NỘI DUNG CHÍNH

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 28 Thường Niên năm B (13/10/2024) - Cho đi của cải để có lại được kho tàng

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 28 Thường Niên năm B (10/10/2021) - Gặp gỡ, lắng nghe, phân định

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 28 Thường Niên năm B (10/10/2021) - Tránh đức tin kiểu thương mại

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 28 Thường Niên năm B (11/10/2015) - Cái nhìn của Chúa Giêsu

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 28 Thường Niên năm B (14/10/2012) - Người giàu có thật là khó vào Nước Thiên Chúa


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 28 Thường Niên năm B (13/10/2024) - Cho đi của cải để có lại được kho tàng

Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Tin Mừng phụng vụ hôm nay (Mc 10,17-30) kể cho chúng ta về một thanh niên giàu có chạy đến gặp Chúa Giêsu và hỏi Người: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (câu 17). Chúa Giêsu mời anh bỏ mọi sự mà theo Người, nhưng anh buồn rầu bỏ đi vì “anh ta có nhiều của cải” (c. 23). Cái giá phải trả là bỏ mọi sự.

Chúng ta có thể thấy hai hành động của người này: lúc đầu anh chạy đến với Chúa Giêsu; Tuy nhiên, cuối cùng anh lại ra đi trong buồn bã. Trước tiên là chạy đến gặp, rồi sau đó bỏ đi. Chúng ta dừng lại ở điều này.

Trước hết, anh thanh niên chạy đến với Chúa Giêsu. Dường như có điều gì đó trong lòng đang thôi thúc anh: thực ra, dù có rất nhiều của cải nhưng anh vẫn cảm thấy trống vắng, bồn chồn, anh đang tìm kiếm một cuộc sống tràn đầy hơn. Như những người bệnh tật và bị quỷ ám thường làm (xem Mc 3:10; 5.6), như Tin Mừng kể, anh sấp mình dưới chân vị Thầy; anh giàu có nhưng anh cần được chữa lành. Chúa Giêsu nhìn anh với ánh mắt yêu thương (c. 21); sau đó, Chúa đã đưa ra một “liệu pháp” cho anh: bán tất cả những gì anh có, chia cho người nghèo và đi theo Người. Nhưng, vào lúc này, một kết luận bất ngờ xuất hiện: khuôn mặt người thanh niên trở nên buồn rầu và bỏ đi! Niềm khao khát được gặp Chúa Giêsu lớn lao và mãnh liệt, nhưng sự từ biệt Người cũng lạnh lùng và vội vã.

Chúng ta cũng mang trong lòng một nhu cầu khôn nguôi về hạnh phúc và một cuộc sống tràn đầy ý nghĩa; tuy nhiên, chúng ta có thể rơi vào ảo tưởng khi nghĩ rằng câu trả lời nằm ở việc sở hữu của cải vật chất và sự an toàn trần thế. Ngược lại, Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta trở lại với sự thật về những ước muốn của chúng ta và làm cho chúng ta khám phá ra rằng, trên thực tế, điều tốt lành mà chúng ta khao khát là chính Thiên Chúa, tình yêu của Người dành cho chúng ta và sự sống vĩnh cửu mà chỉ một mình Người mới có thể ban cho chúng ta. Sự giàu có thực sự là được Người nhìn bằng tình yêu, như Chúa Giêsu đã làm với người thanh niên, và yêu thương nhau bằng cách biến cuộc sống của chúng ta thành một món quà cho người khác. Vì vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mạo hiểm, “mạo hiểm tình yêu”: bán mọi thứ để cho người nghèo, có nghĩa là từ bỏ bản thân và những an toàn giả tạo của mình, quan tâm đến những người thiếu thốn và chia sẻ của cải của mình, không chỉ của cải mà còn cả con người chúng ta: tài năng của chúng ta, tình bạn của chúng ta, thời gian của chúng ta, v.v.

