15 BÀI NGUYỆN NGẮM THEO KINH THÁNH, DÙNG TRONG GIỜ CHẦU THÁNH THỂ

Tác giả: Lm. Ed Broom, OMV

WHĐ (14.10.2021) - Một trong những nguồn có thể dùng để gia tăng lòng tin, lòng sùng kính, và lòng yêu mến đối với Bí tích Thánh Thể chính là nhờ việc đọc và suy niệm các bản văn Kinh Thánh quan trọng, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Cựu Ước trình bày những biểu tượng hay những ám chỉ về Thánh Thể mà sẽ trở thành một thực tại trong Tân Ước.

Nói cách khác, những gì được trình bày dưới hình thức ẩn tàng, mầu nhiệm, và biểu tượng trong Cựu Ước bỗng trở thành Chân Lý hiển minh trong Tân Ước.

Thực tại này muốn nói lên rằng chúng ta sẽ khởi đi từ các biểu tượng Kinh Thánh Cựu Ước về Thánh lễ, Thánh Thể, và chức linh mục, điều này sẽ dẫn chúng ta đến thực tại trong Tân Ước, nơi mà Thánh Thể - mang nghĩa là Tạ ơn - thực sự đã được chính Đức Giê-su thiết lập trong Bữa Tiệc Ly. Giờ đây, chúng ta hãy ngụp lặn vào những kho tàng vô tận, ngụp lặn trong đại dương bao la của Thiên Chúa, là Đấng đang hiện diện nơi Lời hằng sống và xuyên thấu cõi lòng mà chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh.   

1. Sáng thế, chương 3

Trong chương này, chúng ta bắt gặp A-đam và E-và, những thủy tổ đầu tiên của chúng ta, nhận được mệnh lệnh là không được ăn trái cấm. Họ đã không vâng lời khi ăn trái cấm này, đầu tiên là E-và, sau đó là đến A-đam. Chúng ta gọi đây là Tội Nguyên Tổ. Sự chết đã xâm nhập thế gian qua tội không vâng phục khi ăn trái cấm.

2. Gioan chương 6: Diễn từ về Bánh Hằng Sống

Sự chết bắt nguồn từ hành động ăn và bất tuân phục. Trái lại, sự sống đời đời sẽ đến nhờ việc ăn và vâng phục. Việc ăn lần này phải là ăn quả của cây Can-vê, là chính Mình và Máu Đức Giê-su. Chính Con Thiên Chúa đã quả quyết: “Tôi là Bánh hằng sống; ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì sẽ có sự sống đời đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” Qua cách diễn tả tường tận và rõ rệt, Đức Giê-su khẳng định rằng ơn cứu độ, sự sống đời đời của chúng ta, tùy thuộc vào việc ăn chính Mình Ngài.

3. Sáng thế chương 14,18–20 / Thư gửi tín hữu Híp-ri 4,14–15

Nhân vật huyền bí Men-ki-xê-đê trong quá khứ biểu trưng cho Đức Giê-su Thượng Tế. Nếu không có ngôi vị của vị tư tế, thì Thánh Thể hay Bánh Hằng Sống không thể trở thành một thực tại được. Chức linh mục thì cần thiết cho toàn bộ thực tại của Thánh lễ, Việc truyền phép, Thánh Thể, và Hiệp Lễ.

4. Xuất hành chương 6: Man-na trong Sa mạc

Dân Ít-ra-en đã đói khát suốt cuộc hành trình dài trong sa mạc. Qua khí cụ và người lãnh đạo là tổ phụ Mô-sê, Thiên Chúa đã làm cho bánh từ trời, gọi là man-na, rơi xuống đất. Man-na có nghĩa là cái gì vậy?

Nếu không ăn thức ăn, tất cả chúng ta sẽ chết cách thể lý và tự nhiên. Cũng thế, nếu không dưỡng nuôi linh hồn mình nhờ Bánh Hằng Sống, thì chúng ta cũng sẽ chết và hủy hoại muôn đời. Man-na trong sa mạc chính là biểu tượng hay hình ảnh tiên trưng về Thánh Thể. 

