Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 19 Thường Niên năm B (11/8/2024) - Để học được từ người khác thì cần bỏ định kiến

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 19 Thường Niên năm B (08.08.2021) - Bánh trường sinh là mục đích và sứ vụ của Chúa Giêsu

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 19 Thường Niên năm B (09.08.2015) - Món quà của đức tin

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 19 Thường Niên năm B (12.08.2012) - Ăn bánh hằng sống có nghĩa là tin nơi Chúa



Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 19 Thường Niên năm B (11/8/2024) - Để học được từ người khác thì cần bỏ định kiến

Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Hôm nay Tin Mừng phụng vụ (Ga 6,41-51) cho chúng ta biết về phản ứng của người Do Thái trước lời tuyên bố của Chúa Giêsu: Ta “từ trời xuống” (Ga 6,38). Họ bị sốc.

Họ xầm xì với nhau: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao ? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói : ‘Tôi từ trời xuống ?’” (Ga 6,42). Và thế là họ xầm xì với nhau. Chúng ta để ý về những gì họ nói. Họ tin chắc rằng Chúa Giêsu không thể từ trời xuống, vì Người là con của bác thợ mộc và vì mẹ và họ hàng của Người đều là những người bình thường, mà mọi người đều biết, bình thường như bao người khác. Họ nói: “Làm sao Thiên Chúa có thể tỏ mình một cách bình thường như vậy được?”. Họ bị chặn lại, trong niềm tin của họ, bị chặn lại bởi định kiến đối với xuất thân khiêm tốn của Người và cũng bị chặn lại bởi suy đoán, do đó, không học được gì từ Người. Những định kiến và suy đoán gây hại cho chúng ta thế nào! Chúng ngăn cản sự đối thoại chân thành, sự xích lại gần nhau giữa anh chị em... Chúng ta hãy cẩn thận với những định kiến và suy đoán. Những người định kiến có những khuôn mẫu cứng nhắc, và trong trái tim họ không có chỗ cho những gì không hợp với họ, không thể phân loại và không vừa với những kệ bám đầy bụi trong sự an toàn của họ. Và đó là sự thật. Nhiều khi sự an toàn của chúng ta bị đóng chặt, bám bụi, như những cuốn sách cũ...

Tuy nhiên, họ nghĩ họ là người tuân thủ luật, bố thí, giữ việc ăn chay và thời gian cầu nguyện. Trong khi đó, Chúa Kitô đã làm nhiều phép lạ khác nhau (xem Ga 2,1-11; 4,43-54; 5,1-9; 6,1-25). Tại sao tất cả những điều này không giúp họ nhận ra Người là Đấng Mêsia? Tại sao điều này chẳng hữu ích với họ? Bởi vì họ thực hành tôn giáo không phải để lắng nghe Chúa, mà để tìm kiếm ở đó sự xác nhận về những gì họ đã nghĩ. Họ đóng lại với Lời Chúa và tìm kiếm sự xác nhận cho những suy nghĩ của họ. Điều này được nhìn thấy qua việc họ thậm chí không hỏi Chúa Giêsu một lời giải thích: họ chỉ xầm xì với nhau chống lại Người (xem Ga 6,41), như thể để trấn an nhau về điều họ tin chắc, và họ khép mình lại, họ đóng kín như thể đang ở trong một pháo đài bất khả xâm phạm. Và thế là họ không thể tin. Việc khép kín trái tim: thật xấu biết bao!