Anh chị em thân mến, người thanh niên giàu có đó không muốn mạo hiểm, không muốn mạo hiểm tình yêu và đã bỏ đi với vẻ mặt buồn rầu. Còn chúng ta? Chúng ta tự hỏi: trái tim của chúng ta gắn bó với điều gì? Làm thế nào để chúng ta thỏa mãn sự đói khát về sự sống và hạnh phúc? Chúng ta có biết chia sẻ với những người nghèo, những người đang gặp khó khăn hay những người cần một chút lắng nghe, một nụ cười, một lời nói giúp họ tìm lại được niềm hy vọng không? Chúng ta hãy nhớ điều này: sự giàu có đích thực không phải là của cải trần thế nhưng là được Thiên Chúa yêu thương và học cách yêu thương như Người.

Và bây giờ chúng ta cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, giúp chúng ta khám phá kho tàng sự sống nơi Chúa Giêsu.


Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 28 Thường Niên năm B (10/10/2021) - Gặp gỡ, lắng nghe, phân định

(Bài giảng trong thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ XVI)

Một người kia, một người giàu có, đến gặp Đức Giêsu khi Ngài “đang trên đường” (Mc 10,17). Rất nhiều lần các Tin Mừng thuật lại cho chúng ra việc Đức Giêsu “trên đường” trong khi Ngài đồng hành với chúng ta và để tâm đến những ưu tư khiến Ngài xao động con tim. Như thế, Ngài mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa không ẩn náu ở nơi kín đáo và thanh tịnh, tách biệt với thực tế, nhưng đồng hành và đến với chúng ta trên hành trình cuộc đời đầy thăng trầm. Hôm nay, chúng ta khai mạc Thượng Hội đồng, tất cả chúng ta - Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ, và Anh chị em giáo dân, tất cả những người đã được Rửa tội - chúng ta tự hỏi rằng: chúng ta, trong tư cách là cộng đoàn tín hữu, có mặc lấy cách thức của Chúa là đồng hành trong lịch sử và sẻ chia với toàn thể nhân loại? Chúng ta có sẵn sàng cho những bất trắc trên hành trình, hay lo sợ về những rủi ro và thu mình lại ngang qua những cáo lỗi rằng “điều đó không cần thiết” hay “sự việc đó luôn như thế mà”?

Thượng Hội đồng có nghĩa là đi với nhau trên cùng một con đường. Chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Giêsu, Ngài gặp gỡ người thanh niên trên đường, lắng nghe ưu tư của anh ta và giúp anh ta phân định xem phải làm gì để được sự sống đời đời. Gặp gỡlắng nghephân định là ba động từ của Thượng Hội đồng mà tôi muốn dừng lại để suy tư.

Gặp gỡ

Trình thuật Tin Mừng khởi đầu với cuộc gặp gỡ. Một người thanh niên đến gặp Đức Giêsu và sấp mình dưới chân Ngài, thưa với Ngài một câu hỏi quan trọng: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (c. 17) Một câu hỏi quan trọng như thế đòi hỏi sự chú ý, thời gian, thiện chí gặp gỡ và để cho mình bị tra vấn bởi vấn đề của người khác. Thực vậy, Đức Giêsu không hề xa lánh, không tỏ ra khó chịu hay phiền lòng, nhưng ngược lại, Ngài dừng lại với anh ta. Ngài sẵn lòng gặp anh. Ngài không tỏ ra lãnh đạm, nhưng hết sức quan tâm. Gặp gỡ, trao đổi và sẻ chia cuộc đời là cách Đức Giêsu đến gần chúng ta. Ngài biết rằng, một cuộc gặp gỡ có thể thay đổi cuộc đời. Và Tin Mừng được tô điểm bởi những cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, những cuộc gặp gỡ đổi đời và chữa lành. Đức Giêsu không vội vã đi, không nhìn đồng hồ để kết thúc sớm cuộc gặp. Ngài luôn sẵn sàng với người đến gặp Ngài, để lắng nghe họ.

