BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC
PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ KHAI MẠC ĐẠI HỘI THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI:
“TẬP TRUNG NHÌN
VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT GIÁO HỘI THƯƠNG XÓT VÀ ĐÓN TIẾP”
“Đây là nhiệm vụ hàng đầu của Thượng hội đồng: tái tập trung cái nhìn của chúng ta vào Thiên Chúa, trở thành một Giáo hội nhìn nhân loại với lòng thương xót. Một Giáo hội hiệp nhất và huynh đệ … biết lắng nghe và đối thoại; một Giáo hội chúc tụng và khuyến khích, giúp đỡ những người tìm kiếm Chúa, yêu thương khơi dậy những người thờ ơ, mở ra những con đường để lôi kéo mọi người vào vẻ đẹp của đức tin. Một Giáo hội lấy Thiên Chúa làm trung tâm và do đó không chia rẽ bên trong cũng như không bao giờ khắc nghiệt bên ngoài. … Đây là cách Chúa Giêsu muốn Giáo hội, Hiền Thê của Người, trở nên như thế.”
Trên đây là lời kêu gọi và nhấn mạnh của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ khai mạc Đại hội đồng thông thường của Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XVI diễn ra vào ngày 4/10/2023, một bài giảng nêu ra những đường hướng hành động cho Thượng hội đồng hiện tại và cho một Giáo hội hiệp hành tương lai. Quả thế, lời kêu gọi này mời gọi Giáo hội “nhìn xa hơn” và cho thấy con đường tương lai của Giáo hội, một Giáo hội hiệp hành, bước đi cùng nhau “trong cái nhìn của Chúa Giêsu”, một cái nhìn “chúc tụng” và “đón tiếp” tất cả mọi người. “Cái nhìn chúc tụng và đón tiếp của Chúa Giêsu ngăn cản chúng ta rơi vào một số cám dỗ nguy hiểm: trở thành một Giáo hội cứng nhắc – một trạm hải quan –…; một Giáo hội hâm hẩm, …; một Giáo hội mệt mỏi, khép kín nơi chính mình”.
Nhắc nhở như thế, Đức Thánh Cha mời gọi đừng nhìn Thượng hội
đồng theo “những chiến lược nhân loại, những tính toán chính trị hay
những trận chiến ý thức hệ”, không biến nó thành “cuộc tụ họp chính trị”
hay “một nghị viện phân cực”, “không đối mặt với những thách thức và
vấn đề ngày nay với tinh thần chia rẽ và tranh chấp”, nhưng là “một cuộc
triệu tập trong Chúa Thánh Thần”, một nơi của “ân sủng và hiệp thông”,
“trút bỏ chính mình”, và do đó “đòi hỏi một thái độ nội tâm ấm áp và
tử tế” khi đối diện với những thách thức mới; “chỉ sử dụng vũ khí của
Tin Mừng: khiêm nhường và hiệp nhất, cầu nguyện và bác ái”. Một Thượng hội
đồng hiệp hành mà “những khoảnh khắc hiệu quả nhất … là những khoảnh khắc
gắn liền với việc cầu nguyện”.
Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự, được đồng tế bởi các tân Hồng
y, quy tụ khoảng 25000 tín hữu, trong đó có 464 tham dự viên Thượng hội đồng.
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe được đi trước bằng câu chuyện
về một thời điểm khó khăn trong sứ vụ của Chúa Giêsu, mà chúng ta có thể gọi là
một thời điểm “buồn phiền mục vụ”. Gioan Tẩy Giả nghi ngờ Chúa Giêsu có thực sự
là Đấng Mêsia; rất nhiều thành phố Người đi qua, bất chấp những điều kỳ diệu
Người thực hiện, vẫn không hoán cải; người ta buộc tội Người là kẻ mê ăn uống
và say sưa, trong khi họ vừa phàn nàn về Gioan Tẩy Giả vì ngài quá khắc khổ (x.
Mt 11, 2-24). Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu không để mình bị nỗi buồn
phiền lấn át, nhưng thay vào đó Người ngước mắt lên trời và chúc tụng Chúa Cha
vì Ngài đã mặc khải những mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa cho những người bé mọn:
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc
khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người
bé mọn” (Mt 11, 25). Như thế, trong giây phút cô đơn, Chúa Giêsu có một
cái nhìn có khả năng nhìn xa hơn: Người ca ngợi sự khôn ngoan của Chúa Cha
và có thể nhận ra sự tốt lành đang phát triển vô hình, hạt giống Lời Chúa được
người bé mọn đón nhận, ánh sáng của Nước Thiên Chúa chỉ đường ngay cả trong đêm
tối.
