5 CÁCH GIÚP CHÚNG TA THỰC HÀNH HOÁN CẢI
Lm. Ed Broom,
OMV
WHĐ (07.3.2022) - Hãy hoán cải, vì Nước Thiên
Chúa đã gần kề.
Đó là những lời
đầu tiên chúng ta được nghe từ miệng của Đấng Cứu Thế khi người khởi đầu sứ vụ
rao giảng công khai của mình. Hoán cải trong tiếng Hy Lạp là Metanoia, nghĩa là
sự biến đổi của con tim. Trọng tâm giáo huấn của vị Tiền hô của Chúa Giêsu –
Thánh Gioan Tẩy Giả cũng tương tự như thế, “Hãy hoán cải vì Nước Thiên Chúa đã
gần kề.” Hơn nữa, Thánh Phêrô và các Tông Đồ cũng rao giảng lời kêu gọi tương tự.
Vì thế, nếu như vị ngôn sứ cao cả nhất, cùng vị Giáo hoàng đầu tiên, và cả
chính Đức Giêsu đều đã rao loan sự hoán cải cấp bách này, thì quả thực, nó phải
rất quan trọng.
Hội Thánh, Nhiệm Thể của Đức Kitô, luôn lặp lại
thông điệp này qua nhiều hình thức và các mùa phụng vụ. Ngay tại thời điểm bắt
đầu Hy tế thánh thiêng của Thánh Lễ, sau khi chào cộng đoàn, cha chủ tế kêu mời
chính mình và toàn thể cộng đoàn cùng dừng lại ít phút để xét mình. Tại sao phải
làm vậy ? Vì nhờ sự thú nhận tội lỗi theo chiều kích cộng đoàn và cá nhân, cũng
như sự khiêm tốn khẩn nài của chúng ta, Thiên Chúa sẽ rủ lòng thương xót và
giúp chúng ta trải nghiệm metanoia – sự hoán cải đời sống.
Những cách thế để chúng ta trải nghiệm một sự
hoán cải đời sống thực sự.
Những cách thế sau đây có thể giúp chúng ta đi
sâu vào tâm hồn mình và cố gắng tìm kiếm một cuộc hoán cải chân thành và sâu sắc.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng một cuộc hoán cải thật sự không gì khác hơn
là hành động của Thiên Chúa bên trong tâm hồn chúng ta chứ không phải nỗ lực của
bản thân mình. Chúng ta buộc phải cộng tác với ơn Chúa!
1. Ký ức
Ký ức của chúng ta cần được thanh lọc thường
xuyên. Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta hãy mặc lấy tinh thần của Đức Kitô; thì chúng ta sẽ có được tinh thần của Đức Kitô. Những thương
tổn trong quá khứ, những sự nghiện ngập khiến chúng ta nô lệ, tất cả chúng hãm hại
chúng ta về đời sống thể lý, tình cảm, xã hội hay luân lý – chúng cần phải được đưa đến cho Thiên Chúa để đổi lấy sự hoán cải và chữa lành tận
căn. Một gợi ý ngắn gọn nhưng đầy mạnh mẽ cho vấn đề này, đó là Lời Chúa! Lời
Chúa thì sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, xuyên thấu chỗ phân cách giữa tâm với
linh, cốt với tủy (Dt 4:12). Việc đọc, suy niệm và cầu nguyện với Lời Chúa mỗi
ngày có thể dẫn tới một sự hoán cải tâm hồn. Thêm một bước nữa, đó là bạn hãy cố
gắng học thuộc lòng Kinh Thánh! Nếu bạn cần một hình ảnh minh họa, thì như tác
dụng (làm sạch và thanh lọc) của chất hóa học Clo đối với bể bơi thế nào, thì Lời
Chúa có thể thanh lọc và tẩy sạch tâm hồn của con người giống như vậy. Lạy
Chúa, xin cho Lời Ngài luôn là ánh sáng soi đường và tỏa rọi bước chân con.