Chúng ta hãy chú ý đến tất cả những điều này, bởi vì đôi khi nó cũng có thể xảy tương tự với chúng ta, trong đời sống và trong việc cầu nguyện của chúng ta: nó có thể xảy ra với chúng ta, nghĩa là, thay vì thực sự lắng nghe những gì Chúa nói với chúng ta, thì chúng ta chỉ tìm kiếm từ Người và những người khác sự xác nhận những gì chúng ta nghĩ, sự xác nhận niềm tin của chúng ta, những phán xét của chúng ta, vốn là những định kiến. Nhưng cách đến với Thiên Chúa như thế không giúp chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ thực sự, cũng không giúp chúng ta mở lòng đón nhận món quà từ ánh sáng và ân sủng của Người, để lớn lên trong sự tốt lành, để thực hiện ý muốn của Người và vượt qua những khép kín và khó khăn. Anh chị em thân mến, đức tin và cầu nguyện, khi chúng chân thật, sẽ giúp mở trí và mở lòng, chứ không đóng lại. Khi một người đóng về tâm trí và cầu nguyện, thì đức tin và cầu nguyện đó không thực.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: trong đời sống đức tin của mình, liệu tôi có thể thực sự thinh lặng và lắng nghe Chúa không? Tôi có sẵn sàng đón nhận tiếng nói của Người vượt ra ngoài những khuôn mẫu của mình và cùng với sự giúp đỡ của Người, tôi có thể chiến thắng nỗi sợ của mình không?

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta lắng nghe tiếng Chúa với đức tin và can đảm thực hiện ý Chúa.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 19 Thường Niên năm B (08.08.2021) - Bánh trường sinh là mục đích và sứ vụ của Chúa Giêsu

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Tin Mừng Chúa nhật XIX thường niên hôm nay, thánh Gioan thuật lại việc Chúa Giêsu tiếp tục rao giảng cho dân chúng, những người đã chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều. Và Chúa mời họ đó tiến thêm một bước nữa: Sau khi gợi cho dân chúng nhớ về manna mà Đức Chúa đã ban cho các tổ phụ ăn trong cuộc hành trình dài qua sa mạc, giờ đây Chúa áp dụng biểu tượng bánh cho chính Chúa. Người nói rõ ràng: ‘Tôi là bánh trường sinh’ (Ga 6,48).

“Bánh trường sinh” có nghĩa là gì?. Để sống, con người cần bánh ăn. Người đang đói không xin thức ăn tinh chế và đắt tiền, nhưng xin bánh. Người không có việc làm không yêu cầu mức lương cao, nhưng mức lương là ‘cơm bánh’ của một công việc. Chúa Giêsu tỏ mình ra là tấm bánh, nghĩa là điều chính yếu, cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Đây không phải một thứ bánh như các loại bánh khác, nhưng là bánh trường sinh. Nói cách khác, không có Chúa, chúng ta sống một cách lây lất. Bởi vì, chỉ có Chúa mới nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta, chỉ có Chúa mới tha thứ những điều xấu chúng ta đã phạm, mà tự sức mình chúng ta không thể vượt qua, chỉ có Chúa mới làm chúng ta cảm nhận được yêu thương ngay cả khi chúng ta thất vọng, chỉ có Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để yêu thương và tha thứ trong khó khăn, chỉ có Chúa mới ban cho trái tim tìm kiếm sự bình an, chỉ có Chúa ban sự sống đời đời khi sự sống trên trái đất này kết thúc. Người là bánh chính yếu và cần thiết cho cuộc sống.

Chúa nói: "Tôi là bánh trường sinh". Chúng ta hãy dừng lại suy nghĩ về hình ảnh tuyệt đẹp này của Chúa Giêsu. Người có thể đưa ra một lý do hợp lý, một minh chứng, nhưng – chúng ta biết – Chúa Giêsu nói bằng dụ ngôn, và bằng dụ ngôn ngài nói: Tôi là bánh trường sinh, điều này tóm tắt tất cả mục đích và sứ vụ của Người. Điều này sẽ được thấy cách trọn vẹn vào giây phút cuối, trong Bữa Tiệc Ly. Chúa Giêsu biết rằng Chúa Cha không chỉ yêu cầu Người cho dân chúng của ăn, nhưng là trao ban chính mình Người, bẻ chính mình ra, sự sống, thịt mình, trái tim mình để chúng ta có sự sống. Những lời này của Chúa đánh thức trong chúng ta sự kinh ngạc về hồng ân Thánh Thể. Không ai trên thế gian này, vì quá yêu thương người khác có thể trao ban chính mình làm của ăn cho người mình yêu. Chúa đã làm điều này, và Người đã làm điều đó cho chúng ta. Chúng ta hãy canh tân sự ngạc nhiên này. Chúng ta hãy tôn thờ Bánh trường sinh, bởi vì việc thờ lạy làm cho cuộc sống trở nên kỳ diệu.