Thực ra, Đức Giê-su trong diễn từ về Bánh Hằng Sống, ám chỉ đến Mô-sê và man-na trong sa mạc: “Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. “ (Ga 6,49-50).

5. Xuất hành chương 14: Vượt qua Biển Đỏ

Tính biểu tượng minh nhiên trong đoạn Kinh Thánh này chính là việc dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ để giành được tự do, nhờ Mô-sê dẫn dắt họ. Họ thoát khỏi sự áp bức và ách nô lệ của người Ai Cập. Chuyến đi của họ là vượt qua Biển Đỏ.

Theo nghĩa tương tự, tội lỗi chính là ách nô lệ trong cuộc đời chúng ta. Qua việc đổ máu mình trên thập giá ở đồi Can-vê vào ngày Thứ Sáu Thánh, Đức Giê-su đã đem lại cho chúng ta tự do đích thực của con cái Thiên Chúa. Nhờ lãnh nhận Mình và Máu Người, chúng ta được thêm sức, được thanh tẩy, và vững mạnh để vượt qua cuộc đời này, bước vào sự sống vĩnh cửu trên thiên đàng.

6. Sách Các Vua chương 19: Tư tế Ê-li-a

Thoát chết khỏi bàn tay của Hoàng Hậu I-de-ven độc ác và Vua A-kháp, sau chuyến hành trình kéo dài cả ngày đàng, Ê-li-a đã rơi vào tình cảnh vô cùng thê lương. Ông bắt đầu thiu thiu ngủ. Thiên Chúa đã sai một sứ thần đến với Ê-li-a để đánh thức người của Chúa. Sứ thần đã dọn bánh cho Ê-li-a dùng bữa, một lần rồi sau đó là lần thứ hai. Sau khi ăn bánh, Ê-li-a đã đi suốt 40 ngày đêm, nhờ sức mạnh có được từ việc ăn bánh ấy.

Lương thực này đã truyền cho Ê-li-a một siêu năng lực, giúp ông đi tới núi thánh, nơi ông gặp gỡ Thiên Chúa trong cơn gió nhẹ. Hành trình của chúng ta hướng về núi vĩnh hằng mà chúng ta gọi là Thiên Đàng, là một hành trình dài, hiểm nghèo, mệt nhọc, và nguy nan. Chúng ta cần năng lực và sức mạnh để vững bước trên hành trình. Năng lực vô biên ấy bắt nguồn từ Đức Giê-su, Đấng là Bánh Hằng Sống đích thực và là lương thực giúp chúng ta tiến về quê trời. 

7. Thánh Vịnh 23: Mục Tử Nhân Hậu

Nhiều người có thể ngạc nhiên, nhưng kỳ thực có nhiều hàm ý nói về biểu tượng Thánh Thể được trình bày trong Thánh vịnh này. Vâng! Như thế nào vậy?  “Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm… ly rượu con đầy tràn chan chứa… tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.”   

Chắc hẳn, ba cụm từ tách biệt này đều có những hàm ý về Thánh Thể, và miêu tả những biểu tượng hay những hình ảnh tiên trưng. Việc xức dầu ám chỉ đến chức tư tế cần thiết để cử hành Thánh lễ; ly rượu ám chỉ đến Máu Đức Ki-tô; đền Người ám chỉ đến thiên đàng - nghĩa là, nếu chúng ta nuôi dưỡng mình nhờ Bánh Hằng Sống và Chén Cứu Độ, thì chúng ta sẽ đến được ngôi nhà vĩnh hằng và viên mãn của mình: đó là Thiên Đàng.

Bây giờ, chúng ta sẽ chuyển từ Cựu Ước sang Tân Ước, và đào sâu nhiều nguồn cảm hứng mà hết thảy chúng ta được mời gọi đọc và suy gẫm, ngõ hầu chúng ta sẽ trưởng thành trong đức tin, đức mến, và lòng sùng kính Đức Giê-su, là Đấng hiện diện thực sự trong Bánh Hằng Sống. 

