NỘI DUNG CHÍNH

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 29 Thường Niên năm B (20/10/2024) - Các thánh sáng tạo trong việc làm điều thiện

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 29 Thường Niên năm B (17/10/2021) - Chuyển từ lý luận tham vọng thế tục sang lý luận cảm thông của Chúa

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 29 Thường Niên năm B (21/10/2018) - Phục vụ là thuốc giải độc hiệu quả chống lại bệnh tìm địa vị chức quyền

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 29 Thường Niên năm B (18/10/2015) - Sự khiêm tốn phục vụ là đặc tính của quyền hành

Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Chúa nhật 29 Thường Niên năm B (21/10/2012) – Thánh là người theo bước Chúa Giêsu trên con đường phục vụ


Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 29 Thường Niên năm B (20/10/2024) - Các thánh sáng tạo trong việc làm điều thiện

Chúa Giêsu hỏi Giacôbê và Gioan: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” (Mc 10:36). Và ngay sau đó Người hỏi họ: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10,38). Chúa Giêsu đặt câu hỏi và, chính bằng cách này, giúp chúng ta phân định, bởi vì những câu hỏi làm cho chúng ta khám phá những gì bên trong chúng ta, chúng soi sáng những gì chúng ta mang trong lòng mà đôi khi chúng ta không biết.

Chúng ta hãy để cho Lời Chúa chất vấn mình. Chúng ta hãy tưởng tượng Chúa hỏi chúng ta, mỗi người chúng ta: “Con muốn Ta làm gì cho con?”; và câu hỏi thứ hai: “con có thể uống cùng chén với Ta không?”

Qua những câu hỏi này, Chúa Giêsu làm nổi bật mối dây liên kết và những mong đợi mà các môn đệ đặt nơi Người, với những ánh sáng và bóng tối của mọi mối quan hệ. Thực tế, Giacôbê và Gioan có liên kết với Chúa Giêsu nhưng vẫn có những tham vọng. Họ bày tỏ ước muốn được gần Người, nhưng chỉ để chiếm một chỗ danh dự, được đóng một vai trò quan trọng, “một được ngồi bên hữu, một được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10:37). Rõ ràng họ nghĩ về Chúa Giê-su như một Đấng Mêsia, một Đấng Mêsia chiến thắng, vinh quang và họ mong đợi Người chia sẻ vinh quang của Người cho họ. Họ coi Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, nhưng họ tưởng tượng Người theo cách nghĩ của quyền lực.

Chúa Giêsu không dừng lại ở lời nói của các môn đệ, nhưng đi sâu, lắng nghe và đọc được tâm hồn của mỗi người họ, cũng như của mỗi người chúng ta. Và, trong cuộc đối thoại, ngang qua hai câu hỏi, Người tìm cách khơi nên ước muốn bên trong những yêu cầu đó.

Đầu tiên Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”; và câu hỏi này làm lộ ra những suy nghĩ trong lòng họ, nêu bật những mong đợi và ước mơ ẩn giấu về vinh quang mà các môn đệ đã thầm nuôi dưỡng. Như thể Chúa Giêsu đã hỏi: “Con muốn Thầy là ai đối với con?” và do đó, làm lộ ra điều họ thực sự mong muốn: một Đấng Mêsia quyền năng và một Đấng Mêsia chiến thắng, Đấng sẽ ban cho họ một vị trí danh dự. Và đôi khi trong Giáo hội ý nghĩ này cũng đến: danh vọng, quyền lực...

Sau đó, với câu hỏi thứ hai, Chúa Giêsu phủ nhận hình ảnh Mêsia này và bằng cách này giúp họ thay đổi cái nhìn, nghĩa là hoán cải: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”. Bằng cách này, Người tiết lộ cho họ biết rằng Người không phải là Mêsia như họ nghĩ; Người là Thiên Chúa tình yêu, Đấng hạ mình xuống để đến với những người thấp kém; Đấng trở nên yếu đuối để nâng đỡ người yếu, Đấng làm việc vì hòa bình chứ không phải vì chiến tranh, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Chén mà Chúa sẽ uống là chính của lễ sự sống của Người, sự sống được ban cho chúng ta vì tình yêu, cho đến chết và chết trên thập giá.

Và rồi, bên tả và bên hữu Người sẽ là hai tên trộm, bị treo như Người trên thập giá và không yên vị ở những nơi quyền lực; hai tên trộm bị đóng đinh cùng với Chúa Kitô trong đau đớn và không được ngồi trong vinh quang. Vị vua bị đóng đinh, người công chính bị kết án, trở thành nô lệ của mọi người: đây thực sự là Con Thiên Chúa! (x. Mc 15,39). Người chiến thắng không phải là người thống trị mà là người phục vụ vì tình yêu. Thư gửi tín hữu Do Thái cũng nhắc nhở chúng ta về điều này: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta” (Dt 4,15).

