẽ ngày càng khám phá ra sự phong phú và dịu dàng của tình yêu nơi Vị Thầy thần linh, Đấng hôm nay đang kêu gọi các con đến với tình bạn thân mật hơn với Ngài.
Nếu các con lắng nghe Ngài một cách ngoan ngùy, nếu các con trung thành bước theo Ngài, các con sẽ học cách thể hiện trong đời sống và sứ vụ mục tử của mình tình yêu và niềm đam mê của Ngài đối với ơn cứu độ cho các linh hồn.
Với sự trợ giúp của Chúa Giêsu, các con thân mến, mỗi người trong các con sẽ trở thành một Mục Tử Nhân Lành, sẵn sàng, nếu cần, hiến dâng mạng sống mình vì Ngài.
Cũng như thế là vào buổi đầu của Kitô giáo với các môn đệ tiên khởi, khi – như chúng ta đã nghe trong Bài đọc I – Tin Mừng tiếp tục được loan truyền giữa những niềm an ủi và thử thách.
Đáng chú ý với những lời cuối trong đoạn trích sách Công vụ Tông đồ mà chúng ta vừa nghe: “Các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13,52).
Bất chấp những hiểu lầm và bất đồng, như chúng ta đã nghe, các tông đồ của Chúa Kitô không đánh mất niềm vui; thực vậy, họ là chứng nhân của niềm vui xuất phát từ việc được ở với Chúa và từ tình yêu dành cho Ngài cũng như cho anh chị em mình.
Trong Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi hôm nay – năm nay mang chủ đề: “Ơn gọi phục vụ Giáo hội như là sự hiệp thông” – chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả những ai được tuyển chọn cho sứ mạng cao cả này luôn được nâng đỡ bởi sự hiệp thông cầu nguyện của toàn thể tín hữu.
Chúng ta cũng hãy cầu nguyện để trong mỗi giáo xứ và cộng đoàn Kitô hữu có sự quan tâm đối với ơn gọi và việc đào tạo linh mục ngày càng gia tăng: Điều này khởi đầu trong gia đình, tiếp nối nơi chủng viện và liên hệ đến tất cả những ai thao thức vì ơn cứu độ các linh hồn.
Anh chị em đang tham dự cử hành phụng vụ long trọng đầy cảm xúc này rất thân mến, và đặc biệt là anh chị em – thân nhân, gia đình và bạn hữu của 22 phó tế sắp được truyền chức linh mục hôm nay!
Chúng ta hãy bao bọc các anh em tiến chức của chúng ta trong Chúa bằng sự liên đới thiêng liêng của mình. Chúng ta hãy cầu nguyện để các tiến chức trung thành với sứ mạng mà hôm nay Chúa kêu gọi họ và luôn sẵn sàng mỗi ngày lặp lại lời “vâng” với Thiên Chúa, lời “này con đây”, không chút dè giữ.
Và chúng ta hãy cầu xin Chủ của mùa gặt, trong ngày Cầu nguyện cho Ơn gọi hôm nay, tiếp tục cho Giáo hội có được nhiều linh mục thánh thiện, hoàn toàn tận hiến cho việc phục vụ dân Chúa.
Các tiến chức thân mến, trong giây phút long trọng và vĩ đại nhất của cuộc đời các con, một lần nữa cha muốn thân ái ngỏ lời với các con. Hôm nay, chính Đức Giêsu lặp lại với các con: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu”. Anh em hãy đón nhận và dưỡng nuôi tình bạn thần linh này bằng “tình yêu Thánh Thể”!
Nguyện xin Đức Maria, Mẹ trên trời của các linh mục, đồng hành với các con. Nguyện xin Mẹ – Đấng đã đứng dưới chân Thánh giá hiệp thông với hy tế của Con mình, và sau khi Ngài phục sinh, đã cùng với các môn đệ lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần – trợ giúp các con và tất cả chúng ta, cũng như những người anh em trong chức linh mục, biết để cho ân sủng Thiên Chúa biến đổi từ nội tâm.
Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể trở nên hình ảnh trung tín của vị Mục Tử Nhân Lành; chỉ bằng cách ấy, chúng ta mới có thể thi hành cách vui tươi sứ mạng nhận biết, hướng dẫn và yêu thương đoàn chiên mà Đức Giêsu đã mua chuộc bằng giá máu của Ngài. Amen.