Quý anh em Hồng y, Giám mục, anh chị em thân mến, chúng ta
đang khai mạc Đại hội nghị của Thượng hội đồng. Ở đây chúng ta không cần một tầm
nhìn thuần túy tự nhiên, được tạo nên từ những chiến lược nhân loại, những tính
toán chính trị hay những trận chiến ý thức hệ. Nếu Thượng Hội đồng cho phép điều
này xảy ra, thì “người khác” sẽ mở cửa cho nó. Điều này chúng ta không cần.
Chúng ta không ở đây để tiến hành một cuộc họp quốc hội hay một kế hoạch cải
cách. Anh chị em thân mến, Thượng hội đồng không phải là một nghị viện. Chúa
Thánh Thần là nhân vật chính. Chúng ta không ở đây để thành lập một nghị viện
nhưng để cùng nhau bước đi trong cái nhìn của Chúa Giêsu, Đấng chúc tụng Chúa
Cha và đón tiếp những người mệt mỏi và bị áp bức. Vì vậy,
chúng ta hãy bắt đầu từ cái nhìn của Chúa Giêsu, vốn là cái nhìn chúc tụng
và đón tiếp.
1. Chúng ta hãy nhìn vào khía cạnh thứ nhất: một cái
nhìn chúc tụng. Mặc dù đã cảm nghiệm bị từ chối và thấy xung quanh mình có
quá nhiều sự cứng lòng, nhưng Chúa Kitô không để mình bị giam cầm bởi sự thất vọng,
không trở nên cay đắng, không ngừng ca ngợi; trái tim của Người, được đặt trên
quyền tối thượng của Chúa Cha, vẫn thanh thản ngay cả trong cơn giông bão.
Cái nhìn chúc tụng của Chúa này cũng mời gọi chúng ta trở
thành một Giáo hội, với tấm lòng vui vẻ, biết chiêm ngắm hành động của Thiên
Chúa và phân định hiện tại. Một Giáo hội mà giữa những làn sóng đôi khi bị kích
động của thời đại chúng ta, cũng không nản lòng, không tìm kiếm những sơ hở ý
thức hệ, không tự rào cản sau những quan niệm định sẵn, không nhượng bộ trước
những giải pháp tiện lợi, không để thế giới ra lệnh cho chương trình nghị sự của
mình. Đây là sự khôn ngoan thiêng liêng của Giáo hội, được thánh Gioan XXIII
tóm tắt một cách thanh thản: “Điều cần thiết trước hết là Giáo hội không bao giờ
rời xa di sản chân lý thiêng liêng đã nhận được từ các Tổ Phụ. Nhưng đồng thời
Giáo hội phải luôn nhìn về hiện tại, những điều kiện mới và những hình thức sống
mới được đưa vào thế giới hiện đại vốn đã mở ra những đại lộ mới cho hoạt động
tông đồ Công giáo” (Diễn văn khai mạc trọng thể Công đồng Vatican II,
ngày 11 tháng 10 năm 1962).
Cái nhìn chúc tụng của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở thành
một Giáo hội không đối mặt với những thách thức và vấn đề ngày nay với tinh thần
chia rẽ và tranh chấp, nhưng trái lại, hướng mắt về Thiên Chúa là Đấng hiệp
thông và với lòng kính sợ và khiêm tốn, chúc tụng và tôn thờ Ngài , nhìn nhận
Ngài là Chúa duy nhất của mình. Chúng ta thuộc về Ngài và – chúng ta hãy nhớ –
chúng ta chỉ tồn tại để đưa Ngài đến với thế giới. Như thánh Phaolô Tông đồ đã
nói với chúng ta, chúng ta không có “vinh quang nào khác ngoài thập giá Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14). Điều này là đủ cho chúng ta; Người là đủ
cho chúng ta. Chúng ta không muốn vinh quang trần thế; chúng ta không muốn làm
cho mình trở nên hấp dẫn trong mắt thế gian, nhưng muốn vươn tới thế giới với sự
an ủi của Tin Mừng, muốn làm chứng cho tình yêu vô tận của Thiên Chúa, một cách
tốt đẹp hơn và cho mọi người. Thật vậy, như Đức Bênêđictô XVI đã nói, chính khi
phát biểu trước một hội nghị của Thượng hội đồng, “câu hỏi dành cho chúng ta là
thế này: Thiên Chúa đã lên tiếng, Ngài đã thực sự phá vỡ sự im lặng lớn lao,
Ngài đã tỏ mình ra, nhưng làm thế nào chúng ta có thể truyền đạt thực tế này
cho con người ngày nay, để nó trở thành ơn cứu độ?” (Bài suy niệm, Phiên
họp chung đầu tiên của Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XIII, ngày 8 tháng 10
năm 2012). Đây là câu hỏi cơ bản. Và đây là nhiệm vụ hàng đầu của Thượng hội đồng:
tái tập trung cái nhìn của chúng ta vào Thiên Chúa, trở thành một Giáo hội nhìn
nhân loại với lòng thương xót. Một Giáo hội hiệp nhất và huynh đệ – hay ít nhất
tìm cách hiệp nhất và huynh đệ – biết lắng nghe và đối thoại; một Giáo hội chúc
tụng và khuyến khích, giúp đỡ những người tìm kiếm Chúa, yêu thương khơi dậy những
người thờ ơ, mở ra những con đường để lôi kéo mọi người vào vẻ đẹp của đức tin.