2. Đôi
mắt
Đôi mắt của chúng ta cần phải liên tục được
canh giữ và cảnh giác. Đáng tiếc thay, chứng nghiện phổ biến nhất ở nước Mỹ lại
là chứng nghiện văn hóa phẩm khiêu dâm. Trẻ em được tiếp xúc với “con sói hung
tợn và tàn nhẫn” này tại thời điểm còn quá non nớt. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng
sách báo, phim ảnh khiêu dâm có thể gây nghiện mạnh hơn cả ma túy. Một thành
viên trong nhóm cai nghiện rượu và ma túy đã vui mừng chia sẻ rằng anh có thể
chế ngự các thói xấu trên, thế nhưng, anh lại không thể tách mình ra khỏi chứng
nghiện văn hóa phẩm khiêu dâm được.
Những đề xuất sau đây sẽ giúp chúng ta đạt được
sự hoán cải trong vấn đề này:
- Vào lúc rạng đông, khi vừa thức dậy, hãy
thánh hiến toàn bộ con người – đặc biệt là đôi mắt chúng ta – cho Trái Tim Vô
Nhiễm của Đức Maria.
- Kế đến, khi bị cám dỗ, hãy nài xin Bửu Huyết
Chúa Giêsu trở nên như khiên thuẫn giúp chúng ta chống lại những mũi tên lửa ác
độc đến từ ma quỷ.
- Cuối cùng, hãy năng viếng Thánh Thể và chiêm
ngắm Trái Tim Cực Thánh của Chúa Giêsu, giống như lời của các Vịnh gia: “Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở”
(Tv 34:5).
3. Kiểm
soát miệng lưỡi
Miệng lưỡi chúng ta phải được kiểm soát thường
xuyên! Thánh Giacôbê đã nhắc nhở cách sâu sắc rằng chúng ta nên chậm khi nói và
mau mắn khi lắng nghe (Gc 1:19). Cũng vậy, Chúa Giêsu nói chúng ta sẽ bị kết án
bởi mọi lời nói từ miệng của mình. Ngoài ra, chính Người đã phán dạy rằng lòng
có đầy thì miệng mới nói ra (Lc 6:45)
Dưới đây là ba gợi ý cụ thể để đạt đến sự hoán
cải miệng lưỡi và sự biến đổi trong lời nói của chúng ta:
Thứ nhất, chúng ta nên đi vào một thói quen
trò chuyện với Thiên Chúa nhiều hơn là với người khác.
Thứ hai, chúng ta nên học biết kìm nén được những
kích động của bản thân và suy nghĩ thật kỹ trước khi nói.
Cuối cùng, hãy áp dụng quy tắc Khuôn vàng thước
ngọc của Chúa Giêsu vào trong lời nói của mình. Hãy làm cho người ta những gì bạn
muốn người ta làm cho mình, hãy nói với người ta những điều bạn muốn họ nói với
mình! Làm theo những lời khuyên này, thì chúng ta thực sự đang bước đi trên một
hành trình hóa cải miệng lưỡi.
4. Những
ý định
Thành thật mà nói chúng ta phải luôn khiêm tốn
thừa nhận rằng những ý định của chúng ta thường bị lẫn lộn với những ý hướng xấu.
Ngay cả trong những hành vi tốt lành nhất cũng ẩn tàng những ước muốn vị kỷ, tư
lợi và hư danh. Việc chân thành xét mình sẽ nêu bật lên sự thật này. Trong cuốn
Nhật ký của của mình, Thánh Faustina đã được Chúa Giêsu nhiều lần tỏ bày khát
mong rằng thánh nữ hãy luôn có được sự thanh tẩy ý muốn, đồng thời thực hiện
các hành vi làm đẹp lòng Người, vì danh dự và vinh quang của Thiên Chúa. Thánh
Kinh đã chỉ ra rằng người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận
đáy lòng (1Sm 16:7). Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta
đừng để người khác nhìn thấy và tán dương hành động của mình. Hãy nhớ lấy! Phải
hành động sao cho “tay phải không biết việc tay trái làm, và Cha chúng ta, Đấng thấu suốt những gì kín
đáo, sẽ trả lại cho chúng ta”(Mt 6: 3-4).
Châm ngôn của Thánh Ignatio, vị sáng lập dòng Tên,
được viết tắt bằng bốn ký tự : A.M.D.G. – Ad Maiorem Dei Gloriam – nghĩa là, để
vinh danh Thiên Chúa hơn. Đó thực sự nên là nền tảng thúc đẩy mọi hành động của
chúng ta trong cuộc sống. Một gợi ý thiết thực để có được sự hoán cải trong ý định
của chúng ta, đó là hãy dâng tất cả cho Chúa Giêsu nhờ bàn tay của Đức Maria.