Tuy nhiên, trong Tin Mừng, thay vì ngạc nhiên, người ta lại lấy làm chướng tai, họ xé áo mình ra. Họ nghĩ: ‘Chúng ta biết ông Giêsu này, chúng ta biết gia đình của ông ta, làm sao ông ta có thể nói: Tôi là bánh từ trời xuống?’ (xem câu 41-42). Có lẽ chúng ta cũng cảm thấy chướng tai. Sẽ dễ hơn cho chúng ta nếu có một Thiên Chúa ở trên Trời cao không xen vào cuộc sống chúng ta, trong khi chúng ta có thể giải quyết các vấn đề ở dưới đất. Trái lại, Thiên Chúa trở thành con người để đi vào thế giới cách cụ thể. Và Người quan tâm đến mọi vấn đề trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể kể cho Chúa nghe về tình cảm, công việc, ngày tháng, mọi thứ. Chúa Giêsu muốn có sự thân mật này với chúng ta. Người không mong muốn điều gì? Người không muốn bị hạ xuống trở thành một món ăn phụ - Đấng chính là bánh - bị bỏ quên và đặt sang một bên, hoặc chỉ được hỏi đến khi chúng ta cần.

“Tôi là bánh trường sinh”. Ít nhất một lần trong ngày, chúng cùng ăn chung với nhau; có thể vào buổi tối quây quần bên gia đình sau một ngày làm việc, học tập. Thật đẹp, trước khi bẻ bánh, chúng ta hãy mời Chúa Giêsu, bánh ban sự sống, xin Người chúc lành cho những gì chúng ta đã làm và những gì chúng ta chưa thể làm được. Chúng ta hãy mời Chúa về nhà, chúng ta hãy cầu nguyện trong gia đình. Chúa Giêsu sẽ đồng bàn với chúng ta và chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bằng một tình yêu lớn hơn.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Ngôi Lời trở thành xác phàm, giúp chúng ta lớn lên từng ngày trong tình bạn hữu với Chúa Giêsu, là bánh ban sự sống.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 19 Thường Niên năm B (09.08.2015) - Món quà của đức tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng Chúa Nhật này tiếp tục bài đọc chương 6 Phúc Âm thánh Gioan, trong đó Chúa Giêsu sau khi đã làm phép lạ cả thể hóa bánh ra nhiều, thì Ngài giải thích cho dân chúng ý nghĩa của “dấu chỉ” ấy.

Như Ngài đã làm trước đó với người đàn bà xứ Samaria, khởi hành từ kinh nghiệm khát và từ dấu chỉ của nước, ở đây Chúa Giêsu bắt đầu từ kinh nghiệm đói và dấu chỉ của bánh, để vén mở cho thấy chính Ngài và mời gọi tin nơi Ngài.

Dân chúng tìm Chúa và lắng nghe Ngài, bởi vì họ hứng khởi vì phép lạ. Họ muốn tôn Ngài làm vua. Nhưng khi Chúa Giêsu khẳng định rằng bánh thật mà Thiên Chúa ban cho là chính Ngài, nhiều người coi đó là gương mù gương xấu và bắt đầu lẩm bẩm với nhau: “Cha mẹ ông chúng ta lại không biết hay sao? Vậy làm sao ông ấy lại có thể nói: “Tôi là bánh từ trời xuống được?” (Ga 6,42). Khi đó Chúa Giêsu trả lời: “Không ai có thể đến với tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”, và Ngài thêm: “Ai tin thì có sự sống đời đời” (vv. 44..47).

