ĐỨC THÁNH CHA LÊÔ XIV

BÀI GIẢNG

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH NĂM C

Hầm mộ Thánh Phêrô

Chúa nhật, 11/5/2025

[Đa phương tiện]

Tôi xin bắt đầu bằng một vài lời bằng tiếng Anh và có thể thêm một vài lời bằng tiếng Ý.

Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe trong Chúa nhật Chúa Chiên Lành hôm nay là lời: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.”

Tôi suy ngẫm về Người Mục tử Nhân Lành, đặc biệt trong Chúa nhật này, vốn có ý nghĩa sâu sắc trong mùa Phục sinh. Khi chúng ta cử hành sự khởi đầu của sứ vụ mới mà Giáo hội đã kêu gọi tôi đảm nhận, không có mẫu gương nào tốt hơn chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà chúng ta hiến dâng đời mình và cậy dựa vào. Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà chúng ta theo bước, chính là Mục Tử Nhân Lành, và Người là Đấng ban sự sống cho chúng ta: là đường, là sự thật và là sự sống. Vì vậy, chúng ta hân hoan cử hành ngày hôm nay và chân thành cảm ơn sự hiện diện của quý vị tại đây.

Hôm nay là Ngày của Mẹ. Tôi nghĩ chắc chỉ có một người mẹ đang hiện diện ở đây: Chúc mừng Ngày của Mẹ! Một trong những biểu hiện tuyệt vời nhất của tình yêu Thiên Chúa là tình yêu mà các bà mẹ dành cho con cái và cháu chắt của mình.

Chúa nhật này được biết đến là đặc biệt vì nhiều lý do khác nhau: một trong những điều đầu tiên tôi muốn đề cập là ơn gọi. Trong quá trình làm việc gần đây của các Hồng y, trước và sau cuộc bầu chọn Giáo hoàng mới, chúng tôi đã bàn luận nhiều về ơn gọi trong Giáo hội và tầm quan trọng của việc tất cả chúng ta cùng nhau tìm kiếm các ơn gọi. Trước hết là bằng cách nêu gương sáng trong đời sống của mình, với niềm vui, sống niềm vui của Tin mừng, không làm người khác nản lòng, mà thay vào đó tìm cách khuyến khích người trẻ lắng nghe tiếng Chúa, theo Chúa và phục vụ trong Giáo hội. “Ta là Mục Tử Nhân Lành,” Chúa nói với chúng ta điều đó.

[Bằng tiếng Ý] Giờ đây, tôi xin thêm một vài lời bằng tiếng Ý, bởi vì sứ vụ mà chúng ta đang tiến hành không còn giới hạn trong một giáo phận duy nhất, mà là cho toàn thể Giáo hội: tinh thần phổ quát này rất quan trọng. Và chúng ta cũng thấy điều đó trong bài đọc thứ nhất mà chúng ta đã nghe (Cv 13,14.43-52). Phaolô và Barnaba đến Antiôkia; người Do Thái là nhóm người trước tiên được nghe rao giảng Tin mừng từ hai vị, nhưng họ không muốn lắng nghe tiếng Chúa, và vì thế Phaolô và Barnaba bắt đầu rao giảng Tin mừng cho toàn thế giới, cho dân ngoại. Họ đi rao giảng, như chúng ta biết, trong sứ vụ vĩ đại. Thánh Phaolô đến Rôma, nơi ngài cũng hoàn tất sứ vụ của mình. Một ví dụ khác về chứng tá của một mục tử nhân lành. Nhưng trong ví dụ đó, cũng có một lời mời gọi rất đặc biệt dành cho tất cả chúng ta. Tôi cũng đã nói điều đó một cách rất cá nhân rằng: việc loan báo Tin mừng cho toàn thế giới là như thế nào.

Hãy can đảm! Đừng sợ hãi! Nhiều lần trong Tin mừng, Chúa Giêsu nói: “Đừng sợ.” Chúng ta cần can đảm trong việc làm chứng, với thế giới và trên hết là với cuộc sống: hiến dâng cuộc sống, phục vụ, đôi khi với những hy sinh lớn lao để sống trọn sứ vụ này.

Tôi đã thấy một suy ngẫm nhỏ khiến tôi suy nghĩ nhiều, bởi vì nó cũng xuất hiện trong Tin mừng. Theo nghĩa này, ai đó đã hỏi: “Khi bạn nghĩ về cuộc đời mình, bạn miêu tả về nơi bạn đã đến như thế nào?” Câu trả lời họ đưa ra trong suy ngẫm này, theo một nghĩa nào đó, cũng là của tôi, với động từ “lắng nghe.” Việc lắng nghe quan trọng biết bao! Chúa Giêsu nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi.” Và tôi nghĩ điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là học cách lắng nghe nhiều hơn, bước vào đối thoại. Trước hết, với Chúa: luôn lắng nghe Lời Chúa. Sau đó cũng lắng nghe người khác, biết cách xây dựng cầu nối, biết cách lắng nghe mà không phán xét, không đóng cửa nghĩ rằng chúng ta nắm giữ toàn bộ sự thật và không ai khác có thể nói với chúng ta điều gì. Việc lắng nghe tiếng Chúa rất quan trọng, lắng nghe trong cuộc đối thoại này, và xem Chúa đang kêu gọi chúng ta hướng tới điều gì.

Cùng nhau bước đi trong Giáo hội, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để có thể lắng nghe Lời Người, phục vụ toàn thể dân Người.