Chúng ta cũng vậy, khi đồng hành cùng nhau, chúng ta được mời gọi trở nên những chuyên gia của nghệ thuật gặp gỡ. Không phải là việc tổ chức các sự kiện hay làm một phản tỉnh mang tính lý thuyết về các vấn nạn, nhưng trước tiên, là việc dành thời gian đến gặp Chúa và mở lòng để gặp nhau. Dành thời gian để cầu nguyện, chầu Thánh Thể, cho điều mà Chúa Thánh Thần muốn nói với Giáo hội; để hướng đến dung mạo và lời nói của tha nhân, để gặp gỡ diện đối diện, để chúng ta được đánh động bởi những ưu tư của anh chị em, giúp chúng ta để cho sự khác biệt về đặc sủng, ơn gọi và sứ mạng làm cho chúng ta thêm phong phú. Chúng ta biết rằng, mỗi cuộc gặp gỡ đòi hỏi sự cởi mở, can đảm, sẵn lòng để mình bị tra vấn bởi sự hiện hữu và cuộc đời của tha nhân. Trong khi đó, đôi khi chúng ta thích những tương quan bên ngoài, hoặc đeo mặt nạ tùy vào tình huống. Gặp gỡ biến đổi chúng ta và thường gợi ý cho chúng ta những nẻo đường mới mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến. Rất nhiều lần Chúa mở đường cho chúng ta bước theo, giúp ta ra khỏi những thói quen nhàm chán của mình. Tất cả sẽ thay đổi khi chúng ta đi vào những cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa và với nhau, không phải xã giao, không giả hình, không giả tạo.

Lắng nghe

Một cuộc gặp gỡ thực sự chỉ có được ngang qua lắng nghe. Thực vậy, Đức Giêsu đã lắng nghe câu hỏi của anh thanh niên và ưu tư nội tâm và nhân sinh của anh. Ngài không đưa ra câu trả lời xã giao, không cho anh lối giải quyết có sẵn, không giả bộ trả lời qua loa để tiếp tục hành trình của mình. Đức Giêsu lắng nghe anh. Ngài không ngại lắng nghe anh với con tim của mình chứ không chỉ bằng đôi tai. Quả vậy, câu trả lời của Ngài không dừng lại ở việc trả lời câu hỏi, nhưng giúp cho anh thanh niên giàu có nhìn lại lịch sử đời mình, nói về mình với sự tự do. Đức Giêsu nhắc nhớ anh về những điều răn, và anh ta bắt đầu kể về thời thơ ấu của mình, chia sẻ hành trình thiêng liêng, về cách mà anh khao khát tìm kiếm Chúa. Khi chúng ta lắng nghe bằng con tim, điều này sẽ xảy ra: người kia sẽ cảm nhận họ được lắng nghe, không phán xét, được tự do kể lại cuộc đời và hành trình thiêng liêng của mình.

Bằng sự chân thành, trong hành trình Thượng Hội đồng này, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta đang lắng nghe thế nào? Con tim chúng ta đang lắng nghe ra sao? Chúng ta có để cho tha nhân bày tỏ ý kiến, để cho họ bước đi trong đức tin ngay cả khi gặp khó khăn trong cuộc sống, để họ đóng góp cho đời sống cộng đoàn mà không bị ngăn trở, từ chối hay phán xét? Tiến hành Thượng Hội đồng là bước theo cùng con đường của Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, là nối gót theo bước chân Người, lắng nghe lời Người cùng với lời của tha nhân. Đó cũng là khám phá với sự ngỡ ngàng ngọn gió của Thánh Thần trong cách thức luôn mới, để hướng đến những lối nẻo và ngôn ngữ mới. Đây là một tiến trình tiệm tiến, thậm chí gian nan, để học lắng nghe nhau giữa Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân, đồng thời tránh đi những câu trả lời giả tạo và hời hợt. Chúa Thánh Thần đòi buộc chúng ta lắng nghe những ưu tư, lo lắng, hy vọng của mỗi Giáo hội, dân tộc và quốc gia. Và cả việc lắng nghe thế giới, những thách đố và thay đổi trước mắt chúng ta. Chúng ta đừng để con tim ngủ quên, đừng nhắm mắt ở lại trong những gì chúng ta tin chắc. Nhiều lần những chắc chắn đóng chặt chúng ta lại. Chúng ta hãy lắng nghe nhau.