Ở điểm này, Chúa Giêsu có thể giúp các môn đệ hoán cải, thay đổi não trạng của họ: “Anh em biết : những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân” (Mc 10:42). Nhưng không phải là như vậy đối với những ai bước theo Chúa, nhưng phải trở thành tôi tớ để đến với mọi người bằng tình yêu của Chúa. Ai theo Chúa Kitô, nếu muốn nên cao cả, thì phải phục vụ, học hỏi nơi Người.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu cho thấy những suy nghĩ, những ước muốn và dự phóng nơi tâm hồn chúng ta, đôi khi làm lộ ra những mong đợi của chúng ta về vinh quang, thống trị, quyền lực và hư danh. Người giúp chúng ta suy nghĩ không còn theo tiêu chuẩn của thế gian nữa, nhưng theo cách của Thiên Chúa, Đấng trở nên rốt cùng để những người sau chót được nâng lên và trở thành những người đầu tiên. Và những câu hỏi này của Chúa Giêsu, với lời dạy của Người về việc phục vụ, thường không thể hiểu được, các môn đệ đã không thể hiểu, và chúng ta cũng không thể hiểu. Nhưng bằng cách bước theo Người, theo bước chân của Người và đón nhận món quà tình yêu của Người, chúng ta cũng có thể học được cách của Thiên Chúa: cách phục vụ của Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên ba từ thể hiện cách phục vụ của Thiên Chúa: gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Chúa đến gần để phục vụ; Người trở nên trắc ẩn để phục vụ; Người dịu dàng để phục vụ.

Chúng ta phải khao khát điều này: không phải quyền lực mà là sự phục vụ. Phục vụ là lối sống Kitô giáo. Nó không phải là một danh sách những việc cần làm, để rồi, sau khi xong, chúng ta có thể coi như hoàn thành công việc của mình; những người phục vụ bằng tình yêu không nói: “bây giờ sẽ đến lượt người khác”. Đây là suy nghĩ của nhân viên chứ không phải của nhân chứng. Sự phục vụ được sinh ra từ tình yêu và tình yêu không có ranh giới, không tính toán mà trao ban. Tình yêu không giới hạn ở việc sản xuất để mang lại kết quả, nó không phải là một sự biểu diễn vào dịp nào đó nhưng xuất phát từ trái tim, một trái tim được đổi mới bởi tình yêu và trong tình yêu.

Khi chúng ta học cách phục vụ, mọi cử chỉ quan tâm và chăm sóc của chúng ta, mọi biểu hiện dịu dàng, mọi việc làm của lòng thương xót đều trở thành phản ánh tình yêu của Thiên Chúa và vì vậy tất cả chúng ta - và mỗi người chúng ta - tiếp tục công việc của Chúa Giêsu trong thế giới.

Dưới ánh sáng này, chúng ta có thể nhớ đến các môn đệ của Tin Mừng, những vị được phong thánh hôm nay. Trong suốt lịch sử đau thương của nhân loại, họ đã là những tôi tớ trung thành, những người nam nữ phục vụ trong sự tử đạo và niềm vui, giống như Manuel Ruiz Lopez và các bạn. Họ là những linh mục và nữ tu thánh hiến nhiệt thành, nhiệt thành với niềm đam mê truyền giáo, như Don Giuseppe Allamano, Nữ tu Paradis Marie Leonie và Nữ tu Elena Guerra. Những vị thánh mới này đã sống theo phong cách của Chúa Giêsu: phục vụ. Đức tin và việc tông đồ mà họ thực hiện không khơi dậy trong họ những ham muốn trần thế và ham muốn quyền lực, nhưng trái lại, họ trở thành tôi tớ của anh chị em mình, sáng tạo trong việc làm điều thiện, kiên vững trong gian khó và quảng đại cho đến cùng.

Chúng ta tin tưởng cầu xin sự chuyển cầu của họ, để chúng ta cũng có thể theo Chúa Kitô, theo Người trong sự phục vụ và trở thành những chứng nhân của niềm hy vọng cho thế giới.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 29 Thường Niên năm B (17/10/2021) - Chuyển từ lý luận tham vọng thế tục sang lý luận cảm thông của Chúa

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Mc 10,35-45) thuật lại rằng hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin Chúa cho họ một ngày kia được ngồi bên cạnh Người trong vinh quang. Nhưng các môn đệ khác nghe thấy điều đó và trở nên giận dữ. Do đó, Chúa Giêsu kiên nhẫn đưa ra cho họ một giáo huấn tuyệt vời: vinh quang thật không có được bằng cách vượt lên trên người khác, nhưng bằng cách chịu cùng một phép rửa mà Chúa sẽ nhận chỉ sau đó ít lâu tại Giêrusalem, nghĩa là thập giá. Điều đó có nghĩa là gì? Từ ngữ “phép rửa” có nghĩa là “dìm mình”: qua cuộc Khổ nạn của Người, Chúa Giêsu đã dìm mình vào sự chết, hiến mạng sống để cứu chúng ta. Vì vậy, vinh quang của Người, vinh quang của Thiên Chúa, là tình yêu trở thành sự phục vụ, chứ không phải quyền lực tìm cách thống trị. Do đó, Chúa Giêsu kết thúc bằng cách nói với các môn đệ và với cả chúng ta: “Ai làm lớn trong anh em, thì phải làm đầy tớ anh em” (câu 43).

Chúng ta đứng trước hai loại lý luận khác nhau: các môn đệ muốn nổi bật lên và Chúa Giêsu muốn hòa mình. Chúng ta hãy dành một chút thời gian cho hai động từ này. Động từ đầu tiên là nổi lên. Nó thể hiện tâm lý trần tục mà chúng ta luôn bị cám dỗ: trải nghiệm mọi thứ, kể cả các mối quan hệ, để nuôi tham vọng của mình, leo lên những nấc thang thành công, vươn tới những vị trí quan trọng.

