Cha Vincenzo Grossi (1845-1917) sinh trưởng trong một gia đình có 10 người con tại tỉnh Cremona. Năm 1864, 19 tuổi, Vincenzo đậu bằng tú tài rồi ngày 04.11 cùng năm ấy, được nhận vào chủng viện Cremona, và thụ phong linh mục năm 1869. Năm 1885, cha thành lập dòng các nữ tử Oratorio cùng với Maria Caccialanza, chuyên chăm sóc các thiếu nữ nghèo khổ về tinh thần lẫn vật chất. Cha qua đời năm 1917 tại Vicobellignano. Năm Thánh 1975, cha được Đức Giáo hoàng Phaolo 6 tôn phong lên bậc chân phước.
Vị thánh thứ hai là Nữ tu Maria Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, Bề trên tổng quyền dòng các nữ tu Thánh Giá (1926-1998) ở Sevilla, Tây Ban Nha. Nữ tu qua đời năm 1998, thọ 72 tuổi, và được phong chân phước tại Sevilla ngày 18-9 năm 2010 trong buổi lễ do ĐHY Angelo Amato, SDB, đại diện Đức Thánh Cha Biển Đức 16 chủ sự, trước sự tham dự của 45 ngàn người tại sân vận động thế vận thuộc thành phố Sevilla. Chỉ 5 năm sau, Mẹ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm được phong hiển thánh.
Louis Martin và Zéli Guérin, song thân thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Đây là lần đầu tiên một đôi vợ chồng được phong thánh trong cùng một buổi lễ.
Lúc 10 giờ 15 phút, đã có hơn 50 ngàn tín hữu hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô dưới bầu trời nắng thu. Đồng tế với Đức Thánh Cha có các hồng y và giám mục thuộc ban lãnh đạo cũng như các nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục, cùng với các hồng y, giám mục và linh mục liên hệ với 4 vị thánh được tôn phong, trong số này có 80 linh mục cùng với 100 cha thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô đảm nhận việc cho các tín hữu rước lễ. Tổng cộng có 90 hồng y hiện diện trong thánh lễ.
Đầu thánh lễ, sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh Cha, cộng đoàn đã hát kinh cầu xin Chúa Thánh Thần, và nghi thức phong hiển thánh bắt đầu: Đức Hồng y Angelo Amato, dòng Don Bosco, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, nhân danh toàn thể Giáo Hội xin Đức Thánh Cha ghi tên 4 chân phước Vincenzo Grossi, Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Louis Martin và Marie Azélie Guérin, đôi vợ chồng, vào sổ bộ các thánh. Rồi ĐHY trình bày vắn tắt tiểu sử 4 vị, trước khi Đức Thánh Cha mời gọi toàn thể các tín hữu cầu xin ơn phù trợ của các thánh qua kinh cầu:
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã long trọng tuyên đọc công thức phong thánh:
“Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh, để tuyên dương đức tin Công Giáo và tăng tiến đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và của Chúng Tôi, sau khi suy nghĩ chín chắn, nhiều lần khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em chúng tôi trong hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và xác định Chân Phước Vincenzo Grossi, Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm, Louis Martin và Marie Zélie Guérin là hiển thánh và chúng tôi truyền ghi tên các ngài vào sổ bộ các Thánh và qui định rằng trong toàn thể Giáo Hội, các Ngài được được tôn kính với lòng sùng mộ nơi Các Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
Đức Thánh Cha vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo, Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa. Trong khi đó, thánh tích của 4 vị tân hiển thánh được rước lên cho Đức Thánh Cha hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ.
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Trong bài giảng sau bài đọc Tin Mừng bằng tiếng la tinh và hy lạp, Đức Thánh Cha đã quảng diễn các bài đọc, nhất là bài Tin Mừng nói về quyền bính như một sự phục vụ. Ngài cũng nhấn mạnh tấm gương khiêm tốn phục vụ của 4 vị thánh mới. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:
THÁNH LỄ PHONG THÁNH
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Quảng trường Thánh Phêrô
Chủ nhật, ngày 18 tháng 10 năm 2015
Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay trình bày chủ đề về sự phục vụ. Nội dung các bài đọc mời gọi chúng ta noi theo Chúa Giêsu trên con đường khiêm nhường và thập giá. Tiên tri Isaia mô tả Người Tôi Tớ của Chúa (53:10-11) và sứ mệnh cứu rỗi của Người. Người Tôi Tớ không phải là người có dòng dõi lừng lẫy; Người bị mọi người khinh miệt, xa lánh, là một người đau khổ. Người không làm những điều vĩ đại hay có những bài phát biểu đáng nhớ; thay vào đó, Người hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa thông qua sự hiện diện khiêm nhường, lặng lẽ và sự đau khổ của Người. Sứ mệnh của Người được thực hiện trong đau khổ, và điều này cho phép Người hiểu những người đau khổ, gánh vác tội lỗi của người khác và đền tội cho họ. Sự tự hạ và đau khổ của Người Tôi Tớ của Chúa, thậm chí cho đến chết, chứng tỏ rất hiệu quả đến nỗi chúng mang lại sự cứu chuộc và cứu rỗi cho nhiều người.