Phân định

Gặp gỡ và lắng nghe lẫn nhau không dừng lại ở chính hành động ấy, vì chẳng thay đổi gì. Ngược lại, khi chúng ta đi vào đối thoại, chúng ta thảo luận với nhau, song hành cùng nhau, và sau cùng, chúng ta không giống như lúc trước, chúng ta được biến đổi. Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta điều đó. Đức Giêsu nhận thấy anh thanh niên là người tốt lành và thánh thiện, tuân giữ mọi điều răn, nhưng Ngài muốn đưa anh đi xa hơn việc tuân giữ lề luật. Trong đối thoại, Ngài giúp anh phân định. Ngài gợi ý cho anh ta nhìn lại chính mình, dưới ánh sáng tình yêu mà chính Ngài dành cho anh (c. 21) và dưới ánh sáng này, anh ta nhận ra con tim mình đang thực sự gắn kết với điều gì, để rồi nhận ra rằng, điều tốt dành cho anh không phải là thêm các việc thiêng liêng, nhưng ngược lại, là từ bỏ chính mình, là bán đi những gì đang chiếm giữ con tim, để tạo không gian cho Thiên Chúa.

Đó là một chỉ dẫn quý báu cho chúng ta. Thượng Hội đồng là một tiến trình phân định thiêng liêng, được thực hiện trong việc chiêm ngắm Thánh Thể, trong cầu nguyện, trong việc tiếp xúc với Lời Chúa. Bài đọc hai hôm nay nói cho chúng ta rằng, Lời Chúa “là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4, 12). Lời Chúa giúp ta mở ra với phân định và soi sáng phân định ấy. Lời Chúa hướng dẫn Thượng Hội đồng, bởi đây không phải là “hội nghị” Công giáo, một hội thảo khoa học hay hiệp hội chính trị, bởi vì nó không phải là một nghị viện… mà là biến cố ân sủng, là tiến trình chữa lành được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Những ngày này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, như đã mời gọi anh thanh niên trong Tin Mừng, từ bỏ chính mình, giải thoát mình khỏi những gì là trần thế, và cả những khép kín và những khuôn mẫu mục vụ nhàm chán, để tra vấn chính mình về những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta trong thời đại này, và đâu là nơi Ngài muốn dẫn chúng ta đến.

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em lên đường bình an! Ước gì chúng ta là những người hành hương yêu mến Tin Mừng, mở lòng ra trước những ngỡ ngàng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta không nên bỏ qua những dịp thuận lợi để gặp gỡ, lắng nghe lẫn nhau và phân định cùng nhau với niềm hoan hỷ khi biết rằng, khi chúng ta tìm kiếm Chúa, chính Ngài, với tình yêu, đến gặp chúng ta trước.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 28 Thường Niên năm B (10/10/2021) - Tránh đức tin kiểu thương mại

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Phụng vụ hôm nay kể cho chúng ta về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người “có nhiều của cải” (Mc 10,22) và người đã đi qua lịch sử như là “người thanh niên giàu có” (x. Mt 19,20-22). Sự thực, Phúc âm Máccô nói về anh như thế, mà không đề cập đến tên tuổi của anh, để gợi ý rằng tất cả chúng ta có thể nhìn thấy chính mình nơi người đó, như soi vào trong gương. Thật vậy, cuộc gặp gỡ của anh với Chúa Giêsu cho phép chúng ta làm một kiểm nghiệm đức tin của mình.

Người đó bắt đầu bằng một câu hỏi: “Tôi phải làm gì để có được sự sống đời đời?” (câu 17). Chúng ta lưu ý những động từ được sử dụng: phải làm gì – để có. Đây là kiểu tôn giáo của anh: một bổn phận, một việc phải làm; “Tôi làm điều gì đó để có lại được những gì tôi cần”. Nhưng đây là một mối quan hệ mua bán với Chúa, một sự trao đổi. Trái lại, đức tin không phải là một nghi thức máy móc và lạnh lùng, là một thứ “tôi phải làm”. Nhưng đức tin là một câu hỏi về tự do và tình yêu. Đây là bài kiểm nghiệm đầu tiên: đối với tôi đức tin là gì? Nếu đức tin chính yếu là nghĩa vụ hoặc một món hàng trao đổi, thì chúng ta đang lạc đường, bởi vì ơn cứu độ là một quà tặng chứ không phải nghĩa vụ, nó miễn phí và không thể mua được. Điều đầu tiên cần làm là loại bỏ kiểu đức tin thương mại và máy móc, điều này ám chỉ hình ảnh sai lầm về một Thiên Chúa tính toán và Thiên Chúa kiểm soát, chứ không phải là một người cha. Nhiều lần, trong cuộc sống chúng ta có thể sống tương quan đức tin kiểu “thương mại” này : tôi làm điều này vì Thiên Chúa cho tôi điều này.