Việc tìm kiếm uy tín cá nhân có thể trở thành một căn bệnh thiêng liêng, che lấp ngay cả những mục đích tốt đẹp: ví dụ, khi mà đằng sau những điều tốt chúng ta làm và rao giảng, chúng ta thực sự chỉ tìm kiếm bản thân và sự khẳng định của chính mình. Do đó, chúng ta luôn cần đánh giá ý định thực sự của lòng mình, tự hỏi bản thân: “Tại sao tôi lại thực hiện công việc này, trách nhiệm này? Để phục vụ hay đúng hơn là để được công nhận, khen ngợi và nhận được lời khen? “ Chúa Giêsu đối lập luận lý thế gian này bằng lý luận của Người: thay vì đề cao bản thân hơn người khác, hãy đi xuống khỏi bục của bạn để phục vụ họ; thay vì nâng mình trên người khác, hãy hòa mình vào cuộc sống của người khác.

Động từ thứ hai là hòa vào. Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta hòa vào cuộc sống của những người mà chúng ta gặp gỡ một cách cảm thông như Người đã làm với chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào Chúa bị đóng đinh, hòa mình trong chiều sâu của lịch sử bị thương tích của chúng ta, và chúng ta sẽ khám phá ra cách làm việc của Chúa. Chúng ta thấy rằng Chúa không ở trên trời cao để nhìn xuống chúng ta từ trên cao xuống, nhưng Người đã hạ mình xuống để rửa chân cho chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu khiêm nhường, không tự tôn mình lên, nhưng đi xuống, như mưa rơi xuống đất và mang lại sự sống.

Nhưng làm thế nào chúng ta có thể áp dụng cùng một đường hướng mà Chúa Giêsu đã làm, từ nâng mình lên trở thành hòa mình, từ não trạng uy tín sang tinh thần phục vụ? Sự tận tâm là cần thiết, nhưng điều đó là chưa đủ. Thật khó khăn khi chúng ta chỉ dựa sức mình, nhưng chúng ta có một sức mạnh bên trong giúp chúng ta. Đó là sức mạnh của Bí tích Rửa tội, của sự dìm mình trong Chúa Giêsu mà chúng ta đã nhận được nhờ ân sủng đã hướng dẫn chúng ta, thúc đẩy chúng ta theo Người thay vì tìm kiếm lợi ích của mình, nhưng đặt mình phục vụ người khác. Đó là một ân sủng, một ngọn lửa mà Chúa Thánh Linh đã nhen nhóm trong chúng ta và nó cần được nuôi dưỡng. Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần canh tân ân sủng của Bí tích Rửa tội trong chúng ta, việc hòa mình vào Chúa Giêsu, trong cách hiện hữu của Người, để phục vụ.

Và chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ: dù là người vĩ đại nhất, Mẹ đã không tìm cách nổi trội, nhưng là tôi tớ khiêm nhường của Chúa, và hoàn toàn đắm mình trong sự phục vụ của chúng ta để giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 29 Thường Niên năm B (21/10/2018) - Phục vụ là thuốc giải độc hiệu quả chống lại bệnh tìm địa vị chức quyền

Anh chị em thân mến,

Đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mc 10,35-45) mô tả Chúa Giêsu, một lần nữa và với lòng kiên nhẫn lớn lao, cố gắng sửa sai các môn đệ của Người, chuyển đổi họ từ não trạng của thế gian sang não trạng của Thiên Chúa. Cơ hội sửa sai được trao cho Người khi có hai anh em Giacôbê và Gioan, hai trong số những môn đệ đầu tiên mà Chúa Giêsu đã gặp và kêu gọi đi theo Người. Đến nay thì họ đã cùng đi theo Người một thời gian và thuộc nhóm 12 Tông đồ. Do đó, trong khi họ đang trên đường lên Giêrusalem, nơi mà các môn đệ nôn nóng hy vọng rằng trong dịp lễ Vượt qua, cuối cùng Chúa Giêsu sẽ thành lập Vương quốc của Thiên Chúa, hai anh em đã lấy can đảm xin Thầy của họ một điều: “Xin cho chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (c. 37).

Chúa Giêsu biết rằng Giacôbê và Gioan bị thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành mạnh mẽ đối với Người và vì Nước Chúa, nhưng Người cũng biết rằng sự kỳ vọng và nhiệt tình của họ bị nhiễm tinh thần thế gian. Do đó, Người trả lời: “Các con không biết điều các con xin” (c. 38). Và trong khi họ nói về “những chiếc ngai vinh quang”, trên đó họ sẽ ngồi cạnh Chúa Kitô Vua, thì Chúa Giêsu lại nói về một “chén” phải uống, về một “phép rửa” phải lãnh nhận, nghĩa là cuộc thương khó và cái chết của Người. Giacôbê và Gioan, luôn nghĩ đến đặc ân mà họ hy vọng, họ nói: “Thưa được, chúng con có thể”! Nhưng, ở đây cũng thế, Chúa Giêsu loan báo trước về chén mà họ sẽ uống và phép rửa mà họ sẽ lãnh nhận, nghĩa là họ cũng như các Tông đồ khác, sẽ tham dự vào thánh giá của Người, khi giờ của họ đến. Chúa Giêsu kết luận: “việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy không thuộc quyền Thầy ban; nó dành cho người đã được chuẩn bị” (c. 40) Như thế Chúa Giêsu muốn nói: giờ đây các con hãy theo Thầy và học con đường yêu thương đến hy sinh, và Cha trên trời sẽ nghĩ đến phần thưởng. Con đường yêu thương luôn luôn là “mất mát”, vì yêu thương có nghĩa là gạt bỏ cái tôi, sự ích kỷ, để phục vụ người khác.