8. Trở lại với Gioan chương 6

Chúng ta trở lại với chương hết sức quan trọng, chương 6 của Tin Mừng Gioan. Chương này đưa ra ba chủ đề quan trọng cho chúng ta suy gẫm:

- Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều. Ở đây, Đức Giê-su làm một phép lạ tự nhiên cho đám đông dân chúng và cho chúng ta, cũng như sắp đặt và chuẩn bị trí, lòng, và linh hồn chúng ta đón nhận phép lạ Thánh Thể.

- Đức Giê-su đi trên mặt nước. Nếu thực sự tin vào Chúa, chúng ta có thể thực hiện được những phép lạ. “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” (Mc 9,24)

- Sau cùng, gần 2/3 chương 6 của Tin Mừng Gioan là diễn từ về Bánh Hằng Sống. Giáo huấn tuyệt vời mà Đức Giê-su dạy không có bất kỳ sự rắc rối nào, mà hoàn toàn rõ ràng, nghĩa là nếu chúng ta muốn sống muôn đời, thì chúng ta phải nuôi dưỡng chính mình nhờ Bánh Hằng Sống. Dĩ nhiên, điều này ám chỉ đến Thánh Thể và Việc Hiệp Lễ!

9. Mát-thêu chương 26: Thiết lập Bí tích Thánh Thể  

Trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su đã cử hành Thánh Lễ Đầu Tiên vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh. Cũng trong bối cảnh ấy, Đức Giê-su đã thiết lập và truyền chức cho các linh mục đầu tiên; họ là các Tông đồ. Trong nỗi kinh hãi và tạ ơn, chúng ta hãy nâng tâm hồn lên để ngợi khen Chúa vì ân huệ cao trọng này.

Chúng ta hãy cầu xin cho mình có được niềm tin và lòng mến lớn lao hơn đối với Thánh Thể, cũng như cầu xin Chúa ban cho có nhiều linh mục nhân hậu và Thánh thiện.

10. Khải huyền chương 3: Đức Giê-su đứng ngoài cửa và gõ

Đoạn Kinh Thánh ngắn gọn nhưng đầy thách đố này trình bày Đức Giê-su như một khách hành hương đang đứng gõ cửa. Ông chủ có thể ra đóng cửa lại và phớt lờ đi tiếng gõ cửa của du khách, hay ông có thể mở cửa tiếp đón người du khách kiệt sức và mời anh ta dùng bữa tối.

Ngay lúc này, Chúa Thánh Thể đang gõ cửa tâm hồn bạn. Bạn sẽ đáp trả như thế nào?

11. Thư thứ I gửi tín hữu Cô-rin-tô chương 11: Xúc phạm Thánh Thể

Đoạn Kinh Thánh trong thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô này nói lên sự nổi giận! Bất hạnh thay, trong cộng đoàn Ki-tô hữu sơ khai, có những chi thể đã xúc phạm đến Thánh Thể. Họ ăn uống dư giả, thậm chí là say khướt, và bỏ quên người nghèo. Kế đến, sau vụ xì-căng-đan này, họ đã ăn Mình và uống Máu Chúa, mà thánh Phao-lô nói là ăn và uống án phạt.

Đoạn Kinh Thánh này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc Rước Thánh Thể, là Mình và Máu Chúa Giê-su, trong tình trạng ân sủng. Nếu không, chúng ta có thể ăn và uống, không phải để được cứu độ, nhưng là chuốc lấy án phạt!

12. Luca chương 24: Đường về Em-mau

Một đoạn Kinh Thánh nói về Phục Sinh rất tuyệt vời và nồng ấm. Trọng tâm của đoạn Kinh Thánh này cho chúng ta một bản tóm kết về Thánh Lễ thu nhỏ. Hai môn đệ, đang rời khỏi Giê-ru-sa-lem sau khi Đức Ki-tô chịu đóng đinh và tử nạn, đã vô cùng tuyệt vọng, cho tới khi một vị khách lạ cùng đi với họ. “Vị khách lạ” ấy chính là Đức Giê-su phục sinh, nhưng họ không nhận ra Người. Trên đoạn đường trở về làng của mình, họ trò chuyện và lắng nghe Đức Giê-su. Đoạn đường ấy chính là phần Phụng vụ Lời Chúa. Việc Bẻ Bánh tại ngôi làng nhỏ bé ở Em-mau chính là phần Phụng vụ Thánh Thể.  