Trong đoạn văn thứ hai, Chúa Giê-su giúp anh thanh niên đó bằng cách trao cho anh khuôn mặt thật của Thiên Chúa. Thật vậy, bản văn nói rằng: “Người nhìn anh và đem lòng yêu mến” (c.21). Đây là nơi đức tin được sinh ra và tái sinh: không phải từ bổn phận, không phải từ việc phải làm, mà là từ cái nhìn yêu thương được đón nhận. Vì vậy, cuộc sống Kitô hữu trở nên đẹp, nếu nó không dựa trên khả năng và các dự án của chúng ta, nhưng dựa trên cái nhìn của Thiên Chúa. Chúng ta tìm có được cái nhìn của Thiên Chúa nơi việc thờ phượng, để chính mình được tha thứ trong Bí tích Hoà giải hay đứng trước Thập giá. Tóm lại, hãy để mình được Người yêu mến.

Sau câu hỏi và cái nhìn, ở đoạn thứ ba và đoạn cuối, có một lời mời của Chúa Giê-su, Người nói: “Anh chỉ thiếu một điều”. Người thanh niên giàu có còn thiếu điều gì? Một món quà, một sự nhưng không: “Hãy đi và bán những gì mình có, chia cho người nghèo” (c. 21). Đây là những gì chúng ta có lẽ cũng đang thiếu. Thường thì chúng ta làm những điều tối thiểu không bỏ được, trong khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến chỗ càng nhiều càng tốt. Chúng ta hài lòng với các bổn phận - giới luật và một vài lời cầu nguyện - trong khi Thiên Chúa, Đấng ban sự sống, yêu cầu chúng ta trải mình ra với cuộc sống! Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể thấy rõ ràng bước chuyển này từ bổn phận đến món quà; Chúa Giêsu bắt đầu bằng việc ghi nhớ các điều răn: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp...” (c. 19), rồi đến đề nghị tích cực: “Hãy đi, hãy bán, hãy cho, hãy theo ta!” (x. c. 21). Đức tin không thể bị giới hạn bởi việc “không được”, bởi vì đời sống Kitô hữu là xin vâng của tình yêu.

Anh chị em thân mến, một đức tin không hồng ân và không sẵn lòng thì không trọn vẹn. Chúng ta có thể so sánh nó với một món ăn đủ loại và bổ dưỡng nhưng thiếu hương vị, hoặc một trận cầu chơi đẹp ít nhiều nhưng không bàn thắng. Đức tin không hồng ân, không sẵn lòng, không việc bác ái rốt cuộc làm buồn rầu: giống như người thanh niên dù được chính Chúa Giêsu nhìn và yêu mến, nhưng vẫn trở về “buồn rầu” và “sa sầm nét mặt” (c. 22) . Ngày nay, chúng ta có thể tự hỏi: “Đức tin của tôi đang ở đâu? Tôi có sống đức tin đó như một điều máy móc, như một mối quan hệ bổn phận hay lợi ích với Thiên Chúa không? Tôi có nhớ nuôi dưỡng đức tin ấy bằng cách để cho Chúa Giê-su nhìn thấy và được Người yêu mến không? Và, khi được Người lôi cuốn, tôi có đáp trả bằng một sự sẵn lòng không?

Xin Đức Trinh Nữ Maria, người đã nói lời xin vâng hoàn toàn với Thiên Chúa, một lời xin vâng vô điều kiện, cho chúng ta tận hưởng vẻ đẹp của việc biến cuộc sống trở thành một món quà.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 28 Thường Niên năm B (11/10/2015) - Cái nhìn của Chúa Giêsu

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng hôm nay, trích từ chương thứ 10 của Phúc âm theo thánh Marco, gồm 3 cảnh tượng, với 3 cái nhìn của Chúa Giêsu.