Sau đó, Chúa Giêsu nhận ra 10 Tông đồ khác tức giận với anh em Giacôbê và Gioan, và như thế họ cũng tỏ cho thấy họ cũng có não trạng thế gian. Đây là cơ hội để Chúa Giêsu đưa ra một bài học và nó có giá trị đối với các Kitô hữu thuộc mọi thời đại. Chúa nói thế này: “Các con biết rằng những người được xem là lãnh đạo các quốc gia thì thống trị trên các quốc gia và các thủ lãnh các nước thì cai quản chúng. Giữa các con thì không như thế; ai muốn làm lớn trong các con thì hãy là người phục vụ các con, và ai muốn làm đầu trong các con thì hãy làm đầy tớ tất cả” (c. 42). Sứ điệp của Chúa rất rõ ràng: trong khi những người làm lớn trên thế gian xây dựng những ngai vàng cho quyền bính của họ, Thiên Chúa chọn một ngai không tiện nghi, là thánh giá, từ ngai đó Người cai trị khi ban tặng sự sống của Người: Chúa Giêsu nói “Con Người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và trao ban sự sống của mình để cứu độ nhiều người” (c.45).

Con đường phục vụ là thuốc giải độc hiệu quả nhất chống lại căn bệnh tìm kiếm những vị trí trên trước, là căn bệnh làm ô nhiễm nhiều bối cảnh của con người và cũng không loại trừ Giáo hội. Vì vậy, với tư cách là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta đón nhận Tin mừng này như một lời kêu gọi hoán cải, để làm chứng với lòng dũng cảm và quảng đại về một Giáo Hội cúi xuống bàn chân của những người rốt cùng, để phục vụ họ bằng tình yêu và sự đơn giản chân thành. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người hoàn toàn và khiêm tốn gắn bó với thánh ý của Thiên Chúa, giúp chúng ta vui vẻ theo Chúa Giêsu trên con đường phục vụ, con đường chính dẫn đến Thiên Đàng.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 29 Thường Niên năm B (18/10/2015) - Sự khiêm tốn phục vụ là đặc tính của quyền hành

(Bài giảng Thánh lễ tôn phong 4 vị hiển thánh mới: cha Vincenzo Grossi, người Italia, vị sáng lập dòng các nữ tử Oratorio; Thánh Nữ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm, người Tây Ban Nha, mẫu gương bác ái; và Ông Bà Louis Martin và Zélie Guérin, song thân của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu)

Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay trình bày chủ đề về sự phục vụ. Nội dung các bài đọc mời gọi chúng ta noi theo Chúa Giêsu trên con đường khiêm nhường và thập giá. Tiên tri Isaia mô tả Người Tôi Tớ của Chúa (53:10-11) và sứ mệnh cứu rỗi của Người. Người Tôi Tớ không phải là người có dòng dõi lừng lẫy; Người bị mọi người khinh miệt, xa lánh, là một người đau khổ. Người không làm những điều vĩ đại hay có những bài phát biểu đáng nhớ; thay vào đó, Người hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa thông qua sự hiện diện khiêm nhường, lặng lẽ và sự đau khổ của Người. Sứ mệnh của Người được thực hiện trong đau khổ, và điều này cho phép Người hiểu những người đau khổ, gánh vác tội lỗi của người khác và đền tội cho họ. Sự tự hạ và đau khổ của Người Tôi Tớ của Chúa, thậm chí cho đến chết, chứng tỏ rất hiệu quả đến nỗi chúng mang lại sự cứu chuộc và cứu rỗi cho nhiều người.

Chúa Giêsu là Người Tôi Tớ của Chúa: cuộc sống và cái chết của Người hoàn toàn diễn ra dưới hình thức phục vụ (Xv Pl 2,7), là nguyên nhân mang lại ơn cứu độ và hòa giải nhân loại với Thiên Chúa. Việc loan báo, trọng tâm của Tin Mừng, làm chứng rằng trong cái chết và sự sống lại của Người những lời tiên tri về Người Tôi Tớ Chúa được viên mãn. Trình thuật của thánh Marco mô tả cảnh tượng Chúa Giêsu “đụng độ” lần đầu tiên các môn đệ Giacôbê và Gioan: hai ông được bà mẹ hỗ trợ, và muốn ngồi bên hữu và bên tả của Người trong nước Thiên Chúa (Xc Mc 10,37), đòi những chỗ danh dự, theo cái nhìn của họ về phẩm trật Nước Chúa. Viễn tượng theo đó họ hành động càng bị ô nhiễm vì ước mơ những thành đạt trần thế. Bấy giờ Chúa Giêsu “giáng” cú đầu tiên vào những xác tín ấy của các môn đệ, Người nhắc lại con đường của Người trên trần thế này: “Chén mà Thầy uống, cả các con cũng sẽ uống, nhưng còn việc ngồi bên tả hay bên hữu Thầy, không phải Thầy ban điều ấy; điều ấy dành cho những người được chỉ định (vv.39-40). Với hình ảnh chén ấy, Chúa cam đoan với hai môn đệ là họ có thể tham gia số phận đau khổ của Người, nhưng không bảo đảm những chỗ danh dự mà họ mong muốn. Câu trả lời của Chúa là một lời mời gọi hãy theo Người trên con đường yêu thương và phục vụ, loại trừ cám dỗ trần tục muốn ngồi chỗ nhất và điều khiển người khác.