Lời này của Chúa khiến cho chúng ta kinh ngạc, và làm cho chúng ta suy nghĩ. “Không ai có thể đến với tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”. Nó khiến cho chúng ta suy nghĩ. Lời này dẫn đưa chúng ta vào trong cái năng dộng của đức tin, là một tương quan: tương quan giữa bản vị con người – chúng ta tất cả - và Con Người của Chúa Giêsu, nơi Ngài Thiên Chúa Cha có một vai trò định đoạt, và dĩ nhiên cả Chúa Thánh Thần nữa, đuợc hiểu ngầm. Gặp gỡ Chúa Giêsu để tin nơi Ngài không đủ; đọc Thánh Kinh, đọc Tin Mừng không đủ, điều này quan trọng nhưng không đủ; cả việc chứng kiến một phép lạ, như phép lạ hóa bánh ra nhiều cũng không đủ… Có biết bao nhiêu người đã tiếp xúc chặt chẽ với Chúa Giêsu và đã không tin nơi Ngài, trái lại, họ đã khinh rẻ và lên án Chúa. Và tôi tự hỏi: tại sao vậy? Họ không được Thiên Chúa Cha lôi kéo hay sao? Không: điều này xảy ra, bởi vì trái tim của họ đã khép kín với hoạt động của Thần Khí của Thiên Chúa. Và nếu bạn có con tim khép kín, thì niềm tin không vào được. Thiên Chúa Cha luôn luôn lôi kéo chúng ta về với Chúa Giêsu: chính chúng ta mở hay đóng kín con tim mình. Trái lại, đức tin giống như một hạt giống gieo sâu trong con tim, nẩy nở, khi chúng ta để cho Thiên Chúa Cha lôi kéo đến với Chúa Giêsu và đi tới với Ngài với tâm hồn rộng mở, với con tim rộng mở, không thành kiến: Khi đó chúng ta nhận ra nơi gương mặt của Ngài là Gương Mặt của Thiên Chúa và trong các lời nói của Ngài Lời của Thiên Chúa, bởi vì Chúa Thánh Thần đã làm cho chúng ta bước vào trong tương quan tình yêu và sự sống hiện hữu giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha. Và ở đó chúng ta nhận được ơn, món quà của đức tin.

Khi đó với thái độ này của đức tin, chúng ta cũng có thể hiểu ý nghĩa “Bánh sự sống” mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, và Ngài diễn tả như thế này: “Tôi là bánh hằng sống, từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Nơi Chúa Giêsu, trong “thịt” cùa Ngài – nghĩa là trong bản tính nhân loại cụ thể của Ngài – hiện diện tất cả tình yêu của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần. Ai để cho mình bị lôi cuốn bởi tình yêu này, thì đi đến với Chúa Giêsu với dức tin và nhận đuợc từ Ngài sự sống, sự sống đời đời.

Đấng đã sống kinh nghiệm này một cách gương mẫu là Đức Maria, Trinh Nữ thành Nagiarét là người đầu tiên đã tin nơi Thiên Chúa, bằng cách tiếp nhận thịt xác của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy học nơi Người, là Mẹ chúng ta, niềm vui và lòng biết ơn đối với ơn đức tin. Một món qùa không phải lả “của riêng”, nhưng là một món quà cần chia sẻ: nó là món qùa “cho sự sống của thế giới”!

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 19 Thường Niên năm B (12.08.2012) - Ăn bánh hằng sống có nghĩa là tin nơi Chúa

Anh chị em thân mến,

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tuc giải thích ý nghĩa diễn văn của Chúa Giêsu về bắnh hằnh sống như ghi trong chương 6 Phúc Âm thánh Gioan. Tuần trước ngài đã suy nghĩ về lời Chúa Giêsu mời gọi những người được Ngài cho ăn bánh no nê nỗ lực kiềm tìm lương thực tồn tại cho sự sống đời đời. Đức Thánh Cha nói:

