5 NỀN TẢNG ĐỂ PHÂN ĐỊNH
TRÊN LỘ TRÌNH DẪN ĐẾN SỰ BÌNH AN CỦA THIÊN
CHÚA
Dan Burke
WHĐ (13.02.2023) – “Những ai sống
theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống
theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn
hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an”. (Rm 8, 5–6)
Tôi đã nhiều lần chiến đấu với sự khô khan khi cầu nguyện. Tôi thậm chí còn không biết đến
thuật ngữ khô khan cho đến khi tình cờ đọc được từ này và được mở mang tầm mắt trước thử
thách tâm linh phổ biến này.
Khi trở thành người Công giáo, tôi
đã trải nghiệm một sự chữa lành cách nhanh chóng — đặc biệt là qua các bài viết
của Thánh Têrêsa Avila và của một
linh mục Dòng Tên, Jean-Pierre
de Caussade.
Nơi Thánh Têrêsa Avila, tôi tìm thấy một tâm hồn đồng điệu - người nhận thức được mối tương quan thực sự với
Đức Giêsu là như thế nào. Nơi linh mục Jean-Pierre de Caussade,
tôi khám phá ra làm sao để nhìn thấy hình ảnh của
Thiên Chúa trong mọi sự và mọi lúc. Hai
tác giả này đã giúp củng cố cam kết cầu nguyện của tôi và lấp đầy tâm trí tôi bằng
chân lý. Điều này đã giúp tôi
nhìn thấy Thiên Chúa rõ hơn và quy phục Ngài để được chữa lành khi tôi trải qua
những hoàn cảnh và tình huống khiến tôi sợ hãi, lo lắng và tuyệt vọng.
Ngoài ra, tôi cũng gặp được sự khôn ngoan của Thánh Inhaxiô Loyola qua những bài viết
và suy tư của Cha Timothy Gallagher,
OMV. Đây là khởi đầu cho sự kết thúc của những thành trì cuối cùng dường như
quá vững chắc để có thể vượt qua.
Mục đích của tôi bây giờ là chuyển
từ câu chuyện cá nhân của tôi sang điều mà tôi gọi là sự hiểu biết đơn giản về
việc thực hành Phân định thần khí.
Nền tảng của sự Phân định, con đường dẫn đến sự bình an
Một số chân lý nền tảng quan trọng cần phải được hiểu rõ. Những chân lý này là điều mà tôi gọi là Mô hình của sự thăng
tiến, đồng thời là nền tảng cần
thiết của sự phân định, cũng
như lộ trình chữa lành và
bình an mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Những chân lý này là nền tảng ở
chỗ nếu chúng không thực sự hiện
diện thì không thể. Tiến hành sự
phân định thần khí, và lời hứa
về sự bình an là điều chẳng thể cảm nghiệm được.
Nền tảng thứ nhất: Lời thưa “Vâng” với Thiên Chúa
Chân lý nền tảng đầu tiên là tận đáy lòng, chúng ta phải thưa “vâng” một cách chân thực với Thiên Chúa để bắt đầu và
hoàn tất hành trình chữa lành. Chỉ nhận thức về Thiên Chúa hoặc thực hành
đức tin mà thôi thì chưa đủ—chúng ta
phải biết Ngài một cách mật thiết. Đây là lộ trình của những nhà thần bí, nhưng cũng là lộ trình dẫn tới thiên đàng.
Đối với hầu hết người Công giáo, lộ trình này có vẻ mơ hồ bởi vì tín hữu thường cho rằng việc mình đã ở trong Giáo hội rồi thì lời mời gọi hoán cải là điều không cần thiết. Tuy nhiên, lời kêu gọi hoán cải này là điều rất quan trọng và cũng là điều mà Đức Giêsu thường xuyên đưa
ra cho những môn đệ thân tín
của Người. Mặc dù đã được lãnh Bí
tích Rửa tội và Thêm sức, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục nhìn nhận rằng, trong cuộc sống chúng ta luôn cần Thiên Chúa và sự hoán cải dẫn chúng ta đến gần Ngài hơn.
Nền tảng thứ hai: Lãnh nhận bí tích Hoà giải và Thánh Thể
Để giúp chúng ta luôn sẵn sàng thưa “vâng” với Thiên Chúa, thì bí tích Thánh Thể và Hoà giải là sự hỗ trợ hữu hiệu. Trong khi Bí tích Thánh
Thể là nguồn nuôi dưỡng đức tin, nên
chúng ta cần tham dự Thánh Lễ
càng thường xuyên càng tốt, thì Bí
tích Hòa giải là một ân sủng lớn lao để củng cố
chúng ta chống lại việc sa vào tội lỗi. Tuy nhiên, chúng ta thường đánh giá thấp sức mạnh của bí tích này khi cho rằng đây chỉ đơn thuần như
một phương thuốc đối với tội lỗi. Điều
này rất quan trọng và đúng, nhưng Bí tích này vừa ban
ơn tha tội vừa thêm sức mạnh giúp chúng ta nỗ lực chiến
đấu với tội lỗi. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhớ rằng, nếu không hòa giải với
Thiên Chúa và không sống trong tình trạng ân sủng, chúng ta sẽ không thể phân định
được sự khác biệt giữa những soi dẫn của Thiên Chúa và những cám dỗ của ma quỷ. Ở đây, sống trong
tình trạng ân sủng có nghĩa là chúng ta đang tuân theo những giáo huấn của Giáo
Hội, và không mắc tội trọng nào chưa xưng tội.