Đứng trước những người xoay sở “mánh mung” để đạt được quyền bính và thành công, các môn đệ được kêu gọi hãy làm ngược lại. Vì thế, Chúa cảnh giác họ: Các con biết rằng những kẻ được coi là người cai trị các dân nước thống trị trên dân và các thủ lãnh ấy áp bức dân. Nhưng nơi các con không được như vậy; ai muốn trở nên kẻ lớn trong các con thì hãy trở thành người phục vụ các con (vv.42-44). Với những lời ấy Chúa chỉ việc phục vụ như cách thức thực thi quyền bính trong cộng đoàn Kitô. Ai phục vụ người khác và không nuôi ảo tưởng, là người thực sự thi hành quyền bính trong Giáo Hội. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi não trạng và đi từ sự ham hố quyền hành đến niềm vui được ẩn mình và phục vụ; loại trừ bản năng thống trị người khác và thực thi nhân đức khiêm tốn.

Và sau khi trình bày một kiểu cách không nên bắt chước, Chúa Giêsu cống hiến bản thân như lý tưởng cần tham chiếu. Trong thái độ của Thầy, cộng đoàn tìm được động lực cho viễn tượng mới trong cuộc sống của mình: “Thực vậy cả Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (v. 45). Trong truyền thống Kinh Thánh, Con Người là vị lãnh nhận từ Thiên Chúa “quyền bính, vinh quang và vương quốc” (Dn 7,14). Chúa Giêsu làm cho hình ảnh ấy được tràn đầy ý nghĩa mới và xác định rằng Người có quyền bính trong tư cách là người tôi tớ, được vinh quang trong tư cách là người có thể hạ mình xuống, và được vương quyền vì sẵn sàng hoàn toàn hiến mạng sống mình. Thực vậy, với cuộc khổ nạn và cái chết, Người chiếm được chỗ cuối cùng, đạt tới mức độ phục vụ cao cả nhất, và trao tặng cho Giáo Hội của Người.

Có một sự không thể dung hợp giữa cách thức quan niệm quyền bính theo các tiêu chuẩn trần thế và sự khiêm tốn phục vụ phải là đặc tính của quyền hành theo giáo huấn và tấm gương của Chúa Giêsu. Không thể dung hợp giữa những tham vọng, ước muốn thành đạt với sự theo Chúa Kitô; không thể dung hợp giữa những vinh dự, thành công, danh tiếng, những chiến thắng trần tục, với tiêu chuẩn của Chúa Kitô chịu đóng đanh. Trái lại có sự dung hợp giữa Chúa Giêsu “chuyên chịu đau khổ và sự đau khổ của chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái nhắc nhớ cho chúng ta điều đó, thư này trình bày Chúa Kitô như vị Thượng Tế chia sẻ thân phận làm người của chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi: “Chúng ta không có một vị thượng tế không biết tham phần vào những yếu đuối của chúng ta: chính Ngài đã bị thử thách trong mọi sự như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi” (4,5). Chúa Giêsu chủ yếu thi hành một chức linh mục thương xót và cảm thông. Người đã trải qua kinh nghiệm trực tiếp về những khó khăn của chúng ta, Người biết từ bên trong thân phận phàm nhân của chúng ta; sự kiện Người không cảm nghiệm tội lỗi không ngăn cản Người hiểu các tội nhân. Vinh quang của Người không phải là là thứ vinh quang tham vọng hoặc khao khát thống trị, nhưng là vinh quang được yêu mến con người, đảm nhận và chia sẻ yếu đuối của họ và ban cho họ ơn thánh chữa lành, tháp tùng hành trình sầu muộn của họ với lòng dịu dàng vô biên.

Mỗi người chúng ta, trong tư cách đã được chịu phép rửa, đều tham phần vào chức linh mục của Chúa Kitô; các tín hữu giáo dân tham gia chức linh mục chung, các linh mục tham gia chức linh mục thừa tác. Vì thế tất cả chúng ta đều có thể lãnh nhận tình thương xuất phát từ con tim rộng mở của Chúa, cho bản thân chúng ta cũng như cho tha nhân: chúng ta trở thành những máng chuyển tình thương, sự cảm thông, đặc biệt là đối với những người đang đau khổ, lo âu, thất vọng và cô đơn.

Những vị được tôn phong hiển thánh hôm nay, đã liên tục khiêm tốn phục vụ anh chị em mình với lòng khiêm tốn và bác ái đặc biệt, qua đó các vị noi gương Thầy Chí Thánh. Thánh Vincenzo Grossi là cha sở nhiệt thành, luôn quan tâm đến các nhu cầu của dân, nhất là tình trạng dòn mỏng của giới trẻ. Thánh nhân nhiệt thành bẻ bánh Lời Chúa cho mọi người và trở thành người Samaritano nhân lành cho những người túng thiếu nhất.

Thánh nữ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm đã đích thân sống sự phục vụ những người rốt hết với lòng khiêm tốn sâu xa, với sự quan tâm đặc biệt đến những con cái của những người nghèo và người bệnh.