Trong tác phẩm kinh điển có tên True Devotion
to Mary (tạm dịch: Lòng sùng kính Đức Maria), Thánh Louis de Montfort đã kể lại
câu chuyện về một người nghèo khó ước mong dâng tặng một quả táo cho quốc vương
của mình. Quả táo đó không phải là loại thượng hạng, và chủ nhân của nó cũng chỉ
là hạng cơ hàn. [Thế nên, thật khó để ước muốn đó thành hiện thực.] Tuy vậy, có
một con đường bí mật để chạm tới trái tim của quốc vương – đó là nhờ vào tình
yêu mà quốc vương dành cho hoàng hậu của ngài. Nếu người nghèo khó ấy có thể chạy
tới với hoàng hậu và xin bà nhận lấy quả táo, để rồi bà sẽ đem đi rửa sạch, đặt
nó trên một chiếc đĩa vàng cạnh những bông hoa xinh đẹp và dâng lên quốc vương.
Chắc chắn, vị quốc vương sẽ nhận lấy quả táo ấy. Tại sao vậy? Dĩ nhiên không phải
vì quả táo hay vì người nghèo khó, nhưng vì sự thuyết phục mạnh mẽ của hoàng hậu.
Cũng vậy, nếu chúng ta có thể đặt để những ý định với động cơ méo mó của mình
nơi Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Maria thì Mẹ sẽ thanh tẩy, tô điểm và điều chỉnh
chúng trở nên ngay lành.
5. Con
tim
Cuối cùng, tất cả chúng ta phải luôn tìm kiếm
một cuộc hoán cải mỗi ngày trong chính tâm điểm của con người chúng ta – Con
tim của chúng ta. Chúa Giêsu đã phán dạy rằng lòng có đầy thì miệng mới nói ra.
Con tim của con người có thể chứa đựng thật nhiều những ý định cao quý, nhưng
cũng có thể mang vào đó hàng tá những ước muốn xấu xa. Một cuộc hoán cải con
tim trường kỳ là điều cần phải thực hiện mỗi ngày.
Đâu là cách thức hữu hiệu nhất để trải nghiệm
một cuộc hoán cải con tim thực thụ? Thật đơn giản, câu trả lời ngắn gọn là hãy
nhiệt tâm và tha thiết đến với Bí tích Thánh Thể mỗi ngày! Trong Bí tích Thánh
Thể, chúng ta nhận lãnh toàn bộ con người Chúa Giêsu: Mình Thánh, Máu Thánh,
Linh Hồn và Thần Tính. Vì thế, nếu chúng ta đón rước Mình Thánh Chúa, tức là
chúng ta cũng đón rước cả Trái Tim Cực Thánh của Người. Bên trong Trái Tim Cực
Thánh ấy, tất cả các nhân đức cao quý, sự thánh thiện và hoàn hảo nhất đều có
thể được tìm thấy.
Đức tin, đức cậy, đức mến, nhẫn nại, thanh khiết,
hiền lành, vâng phục, khổ chế, can trường – là một trong số rất nhiều nhân đức
được biểu lộ nơi Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu. Chúng được biểu lộ bên trong
Mình Thánh mà chúng ta lãnh nhận hằng ngày qua Bí tích Thánh Thể.
Thật vậy, chúng ta có thể trải nghiệm một cuộc
biến đổi thiêng liêng cho con tim mình mỗi khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh
Thể với đức tin, lòng sùng kính và tình yêu. Vượt ra khỏi bóng đêm ngờ vực, Bí
tích Thánh Thể được đón rước với ý ngay lành sẽ là máng chuyển ân sủng hữu hiệu
nhất cho sự hoán cải con tim. Thánh Tâm đầy tình mến của Thiên Chúa luôn thiêu
cháy toàn bộ những gì tăm tối và xấu xa nơi con tim chúng ta, để rồi chúng ta
có thể chân thành thốt lên lời của Thánh Tông đồ Phaolô: “Tôi sống, nhưng không
còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”.
Quang Sáng
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (08.02.2022)