Cảnh thứ I trình bày cuộc gặp gỡ giữa Thầy Chí Thánh và một người kia - mà theo đoạn song song trong Phúc âm theo thánh Mathêu, thì đó là một “thanh niên”. Người này chạy đến gặp Chúa Giêsu, quì gối xuống và gọi Ngài là “Thầy nhân lành”. Rồi ông hỏi Ngài: “Con phải làm gì để được sự sống đời đời?” (v. 17). “Sự sống đời đời” không phải chỉ là cuộc sống đời sau, nhưng là cuộc sống sung mãn, trọn vẹn, không giới hạn. Chúng ta phải làm gì để đạt tới sự sống ấy? Câu trả lời của Chúa Giêsu tóm tắt các giới răn nói về lòng yêu người. Về điểm này chàng thanh niên không có gì đáng trách; nhưng hiển nhiên là sự tuân giữ các giới răn không đủ đối với anh, không làm cho ước muốn sự sung mãn của anh được mãn nguyện. Và Chúa Giêsu trực giác thấy ước muốn mà chàng thanh niên mang trong tâm hồn; vì thế câu trả lời của Ngài được biểu lộ qua cái nhìn nồng nhiệt, đầy dịu dàng và yêu thương: “Chúa chăm chú nhìn anh ta, Ngài yêu mến anh” (v.21). Nhưng Chúa cũng hiểu đâu là nhược điểm của người đối thoại, và Ngài đưa ra một đề nghị cụ thể với anh: hãy cho người nghèo tất cả tài sản của anh và đến đây theo Ngài. Nhưng người thanh niên ấy có con tim bị chia sẻ giữa hai chủ: Thiên Chúa và tiền bạc, và anh ra buồn sầu ra đi. Điều này chứng tỏ rằng đức tin và sự gắn bó với giàu sang không thể sống chung với nhau. Vì thế, sau cùng, lòng nhiệt thành ban đầu của chàng thanh niên bị xẹp đi trong sự bất hạnh của một sự theo Chúa bị tắt lịm.

Trong cảnh thứ hai, thánh sử Phúc Âm trình bày đôi mắt của Chúa Giêsu và lần này, đó là cái nhìn suy tư, và cảnh giác: “Chúa nhìn chung quanh và Ngài nói với các môn đệ: Vào nước Thiên Chúa, thật là điều khó dường nào đối với những người sở hữu của cải giàu sang!” (v.23). Trước sự kinh ngạc của các môn đệ tự hỏi “Vậy thì ai có thể được cứu rỗi?” (v.26), Chúa Giêsu trả lời bằng cái nhìn khích lệ - đó là cái nhìn thứ ba, và Ngài nói: “Đúng vậy, sự cứu rỗi là điều không thể đối với con người, nhưng đó là điều có thể đối với Thiên Chúa!” (v.27) Nếu tín thác nơi Chúa, chúng ta có thể vượt thắng tất cả những chướng ngại ngăn cản chúng ta theo Chúa trên con đường đức tin.

Và thế là chúng ta tiến đến cảnh thứ ba: cảnh Chúa Giêsu long trọng tuyên bố: “Thật, Thầy bảo các con: ai bỏ mọi sự để theo Thầy, thì sẽ được sự sống đời đời trong tương lai và được gấp trăm lần trong hiện tại” (Xc vv.29-30). “Sự gấp trăm” này gồm những sự trước đây đã sở hữu, rồi bỏ đi, nhưng nay chúng trở lại được gia bội vô biên. Ai từ bỏ của cải và giải thoát mình khỏi sự nô lệ của cải thì đạt được tự do phụng sự vì yêu thương, ai từ bỏ sở hữu thì được niềm vui của sự trao ban.

Người thanh niên không để cho mình được cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu chinh phục, vì thế anh ta không thể thay đổi. Chỉ khi nào khiêm tốn và biết ơn đón nhận tình thương của Chúa, chúng ta mới giải thoát mình khỏi sự cám dỗ của các thần tượng và sự mù quáng của những ảo tưởng chúng ta. Tiền bạc, khoái lạc, thành công làm chóa mắt, nhưng rồi chúng làm thất vọng, chúng hứa mang lại sự sống, nhưng rồi gây ra sự chết. Chúa yêu cầu chúng ta đừng gắn bó với những thứ giàu sang giả dối ấy để bước vào cuộc sống đích thực, đời sống sung mãn, chân chính, sáng ngời.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta mở rộng con tim cho tình yêu Chúa Giêsu, là Đấng duy nhất có thể làm mãn nguyện khát vọng hạnh phúc của chúng ta.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 28 Thường Niên năm B (14/10/2012) - Người giàu có thật là khó vào Nước Thiên Chúa