Hai vị thánh phối ngẫu Louis Martin và Marie Azélie Guérin đã sống việc phục vụ Kitô trong gia đình, ngày qua ngày kiến tạo một môi trường đầy tin yêu, và trong bầu không khí đó đã này mầm những ơn gọi của cac con, trong đó có thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Ước gì chứng tá rạng ngời của các vị thánh mới này thúc đẩy chúng ta kiên trì trên con đường phục vụ vui tươi dành cho anh chị em chúng ta, tín thác nơi ơn phù trợ của Thiên Chúa và sự bảo vệ hiền mẫu của Mẹ Maria. Từ trời cao, giờ đây xin các ngài canh giữ và nâng đỡ chúng ta qua lời chuyển cầu quyền năng của các ngài.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Chúa nhật 29 Thường Niên năm B (21/10/2012) – Thánh là người theo bước Chúa Giêsu trên con đường phục vụ

(Bài giảng thánh lễ tôn phong 7 vị chân phước lên bậc hiển thánh)

“Con người đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Xc Mc 10,45).

Hôm nay, Giáo hội lại lắng nghe những lời này của Chúa Giêsu, được Chúa phán ra trong cuộc hành trình lên Giêrusalem, nơi Người sẽ hoàn thành mầu nhiệm thương khó, tử nạn và phục sinh của Người. Đó là những lời tôn vinh ý nghĩa sứ mệnh của Chúa Kitô trên trần gian, được đánh dấu bằng sự hy sinh, bằng sự hiến thân trọn vẹn của Người. Vào Chúa Nhật thứ ba của tháng Mười này, ngày chúng ta cử hành Khánh nhật Truyền giáo, Giáo hội lắng nghe những lời này với sự chú ý đặc biệt và đổi mới niềm tin của mình rằng mình phải luôn tận tụy phục vụ nhân loại và Tin Mừng, theo gương của Đấng đã hiến mình đến mức hy sinh mạng sống.

Tôi gửi lời chào nồng nhiệt đến tất cả mọi người đang có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô, đặc biệt là các phái đoàn chính thức và những người hành hương đã đến để mừng bảy vị thánh mới. Tôi gửi lời chào trìu mến đến các Hồng y và Giám mục, những người trong những ngày này đang tham gia Đại hội đồng về Tân Phúc âm hóa. Sự trùng hợp giữa cuộc họp của giáo hội này và Khánh nhật Truyền giáo là một sự trùng hợp hạnh phúc; và lời Chúa mà chúng ta đã lắng nghe đã soi sáng cho cả hai chủ đề. Lời Chúa cho thấy cách trở thành người truyền giáo, được kêu gọi làm chứng và công bố sứ điệp Kitô giáo, đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và noi theo cùng một cách sống của Người. Điều này đúng cho cả sứ mệnh ad Gentes và cho công cuộc truyền giáo mới ở những nơi có nguồn gốc Kitô giáo lâu đời.

“Con người đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Xc Mc 10,45).

Những lời này trở thành chương trình sống của 7 vị Chân Phước mà hôm nay Giáo Hội long trọng ghi tên vào hàng ngũ vinh hiển của các thánh. Các ngài đã anh dũng dâng mạng sống mình, tận hiến cho Thiên Chúa và quảng đại phục vụ anh chị em đồng loại. Các vị là con cái của Giáo Hội, đã chọn con đường phục vụ noi gương Chúa. Sự thánh thiện trong Giáo Hội luôn có nguồn mạch từ mầu nhiệm cứu chuộc, được ngôn sứ Isaia báo trước trong bài đọc thứ I: Vị Tôi Tớ Chúa là người Công Chính “làm cho nhiều người nên công chính, Người mang lấy tội lỗi của họ” (Is 53, 11). Đó chính là Chúa Giêsu Kitô, chịu đanh, sống lại và đang sống trong vinh quang. Lễ phong thánh hôm nay là lời khẳng định hùng hồn về thực tại cứu độ huyền nhiệm ấy. Sự kiên trì của 7 môn đệ Chúa Kitô trong việc tuyên xưng đức tin, sự trở nên đồng hình dạng của các Vị với Con Người ngày hôm nay đang chiếu tỏa rạng ngời trong toàn Giáo Hội.

1. Trước tiên là cha Jacques Berthieu, sinh năm 1838 tại Pháp, sớm được Chúa Kitô chinh phục. Trong khi làm việc mục vụ giáo xứ, cha nồng nhiệt mong ước cứu vớt các linh hồn. Trở thành tu sĩ dòng Tên, cha muốn rong ruổi trên thế giới để làm vinh danh Chúa. Là mục tử không biết mệt mỏi tại đảo Santa Maria rồi tại Madagascar, cha tranh đấu chống lại bất công, nâng đỡ người nghèo và bệnh nhân. Người dân Madagascar coi cha như một LM đến từ trời, họ nói: Cha là “cha mẹ của chúng con!”. Cha trở nên mọi sự cho mọi người, kín múc trong kinh nguyện và trong lòng yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu sức mạnh nhân bản và linh mục để đạt tới cuộc tử đạo vào năm 1896. Khi trút hơi thở cuối cùng, cha nói: “Tôi thà chết còn hơn từ bỏ đức tin của tôi”. Các bạn thân mến, ước gì cuộc sống của nhà truyền giáo này khích lệ và nêu gương cho các linh mục, để các vị trở thành những người của Thiên Chúa như thánh Berthieu! Ước gì tấm gương của thánh nhân trợ giúp các tín hữu Kitô đang bị bách hại ngày nay vì đức tin! Ước chi sự chuyển cầu của thánh nhân trong Năm Đức Tin này mang lại thành quả cho Madagascar và Phi châu! Xin Chúa chúc lành cho dân tộc Madagascar!