Chúa Giêsu là Người Tôi Tớ của Chúa: cuộc sống và cái chết của Người hoàn toàn diễn ra dưới hình thức phục vụ (Xv Pl 2,7), là nguyên nhân mang lại ơn cứu độ và hòa giải nhân loại với Thiên Chúa. Việc loan báo, trọng tâm của Tin Mừng, làm chứng rằng trong cái chết và sự sống lại của Người những lời tiên tri về Người Tôi Tớ Chúa được viên mãn. Trình thuật của thánh Marco mô tả cảnh tượng Chúa Giêsu “đụng độ” lần đầu tiên các môn đệ Giacôbê và Gioan: hai ông được bà mẹ hỗ trợ, và muốn ngồi bên hữu và bên tả của Người trong nước Thiên Chúa (Xc Mc 10,37), đòi những chỗ danh dự, theo cái nhìn của họ về phẩm trật Nước Chúa. Viễn tượng theo đó họ hành động càng bị ô nhiễm vì ước mơ những thành đạt trần thế. Bấy giờ Chúa Giêsu “giáng” cú đầu tiên vào những xác tín ấy của các môn đệ, Người nhắc lại con đường của Người trên trần thế này: “Chén mà Thầy uống, cả các con cũng sẽ uống, nhưng còn việc ngồi bên tả hay bên hữu Thầy, không phải Thầy ban điều ấy; điều ấy dành cho những người được chỉ định (vv.39-40). Với hình ảnh chén ấy, Chúa cam đoan với hai môn đệ là họ có thể tham gia số phận đau khổ của Người, nhưng không bảo đảm những chỗ danh dự mà họ mong muốn. Câu trả lời của Chúa là một lời mời gọi hãy theo Người trên con đường yêu thương và phục vụ, loại trừ cám dỗ trần tục muốn ngồi chỗ nhất và điều khiển người khác.
Đứng trước những người xoay sở “mánh mung” để đạt được quyền bính và thành công, các môn đệ được kêu gọi hãy làm ngược lại. Vì thế, Chúa cảnh giác họ: Các con biết rằng những kẻ được coi là người cai trị các dân nước thống trị trên dân và các thủ lãnh ấy áp bức dân. Nhưng nơi các con không được như vậy; ai muốn trở nên kẻ lớn trong các con thì hãy trở thành người phục vụ các con (vv.42-44). Với những lời ấy Chúa chỉ việc phục vụ như cách thức thực thi quyền bính trong cộng đoàn Kitô. Ai phục vụ người khác và không nuôi ảo tưởng, là người thực sự thi hành quyền bính trong Giáo Hội. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi não trạng và đi từ sự ham hố quyền hành đến niềm vui được ẩn mình và phục vụ; loại trừ bản năng thống trị người khác và thực thi nhân đức khiêm tốn.
Và sau khi trình bày một kiểu cách không nên bắt chước, Chúa Giêsu cống hiến bản thân như lý tưởng cần tham chiếu. Trong thái độ của Thầy, cộng đoàn tìm được động lực cho viễn tượng mới trong cuộc sống của mình: “Thực vậy cả Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (v. 45). Trong truyền thống Kinh Thánh, Con Người là vị lãnh nhận từ Thiên Chúa “quyền bính, vinh quang và vương quốc” (Dn 7,14). Chúa Giêsu làm cho hình ảnh ấy được tràn đầy ý nghĩa mới và xác định rằng Người có quyền bính trong tư cách là người tôi tớ, được vinh quang trong tư cách là người có thể hạ mình xuống, và được vương quyền vì sẵn sàng hoàn toàn hiến mạng sống mình. Thực vậy, với cuộc khổ nạn và cái chết, Người chiếm được chỗ cuối cùng, đạt tới mức độ phục vụ cao cả nhất, và trao tặng cho Giáo Hội của Người.