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Mc 10,17-30) có đề tài chính là sự giàu có. Chúa Giêsu dạy rằng đối với một người giàu có thật là khó vào Nước Thiên Chúa, nhưng không phải là không có thể; thực vậy, Thiên Chúa có thể chinh phục con tim của một người có nhiều của cải và thúc đẩy họ sống liên đới và chia sẻ với những người túng thiếu, với những người nghèo và như vậy họ sống theo tiêu chuẩn trao ban. Như thế, họ đi theo con đường của Chúa Giêsu Kitô, Đấng vốn giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh em, để anh em trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Ngài”, như thánh Phaolô đã viết (2 Cr 8,9).

Như thường xảy ra trong các Sách Phúc Âm, tất cả đều khởi hành từ một cuộc gặp gỡ: cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một người kia “có nhiều của cải” (Mc 10,22). Ông là người ngay từ thời còn trẻ vẫn trung thành tâm giữ mọi giới răn của Luật Chúa, nhưng chưa tìm được hạnh phúc đích thực; và vì thế, ông ta hỏi Chúa Giêsu xem cần phải làm gì “để được sự sống đời đời” (v. 17). Một đàng cũng như mọi người, ông ta bị cuộc sống sung mãn thu hút; nhưng đàng khác, ông ta quen cậy dựa vào sự giàu sang của mình, ông nghĩ rằng cả sự sống đời đời cũng có thể thủ đắc được một cách nào đó, có lẽ chỉ cần tuân giữ một giới răn đặc biệt. Chúa Giêsu đón nhận ước muốn sâu xa nơi người ấy - và thánh sử Phúc Âm nhận xét - Ngài nhìn người ấy với cái nhìn trìu mến: cái nhìn của Thiên Chúa (Xc v.21). Nhưng Chúa Giêsu cũng hiểu đâu là điểm yếu của người ấy: đó chính là sự quyến luyến với gia sản giàu có của ông; và vì thế, Ngài đề nghị ông phân phát hết tài sản cho người nghèo, nhờ đó, kho tàng của ông, và con tim của ông, không còn ở trên mặt đất nữa, nhưng ở trên trời, và ngài nói thêm: “Anh hãy đến đây mà theo tôi!” (v. 22). Nhưng người ấy, thay vì đón nhận lời mời gọi của Chúa, thì lại buồn rầu bỏ đi (Xc v.23), vì không rời bỏ nổi những của cải giàu sang của mình, những của mà không bao giờ chúng có thể mang lại cho ông ta hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu”.

Và bấy giờ Chúa Giêsu nêu lên một giáo huấn cho các môn đệ - và cho cả chúng ta ngày nay: “Thật là khó khăn dường nào đối với những người có nhiều của cải, vào được Nước Thiên Chúa!” (v.23). Khi nghe những lời này, các môn đệ ngỡ ngàng; và họ càng kinh ngạc hơn khi Chúa Giêsu nói thêm: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu có vào Nước Chúa”. Nhưng khi thấy họ kinh ngạc, Chúa nói: “Điều ấy không thể đối với con người, nhưng không phải không thể đối với Thiên Chúa! Vì tất cả đều có thể đối với Thiên Chúa” (Xc vv.24-27). Thánh Clemente thành Alessandria bình luận như sau: “Dụ ngôn dạy những người giàu có đừng lơ là đối với phần rỗi của họ như thể họ đã bị kết án, và cũng không được vất của cải xuống biển, và đừng lên án sự giàu sang như là cạm bẫy và thù nghịch đối với cuộc sống, nhưng họ phải học cách sử dụng giàu sang và tìm kiếm được sự sống” (Quale ricco si salverà?, 27, 1-2). Lịch sử Giáo Hội đầy những tấm gương của những người giàu có, đã dùng tài sản của mình theo tinh thần Phúc Âm, và họ cũng đạt tới sự thánh thiện. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến thánh Phanxicô, thánh nữ Elisabeth xứ Hungari, hoặc thánh Carlo Borromeo.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Tòa Đấng Khôn ngoan, giúp chúng ta vui mừng đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu, để được cuộc sống sung mãn.

Nguồn: archivioradiovaticana.va