Nền tảng thứ ba: Cầu nguyện hằng ngày
Cầu nguyện hàng ngày là yếu
tố nền tảng để giúp phân định cách đích thực và hiệu quả. Việc cầu nguyện hàng ngày bao gồm 2 khía cạnh: Tâm nguyện và lần chuỗi Mân Côi.
Thánh Têrêsa of Avila và Thánh Alphonsus Liguori tâm nguyện là điều cần thiết để lãnh ơn cứu độ vì nó tác động đến tâm hồn
và dẫn chúng ta đến gần Đấng
Cứu độ. Trong khi đó, Kinh
Mân Côi, như được Đức Mẹ nhắc nhở, là
cần thiết cho sự hoán cải của mỗi
người và toàn thế giới.
Thật vậy, hai cách thế cầu nguyện này vừa là một loại lá chắn
bảo vệ, vừa nuôi dưỡng lời thưa “vâng” của chúng ta để giúp chúng ta tiến
bước trong đức tin.
Nền tảng thứ tư: Sự Khổ chế
Theo tiếng Hy Lạp cổ, Khổ chế (ascesis) có nghĩa là “luyện tập”. Theo cách sử dụng của chúng ta, luyện tập là nỗ lực hàng ngày với chủ ý từ bỏ
tội lỗi, và hướng đến việc tự
hiến cho Thiên Chúa và tha nhân.
Khổ chế chỉ đơn giản là tự hiến và từ bỏ chính mình, nói “không” với những lôi cuốn của bản tính thấp hèn để
nói “có” trong việc tận hiến
cho Thiên Chúa và cho những người mà chúng ta có bổn phận chăm sóc. Nói cách khác, Khổ
chế chỉ đơn giản là việc bước theo Đức Giêsu một cách trọn vẹn.
Yếu tố này tôi muốn gọi là “cỗ
máy tạo các Thánh”: hướng về Thiên Chúa, tránh xa tội lỗi và những phiền muộn của
tội lỗi. Thực ra, yếu tố này vốn luôn được đặt ra trong cuộc sống
của mỗi vị thánh và những ai muốn tiến
tới trong đời sống thiêng liêng. Mô
hình Thăng tiến này cũng là cơ sở cần thiết để bắt đầu
phân định giữa tiếng nói và ảnh hưởng của Thiên Chúa với tiếng nói và ảnh hưởng
của kẻ thù của linh hồn chúng ta.
Khi bắt đầu thực hành yếu
tố này, chúng ta sẽ đặt một nền
tảng mà bản thân mình thấy rằng nó là sức mạnh chữa lành nhất đối với chúng ta. Một cách cụ thể, chúng ta bắt đầu sống
theo những gì được biết đến trong Truyền thống Công giáo như là “quy tắc của
cuộc sống”,
nói cách khác, là “kế
hoạch yêu thương”. Một kế hoạch yêu thương chỉ đơn giản là sự tập hợp những cam kết cụ thể mà chúng ta thực hiện hàng ngày, hằng tuần, hoặc hằng
tháng. Chẳng hạn như: Tâm
nguyện, lần hạt Mân Côi hằng ngày; tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật; xưng tội mỗi hai tuần
hoặc hằng tháng.
Nền tảng thứ năm: Xét mình mỗi ngày
Bước cuối cùng được gọi là cầu
nguyện kiểm tâm. Chúng ta thực
hành xét mình theo cách tập
trung vào quyền năng cứu chuộc và lòng thương xót của Thiên Chúa, chứ không phải chỉ vào sự yếu đuối của chúng ta. Như Thánh Phaolô đã chia sẻ kinh nghiệm của ngài: “Nhưng Người
quả quyết với tôi: "Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được
biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối". . . Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi
mạnh” (2 Cor 12, 9-10).
Để thực hành bước này, mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng ta có thể dành ra 5 phút để xét lại một ngày sống, từ sáng đến tối, qua việc đặt ra 2 câu hỏi đơn giản:
1. Nhờ ân sủng của Chúa, tôi
đã có thể làm được điều gì để vinh danh Chúa và người khác?
Khi nhận ra những điều tốt lành này, chúng ta hãy ngợi khen Chúa qua lời cầu nguyện đơn giản như: “Con tạ ơn Chúa vì con đã có thể thực hiện kế hoạch yêu thương ngay cả nhiều lúc chính con cũng không muốn thực
hiện như vậy.”
2. Tôi đã thất bại trong việc tôn
vinh Chúa và người khác như thế nào trong cuộc sống của mình?
Khi nhận ra những thiếu sót, chúng ta vẫn cầu nguyện tạ ơn, chẳng hạn như: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã cho
con nhận ra tội lỗi của con, để con cảm nhận
rõ hơn ơn tha thứ của
Chúa. Xin thêm sức mạnh, giúp con vượt thắng những sai phạm này trong tương lai.”
Tóm lại, chúng ta đã có thể áp dụng 5 nền tảng cơ bản, giống như chiếc
la bàn, cho việc phân định thần khí
để cảm nghiệm sự bình an của Chúa. Những yếu tố này giúp chúng ta không dễ bị mắc lừa, nhưng luôn tỉnh táo và đi đúng hướng trên con đường hẹp dẫn đến đích cuối cùng là chính Thiên Chúa, nguồn
tình yêu, bình an, và hạnh phúc của chúng ta.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (07. 02. 2023)