Một Giáo hội lấy Thiên Chúa làm trung tâm và do đó không chia rẽ bên trong cũng
như không bao giờ khắc nghiệt bên ngoài. Một Giáo hội chấp nhận rủi ro khi đi
theo Chúa Giêsu. Đây là cách Chúa Giêsu muốn Giáo hội, Hiền Thê của Người, trở
nên như thế.
2. Sau khi suy nghĩ về cái nhìn chúc tụng, giờ đây
chúng ta nhìn vào cái nhìn đón tiếp của Chúa Kitô. Trong khi những
người nghĩ mình là khôn ngoan lại không nhận ra công trình của Thiên Chúa, thì
Chúa Giêsu lại vui mừng trong Chúa Cha vì Ngài tỏ mình ra cho những kẻ bé mọn,
những người đơn sơ, những người có tinh thần nghèo khó. Một lần nọ, có một vấn
đề xảy ra ở một giáo xứ và vấn đề đó đã được mọi người bàn tán. Đây là những gì
họ đã nói với tôi. Một bà rất lớn tuổi, một bà của dân chúng gần như mù chữ, đã
can thiệp, như thể bà là một nhà thần học, và với sự hiền lành và khôn ngoan
tâm linh sâu sắc, bà đã đưa ra cái nhìn sâu sắc của mình. Tôi vui mừng nhớ lại
khoảnh khắc đó như một sự mặc khải từ Chúa. Tôi chợt hỏi bà ấy: “Bà hãy cho tôi
biết, bà đã học thần học ở đâu, với Royo Marín, một nhà thần học vĩ đại?” Những
người khôn ngoan trong chúng ta có loại đức tin này. Trong suốt cuộc đời của
mình, Chúa Giêsu luôn có cái nhìn đón tiếp đối với những người yếu đuối nhất,
những người đau khổ và bị bỏ rơi. Đặc biệt đối với họ, Người nói đến những lời
chúng ta đã nghe: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng
tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).
Cái nhìn đón tiếp này của Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta
trở thành một Giáo hội đón tiếp, chứ không phải một Giáo hội đóng kín cửa.
Trong thời điểm phức tạp như của chúng ta, những thách đố về văn hóa và mục vụ
mới xuất hiện vốn đòi hỏi một thái độ nội tâm ấm áp và tử tế để chúng ta có thể
gặp nhau mà không sợ hãi. Trong cuộc đối thoại của Thượng hội đồng, trong “cuộc
hành trình trong Chúa Thánh Thần” tuyệt đẹp mà chúng ta đang cùng nhau thực hiện
với tư cách là Dân Thiên Chúa, chúng ta có thể lớn lên trong sự hiệp nhất và
tình bạn với Chúa để nhìn những thách thức ngày nay bằng cái nhìn của Ngài; để
trở thành, theo cách diễn đạt tinh tế của thánh Phaolô VI, một Giáo hội “tự biến
mình thành một cuộc trò chuyện” (Thông điệp Ecclesiam suam, 65). Một
Giáo hội “với ách nhẹ nhàng” (x. Mt 11, 30), không áp đặt gánh nặng và lặp đi lặp
lại với mọi người: “Hãy đến, hỡi các bạn là những người mệt mỏi và bị áp bức,
hãy đến, hỡi các bạn là những người lạc lối hoặc cảm thấy xa rời, hãy đến, hỡi
các bạn là những người đã đóng cửa hy vọng: Giáo hội ở đây dành cho các bạn!”