Một giải thích quan trọng: khi sống và bước đi mà không có Đức Giê-su, thì chúng ta sống và bước đi trong tăm tối mịt mù, tuyệt vọng, và buồn bã. Tuy nhiên, khi Đức Giê-su, Con Thiên Chúa và là Ánh Sáng Thế gian, xua tan bóng đen và soi đường dẫn lối cho chúng ta, thì bóng mây của sự buồn bã sẽ tan biến và chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui tràn trề và dư đầy!  “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” 

13. Kinh Lạy Cha  

Trong Lời Nguyện Cầu của Chúa, mà chúng ta thường gọi là Kinh Lạy Cha, có bảy lời cầu xin. Một trong những lời cầu xin này ám chỉ đến Thánh Thể và việc Hiệp Lễ. “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày…” Một cách nào đó, điều này có thể được xem là thách đố, vì còn tùy vào bổn phận hằng ngày của chúng ta, để tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ thậm chí là mỗi ngày.

Nói cách khác, lương thực hằng ngày có thể được giải thích là Thánh Lễ hằng ngày và Rước Lễ mỗi ngày. Những ai có thói quen tham dự Thánh Lễ hằng ngày và Rước Lễ mỗi ngày sẽ thấy rằng họ không thể sống mà thiếu của ăn này. Hãy cố gắng: tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ mỗi ngày!

14. Luca 1,36: Đón nhận Chúa Giê-su như Đức Maria đã làm

Khi Đức Bà ưng thuận thánh ý Chúa qua lời tiên báo của Tổng lãnh Thiên Thần Gáp-ri-en bằng tiếng Xin Vâng: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa; xin hãy làm cho tôi như lời sứ thần”, thì lúc đó “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14)

Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đưa ra một sự so sánh giữa lời Xin Vâng của Mẹ Maria với lời thưa Amen của chúng ta khi chúng ta rước Chúa Giê-su vào lòng. Theo nghĩa này, lời Xin Vâng của Mẹ Maria đưa đến việc đón nhận Chúa Giê-su vào lòng, trí, thân xác, và linh hồn Mẹ; cũng thế lời thưa Amen khi chúng ta rước Chúa Giê-su trong Thánh Lễ đưa đến việc Chúa Giê-su đi vào tâm điểm con người chúng ta. Vì lý do đó, điều quan trọng là phải xin Mẹ Maria ban ơn để lãnh nhận Chúa Giê-su với lòng tin, lòng sùng kính, và lòng mến khi Rước Lễ.

15. Luca chương 1: Bài ca Magnificat

Chúng ta kết thúc bằng một chú thích về Đức Maria của một người rất yêu mến Mẹ, đó là thánh Lu-y đờ Mông-pho, người đã để lại cho chúng ta Lòng sùng kính chân thật dành cho Mẹ Maria. Liên quan đến Thánh Lễ, việc Hiệp Lễ, và Thánh Thể, thánh Lu-y nói rằng một trong những cách tốt nhất để chúng ta có thể dâng lời tạ ơn Chúa Giê-su cách tương xứng sau khi đón rước Người, là qua việc cầu nguyện bằng lời kinh Magnificat của Mẹ Maria. “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi…” 

Qua lời chuyển cầu của Trái Tim Vô Nhiễm và vẹn sạch của Mẹ Maria, ước gì hết thảy anh chị em đều trưởng thành trong đức tin, lòng sùng kính, và lòng yêu mến dành cho Chúa Giê-su qua việc tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ thường xuyên. Quả thực, Chúa Giê-su chính là Bánh Hằng Sống, và hễ ai ăn Thịt và uống Máu Người, thì sẽ có sự sống đời đời trong niềm vui, bình an, và hoan lạc mãi mãi trên Thiên Đàng.

“Ôi Nhiệm Tích cực thánh, Ôi Nhiệm Tích thần linh, Chúa đáng ngợi khen và tạ ơn muôn đời!”

Cát Bụi, SSS chuyển ngữ từ catholicexchange.com (05.10.2021)