Âm nhạc theo Cảm thức của Giáo hội
Giuse Võ Tá Hoàng
WGPQN (13.9.2020) – Trong buổi gặp gỡ Scholae Cantorum [1] của Hiệp hội
Thánh Cecilia tại Rôma, ngày 28 tháng 9 năm 2019, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã
xác nhận lại tầm quan trọng và đặc tính của thánh nhạc trong phụng vụ. Thánh nhạc
phải khác với âm nhạc được sử dụng cho các mục đích khác. Bởi vì thánh nhạc
không chỉ đi kèm với phụng vụ mà còn thực hiện một nhiệm vụ khác, đó là gắn kết
lịch sử Kitô giáo lại với nhau: nhạc Bình ca, nhạc đa âm, nhạc dân tộc và đương
đại cùng vang lên trong phụng vụ. Lúc đó như thể các thế hệ xưa và nay đều ca
ngợi Chúa, mỗi thế hệ có cảm xúc của riêng mình. Không chỉ vậy, thánh nhạc và
âm nhạc nói chung tạo nên những nhịp cầu gắn kết con người lại với nhau, dù là
xa xôi nhất; ở đó không có những rào cản về quốc tịch, sắc tộc, màu da, nhưng
bao gồm tất cả mọi người trong một ngôn ngữ trỗi vượt, và nó luôn cố gắng đưa mọi
người và các nhóm có nguồn gốc khác biệt hòa hợp với nhau.
Lặp lại ước muốn canh tân nền âm nhạc hòa hợp với phụng vụ của Thánh Giáo hoàng
Phaolô VI, Đức Phanxicô nói: Không phải là bất kỳ loại âm nhạc nào cũng được,
nhưng vì thánh nhạc là thánh thiện, chúng là các nghi thức; được phú ban sự cao
quý của nghệ thuật, nên phải dâng cho Thiên Chúa những gì cao đẹp nhất; phổ
quát để tất cả mọi người có thể hiểu và ca tụng. Nhất là, thánh nhạc phải riêng
biệt và phải khác với âm nhạc được sử dụng cho các mục đích khác. Và Ngài đã mời
gọi hãy trau dồi cảm thức của Giáo hội [sensus ecclesiae], biết phân định
âm nhạc trong phụng vụ.
Âm nhạc theo Cảm thức của Giáo hội lần đầu tiên được Đức Thánh Giáo hoàng
Phaolô VI sử dụng trong bài nói chuyện với các Tu sĩ chuyên lo việc ca hát
trong phụng vụ vào ngày 15/4/1971 tại Rôma[2]. Một bài ca
không có cảm thức đó, thay vì giúp làm tan chảy các linh hồn trong đức ái thì lại có thể trở thành nguồn gốc của sự khó chịu, tàn lụi, rạn nứt điều thánh
thiêng, nếu không thì cũng là sự chia rẽ trong cùng một cộng đoàn tín hữu.
Vậy âm nhạc theo Cảm thức của Giáo hội -
sensus ecclesiae - là gì?
- Sensus Ecclesiae giúp chúng ta kín múc sự vâng phục, trong cầu nguyện và
trong đời sống nội tâm những lý do cao cả và làm thăng hoa các hoạt động âm nhạc
của mình.
- Sensus Ecclesiae nghĩa là đào sâu các văn kiện của Giáo hoàng và Công đồng để
cập nhật liên tục về các tiêu chuẩn quy định cho đời sống phụng vụ.
- Sensus Ecclesiae có nghĩa là phân định những gì liên quan đến âm nhạc trong
Phụng vụ: “Không phải mọi thứ đều có giá trị, không phải mọi thứ đều hợp luật,
không phải mọi thứ tốt đẹp. Ở đây tính thánh thiêng phải được hòa quyện với vẻ
đẹp trong tổng thể hài hòa và sốt sắng”.
- Sensus Ecclesiae nghĩa là biết cách lựa chọn cẩn thận, khôn ngoan, không
thiên vị các bài thánh ca – được hướng dẫn bởi các quy tắc của giáo hội, bằng cảm
xúc phụng vụ, bằng việc học hỏi và giáo dục về sở thích, để chúng ta chắc chắn
đạt đến điểm chính yếu [corpus] của những bài ca phụng vụ mà trong tương lai
chúng có thể được hát trên môi miệng và trong tâm hồn người tín hữu.
- Sensus Ecclesiae nghĩa là, chúng ta, các nhạc sĩ sáng tác các "giai điệu"
phải có nét đặc trưng của thánh nhạc thực sự. . . "Lời ca phải phù hợp với
giáo lý Công giáo và tốt hơn là ưu tiên rút ra từ Thánh kinh và từ các nguồn phụng
vụ" ( Sacrosanctum Concilium, 121).
- Sensus Ecclesiae có nghĩa là biết cách chọn những giai điệu không chỉ lấy cảm
hứng từ thời trang, dễ thay đổi, không có giá trị tinh thần cũng như nghệ thuật,
mà còn là kết hợp phẩm giá của nghệ thuật và cảm xúc của lời cầu nguyện với
tính thực tiễn cụ thể. Cho nên hãy cố gắng có cái gì đó thực sự có giá trị, bằng
cách bỏ đi những từ ngữ, đôi khi, không tôn trọng nội dung thiêng liêng, dẫn đến
một số trường hợp cẩu thả, tầm thường, dưới dạng khẩu hiệu hơn là cầu nguyện
(Thánh Augustinô, Enarr trong Ps. LXVI, 6).
Hãy để Sensus Ecclesiae hướng dẫn khả năng phán đoán và lựa chọn của chúng ta.
“Chỉ khi nào một nghệ sĩ thấm nhuần sâu xa cảm thức của Giáo hội mới có thể cố
gắng cảm nghiệm và diễn đạt bằng giai điệu chân lý của mầu nhiệm được cử hành
trong Phụng vụ”.[3]
----------------------------------
[1] http://w2.vatican.va/content/francesco/it/speeches/2019/september/documents/papa-francesco_20190928_scholae-cantorum.html
[2] http://w2.vatican.va/content/paul-vi/it/speeches/1971/april/documents/hf_p-vi_spe_19710415_religiose-canto-liturgico.html
[3] http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/letters/2003/documents/hf_jp-ii_let_20031203_musica-sacra.html
Nguồn: gpquinhon.org