Cánh cửa Giáo hội luôn mở rộng cho tất cả mọi người, mọi người, mọi người!
3. Thưa anh chị em, Dân thánh của Thiên Chúa,
trước những khó khăn và thách thức phía trước, cái nhìn chúc tụng và đón tiếp của
Chúa Giêsu ngăn cản chúng ta rơi vào một số cám dỗ nguy hiểm: trở thành một
Giáo hội cứng nhắc – một trạm hải quan –, tự trang bị chống lại thế giới và
nhìn về phía sau; một Giáo hội hâm hẩm, đầu hàng trước những thời trang của thế
gian; một Giáo hội mệt mỏi, khép kín nơi chính mình. Trong Sách Khải Huyền,
Chúa nói: “Ta đứng ở cửa và gõ để nó được mở”; nhưng, thưa anh chị em, thường
thì Người đứng ở cửa và gõ nhưng từ bên trong Giáo hội để chúng ta cho phép Người
đi ra ngoài với Giáo hội để loan báo Tin Mừng của Người.
Chúng ta hãy cùng nhau bước đi: khiêm tốn, nhiệt thành và
vui tươi. Chúng ta hãy bước đi theo bước chân của thánh Phanxicô Assidi, vị
thánh của sự nghèo khó và hòa bình, “người khờ dại của Thiên Chúa”, đã mang
trong mình dấu tích của Chúa Giêsu và để mặc lấy Người, ngài đã trút bỏ mọi thứ.
Thật khó biết bao cho tất cả chúng ta khi thực hiện việc trút bỏ chính mình cả ở
bên trong và bên ngoài này. Điều này cũng đúng đối với các tổ chức. Thánh Bônaventura
kể lại rằng trong khi thánh Phanxicô đang cầu nguyện, Đấng Chịu Đóng Đinh đã
nói với ngài: “Hãy đi sửa chữa nhà thờ của Ta” (Legenda maior, II, 1).
Thượng hội đồng nhắc nhở chúng ta về điều này: Mẹ của chúng ta là Giáo hội,
luôn cần được thanh tẩy, cần được “sửa chữa”, vì chúng ta là một dân được tạo
thành từ những tội nhân được tha thứ – cả hai yếu tố: tội nhân được tha thứ –,
luôn cần quay về nguồn là Chúa Giêsu và lại bước đi con đường của Chúa Thánh Thần
để Tin Mừng của Người đến với mọi người. Thánh Phanxicô Assidi, trong thời kỳ
có những đấu tranh và chia rẽ lớn lao, giữa các thế lực thế tục và tôn giáo, giữa
Giáo hội thể chế và các trào lưu lạc giáo, giữa các Kitô hữu và các tín hữu
khác, đã không chỉ trích hay đả kích bất cứ ai. Ngài chỉ sử dụng vũ khí của Tin
Mừng: khiêm nhường và hiệp nhất, cầu nguyện và bác ái. Chúng ta hãy làm như vậy:
khiêm nhường, hiệp nhất, cầu nguyện và bác ái!
Và nếu dân thánh của Thiên Chúa cùng các mục tử của họ từ khắp
nơi trên thế giới có những mong đợi, hy vọng và thậm chí cả một số lo ngại về
Thượng hội đồng mà chúng ta đang khai mạc, chúng ta hãy tiếp tục nhớ rằng đây
không phải là một cuộc tụ họp chính trị, mà là một cuộc triệu tập trong Chúa Thánh
Thần; không phải là một nghị viện phân cực, mà là nơi của ân sủng và hiệp
thông. Chúa Thánh Thần thường phá vỡ những kỳ vọng của chúng ta để tạo ra một
điều gì đó mới mẻ vượt qua những dự đoán và tiêu cực của chúng ta. Có lẽ tôi có
thể nói rằng những khoảnh khắc hiệu quả nhất của Thượng hội đồng là những khoảnh
khắc gắn liền với việc cầu nguyện, một bầu không khí cầu nguyện, qua đó Chúa hoạt
động trong chúng ta. Chúng ta hãy mở lòng ra với Ngài và kêu cầu Ngài, nhân vật
chính là Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy để Ngài trở thành nhân vật chính của Thượng
hội đồng! Và chúng ta hãy bước đi với Ngài, trong niềm tin tưởng và hân hoan.
Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vatican.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net
(05.10.2023)