Bài đọc chương sáu của Phúc âm thánh Gioan trong Phụng vụ các Chúa Nhật này dẫn chúng ta đến việc suy ngẫm về việc Chúa hóa bánh ra nhiều, qua đó Chúa đã thỏa mãn cơn đói của đám đông năm ngàn người, và về lời mời gọi mà Chúa Giêsu gửi đến tất cả những ai mà Người đã cho ăn, để họ quan tâm tìm kiếm một thứ lương thực tồn tại đến sự sống đời đời. Chúa Giêsu muốn giúp họ hiểu ý nghĩa sâu xa của phép lạ Người đã làm: khi thỏa mãn một cách lạ lùng cái đói thể lý của họ, Người chuẩn bị họ đón nhận lời loan báo Người là bánh từ trời xuống (x. Ga 6,41) thỏa mãn một cách vĩnh viễn. Cả dân Do thái trong lộ trình dài trong sa mạc cũng đã sống kinh nghiệm bánh từ trời xuống, là bánh manna dưỡng nuôi họ cho tơi khi vào đất hứa. Giờ đây, Chúa Giêsu nói về chính Người như bánh từ trời xuống, có khả năng duy trì sự sống không phải chỉ trong một lúc hay một đoạn đường, mà luôn mãi. Người là lương thực ban sự sống vĩnh cửu, bởi vi Người lá Con Một Thiên Chúa, ở trong lòng Thiên Chúa Cha, đến để trao ban cho con người sự sống tràn đầy, để đưa con người vào trong chính sự sống của Thiên Chúa.

Trong tư tưởng do thái, rõ ràng bánh thật từ trời nuôi sống Israel đã là Lề Luật, lời của Thiên Chúa. Dân Israel đã thừa nhận một cách rõ ràng rằng Torah là ơn nền tảng và lâu dài của ông Môsê; và yếu tố nền tảng phân biệt họ với các dân tộc khác là ở nơi việc thừa nhận ý muốn của Thiên Chúa, là con đường đúng đắn của sự sống. Giờ đây, Chúa Giêsu tự biểu lộ ra như bánh từ trời, qua đó con người có thể làm cho ý muốn của Thiên Chúa trở thành lương thực của mình, lương thực định hướng và nâng đỡ cuộc sống.

Nghi ngờ thiên tính của Chúa Giêsu, như người Do thái của đoạn Phúc Âm hôm nay đã làm, có nghĩa là chống lại công trình của Thiên Chúa. Thật thế, người Do thái khẳng định rằng: đó là con ông Giuse! Chúng ta biết cha mẹ ông ấy (Ga 6,42). Họ không đi quá các nguồn gốc trần gian, và vì thế họ khước từ tiếp nhận Chúa Giêsu như Lời nhập thể của Thiên Chúa. Trong lời chú giải Phúc Âm thánh Gioan Thánh Agustinô khẳng định như sau: “Họ xa bánh của trời và không có khả năng cảm thấy đói bánh ấy. Họ có quai hàm của con tim thật yếu đuối... Thật thế, bánh này đòi buộc cái đói của con người nội tâm” (Omelie su Vangelo di Giovanni, 26,1).

Chúng ta phải tự hỏi xem chúng ta có thật sự cảm thấy cái đói này không, cái đói Lời Chúa, cái đói hiểu biết ý nghĩa thật của cuộc sống. Chỉ có ai được Thiên Chúa Cha lôi cuốn, chỉ có ai lắng nghe Người và để cho Người dậy dỗ, mới có thể tin nơi Chúa Giêsu, găp gỡ Người và nuôi dưỡng mình bởi Người, và như thế tìm ra sự sống thật, tìm ra con đường sự sống, công lý, sự thật và tình yêu. Thánh Agustinô viết thêm: “Chúa khẳng định Người là bánh từ trời xuống, bằng cách khích lệ chúng ta tin nơi Người. Thật ra, ăn bánh hằng sống có nghĩa là tin nơi Chúa. Ăn bánh hằng sống có nghĩa là tin nơi Chúa, và ai tin thì ăn. Trong một cách vô hình họ được no thỏa, cũng như trong một cách vô hình họ tái sinh vào một cuôc sống sâu xa hơn, đích thật hơn; họ tái sinh từ bên trong, trong nơi sâu thẳm của họ, và họ trở nên một con người mới” (ibidem).

Khi khẩn cầu Đức Maria rất thánh, chúng ta hãy xin Mẹ hướng dẫn chúng ta tới gặp Chúa Giêsu, để cho tình bạn của chúng ta với Người ngày càng sâu đậm hơn. Chúng ta hãy xin Mẹ dẫn chúng ta vào trong sự hiệp thông tình yêu tràn đầy với Con Mẹ, bánh hằng sống từ trời xuống; như thế để chúng ta được Người canh tân trong nơi sâu thẳm của cuộc sống.

Nguồn: archivioradiovaticana.va