2. Pedro Calungsod sinh khoảng năm 1654, tại vùng Visayas bên Philippines. Tình yêu của thánh nhân đối với Chúa Kitô thúc đẩy Người trở thành giáo lý viên cùng với các thừa sai dòng Tên tại nơi ấy. Năm 1668, cùng với các giáo lý viên trẻ khác, Pedro tháp tùng cha Diego Luis de San Vitores tới quần đảo Marianas để rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Chamorro. Cuộc sống tại đó rất vất vả cam go và các thừa sai bị bách hại vì ghen tương và vu khống. Nhưng Pedro đã chứng tỏ niềm tin và đức ái sâu xa, và tiếp tục dạy giáo lý cho nhiều tân tòng, làm chứng về Chúa Kitô qua cuộc sống khiết tịnh và tận tụy đối với Tin Mừng. Thánh nhân nồng nhiệt mong ước đưa các linh hồn về cùng Chúa Kitô, và điều này càng làm cho Người kiên quyết trong việc chấp nhận tử đạo. Pedro Calungsod qua đời ngày 2-4-1672. Các chứng nhân kể lại rằng Pedro tuy có thể thoát thân nhưng đã quyết định ở lại cạnh cha Diego. Vị linh mục đã ban phép xá giải cho Pedro trước khi bị giết. Ước gì tấm gương và chứng tá can đảm của thánh Pedro Calungsod gợi hứng cho các dân tộc yêu quí tại Philippines mạnh mẽ rao giảng Nước Chúa và đưa nhiều linh hồn về cùng Chúa.

3. Giovanni Battista Piamarta, linh mục giáo phận Brescia là đại tông đồ bác ái và của giới trẻ. Cha cảm thấy đạo Công Giáo cần phải hiện diện về văn hóa và xã hội trong thế giới tân tiến, vì thế cha tận tụy nâng cao đời sống Kitô, luân lý và nghề nghiệp cho các thế hệ trẻ với tấm gương rạng ngời của cha về tình người và lòng từ nhân. Được linh hoạt nhờ niềm tín thác không lay chuyển nơi Chúa Quan Phòng và với tinh thần hy sinh sâu xa, cha đương đầu với những khó khăn và vất vả để thành lập nhiều tổ chức tông đồ, trong đó có Học viện Artigianelli, nhà xuất bản Queriniana, Dòng nam Thánh Gia Nazareth, và dòng các nữ tỳ khiêm hạ của Chúa. Bí quyết cuộc sống khẩn trương và cần cù của cha chính là những giờ cầu nguyện lâu giờ. Khi bị tràn ngập công việc, cha gia tăng thời gian gặp gỡ, tâm sự với Chúa. Cha thích dừng lại trước Mình Thánh Chúa, suy niệm về cuộc khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa Kitô, để kín mục sức mạnh tinh thần và tái ra đi chinh phục tâm hồn tha nhân, đặc biệt là những người trẻ, để đưa họ trở lại nguồn sống với những sáng kiến mục vụ luôn mới mẻ”.

4. “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu Chúa: chúng con hy vọng nơi Chúa”. Với những lời này, phụng vụ mời chúng ta hãy nhận thánh ca này dâng lên Thiên Chúa Tạo Hóa và Quan phòng như của chúng ta, chấp nhận dự phóng của Chúa dành cho đời sống chúng ta. Thánh nữ Maria del Carmelo Sallés y Barangueras, đã làm như vậy. Người là nữ tu, sinh trưởng tại Vic bên Tây Ban Nha năm 1848. Khi thấy hy vọng của mình được thành tựu sau nhiều thăng trầm khi chiêm ngắm sự phát triển của Dòng các nữ tu Đức Mẹ Vô Nhiễm chuyên về giáo dục, mà Mẹ đã thành lập năm 1892, Mẹ đã có thể hát lên cùng với Mẹ Thiên Chúa: “Từ đời này đến đời kia, lượng từ bi của Chúa trải dài trên những người kính sợ Chúa”. Công trình giáo dục của Mẹ, được phó thác cho Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, tiếp tục mang lại những hoa trái dồi dào nơi giới trẻ nhờ sự dấn thân quảng đại của các con cái của Mẹ, những người như Mẹ đã phó thác trong tay Chúa là Đấng có thể làm mọi sự.