Có một sự không thể dung hợp giữa cách thức quan niệm quyền bính theo các tiêu chuẩn trần thế và sự khiêm tốn phục vụ phải là đặc tính của quyền hành theo giáo huấn và tấm gương của Chúa Giêsu. Không thể dung hợp giữa những tham vọng, ước muốn thành đạt với sự theo Chúa Kitô; không thể dung hợp giữa những vinh dự, thành công, danh tiếng, những chiến thắng trần tục, với tiêu chuẩn của Chúa Kitô chịu đóng đanh. Trái lại có sự dung hợp giữa Chúa Giêsu “chuyên chịu đau khổ và sự đau khổ của chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái nhắc nhớ cho chúng ta điều đó, thư này trình bày Chúa Kitô như vị Thượng Tế chia sẻ thân phận làm người của chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi: “Chúng ta không có một vị thượng tế không biết tham phần vào những yếu đuối của chúng ta: chính Ngài đã bị thử thách trong mọi sự như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi” (4,5). Chúa Giêsu chủ yếu thi hành một chức linh mục thương xót và cảm thông. Người đã trải qua kinh nghiệm trực tiếp về những khó khăn của chúng ta, Người biết từ bên trong thân phận phàm nhân của chúng ta; sự kiện Người không cảm nghiệm tội lỗi không ngăn cản Người hiểu các tội nhân. Vinh quang của Người không phải là là thứ vinh quang tham vọng hoặc khao khát thống trị, nhưng là vinh quang được yêu mến con người, đảm nhận và chia sẻ yếu đuối của họ và ban cho họ ơn thánh chữa lành, tháp tùng hành trình sầu muộn của họ với lòng dịu dàng vô biên.
Mỗi người chúng ta, trong tư cách đã được chịu phép rửa, đều tham phần vào chức linh mục của Chúa Kitô; các tín hữu giáo dân tham gia chức linh mục chung, các linh mục tham gia chức linh mục thừa tác. Vì thế tất cả chúng ta đều có thể lãnh nhận tình thương xuất phát từ con tim rộng mở của Chúa, cho bản thân chúng ta cũng như cho tha nhân: chúng ta trở thành những máng chuyển tình thương, sự cảm thông, đặc biệt là đối với những người đang đau khổ, lo âu, thất vọng và cô đơn.
Những vị được tôn phong hiển thánh hôm nay, đã liên tục khiêm tốn phục vụ anh chị em mình với lòng khiêm tốn và bác ái đặc biệt, qua đó các vị noi gương Thầy Chí Thánh. Thánh Vincenzo Grossi là cha sở nhiệt thành, luôn quan tâm đến các nhu cầu của dân, nhất là tình trạng dòn mỏng của giới trẻ. Thánh nhân nhiệt thành bẻ bánh Lời Chúa cho mọi người và trở thành người Samaritano nhân lành cho những người túng thiếu nhất.
Thánh nữ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm đã đích thân sống sự phục vụ những người rốt hết với lòng khiêm tốn sâu xa, với sự quan tâm đặc biệt đến những con cái của những người nghèo và người bệnh.
Hai vị thánh phối ngẫu Louis Martin và Marie Azélie Guérin đã sống việc phục vụ Kitô trong gia đình, ngày qua ngày kiến tạo một môi trường đầy tin yêu, và trong bầu không khí đó đã này mầm những ơn gọi của cac con, trong đó có thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Ước gì chứng tá rạng ngời của các vị thánh mới này thúc đẩy chúng ta kiên trì trên con đường phục vụ vui tươi dành cho anh chị em chúng ta, tín thác nơi ơn phù trợ của Thiên Chúa và sự bảo vệ hiền mẫu của Mẹ Maria. Từ trời cao, giờ đây xin các ngài canh giữ và nâng đỡ chúng ta qua lời chuyển cầu quyền năng của các ngài.
Trong phần lời nguyện giáo dân, bằng các thứ tiếng Anh, Bồ đào nha, Ý, Hoa, và Tây Ban Nha, cộng đoàn đã lần lượt cầu cho Giáo Hội, cho Thượng Hội đồng GM, các quốc hội lập pháp, cho các tín hữu Kitô bị bách hại và cho những người trẻ đang tìm kiếm ơn gọi.
Cuối thánh lễ, trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha tái lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Thánh Địa. Ngài nói: Tôi rất lo âu theo dõi tình hình rất căng thẳng và bạo lực đang xảy ra tại Thánh Địa. Trong lúc này cần có can đảm rất nhiều và nhiều sức mạnh tâm hồn để từ chối oán thù và thực thi những cử chỉ hòa bình. Chúng ta hãy cầu xin Chúa củng cố nơi mọi người, chính quyền và công dân lòng can cảm chống lại bạo lực và thực hiện những bước cụ thể để tạo sự lắng dịu.”
Nguồn: archivioradiovaticana.va