5. Giờ đây chúng ta hãy hướng nhìn về thánh nữ Marianne Cope, sinh năm 1838 tại Heppenheim bên Đức. Khi mới được 1 tuổi, Marianne được đưa sang Hoa Kỳ và năm 1862 gia nhập dòng Ba Phanxicô tại viện ở Syracure New York. Sau đó với tư cách là Bề trên (tổng quyền) của dòng, Mẹ Marianna tự nguyện đón nhận ơn gọi chăm sóc những người cùi trong quần đảo Hawaii, sau khi nhiều người khác khước từ. Cùng với 6 chị em, Mẹ đến đó để điều khiển một nhà thương ở đảo Oahu, rồi sau đó lập nhà thương ở Malulani trên đảo Maui, mở một nhà cho các thiếu nữ con của những người cùi. 5 năm sau, Mẹ nhận lời mời mở một nhà cho các phụ nữ và thiếu nữ tại chính đảo Molokai, can đảm đích thân đến đó và chấm dứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Tại đó Mẹ chăm sóc cha Damien, vốn nổi tiếng vì hạt động anh dũng nơi những người cùi, chăm sóc cha cho đến chết và tiếp nối cha nơi những người cùi nam giới. Khi còn có thể làm chút ít cho những người đau khổ vì căn bệnh kinh khủng này, Mẹ Marianne Cope chúng tỏ tình yêu, lòng can đảm và hăng say cao cả nhất. Mẹ là mẫu gương sáng ngời và mạnh mẽ về truyền thống Công Giáo tốt đẹp nhất trong việc săn sóc những chị em và theo tinh thần của thánh Phanxicô yêu quí.

6. Kateri Tekakwitha sinh năm 1656 tại nơi nay thuộc bang New York, thân phụ là người bộ lạc Mohak và mẹ mà tín hữu Công Giáo thuộc bộ lạc Algonchina, người đã thông truyền cho Kateri cảm thức về Thiên Chúa hăng sống. Kateri được rửa tội năm 20 tuổi, và tránh các cuộc bách hại, tị nạn đến cứ điểm truyền giáo thánh Phanxicô Xavie gần Montréal. Tại đó, Kateri làm việc, trung thành với truyền thống của dân tộc mình, và cũng từ bỏ những xác tín tôn giáo của bộ tộc, cho đến khi qua đời lúc 24 tuổi. Với cuộc sống đơn sơ, Kateri trung thành với tình yêu Chúa Giêsu, kinh nguyện và thánh lễ h;ăng ngày. Ước mong lớn nhất của Kateri là được biết Chúa và làm những gì đẹp lòng Chúa. Kateri mang lại cho chúng ta ấn tượng mạnh về hoạt động của ơn thánh trong cuộc sống của thánh nữ, - vốn không được những nâng đỡ từ bên ngoài,- và về lòng can đảm trong ơn gọi rất đặc biệt trong nền văn hóa của thánh nữ. Nơi Kateri, đức tin và văn hóa làm cho nhau được phong phú. Ước gì tấm gương của thánh nữ giúp chúng ta sống tại nơi chúng ta đang sở, mà không từ bỏ thực chất của chúng ta, yêu mến Chúa Giêsu! Lạy Thánh Nữ Kateri, bổn mạng của Canada và là vị thánh đầu tiên thuộc thổ dân bắc Mỹ, chúng con phó thác cho thánh nữ sự canh tân đức tin của các thổ dân trên toàn Bắc Mỹ! Xin Chúa chúc lành cho các thổ dân!

7. Anna Schaeffer người làng Mindelstetten, khi còn trẻ đã muốn gia nhập một dòng thừa sai. Vốn xuất thân từ gia đình khiêm hạ, Anna làm công trong một gia đình với ý định kiếm đủ tiền hồi môn để được đón nhận vào một tu viện. Trong công việc ấy, Anna bị tai nạn, bị phỏng nặng ở hai chân không thể lành được, khiến cô bị liệt giường suốt đời. Và thế là chiếc giường đau khổ trở thành căn phòng tu viện đối với Anna, và đau khổ trở thành hoạt động truyền giáo của thánh nữ. Thoạt đầu Anna than thân trách phận, nhưng rồi Anna tiến đến mức biết giải thích tình trạng của mình như tiếng gọi yêu thương của Đấng Chịu Đóng Đanh, mời gọi Anna bước theo Ngài. Được an ủi hằng ngày nhờ việc rước lễ, Anna trở thành một dụng cụ không biết mệt mỏi chuyển cầu bằng kinh nguyện và phản ánh tình thương của Thiên Chúa cho nhiều người đến xin Anna lời khuyên bảo. Ước gì hoạt động tông đồ bằng lời cầu nguyện và bằng đau khổ, hy sinh và đền tạ của thánh nữ là tấm gương rạng ngời cho các tín hữu tại quê hương, và ước gì lời chuyển cầu của thánh nữ củng cố phong trong Công Giáo Hospice, gồm những trung tâm săn sóc chống đau cho các bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời, trong công tác phục vụ tốt lành.

Anh chị em thân mến, các vị thánh mới, tuy có nguồn gốc, ngôn ngữ, quốc tịch và hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng đều liên kết với toàn thể Dân Chúa trong mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc. Cùng với các ngài, cả chúng ta nơi đây, hiệp với các nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục đến từ các nơi trên thế giới, liên kết với những lời của Thánh Vịnh tung hô Chúa là “ơn phù trợ và là khiên thuẫn của chúng ta”, và chúng ta cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, ước gì tình thương Chúa đổ trên chúng con, như chúng con hy vọng nơi Chúa' (Tv 32,20-22). Ước gì chứng tá của các vị thánh mới, cuộc sống các ngài quảng đại dâng hiến vì tình thương Chúa Kitô, nói với toàn thể Giáo Hội ngày nay, và lời chuyển cầu của các ngài củng cố và nâng đỡ Giáo Hội, trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới.

Nguồn: archivioradiovaticana.va